Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

CẢM NHẬN ĐẦU NĂM

 

 
Cảm nhận đầu năm
 
Đầu năm mới bước ra vườn
Cảm nhận râm ran mùa lộc nảy,
Chiếc lá non trên cành run rẩy
Đợi mùa Xuân mới trở về.
 
Gió bắc còn nghiêng ngả cành tre
Chiếc lá mùa đông cuối cùng rơi xuống đất
Mặt đất râm ran chờ mùa gieo hạt
Mong cho no ấm những vụ sau.
 
Qua một năm đất nước gian lao
Còn bao nhiêu những đồng chí X.
Đường dài đi hoài vẫn chưa tới đích
Như mùa Xuân chưa đến sớm nay.
 
Giữa vườn xòe tay tôi hứng giọt sương bay
Dẫu lạnh lẽo nhưng lòng tràn hứng khởi
Bởi vũ trụ chuyển xoay, và mùa Xuân sẽ tới
Cho lòng ta hy vọng ở ngày mai…
 
                         Vĩnh Phúc, 1/1/2013
                                 TB
 

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Tạp văn VIẾT SAU NGÀY “TẬN THẾ”


      
      Ảnh: Khu phố Khâm Thiên (Hà Nội) sau khi máy bay B52 của Mỹ rải thảm 12-1972
     
Viết sau ngày “tận thế”
Tạp văn của Trọng Bảo

           Hôm nay là 22-12-2012, một ngày sau ngày “tận thế” mà báo chí làm rùm beng suốt thời gian qua, tôi lại ngồi vào bàn viết. Bởi vì hôm nay là ngày kỷ niệm 68 năm thành lập QĐND Việt Nam. Một ngày vô cùng ý nghĩa đối với những người lính chúng tôi, với những người một thời cầm súng trong cuộc hành quân thăm thẳm đường dài. Khi tôi lên đường nhập ngũ quân đội ta mới vừa tròn 30 tuổi. Vậy là đến hôm nay đã 38 năm trôi qua. Một chặng đường so với lịch sử thì ngắn mà với một đời người quả là dài. Thế hệ chúng tôi cầm súng qua hai cuộc chiến tranh bây giờ nghĩ lại càng thấy trong lòng mình biết bao điều trăn trở, nghĩ suy.
          Theo như lịch đá của người Maya cổ đại và theo “bài thơ đoán mệnh” của nhà tiên tri Nostradamus về điệu nhảy Gangnam thì ngày hôm qua (21-12-2012) vòng quay của chu kỳ thời gian vừa tròn một con số 9, con số của sự kết thúc [(2+1)+(1+2)+(1+2)=9], trái đất sẽ nổ tung, loài người sẽ tiệt diệt. Sự phá huỷ kinh hoàng trong ngày tận thế là động đất, sóng thần cao hàng trăm mét, núi lửa phun trào khắp nơi và nước biển dâng lên, hoặc là sự va chạm giữa các hành tinh, sóng điện từ trường mạnh từ mặt trời phóng xuống đốt cháy, phá huỷ, nhấn chìm trái đất mong manh của chúng ta. Nhưng ngày tận thế không xảy ra đúng như kịch bản đã định sẵn để sáng nay thế giới vạn vật vẫn sinh sôi, con người vẫn tồn tại. Nhiều người bảo “thế là không có ngày tận thế”. Nhưng thực sự thì ngày tận thế vẫn có, vẫn luôn tồn tại. Nó đang đến và đã đến rất gần. Nguyên nhân của “ngày tận thế” không phải từ đâu xa mà chính là từ con người chúng ta. Sự phá hoại môi trường, cưỡng bức thiên nhiên, làm mất cân bằng sinh thái của con người đã thực sự trở thành ngày tận thế cho nhiều loài động, thực vật và đang tiếp cận chính con người chúng ta. Bão gió mạnh hơn, lũ quét mạnh hơn, nước biển dâng cao hơn và số người tử vong do thiên tai ngày càng nhiều hơn. Không ở đâu xa, ngay ở Việt Nam chúng ta con người cũng đã tự làm nên một điều tưởng như không tưởng, đó là tạo nên những trận động đất liên miên ở công trình thuỷ thuỷ điện Sông Tranh 2. Rồi khi đi suốt một miền rừng núi cao từ Việt Bắc, Tây Bắc và Thanh Hoá, Nghệ An lên dãy Trường Sơn chúng ta càng thấy sự tàn phá, triệt hạ thiên nhiên của con người thật là vĩ đại. Với sự tàn phá thiên nhiên ấy, con người đang từng ngày tự đẩy chính mình đến ngày tận thế.
          Là một người lính, chúng tôi còn cảm nhận được về ngày tận thế của loài người qua những khoảnh khắc của chiến tranh. Chiến tranh, xung đột tôn giáo, sắc tộc cũng là một nguyên nhân sâu xa của ngày “tận thế nhân tạo”. Hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản trong thế chiến thứ II với sức tàn phá kinh hoàng của nó đã cho con người thấy hình ảnh tận thế của mình như thế nào. Những hình ảnh ấy lặp lại ở Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, là những thành phố tan hoang, những xóm làng tiêu điều, xơ xác vì bom đạn, lửa na-pan, chất độc da cam dioxin. Bốn mươi năm trước những hình ảnh rất giống ngày tận thế xuất hiện ở Khâm Thiên, ở Bạch Mai (Hà Nội), ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phú… sau những trận máy bay B52 Mỹ ném bom rải thảm. Và, tôi vẫn còn nhớ như in một đêm sau ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979, đơn vị chúng tôi rút lui qua thị trấn biên giới Sóc Giang-Cao Bằng đổ nát hoang tàn trong ánh lửa lập loè của nhà cửa bị cháy, trong mùi hôi thối của xác chết, trong tiếng rên rỉ kêu than của súc vật… cảm giác như mình đang đi giữa chốn âm phủ ngày tận thế. Bây giờ hình ảnh ấy đang còn khắp mọi nơi, ở Trung Đông, Bắc Phi và Apganixtan… Và lạ nhất là có một dân tộc với một nền văn minh Ăng-co rực rỡ như vậy mà dưới sự chỉ đạo của ngoại bang lại tự cầm cuốc bổ vào đầu mình, làm nên một cuộc diệt chủng hơn hai triệu người chết. Vậy mà hôm nay, sau hơn ba mươi năm họ lại tiếp tục đi theo đuôi những kẻ đã đẩy mình vào cuộc tự sát vĩ đại nhất lịch sử ấy.
          Kỷ niệm ngày thành lập quân đội ngay sau ngày “tận thế”, tôi lại nhớ đến những năm tháng chiến tranh tàn khốc và những người đồng đội của mình. Hôm nay ai mất, ai còn. Xin được trân trọng nghiêng mình trước anh linh của bao nhiêu liệt sĩ, cúi đầu trước vong hồn của bao nhiêu người dân đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh cam go, ác liệt vì độc lập, tự do cho dân tộc, giữ cho đất nước Đại Việt mãi mãi trường tồn, không bao giờ tận thế…

                                                                Hà Nội, ngày 22-12-2012
         

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Truyện ngắn Đợi mùa hoa cải năm sau (phần 2)

       

         

Đợi mùa hoa cải năm sau
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Ông Mâu trở thành bạn rượu của lão Hỗ từ ngày ấy. Nhưng ông không uống rượu thay cơm hàng ngày như lão Hỗ. Ông có lương. Ông lại là cán bộ nhà nước, vợ ông trước khi đi cũng để lại một ít nên cũng không thiếu tiền. Ông chỉ buồn vì gia cảnh. Có bạn rượu chia sẻ ông thấy vơi bớt nỗi lòng.
          Một ngày nghỉ ông Mâu phóng xe lang thang ra ngoại thành. Ông mới mua được cái xe máy Honda 82 mới tinh. Ông phóng xe lên bờ đê. Lúc xuống dốc bến phà để sang sông do đường mới mưa trơn nên tay lái ông loạng choạng. Ông chống hai chân xuống đất nhưng chiếc xe vẫn bị rê đi. Đuôi chiếc xe máy của ông va phải chiếc xe đạp thồ đang đi lên. Đó là chiếc xe đạp thồ của một người phụ nữ. Chị ta đeo băng khẩu, cái khăn che kín mặt. Chiếc xe thồ chất đầy nhưng đồ gốm sứ quay ngang rồi lao xuống mương nước sâu. Người phụ nữ cố ghìm giữ chiếc xe thồ nhưng không được. Chị ta ngã sấp xuống mặt đất và đành buông cho chiếc xe lao xuống mương nước. Tiếng đồ sứ vỡ. Người đàn bà ngồi bệt xuống đất thở dốc. Ông Mâu lúng túng cố tìm cách dựng chiếc xe máy giữa dốc trơn tuột nhưng không được. Ông đành phóng xe xuống chỗ gần mép nước nơi có một bãi phẳng lát bê-tông để dựng xe. Người đàn bà tưởng ông gây tai nạn rồi bỏ chạy nên bật khóc hu hu.
          Ông Mâu dựng chiếc xe ở bãi cập phà lát bê-tông. Khoá xe cẩn thận xong ông quay lên chỗ người phụ nữ đẩy xe đạp thồ đang ngồi khóc. Ông ấp úng:
          - Đường trơn quá, tôi lại mới tập đi xe máy…
          - Vỡ… vỡ hết hàng của tôi rồi… bác đền cho tôi đi!
          - Vâng… vâng… tôi sẽ đền cho chị!
          Người phụ nữ ngừng khóc gỡ cái khăn che mặt. Ông Mâu giật mình. Đó là một người phụ nữ đẹp. Tại sao chị ta phải đi làm cái nghề vận chuyển, buôn bán gốm sứ nặng nhọc thế này?
          Ông Mâu cùng người phụ nữ hì hục lôi chiếc xe đạp thồ từ dưới mương lên. Các loại đồ sứ như bát đĩa, lọ hoa, cốc sứ đều bị vỡ gần hết. Ông Mâu và người phụ nữ nhặt nhạnh những thứ còn lành lặn xếp lại vào hai cái sọt xe thồ. Xong xuôi, ông Mâu mở ví. Ông lấy ra ba trăm nghìn đồng. Người phụ nữ mếu máo:
          - Xe hàng của tôi mua gần một triệu đồng, lại thồ từ làng gốm về tận đây…
          Ông Mâu ấp úng:
          - Tôi không mang theo nhiều tiền, chỉ còn có bấy nhiêu.
          Người phụ nữ giơ tay chùi mắt. Ông Mâu lúng túng. Ông chưa biết xử lý thế nào cho ổn thoả. Lỗi này là do ông gây ra nên ông không thể không bồi thường cho người bị thiệt hại. Ông đành bảo:
          - Nếu chị tin tôi thì bây giờ chị lên cái quán trên đầu dốc ngồi chờ. Tôi sẽ phóng xe về nhà lấy tiền đem sang bồi thường cho chị!
          Người phụ nữ thần mặt ra im lặng. Mãi sau chị ta mới nói, giọng nghèn nghẹn:
          - Tôi tin anh! Với lại cũng chẳng còn cách nào khác. Bác cứ đi đi, nhưng xin anh nhớ là hai đứa con nhỏ của tôi ở nhà đều trông chờ cả vào xe hàng gốm sứ bán rong của tôi…  
          Ông Mâu giúp người phụ nữ đẩy chiếc xe thồ lên đỉnh dốc rồi quay lại lấy xe máy phóng đi. Tắc đường. Mãi quá trưa ông mới về đến nhà. Lấy tiền xong ông phóng xe trở lại chỗ đầu dốc xuống bến phà ngoại thành. Cái quán đang đông người. Ông ngó nhìn quanh quất. Không thấy người phụ nữ đâu, ông đoán chị ấy chờ lâu quá nghĩ ông bỏ chạy luân nên đã bỏ đi rồi. Ông Mâu ngần ngừ do dự một lát rồi quành xe trở lại định phóng đi. Giữa lúc đó thì ông chợt nghe tiếng gọi:
          - Bác… gì ơi!
          Ông Mâu quay lại. Người phụ nữ ông đang tìm đang đứng lấp ló phía sau cái quán. Chị gò người dắt chiếc xe thồ ra. Ông Mâu rút ví định lấy tiền nhưng rồi lại bảo:
          - Chị đã chờ tôi từ sáng đến chiều thế này chắc cũng đã đói rồi! Chị đưa xe vào chỗ chợ đầu đê kia gửi, tôi chở chị đi ăn cơm trưa rồi tôi trả tiền bồi thường xe hàng cho. Tôi cũng chưa ăn gì nên đói lắm rồi…
          Người phụ nữ ngần ngừ rồi cũng làm theo lời ông Mâu. Ông Mâu chở người phụ nữ dọc theo bờ đê đến một quán cơm bình dân. Ông gọi hai xuất cơm, thêm một đĩa thịt gà. Hai người vừa ăn, vừa nói chuyện. Qua câu chuyện của người phụ nữ ông biết gia cảnh nhà chị. Anh chồng bội bạc chạy theo một người đàn bà nhiều tuổi hơn nhưng giàu có bỏ lại hai đứa con nhỏ cho chị, một đứa lên năm, một đứa lên ba. Chị phải lăn lộn làm đủ nghề để kiếm tiền nuôi con. Cứ vài ngày chị lại vào làng làm nghề gốm sự mua các loại sản phẩm đem đi bán rong. Ông Mâu tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người phụ nữ. Không biết hai người đã chuyển sang gọi nhau là anh, là cô từ lúc nào. Người phụ nữ nói về hai đứa con nhỏ khi mẹ đi bán hàng rong thì tha thủi chơi với nhau ở nhà. Buổi trưa vét nồi chia nhau mỗi đứa một bát cơm nguội. Nghe người phụ nữ nói, ông Mâu chợt buột miệng bảo:
          - Cô cho tôi một đứa con để tôi nuôi cho nhà đỡ hưu quạnh thì tốt quá!
          Người phụ nữ ngạc nhiên nhìn ông Mâu. Mặt chị đỏ bừng lên. Chị đã hiểu sai câu nói của ông Mâu. Đã biết phần nào hoàn cảnh éo le của ông Mâu, người phụ nữ ngập ngừng nói, giọng nhỏ nhí:
          - Em đồng ý giúp anh có một đứa con… nhưng… nhưng… anh phải giúp em ít một vốn để em mua một cái máy khâu, mở hiệu may ở làng nhé!
          Ông Mâu giật mình khi biết người phụ nữ đã hiểu sai lời nói đùa của mình. Ông ấp úng định thanh minh thì người phụ nữ khẽ khàng đặt bàn tay mình lên tay ông. Ông thấy vương vướng trong cổ nửa như muốn, nửa như không... 
*
          Hai người rời khỏi cái nhà nghỉ khuất trong một cái ngõ vắng vẻ sâu hun hút khi trời đã gần tối. Mùa này trời thường tối sớm. Ông Mâu phóng xe máy về trung tâm thành phố mà lòng vẫn lâng lâng. Sau đó cô Miền - tên người phụ nữ- còn đến nhà ông Mâu một vài lần giúp ông dọn dẹp nhà cửa, mua sắm chuẩn bị đón tết. Ra riêng, hai người đưa nhau đi Hội Lim nghe hát quan họ…
          Rồi bỗng nhiên cô Miền biệt tăm tích sau khi báo tin cho ông Mâu biết mình đã có thai. Ông Mâu thấy hụt hẫng. Ông hối hận vì không hỏi rõ quê quán của người phụ nữ ở đâu. Mà ông cố hỏi thì người phụ nữ cũng không nói thật.
          Hơn một năm sau. Buổi tối hôm ấy trời mưa gió sụt sùi. Ông đang ngồi xem ti-vi thì có tiếng chuông gọi cửa. Ông mở cửa. Một người đội nón sùm sụp ôm cái bọc bước vào. Khi người này hất cái nón lên ông Mâu ngỡ ngành nhận ta Miền, người phụ nữ đã nhận sinh cho ông một đứa con hơn một năm về trước. Ông vội vã kéo cái ghế. Người phụ nữ trao cho ông cái bọc đang ôm trên tay nói, giọng nghèn nghẹn:
          - Nó là con gái, được hơn ba tháng rồi, em tạm đặt tên nó là Bông…
          Ông Mâu lập cập bế đứa bé. Người phụ nữ quay ra. Ông Mâu vội hỏi:
          - Cô Miền định đi đâu đấy! Chờ tôi chút đã…
          Ông Mâu một tay bế đứa bé một tay cuống quýt với cái ái tìm ví. Ồng muốn đưa cho người phụ nữ ít tiền đi đường nhưng cô đã bước ra khỏi cửa. Ông Mâu nhao theo. Một cơn gió lạnh thổi thốc vào nhà. Ông nghe rõ tiếng người phụ nữ nói vọng lại trong tiếng nấc:
          - Anh làm giấy khai sinh cho nó có bố, có họ nhé!
          Người phụ nữ biến vào màn đêm nhanh như lúc chị đến.
          Ông Mâu đã vất vả nuôi cái Bông từ khi mới lọt lòng như thế. Khỏi phải nói nỗi gian chuân của cảnh gà trống nuôi con. Cũng may, cái Bông ít ốm đau. Nó lớn lên trong niềm vui của người cha và ngày càng xinh đẹp giống mẹ. Cái Bông luôn hỏi ông về mẹ. Ông lẩn tránh câu hỏi của con mãi. Cái Bông ngoan ngoãn, học giỏi. Thi đại học nó đỗ luôn hai trường với điểm số khá cao. Đúng như lời hứa với con khi nó đã lớn ông Mâu quyết định kể lại cho con về mẹ nó. Kể lại câu chuyện cho cái Bông nghe ông Mâu thấy thấp thỏm lo lắng. Ông sợ nó sẽ oán trách ông. Cái Bông không nói một lời nào. Nó chỉ lặng lẽ khóc khi nghe ông nói. Hai bố con ngồi lặng lẽ. Một lúc sau cái Bông bảo ông:
          - Bố đưa con đến thăm nơi bố mẹ đã gặp nhau nhé!
          Ông Mâu ngẩn người. Bây giờ đã cuối mùa thu. Cũng đúng là mùa mà ông đã gặp mẹ cái Bông ở bến sông xưa. Và, hai bố con ông Mâu đưa nhau cùng trở về giữa một mùa hoa cải nở vàng trên bãi sông.
          Ông Mâu để cái Bông thoả thích ngắm nhìn bãi sông vàng rộm màu hoa cải, xanh mướt ngô non. Bến sông bây giờ nhiều hàng quán hơn trước. Ông Mâu và con gái vào một quán nước ven đê. Bà chủ quán phúc hậu rót hai cốc nước nhân trần cho hai bố con. Bà cụ cứ chăm chú nhìn cái Bông mãi. Khi hai bố con trả tiền định đi thì bà cụ ngập ngừng hỏi:
          - Tôi hỏi khí không phải, chú và cháu đây có quan hệ thế nào với hai mẹ con cháu gái hôm qua đã đến đây?
          Ông Mâu ngạc nhiên:
          - Cụ nói hai mẹ con nào ạ?
          - Chả là hôm qua có hai mẹ con đến đây cũng vào uống nước nhân trần. Con gái của cô ấy sao mà giống cháu gái này thế, cũng mặc cái áo dài màu thiên thanh như cháu này, nhưng có lẽ cô bé ấy nhiều hơn cháu gái này vài tuổi… Hai mẹ con cô ấy nói với nhau về đây mùa này may gặp bố và em gái. Hôm nay lại thấy cháu gái nói về đây may tìm thấy mẹ nên tôi mới hỏi thế!
          Cái Bông run run nói:
          - Có khi là mẹ và chị gái con đấy bố ạ?
          Ông Mâu chưa kịp trả lời con thì bà cụ bán hàng nước lại bảo:
          - Hai mẹ con cô ấy mùa thu năm nào cũng về đây, cũng vào quán của tôi uống cốc nước nhân trần rồi mới đi.
          Ông Mâu hỏi bà lão bán quán:
          - Mẹ con cô ấy thường về vào ngày nào trong tháng ạ!
          - Chả cố định! Tôi nhớ có năm thì trước rằm trung thu, có năm sau hôm rằm, năm nay thì mãi cuối mùa thu mới về…
          Cái Bông thắc mắc:
          - Nếu đúng là mẹ tại sao không đến nhà tìm bố con mình mà lại về bến sông này…
          Ông Mâu giải thích:
          - Mẹ con làm gì biết nhà của bố con mình ở đâu mà đến tìm. Khi mẹ con trao con cho bố thì nhà ta vẫn ở căn hộ chung cư cũ nát trong nội thành. Bây giờ chỗ ấy là một toà cao ốc siêu thị đồ sộ hơn hai mươi tầng. Bố con mình thì lại ở mãi khu đô thị mới ngoại thành…
          Cái Bông ỉu sìu khi nghe bố nói vậy. Ông Mâu an ủi, giục nó về. Nhưng cái Bông vẫn chưa muốn về. Nó nói:
          - Mùa hoa cải sang năm mình sẽ lại sang đây chờ mẹ bố nhé!
          - Ừ… - Ông Mâu đáp.
          Ông Mâu nghĩ cô Miền có ý đi tìm ông và con gái như thế chắc là cô ấy cũng thương nhớ con lắm. Ông cũng rất mong gặp lại người phụ nữ năm xưa đã sinh cho ông một đứa con xinh đẹp, ngoan ngoãn. Năm ấy cô ấy ra đi vội vã quá ông chưa kịp nói với cô ấy những điều cần nói. Ông không tin là sẽ gặp lại người phụ nữ năm xưa. Nhưng cũng giống như cái Bông, ông khắc khoải mong chờ đến mùa hoa cải năm sau…

           (hết)                                                        Hà Nội, 12-2012                       
   

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Truyện ngắn Đợi mùa hoa cải năm sau (phần 1)



           

Đợi mùa hoa cải năm sau
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Ông Mâu dẫn con gái xuống bến sông.
          Bây giờ đang là cuối mùa thu. Hoa cải nở trải một thảm vàng trên bãi phù sa non ven bờ sông. Gió thổi từ mặt nước lên hơi lành lạnh. Ánh nắng lăn dài lấp lánh trên mặt nước. Những con sóng nhỏ đuổi nhau vào bờ tạo nên những âm thanh óc ách, miên man. Cái Bông con gái ông theo bố đi xuống bến. Nó mặc cái áo dài màu thiên thanh. Tà áo dài của con bé bay bay trong gió nổi bật giữa màu vàng của hoa cải. Con bé trông thật tươi tắn. Nhìn con gái ông chợt thấy nao nao trong lòng. Ông thấy vui vì con bé càng lớn càng xinh đẹp. Nó rất giống mẹ. Nhưng ông cũng thấy lo lo, trong lòng vương vấn một nỗi ân hận. Hơn mười năm qua, ông vẫn nghĩ đến ngày này. Cái ngày mà con gái sẽ hỏi về mẹ của nó. Hơn mười năm qua ông lo lắng trước ánh mắt của con bé mỗi khi nhắc đến mẹ. Hôm nay, ông đưa con về nơi lần đầu tiên ông đã gặp người đàn bà - mẹ đẻ của con bé.
          Từ buổi tối hôm qua con bé đã bồn chồn lo lắng chuẩn bị cho chuyến đi. Nó mở tủ lôi ra hàng chục bộ quần áo mặc thử. Hết váy ngắn, váy dài lại đến quần bò, quần lửng. Cuối cùng nó chọn cái áo dài màu thiên thanh vì nó chợt nhớ có lần ông kể chuyện mẹ nó từng ước ao có một cái áo dài màu ấy. Dù biết chuyến đi chỉ là về nơi bố mẹ đã gặp nhau chứ không thể gặp được mẹ nhưng nó vẫn thấy hồi hộp, háo hức. Nó cứ nghĩ như là đang đi gặp mẹ.
          Con đường xuống bến phà bây giờ đã trải bê-tông phẳng phiu khác hẳn mười bảy năm về trước khi ông gặp người đàn bà sau này là mẹ đẻ của cái Bông. Dòng sông Hồng mùa thu hiền hòa nhưng hưu quạnh. Nước sông cạn nên thuyền bè không tấp nập như khi mùa lũ lớn.
          Ông chợt giật mình khi nhìn thấy một người đàn bà miệng bịt băng khẩu, khăn che mặt kín mít đang đẩy một cái xe thồ đầy đồ sành sứ từ dưới bến sông đi lên. Trông chị ta rất giống như người đàn bà- mẹ đẻ của cái Bông- mà ông đã gặp năm xưa.

*
          Năm ấy cũng là mùa Thu. Vợ ông từ liên bang Đức trở về. Người đàn bà lam lũ thời bao cấp ngày nào bây giờ đã khác hẳn. Vẻ giàu sang, mặc đồ đắt tiền, mùi nước hoa thơm nức cũng không che dấu hết được những nỗi cực nhọc, đôn đáo kiếm ăn nơi đất khách quê người của vợ ông. Mùi nước hoa khiến ông khó chịu. Nhưng ông Mâu càng khó chịu hơn khi thấy bà tỏ vẻ coi thường những thứ mà một thời ông và bà gắn bó như chiếc xe đạp thống nhất cọc cạch, chiếc nồi nhôm méo mó đen thui, cái rá vo gạo ám khói… Chỉ một hai ngày sau khi bà về những thứ đồ từ thời bao cấp, những kỷ vật chiến tranh của hai người đã bị thanh lý tuốt tuột cho con bé chuyên thu mua đồ cũ ngày nào cũng giong xe đạp đi qua các khu tập thể. Bà vợ ông đi siêu thị lôi về nào là nồi cơm điện, bếp ga, lò vi sóng… Những thứ mà khi ấy ông chỉ thấy quảng cáo trên ti-vi. Căn hộ tập thể của ông cũng thay đổi. Nó được tân trang lại. Bốn bức tường dày đặc những hình vẽ chim cò mà thằng con ông đã “sáng tác” từ khi còn bé tý cũng bị xoá sạch. Bà gọi thợ co trát lại rồi sơn tường chứ không quét vôi như trước. Ông Mâu thấy hụt hẫng vì sự thay đổi. Tuy vậy ông cũng mừng vì bao năm bà ấy đi xuất khẩu lao động cũng biết tích cóp đem tiền về lo cho bố con ông ở nhà. Ông vui vì kể từ nay cả nhà ông đã đoàn tụ, có vợ, có chồng cùng chăm lo cho thằng con học hành tấn tới.
          Nhưng ông đã lầm. Mấy tháng sau khi trở về nước, vợ ông lại lên đường xuất ngoại. Nhưng lần này bà không đi một mình. Bà đem cả thằng con đang học lớp 8 vẫn ở cùng ông đi theo, nói là sang bên ấy nó có điều kiện học tập tốt hơn. Thế là hai mẹ con mất hút luôn. Hơn một năm sau ông nhận được một lá thư từ nước ngoài gửi về. Đó là một tờ đơn ly hôn bà vợ ông gửi về để ông ký. Một người bạn cùng đi xuất khẩu lao động về thăm nhà được vợ ông nhờ đem về. Anh này cho biết bên ấy bà đã sống với một người đàn ông khác. Họ đã có với nhau một đứa con gái một tuổi. Thế là ông Mâu mất tất. Ông mất cả vợ lẫn con. Ông buồn suy sụp. Lão Hỗ hàng xóm của ông nghe tin cầm chai rượu lò dò sang ngật ngưỡng bảo:
          - Cần đếch gì phải suy nghĩ nhiều hả bác! Làm một chén cho nó quên hết mẹ nó cái sự đời đi bác ạ! - Lão vừa nói vừa rót rượu ra cái chén cầm sẵn theo.
          - Uống thì uống… - Ông Mâu cầm cái chén ngửa cổ dốc rượu vào miệng ực luôn một phát.
          Lão Hỗ đón cái chén rót tiếp một chén rượu và cũng ngửa cổ ực một phát. Sau mấy lần quay vòng cái chén tống, chai rượu hết veo. Lão Hỗ cắp cái chai rỗng vào nách lè nhè hát: “Đời ơi đời, sao mà bạc như vôi, sao mà đen như mực, sao mà nhục như người… Đời ơi là đời… đ… ờ… i…”.
          Lão Hỗ cũng bị vợ bỏ. Vợ lão đi theo một thằng chuyển buôn bè gỗ trên sông Hồng. Lão gà trống nuôi con bao năm trời vất vả gian lao. Vậy mà cái Lĩnh con gái lão lại phụ công của bố. Nó càng lớn cành xinh nhưng lại càng hỗn láo, không nghe lời bố. Học chưa hết phổ thông nó đã bỏ lớp theo trai đi bụi. Lão Hỗ lần mò bao nhiêu tiệm hớt tóc, sạp nhảy tìm con. Lão gặp nó ở một quán cà-phê đèn mờ. Nó không chịu theo lão trở về đi học lại còn lỉnh đi rồi nháy một con bé cùng bọn ra chèo kéo lão uống cà-phê ôm. Sau bận ấy nó biệt tăm. Nghe nói nó vào tận Sài Gòn “làm việc”.
           Một buổi tối lão đang ngồi nhâm nhi chén rượu suông thì cái Lĩnh xuất hiện cùng một thằng con trai đầu tóc bù sù, mắt trắng dã nhìn ngang liếc dọc láo liên. Nó giới thiệu đó là chồng. Thằng con trai vớ ngay chai rượu của lão trên bàn ngửa cổ tu ừng ực. Lão trừng mắt quát nó là đồ vô lễ. Nó liền rút phắt con dao nhọn chọc tiết lợn ra kề vào cổ lão. Cái Lĩnh gạt con dao của thằng kia nhăn nhở xin lỗi bố. Nó làm như vậy là để vòi xin tiền lão. Lão bảo không có tiền. Mà đúng là lão không có tiền thật. Mỗi tháng lão chỉ có dăm trăm ngàn tiền trợ cấp thương tật. Hồi tháng chạp năm 1972, là tự vệ khi tham gia cứu hộ bệnh viện Bạch Mai trong trận B52 giải thảm xuống thủ đô Hà Nội, lão bị một tảng bê-tông rơi trúng gãy chân. Sau này người ta xem xét trợ cấp hàng tháng cho lão. Số tiền ấy chả đủ cho lão uống rượu làm gì có mà để dành chứ.
           Cái Lĩnh và thằng con trai lục lọi tìm kiếm khắp ngôi nhà của lão. Thằng con trai thọc tay vào túi áo của lão Hỗ. Nó vớ được mấy chục nghìn tiền lẻ. Nó giơ lên nhìn vẻ khinh bỉ nhưng rồi vẫn nhét nắm tiền lẻ ấy vào túi mình. Đoạn nó vẫy cái Lĩnh: “Đi thôi!”.
           Hai đứa kéo nhau đi một cách vội vã. Hình như chúng nó sắp đến lúc phải nạp bổ sung hợp chất heroin vào cơ thể thì phải. Vừa ra đến cửa cái Lĩnh bỗng như nhớ ra điều gì nó liền kéo thằng con trai quay lại. Nó đến bên cái giường gỗ cũ kỹ quan sát rồi bảo thằng con trai:
          - Nâng cái giường lên!
          - Làm cái gì thế hả?
          - Thì cứ nâng lên rồi khắc biết!
          Thằng con trai nâng lật nghiêng cái giường gỗ. Cái Lĩnh lần sờ từng chân chiếc giường. Chợt nó reo to:
          - Đây rồi… cụ bô cứ giả nghèo, giả khổ mãi…
          Nói đoạn nó lôi từ phía dưới một chân giường ra một cái gói nhỏ. Nó mở cái gói rồi giơ lên hai cái hoa tai bằng vàng. Lão Hỗ nhỏm dậy ú ớ:
          - Mày… chúng… mày… là quân ăn… cướp… Đấy là của mẹ mày để lại đấy…
           Nhưng lão chưa nói hết câu thì hai đứa đã vút ra cửa biến vào đêm tối mịt mùng. Lão Hỗ boải hoải ngồi xuống. Lão đã đục rỗng một cái chân giường để cất giấu hai chỉ vàng ấy. Bao lần thiếu thốn, ốm đau nhưng lão không bao giờ nghĩ đến chuyện bán đi hai chỉ vàng. Lão định khi nào cái Lĩnh lớn lên sẽ cho nó. Khi nó còn bé tý mấy lần lão lấy ra cho nó xem. Không ngờ hôm nay nó trở về và cướp đi như thế. 
           Sau này khi nghe tin cái Lĩnh phải vào trại cai nghiện ma tuý lão Hỗ càng buồn. Lão suốt ngày say sưa cùng rượu, lấy rượu thay cơm. Đêm đêm tiếng lão Hỗ lè nhè văng vẳng trong khu nhà tập thể: “Đời ơi đời, sao mà bạc như vôi, sao mà đen như mực, sao mà nhục như người… Đời ơi là đời… đ… ờ… i…”.

(còn nữa)                                    Hà Nội, 12-2012                       
   

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Truyện ngắn GIÔNG GIÓ ĐI QUA (phần 2)


            
      
           Giông gió đi qua
            Truyện ngắn của Trọng Bảo

           Khi anh Luân bị công an bắt vì tội tàng trữ thuốc nổ trái phép thì tôi mới tin rằng anh quyết tâm phá tan tành cái miếu hoang của bọn Tàu khựa trên đỉnh núi đầu sư tử là có thật. Anh Luân bị giam vài tháng rồi được thả. Số thuốc nổ hơn một ki-lô-gam là do anh mua của bọn chuyên đánh cá không dùng lưới trên dòng sông Trùng Thuỷ. Bọn này đang dùng mìn đánh cá thì bị bắt. Vì muốn nhẹ tội nên chúng đã khai thêm việc anh Luân cũng đang có thuốc nổ. Tại cơ quan điều tra anh nói là mua để nổ phá đá đào giếng ở khu gò mả nhưng vẫn bị giam giữ để điều tra.
           Hôm được thả về gặp tôi anh bảo:
          - Mẹ kiếp! Không bị thu mất gói thuốc nổ thì tao đã cho tan tành cái miếu hoang để giải thoát cái lời nguyền cho làng ta rồi!
          Tôi cười:
          - Anh mà phá cái miếu hoang ấy có khi làng ta còn bị tai họa đấy!
          - Tai họa cái con khỉ! Để nó ở đấy chỉ tổ làm chỗ cho lão Tụng thầy cúng nó lòe bịp, dọa dẫm dân làng, đám nghiện hút nó trú ngụ tiêm chích. Hôm trước tao còn gặp mấy thằng lạ hoắc từ thị huyện trấn kéo về túm tụm ngồi trong miếu chơi xóc đĩa đấy!
          - Chết, thế thì phải báo ngay cho công an xóm họ kiểm tra anh ạ!
          - Kiểm kiếc quái gì! Bọn chúng ranh ma lắm, công an vừa xuất hiện dưới chân dốc chúng nó đã biến sạch mất tăm rồi… Mà mày đừng có lên đấy tìm cây cối vớ vẩn nữa nhé!
          - Tại sao hả anh?
          - Vì hôm qua tao còn thấy có cả mấy con mắt xanh, mỏ đỏ theo bọn cờ bạc về tụ tập trên núi đấy!
          Nói xong anh rẽ vào cái ngõ nhỏ ở ngay đầu làng. Đó là lối vào khu đất chị Tho đang thuê đào móng làm nhà. Hai bên con đường nhỏ um tùm những bụi cây xấu hổ. Tôi nheo mắt nhìn theo bóng anh mỉm cười.
*
           Mấy tháng liền tôi bận đi công tác ở cơ sở nên không về làng. Một hôm tôi vừa đi công tác về thì gặp thằng Tèo ở bến xe Gia Lâm. Tôi hỏi thăm chuyện làng thì nó nhăn nhở bảo tôi:
          - Anh đã biết chuyện gì vừa mới xảy ra ở làng ta chưa?
          - Chuyện gì vậy?
          - Chuyện ông Luân và chị Tho! Phen này ông Luân đi tù là cái chắc!
          - Tại sao thế?
          - Ông ấy hủ hoá với chị Tho bị dân quân bắt quả tang tại trận…
          Tôi thở phào:
          - Anh ấy vợ mất đã lâu, chị Tho chưa chồng, họ quan hệ với nhau thì việc quái gì mà phải đi tù?
          - Nhưng mà… công an đang nghi ông ấy đã dùng thuốc nổ đánh sập mỏm núi sư tử gây hoang mang cho cả làng ta đấy.
          Thằng Tèo kể chưa hết câu chuyện thì đã vội chào tôi rồi nhớn nhác chạy theo nhao người đu lên một chiếc xe đang rời bến. Nó lên Lạng Sơn để làm cửu vạn kiếm tiền. Quê tôi bây giờ thanh niên bỏ làng ra thiên hạ kiếm ăn rất nhiều. Có lần đi công tác ở Bình Dương tôi còn gặp mấy người làng Dương Cống đang đi thu mua sắt vụn, phế liệu ở đây. Câu chuyện của thằng Tèo làm tôi băn khoăn. Chuyện anh Luân với chị Tho thì tôi không lo mà chỉ lo là chuyện anh đã nổ mìn trên núi sư tử.
          Ngày chủ nhật được nghỉ tôi liền phóng xe máy về quê. Từ xa tôi đã trông thấy mỏm sư tử bị vỡ toác ra làm đôi giống như bị chém một đao chí mạng. Vừa đến đầu làng tôi đã chạm ngay anh Luân đang hì hục bốc vác mấy bao xi-măng đi vào ngõ nhà chị Tho. Tôi chặn anh lại hỏi chuyện. Tôi kể cho anh nghe về những gì tôi nghe được khi gặp thằng Tèo ở bến xe Gia Lâm. Anh Luân cười hề hề:
          - Cái thằng Tèo chỉ chuyên tung tin láo toét!
          - Thế không phải là anh đã dùng khối thuốc nổ lớn đánh vỡ mỏm sư tử à?
          - Tao nào đánh mà là trời đánh đấy! Ông trời đã hóa giải lời nguyền ác nghiệt cho dân làng ta rồi?
          - Sao nghe nói công an họ đang truy xét anh?
          - Thì… một mỏm núi vỡ tan, đất đá lăn xuống sập cả tường nhà văn hoá thì công an họ phải tiến hành điều tra chứ! Mà họ có điều tra ra cái gì đâu?
          - Nhưng… anh phải cẩn thận đấy!
          - Tao, một thằng lính chiến bị loại ngũ vì đã khử mấy thằng tù binh, bây giờ trên răng, dưới các-tút, không đoàn, không đảng, sợ đéo gì bố con thằng nào?
          - Anh không sợ, nhưng anh cũng phải nghĩ đến thằng Thường đang học trên Hà Nội…
          - Ờ… ờ… lần trước bị triệu tập “cải tạo không giam giữ” về mấy cái ao thả cá  bị bọn trộm nó kéo lưới vét sạch sành sanh. Mất mẹ nó mấy chục triệu tiền cá giống đấy… - Anh càu nhàu vẻ bực bội rồi chợt hỏi tôi: - Mà lâu nay hai chú cháu có hay gặp nhau không?
          - Thỉnh thoảng mới gặp! Hình như dạo này thằng Thường đang đi thực tập mãi trong Nghệ An.
          - Nó cũng ít gọi điện cho tao! Thôi mày về nhà tắm táp đi, tối này ra lán coi hồ, tao luộc con cá quả chấm muối ớt nhâm nhi rồi nói chuyện gẫu nhé!
*
            Câu chuyện của anh Luân kể về một đêm giông gió. Hôm ấy, áp thấp nhiệt đới từ phía biển đã tạo nên một vùng không khí biến động dữ dội vô cùng nguy hiểm. Bầu trời u ám và chứa đầy điện tích. Ánh chớp xé ngang dọc trên bầu trời. Tiếng sét ầm ầm khiến anh Luân nhớ lại cái buổi sáng xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc khi anh đang là lính của một đơn vị đóng quân tại biên giới. Những tiếng nổ dữ dội. Bầu trời sáng rực lên bởi những luồng lửa của đạn pháo từ bên kia biên giới bắn sang. Trong tiếng đạn pháo đinh tai, chói óc là tiếng người gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn, tiếng chó sủa, gà kêu, bò rống tan tác, vỡ đàn, tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật. Mọi thứ âm thanh hỗn độn hoà vào nhau tạo nên sự vang vọng của thần chiến tranh, thần chết đang dần dần tiến đến. Khói lửa, cát bụi mù mịt. Mặt đất chao đảo liên tục xô những người lính chới với, ngả nghiêng. Ánh chớp nhoáng nhoàng tựa như một cơn giông bão lớn nhưng dữ dội hơn rất nhiều. Đó là ký ức của anh Luân về khoảnh khắc cuộc chiến tranh nổ ra hơn ba mươi năm về trước.
           Đêm giông gió dữ dội ấy khiến anh Luân chợt rùng mình. Anh chợt nhớ tới cái chết của hàng trăm, hàng ngàn người dân nơi biên ải năm nào. Hình ảnh những người phụ nữ bị quân giặc lột trần đang lăn lóc, tả tượi chợt hiện ra trong tâm trí anh.
           Những hạt mưa ném xuống rào rào một lát rồi lại thôi. Gió thổi quần quật vặn gãy gục hàng chuối hột trồng bên bờ mương nước. Đêm nay sẽ mưa rất to - Anh Luân nghĩ và vớ vội cái xẻng lao ra phía các ao thả cá. Chiều nay anh mới thả mấy triệu đồng tiền cá giống xuống cái ao sát bờ kênh. Một ánh chớp sáng loà. Mỏm núi đầu con sư tử hiện lên gớm ghiếc sừng sững giữa bầu trời. Anh Luân chợt nhớ ngay phía dưới mỏm sư tử là căn lán tạm của chị Tho. Chiều nay mới cho chuyển về gần bốn tấn xi-măng chuẩn bị ngày mai cho thợ đổ trần tầng một. Anh ném cái xẻng lao ra phía đầu làng.
            Chị Tho đang cuống cuồng bê những bao xi-măng xếp lên chỗ cao để che bạt. Thấy anh Luân lao đến chị mừng hú. Cũng chẳng nói được câu nào, chị chỉ ú ớ, hổn hển vì mệt quá. Anh Luân hối hả giúp chị Tho chồng xếp mấy chục bao xi-măng gọn vào góc cao của cái lán tạm rồi phủ bạt che kín lại. Khi hai người làm xong việc thì mưa to. Nước trút xuống ầm ầm. Chốc chốc ánh chớp lại lóe lên xanh lét. Tiếng sét nổ như muốn phá tung tất cả mặt đất bầu trời. Chị Tho và anh Luân ngồi co ro trên chiếc giường một kê ở góc lán. Chiếc bóng điện đỏ nòng nọc đung đưa lập lòe lúc tắt, lúc sáng, có lẽ là do chập dây dẫn điện ở đâu đó. Tiếng nước mưa ào ào như trút nước từ trên trời xuống đất. Anh Luân chợt nhớ và kêu lên:
          - Thôi chết! Mưa to thế này thì ao cá của tôi vỡ mất…
          Anh Luân vừa nhỏm dậy thì cái bóng điện nổ bụp một cái rồi tắt ngấm. Tối mù mịt. Chị Tho hét lên:
          - Ma… ma…
          Anh Luân giật mình nhìn ra phía ngọn núi sư tử. Trong ánh chớp sáng loà và trong màn nước mưa có một người con gái mặc quần áo trắng toát, đầu tóc rũ rượi đi như lướt trên ngọn cây từ trên đỉnh núi về phía làng Dương Cống. Anh Luân dụi mắt. Bóng ma biến mất khi ánh chớp lại lóe lên. Chị Tho lập cập nài nỉ: “Anh đừng đi… em sợ lắm!”. Anh Luân ngồi lại. Mưa vẫn ào ào. Khi ánh chớp loé lên soi rõ đám lau sậy ngả nghiêng giống như những bóng ma chập chờn vây bủa xung quanh căn lán tạm trống trải. Chị Tho ngồi sát lại bên anh Luân vì sợ. Vốn là một người từng trải qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời mà sao bây giờ tự nhiên chị lại thấy sợ hãi đến thế.
          Mưa lạnh.
          Hơi thở ấm nồng nàn.
          Tiếng sét vẫn nổ ngang trời…
          Và điều gì tất sẽ xảy ra thì phải xảy ra. Chị Tho cố cưỡng lại nhưng không thể thoát khỏi vòng tay cứng như thép của anh Luân. Chị giẫy giụa một cách bất lực dưới sức nặng và sự hào hứng bột phát của người đàn ông. Chị cố chống hai gôi lên, hai tay chị đẩy ngược anh về phía cuối giường. Tiếng giây chun đứt “phựt” nghe rất rõ trong tiếng mưa và tiếng thở hào hển. Chị Tho giẫy giụa khiến anh Luân mãi vẫn chưa định vị được… Đột nhiên một tiếng sét kinh hoàng từ trên trời phóng xuống mặt đất. Mặt đất rung chuyển như đang vỡ toác ra. Có tiếng đá lở ầm ầm. Chị Tho giật nảy mình đơ người ra. Anh Luân ép chặt xuống. Chị Tho cảm thấy đau và bỏng rát như vừa bị tia sét đánh trúng. Cơ thể chị như vỡ vụn, tan ra thành nước chảy tràn lan ra mặt đất…
          Khi chị Tho tỉnh dậy thì trời đã tang tảng sáng. Anh Luân đang lúi húi xem xét lại tấm bạt phủ đống bao xi-măng ở góc lán. Chị Tho len lén nhét giấu chiếc quần ngủ loang lổ màu nâu đỏ xuống dưới chiếu. Cái cảm giác lâng lâng lạ lùng vẫn còn râm ran trên da thịt chị.
          Có tiếng ồn ào, nhốn nháo khắp làng.
          Anh Luân vội chạy ra. Mọi người đang tập trung ở nhà văn hoá đầu làng. Một hòn đá to nằm chềnh ềnh giữa sân. Nó đã lăn từ trên núi xuống trong cơn giông gió đêm qua. Hòn đá lăn đã phá vỡ bức từng hậu nhà văn hoá. Lại có tiếng kêu to sửng sốt. Mọi người cùng ngước mắt nhìn lên đỉnh núi sư tử. Mỏm núi đã bị vỡ làm đôi. Anh Luân cùng mọi người kéo nhau lên núi. Mỏm núi đá đầu con sư tử đã bị vỡ làm đôi. Vết vỡ phẳng như một nhát chém. Đất đỏ ở phía dưới tảng đá phòi lên theo nước mưa còn đang chảy giống như một dòng máu. Dân làng xôn xao bàn tán. Có người bảo tiếng nổ kinh hoàng đêm qua là do sét đánh trúng mỏm sư tử. Có người lại khẳng định là do ai đó đã kích hoạt một khối thuốc nổ lớn. Có nhiều ánh mắt lén nhìn anh Luân nghi ngờ. Lão Tụng lò dò chống gậy lên sau. Lão thở dốc đứng nhìn mỏm đá đầu con sư tử vỡ toác. Lão này vốn là một thầy cúng giải nghệ. Lão bị công an xã nhiều lần gọi lên kiểm điểm, giáo dục vì các hoạt động mê tín, dị đoan. Sau khi quan sát mỏm đá lão gật gù bảo đêm qua lợi dụng mưa to, gió lớn người Tàu đã mở núi lấy vàng.
          Mỗi người một ý, đang tranh luận sôi nổi thì công an xã và công an xóm kéo lên yêu cầu mọi người giải tán để họ phong toả hiện trường chờ công an huyện về khám nghiệm xem có dấu vết của thuốc nổ không.
           Mọi người kéo nhau xuống cái miếu hoang phía dưới. Họ ngạc nhiên thấy trong miếu phủ đầy một lớp muội tàn hương nhang. Càng ngạc nhiên hơn là các tăm chân nhang trong cái bát nhang to bằng sứ để trên bệ thờ đều cắm ngược lại tua tủa. Mọi người ngạc nhiên kinh hãi, như thể có ai đó đã lộn ngược cái bát nhang.
           Sau đêm giông gió ấy anh Luân bị công an gọi lên hỏi thêm về chuyện đã tàng trữ thuốc nổ dạo trước. Rồi chuyện “thiên đả” mỏm núi sư tử lan truyền việc trời giải hoá lời nguyền cho làng Dương Cống. Câu ca dao ám ảnh: “Bao đời trinh nữ chết già/Người làng Dương Cống làm ma cho Tàu…” dần dần rồi cũng phôi pha. Căn nhà hai tầng xinh xắn của chị Tho khánh thành. Hôm chị tổ chức tân gia cả làng đến chung vui. Chị đi từng bàn mời rượu mọi người. Ánh mắt chị lấp lánh, vạt áo chị hơi kênh kênh lên. Ở cái bàn góc rạp mấy người hò hét nâng ly. Anh Luân ngồi ở bàn ấy. Sau khi chúc mừng chị Tho khánh thành nhà mới, thằng Tèo chạm cốc với anh Luân giọng lâng lâng cợt nhả: “Chúc mừng anh nhá, phen này nuôi cá, cá đẻ, nuôi người, người… người… he… he…”.
          Chuyện ở làng Dương Cống chỉ có thế thôi. Nhưng mỗi lần về nhà khi nhìn thấy mỏm núi sư tử bị xẻ làm đôi tôi lại vấn vương nghĩ về cuộc đời của những người con gái trong làng mà tôi đã biết. 

           (hết)                                                                             Vĩnh Phúc, 11-2012
         

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Truyện ngắn GIÔNG GIÓ ĐI QUA (phần 1)


     
     Giông gió đi qua
     Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Từ rất lâu rồi làng Dương Cống đã có một lời nguyền truyền lại.
          Lời nguyền ấy khiến những thiếu nữ sinh ra ở làng đều kinh hãi. Theo lời nguyền gái làng Dương Cống luôn phải có những “trinh nữ chết già”. Nguyên do là làng Dương Cống địa hình rất đặc biệt, có một huyệt đạo rất hiếm. Đầu làng có một mỏm núi rất giống hình một con sư tử đực đang tung bờm đầu hướng về phương Bắc. Đó là một mỏm núi đá xanh liền khối. Phía dưới mỏm núi đầu con sư tử đá ấy có một cái am miếu nhỏ lúc nào cũng có khói hương. Nghe nói ngày xưa bọn giặc Tàu giấu vàng ở bên trong mỏm đá liền khối ấy. Tương truyền rằng là bọn Tàu thường bắt những trinh nữ cho ngậm nhân sâm, khâu miệng lại rồi chôn sống ngay tại những nơi giấu vàng để họ từ từ chết dần biến thành thần giữ của cho chúng. Những trinh nữ làm thần giữ của ấy sau một thời gian thì được đầu thai lại mà kho vàng vẫn cần người tiếp tục canh giữ nên đời đời sau này làng Dương Cống vẫn phải có những trinh nữ làm thần giữ của cho bọn người phương Bắc. Vì thế bọn Tàu đã yểm lại bùa chú gì đó nên sau này làng Dương Cống luôn có gái đẹp ế chồng, những “trinh nữ chết già” để truyền đời kế tiếp nhau làm thần coi giữ kho của cải cho chúng.
          Làng Dương Cống có năm họ lớn. Đó là họ Nguyễn, họ Phạm, họ Vũ, họ Trần và họ Đỗ. Năm dòng họ ấy lần lượt thay nhau có những “trinh nữ chết già” để làm ma cho ngoại quốc.
          Tôi còn nhớ khi mình đang học cấp 2 thì được kết nạp vào đội thiếu niên tiền phong. Phụ trách đội thiếu niên tiền phong làng Dương Cống ngày ấy là chị Thu, người dòng họ Nguyễn. Chị Thu rất đẹp. Đôi mắt chị sáng long lanh, má lúm đồng tiền. Nước da chị trắng hồng. Mái tóc của chị dài. Chị lại có giọng hát rất hay. Chị hay mặc cái áo cánh màu gụ bó khít người làm nổi bật lên những đường cong tuyệt mỹ. Chị có mặt ở đâu là đám thanh niên đều bồn chồn nuốt nước miếng vì thèm khát. Vậy mà một lần tôi nghe lỏm được bà mụ - là người đã đỡ đẻ khi chị sinh - nói chuyện với mẹ tôi. Bà chép miệng bảo:
          - Con bé đẹp như thế dễ thành “trinh nữ chết già” mất thôi!
          - Làm thế nào hoá giải được nguyền khốn khổ ấy không? - Tiếng mẹ tôi xót xa.
          - Khó lắm! - Tiếng bà mụ thở dài.
          Tôi không tin vào những điều mê tín, vớ vẩn.
          Khi tôi lớn lên nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu. Năm tháng qua đi, mãi sau năm 1975 tôi mới trở về làng. Lúc đeo ba lô rẽ vào con đường ven núi thì gặp ngay một đám ma đang đi đến gần mỏm đá hình con sư tử. Tôi giật mình nhận ra có nhiều người quen đi đưa đám. Lại thấy đám ma toàn là vòng hoa trắng. Tôi hỏi thì một bà khẽ nói:
          - Đám ma cô Thu đấy!
          - Sao lại toàn là vòng hoa trắng hả bà?
          - Thì nó đã có chồng bao giờ đâu mà chả toàn hoa tang màu trắng?
          Tôi thầm nhẩm tính chị Thu năm nay cũng đã gần bốn mươi tuổi rồi. Chả lẽ là chị ấy lại trở thành một “trinh nữ chết già”, đúng như lời nguyền tiền định đã giành cho con gái làng tôi!
*
          Chuyện “trinh nữ chết già” ở làng Dương Cống rồi cũng lắng đi.
          Bây giờ con gái đẹp cũng nhiều, con gái sống độc thân cũng lắm. Nhiều cô đến tuổi gả chồng mãi vẫn không thấy động tĩnh gì bị dân làng xì xầm là “trinh nữ…” thì đùng một cái phải vào bệnh viện nạo hút thai. Có cô chẳng có chồng mà vẫn có con nên càng không phải là trinh nữ để trở thành thần giữ của cho bọn giặc trên mỏm sư tử đầu làng.
          Bẵng đi đến cả chục năm sau dân làng Dương Cống đã gần như quên hẳn chuyện “trinh nữ chết già” thì xảy ra một chuyện. Đó là có một người phụ nữ thuộc dòng họ Đỗ từ miền Nam trở về làng. Tên chị là Tho. Chị Tho theo gia đình đi khai hoang ở Tây Nguyên. Lúc ra đi chị vẫn còn bé tý vậy mà trở về đã ngoài ba nươi tuổi. Không thấy chị ta có chồng con gì. Nhìn khuôn ngực nhỏ gọn tròn căng, đôi chân, cặp đùi bước đi khin khít bọn con trai thì thào rỉ tai kháo nhau: “Có lẽ chị ấy vẫn còn “zin” đấy!”.
          Mấy bà có tuổi thì bấm ngón tay rồi khe khẽ thở dài. Theo họ tính toán thì đã đến chu kỳ thời gian và đến lượt họ Đỗ phải nộp trinh nữ làm thần giữ của kho vàng trên mỏm núi sư tử rồi.
          Chị Tho bỏ tiền mua một mảnh đất nhỏ gần đầu làng, ngay dưới chân núi. Chị làm một căn nhà tạm bằng tre nứa lấy nơi tập kết vật liệu gạch ngói, xi măng để chuẩn bị xây một ngôi nhà kiên cố. Chuyện về gia đình chị Tho ở Tây Nguyên cả làng rồi cũng biết rõ ngọn ngành. Hồi ấy sau khi vào đến Tây Nguyên, cả nhà chị Tho có bốn người bố mẹ, chị và đứa em trai. Tại vùng đất mới họ khai hoang trồng cà phê đời sống cũng khấm khá dần lên có của ăn, của để. Nhưng cứ ngỡ bỏ làng ra đi kiếm ăn nơi đất khách quê người thì thoát lời nguyền cay nghiệt. Vậy mà người con gái xinh đẹp họ Đỗ ấy vẫn không tránh được. Một lần, bố mẹ và em trai đi rẫy về gặp trận lũ quét. Em trai bị nước cuốn đi, bà mẹ nhảy xuống suối cứu cũng chìm luôn, ông bố nhào theo cũng mất tích trong dòng nước cuồn cuộn réo sôi sùng sục. Sau khi khóc cạn nước mắt tìm kiếm và làm ma cho bố mẹ và em, chị Tho bán hết tài sản và mấy héc-ta cà phê khăn gói trở về quê.
          Khi thấy chị trở về, các cụ già bốn dòng họ khác trong làng Dương Cống thấy đỡ lo lắng cho con gái họ mình hơn. Song họ cũng thấy ngậm ngùi thương xót người con gái họ Đỗ bao năm phiêu bạt trở về. Họ lo rồi sẽ đến một ngày lời nguyền ngày xưa sẽ lại trở thành hiện thực…
*
          Làng Dương Cống vài năm nay bỗng có một anh ở đâu phiêu bạt về mua đất dựng nhà. Anh này gốc gác quê tận Hải Dương. Vợ và con gái út anh ta bị tai nạn giao thông chết thảm trên đường 5. Anh đưa đứa con trai lớn bỏ quê lên đây. Anh nhận thầu mấy héc-ta ao hồ, thùng đấu, gò mả vẫn bỏ hoang ở cuối làng để nuôi trồng thuỷ sản và lập trang trại. Anh ta tên là Đồng Tiến Luân. Thế là làng Dương Cống có thêm một dòng họ nữa. Đó là họ Đồng.
          Hai bố con anh Luân hì hục cải tạo khu gò mả, ao tù, thùng đấu mà các lò gạch lấy hết đất đã bỏ hoang. Thằng con anh Luân mặt mày lấm láp thế mà học giỏi. Nó thi đậu đại học thuỷ lợi khăn gói lên thành phố học. Vậy là chỉ còn một mình anh Luân với căn lều cá ở khu gò mả cuối làng. Vốn là một người lính trinh sát nên anh Luân có tính gan lì. Khi nghe chuyện làng Dương Cống với một lời nguyền trinh nữ anh bực tức chửi đổng:
          - Đ… mẹ cái bọn Tàu khựa ám hại dân ta từ bao đời rồi. Tao đã từng moi tim chúng nó vứt cho chó đấy!
          Hóa ra anh Luân vốn là một người lính chiến. Tháng 2-79, chiến tranh biên giới xảy ra anh ở mặt trận Cao Bằng. Anh chiến đấu rất dũng cảm nhưng lại bị kỷ luật vì vi phạm chính sách tù binh chiến tranh. Một lần đi trinh sát bám địch anh đã chứng kiến chuyện bọn giặc ùa vào một bản đâm chém bắn chết hết đàn ông, lôi phụ nữ và cả các em gái nhỏ ra bãi đất trống sát chân núi. Chúng lột trần tất cả phụ nữ và các em gái nhỏ rồi thay nhau hãm hiếp. Tiếng kêu khóc thảm thiết rung động cả núi rừng âm u. Những tên giặc trần truồng man rợ như thời trung cổ lao vào đám đàn bà, trẻ em không vũ khí. Những người phụ nữ, những cô gái, những em bé bị làm nhục quằn quại bò lết trên mặt đất. Bọn giăc lần lượt đâm chết họ. Chúng mổ bụng moi gan. kéo ruột những người mà chúng vừa hãm hiếp rải trên mặt đất.
          Nằm trong bụi cây gai xấu hổ, anh Luân không thể làm gì được. Anh cắn môi đến bật máu nuốt hận. Đến đêm, anh dẫn đường cho đơn vị tập kích vào nơi trú quân của bọn giặc đã hãm hiếp giết hại phụ nữ, trẻ em lúc chiều. Anh bắn hết mấy băng đạn vào bọn xâm lược giòi bọ. Nhiều tên giặc bị giết và bị bắt. Anh Luân được chỉ huy giao nhiệm vụ dẫn hai tên tù binh lên núi để khai thác tin tức. Dẫn hai tên giặc bị trói đến một khe núi anh vít đầu một thằng kê vào mỏm đá rồi dùng một viên đá khác ghè chết. Trong khi thằng còn lại gào rống lên vì sợ hãi. Đạp tên giặc vừa bị đập chết bật ngửa ra, anh Luân rút dao găm rạch bụng nó một nhát thật dài. Anh định moi quả tim nó vứt cho mấy con chó đói khát lạc chủ từ ngày đầu chiến tranh xảy ra đang lởn vởn xung quanh. Có mấy chiến sĩ theo kịp thấy vậy vội ngăn anh lại.
          Sau lần ấy anh Luân phải nhận kỷ luật cảnh cáo. May mà anh không phải ra toà án binh. Sau chiến tranh một thời gian thì anh bị loại ngũ trả về quê hương. Lúc lên đường nhập ngũ, nhà nghèo, anh Luân chỉ có một bộ quần áo. Lúc trở về anh cũng chỉ có một bộ quân phục cũ mặc trên người. Bộ quần áo mới vừa được cấp sau chiến tranh anh để lại cho đồng đội mặc lên chốt. Anh xách chiếc ba-lô lộn lầm lũi cuốc bộ từ trong rừng ra thị trấn để bắt xe khách về xuôi. Về quê đang chí thú làm ăn thì nhà xảy ra hoạn nạn. Anh đưa thằng con bỏ làng lên Hà Nội làm thuê kiếm tiền rồi tình cờ mà phiêu bạt về tận vùng đồi núi quê tôi định cư. Tôi thân với anh Luân vì cùng là lính đánh trận ở Cao Bằng. Câu chuyện truyền đời về “trinh nữ chết già” và thần giữ của trên mỏm núi sư tử làng Dương Cống khiến anh Luân rất bức xúc. Một lần anh bảo tôi:
          - Nhất định tao sẽ đặt thuốc nổ phá tan tành cái miếu hoang của bọn Tàu trên mỏm sư tử!”.
          Tôi vội gàn anh:
          - Chuyện người làng ta vẫn đồn thổi thế thôi, làm gì có chuyện trinh nữ và thần giữ của? Đừng nên manh động anh ạ!
          Anh Luân lừ lừ nhìn tôi không nói thêm gì nữa.
          Sau đó mấy lần trèo lên núi tìm phong lan, tôi bắt gặp anh Luân lảng vảng ở chỗ mỏm núi đầu con sư tử…
           (còn nữa)                                                  Vĩnh Phúc, 11-2012