Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Truyện ngắn GIÔNG GIÓ ĐI QUA (phần 2)


            
      
           Giông gió đi qua
            Truyện ngắn của Trọng Bảo

           Khi anh Luân bị công an bắt vì tội tàng trữ thuốc nổ trái phép thì tôi mới tin rằng anh quyết tâm phá tan tành cái miếu hoang của bọn Tàu khựa trên đỉnh núi đầu sư tử là có thật. Anh Luân bị giam vài tháng rồi được thả. Số thuốc nổ hơn một ki-lô-gam là do anh mua của bọn chuyên đánh cá không dùng lưới trên dòng sông Trùng Thuỷ. Bọn này đang dùng mìn đánh cá thì bị bắt. Vì muốn nhẹ tội nên chúng đã khai thêm việc anh Luân cũng đang có thuốc nổ. Tại cơ quan điều tra anh nói là mua để nổ phá đá đào giếng ở khu gò mả nhưng vẫn bị giam giữ để điều tra.
           Hôm được thả về gặp tôi anh bảo:
          - Mẹ kiếp! Không bị thu mất gói thuốc nổ thì tao đã cho tan tành cái miếu hoang để giải thoát cái lời nguyền cho làng ta rồi!
          Tôi cười:
          - Anh mà phá cái miếu hoang ấy có khi làng ta còn bị tai họa đấy!
          - Tai họa cái con khỉ! Để nó ở đấy chỉ tổ làm chỗ cho lão Tụng thầy cúng nó lòe bịp, dọa dẫm dân làng, đám nghiện hút nó trú ngụ tiêm chích. Hôm trước tao còn gặp mấy thằng lạ hoắc từ thị huyện trấn kéo về túm tụm ngồi trong miếu chơi xóc đĩa đấy!
          - Chết, thế thì phải báo ngay cho công an xóm họ kiểm tra anh ạ!
          - Kiểm kiếc quái gì! Bọn chúng ranh ma lắm, công an vừa xuất hiện dưới chân dốc chúng nó đã biến sạch mất tăm rồi… Mà mày đừng có lên đấy tìm cây cối vớ vẩn nữa nhé!
          - Tại sao hả anh?
          - Vì hôm qua tao còn thấy có cả mấy con mắt xanh, mỏ đỏ theo bọn cờ bạc về tụ tập trên núi đấy!
          Nói xong anh rẽ vào cái ngõ nhỏ ở ngay đầu làng. Đó là lối vào khu đất chị Tho đang thuê đào móng làm nhà. Hai bên con đường nhỏ um tùm những bụi cây xấu hổ. Tôi nheo mắt nhìn theo bóng anh mỉm cười.
*
           Mấy tháng liền tôi bận đi công tác ở cơ sở nên không về làng. Một hôm tôi vừa đi công tác về thì gặp thằng Tèo ở bến xe Gia Lâm. Tôi hỏi thăm chuyện làng thì nó nhăn nhở bảo tôi:
          - Anh đã biết chuyện gì vừa mới xảy ra ở làng ta chưa?
          - Chuyện gì vậy?
          - Chuyện ông Luân và chị Tho! Phen này ông Luân đi tù là cái chắc!
          - Tại sao thế?
          - Ông ấy hủ hoá với chị Tho bị dân quân bắt quả tang tại trận…
          Tôi thở phào:
          - Anh ấy vợ mất đã lâu, chị Tho chưa chồng, họ quan hệ với nhau thì việc quái gì mà phải đi tù?
          - Nhưng mà… công an đang nghi ông ấy đã dùng thuốc nổ đánh sập mỏm núi sư tử gây hoang mang cho cả làng ta đấy.
          Thằng Tèo kể chưa hết câu chuyện thì đã vội chào tôi rồi nhớn nhác chạy theo nhao người đu lên một chiếc xe đang rời bến. Nó lên Lạng Sơn để làm cửu vạn kiếm tiền. Quê tôi bây giờ thanh niên bỏ làng ra thiên hạ kiếm ăn rất nhiều. Có lần đi công tác ở Bình Dương tôi còn gặp mấy người làng Dương Cống đang đi thu mua sắt vụn, phế liệu ở đây. Câu chuyện của thằng Tèo làm tôi băn khoăn. Chuyện anh Luân với chị Tho thì tôi không lo mà chỉ lo là chuyện anh đã nổ mìn trên núi sư tử.
          Ngày chủ nhật được nghỉ tôi liền phóng xe máy về quê. Từ xa tôi đã trông thấy mỏm sư tử bị vỡ toác ra làm đôi giống như bị chém một đao chí mạng. Vừa đến đầu làng tôi đã chạm ngay anh Luân đang hì hục bốc vác mấy bao xi-măng đi vào ngõ nhà chị Tho. Tôi chặn anh lại hỏi chuyện. Tôi kể cho anh nghe về những gì tôi nghe được khi gặp thằng Tèo ở bến xe Gia Lâm. Anh Luân cười hề hề:
          - Cái thằng Tèo chỉ chuyên tung tin láo toét!
          - Thế không phải là anh đã dùng khối thuốc nổ lớn đánh vỡ mỏm sư tử à?
          - Tao nào đánh mà là trời đánh đấy! Ông trời đã hóa giải lời nguyền ác nghiệt cho dân làng ta rồi?
          - Sao nghe nói công an họ đang truy xét anh?
          - Thì… một mỏm núi vỡ tan, đất đá lăn xuống sập cả tường nhà văn hoá thì công an họ phải tiến hành điều tra chứ! Mà họ có điều tra ra cái gì đâu?
          - Nhưng… anh phải cẩn thận đấy!
          - Tao, một thằng lính chiến bị loại ngũ vì đã khử mấy thằng tù binh, bây giờ trên răng, dưới các-tút, không đoàn, không đảng, sợ đéo gì bố con thằng nào?
          - Anh không sợ, nhưng anh cũng phải nghĩ đến thằng Thường đang học trên Hà Nội…
          - Ờ… ờ… lần trước bị triệu tập “cải tạo không giam giữ” về mấy cái ao thả cá  bị bọn trộm nó kéo lưới vét sạch sành sanh. Mất mẹ nó mấy chục triệu tiền cá giống đấy… - Anh càu nhàu vẻ bực bội rồi chợt hỏi tôi: - Mà lâu nay hai chú cháu có hay gặp nhau không?
          - Thỉnh thoảng mới gặp! Hình như dạo này thằng Thường đang đi thực tập mãi trong Nghệ An.
          - Nó cũng ít gọi điện cho tao! Thôi mày về nhà tắm táp đi, tối này ra lán coi hồ, tao luộc con cá quả chấm muối ớt nhâm nhi rồi nói chuyện gẫu nhé!
*
            Câu chuyện của anh Luân kể về một đêm giông gió. Hôm ấy, áp thấp nhiệt đới từ phía biển đã tạo nên một vùng không khí biến động dữ dội vô cùng nguy hiểm. Bầu trời u ám và chứa đầy điện tích. Ánh chớp xé ngang dọc trên bầu trời. Tiếng sét ầm ầm khiến anh Luân nhớ lại cái buổi sáng xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc khi anh đang là lính của một đơn vị đóng quân tại biên giới. Những tiếng nổ dữ dội. Bầu trời sáng rực lên bởi những luồng lửa của đạn pháo từ bên kia biên giới bắn sang. Trong tiếng đạn pháo đinh tai, chói óc là tiếng người gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn, tiếng chó sủa, gà kêu, bò rống tan tác, vỡ đàn, tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật. Mọi thứ âm thanh hỗn độn hoà vào nhau tạo nên sự vang vọng của thần chiến tranh, thần chết đang dần dần tiến đến. Khói lửa, cát bụi mù mịt. Mặt đất chao đảo liên tục xô những người lính chới với, ngả nghiêng. Ánh chớp nhoáng nhoàng tựa như một cơn giông bão lớn nhưng dữ dội hơn rất nhiều. Đó là ký ức của anh Luân về khoảnh khắc cuộc chiến tranh nổ ra hơn ba mươi năm về trước.
           Đêm giông gió dữ dội ấy khiến anh Luân chợt rùng mình. Anh chợt nhớ tới cái chết của hàng trăm, hàng ngàn người dân nơi biên ải năm nào. Hình ảnh những người phụ nữ bị quân giặc lột trần đang lăn lóc, tả tượi chợt hiện ra trong tâm trí anh.
           Những hạt mưa ném xuống rào rào một lát rồi lại thôi. Gió thổi quần quật vặn gãy gục hàng chuối hột trồng bên bờ mương nước. Đêm nay sẽ mưa rất to - Anh Luân nghĩ và vớ vội cái xẻng lao ra phía các ao thả cá. Chiều nay anh mới thả mấy triệu đồng tiền cá giống xuống cái ao sát bờ kênh. Một ánh chớp sáng loà. Mỏm núi đầu con sư tử hiện lên gớm ghiếc sừng sững giữa bầu trời. Anh Luân chợt nhớ ngay phía dưới mỏm sư tử là căn lán tạm của chị Tho. Chiều nay mới cho chuyển về gần bốn tấn xi-măng chuẩn bị ngày mai cho thợ đổ trần tầng một. Anh ném cái xẻng lao ra phía đầu làng.
            Chị Tho đang cuống cuồng bê những bao xi-măng xếp lên chỗ cao để che bạt. Thấy anh Luân lao đến chị mừng hú. Cũng chẳng nói được câu nào, chị chỉ ú ớ, hổn hển vì mệt quá. Anh Luân hối hả giúp chị Tho chồng xếp mấy chục bao xi-măng gọn vào góc cao của cái lán tạm rồi phủ bạt che kín lại. Khi hai người làm xong việc thì mưa to. Nước trút xuống ầm ầm. Chốc chốc ánh chớp lại lóe lên xanh lét. Tiếng sét nổ như muốn phá tung tất cả mặt đất bầu trời. Chị Tho và anh Luân ngồi co ro trên chiếc giường một kê ở góc lán. Chiếc bóng điện đỏ nòng nọc đung đưa lập lòe lúc tắt, lúc sáng, có lẽ là do chập dây dẫn điện ở đâu đó. Tiếng nước mưa ào ào như trút nước từ trên trời xuống đất. Anh Luân chợt nhớ và kêu lên:
          - Thôi chết! Mưa to thế này thì ao cá của tôi vỡ mất…
          Anh Luân vừa nhỏm dậy thì cái bóng điện nổ bụp một cái rồi tắt ngấm. Tối mù mịt. Chị Tho hét lên:
          - Ma… ma…
          Anh Luân giật mình nhìn ra phía ngọn núi sư tử. Trong ánh chớp sáng loà và trong màn nước mưa có một người con gái mặc quần áo trắng toát, đầu tóc rũ rượi đi như lướt trên ngọn cây từ trên đỉnh núi về phía làng Dương Cống. Anh Luân dụi mắt. Bóng ma biến mất khi ánh chớp lại lóe lên. Chị Tho lập cập nài nỉ: “Anh đừng đi… em sợ lắm!”. Anh Luân ngồi lại. Mưa vẫn ào ào. Khi ánh chớp loé lên soi rõ đám lau sậy ngả nghiêng giống như những bóng ma chập chờn vây bủa xung quanh căn lán tạm trống trải. Chị Tho ngồi sát lại bên anh Luân vì sợ. Vốn là một người từng trải qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời mà sao bây giờ tự nhiên chị lại thấy sợ hãi đến thế.
          Mưa lạnh.
          Hơi thở ấm nồng nàn.
          Tiếng sét vẫn nổ ngang trời…
          Và điều gì tất sẽ xảy ra thì phải xảy ra. Chị Tho cố cưỡng lại nhưng không thể thoát khỏi vòng tay cứng như thép của anh Luân. Chị giẫy giụa một cách bất lực dưới sức nặng và sự hào hứng bột phát của người đàn ông. Chị cố chống hai gôi lên, hai tay chị đẩy ngược anh về phía cuối giường. Tiếng giây chun đứt “phựt” nghe rất rõ trong tiếng mưa và tiếng thở hào hển. Chị Tho giẫy giụa khiến anh Luân mãi vẫn chưa định vị được… Đột nhiên một tiếng sét kinh hoàng từ trên trời phóng xuống mặt đất. Mặt đất rung chuyển như đang vỡ toác ra. Có tiếng đá lở ầm ầm. Chị Tho giật nảy mình đơ người ra. Anh Luân ép chặt xuống. Chị Tho cảm thấy đau và bỏng rát như vừa bị tia sét đánh trúng. Cơ thể chị như vỡ vụn, tan ra thành nước chảy tràn lan ra mặt đất…
          Khi chị Tho tỉnh dậy thì trời đã tang tảng sáng. Anh Luân đang lúi húi xem xét lại tấm bạt phủ đống bao xi-măng ở góc lán. Chị Tho len lén nhét giấu chiếc quần ngủ loang lổ màu nâu đỏ xuống dưới chiếu. Cái cảm giác lâng lâng lạ lùng vẫn còn râm ran trên da thịt chị.
          Có tiếng ồn ào, nhốn nháo khắp làng.
          Anh Luân vội chạy ra. Mọi người đang tập trung ở nhà văn hoá đầu làng. Một hòn đá to nằm chềnh ềnh giữa sân. Nó đã lăn từ trên núi xuống trong cơn giông gió đêm qua. Hòn đá lăn đã phá vỡ bức từng hậu nhà văn hoá. Lại có tiếng kêu to sửng sốt. Mọi người cùng ngước mắt nhìn lên đỉnh núi sư tử. Mỏm núi đã bị vỡ làm đôi. Anh Luân cùng mọi người kéo nhau lên núi. Mỏm núi đá đầu con sư tử đã bị vỡ làm đôi. Vết vỡ phẳng như một nhát chém. Đất đỏ ở phía dưới tảng đá phòi lên theo nước mưa còn đang chảy giống như một dòng máu. Dân làng xôn xao bàn tán. Có người bảo tiếng nổ kinh hoàng đêm qua là do sét đánh trúng mỏm sư tử. Có người lại khẳng định là do ai đó đã kích hoạt một khối thuốc nổ lớn. Có nhiều ánh mắt lén nhìn anh Luân nghi ngờ. Lão Tụng lò dò chống gậy lên sau. Lão thở dốc đứng nhìn mỏm đá đầu con sư tử vỡ toác. Lão này vốn là một thầy cúng giải nghệ. Lão bị công an xã nhiều lần gọi lên kiểm điểm, giáo dục vì các hoạt động mê tín, dị đoan. Sau khi quan sát mỏm đá lão gật gù bảo đêm qua lợi dụng mưa to, gió lớn người Tàu đã mở núi lấy vàng.
          Mỗi người một ý, đang tranh luận sôi nổi thì công an xã và công an xóm kéo lên yêu cầu mọi người giải tán để họ phong toả hiện trường chờ công an huyện về khám nghiệm xem có dấu vết của thuốc nổ không.
           Mọi người kéo nhau xuống cái miếu hoang phía dưới. Họ ngạc nhiên thấy trong miếu phủ đầy một lớp muội tàn hương nhang. Càng ngạc nhiên hơn là các tăm chân nhang trong cái bát nhang to bằng sứ để trên bệ thờ đều cắm ngược lại tua tủa. Mọi người ngạc nhiên kinh hãi, như thể có ai đó đã lộn ngược cái bát nhang.
           Sau đêm giông gió ấy anh Luân bị công an gọi lên hỏi thêm về chuyện đã tàng trữ thuốc nổ dạo trước. Rồi chuyện “thiên đả” mỏm núi sư tử lan truyền việc trời giải hoá lời nguyền cho làng Dương Cống. Câu ca dao ám ảnh: “Bao đời trinh nữ chết già/Người làng Dương Cống làm ma cho Tàu…” dần dần rồi cũng phôi pha. Căn nhà hai tầng xinh xắn của chị Tho khánh thành. Hôm chị tổ chức tân gia cả làng đến chung vui. Chị đi từng bàn mời rượu mọi người. Ánh mắt chị lấp lánh, vạt áo chị hơi kênh kênh lên. Ở cái bàn góc rạp mấy người hò hét nâng ly. Anh Luân ngồi ở bàn ấy. Sau khi chúc mừng chị Tho khánh thành nhà mới, thằng Tèo chạm cốc với anh Luân giọng lâng lâng cợt nhả: “Chúc mừng anh nhá, phen này nuôi cá, cá đẻ, nuôi người, người… người… he… he…”.
          Chuyện ở làng Dương Cống chỉ có thế thôi. Nhưng mỗi lần về nhà khi nhìn thấy mỏm núi sư tử bị xẻ làm đôi tôi lại vấn vương nghĩ về cuộc đời của những người con gái trong làng mà tôi đã biết. 

           (hết)                                                                             Vĩnh Phúc, 11-2012
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét