Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 9

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 9 
Ghi chép của Trọng Bảo

9-Rút lui khỏi thị trấn Sóc Giang

Trận đánh quyết liệt cuối buổi chiều ngày 20-2, các đơn vị của Tiểu đoàn 3 đã đẩy lui tất cả các cuộc tấn công của bọn bành trướng vào thị trấn Sóc Giang và các trận địa phòng ngự của chúng tôi. Các đơn vị trong tiểu đoàn đã thể hiện quyết tâm: "Chiến đấu đến viên đạn, người lính cuối cùng, kiên quyết không rời trận địa khi chưa có lệnh!".
Đại đội 10 sau cuộc cận chiến bằng lưỡi lê, báng súng tuy chịu rất nhiều tổn thất song đã đánh bật bọn địch xuống mặt đường, đẩy lùi lượng lượng đặc nhiệm của chúng trở lại điểm cao 505, cơ bản lấy lại được trận địa. Đại đội 9 vẫn giữ vững được khu vực ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, Bộ phận chốt chặn của đại đội 11 vẫn bảo vệ được đoạn đường hẹp "cổ chai" phía dưới trường cấp 1 ngăn chặn quân địch từ hướng cửa khẩu Bình Mãng tràn xuống thị trấn Sóc Giang. Trong ngày, tám chiếc xe tăng địch bị bắn cháy, bắn hỏng, hơn bốn trăm tên địch bị tiêu diệt. Xác xe tăng, xác bộ binh chúng nằm rải rác khắp thị trấn Sóc Giang. Bọn địch từ hướng Mỏ Sắt, Thông Nông lên phải co cụm lại ở bản Nà Nghiềng. Không một tên địch nào bám được vào vách núi đá lối lên hang chỉ huy của tiểu đoàn. Bọn chúng bị chặn đứng ở ngay phía trước nhà bưu điện thị trấn. Những khẩu súng trên tay xác những tên giặc chết nằm trên đám ruộng ngô non bản Nà Nghiềng, khu chợ thị trấn, nòng pháo trên những chiếc xe tăng bị bắn cháy vẫn hướng về phía cửa hang Huyện ủy, nơi chúng tôi đang trụ vững.
Khi các hướng tiếng súng tạm lắng thì màn đêm buông xuống. Trừ bộ phận cảnh giới, chúng tôi rút vào trong hang tránh đạn pháo của bọn địch. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh ngồi dựa vào thành hang. Trông anh có vẻ mệt mỏi. Chúng tôi ngồi nằm ngổn ngang xung quanh, nhiều người quần áo còn bê bết bùn đất. Trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ tranh thủ báo cáo tình hình địch, sau đó tôi tổng hợp điện của các đơn vị báo cáo về quân số thương vong, về trang bị vũ khí đạn dược. Nét mặt của chính trị viên Hoàng Quốc Doanh thêm tối đi mỗi khi tôi đọc số lượng, tên người hy sinh, mất tích, bị thương. Anh em trong hang cũng lặng đi khi nghe tên đồng đội của mình vừa ngã xuống. Không khí trong hang trầm hẳn đi...
Hồi lâu chính trị viên Hoàng Quốc Doanh mới lên tiếng:
- Chúng ta đã chịu nhiều tổn thất, hy sinh. Nhưng hôm nay chúng ta đã đánh một trận làm cho quân thù phải khiếp sợ. Thị trấn Sóc Giang hôm nay đúng là một "tọa độ lửa" các đồng chí ạ. Nhiều người đã hy sinh nhưng chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ được trận địa. Hôm nay, các đồng chí ấy ngã xuống để cho chúng ta còn sống ngồi đây... không ai được quên điều ấy...
Lặng đi một lát anh nói thêm, giọng nhỏ hơn:
- Nếu buổi chiều hôm nay chúng ta không giữ vững được trận địa, hoặc có một đơn vị, một bộ phận nào rút lui tháo chạy thì tất cả chúng ta sẽ bị tiêu diệt không ai còn sống đâu. Bọn địch đã quây kín xung quanh cái thị trấn nhỏ bé này rồi...
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh biểu dương tình thần chiến đấu của các đơn vị trong tiểu đoàn. Anh cũng không quên nhắc đến sự chi viện của một khẩu đội 12ly7 thuộc Đại đội 16 của trung đoàn. Khẩu đội này bố trí trên mỏm núi bên phải bản Cốc Sâu, ngay giữa đội hình xuất phát của quân địch khi tấn công vào chốt của Đại đội 10 sáng nay. Các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã dũng cảm nằm im giữa đội hình của bọn giặc chờ đợi. Bọn giặc sẽ không phát hiện ra nếu họ lặng lẽ trèo lên núi cao theo đường mòn rút đi. Nhưng các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã không làm thế. Họ nằm im khi thấy địch tập trung quân xung quanh ngay dưới chân mình. Khi bọn địch bắt đầu tấn công vào thị trấn thì họ lập tức nhả đạn xối xả vào lưng, vào gáy bọn chúng để chi viện cho Đại đội 10. Bọn địch phải tổ chức một lực lượng quay lại bao vây tiêu diệt khẩu đội 12ly7 đột ngột xuất hiện trên mỏm núi đá ngay sau lưng đội hình của chúng. Sau này chúng tôi được biết, các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Họ phá hỏng khẩu 12ly7 trước khi bọn địch xông đến rồi dùng lựu đạn và súng bộ binh quyết tử với chúng. Phần lớn chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã hy sinh.
Tôi càng thấm thía những gì chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vừa nói. Là người phụ trách thông tin liên lạc, nhận những bức điện trong những tình huống cam go nhất nên tôi hiểu. Có bộ phận bị đánh ác liệt, thiệt hại nặng nề xin rút lui, có đơn vị chết gần hết chỉ huy, có đại đội vị không còn đạn dược. Tình huống dồn dập, cấp bách, bọn địch tấn công khắp nơi có lúc tôi nghe điện đã hoang mang vậy mà chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vẫn bình tĩnh xử lý. Anh còn động viên tôi bình tĩnh đảm bảo thông tin liên lạc. Tôi đã xử lý được tất cả các tình huống để đảm bảo liên lạc thông suốt trong các trận đánh, nhất là khi bị bọn giặc phá sóng. Nhiều lần cứ mở máy liên lạc là bọn giặc xen vào làm nhiễu sóng và nghe lén thông tin. Loại máy vô tuyến 884 chúng tôi đang sử dụng là do Trung Quốc sản xuất viện trợ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ vì thế chúng rất hiểu khi gây nhiễu, phá hoại…
Để chuẩn bị cho các trận đánh ngày hôm sau, cơ quan tiểu đoàn bộ tổ chức một trung đội sang tăng cường cho Đại đội 10. Tiểu đội trưởng hữu tuyến Hà Trung Lợi được bổ nhiệm làm trung đội trưởng. Lực lượng của trung đội này hơn chục chiến sĩ ở các ở các bộ phận thông tin, vận tải, nuôi quân. Sau khi nhận đủ người, Hà Trung Lợi liền dẫn bộ đội đi ngay. Ngày 21-2, Hà Trung Lợi đã cùng bộ phận của mình chiến đấu rất dũng cảm cùng anh em Đại đội 10. Trung đội trưởng thông tin Phạm Hoa Mùi cũng được giao phụ trách một bộ phận chiến đấu. Thấy tôi nhấp nhỏm vì chưa biết mình sẽ được giao nhiệm vụ gì, xuống đại đội nào thì chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo: “Mày vẫn phải ở lại cơ quan tiểu đoàn bộ lo việc bảo thông tin cho chỉ huy, hiểu không?”.
Các bộ phận đi hết, hang chỉ huy còn rất ít, chủ yếu là thương binh và một số chiến sĩ trinh sát, thông tin, vận tải.
Đến khoảng hơn tám giờ tối thì chúng tôi nhận được lệnh rút lui khỏi thị trấn Sóc Giang.
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh họp cùng chỉ huy, các cán bộ đại đội. Một tấm bản đồ địa hình trải xuống ngay nền hang đá. Các chỉ huy đang bàn kế hoạch rút lui khỏi thị trấn. Những cái đầu bù xù. Những khuôn mặt hốc hác vì gần tuần nay chiến đấu ác liệt, đấu trí, đấu sức với quân giặc và chứng kiến bao sự hy sinh rồi mất ngủ, đói khát. Với một đơn vị đã thiệt hại nặng, gần như kiệt sức chiến đấu cùng rất nhiều thương binh nặng việc tìm một phương án rút lui làm sao cho đỡ tổn thất thêm sinh lực quả là không đơn giản. Vị trí hang chỉ huy của tiểu đoàn đã bị lộ. Bọn địch bao vây chặt, hoả lực của chúng đặt ở điểm cao 505 và đồn công an vũ trang trên mỏm đồi ngay phía sau đội hình của tiểu đoàn, đối diện hang Huyện ủy. Chúng bắn không tiếc đạn vào cửa chính của hang.
Sau một lúc trao đổi, chính trị tiểu Hoàng đi đến một quyết định táo bạo:
- Chúng ta sẽ rút lui theo hướng cửa hang chính, qua bản Nà Nghiềng sau đó băng qua cánh đồng sang dãy núi đá vượt lên trên Lũng Vỉ. Nếu bị bọn địch phát hiện ngăn chặn thì nổ súng mở đường máu rút quân…
Có nhiều tiếng xì xào. Bởi nếu rút lui theo hướng cửa hang chính thì chính là một cuộc phá vây, mở đường máu thực sự. Bọn địch đã chiếm bản Nà Nghiềng, xe tăng chúng nằm lổm ngổm chặn khắp các ngõ ngách thị trấn Sóc Giang. Con đường rút lui của đơn vị sẽ đi qua giữa đội hình quân địch. Biết thế nhưng không ai có ý kiến phản đối. Bởi vì ai cũng hiểu đường rút qua cửa hang phụ an toàn hơn, bọn địch khó phát hiện được. Nhưng cửa hang phụ vách núi đá dựng đứng, người khoẻ leo lên, leo xuống đã khó đừng nói là khênh cáng thương binh.
Tiếp theo, trợ lý tham mưu tiểu đoàn Bùi Thế Thọ bắt đầu trình bày kế hoạch cụ thể cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đang có mặt trong hang nghe. Theo kế hoạch, các bộ phận sẽ chia nhỏ thành từng tổ ba bốn người, vũ khí, trang bị, khiêng cáng thương binh thật gọn gàng, để có thể trong vòng hai đến ba phút, là khoảng cách thời gian giữa hai đợt pháo địch bắn cầm canh vào cửa hang, phải vượt được một quãng đường gần hai trăm mét từ hang xuống đến con mương nước bên phải bản Nà Nghiềng, gần nhà bưu điện thị trấn. Tiểu đội trinh sát đi trước ém quân dọc theo con mương sẽ bảo vệ cho đội hình rút lui. Khi bị địch phát hiện thì từng tổ sẽ tổ chức đánh địch, vừa đánh vừa rút.
Tôi hiểu, việc chia nhỏ ra như thế nếu bị trúng đạn pháo hoặc quân địch phát hiện truy kích thì tổn thất sẽ ít hơn. Bộ phận mở đường do trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ và các chiến sĩ trinh sát nắm tình hình địch, công binh để phát hiện mìn, xử lý vật cản.
Đêm đã về khuya. Trời lạnh buốt da, buốt thịt. Chúng tôi tranh thủ gặm nắm cơm đã khô cong cho đỡ đói chờ lệnh xuất phát. Trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ nhìn đồng hồ. Đã gần một giờ sáng. Đợt pháo và ĐKZ của bọn địch bắn vào cửa hang vừa dứt, khói bụi còn mù mịt anh Thọ đã hạ lệnh cho bộ phận đi trước:
- Xuất phát!
Chúng tôi lao ra ngoài cửa hang. Đá núi ở bên ngoài cửa hang bị pháo băm vụn, nghiền nát, thậm chí sức nóng của lửa đạn nung chín thành vôi bột cả con đường lát bằng đá từ chân dốc lên hang. Chúng tôi không thể bước đi như bình thường được. Tất cả mọi người liền ngồi bệt xuống, súng quàng trước ngực, ba lô sau lưng, hai tay dang ra hai bên giữ thăng bằng tụt xuôi nhanh xuống dốc như trẻ con tụt máng trượt trong công viên. Khi chúng tôi đến được đầu nhà bưu điện thị trấn thì pháo địch bắt đầu bắn loạt tiếp theo. Mọi người nhảy xuống mương nước. Quên cả cái giá lạnh, chúng tôi lội trong mương nước bám sát nhau về phía bản Nà Nghiềng. Trong bản có lực lượng địch. May mà lòng mương sâu gần hai mét so với mặt đường, nước lại chảy rào rào, lau lách rậm rạp nên bọn địch không phát hiện được.
Đến cuối bản Nà Nghiềng tốp đi đầu dừng lại lập thành một điểm chốt sẵn sàng đánh chặn địch và chờ để đón các bộ phận tiếp theo rút qua. Tôi dừng lại áp ngực vào bờ mương cho đỡ rét. Tôi vừa căng mắt quan sát, canh chừng con đường từ bản Nà Nghiềng ra vừa hồi hộp nhẩm đếm các tốp rút qua chỗ mình. Đội hình của tiểu đoàn bộ cùng các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11, Đại đội 9 đã vượt ra được cánh đồng băng sang phía chân núi đá. Không ngờ, cuộc rút lui của chúng tôi lại an toàn tuyệt đối. Bọn địch không phát hiện được khi gần một trăm con người, có nhiều thương binh cùng vũ khí đi qua ngay dưới chân đồn công an vũ trang và bản Nà Nghiềng là nơi chốt giữ của bọn chúng. Có lẽ vì chúng không ngờ ta lại liều lĩnh, táo bạo đến thế.
Trời đã gần sáng. tôi cùng mấy anh em trong tiểu đội vô tuyến khẩn trương chạy đến chân núi đá. Chúng tôi băng qua cánh đồng đang cày dở. Những luống cày căn ngang rất khó chạy. Đến giữa đồng, tôi gặp mấy thương binh nhẹ đang dìu nhau đi. Tôi giục:
- Anh em hãy nhanh nhanh lên! Trời sắp sáng rồi. Cố gắng đến chân dãy núi bên kia hãy dừng lại nghỉ kẻo bọn địch phát hiện ra đấy!
- Vâng… vâng…
Vừa định chạy đi cho kịp anh em trong tiểu đội nhưng thấy mấy thương binh dìu nhau tập tễnh mãi không qua được một bờ ruộng cao, tôi lộn quay lại đỡ từng người vượt qua.
Chúng tôi đến được chân dãy núi đá có lối mòn dẫn lên Lũng Vỉ thì trời đã tang tảng sáng. Tại chân dốc núi chúng tôi gặp tiểu đoàn trưởng Trần Xuân Thiêm và các chiến sĩ của đại đội 12 đang chờ đón ở đây. Các chiến sĩ Đại đội 12 giúp khiêng cáng thương binh nặng, mang vác vũ khí leo lên dốc.
Khi chỉ huy tiểu đoàn và các Đại đội 9, Đại đội 11 rút đã lên Lũng Vỉ thì các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10, một tiểu đội của Đại đội 11 và trung đội tăng cường của cơ quan tiểu đoàn bộ vẫn tiếp tục củng cố trận địa tại thị trấn Sóc Giang. Họ cầm cự chiến đấu với bọn giặc suốt ngày hôm sau. Buổi tối ngày 21-2, lực lượng cán bộ, chiến sĩ bộ phận chiến đấu ở chốt của Đại đội 10 đã tổ chức một cuộc phá vây thành công rút lui lên núi về với đội hình của tiểu đoàn.
Từ ngày 22-2 trở đi quân giặc, nhất là lực lượng đặc nhiệm sơn cước của bọn Trung Quốc tiếp tục truy kích theo dấu vết của chúng tôi. Những cuộc chiến đấu đã xảy ra ở Lũng Mật, Táp Ná… Đến cuối tháng 2-1979, Tiểu đoàn 3 đã tổ chức vượt qua huyện Thông Nông sang huyện Nguyên Bình, tham gia chiến đấu bảo vệ khu công nghiệp mỏ thiếc Tĩnh Túc. Tiểu đoàn đã lập thêm được nhiều chiến công ở Minh Tâm - Nguyên Bình, Cốc Dù, Nà Bát - Hòa An (Cao Bằng). Ngày 16-3-1979, Tiểu đoàn 3 nhận lệnh quay trở lại thị trấn Sóc Giang.
Hôm tiểu đoàn vượt qua huyện Thông Nông để sang huyện Nguyên Bình tôi và một số chiến sĩ đi cuối đội hình. Lúc vượt qua đường quốc lộ thì bị “cắt đuôi”. Tôi và hơn chục anh em bị “thất lạc” tách khỏi đội hình của tiểu đoàn. Chúng tôi ở lại trong vòng vây của quân thù với những ngày vô cùng gian khổ lang thang lẩn khuất trên sườn núi đá, rét mướt, đói khát và bị bọn địch truy đuổi ráo riết. Do không có thông tin nên không biết việc Trung Quốc đã tuyên bố rút quân nên bộ phận trong vòng vây của chúng tôi khi chạm địch còn tổ chức đánh khiến có thêm người ngã xuống. Khi chỉ còn vài chiến sĩ thì bộ phận của tôi gặp được đội hình của tiểu đoàn đang hành quân về lại Sóc Giang.
Sau cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, Tiểu đoàn 3 chúng tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trước đó, khi ngồi giúp chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh chắp bút bản báo cáo thành tích chiến đấu, tôi lại nhớ đến những người đã ngã xuống. Cuốn nhật ký chiến tranh của tôi ngày ấy tôi luôn giữ gìn cẩn thận. Cuối tháng 5-2018, khi về Trung đoàn 246 dự hội thảo về lịch sử của trung đoàn, đồng chí trung đoàn trưởng ngỏ ý muốn xin cuốn nhật ký của tôi để đưa vào nhà truyền thống nhưng tôi không đồng ý. Tôi chỉ là một người lính bình thường trong chiến tranh. Những ghi chép của tôi chỉ là những tư liệu để phục vụ cho việc viết lách của mình mà thôi. Tôi đã viết xong nhiều truyện ngắn cùng một cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến đấu ở thị trấn Sóc Giang với tiêu đề “Cơn lũ đen” và đã đăng trên trang Fb này.
Rất cảm ơn các bạn đã theo dõi và bày tỏ cảm nhận về những ghi chép của tôi về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc 2-1979. (TRỌNG BẢO)
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2019

*Bài thơ này chép trong nhật ký chiến tranh, có ghi ngày 22-2-1979. Tôi viết khi ở trên sườn dãy núi đá. Từ vị trí ẩn nấp trên núi cao chúng tôi vẫn nhìn rõ toàn cảnh khu vực thị trấn Sóc Giang, các bản làng ở xã Sóc Hà (Hà Quảng-Cao Bằng) bị bọn địch đốt phá đang rừng rực bốc cháy.
MỘT CHIỀU BIÊN GIỚI
Có một buổi chiều biên giới
Tiếng súng bỗng lặng im
Trận địa tan dần khói đạn
Nắng nhạt loang trên thị trấn (1)
Gió đưa tàn lửa lên lưng trời.
Tôi lặng lẽ cắn môi
Nhìn anh bạn đếm lại từng viên đạn
Chính trị viên (2) gọi từng người căn dặn:
“Nhớ để chúng nó đến thật gần!”.
Nắm cơm trưa còn chửa kịp ăn
Mảnh đạn phạt bay đâu một nửa
Chúng tôi bẻ nhỏ chia nhau
Ăn chưa xong trận đánh lại bắt đầu.
Pháo địch gầm lên dữ dội
Trận địa chuyển rung, nắng chiều ám khói…
Bên cánh trái rộ lên tiếng kèn (3),
Những cái đầu đen đặc ngóc lên
Trên mặt đường đàn xe tăng gầm rú
Phía trên đỉnh đồi (4) giặc phất cờ lố nhố
Bốn mặt bọn chúng xông vào…
Chúng tôi đặt lên bờ chiến hào
Những quả lựu đạn cuối cùng nóng bỏng
Chúng tôi đẩy lên nòng súng
Những viên đạn cuối cùng thiêng liêng,
Lưỡi lê nhất loạt bật lên
Ánh thép lạnh giữa chiến hào lóe sáng.
Những viên đạn bay thẳng
Găm rất đúng tim thù,
Trong khói bụi mịt mù
Tiếng đồng đội gọi nhau chia lửa
Trong tiếng đạn nổ vang chát chúa
Là tiếng thét tiến công
Át cả tiếng kèn đồng…
Tám chiếc xe tăng quân thù bốc lửa
Những tên giặc bị thương giẫy giụa
Nắng chiều nhợt nhạt trùm lên,
Xác 400 tên kẻ cướp bẩn đen
Nằm rải rác bên những ngôi nhà cháy dở,
Thị trấn cuối chiều rực lên màu đỏ
Lửa chiến tranh bỏng rát cả bầu trời…
Sóc Giang, ngày 22-2-79
--------------------------
Bài thơ này ghi lại diễn biến trận đánh ngày 20/2/1979 của đơn vị chúng tôi.
(1) Thị trấn Sóc Giang, huyện Hà Quảng, Cao Bằng.
(2) Thượng uý Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246.
(3) Bọn giặc thường thổi kèn đồng khi tổ chức tấn công.
(4) Tức cao điểm 505.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét