Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 6

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 6 
Ghi chép của Trọng Bảo

6-Ngày thứ hai của cuộc chiến tranh

Về đến hang Huyện ủy, chúng tôi nhanh chóng triển khai mạng thông tin đảm bảo cho chỉ huy tiểu đoàn chỉ huy chiến đấu. Hang Huyện ủy nằm trên một mỏm núi độc lập nhỏ nhoi trơ trọi giữa thị trấn Sóc Giang gần cơ quan Huyện ủy huyện Hà Quảng. Xung quanh mỏm núi là đường quốc lộ và đường dân sinh. Hang Huyện ủy không có ngóc ngách, nó giống như một cái ống cống thông thống giữa lưng chừng núi. Cửa chính của hang hướng ra phía cánh đồng bản Nà Nghiềng, Ngay phía dưới cửa hang chính là nhà bưu điện thị trấn. Cửa hang phụ hướng lên phía biên giới. Lối lên cửa hang phụ dốc đứng có nhiều bụi cây rậm rạp nên tương đối bí mật. Đường lên cửa chính của hang được xây các bậc đá rất dễ đi. Đây là nơi cơ quan Huyện ủy trú tránh pháo của đich từ bên kia biên giới bắn sang. Khi chiến tranh xảy ra cơ quan huyện ủy Hà Quảng đã sơ tán triệt để về phía sau. Tổ đài vô tuyến của tiểu đội tôi đặt ở phía cửa phụ dễ triển khai mắc dây an-ten không bị ảnh hưởng địa hình.
Đêm đã về khuya. Pháo địch vẫn bắn sang nhưng thưa hơn. Các đơn vị bắt đầu báo cáo tình hình trong ngày về chỉ huy tiểu đoàn qua mạng thông tin vô tuyến của chúng tôi. Đại đội 11 báo cáo lúc 10 giờ đêm ngày 17-2, Đại đội 11 và một trung đội tăng cường của Đại đội 10 do chuẩn úy Đặng Hồng Giang chỉ huy đã đánh chiếm lại được chốt cây đa thứ nhất. Trung đội trưởng, chuẩn úy Đặng Hồng Giang dẫn đầu đội hình đánh thốc lên chốt cây đa thứ nhất khiến quân giặc bỏ chạy tán loạn.
Bọn địch tuy bị đánh bật khỏi chốt cây đa thứ nhất nhưng lực lượng của chúng còn rất mạnh. Trong khi đó phía tiểu đoàn chúng tôi đã bị thiệt hại nặng, đạn dược, lương thực cạn dần. Sự chi viện của trung đoàn rất hạn chế. Ngoài một xe đạn lúc chập tối, chúng tôi không nhận thêm được sự tiếp tế nào nữa. Chúng tôi được biết, tất cả các đơn vị của trung đoàn đã tham chiến. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 bị thiệt hại nặng. Trước tình hình đó, chỉ huy tiểu đoàn lệnh cho các bộ phận, các đại đội phải hết sức tiết kiệm đạn. Hỏa lực chủ yếu của Tiểu đoàn 3 là cối 82 và 12ly7. Lượng đạn cối 82 chỉ có vài trăm viên. Ngày đầu tiên chỉ huy và cánh lính Đại đội 12 hỏa lực tưởng cứ bắn thả cửa rồi sẽ có tiếp viện nên khi thấy bọn địch tiến ào ào dưới cánh đồng là bắn cấp tập, bắn sang cả phía bên kia biên giới làm cháy một kho xăng dầu của địch. Sau khi nghe Đại đội 12 báo cáo còn chưa đầy 200 viên đạn cối 82, trợ lý quân khí Cao Thành Văn báo cáo trong kho chỉ còn gần 100 viên đạn cối 82 và không đủ liều phóng, tiểu đoàn trưởng Thiêm lập tức bảo tôi:
- Điện khẩn ngay! Lệnh cho Đại đội 12 khi có mệnh lệnh của chỉ huy tiểu đoàn mới được bắn và bắn đúng số lượng như chỉ thị! Rõ chưa?
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh thì căn dặn chúng tôi:
- Chúng ta còn rất ít đạn. Nhưng chúng ta sẽ kiên quyết chiến đấu với bọn xâm lược đến viên đạn cuối cùng. Song tất cả mọi người nhớ là phải để lại cho mình quả lựu đạn cuối cùng. Hiểu không?
Chúng tôi đều hiểu lời nói của chính trị viên tiểu đoàn. Dù chết cũng không để sa vào tay giặc. Tiểu đoàn 3 chúng tôi chiến đấu trong vòng vây trùng điệp của quân bành trướng chỉ có người chết và bị thương, không có người bị địch bắt. Viết đến đây tôi muốn kể thêm một chuyện sau chiến tranh. Khi ấy, tôi đã về ôn thi đại học tại Trường Văn hóa Quân khu 1. Tôi được về tranh thủ thăm nhà. Đang lúi húi xới luống rau ngoài vườn thì thầy Nguyễn Cấp-thầy giáo dạy tôi môn tiếng Trung thời còn là học sinh trường cấp 3 Liễn Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc đến. Nghe tin tôi về thăm nhà nên thầy tìm đến bảo: “Thầy ở cùng làng với Nguyễn Văn Đam. Gia đình Đam nghe tin cậu ấy bị bọn Trung Quốc bắt sống khi đang ngủ rồi chặt đầu vứt đi. Mẹ và các em Đam đau đớn và khóc lóc ghê lắm. Trọng Bảo có biết rõ về trường hợp hy sinh của Đam không?”. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tại sao lại có tin đồn độc địa như thế. Tôi kể lại cho thầy Cấp nghe về trường hợp hy sinh của Nguyễn Văn Đam. Tôi hứa sẽ lên thăm gia đình Đam để kể lại mọi chuyện. Hôm sau, tôi đạp xe lên xã Như Thụy, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc tìm đến nhà Nguyễn Văn Đam. Bà mẹ Đam đang đi gặt lúa ngoài đồng nghe tin có đồng đội chiến đấu cùng đơn vị của con đến vội bỏ gánh lúa giữa ruộng vừa khóc vừa chạy về. Ông bố Đam đang dạy học ở trường cấp 1 cùng xã cũng vội về nhà ngay. Tôi kể lại trường hợp hy sinh anh dũng của Đam khi mang mệnh lệnh của tiểu đoàn rồi tham gia chiến đấu tại chốt của Đại đội 11 và khẳng định rằng trong chiến tranh đơn vị mình không có bất cứ một ai bị địch bắt và chặt đầu như vậy. Bà mẹ Đam nghe xong chùi nước mắt mếu máo nói: “Em nó hy sinh tôi và gia đình đau đớn lắm nhưng cũng thấy chút thanh thản vì biết Đam không phải đã chết trong tay bọn giặc như tin người ta đồn đại”. Hôm ấy, tôi cũng đã trao lại cho gia đình cuốn nhật ký của Đam và một số ảnh bạn bè, ảnh của Đam mà tôi còn giữ được.
Mọi người trong hang chuẩn bị cho cuộc chiến đấu ngày mai và những ngày tiếp theo. Lời dặn dò của chính trị viên Hoàng Quốc Doanh cứ luôn ám ảnh trong tâm trí tôi. Không rõ là trong lúc chuẩn bị chiến đấu ấy Cao Thành Văn hay ai đó đã đưa cho tôi một quả lựu đạn mỏ vịt nhãn hiệu US của Mỹ. Quả lựu đạn ấy luôn luôn ở bên tôi cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 18-2, Thượng úy Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên tiểu đoàn đến chỗ tổ đài vô tuyến ở cửa hang phụ bảo:
- Máy vô tuyến điện chuyển về đây có đảm bảo liên lạc với các hướng ổn không?
Tôi đáp:
- Báo cáo thủ trưởng! Liên lạc rất tốt ạ!
Chính trị viên Doanh căn dặn thêm:
- Mày phải cố gắng hết sức để đảm bảo mạng liên lạc bằng vô tuyến điện nhé! Mất liên lạc lúc này là mất chốt đấy hiểu không?
- Vâng ạ! Em sẽ cố gắng…
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh quay trở vào trong hang. Tôi ôm súng gục đầu lên ba lô cố chợp mắt lấy một lát nhưng không tài nào ngủ được. Gần sáng, trời càng lạnh. Tôi chui ra ngoài cửa hang phụ nhìn lên hướng biên giới. Phía cửa khẩu Bình Mãng tiếng súng vẫn râm ran. Sắp sáng rồi. Ngày chiến đấu ác liệt thứ hai lại sắp bắt đầu. Chắc toàn tiểu đoàn lúc này cũng không ai ngủ như tôi.
Một chùm đạn pháo từ phía bên kia biên giới bắn sang rơi xuống thị trấn Sóc Giang và mỏm núi hang Huyện ủy. Những tảng đá to trên đỉnh núi trúng đạn pháo lớn vỡ toác lăn xuống ầm ầm. Tôi vội lao vào trong cửa hang vớ lấy tổ hợp máy vô tuyến chụp lên đầu. Các đơn vị bắt đầu báo cáo tình hình về chỉ huy tiểu đoàn…
Dưới đây là trang nhật ký chiến tranh tôi đã ghi về ngày 18-2-1979:
“- Hướng cửa khẩu Bình Mãng: Địch tấn công 8 đợt cả ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng. Chúng chia làm 3 mũi: Một mũi từ trên sườn núi đá đánh xuống, một mũi từ từ phía bản Nà Sác đánh lên, một mũi từ bờ suối đánh vòng lên bên trái chốt cây đa thứ hai. Rút kinh nghiệm ngày đầu tiên, địch tấn công liên tục để tạo áp lực mạnh phá vỡ tuyến phòng thủ của ta.
- Ta: Đại đội 11 cùng một trung đội của đại đội 10 tăng cường đã dũng cảm chiến đấu giữ vững chốt, tiêu diệt 2 xe tăng, hơn 150 tên địch, bẻ gãy cả 8 đợt tấn công của chúng. Trung đội trưởng, Chuẩn uý Đặng Hồng Giang (đại đội 10 lên tăng cường) bắn hai quả đạn B41 diệt một xe tăng địch, bị thương mù một mắt, gãy một tay còn dùng AK bắn quân địch ngã tơi tả. Chuẩn úy Giang bị thương nặng nhưng vẫn kiên quyết cùng đồng đội bám trụ trận địa.
- Hi sinh ngày 18-2: Đại đội 11 có 8 đồng chí hy sinh, nhiều người khác bị thương, có 2 cán bộ hy sinh là đại đội phó Diệp Văn Năm và chính trị viên phó Nguyễn Mộng Lân. Đại đội 11 bị thiệt hại nặng nhưng vẫn kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa, đẩy lui nhiều đợt tấn công dữ dội của quân địch…”.
Ngày thứ hai của cuộc chiến tranh bọn giặc với số lượng quân đông gấp bội và sự chi viện tối đa của các loại hỏa lực mạnh vẫn không thể chọc thủng được tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn 3 từ hướng biên giới. Lực lượng của quân ta chống chọi với hai trung đoàn của địch chỉ là một đại đội và một trung đội tăng cường. Giữ vững được trận địa nhưng chúng tôi hiểu rằng những gì ác liệt nhất, gian khổ hy sinh nhiều nhất đang còn chờ chúng tôi ở những ngày tiếp theo…
Hà Nội, tháng 2-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét