Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Truyện ngắn GIÔNG GIÓ ĐI QUA (phần 1)


     
     Giông gió đi qua
     Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Từ rất lâu rồi làng Dương Cống đã có một lời nguyền truyền lại.
          Lời nguyền ấy khiến những thiếu nữ sinh ra ở làng đều kinh hãi. Theo lời nguyền gái làng Dương Cống luôn phải có những “trinh nữ chết già”. Nguyên do là làng Dương Cống địa hình rất đặc biệt, có một huyệt đạo rất hiếm. Đầu làng có một mỏm núi rất giống hình một con sư tử đực đang tung bờm đầu hướng về phương Bắc. Đó là một mỏm núi đá xanh liền khối. Phía dưới mỏm núi đầu con sư tử đá ấy có một cái am miếu nhỏ lúc nào cũng có khói hương. Nghe nói ngày xưa bọn giặc Tàu giấu vàng ở bên trong mỏm đá liền khối ấy. Tương truyền rằng là bọn Tàu thường bắt những trinh nữ cho ngậm nhân sâm, khâu miệng lại rồi chôn sống ngay tại những nơi giấu vàng để họ từ từ chết dần biến thành thần giữ của cho chúng. Những trinh nữ làm thần giữ của ấy sau một thời gian thì được đầu thai lại mà kho vàng vẫn cần người tiếp tục canh giữ nên đời đời sau này làng Dương Cống vẫn phải có những trinh nữ làm thần giữ của cho bọn người phương Bắc. Vì thế bọn Tàu đã yểm lại bùa chú gì đó nên sau này làng Dương Cống luôn có gái đẹp ế chồng, những “trinh nữ chết già” để truyền đời kế tiếp nhau làm thần coi giữ kho của cải cho chúng.
          Làng Dương Cống có năm họ lớn. Đó là họ Nguyễn, họ Phạm, họ Vũ, họ Trần và họ Đỗ. Năm dòng họ ấy lần lượt thay nhau có những “trinh nữ chết già” để làm ma cho ngoại quốc.
          Tôi còn nhớ khi mình đang học cấp 2 thì được kết nạp vào đội thiếu niên tiền phong. Phụ trách đội thiếu niên tiền phong làng Dương Cống ngày ấy là chị Thu, người dòng họ Nguyễn. Chị Thu rất đẹp. Đôi mắt chị sáng long lanh, má lúm đồng tiền. Nước da chị trắng hồng. Mái tóc của chị dài. Chị lại có giọng hát rất hay. Chị hay mặc cái áo cánh màu gụ bó khít người làm nổi bật lên những đường cong tuyệt mỹ. Chị có mặt ở đâu là đám thanh niên đều bồn chồn nuốt nước miếng vì thèm khát. Vậy mà một lần tôi nghe lỏm được bà mụ - là người đã đỡ đẻ khi chị sinh - nói chuyện với mẹ tôi. Bà chép miệng bảo:
          - Con bé đẹp như thế dễ thành “trinh nữ chết già” mất thôi!
          - Làm thế nào hoá giải được nguyền khốn khổ ấy không? - Tiếng mẹ tôi xót xa.
          - Khó lắm! - Tiếng bà mụ thở dài.
          Tôi không tin vào những điều mê tín, vớ vẩn.
          Khi tôi lớn lên nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu. Năm tháng qua đi, mãi sau năm 1975 tôi mới trở về làng. Lúc đeo ba lô rẽ vào con đường ven núi thì gặp ngay một đám ma đang đi đến gần mỏm đá hình con sư tử. Tôi giật mình nhận ra có nhiều người quen đi đưa đám. Lại thấy đám ma toàn là vòng hoa trắng. Tôi hỏi thì một bà khẽ nói:
          - Đám ma cô Thu đấy!
          - Sao lại toàn là vòng hoa trắng hả bà?
          - Thì nó đã có chồng bao giờ đâu mà chả toàn hoa tang màu trắng?
          Tôi thầm nhẩm tính chị Thu năm nay cũng đã gần bốn mươi tuổi rồi. Chả lẽ là chị ấy lại trở thành một “trinh nữ chết già”, đúng như lời nguyền tiền định đã giành cho con gái làng tôi!
*
          Chuyện “trinh nữ chết già” ở làng Dương Cống rồi cũng lắng đi.
          Bây giờ con gái đẹp cũng nhiều, con gái sống độc thân cũng lắm. Nhiều cô đến tuổi gả chồng mãi vẫn không thấy động tĩnh gì bị dân làng xì xầm là “trinh nữ…” thì đùng một cái phải vào bệnh viện nạo hút thai. Có cô chẳng có chồng mà vẫn có con nên càng không phải là trinh nữ để trở thành thần giữ của cho bọn giặc trên mỏm sư tử đầu làng.
          Bẵng đi đến cả chục năm sau dân làng Dương Cống đã gần như quên hẳn chuyện “trinh nữ chết già” thì xảy ra một chuyện. Đó là có một người phụ nữ thuộc dòng họ Đỗ từ miền Nam trở về làng. Tên chị là Tho. Chị Tho theo gia đình đi khai hoang ở Tây Nguyên. Lúc ra đi chị vẫn còn bé tý vậy mà trở về đã ngoài ba nươi tuổi. Không thấy chị ta có chồng con gì. Nhìn khuôn ngực nhỏ gọn tròn căng, đôi chân, cặp đùi bước đi khin khít bọn con trai thì thào rỉ tai kháo nhau: “Có lẽ chị ấy vẫn còn “zin” đấy!”.
          Mấy bà có tuổi thì bấm ngón tay rồi khe khẽ thở dài. Theo họ tính toán thì đã đến chu kỳ thời gian và đến lượt họ Đỗ phải nộp trinh nữ làm thần giữ của kho vàng trên mỏm núi sư tử rồi.
          Chị Tho bỏ tiền mua một mảnh đất nhỏ gần đầu làng, ngay dưới chân núi. Chị làm một căn nhà tạm bằng tre nứa lấy nơi tập kết vật liệu gạch ngói, xi măng để chuẩn bị xây một ngôi nhà kiên cố. Chuyện về gia đình chị Tho ở Tây Nguyên cả làng rồi cũng biết rõ ngọn ngành. Hồi ấy sau khi vào đến Tây Nguyên, cả nhà chị Tho có bốn người bố mẹ, chị và đứa em trai. Tại vùng đất mới họ khai hoang trồng cà phê đời sống cũng khấm khá dần lên có của ăn, của để. Nhưng cứ ngỡ bỏ làng ra đi kiếm ăn nơi đất khách quê người thì thoát lời nguyền cay nghiệt. Vậy mà người con gái xinh đẹp họ Đỗ ấy vẫn không tránh được. Một lần, bố mẹ và em trai đi rẫy về gặp trận lũ quét. Em trai bị nước cuốn đi, bà mẹ nhảy xuống suối cứu cũng chìm luôn, ông bố nhào theo cũng mất tích trong dòng nước cuồn cuộn réo sôi sùng sục. Sau khi khóc cạn nước mắt tìm kiếm và làm ma cho bố mẹ và em, chị Tho bán hết tài sản và mấy héc-ta cà phê khăn gói trở về quê.
          Khi thấy chị trở về, các cụ già bốn dòng họ khác trong làng Dương Cống thấy đỡ lo lắng cho con gái họ mình hơn. Song họ cũng thấy ngậm ngùi thương xót người con gái họ Đỗ bao năm phiêu bạt trở về. Họ lo rồi sẽ đến một ngày lời nguyền ngày xưa sẽ lại trở thành hiện thực…
*
          Làng Dương Cống vài năm nay bỗng có một anh ở đâu phiêu bạt về mua đất dựng nhà. Anh này gốc gác quê tận Hải Dương. Vợ và con gái út anh ta bị tai nạn giao thông chết thảm trên đường 5. Anh đưa đứa con trai lớn bỏ quê lên đây. Anh nhận thầu mấy héc-ta ao hồ, thùng đấu, gò mả vẫn bỏ hoang ở cuối làng để nuôi trồng thuỷ sản và lập trang trại. Anh ta tên là Đồng Tiến Luân. Thế là làng Dương Cống có thêm một dòng họ nữa. Đó là họ Đồng.
          Hai bố con anh Luân hì hục cải tạo khu gò mả, ao tù, thùng đấu mà các lò gạch lấy hết đất đã bỏ hoang. Thằng con anh Luân mặt mày lấm láp thế mà học giỏi. Nó thi đậu đại học thuỷ lợi khăn gói lên thành phố học. Vậy là chỉ còn một mình anh Luân với căn lều cá ở khu gò mả cuối làng. Vốn là một người lính trinh sát nên anh Luân có tính gan lì. Khi nghe chuyện làng Dương Cống với một lời nguyền trinh nữ anh bực tức chửi đổng:
          - Đ… mẹ cái bọn Tàu khựa ám hại dân ta từ bao đời rồi. Tao đã từng moi tim chúng nó vứt cho chó đấy!
          Hóa ra anh Luân vốn là một người lính chiến. Tháng 2-79, chiến tranh biên giới xảy ra anh ở mặt trận Cao Bằng. Anh chiến đấu rất dũng cảm nhưng lại bị kỷ luật vì vi phạm chính sách tù binh chiến tranh. Một lần đi trinh sát bám địch anh đã chứng kiến chuyện bọn giặc ùa vào một bản đâm chém bắn chết hết đàn ông, lôi phụ nữ và cả các em gái nhỏ ra bãi đất trống sát chân núi. Chúng lột trần tất cả phụ nữ và các em gái nhỏ rồi thay nhau hãm hiếp. Tiếng kêu khóc thảm thiết rung động cả núi rừng âm u. Những tên giặc trần truồng man rợ như thời trung cổ lao vào đám đàn bà, trẻ em không vũ khí. Những người phụ nữ, những cô gái, những em bé bị làm nhục quằn quại bò lết trên mặt đất. Bọn giăc lần lượt đâm chết họ. Chúng mổ bụng moi gan. kéo ruột những người mà chúng vừa hãm hiếp rải trên mặt đất.
          Nằm trong bụi cây gai xấu hổ, anh Luân không thể làm gì được. Anh cắn môi đến bật máu nuốt hận. Đến đêm, anh dẫn đường cho đơn vị tập kích vào nơi trú quân của bọn giặc đã hãm hiếp giết hại phụ nữ, trẻ em lúc chiều. Anh bắn hết mấy băng đạn vào bọn xâm lược giòi bọ. Nhiều tên giặc bị giết và bị bắt. Anh Luân được chỉ huy giao nhiệm vụ dẫn hai tên tù binh lên núi để khai thác tin tức. Dẫn hai tên giặc bị trói đến một khe núi anh vít đầu một thằng kê vào mỏm đá rồi dùng một viên đá khác ghè chết. Trong khi thằng còn lại gào rống lên vì sợ hãi. Đạp tên giặc vừa bị đập chết bật ngửa ra, anh Luân rút dao găm rạch bụng nó một nhát thật dài. Anh định moi quả tim nó vứt cho mấy con chó đói khát lạc chủ từ ngày đầu chiến tranh xảy ra đang lởn vởn xung quanh. Có mấy chiến sĩ theo kịp thấy vậy vội ngăn anh lại.
          Sau lần ấy anh Luân phải nhận kỷ luật cảnh cáo. May mà anh không phải ra toà án binh. Sau chiến tranh một thời gian thì anh bị loại ngũ trả về quê hương. Lúc lên đường nhập ngũ, nhà nghèo, anh Luân chỉ có một bộ quần áo. Lúc trở về anh cũng chỉ có một bộ quân phục cũ mặc trên người. Bộ quần áo mới vừa được cấp sau chiến tranh anh để lại cho đồng đội mặc lên chốt. Anh xách chiếc ba-lô lộn lầm lũi cuốc bộ từ trong rừng ra thị trấn để bắt xe khách về xuôi. Về quê đang chí thú làm ăn thì nhà xảy ra hoạn nạn. Anh đưa thằng con bỏ làng lên Hà Nội làm thuê kiếm tiền rồi tình cờ mà phiêu bạt về tận vùng đồi núi quê tôi định cư. Tôi thân với anh Luân vì cùng là lính đánh trận ở Cao Bằng. Câu chuyện truyền đời về “trinh nữ chết già” và thần giữ của trên mỏm núi sư tử làng Dương Cống khiến anh Luân rất bức xúc. Một lần anh bảo tôi:
          - Nhất định tao sẽ đặt thuốc nổ phá tan tành cái miếu hoang của bọn Tàu trên mỏm sư tử!”.
          Tôi vội gàn anh:
          - Chuyện người làng ta vẫn đồn thổi thế thôi, làm gì có chuyện trinh nữ và thần giữ của? Đừng nên manh động anh ạ!
          Anh Luân lừ lừ nhìn tôi không nói thêm gì nữa.
          Sau đó mấy lần trèo lên núi tìm phong lan, tôi bắt gặp anh Luân lảng vảng ở chỗ mỏm núi đầu con sư tử…
           (còn nữa)                                                  Vĩnh Phúc, 11-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét