Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Truyện ngắn MÙA XUÂN LẠNH LẼO

MÙA XUÂN LẠNH LẼO 
Truyện ngắn của Trọng Bảo 

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, núi, ngoài trời và thiên nhiên

Mưa phùn lất phất. Gió bấc thổi ù ù. Tôi phải giảm bớt ga giảm tốc độ xe máy cho đỡ rét buốt và đỡ bị những giọt mưa lạnh lẽo bay táp vào mặt. Cái rét khiến tôi thấy con đường về quê như kéo dài ra xa hơn.
Qua thị trấn Hương Canh tôi dừng lại ở chỗ bán đồ gốm sứ ven đường. Tôi tính mua một cái chậu nhỏ để trồng cây phong lan rừng mà anh bạn đi Điện Biên về mới cho. Đang nhấc một cái chậu đất nung lên xem thì một ông mặc bộ quần áo mưa cũ kỹ, bám bẩn đầy bùn đất tay ôm một cái bát cắm nhang cứ ngó tôi trừng trừng rồi reo lên:
- Ôi… anh Hà! Đúng là anh rồi…
- Ơ… ơ… ông… - Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao ông ta lại biết tên mình. Tôi chăm chú nhìn ông ta một lúc rồi reo lên: - Ông là… À… à… tao… tao nhận ra rồi. Mày là thằng Thứ!
- Vâng! Đúng là em đây!
- Sao mày lụ khụ thế này hả?
- Thì em là nông dân, quanh năm lăn lê, bò toài ngoài ruộng, khổ hơn cả thời lính tráng ấy thì làm gì mà chả lụ khụ?
Nghe nó giải thích, tôi chợt nhớ là đã ba mươi mấy năm rồi còn gì. Thì ra trong tâm trí tôi lúc nào cũng cứ nghĩ nó còn trẻ như là ngày nhận cánh lính mới đưa lên biên giới dạo nào.
- Thế mày đi mua bát nhang đem về chuẩn bị bàn thờ tết à?
- Tết nhất gì! Em mua cái bát nhang này để đem ra mộ thằng Hào đây!
- Thằng Hào nào! Có phải thằng Hào cùng cánh lính bảy tám với mày phải không?
- Đúng là nó đấy!
- Thế đã tìm thấy và đưa nó về quê rồi à?
- Vâng…
- Mộ nó ở đâu?
- Ở gần đây thôi anh ạ!
Tôi quyết định:
- Thế thì mày dẫn tao đi thăm nó luôn nhé!
- Vâng anh đi với em! Anh em mình qua thị trấn mua ít hoa quả, kiếm lấy một cân xi-măng. Ta đem cái bát nhang này ra gắn trên mộ nó. Hôm trước, nhân dịp kỷ niệm ngày nhập ngũ em đến thăm mộ nó thấy cái bình cắm nhang bị đám trẻ con nghịch hay trâu bò phá đã bị vỡ rồi…
- Ừ…
Chúng tôi mua ít hương hoa, gói bánh quy và cân xi măng rồi ra mộ thằng Hào. Mộ nó ở chôn ở sườn một quả đồi nhỏ cạnh hai ngôi mộ khác. Đó là mộ của bố mẹ nó. Cả ba ngôi mộ đều đã được xây gạch cẩn thận. Thằng Thứ đốt một nén nhang rồi lầm rầm khấn khứa câu gì đó. Đoạn nó dùng con dao găm cũ kỹ nạy bỏ cái bát nhang vỡ gắn phía dưới mộ thằng Hào. Nó đặt cái bát nhang mới vào rồi trộn tý xi-măng gắn lại. Tôi thắc mắc là tại sao lại không đưa hài cốt thằng Hào vào nghĩa trang liệt sĩ. Thằng Thứ giải thích tại nhà nó tự ý đem nó từ biên giới về, giấy tờ không đủ nên địa phương chưa cho đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Bây giờ thì người thân nó không còn ai nên mọi giấy tờ, thủ tục vẫn chưa hoàn chỉnh. Với lại ý nguyện của bố mẹ thằng Hào muốn nó nằm bên cạnh mình ở nơi sườn đồi lộng gió này.
Châm mấy nén nhang cắm lên mộ thằng Hào và mộ của bố mẹ nó, tôi lại thấy lạnh thêm khi nhớ về những ngày đã qua ấy.
*
Cuối năm 1978. Tôi được giao nhiệm vụ đi tuyển quân ở tỉnh Vĩnh Phú, quê hương của mình. Chúng tôi nhận tân binh ở Bình Xuyên. Bọn thằng Thứ và thằng Hào ở trong số tân binh chúng tôi đã nhận và đưa về đơn vị huấn luyện. Khi biên chế hai thằng ở trung đội 3, cùng đại đội với tôi. Tôi là cán bộ trung đội 1. Do đồng hương, lại quen nhau từ khi mới nhập ngũ nên hai thằng hay sang chơi với tôi. Được phân phối cân đường đỏ tôi sẻ cho mỗi thằng vài lạng pha nước uống khi đi tập về mệt nhọc.
Sau thời gian huấn luyện ở Ngân Sơn, đơn vị chúng tôi hành quân lên biên giới. Tình hình rất căng thẳng. Chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ phòng thủ ở khu vực biên giới huyện Hà Quảng. Khi chiến tranh biên giới xảy ra đơn vị chúng tôi đã đối mặt đánh nhau với bọn xâm lược ngay từ ngày đầu tiên. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt. Đến ngày thứ chín thì tiểu đoàn tôi bị bọn địch bao vây, chia cắt. Các đại đội trong đội hình tiểu đoàn đều bị nhiều tổn thất. Quá nửa quân số thương vong. Người chết, người bị thương vãn cả đội hình chiến đấu. Đạn dược, lương thực cũng đã cạn kiệt dần. Đơn vị nhận được lệnh phá vòng vây rút lui. Đại đội chúng tôi dồn đội hình lại còn hai trung đội. Lúc nhận các chiến sĩ về trung đội mình tôi khẽ reo lên:
- Thứ đấy hả! Vẫn còn sống là tốt rồi.
Thằng Thứ thì thào:
- Thằng Hào bị thương nhẹ vào phần mềm tay trái, vẫn cầm súng đánh nhau tốt anh ạ!
- Thế nó đâu rồi?
- Nó đi bảo vệ đưa thương binh về phía sau, nửa đêm sẽ quay lên!
- Thế tốt rồi! Nhưng hai đứa về bộ phận của tao là nguy hiểm lắm, chúng mày phải thật cẩn thật đấy!
- Bộ phận của anh làm nhiệm vụ gì ạ?
- Bộ phận này có nhiệm vụ đi trước mở đường. Khi bị địch truy đuổi thì sẽ dừng lại chốt chặn địch để đơn vị rút đi.
- Chúng em sẽ cố gắng!
- Tình huống nào cũng không được bỏ chạy hiểu không?
- Anh cứ yên tâm…
Nghe thằng Thứ nói vậy nhưng tôi không thấy yên tâm chút nào. Nói là một trung đội nhưng quân số chỉ có mười bốn thằng, chỉ bằng một tiểu đội tăng cường. Súng thì sắp hết đạn, lương thực thì cạn kiệt. Nhìn những bóng người nhỏ bé xác xơ sau gần mười ngày chiến đấu, đói ăn, không ngủ, tôi cảm thấy lo lắng. Gần sáng hôm sau thì thằng Hào trở về. Nó tìm đến chỗ tôi báo cáo việc một chiến sĩ cùng đi bảo vệ đoàn tải thương binh với nó về tuyến sau đã bỏ trốn luôn theo xe thương binh không trở lại đơn vị nữa. Tôi thở dài. Thế là trung đội của tôi chỉ còn có mười ba người. “Sẽ có một thằng chết! Con số 13 sui lắm!”. “Hay là một thằng nào xin chuyển sang bộ phận khác đi!”. - Tôi nghe có tiếng thì thào bàn tán phía sau gộp đá. Tôi không mê tín nhưng cũng chợt thấy hơi xao xuyến khi nghe chuyện của mấy chiến sĩ. Nhưng rồi tôi không thấy ai xin chuyển sang bộ phận khác cả. Anh em theo tôi đi chuẩn bị trinh sát đường và rải quân để đêm mai đưa đơn vị vượt vòng vây quân giặc.
Chúng tôi cử một tổ bám đường từ lúc chập tối. Trên đường quốc lộ bộ binh, xe tăng, xe kéo pháo của bọn địch qua lại tấp nập. Nhìn những toán quân xâm lược hăng hái rầm rập tiến sâu vào đất ta chúng tôi rất lo lắng. Thông tin liên lạc giữa tiểu đoàn tôi với cấp trên đã bị cắt đứt hoàn toàn. Không hiểu tình hình đang diễn ra thế nào. Tiếng súng vẫn rền vang ở xung quanh. Có lẽ những trận đánh lớn vẫn xảy ra ở phía Nguyên Bình, Mỏ Sắt và hướng thị xã Cao Bằng.
Quá nửa đêm thì tổ trinh sát bám mặt đường trở về. Thằng Thứ vẻ mặt buồn bã, hốc hác gặp tôi báo cáo:
- Thằng Hào hy sinh rồi anh ạ!
- Nó… nó chết thế nào?
- Bọn em đang vượt sang đường thì bị địch phát hiện. Thằng Hào đi trước liền nhào sang phía bên kia đường rồi nổ súng dụ bọn địch đuổi theo. Em và thằng Sùng Mí De còn nằm dưới rãnh thoát nước phía bên này nhờ thế không bị bọn địch phát hiện. Em nhìn thấy bọn địch lôi thằng Hào ra giữa đường. Hình như lúc ấy nó đã chết rồi anh ạ! Bọn chúng soi đèn rọi vào mặt thằng Hào. Mặt nó đẫm máu, nó nằm không thấy nhúc nhích cựa quậy gì nữa!
Tôi rùng mình thấy lạnh buốt trong lòng. Tôi dặn thằng Thứ trở về vị trí của mình chờ tôi đi báo cáo tình hình với chỉ huy đại đội. Thằng Thứ bảo:
- Em và một thằng sẽ trở lại chỗ thằng Hào hy sinh. Phải tìm cách lấy xác nó đưa lên trên núi mai táng anh ạ!
- Phải hết sức cẩn thận. Đề phòng bọn địch phục kích và gài mìn để bẫy ta đến lấy xác liệt sĩ. Nhớ là cảnh giới bảo vệ, chi viện cho nhau thật cẩn thận hãy hành động nhé!
- Vâng…
Giao nhiệm vụ cho thằng Thứ xong tôi trèo lên phía bên kia dốc núi, nơi chỉ huy đại đội và đội hình của tiểu đoàn đang ém quân. Nhìn xuống con đường, bọn địch đã bớt đi lại, anh đèn xe và tiếng gầm rú của xe tăng lắng hẳn.
Khi tôi quay trở lại đã gần sáng. Trời đã tan bởt mây mù, ánh trăng sáng lờ mờ. Thằng Thứ đón tôi ở ngay lối mòn. Nó bảo:
- Đưa được xác thằng Hào lên sườn núi rồi anh ạ! Nhưng…
- Thế thì ổn rồi! Chúng ta phải khẩn trương chôn cất cho nó rồi trở về đội hình của đại đội nhận nhiệm vụ mới ngay!
Thằng Thứ im lặng. Nó dẫn tôi đến chỗ hốc đá đang để xác thằng Hào. Thằng Hào đã được gói trong một tấm tăng rách. Thằng Thứ kể nó và thằng Sùng Mí De phải cột thằng Hào lên lưng để vừa bò lên dốc núi vừa sẵn sàng đánh trả bọn địch. Thằng Sùng Mí De quê ở Hà Giang, là người dân tộc Mông có tài leo núi nhanh nhẹn như con sóc. Nó là một người chiến đấu rất dũng cảm trong những trận đánh vừa qua.
Tôi rờ rẫm sờ tay kiểm tra thi thể của thằng Hào. Chợt tôi giật mình hốt hoảng hỏi:
- Đầu của thằng Hào đâu rồi?
Thằng Thứ hổn hển nói, giọng nó nghẹn ngào xúc động:
- Bọn giặc chặt đầu nó ném đi đâu mất rồi anh ạ!
- Vậy làm thế nào bây giờ… hay…
Thằng Thứ trấn tĩnh lại:
- Phải quay lại tìm đầu nó anh ạ!
- Nhưng chúng ta chỉ còn có gần ba tiếng nữa là phải hành quân về vị trí tập kết rồi. Bọn địch sẽ đánh ác liệt vào khu vực này sáng sớm ngày mai đấy!
- Ba tiếng vẫn kịp! Để em đi…
- Thôi được! - Tôi quyết định: - Tao với mày sẽ cùng xuống chân núi một lần nữa!
Nghe tôi nói vậy, thằng Sùng Mí De liền đề nghị:
- An cho en cùn xuốn tìn an Hao vơi nhe! (Anh cho em cùng xuống tìm anh Hào với nhé!)
Thằng Sùng Mí De nói tiếng Kinh chưa sõi. Tôi đồng ý vì nó nhanh nhẹn và dũng cảm. Ba chúng tôi lại lần xuống chân núi. Tôi phán đoán chỗ thằng Hào bị địch giết phía ta-luy dương là vách núi dốc, bọn chúng không thể ném đầu nó lên trên. Nhất định bọn giặc sẽ ném đầu thằng Hào xuống phía ta-luy âm, nơi có con suối cạn. Điều khó khăn là ban đêm, ánh trăng lờ mờ không soi rõ mọi vật và việc tìm kiếm dưới lòng con suối cạn phía bên kia đường rất dễ bị địch phát hiện. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tìm cách vượt qua đường quốc lộ sang phía bên kia. Tôi bảo thằng Sùng Mí De nằm lại ở trên lề đường cảnh giới rồi cùng thằng Thứ tụt xuống suối. Con suối cạn dưới ánh trăng lổn nhổn những hòn đã tròn tròn rất khó phân biệt. Mò mẫm mãi hai chúng tôi vẫn không tìm được đầu của thằng Hào. Trời đã sắp sáng. Có tiếng gà gáy eo óc trong một bản gần đấy vọng ra. Thằng Thứ thì thào: “Làm thế nào bây giờ anh nhỉ? Nếu không tìm thấy đầu của nó thì sau này về gặp bố mẹ nó em biết ăn nói thế nào!”. Tôi định động viên nó là chiến tranh biết làm sao được thì chợt nhớ đến câu chuyện mình đã từng nghe ở ngã ba Đồng Lộc có cô thanh niên xung phong bị bom Mỹ vùi mất tích nhờ một anh đọc lên bài thơ gọi hồn mà đã tìm thấy xác. Tôi liền lẩm bẩm khẽ gọi:
“Hào ơi Hào
Đầu mày ở chỗ nào?
Hãy gọi cho tao một tiếng!”
Thế là vừa tiếp tục rờ rẫm dưới lòng con suối cạn tôi vừa lẩm bẩm mãi cái câu mình chợt nghĩ ra ấy: “Hào ơi Hào/Đầu mày ở chỗ nào?/Hãy gọi cho tao một tiếng!”.
Thật bất ngờ khi quờ tay vào một vũng nước giữa hai hòn đá tôi chạm tay vào mái tóc của thằng Hào. Thật linh nghiệm. Tôi khẽ kêu lên: “Thấy rồi!”. Thằng Thứ liền nhào đến. Nó đỡ cái đầu của thằng Hào lên vuốt mái tóc xuôi về phía sau rồi thốt lên: “Hào ơi! Sao mày lại khốn khổ thế này!”. Đoạn nó để cái đầu thằng Hào vào cái ba lô lép kẹp đang đeo trên lưng. Tôi và thằng Thứ bò lên mặt đường khều thằng Sùng Mí De cùng vượt đường rút nhanh lên núi. Đã có tiếng xe tăng quân giặc gầm rú ở hướng biên giới.
Bộ phận ở lại dùng xẻng bộ binh đã đào xong một cái hố nông choèn trong khe đá và đặt phần thân thể của thằng Hào xuống. Trên sườn núi đã mà khoét được một cái hố như thế này cũng thật khó khăn. Thằng Thứ cẩn thận đặt cái ba lô xuống. Nó nhẹ nhàng nhấc cái đầu của thằng Hào ra. Một thằng đỡ lấy đặt vào phần thân thể của nó rồi định gấp tấm tăng gói lại. Thằng Thứ vội ngăn:
- Khoan, để rửa mặt cho nó đã!
Thằng Thứ lấy ra cái khăn mặt và cái bi-đông đựng đầy nước suối vừa múc lúc nãy. Nó đưa cái bi-đông cho một thằng bảo đổ nước ra để vò chiếc khăn. Một người từ phía sau len lên nói:
- Để em lau mặt anh ấy cho!
Tôi ngạc nhiên. Đó là tiếng con gái. Tôi vừa định hỏi cô gái này ở đâu đến thì một chiến sĩ cho biết cô ấy tên là Hằng ở đơn vị thanh niên xung phong. Đơn vị thanh niên xung phong bị địch đánh tan tác, cô bé thất lạc chạy lên núi may gặp bộ đội liền xin đi theo. Cô bé thanh niên xung phong lau chùi mặt cho thằng Hào rất cẩn thận.
Chúng tôi vun đất xuống cái hố. Phải moi đất xung quanh mới đắp được cho thằng Hào một nấm mộ nhỏ, đánh dấu cẩn thận. Không có hương nhang. Không có hoa. Cô bé thanh niên xung phong khẽ khàng đặt lên nấm mộ mới đắp một cành lá xanh. Thế là thằng Hào và bao chiến sĩ trẻ nữa chưa đủ một tuổi quân đã thành liệt sĩ. Đến giờ hành quân. Các chiến sĩ lục tục trèo qua gộp đá lên con đường mòn vắt ngang lưng chừng dãy núi. Mười ba người chúng tôi, mười hai khẩu súng đã gần hết đạn, ai nấy quần áo tả tơi, người còn ba-lô, người thì buộc túm cái quần dài lại đeo sau lưng để đựng đạn và lương thực thay cho ba-lô. Hai ống quần căng ra trông giống như một nửa thân người. Cô bé thanh niên xung phong đi gần cuối đội hình không có súng, cũng không có ba-lô. Tôi đưa cho cô một quả lựu đạn. Thế là quân số bộ phận chúng tôi lại đủ mười ba người...
Trời đã sáng nhưng sương mù vẫn bay mù mịt, che khuất bóng người đi. Chúng tôi lặng lẽ bám sát theo nhau trên con đường dài thăm thẳm của cuộc chiến tranh khốc liệt.
Mùa Xuân năm ấy sao mà lạnh lẽo đến thế.
Hà Nội, tháng 2-2012

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 9

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 9 
Ghi chép của Trọng Bảo

9-Rút lui khỏi thị trấn Sóc Giang

Trận đánh quyết liệt cuối buổi chiều ngày 20-2, các đơn vị của Tiểu đoàn 3 đã đẩy lui tất cả các cuộc tấn công của bọn bành trướng vào thị trấn Sóc Giang và các trận địa phòng ngự của chúng tôi. Các đơn vị trong tiểu đoàn đã thể hiện quyết tâm: "Chiến đấu đến viên đạn, người lính cuối cùng, kiên quyết không rời trận địa khi chưa có lệnh!".
Đại đội 10 sau cuộc cận chiến bằng lưỡi lê, báng súng tuy chịu rất nhiều tổn thất song đã đánh bật bọn địch xuống mặt đường, đẩy lùi lượng lượng đặc nhiệm của chúng trở lại điểm cao 505, cơ bản lấy lại được trận địa. Đại đội 9 vẫn giữ vững được khu vực ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, Bộ phận chốt chặn của đại đội 11 vẫn bảo vệ được đoạn đường hẹp "cổ chai" phía dưới trường cấp 1 ngăn chặn quân địch từ hướng cửa khẩu Bình Mãng tràn xuống thị trấn Sóc Giang. Trong ngày, tám chiếc xe tăng địch bị bắn cháy, bắn hỏng, hơn bốn trăm tên địch bị tiêu diệt. Xác xe tăng, xác bộ binh chúng nằm rải rác khắp thị trấn Sóc Giang. Bọn địch từ hướng Mỏ Sắt, Thông Nông lên phải co cụm lại ở bản Nà Nghiềng. Không một tên địch nào bám được vào vách núi đá lối lên hang chỉ huy của tiểu đoàn. Bọn chúng bị chặn đứng ở ngay phía trước nhà bưu điện thị trấn. Những khẩu súng trên tay xác những tên giặc chết nằm trên đám ruộng ngô non bản Nà Nghiềng, khu chợ thị trấn, nòng pháo trên những chiếc xe tăng bị bắn cháy vẫn hướng về phía cửa hang Huyện ủy, nơi chúng tôi đang trụ vững.
Khi các hướng tiếng súng tạm lắng thì màn đêm buông xuống. Trừ bộ phận cảnh giới, chúng tôi rút vào trong hang tránh đạn pháo của bọn địch. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh ngồi dựa vào thành hang. Trông anh có vẻ mệt mỏi. Chúng tôi ngồi nằm ngổn ngang xung quanh, nhiều người quần áo còn bê bết bùn đất. Trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ tranh thủ báo cáo tình hình địch, sau đó tôi tổng hợp điện của các đơn vị báo cáo về quân số thương vong, về trang bị vũ khí đạn dược. Nét mặt của chính trị viên Hoàng Quốc Doanh thêm tối đi mỗi khi tôi đọc số lượng, tên người hy sinh, mất tích, bị thương. Anh em trong hang cũng lặng đi khi nghe tên đồng đội của mình vừa ngã xuống. Không khí trong hang trầm hẳn đi...
Hồi lâu chính trị viên Hoàng Quốc Doanh mới lên tiếng:
- Chúng ta đã chịu nhiều tổn thất, hy sinh. Nhưng hôm nay chúng ta đã đánh một trận làm cho quân thù phải khiếp sợ. Thị trấn Sóc Giang hôm nay đúng là một "tọa độ lửa" các đồng chí ạ. Nhiều người đã hy sinh nhưng chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ được trận địa. Hôm nay, các đồng chí ấy ngã xuống để cho chúng ta còn sống ngồi đây... không ai được quên điều ấy...
Lặng đi một lát anh nói thêm, giọng nhỏ hơn:
- Nếu buổi chiều hôm nay chúng ta không giữ vững được trận địa, hoặc có một đơn vị, một bộ phận nào rút lui tháo chạy thì tất cả chúng ta sẽ bị tiêu diệt không ai còn sống đâu. Bọn địch đã quây kín xung quanh cái thị trấn nhỏ bé này rồi...
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh biểu dương tình thần chiến đấu của các đơn vị trong tiểu đoàn. Anh cũng không quên nhắc đến sự chi viện của một khẩu đội 12ly7 thuộc Đại đội 16 của trung đoàn. Khẩu đội này bố trí trên mỏm núi bên phải bản Cốc Sâu, ngay giữa đội hình xuất phát của quân địch khi tấn công vào chốt của Đại đội 10 sáng nay. Các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã dũng cảm nằm im giữa đội hình của bọn giặc chờ đợi. Bọn giặc sẽ không phát hiện ra nếu họ lặng lẽ trèo lên núi cao theo đường mòn rút đi. Nhưng các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã không làm thế. Họ nằm im khi thấy địch tập trung quân xung quanh ngay dưới chân mình. Khi bọn địch bắt đầu tấn công vào thị trấn thì họ lập tức nhả đạn xối xả vào lưng, vào gáy bọn chúng để chi viện cho Đại đội 10. Bọn địch phải tổ chức một lực lượng quay lại bao vây tiêu diệt khẩu đội 12ly7 đột ngột xuất hiện trên mỏm núi đá ngay sau lưng đội hình của chúng. Sau này chúng tôi được biết, các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Họ phá hỏng khẩu 12ly7 trước khi bọn địch xông đến rồi dùng lựu đạn và súng bộ binh quyết tử với chúng. Phần lớn chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã hy sinh.
Tôi càng thấm thía những gì chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vừa nói. Là người phụ trách thông tin liên lạc, nhận những bức điện trong những tình huống cam go nhất nên tôi hiểu. Có bộ phận bị đánh ác liệt, thiệt hại nặng nề xin rút lui, có đơn vị chết gần hết chỉ huy, có đại đội vị không còn đạn dược. Tình huống dồn dập, cấp bách, bọn địch tấn công khắp nơi có lúc tôi nghe điện đã hoang mang vậy mà chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vẫn bình tĩnh xử lý. Anh còn động viên tôi bình tĩnh đảm bảo thông tin liên lạc. Tôi đã xử lý được tất cả các tình huống để đảm bảo liên lạc thông suốt trong các trận đánh, nhất là khi bị bọn giặc phá sóng. Nhiều lần cứ mở máy liên lạc là bọn giặc xen vào làm nhiễu sóng và nghe lén thông tin. Loại máy vô tuyến 884 chúng tôi đang sử dụng là do Trung Quốc sản xuất viện trợ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ vì thế chúng rất hiểu khi gây nhiễu, phá hoại…
Để chuẩn bị cho các trận đánh ngày hôm sau, cơ quan tiểu đoàn bộ tổ chức một trung đội sang tăng cường cho Đại đội 10. Tiểu đội trưởng hữu tuyến Hà Trung Lợi được bổ nhiệm làm trung đội trưởng. Lực lượng của trung đội này hơn chục chiến sĩ ở các ở các bộ phận thông tin, vận tải, nuôi quân. Sau khi nhận đủ người, Hà Trung Lợi liền dẫn bộ đội đi ngay. Ngày 21-2, Hà Trung Lợi đã cùng bộ phận của mình chiến đấu rất dũng cảm cùng anh em Đại đội 10. Trung đội trưởng thông tin Phạm Hoa Mùi cũng được giao phụ trách một bộ phận chiến đấu. Thấy tôi nhấp nhỏm vì chưa biết mình sẽ được giao nhiệm vụ gì, xuống đại đội nào thì chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo: “Mày vẫn phải ở lại cơ quan tiểu đoàn bộ lo việc bảo thông tin cho chỉ huy, hiểu không?”.
Các bộ phận đi hết, hang chỉ huy còn rất ít, chủ yếu là thương binh và một số chiến sĩ trinh sát, thông tin, vận tải.
Đến khoảng hơn tám giờ tối thì chúng tôi nhận được lệnh rút lui khỏi thị trấn Sóc Giang.
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh họp cùng chỉ huy, các cán bộ đại đội. Một tấm bản đồ địa hình trải xuống ngay nền hang đá. Các chỉ huy đang bàn kế hoạch rút lui khỏi thị trấn. Những cái đầu bù xù. Những khuôn mặt hốc hác vì gần tuần nay chiến đấu ác liệt, đấu trí, đấu sức với quân giặc và chứng kiến bao sự hy sinh rồi mất ngủ, đói khát. Với một đơn vị đã thiệt hại nặng, gần như kiệt sức chiến đấu cùng rất nhiều thương binh nặng việc tìm một phương án rút lui làm sao cho đỡ tổn thất thêm sinh lực quả là không đơn giản. Vị trí hang chỉ huy của tiểu đoàn đã bị lộ. Bọn địch bao vây chặt, hoả lực của chúng đặt ở điểm cao 505 và đồn công an vũ trang trên mỏm đồi ngay phía sau đội hình của tiểu đoàn, đối diện hang Huyện ủy. Chúng bắn không tiếc đạn vào cửa chính của hang.
Sau một lúc trao đổi, chính trị tiểu Hoàng đi đến một quyết định táo bạo:
- Chúng ta sẽ rút lui theo hướng cửa hang chính, qua bản Nà Nghiềng sau đó băng qua cánh đồng sang dãy núi đá vượt lên trên Lũng Vỉ. Nếu bị bọn địch phát hiện ngăn chặn thì nổ súng mở đường máu rút quân…
Có nhiều tiếng xì xào. Bởi nếu rút lui theo hướng cửa hang chính thì chính là một cuộc phá vây, mở đường máu thực sự. Bọn địch đã chiếm bản Nà Nghiềng, xe tăng chúng nằm lổm ngổm chặn khắp các ngõ ngách thị trấn Sóc Giang. Con đường rút lui của đơn vị sẽ đi qua giữa đội hình quân địch. Biết thế nhưng không ai có ý kiến phản đối. Bởi vì ai cũng hiểu đường rút qua cửa hang phụ an toàn hơn, bọn địch khó phát hiện được. Nhưng cửa hang phụ vách núi đá dựng đứng, người khoẻ leo lên, leo xuống đã khó đừng nói là khênh cáng thương binh.
Tiếp theo, trợ lý tham mưu tiểu đoàn Bùi Thế Thọ bắt đầu trình bày kế hoạch cụ thể cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đang có mặt trong hang nghe. Theo kế hoạch, các bộ phận sẽ chia nhỏ thành từng tổ ba bốn người, vũ khí, trang bị, khiêng cáng thương binh thật gọn gàng, để có thể trong vòng hai đến ba phút, là khoảng cách thời gian giữa hai đợt pháo địch bắn cầm canh vào cửa hang, phải vượt được một quãng đường gần hai trăm mét từ hang xuống đến con mương nước bên phải bản Nà Nghiềng, gần nhà bưu điện thị trấn. Tiểu đội trinh sát đi trước ém quân dọc theo con mương sẽ bảo vệ cho đội hình rút lui. Khi bị địch phát hiện thì từng tổ sẽ tổ chức đánh địch, vừa đánh vừa rút.
Tôi hiểu, việc chia nhỏ ra như thế nếu bị trúng đạn pháo hoặc quân địch phát hiện truy kích thì tổn thất sẽ ít hơn. Bộ phận mở đường do trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ và các chiến sĩ trinh sát nắm tình hình địch, công binh để phát hiện mìn, xử lý vật cản.
Đêm đã về khuya. Trời lạnh buốt da, buốt thịt. Chúng tôi tranh thủ gặm nắm cơm đã khô cong cho đỡ đói chờ lệnh xuất phát. Trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ nhìn đồng hồ. Đã gần một giờ sáng. Đợt pháo và ĐKZ của bọn địch bắn vào cửa hang vừa dứt, khói bụi còn mù mịt anh Thọ đã hạ lệnh cho bộ phận đi trước:
- Xuất phát!
Chúng tôi lao ra ngoài cửa hang. Đá núi ở bên ngoài cửa hang bị pháo băm vụn, nghiền nát, thậm chí sức nóng của lửa đạn nung chín thành vôi bột cả con đường lát bằng đá từ chân dốc lên hang. Chúng tôi không thể bước đi như bình thường được. Tất cả mọi người liền ngồi bệt xuống, súng quàng trước ngực, ba lô sau lưng, hai tay dang ra hai bên giữ thăng bằng tụt xuôi nhanh xuống dốc như trẻ con tụt máng trượt trong công viên. Khi chúng tôi đến được đầu nhà bưu điện thị trấn thì pháo địch bắt đầu bắn loạt tiếp theo. Mọi người nhảy xuống mương nước. Quên cả cái giá lạnh, chúng tôi lội trong mương nước bám sát nhau về phía bản Nà Nghiềng. Trong bản có lực lượng địch. May mà lòng mương sâu gần hai mét so với mặt đường, nước lại chảy rào rào, lau lách rậm rạp nên bọn địch không phát hiện được.
Đến cuối bản Nà Nghiềng tốp đi đầu dừng lại lập thành một điểm chốt sẵn sàng đánh chặn địch và chờ để đón các bộ phận tiếp theo rút qua. Tôi dừng lại áp ngực vào bờ mương cho đỡ rét. Tôi vừa căng mắt quan sát, canh chừng con đường từ bản Nà Nghiềng ra vừa hồi hộp nhẩm đếm các tốp rút qua chỗ mình. Đội hình của tiểu đoàn bộ cùng các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11, Đại đội 9 đã vượt ra được cánh đồng băng sang phía chân núi đá. Không ngờ, cuộc rút lui của chúng tôi lại an toàn tuyệt đối. Bọn địch không phát hiện được khi gần một trăm con người, có nhiều thương binh cùng vũ khí đi qua ngay dưới chân đồn công an vũ trang và bản Nà Nghiềng là nơi chốt giữ của bọn chúng. Có lẽ vì chúng không ngờ ta lại liều lĩnh, táo bạo đến thế.
Trời đã gần sáng. tôi cùng mấy anh em trong tiểu đội vô tuyến khẩn trương chạy đến chân núi đá. Chúng tôi băng qua cánh đồng đang cày dở. Những luống cày căn ngang rất khó chạy. Đến giữa đồng, tôi gặp mấy thương binh nhẹ đang dìu nhau đi. Tôi giục:
- Anh em hãy nhanh nhanh lên! Trời sắp sáng rồi. Cố gắng đến chân dãy núi bên kia hãy dừng lại nghỉ kẻo bọn địch phát hiện ra đấy!
- Vâng… vâng…
Vừa định chạy đi cho kịp anh em trong tiểu đội nhưng thấy mấy thương binh dìu nhau tập tễnh mãi không qua được một bờ ruộng cao, tôi lộn quay lại đỡ từng người vượt qua.
Chúng tôi đến được chân dãy núi đá có lối mòn dẫn lên Lũng Vỉ thì trời đã tang tảng sáng. Tại chân dốc núi chúng tôi gặp tiểu đoàn trưởng Trần Xuân Thiêm và các chiến sĩ của đại đội 12 đang chờ đón ở đây. Các chiến sĩ Đại đội 12 giúp khiêng cáng thương binh nặng, mang vác vũ khí leo lên dốc.
Khi chỉ huy tiểu đoàn và các Đại đội 9, Đại đội 11 rút đã lên Lũng Vỉ thì các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10, một tiểu đội của Đại đội 11 và trung đội tăng cường của cơ quan tiểu đoàn bộ vẫn tiếp tục củng cố trận địa tại thị trấn Sóc Giang. Họ cầm cự chiến đấu với bọn giặc suốt ngày hôm sau. Buổi tối ngày 21-2, lực lượng cán bộ, chiến sĩ bộ phận chiến đấu ở chốt của Đại đội 10 đã tổ chức một cuộc phá vây thành công rút lui lên núi về với đội hình của tiểu đoàn.
Từ ngày 22-2 trở đi quân giặc, nhất là lực lượng đặc nhiệm sơn cước của bọn Trung Quốc tiếp tục truy kích theo dấu vết của chúng tôi. Những cuộc chiến đấu đã xảy ra ở Lũng Mật, Táp Ná… Đến cuối tháng 2-1979, Tiểu đoàn 3 đã tổ chức vượt qua huyện Thông Nông sang huyện Nguyên Bình, tham gia chiến đấu bảo vệ khu công nghiệp mỏ thiếc Tĩnh Túc. Tiểu đoàn đã lập thêm được nhiều chiến công ở Minh Tâm - Nguyên Bình, Cốc Dù, Nà Bát - Hòa An (Cao Bằng). Ngày 16-3-1979, Tiểu đoàn 3 nhận lệnh quay trở lại thị trấn Sóc Giang.
Hôm tiểu đoàn vượt qua huyện Thông Nông để sang huyện Nguyên Bình tôi và một số chiến sĩ đi cuối đội hình. Lúc vượt qua đường quốc lộ thì bị “cắt đuôi”. Tôi và hơn chục anh em bị “thất lạc” tách khỏi đội hình của tiểu đoàn. Chúng tôi ở lại trong vòng vây của quân thù với những ngày vô cùng gian khổ lang thang lẩn khuất trên sườn núi đá, rét mướt, đói khát và bị bọn địch truy đuổi ráo riết. Do không có thông tin nên không biết việc Trung Quốc đã tuyên bố rút quân nên bộ phận trong vòng vây của chúng tôi khi chạm địch còn tổ chức đánh khiến có thêm người ngã xuống. Khi chỉ còn vài chiến sĩ thì bộ phận của tôi gặp được đội hình của tiểu đoàn đang hành quân về lại Sóc Giang.
Sau cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, Tiểu đoàn 3 chúng tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trước đó, khi ngồi giúp chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh chắp bút bản báo cáo thành tích chiến đấu, tôi lại nhớ đến những người đã ngã xuống. Cuốn nhật ký chiến tranh của tôi ngày ấy tôi luôn giữ gìn cẩn thận. Cuối tháng 5-2018, khi về Trung đoàn 246 dự hội thảo về lịch sử của trung đoàn, đồng chí trung đoàn trưởng ngỏ ý muốn xin cuốn nhật ký của tôi để đưa vào nhà truyền thống nhưng tôi không đồng ý. Tôi chỉ là một người lính bình thường trong chiến tranh. Những ghi chép của tôi chỉ là những tư liệu để phục vụ cho việc viết lách của mình mà thôi. Tôi đã viết xong nhiều truyện ngắn cùng một cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến đấu ở thị trấn Sóc Giang với tiêu đề “Cơn lũ đen” và đã đăng trên trang Fb này.
Rất cảm ơn các bạn đã theo dõi và bày tỏ cảm nhận về những ghi chép của tôi về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc 2-1979. (TRỌNG BẢO)
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2019

*Bài thơ này chép trong nhật ký chiến tranh, có ghi ngày 22-2-1979. Tôi viết khi ở trên sườn dãy núi đá. Từ vị trí ẩn nấp trên núi cao chúng tôi vẫn nhìn rõ toàn cảnh khu vực thị trấn Sóc Giang, các bản làng ở xã Sóc Hà (Hà Quảng-Cao Bằng) bị bọn địch đốt phá đang rừng rực bốc cháy.
MỘT CHIỀU BIÊN GIỚI
Có một buổi chiều biên giới
Tiếng súng bỗng lặng im
Trận địa tan dần khói đạn
Nắng nhạt loang trên thị trấn (1)
Gió đưa tàn lửa lên lưng trời.
Tôi lặng lẽ cắn môi
Nhìn anh bạn đếm lại từng viên đạn
Chính trị viên (2) gọi từng người căn dặn:
“Nhớ để chúng nó đến thật gần!”.
Nắm cơm trưa còn chửa kịp ăn
Mảnh đạn phạt bay đâu một nửa
Chúng tôi bẻ nhỏ chia nhau
Ăn chưa xong trận đánh lại bắt đầu.
Pháo địch gầm lên dữ dội
Trận địa chuyển rung, nắng chiều ám khói…
Bên cánh trái rộ lên tiếng kèn (3),
Những cái đầu đen đặc ngóc lên
Trên mặt đường đàn xe tăng gầm rú
Phía trên đỉnh đồi (4) giặc phất cờ lố nhố
Bốn mặt bọn chúng xông vào…
Chúng tôi đặt lên bờ chiến hào
Những quả lựu đạn cuối cùng nóng bỏng
Chúng tôi đẩy lên nòng súng
Những viên đạn cuối cùng thiêng liêng,
Lưỡi lê nhất loạt bật lên
Ánh thép lạnh giữa chiến hào lóe sáng.
Những viên đạn bay thẳng
Găm rất đúng tim thù,
Trong khói bụi mịt mù
Tiếng đồng đội gọi nhau chia lửa
Trong tiếng đạn nổ vang chát chúa
Là tiếng thét tiến công
Át cả tiếng kèn đồng…
Tám chiếc xe tăng quân thù bốc lửa
Những tên giặc bị thương giẫy giụa
Nắng chiều nhợt nhạt trùm lên,
Xác 400 tên kẻ cướp bẩn đen
Nằm rải rác bên những ngôi nhà cháy dở,
Thị trấn cuối chiều rực lên màu đỏ
Lửa chiến tranh bỏng rát cả bầu trời…
Sóc Giang, ngày 22-2-79
--------------------------
Bài thơ này ghi lại diễn biến trận đánh ngày 20/2/1979 của đơn vị chúng tôi.
(1) Thị trấn Sóc Giang, huyện Hà Quảng, Cao Bằng.
(2) Thượng uý Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246.
(3) Bọn giặc thường thổi kèn đồng khi tổ chức tấn công.
(4) Tức cao điểm 505.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 8

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 8
Ghi chép của Trọng Bảo 

8-Trận đánh ở “Tọa-độ-lửa”

Buổi sáng ngày 20-2, tự dưng trời hửng nắng. Tiếng đạn pháo, tiếng súng bộ binh cũng lắng đi một lát. Tôi chui ra cửa hang chính quan sát. Thị trấn Sóc Giang bỗng bình yên lạ thường. Bản Nà Nghiềng nằm gần điểm chốt của Đại đội 10 có nhiều cây cổ thụ nên xanh biếc. Mùa xuân đã đến rồi. Tiếng con suối chảy rì rào phía bên kia cánh đồng. Có một tiếng gà gáy từ dưới bản vọng lên... Thị trấn Sóc Giang nếu không có những cảnh đổ nát hoang tàn, những hố đạn pháo lỗ chỗ trên mặt đường thì chẳng ai nghĩ ở nơi này đang xảy ra một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt. Thị trấn Sóc Giang đã trở thành một “Tọa-độ-lửa” như chúng tôi đã gọi sau mấy ngày chiến tranh. Mọi hỏa lực của quân giặc đều tập trung rót lửa vào Sóc Giang. Không một thân cây, một ngôi nhà trong thị trấn còn nguyên vẹn. Kẻ thù đang bủa vây bốn phía. Mọi nòng súng của chúng đều hướng vào thị trấn Sóc Giang, nơi đang những người lính Tiểu đoàn 3 kiên cường bám trụ.
Buổi sáng thị trấn có một khoảng thời gian yên tiếng súng. Có lẽ bọn địch đang điều động lực lượng, tổ chức hiệp đồng để đánh một trận quyết định vào thị trấn, quyết tiêu diệt gọn tiểu đoàn chúng tôi.
Cái khoảng lặng lúc này giống như một vùng tâm bão. Thị trấn Sóc Giang đổ nát, khắp nơi còn vương khói lửa như một người lính bị trọng thương vẫn sẵn sàng lao vào một trận đánh mới.
Tôi quay lại chỗ cửa hang phụ, nơi bộ phận thông tin đang đặt máy vô tuyến điện ở đấy. Hai bên thành hang các chiến sĩ trinh sát, thông tin, vận tải chưa phải đi làm nhiệm vụ và các thương binh đang tranh thủ dựa vào vách đá ngủ gà ngủ gật. Họ đã quá mệt mỏi, đói khát sau bốn ngày chiến đấu và suốt đêm đi chuyển thương, đào huyệt và củng cố công sự trận địa. Nhìn những người đồng đội súng dựa vào vai ngủ ngồi trong lòng tôi thấy nôn nao. Những người đồng đội ấy chỉ sau một vài tiếng sau thôi nhiều người tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại nữa.
Sau ba ngày chiến đấu quyết liệt với quân xâm lược đông đảo, Đại đội 11 bị đánh bật khỏi các chốt cây đa số một và cây đa số hai hướng cửa khẩu Bình Mãng. Ban chỉ huy đại đội hy sinh gần hết. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11 bị thương vong quá nhiều phải rút lui về phòng ngự ở trường cấp 1 Sóc Giang. Đại đội 9 cũng phải bỏ trận địa co cụm ở khu vực uỷ ban nhân dân huyện Hà Quảng. Đại đội 10 thì vẫn phòng ngự ở mỏm đồi đất bên dưới điểm cao 505 án ngữ con đường từ Ngã ba Đôn Chương hướng thị xã Cao Bằng lên thị trấn huyện lỵ Hà Quảng.
Buổi sáng, bọn địch từ hướng Đôn Chương nống lên chỉ bắn pháo và tổ chức hai đợt tấn công có tính chất thăm dò vào trận địa của Đại đội 10 án ngữ con đường vào thị trấn Sóc Giang. Đài quan sát báo cáo phát hiện có nhiều xe tăng địch đang tập kết ở khu vực các bản Cốc Sâu, Kép Ké trên tuyến đường từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang. Phía cửa khẩu Bình Mãng bộ binh và xe cơ giới Trung Quốc cũng đang rầm rập tiến xuống. Hướng Mỏ Sắt bộ binh địch đã hành quân lên áp sát bản Nà Nghiềng phía nam thị trấn. Bọn lính đặc nhiệm sơn cước, thám báo trên điểm cao 505 bắt đầu nổ súng bắn xuống đỉnh đầu bộ đội ta ở điểm chốt của Đại đội 10. Tại sở chỉ huy tiểu đoàn trong hang Huyện uỷ lúc này chỉ còn có thượng uý Hoàng, chính trị viên tiểu đoàn là người chỉ huy cao nhất. Tiểu đoàn trưởng Trần Xuân Thiêm từ đêm hôm trước nói là đi kiểm tra đốc chiến các đơn vị đã rời khỏi vị trí chỉ huy của tiểu đoàn lên trận địa của Đại đội 12 hoả lực tít trên Lũng Mật. Lũng Mật ở trên dãy núi đá cao, vách núi dựng đứng, chỉ có lối mòn bọn địch chưa thể tấn công lên đấy được. Vậy là, trong trận chiến ác liệt nhất tại thị trấn Sóc Giang người chỉ huy chiến đấu là thượng úy, chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh.
Bọn địch đã hình thành thế bao vây Tiểu đoàn 3 chúng tôi từ bốn phía. Liên lạc từ vị trí chỉ huy của tiểu đoàn với các đơn vị chỉ còn đảm bảo được nhờ các đài sóng cực ngắn 884 của bộ phận thông tin do tôi phụ trách. Mệnh lệnh chiến đấu của chỉ huy tiểu đoàn, báo cáo tình hình của các đơn vị đều được tôi truyền đạt đầy đủ, thông suốt. Có nhiều lúc tôi cũng cuống cả lên vì tình hình khẩn cấp từ các hướng báo về. Trong khi đó, tiểu đoàn trưởng từ mãi trên đỉnh núi đá cao cũng cứ điện về liên tục. Tôi phải chạy đi chạy lại truyền đạt lại ý kiến của tiểu đoàn trưởng với chính trị viên Hoàng Quốc Doanh. Lúc đầu anh còn im lặng nghe vẻ khó chịu. Sau cứ thấy tôi thông báo mãi ý kiến của tiểu đoàn trưởng từ trên núi truyền xuống anh nổi cáu: “Mày không cần báo nữa! Ở trên núi thì biết gì tình hình đang diễn ra ở đây. Im đi để tao còn chỉ huy chiến đấu giữ chốt…”. Biết là đã mắng oan tôi, lúc tình hình tạm lắng xuống anh Doanh gặp tôi vỗ vai nói nhỏ: “Lần sau, mày nghe ông ấy lệnh và chỉ thị gì thì không cần phải báo cáo cho tao nữa nhé…”. Đến bây giờ mỗi lần tôi hỏi về việc tại sao tiểu đoàn trưởng Thiêm không có mặt ở vị trí chỉ huy tiểu đoàn trong trận đánh ác liệt nhất ở “Tọa-độ-lửa” Sóc Giang, anh Doanh vẫn không trả lời một cách rõ ràng. Có lẽ anh không muốn nói ra một điều không hay về đồng cấp của mình?
Buổi chiều, bọn địch từ hướng Đôn Chương bắt đầu tổ chức tấn công rất ác liệt vào trận địa của Đại đội 10, bọn chúng quyết mở thông con đường tiến vào đánh chiếm thị trấn Sóc Giang. Bộ binh và xe tăng địch lúc nhúc trên cánh đồng trồng cây thuốc lá. Đại đội 10 xin hoả lực bắn chi viện chặn địch. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo tôi:
- Hỏi xem Đại đội 12 còn bao nhiêu đạn cối 82?
Tôi lập tức điện hỏi. Đại đội 12 báo cáo chỉ còn chưa đầy ba mươi quả đạn cối 82. Chính trị viên Doanh hạ lệnh:
- Bảo “nó” không được bắn! Khi nào có lệnh mới được bắn hiểu không?
- Vâng ạ! - Tôi đáp. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đi ra phía cửa chính của hang quan sát. Đại đội 10 đã nổ súng. Trận địa mịt mù khói lửa. Tiếng quân giặc hô hét ầm ĩ: “Tả… tả… tả…”. Tiếng kèn đồng thúc quân xung trận của bọn chúng nghe rất rõ cùng tiếng đạn súng bộ binh râm ran. Đại đội 10 liên tục xin hoả lực cối 82 của tiểu đoàn bắn vào đội hình tấn công của địch để chi viện đơn vị chiến đấu bảo vệ chốt. Tôi báo cáo chính trị viên Hoàng Quốc Doanh. Anh bảo tôi:
- Lệnh cho Đại đội 12 bắn năm quả cối 82 chi viện cho Đại đội 10. Chỉ bắn đúng năm quả thôi nhé!
Tôi thông báo ngay cho Đại đội 12. Trung uý Nông Đình Bào, đại đội trưởng Đại đội 12 ngứa mắt thấy quân giặc vào đông lúc nhúc đã cho rót liền mười lăm quả đạn cối 82 vào đội hình xung phong của chúng. Mặc dù bị thương vong nhưng bọn địch đã áp sát trận địa của Đại đội 10. Lũ bành trướng xâm lược này cũng lạ, bộ binh chúng chết và bị thương nằm đầy cánh đồng, đầy mặt đường mà xe tăng chúng cứ nghiến qua xác bọn lính chúng để tiến vào thị trấn. Có tên bị thương còn đang giơ tay kêu cứu khóc lóc mà xe tăng của chúng vẫn đè qua. Xích sắt những chiếc xe tăng nhuộm đỏ màu máu. Gần chục chiếc xe tăng đã tiến sát chỗ bụi tre dưới chân chốt Đại đội 10, mấy chiếc đã vượt qua con suối cạn sang phía cửa hàng thực phẩm thọc mũi tiến công vào khu vực ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng. Có ba chiếc đã lao vào khu ruộng ngô phía trước bản Nà Nghiềng tiến sát nhà bưu điện thị trấn hướng nòng pháo lên cửa hang Huyện uỷ là sở chỉ huy của tiểu đoàn chúng tôi. Chỉ huy đại đội 10 liên tục xin hoả lực chi viện. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo tôi:
- Lệnh cho Đại đội 10 cử hai tổ xuống bắn xe tăng địch ngay!
Tôi vội điện cho chỉ huy đại đội 10. Anh Doanh lại bảo:
- Lệnh cho Đại đội 9 tổ chức cơ động một trung đội chặn quân địch đang tiến vào khu vực trụ sở uỷ ban nhân dân huyện!
Tôi đang truyền đạt mệnh lệnh thì có nhiều tiếng nổ dữ dội ở phía cửa hang chính. Những chiếc xe tăng của địch trên cánh đồng bản Nà Nghiềng phía trước nhà bưu điện đã xác định được vị trí cửa hang Huyện uỷ. Pháo trên xe tăng căn chỉnh nhằm bắn thẳng vào cửa hang. Khói bụi xộc vào trong hang mù mịt. Bọn bộ binh địch đã tiến vào khu vực chợ Sóc Giang. Tiếng chính trị viên Hoàng Quốc Doanh hạ lệnh:
- Thương binh nặng ở lại còn tất cả ra vị trí chiến đấu bảo vệ hang!
Tôi vội giao tổ hợp máy vô tuyển điện cho một chiến sĩ thông tin xách súng lao ra cửa hang chính. Ở cửa hang chính tiểu đoàn phó Trần Quang Cương và và trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ đang tổ chức cho các chiến sĩ cơ quan tiểu đoàn bộ và một bộ phận của Đại đội 11 rút về phòng ngự bảo vệ cửa hang. Hang Huyện ủy ở trên cao nên quan sát được toàn bộ thị trấn Sóc Giang và trận địa của Đại đội 10 cho đến tận các bản Cốc Sâu, Kép Ké là nơi bọn giặc tập kết trước khi tấn công. Anh Thọ chỉ cho chúng tôi thấy vị trí mấy chiếc xe tăng địch trên cánh đồng phía trước bản Nà Nghiềng đang rê chỉnh nòng pháo bắn thẳng vào cửa hang Huyện uỷ. Bọn địch đã chiếm được khu đồn công an vũ trang đối diện với hang Huyện ủy. Chúng dùng ĐKZ bắn thằng vào cửa hang. Đất đá văng rào rào. Một tảng đá từ sườn núi phía trên lao xuống bay qua sát mặt chúng tôi. Có ai đó quát: “Cẩn thận đấy!”. Tôi cố thu người sau gộp đá nghĩ: “Không khéo chả chết vì đạn pháo mà chết vì đá lăn thì…”. Khi tôi đang nấp sau gộp đá tìm vị trí ngắm bắn về phía nhà bưu điện thị trấn thì có tiếng gọi vào trong hang ngay. Tôi vội xách súng trở vào trong hang. Chính trị viên Doanh vừa nhìn thấy tôi đã cáu:
- Mày ra ngoài đấy làm gì! Nhiệm vụ của mày là đảm bảo thông tin liên lạc cho chỉ huy chiến đấu. Mất liên lạc với các hướng lúc này là mất trận địa, là chết hết đấy hiểu không? Mày mà để mất liên lạc lúc này là tao… bắn...
Anh dọa. Tôi tái mặt khi nhìn thấy tay anh đang lăm lăm khẩu súng ngắn. (Năm ngoái, khi về Hà Nội dự buổi gặp mặt truyền thống của Trung đoàn 677 tổ chức, anh Doanh đến nhà tôi chơi. Tôi bảo các con ra chợ mua chút thức ăn về nấu, nhớ mua ít lòng lợn vì tôi nhớ anh rất thích món này. Lúc rượu vào vui vẻ, tôi nhắc lại chuyện bị anh “dọa bắn” hôm chiến đấu ở Sóc Giang. Anh cười to bảo: “Tao dọa thế thôi. Mày mà chết thì lấy ai tổ chức thông tin liên lạc cho tiểu đoàn. Mất liên lạc trong lúc ấy là tất cả chúng ta sẽ chết hết đấy. Hiểu không?”. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, từ một cán bộ chính trị anh Doanh được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng. Khi anh làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 677 thì Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch là chủ nhiệm chính trị của trung đoàn này. Lần nào gặp tôi, Bộ trưởng Lịch cũng hỏi thăm anh Doanh).
Thì ra khi nãy lúc tôi không có mặt, người chiến sĩ thông tin xử lý không tốt một mệnh lệnh chiến đấu khiến chính trị viên Hoàng Quốc Doanh rất bực. Tôi vội cầm tổ hợp máy vô tuyến áp vào tai nghe các đơn vị báo cáo tình hình và bật reo lên:
- Đại đội 10 báo cáo đã bắn cháy hai xe tăng quân địch!
- Lại hai chiếc nữa bị bắn cháy…
Tôi gào lên. Gần như cùng lúc với báo cáo của tôi anh em phía ngoài cửa hang cũng reo lên vui mừng. Từ trên cửa hang họ nhìn rõ những chiếc xe tăng bốc cháy ngay trên đoạn đường quanh dưới chân chốt của Đại đội 10. Có một chiếc xe tăng bốc cháy và phát nổ rất dữ dội. Có lẽ đạn pháo trong xe bị kích hoạt.
Sau đó, Đại đội 10 mới báo cáo cụ thể hơn: Chiến sĩ Nguyễn Xuân Quý bắn cháy bốn xe tăng địch, Hạ sĩ, tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm bắn cháy một chiếc xe tăng và hy sinh. Chính trị viên đại đội, trung úy Trần Xuân Tương chỉ huy các tổ xuống chân điểm chốt bắn xe tăng cũng đã hy sinh… Hạ sĩ Nguyễn Công Tâm là người đã xuống sát bụi tre ở chân điểm chốt để lập ổ đề kháng bắn thẳng vào đội hình quân địch, tiêu diệt được nhiều tên giặc. Hạ sĩ Tâm quê ở Thái Bình, nhập ngũ đầu năm 1975. Tâm lấy vợ đã lâu mới có con. Hôm trước cuộc chiến tranh, gặp tôi Tâm còn vui mừng khoe: “Con mình vừa mới sinh, vợ bảo sau khi đầy tháng mới bế con đi chụp ảnh gửi cho mình. Mình mong thấy mặt thằng bé quá”. Vậy mà anh đã đi vào lòng đất mà chưa biết mặt đứa con vừa ra đời.
Cả sở chỉ huy tiểu đoàn lặng đi trước những tổn thất của Đại đội 10. Mấy chiếc xe tăng địch ở đám ruộng trước bản Nà Nghiềng vẫn liên tục nã pháo vào cửa hang của chúng tôi. Một chiến sĩ mang súng B41 lao ra tìm cách tiếp cận xe tăng địch. Anh bị trúng đạn gục xuống rãnh ngô non. Từ vị trí phòng ngự dưới chân núi Nguyễn Văn Trọng, tiểu đội phó truyền đạt và Nguyễn Đình Tuất ở trung đội vận tải cùng mấy chiến sĩ nhanh chóng lao ra. Họ bò lê trên mặt ruộng dưới làn đạn giặc cố tìm cách tiếp cận vị trí người lính B41 hy sinh lấy súng để bắn xe tăng địch. Giữa lúc đó tôi nhận được điện báo cáo của Đại đội 9: “Hướng ủy ban nhân dân huyện, trung đội trưởng La Quang Tuyến đã chỉ huy trung đội bắn cháy hai xe tăng và tiêu diệt nhiều bộ binh quân địch ở khu vực cửa hàng thực phẩm và sân uỷ ban nhân dân huyện Hà Quảng”. Tôi vừa báo cáo chính trị viên Hoàng Quốc Doanh xong thì nhận được điện của Đại đội 10 đề nghị hoả lực của tiểu đoàn bắn trực tiếp trùm lên trận địa của đơn vị mình. Bộ binh địch từ hướng Đôn Chương đã tràn lên, lực lượng tinh nhuệ của chúng từ điểm cao 505 đã đánh ập xuống trận địa của Đại đội 10. Tình hình Đại đội 10 vô cùng nguy cấp. Bộ đội đang đánh giáp la cà với bọn địch. Tiếng lựu đạn nổ lục bục trong chiến hào. Đại đội 10 xin cối 82 của tiểu đoàn bắn trùm lên trận địa sẵn sàng chết chung cùng bọn giặc. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo tôi điện lệnh cho Đại đội 10 bất cứ giá nào cũng phải “kiên quyết chiến đấu giữ vững trận địa”.
Tôi vừa truyền đạt xong mệnh lệnh thì mất liên lạc với Đại đội 10. Hướng biên giới Đại đội 9 và Đại đội 11 báo cáo bọn địch từ biên giới hành quân xuống đã áp sát trận địa. Phía con đường mòn từ Mỏ Sắt lên phía bên phải có tiếng súng nổ trong bản Nà Nghiềng. Bọn địch đã chạm súng với bộ phận chốt chặn ở đây. Như vậy là cả bốn phía quân địch đang xông vào thị trấn Sóc Giang. Trong khi đó thì cuộc chiến đấu trước cửa ngõ thị trấn Sóc Giang vẫn vô cùng ác liệt. Trận địa của Đại đội 10 mịt mù khói lửa, râm ran tiếng súng chả còn phân biệt đâu là tiếng súng của quân ta, đâu là tiếng súng của quân địch nữa. Đạn pháo của địch thì không ngừng nã vào vị trí cửa hang sở chỉ huy tiểu đoàn. Hang đá rung chuyển chao đảo như một con thuyền nhỏ trên sóng lớn. Tiếng súng bộ binh đã vang lên khắp thị trấn Sóc Giang. Những tên giặc lố nhố trong khu chợ bên trái cửa hang Huyện ủy. Tiếng quân địch hò hét xung phong nghe rất rõ…
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vẫn bình tĩnh nghe các đơn vị thông báo tình hình của ta và của địch. Đơn vị nào cũng xin chi viện hoả lực và đạn dược. Nhưng làm gì còn đạn dược nữa mà chi viện? Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh lặng người đi mỗi khi nhận tin nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Anh hạ lệnh cho Đại đội 9 và Đại đội 11 chiến đấu chặn địch từ hướng biên giới tràn xuống.
Lại có tiếng quân ta hò reo ở ngoài cửa hang. Thêm hai chiếc xe tăng của quân địch bị bắn cháy ngay trên đám ruộng trồng ngô phía trước bản Nà Nghiềng, gần nhà bưu điện thị trấn.
Có lẽ đã hơn ba giờ chiều…
Thị trấn Sóc Giang ngùn ngụt lửa cháy. Bốn phía bộ binh, xe tăng quân địch vẫn đang ào ạt xông đến áp sát vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn 3 chúng tôi. Tình hình vô cùng nguy ngập. Từ phía cửa hang chính, nơi đang bị hỏa lực và bộ binh quân địch tấn công ác liệt, chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đi vào giữa hang, tay anh vẫn còn cầm khẩu súng ngắn chỉ huy chiến đấu. Anh mím môi nhìn số người ít ỏi còn lại trong hang rồi nói:
- Bây giờ, đã đến lúc chúng ta sẽ quyết một trận sống chết với quân thù!
Nghe chưa hết mệnh lệnh của chính trị viên tiểu đoàn, tất cả chúng tôi, những người làm nhiệm vụ đảm bảo cho công tác chỉ huy chiến đấu và cả các anh em thương binh trong hang lập tức bật dậy vớ lấy súng và lựu đạn lao ra phía cửa hang chính đang mịt mù khói bụi. Tiếng súng đạn đang gầm vang râm ran bốn phía. Thị trấn “Tọa-độ-lửa” Sóc Giang vẫn đang ngùn ngụt bốc cháy. Khói lửa chiến tranh che khuất cả một khoảng trời biên giới...
Dưới đây là trang nhật ký chiến tranh tôi ghi lại về ngày 20-2-1979:
"- Địch: Có khoảng 2 tiểu đoàn đánh từ phía Đôn Chương tiến lên thị trấn Sóc Giang. Chúng chia làm 2 đợt tấn công. Buổi sáng từ 9 đến 10 giờ, chiều từ 3 đến 5 giờ, có 16 xe tăng trong đội hình tấn công.
- Ta: Đại đội 10 cùng 1 tiểu đội của đại đội 11 tăng cường chiến đấu giữ vững chốt, bẻ gãy các đợt tấn công của địch, tiêu diệt hơn 400 tên địch, 6 xe tăng. Bộ phận của đại đội 9 chốt chặn ở hướng UBND huyện Hà Quảng chiến đấu tiêu diệt 2 xe tăng và 50 tên địch.
- Sơ đồ trận đánh ngày 20-2-79.
- Một số gương chiến đấu dũng cảm trong ngày 20-2:
+Binh nhất Trần Xuân Quý, 20 tuổi, bắn 5 viên đạn B41 tiêu diệt 4 xe tăng và diệt nhiều tên địch.
+Hạ sĩ, tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm dũng cảm xuống tận bụi tre sát mặt đường quốc lộ để đặt súng bắn thẳng, tiêu diệt được 1 xe tăng và nhiều bộ binh địch, hy sinh cuối buổi sáng 20-2.
+Trung uý Trần Xuân Tương, học viên Trường sĩ quan Chính trị thực tập làm chính trị viên tại đại đội 10, vừa chỉ huy bộ đội vừa trực tiếp chiến đấu, bị thương gãy một tay và một chân vẫn kiên quyết ở lại trận địa, hy sinh sáng 20-2.
+Thượng sỹ La Quang Tuyến, trung đội trưởng thuộc đại đội 9, bắn cháy 1 xe tăng địch. Binh nhất Hồ Sào Liền, dân tộc H’Mông, quê Hà Giang tiêu diệt được 12 tên địch, khi đi lấy gạo gặp địch còn diệt được 2 tên…".
Hơn 5 giờ chiều ngày 20-2, tất cả các mũi tấn công vào thị trấn Sóc Giang của quân xâm lược Trung Quốc đều bị bẻ gãy. Chốt của Đại đội 10 vẫn được giữ vững, khu vực phòng ngự của Đại đội 9 và Đại đội 11 bọn địch không thể vượt qua. Bóng đêm dần buông xuống nhưng bầu trời thị trấn biên giới vẫn sáng bởi lửa cháy từ những chiếc xe tăng mang nhãn hiệu “Bát-nhất” dưới chân điểm chốt của Tiểu đoàn 3 anh hùng…
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2019

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 7

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 7
Ghi chép của Trọng Bảo 

7-Vòng vây quân thù khép chặt

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của bọn bành trướng Trung Quốc đã sang ngày thứ ba (19-2-1979). Tiểu đoàn 3 của chúng tôi đã bị thiệt hại nặng vẫn trụ vững, nhưng lực lượng của Đại đội 11 ở các chốt tiền tiêu phía cửa khẩu Bình Mãng còn rất ít. Khoảng 5 giờ sáng, bọn địch chiếm được mỏm ĐKZ, đến trưa thì chúng chiếm được phần lớn chốt cây đa thứ nhất của Đại đội 11. Tuy vậy, chúng cũng không thể tiến ngay sang được chốt cây đa thứ 2.
Tại chốt cây đa thứ nhất bộ đội đang đánh giáp la cà với quân địch và khẩn thiết yêu cầu tiểu đoàn cho pháo cối bắn trùm lên trận địa. Khi những người lính cuối cùng đã ngã xuống, hỏa lực cối 82 của Đại đội 12 được lệnh bắn trùm lên chốt cây đa thứ nhất đang lúc nhúc quân bành trướng. Tuy vậy tại mỏm 1 của chốt cây đa thứ nhất vẫn có tiếng súng bộ binh của quân ta kiên cường kháng cự. Đến đêm, khi các chiến sĩ trinh sát bò lên kiểm tra mới biết binh nhất, chiến sĩ Lý Mý Sùng, dân tộc H’Mông, quê ở Hà Giang vẫn bám trụ suốt cả ngày giữ vững mỏm 1 chốt cây đa thứ nhất. Nguyên do là bởi chuẩn úy Diệp Văn Năm tối hôm trước khi lên gọi Lý Mý Sùng rút về chốt cây đa thứ hai đã bị trúng đạn hy sinh ngay gần đó. Không nhận được lệnh rút lui, Lý Mý Sùng một mình một súng, dù không được tiếp tế, không thức ăn nước uống gì vẫn cứ trụ lại đến cùng đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân địch, giữ vững trận địa suốt ngày 19-2. Đến tối, các chiến sĩ trinh sát phải băng qua làn lửa đạn bò lên kéo chân gọi Lý Mý Sùng mới biết để rút theo đơn vị.
Tôi đã gặp Lý Mý Sùng ngay sau đấy, khi Đại đội 11 đã rút về lập tuyến phòng ngự ở trường cấp 1 thị trấn Sóc Giang. Đó là một chiến sĩ còn rất trẻ, có lẽ chưa tròn hai mươi tuổi. Khuôn mặt Sùng trắng trẻo, dáng người thấp, vẻ hiền lành, ít nói. Tôi hỏi:
- Hôm trước, khi xung quanh mình không còn đồng đội nào Sùng lại không rút lui về phía sau?
- Ơ… Sao lại rút lui. Trung đội trưởng bảo mình phải chiến đấu giữ chốt đến cùng cơ mà?
- Thế Sùng bắn nó chết nhiều không?
- Nó chết nhiều lắm, nhưng còn đông lắm…
Với cách trả lời ngắn gọn của Lý Mý sùng, tôi biết chả khai thác được gì thêm ở người chiến sĩ dân tộc H’Mông này nữa. Theo các chiến sĩ cùng bộ phận với Sùng cho biết hai ngày đêm liền Lý Mý Sùng bám trụ bảo vệ mỏm chốt, không được tiếp tế cơm cháo gì cả. Với một khẩu đại liên và hai hòm đạn Lý Mý Sùng chờ bọn giặc xông lên là bắn, tiêu diệt được hơn 60 tên địch. Chiến công của Sùng có ý nghĩa là đã chặn được đội hình quân địch, không cho chúng phát triển tấn công sang chốt cây đa thứ hai, đảm bảo cho số chiến sĩ còn lại và các thương binh ở đây rút lui an toàn về phía sau.
Sau chiến tranh, tôi lại gặp Lý Mý Sùng khi vừa ở đại hội liên hoan chiến thắng quân Trung Quốc xâm lược trở về. Tại đại hội, Lý Mý Sùng đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi chuyện. Khi biết Lý Mý Sùng chưa biết chữ, thủ tướng đã rút cây bút máy cài ở túi áo của mình cho Sùng. (Bản báo cáo thành tích của Lý Mý Sùng là do tôi được chỉ huy tiểu đoàn giao chắp bút và hướng dẫn chiến sĩ này học thuộc lòng trước khi đi dự đại hội). Lý Mý Sùng cho chúng tôi xem cây bút máy của thủ tướng cho và nói:
- Thủ tướng dặn về phải học cái chữ đấy!
Tôi hỏi:
- Thế Sùng đã học được nhiều cái chữ chưa?
Sùng ấp úng:
- Khó lắm! Mới học được ít thôi…
Tôi nói:
- Ô! Phải cố gắng nhé. Đáng giặc được thì học chữ cũng phải được đấy nhé!
Lý Mý Sùng gật đầu. Tôi tin Lý Mý Sùng sẽ học được.
Những chiến sĩ của tiểu đoàn chúng tôi ngày đầu giáp trận đánh quân bành trướng xâm lược là như vậy đó. Họ chủ yếu mới nhập ngũ năm 1978, mới huấn luyện bắn đến bài 2. Có chiến sĩ chưa sử dụng thành thạo các loại súng, chưa hiểu hết tính năng, tác dụng của các loại trang bị vũ khí. Ngày 20-2 có một chiến sĩ mới người dân tộc H’Mông còn vác khẩu trung liên đuổi theo xe tăng địch bắn liền hai loạt. Thấy xe tăng không cháy buồn thiu ôm súng quay lại quần nhau với bộ binh địch trên cánh đồng phía trước bản Nà Nghiềng.
Vậy là hết ngày 19-2, Đại đội 11 đã bị đánh bật khỏi các điểm chốt sát cửa khẩu Bình Mãng. Bọn Trung Quốc đã chiếm được toàn bộ các chốt cây đa thứ nhất và chốt cây đa thứ hai, mỏm ĐKZ.
Bọn địch đã hình thành thế xiết chặt bao vây Tiểu đoàn 3 chúng tôi. Từ phía cửa khẩu Bình Mãng bộ binh, xe tăng quân giặc lúc nhúc tiến xuống đến khu vực bản Cốc Vường. Từ phía Đôn Chương pháo địch bắn dội lên. Bộ binh, xe tăng địch đã xuất hiện ở tuyến đường từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang. Bọn địch đã vượt qua được Nậm Lũng, Trường Hà tiến xuống đánh chiếm khu vực ngã ba Đôn Chương ngay từ sáng ngày 17-2. Phía Mỏ Sắt, Thông Nông trinh sát báo về quân địch đang gấp rút hành quân ngược lên thị trấn Sóc Giang mà không gặp bất cứ sự chặn đánh nào. Tại điểm cao 505 ngay phía trên trận địa của Đại đội 10 xuất hiện lực lượng trinh sát đặc nhiệm sơn cước, thám báo của địch. Vậy là ba bên, bốn phía quân thù đang dồn đến. Thị trấn Sóc Giang như một ốc đảo chơ vơ giữa “biển người” của quân xâm lược. Trong khi đó kể từ ngày hôm qua, Tiểu đoàn 3 chúng tôi không còn nhận được bất cứ sự chi viện nào của cấp trên kể cả và lực lượng, hỏa lực và lương thực, đạn dược. Việc vận chuyển thương binh về phía sau cũng không thể thực hiện được nữa. Sở chỉ huy của trung đoàn và các trận địa pháo, các đơn vị ở phía sau đều bị bọn địch chia cắt tấn công dữ dội, phải chịu rất nhiều thiệt hại. Các đơn vị trực thuộc trung đoàn và phối thuộc đều bao vây cô lập phải độc lập chiến đấu với bọn giặc đông gấp bội không chi viện được cho nhau. Đơn vị pháo lựu 122 ở khu vực bản Kép Ké phải phá hủy súng pháo rồi dùng vũ khí bộ binh huyết chiến với quân thù.
Không biết chúng tôi còn giữ được thị trấn Sóc Giang bao lâu nhưng chắc chắn là những ngày tiếp theo sẽ diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt. Giữa vòng vây trùng trùng của quân thù thế này chúng tôi khó có thể thoát ra, những người còn sống sót sẽ không còn đường rút lui. Nghĩ vậy nhưng tự dưng tôi không thấy sợ và lo lắng như những ngày đầu. Hình như tất cả mọi người có mặt trong hang đều có cảm nhận và suy nghĩ như vậy. Có lẽ mọi người cũng như tôi đều nghĩ ngày mai nhất định mình sẽ quyết chiến một trận với bọn xâm lược và nhất định sẽ chết ở cái thị trấn miền biên ải này nên không ai còn thấy lo lắng sợ hãi nữa. Chúng tôi nhắc nhau bắn đến viên đạn cuối cùng nhưng sẽ để lại cho mình một quả lựu đạn cuối cùng.
Dưới đây là đoạn nhật ký chiến tranh tôi ghi chép về ngày 19-2-1979:
"- Địch: Tổ chức tấn công liên tục cả ngày với lực lượng đông đảo, có xe tăng yểm trợ. Chúng tấn công không thành đợt rõ ràng. 5 giờ sáng, địch chiếm mỏm ĐKZ và một mỏm trên chốt cây đa thứ nhất. Khoảng 1 giờ chiều chiếm nốt chốt cây đa thứ hai.
- Ta: Đại đội 11 chiến đấu rất ngoan cường dũng cảm, tiêu diệt gần 100 tên địch. Đến 1 giờ chiều thì bị đánh bật ra khỏi trận địa. Tối 19-2, lực lượng còn lại của đại đội 11 rút lui về khu vực trường cấp 1 thị trấn Sóc Giang tổ chức trận điạ phòng ngự chặn bọn địch từ hướng biên giới tràn xuống.
Đại đội 12 hoả lực những ngày qua đã sử dụng cối 82 và súng 12ly7 chi viện hiệu quả cho các đơn vị chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Theo đại đội 12 báo cáo, đơn vị đã dùng cối 82 bắn sang bên kia biên giới trúng một kho xăng của địch cháy liên tục hai ngày liền. Hỏa lực 12ly7 bắn kiềm chế các ổ đại liên của quân địch ở khu vực đồi thông và khe núi, ngăn chặn bộ binh của địch từ biên giới tiến sang chốt cây đa thứ nhất của đại đội 11".
Đến nửa đêm 19-2, Tiểu đoàn 3 nhận được bức điện của chỉ huy trung đoàn qua vô tuyến: “Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 3 rút lui về phía nam cao điểm 505 tổ chức trận địa phòng ngự”. Đảng ủy tiểu đoàn tiến hành họp phiên bất thường ngay sau đó. Tham dự cuộc họp có đại úy Đàm Đình Ngữ, trung đoàn phó, TMT đang có mặt trực tiếp chỉ huy chiến đấu tại Tiểu đoàn 3. Đảng ủy tiểu đoàn ra nghị quyết “xin được tiếp tục ở lại chiến đấu bảo vệ thị trấn Sóc Giang, ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược Trung Quốc”. Quyết tâm ấy đã được báo cáo về trung đoàn ngay trong đêm cũng qua mạng thông tin vô tuyến điện 2W. Trung đoàn đồng ý với quyết định của Tiểu đoàn 3. Ngay sau đó liên lạc bằng vô tuyến điện 2W với chỉ huy trung đoàn cũng bị mất luôn. Từ vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn 3 cũng chỉ còn liên lạc với các đơn vị trực thuộc được bằng các máy vô tuyến điện sóng cực ngắn 884 của tiểu đội tôi là chủ yếu. Đường dây lên các trận địa đã bị đạn pháo băm nát. Các chiến sĩ hữu tuyến và một số anh em tiểu đội truyền đạt đã xuống trực tiếp tham gia chiến đấu tại các đơn vị. Tổ đài đảm bảo thông tin cho Đại đội 11 của chiến sĩ Châu cũng đã rút về hang Huyện ủy. Do đó, tại sở chỉ huy tiểu đoàn bây giờ có hai máy 884 và ba chiến sĩ thông tin tương đối giỏi nên tôi thấy yên tâm hơn. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi giao lại cho tôi ba khối pin dự trữ cuối cùng. Tôi giữ lại một khối cho máy ở sở chỉ huy tiểu đoàn, gửi cho tổ đài ở Đại đội 10 và Đại đội 12 mỗi tổ một khối pin dự trữ. Tôi căn dặn anh em phải hết sức tiết kiệm nguồn pin để giữ vững liên lạc phục vụ chiến đấu.
Giữa lúc đó thì Nguyễn Văn Trọng, tiểu đội phó truyền đạt, người vừa ở lên chốt của Đại đội 11 để đón và đưa thương binh về hang Huyện ủy đến tìm và kéo tôi ra gần cửa hang phụ. Trọng rút từ trong túi ngực ra một cái ví đưa cho tôi và nói:
- Đây là cái ví của anh Đam. Em trao lại để anh giữ. Sau này nếu về được quê hương anh chuyển cho gia đình anh Đam nhé!
Tôi hỏi:
- Mày cứ giữ lấy không được à?
Trọng trả lời:
- Ngày mai có khả năng em sẽ đi trực tiếp chiến đấu nên…
Tôi hiểu nên không hỏi nữa. Tôi cầm và run run mở cái ví thấm máu ra. Trong ví đựng ảnh bạn bè cùng số tiền là 70 đồng. Trong một ngăn ví còn có mấy mảnh giấy nhỏ gấp làm tư thấm máu. Tôi mở ra xem. Đó là các quyết định kết nạp đoàn cho ba chiến sĩ trong chi đoàn trung đội thông tin mà Đam là bí thư chi đoàn nhận tối hôm 16-2. Đam chưa kịp hội ý với BCH chi đoàn để tổ chức lễ kết nạp các đoàn viên mới thì cuộc chiến tranh nổ ra. Tôi vội thông báo cho các anh em trong ban chấp hành chi đoàn và trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi biết. Chúng tôi hội ý nhanh và quyết định thông báo qua vô tuyến điện việc kết nạp đoàn cho ba chiến sĩ ấy. Để tiết kiệm nguồn nên bức điện tôi gửi cho chiến sĩ Đình ở tiểu đội tôi đang ở Đại đội 12 chỉ có mấy chữ: “Đ/c đã được kết nạp vào đoàn”…
Đêm ngày 19-2, chúng tôi nhiều người không ngủ. Người thì nhận nhiệm vụ vận chuyển thương binh nặng lên Lũng Vỉ, Lũng Vài ở trên dãy núi đá, người thì mang xẻng cuốc đi đào huyệt chôn cất các liệt sĩ hoặc củng cố công sự, trận địa chuẩn bị cho những trận đánh ngày mai. Không biết bộ phận nuôi quân của tiểu đoàn bộ nấu nướng bằng cách nào dưới làn pháo địch mà đến tối chúng tôi mỗi người được phát một nắm cơm bằng nắm tay và một miếng thịt nhỏ ướp muối. Chúng tôi vừa ăn vừa triển khai công việc chuẩn bị chiến đấu. Số đạn cối 82 còn lại được chuyển lên trận địa Đại đội 12 trên núi đá, các loại đạn bộ binh và lựu đạn chia cho các bộ phận. Kho quân khí của tiểu đoàn trống rỗng kể từ tối hôm đó…
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2019


Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 6

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 6 
Ghi chép của Trọng Bảo

6-Ngày thứ hai của cuộc chiến tranh

Về đến hang Huyện ủy, chúng tôi nhanh chóng triển khai mạng thông tin đảm bảo cho chỉ huy tiểu đoàn chỉ huy chiến đấu. Hang Huyện ủy nằm trên một mỏm núi độc lập nhỏ nhoi trơ trọi giữa thị trấn Sóc Giang gần cơ quan Huyện ủy huyện Hà Quảng. Xung quanh mỏm núi là đường quốc lộ và đường dân sinh. Hang Huyện ủy không có ngóc ngách, nó giống như một cái ống cống thông thống giữa lưng chừng núi. Cửa chính của hang hướng ra phía cánh đồng bản Nà Nghiềng, Ngay phía dưới cửa hang chính là nhà bưu điện thị trấn. Cửa hang phụ hướng lên phía biên giới. Lối lên cửa hang phụ dốc đứng có nhiều bụi cây rậm rạp nên tương đối bí mật. Đường lên cửa chính của hang được xây các bậc đá rất dễ đi. Đây là nơi cơ quan Huyện ủy trú tránh pháo của đich từ bên kia biên giới bắn sang. Khi chiến tranh xảy ra cơ quan huyện ủy Hà Quảng đã sơ tán triệt để về phía sau. Tổ đài vô tuyến của tiểu đội tôi đặt ở phía cửa phụ dễ triển khai mắc dây an-ten không bị ảnh hưởng địa hình.
Đêm đã về khuya. Pháo địch vẫn bắn sang nhưng thưa hơn. Các đơn vị bắt đầu báo cáo tình hình trong ngày về chỉ huy tiểu đoàn qua mạng thông tin vô tuyến của chúng tôi. Đại đội 11 báo cáo lúc 10 giờ đêm ngày 17-2, Đại đội 11 và một trung đội tăng cường của Đại đội 10 do chuẩn úy Đặng Hồng Giang chỉ huy đã đánh chiếm lại được chốt cây đa thứ nhất. Trung đội trưởng, chuẩn úy Đặng Hồng Giang dẫn đầu đội hình đánh thốc lên chốt cây đa thứ nhất khiến quân giặc bỏ chạy tán loạn.
Bọn địch tuy bị đánh bật khỏi chốt cây đa thứ nhất nhưng lực lượng của chúng còn rất mạnh. Trong khi đó phía tiểu đoàn chúng tôi đã bị thiệt hại nặng, đạn dược, lương thực cạn dần. Sự chi viện của trung đoàn rất hạn chế. Ngoài một xe đạn lúc chập tối, chúng tôi không nhận thêm được sự tiếp tế nào nữa. Chúng tôi được biết, tất cả các đơn vị của trung đoàn đã tham chiến. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 bị thiệt hại nặng. Trước tình hình đó, chỉ huy tiểu đoàn lệnh cho các bộ phận, các đại đội phải hết sức tiết kiệm đạn. Hỏa lực chủ yếu của Tiểu đoàn 3 là cối 82 và 12ly7. Lượng đạn cối 82 chỉ có vài trăm viên. Ngày đầu tiên chỉ huy và cánh lính Đại đội 12 hỏa lực tưởng cứ bắn thả cửa rồi sẽ có tiếp viện nên khi thấy bọn địch tiến ào ào dưới cánh đồng là bắn cấp tập, bắn sang cả phía bên kia biên giới làm cháy một kho xăng dầu của địch. Sau khi nghe Đại đội 12 báo cáo còn chưa đầy 200 viên đạn cối 82, trợ lý quân khí Cao Thành Văn báo cáo trong kho chỉ còn gần 100 viên đạn cối 82 và không đủ liều phóng, tiểu đoàn trưởng Thiêm lập tức bảo tôi:
- Điện khẩn ngay! Lệnh cho Đại đội 12 khi có mệnh lệnh của chỉ huy tiểu đoàn mới được bắn và bắn đúng số lượng như chỉ thị! Rõ chưa?
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh thì căn dặn chúng tôi:
- Chúng ta còn rất ít đạn. Nhưng chúng ta sẽ kiên quyết chiến đấu với bọn xâm lược đến viên đạn cuối cùng. Song tất cả mọi người nhớ là phải để lại cho mình quả lựu đạn cuối cùng. Hiểu không?
Chúng tôi đều hiểu lời nói của chính trị viên tiểu đoàn. Dù chết cũng không để sa vào tay giặc. Tiểu đoàn 3 chúng tôi chiến đấu trong vòng vây trùng điệp của quân bành trướng chỉ có người chết và bị thương, không có người bị địch bắt. Viết đến đây tôi muốn kể thêm một chuyện sau chiến tranh. Khi ấy, tôi đã về ôn thi đại học tại Trường Văn hóa Quân khu 1. Tôi được về tranh thủ thăm nhà. Đang lúi húi xới luống rau ngoài vườn thì thầy Nguyễn Cấp-thầy giáo dạy tôi môn tiếng Trung thời còn là học sinh trường cấp 3 Liễn Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc đến. Nghe tin tôi về thăm nhà nên thầy tìm đến bảo: “Thầy ở cùng làng với Nguyễn Văn Đam. Gia đình Đam nghe tin cậu ấy bị bọn Trung Quốc bắt sống khi đang ngủ rồi chặt đầu vứt đi. Mẹ và các em Đam đau đớn và khóc lóc ghê lắm. Trọng Bảo có biết rõ về trường hợp hy sinh của Đam không?”. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tại sao lại có tin đồn độc địa như thế. Tôi kể lại cho thầy Cấp nghe về trường hợp hy sinh của Nguyễn Văn Đam. Tôi hứa sẽ lên thăm gia đình Đam để kể lại mọi chuyện. Hôm sau, tôi đạp xe lên xã Như Thụy, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc tìm đến nhà Nguyễn Văn Đam. Bà mẹ Đam đang đi gặt lúa ngoài đồng nghe tin có đồng đội chiến đấu cùng đơn vị của con đến vội bỏ gánh lúa giữa ruộng vừa khóc vừa chạy về. Ông bố Đam đang dạy học ở trường cấp 1 cùng xã cũng vội về nhà ngay. Tôi kể lại trường hợp hy sinh anh dũng của Đam khi mang mệnh lệnh của tiểu đoàn rồi tham gia chiến đấu tại chốt của Đại đội 11 và khẳng định rằng trong chiến tranh đơn vị mình không có bất cứ một ai bị địch bắt và chặt đầu như vậy. Bà mẹ Đam nghe xong chùi nước mắt mếu máo nói: “Em nó hy sinh tôi và gia đình đau đớn lắm nhưng cũng thấy chút thanh thản vì biết Đam không phải đã chết trong tay bọn giặc như tin người ta đồn đại”. Hôm ấy, tôi cũng đã trao lại cho gia đình cuốn nhật ký của Đam và một số ảnh bạn bè, ảnh của Đam mà tôi còn giữ được.
Mọi người trong hang chuẩn bị cho cuộc chiến đấu ngày mai và những ngày tiếp theo. Lời dặn dò của chính trị viên Hoàng Quốc Doanh cứ luôn ám ảnh trong tâm trí tôi. Không rõ là trong lúc chuẩn bị chiến đấu ấy Cao Thành Văn hay ai đó đã đưa cho tôi một quả lựu đạn mỏ vịt nhãn hiệu US của Mỹ. Quả lựu đạn ấy luôn luôn ở bên tôi cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 18-2, Thượng úy Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên tiểu đoàn đến chỗ tổ đài vô tuyến ở cửa hang phụ bảo:
- Máy vô tuyến điện chuyển về đây có đảm bảo liên lạc với các hướng ổn không?
Tôi đáp:
- Báo cáo thủ trưởng! Liên lạc rất tốt ạ!
Chính trị viên Doanh căn dặn thêm:
- Mày phải cố gắng hết sức để đảm bảo mạng liên lạc bằng vô tuyến điện nhé! Mất liên lạc lúc này là mất chốt đấy hiểu không?
- Vâng ạ! Em sẽ cố gắng…
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh quay trở vào trong hang. Tôi ôm súng gục đầu lên ba lô cố chợp mắt lấy một lát nhưng không tài nào ngủ được. Gần sáng, trời càng lạnh. Tôi chui ra ngoài cửa hang phụ nhìn lên hướng biên giới. Phía cửa khẩu Bình Mãng tiếng súng vẫn râm ran. Sắp sáng rồi. Ngày chiến đấu ác liệt thứ hai lại sắp bắt đầu. Chắc toàn tiểu đoàn lúc này cũng không ai ngủ như tôi.
Một chùm đạn pháo từ phía bên kia biên giới bắn sang rơi xuống thị trấn Sóc Giang và mỏm núi hang Huyện ủy. Những tảng đá to trên đỉnh núi trúng đạn pháo lớn vỡ toác lăn xuống ầm ầm. Tôi vội lao vào trong cửa hang vớ lấy tổ hợp máy vô tuyến chụp lên đầu. Các đơn vị bắt đầu báo cáo tình hình về chỉ huy tiểu đoàn…
Dưới đây là trang nhật ký chiến tranh tôi đã ghi về ngày 18-2-1979:
“- Hướng cửa khẩu Bình Mãng: Địch tấn công 8 đợt cả ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng. Chúng chia làm 3 mũi: Một mũi từ trên sườn núi đá đánh xuống, một mũi từ từ phía bản Nà Sác đánh lên, một mũi từ bờ suối đánh vòng lên bên trái chốt cây đa thứ hai. Rút kinh nghiệm ngày đầu tiên, địch tấn công liên tục để tạo áp lực mạnh phá vỡ tuyến phòng thủ của ta.
- Ta: Đại đội 11 cùng một trung đội của đại đội 10 tăng cường đã dũng cảm chiến đấu giữ vững chốt, tiêu diệt 2 xe tăng, hơn 150 tên địch, bẻ gãy cả 8 đợt tấn công của chúng. Trung đội trưởng, Chuẩn uý Đặng Hồng Giang (đại đội 10 lên tăng cường) bắn hai quả đạn B41 diệt một xe tăng địch, bị thương mù một mắt, gãy một tay còn dùng AK bắn quân địch ngã tơi tả. Chuẩn úy Giang bị thương nặng nhưng vẫn kiên quyết cùng đồng đội bám trụ trận địa.
- Hi sinh ngày 18-2: Đại đội 11 có 8 đồng chí hy sinh, nhiều người khác bị thương, có 2 cán bộ hy sinh là đại đội phó Diệp Văn Năm và chính trị viên phó Nguyễn Mộng Lân. Đại đội 11 bị thiệt hại nặng nhưng vẫn kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa, đẩy lui nhiều đợt tấn công dữ dội của quân địch…”.
Ngày thứ hai của cuộc chiến tranh bọn giặc với số lượng quân đông gấp bội và sự chi viện tối đa của các loại hỏa lực mạnh vẫn không thể chọc thủng được tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn 3 từ hướng biên giới. Lực lượng của quân ta chống chọi với hai trung đoàn của địch chỉ là một đại đội và một trung đội tăng cường. Giữ vững được trận địa nhưng chúng tôi hiểu rằng những gì ác liệt nhất, gian khổ hy sinh nhiều nhất đang còn chờ chúng tôi ở những ngày tiếp theo…
Hà Nội, tháng 2-2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 5

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 5
Ghi chép của Trọng Bảo

5-Ngày 17 tháng 2 năm ấy

Suốt đêm lo lắng việc tổ chức cho các tổ đài lên các trận địa và nối thông mạng thông tin vô tuyến điện sóng cực ngắn đến hơn 1 giờ sáng tôi mới được ngả lưng. Mệt mỏi và buồn ngủ quá. Vừa chợp mắt được một lát thì tôi giật mình tỉnh giấc bởi hàng loạt tiếng nổ ầm ầm, ngôi nhà sàn rung chuyển. Tôi lẩm bẩm chửi: "Mẹ cha thằng Tàu khựa! Sao hôm nay chúng mày nổ mìn phá đá làm hầm hào công sự sớm thế, không để ông ngủ một lát à?". Tôi kéo cái chăn bông trùm kín đầu định ngủ tiếp thì nghe tiếng trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi quát to ở dưới sàn nhà:
- Bảo ơi! Bọn Trung Quốc đánh đến nơi rồi mà mày vẫn còn ngủ à?
Tôi bật ngay dậy vớ lấy khẩu AK, khoác ba lô lên vai lao ra sàn nhà. Bầu trời sáng rực. Những luồng đạn pháo từ phía bên kia biên giới ken dày trên bầu trời. Bọn xâm lược Trung Quốc đã nổ súng tấn công nước ta thật rồi vậy mà lúc nãy tôi còn nghĩ bọn chúng nổ mìn phá đá làm hầm hào công sự như mọi hôm. Nghe tiếng súng pháo nổ râm ran, tiếng những đường đạn rít lên bay rất gần, rất thấp và nhìn ánh chớp lửa bùng lên khắp xung quanh tôi hơi hoảng. Nhưng rồi tôi đã trấn tĩnh lại được ngay. Tôi nghĩ đến việc phải đảm bảo thông tin thông suốt ngay cho việc chỉ huy chiến đấu. Tôi nhảy ào xuống đất. Chiến sĩ Mông cũng đeo chiếc máy thông tin vô tuyến nhảy theo. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi tiếp tục gào to để tôi nghe rõ mệnh lệnh vì tiếng đạn pháo của bọn Trung Quốc nổ ầm ầm át cả tiếng người:
- Ra ngay hang Ma Gà, khẩn trương triển khai thông tin phục vụ chỉ huy tiểu đoàn chỉ huy chiến đấu! Rõ chưa?
- Báo cáo, rõ...
Tôi cũng gào lên đáp lại và cùng chiến sĩ thông tin lao về hướng hang Ma Gà, nơi đặt sở chỉ huy chiến đấu của Tiểu đoàn 3.
Chúng tôi vừa chạy gằn, vừa bò từng đoạn, nằm ép người lết dưới lòng con mương dẫn nước, nấp sau các bờ ruộng cao trên cánh đồng trống trải để tránh làn đạn từ phía bên kia biên giới bắn sang và cơ động nhanh về vị trí chỉ huy của tiểu đoàn. Bầu trời sáng rực lên như ban ngày bởi những luồng lửa đạn của quân thù. Những luồng đạn giặc bay xé nát cả bầu trời đêm. Tiếng đạn pháo đinh tai, chói óc, tiếng đạn súng 12ly7 quét ràn rạt trên cánh đồng. Bầu trời biên giới sáng rực như ban ngày. Trong các bản làng tiếng người nháo nhác gào gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn của những người dân chưa kịp đi sơ tán. Tiếng chó sủa, gà kêu, bò rống tan tác, vỡ đàn. Tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật. Mọi thứ âm thanh hỗn độn hoà vào nhau trong khói lửa, mùi thuốc súng và cát bụi mù mịt. Đó là ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mà tôi đã được chứng kiến và tham gia. Một cuộc chiến không thể lãng quên trong tâm trí của bao nhiêu người lính biên cương.
Đến hang Ma Gà, chúng tôi nhanh chóng căng dây an-ten, mở máy vô tuyến điện, sau vài phút đã nối thông liên lạc được với các hướng. Tổ đài của chúng tôi đặt ở ngay ở ngoài cửa hang. Loại máy vô tuyến sóng cực ngắn 884 của Trung Quốc này không thể đưa sâu vào trong hang được vì vướng địa hình sẽ mất sóng ngay. Ngồi ngay ngoài cửa hang nên tôi quan sát được tình hình phía dưới cánh đồng trước mặt, phía các bản Cốc Vường, Kéo Nghìn và phía các điểm chốt cây đa thứ nhất, cây đa thứ hai của Đại đội 11 ở sát đường biên. Nhưng thỉnh thoảng tôi lại giật bắn người vì một quả đạn pháo của địch nổ ở vách mỏm núi đá ngay trước mặt.
Tiểu đoàn trưởng Trần Xuân Thiêm và chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đã có mặt ở hang Ma Gà trước khi chúng tôi đến. Thượng úy, tiểu đoàn trưởng Thiêm đang đùng điện thoại chỉ huy các đơn vị chuẩn bị nổ súng chặn đánh bộ binh và xe tăng của bọn địch. Tiểu đoàn trưởng Thiêm vừa ra lệnh vừa quát mắng, văng tục ầm ĩ mỗi khi cấp dưới không làm đúng theo ý định của mình. Anh quát tháo bộ phận thông tin chậm chễ, không khắc phục nhanh tuyến đường dây điện thoại bị đạn pháo địch băm nát. Tôi không nghe hết những quát mắng của tiểu đoàn trưởng, tôi chỉ lo lắng tập trung cho việc giữ vững bằng được mạng liên lạc vô tuyến điện với các đơn vị, nhất là với Đại đội 11 đang ở các điểm chốt tiền tiêu sát biên giới. Vì tôi biết pháo địch bắn sang dày đặc như thế này thì các tuyến đường dây điện thoại sẽ bị băm nát còn liên lạc bằng truyền đạt cũng sẽ rất khó khăn và chậm chạp. Các đơn vị liên tục báo cáo tình hình về chỉ huy tiểu đoàn: "Đại đội 11 báo cáo, hỏa lực địch bắn rất mạnh vào trận địa, nhiều hầm hào, công sự bị phá hủy, quân số thương vong chưa nắm được đầy đủ...". Tôi vào trong báo cáo lại nội dung trên với tiểu đoàn trưởng Thiêm vừa quay ra thì lại tiếp tục nhận được báo cáo: "Xe tăng và bộ binh Trung Quốc bắt đầu vượt qua biên giới tấn công điểm chốt cây đa thứ nhất của Đại đội 11".
Lúc đó là khoảng 5 giờ sáng. Xe tăng và bộ binh Trung Quốc đã tràn qua biên giới. Những chiếc xe tăng nhãn hiệu “Bát-nhất” bò lổm ngổm như cua trên cánh đồng. Hàng ngàn tên giặc đen đặc, lúc nhúc như một đám giòi bọ bu bám dưới chân các điểm chốt của Đại đội 11 và bắt đầu hò hét tràn lên trận địa của ta. Đạn pháo của chúng vẫn bắn sang dữ dội. Đất đá khói bụi bay mù mịt. Nguy hiểm nhất là bọn địch ở trên mỏm núi cao phía trên đầu các trận địa của Đại đội 11 dùng súng 12ly7, cối 60 nã đạn xuống đầu bộ đội ta. Theo hiệp định phân định biên giới giữa Pháp và nhà Thanh trước đây thì đoạn biên giới chỗ cửa khẩu Bình Mãng có mỏm núi đá cao thuộc Trung Quốc ăn sâu vào đất ta. Từ trên mỏm núi ấy bọn địch đặt đài quan sát và các ổ hỏa lực khống chế toàn bộ các điểm chốt cây đai thứ nhất, chốt cây đã thứ hai cho đến tận bản Cốc Vường. Các chiến sĩ Đại đội 11 vận động dưới chiến hào sâu lút đầu người vẫn có thể bị trúng đạn bắn tỉa của bọn địch từ trên cao bắn xuống…
Tiểu đoàn trưởng Thiêm lệnh cho Đại đội 11 nổ súng kiên quyết chặn đánh quân xâm lược, bảo vệ trận địa... Cứ thế, đơn vị báo cáo về, lệnh của tiểu đoàn xuống các đại đội được truyền qua mạng thông tin vô tuyến điện của tôi luôn thông suốt.
Đại đội 11 là đơn vị đầu tiên của Tiểu đoàn 3 nổ súng chặn đánh bộ binh và xe tăng địch. Các khẩu đội cối 82 và 12ly7 của Đại đội 12 ở trên Lũng Mật, Lũng Vỉ đã tích cực chi viện cho Đại đội 11 giữ chốt. Ngay buổi sáng ngày 17 tháng 2 đã tiêu diệt được 2 xe tăng và gần 300 tên địch, giữ vững được trận địa. Bọn địch mấy lần bị đánh bật xuống cánh đồng. Tin chiến thắng báo về khiến mọi người ở sở chỉ huy tiểu đoàn rất phấn khởi. Tôi vừa tháo cái tổ hợp ra khỏi tai thì Nguyễn Văn Đam, tiểu đội trưởng truyền đạt xách súng đi qua. Tôi liền hỏi:
- Mày đi đâu thế?
- Tao mang mệnh lệnh chiến đấu của chỉ huy tiểu đoàn lên chốt cây đa thứ nhất của Đại đội 11 đây!
Tôi ngạc nhiên:
- Tại sao truyền đạt lại phải mang lệnh chiến đấu lên trận địa tiền tiêu trong lúc này? Tuy đường dây hữu tuyến bị đứt nhưng mạng thông tin vô tuyến của bọn tao vẫn đảm bảo thông suốt cơ mà?
-Tao cũng không rõ?
Đam nói xong liền xách súng lao xuống phía dưới cánh đồng đạn địch đang bắn như mưa. Tôi gào lên dặn nó: "Đam ơi! Mày phải cẩn thận đấy!". Thằng Đam vừa chạy xuống cánh đồng thì hai chiến sĩ hữu tuyến cũng từ trong hang vác dây đeo máy điện thoại nhao ra. Tôi túm lấy thằng Bầu, tiểu đội phó tiểu đội hữu tuyến hỏi:
- Chúng mày cũng lên chốt cây đa của Đại đội 11 à?
- Vâng! Tụi em đi sửa tuyến đường dây bị pháo địch bắn đứt...
Hai chiến sĩ hữu tuyến đi rồi tôi đang định vào trong hang báo cáo tình hình của các đơn vị thì thượng úy Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên tiểu đoàn đi ra. Anh đến chỗ tổ đài vô tuyến bảo tôi:
- Mày phải cố gắng giữ bằng được thông tin liên lạc bằng vô tuyến với các bộ phận nhé. Tình hình bọn địch đánh như thế này thì dây rợ điện thoại sẽ bị băm nát, chả nối được đâu, chạy chân truyền đạt mệnh lệnh thì chậm và cũng rất khó khăn...
- Vâng ạ! Thủ trưởng cứ yên tâm. Em sẽ hết sức cố gắng...
Chính trị viên Doanh quay sang phía chiến sĩ Hoàng Văn Mông đang ôm súng ngồi cảnh giới ở bên cạnh bảo vệ cho tôi và máy vô tuyến điện. Anh bảo Mông:
- Cứ bình tĩnh mà đảm bảo liên lạc nhé, đừng sợ!
Thằng Mông là người dân tộc H'Mông quê ở Thông Nông, Cao Bằng. Nó là người hiền lành. Là người dân tộc thiểu số nên nói năng thường hơi chậm và ấp úng, khi báo cáo tình hình và truyền đạt mệnh lệnh, bị tiểu đoàn trưởng quát tháo, chửi mắng cho liên tục, nhất là những lúc tình hình chiến sự gấp gáp. Vì thế, nó trở nên luống cuống sợ hãi khi thao tác máy và truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu. Tôi phải trực tiếp thao tác sử dụng máy vô tuyến những lúc tiểu đoàn trưởng chỉ huy đơn vị chiến đấu. Sau khi động viên tổ đài vô tuyến chúng tôi chính trị viên Hoàng Quốc Doanh trở vào trong hang. Sau này tôi mới biết tại sao Nguyễn Văn Đam phải băng qua lửa đạn lên chốt cây đa của đại đội 11 giữa lúc ác liệt nhất và vì sao chính trị viên Hoàng Quốc Doanh lại ra cửa hang động viên tổ đài vô tuyến chúng tôi. Nguyên nhân là do việc đảm bảo thông tin chỉ huy chiến đấu giữa chỉ huy tiểu đoàn và Đại đội 11 bị trục trặc, gián đoạn. Đường dây bị đứt liên tục, tổ đài vô tuyến của tiểu đội tôi tại Đại đội 11 lại bị đại đội trưởng Tuân kéo lên trên một hang đá khá xa các điểm chốt cây đa. Lẽ ra vị trí chỉ huy của đại đội trưởng Tuân phải ở chốt cây đa thì ông này lại bỏ vị trí chỉ huy chui vào trong hang đá tránh pháo. Chỉ còn đại phó Nguyễn Quốc Hoàn ở chốt cây đa nên mệnh lệnh của tiểu đoàn không đến được với các bộ phận trực tiếp chiến đấu. Đại đội phó Nguyễn Quốc Hoàn từng có mặt ở chiến trường Campuchia, là một người chỉ huy dũng cảm. Trong một trận đánh ở chốt cây đã thứ nhất, anh bị một viên đạn bắn thẳng bay mất một mẩu vành tai bên trái. Nhà anh ở thị xã Cao Bằng. Hôm về xuôi đi học tôi còn đến nhà anh chơi. Anh còn nói đùa: "Hôm ấy tên giặc mà bắn chính xác thì viên đạn trúng mặt mình rồi!".

Thằng Đam phải chạy lên chốt cây đa chỗ đại đội phó Hoàn đang trực tiếp chỉ huy chiến đấu để truyền đạt lệnh của tiểu đoàn trưởng, các chiến sĩ hữu tuyến cũng phải đi nối đường dây giữa làn đạn địch mà chắc chắn khó có thể nối thông được vì nối được đoạn này pháo địch nó lại băm nát đoạn khác. Thằng Đam bị trúng một quả đạn cối 60 của địch chết dưới chân chốt cây đa thứ hai...
Dưới đây là đoạn nhật ký của tôi ghi về ngày 17-2-1979:
"- Khoảng 3 giờ 15 phút, Trung Quốc bắt đầu bắn pháo sang đất ta. Hỏa lực của địch rất mạnh. Các trận địa của ta chìm trong lửa đạn. Đến 4 giờ sáng vẫn chưa có báo cáo thiệt hại cụ thể của các bộ phận. Sáng sớm, bộ binh và xe tăng địch bắt đầu vượt biên giới tấn công sang xâm lược nước ta, đại đội 11 đã nổ súng chặn đánh bọn địch...
Tình hình trong ngày 17-2:
- Hướng cửa khẩu Bình Mãng: Bọn địch tấn công đợt 1 lúc 5 giờ sáng. Đợt 2 lúc 8 giờ sáng, chúng chiếm mất 1/2 chốt cây đa thứ nhất. Đợt 3 chúng tấn công vào khoảng 11 giờ trưa, chiếm toàn bộ mỏm 1, chốt cây đa thứ nhất.
- Đến trưa 17-2, Đại đội 11 chỉ còn giữ được mỏm 2 của chốt cây đa thứ nhất. Đại đội 11 bắn cháy được 2 xe tăng, tiêu diệt gần 300 tên địch.
- Lúc 22 giờ đêm, đại đội 11 tổ chức phản kích chiếm lại được mỏm 1 và toàn bộ điểm chốt cây đa thứ nhất.
- Các cán bộ, chiến sĩ đại đội 11 hy sinh trong ngày gồm: Thượng sĩ Trần Văn Ngọc, trung đội phó. Đồng chí Ngọc bắn cháy một xe tăng và diệt nhiều tên địch, trúng đạn hy sinh khi chuẩn bị bắn chiếc xe tăng thứ hai. Binh nhất Nguyễn Văn Nền bắn hết đạn đã đánh nhau với bọn giặc bằng lưỡi lê, báng súng, bị địch đâm chết ở chốt cây đa thứ nhất. Chuẩn uý Dương Đình Hà, chính trị viên phó đại đội, trung đội trưởng Nguyễn Văn Lượng hy sinh khi chỉ huy bộ đội phản kích chiếm lại chốt cây đa thứ nhất đêm 17-2…".
Đến bây giờ khi đọc lại những dòng nhật ký ghi vội ngày 17 tháng 2 năm ấy tôi vẫn thấy lòng mình lắng lại. Cái cảnh đạn lửa và những hi sinh mất mát của Tiểu đoàn 3 vẫn hiện lên trước mắt.
Đêm 17- 2, vị trí sở chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi được lệnh chuyển xuống hang Huyện uỷ ở giữa thị trấn Sóc Giang. Hang nằm ở lưng chừng một mỏm núi đá trơ chọi giữa thị trấn. Chúng tôi lặng lẽ bám sát nhau đi theo lối mòn chân núi. Qua nghĩa trang thị trấn Sóc Giang chúng tôi gặp các chiến sĩ trung đội vận tải của tiểu đoàn đang hì hục đào huyệt chôn cất các liệt sĩ. Có gần mười cán bộ, chiến sĩ là những người hy sinh trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc của tiểu đoàn tôi đã được đưa về đây. Trong đó có Nguyễn Văn Đam, tiểu đội trưởng truyền đạt, người đồng đội, đồng hương của tôi. Tôi định vào nhìn mặt thằng Đam lần cuối thì Phạm Hoa Mùi bảo:
- Các liệt sĩ họ đã gói buộc kín rồi nhìn làm sao được! Chúng ta phải về ngay hang Huyện ủy để triển khai mạng thông tin cho chỉ huy tiểu đoàn không các ông ấy lại gầm lên bây giờ!
Tôi cố nhìn vào trong nghĩa trang. Dưới ánh sáng của đạn pháo tôi thấy thi hài các liệt sĩ chống Tàu đang được xếp nằm cạnh các mấm mồ liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ. Họ được gói trong những tấm vải liệm còn mới tinh, trong những túi ni-lông. Họ được vùi vào trong lòng đất. Không có hương nhang, không có hoa, chỉ có những cành lá xanh cắm lên nấm đất ướt đẫm sương đêm nơi biên giới. Những ngày sau đó khi chiếm được thị trấn Sóc Giang bọn giặc đã đào các nấm mồ của các liệt sĩ lên vì nghi bộ đội ta chôn giấu vũ khí khi rút lui. Sau chiến tranh chúng tôi mới chôn cất lại cho họ. Các anh chị ấy đã ngã xuống giữa một mùa Xuân. Đó là một mùa Xuân lạnh lẽo, đau thương, cánh hoa đào rừng vương trên báng súng của những người lính trong một cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, không cân sức với quân xâm lược tàn ác để bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc thân yêu...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2019