Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Tạp văn VIẾT SAU NGÀY “TẬN THẾ”


      
      Ảnh: Khu phố Khâm Thiên (Hà Nội) sau khi máy bay B52 của Mỹ rải thảm 12-1972
     
Viết sau ngày “tận thế”
Tạp văn của Trọng Bảo

           Hôm nay là 22-12-2012, một ngày sau ngày “tận thế” mà báo chí làm rùm beng suốt thời gian qua, tôi lại ngồi vào bàn viết. Bởi vì hôm nay là ngày kỷ niệm 68 năm thành lập QĐND Việt Nam. Một ngày vô cùng ý nghĩa đối với những người lính chúng tôi, với những người một thời cầm súng trong cuộc hành quân thăm thẳm đường dài. Khi tôi lên đường nhập ngũ quân đội ta mới vừa tròn 30 tuổi. Vậy là đến hôm nay đã 38 năm trôi qua. Một chặng đường so với lịch sử thì ngắn mà với một đời người quả là dài. Thế hệ chúng tôi cầm súng qua hai cuộc chiến tranh bây giờ nghĩ lại càng thấy trong lòng mình biết bao điều trăn trở, nghĩ suy.
          Theo như lịch đá của người Maya cổ đại và theo “bài thơ đoán mệnh” của nhà tiên tri Nostradamus về điệu nhảy Gangnam thì ngày hôm qua (21-12-2012) vòng quay của chu kỳ thời gian vừa tròn một con số 9, con số của sự kết thúc [(2+1)+(1+2)+(1+2)=9], trái đất sẽ nổ tung, loài người sẽ tiệt diệt. Sự phá huỷ kinh hoàng trong ngày tận thế là động đất, sóng thần cao hàng trăm mét, núi lửa phun trào khắp nơi và nước biển dâng lên, hoặc là sự va chạm giữa các hành tinh, sóng điện từ trường mạnh từ mặt trời phóng xuống đốt cháy, phá huỷ, nhấn chìm trái đất mong manh của chúng ta. Nhưng ngày tận thế không xảy ra đúng như kịch bản đã định sẵn để sáng nay thế giới vạn vật vẫn sinh sôi, con người vẫn tồn tại. Nhiều người bảo “thế là không có ngày tận thế”. Nhưng thực sự thì ngày tận thế vẫn có, vẫn luôn tồn tại. Nó đang đến và đã đến rất gần. Nguyên nhân của “ngày tận thế” không phải từ đâu xa mà chính là từ con người chúng ta. Sự phá hoại môi trường, cưỡng bức thiên nhiên, làm mất cân bằng sinh thái của con người đã thực sự trở thành ngày tận thế cho nhiều loài động, thực vật và đang tiếp cận chính con người chúng ta. Bão gió mạnh hơn, lũ quét mạnh hơn, nước biển dâng cao hơn và số người tử vong do thiên tai ngày càng nhiều hơn. Không ở đâu xa, ngay ở Việt Nam chúng ta con người cũng đã tự làm nên một điều tưởng như không tưởng, đó là tạo nên những trận động đất liên miên ở công trình thuỷ thuỷ điện Sông Tranh 2. Rồi khi đi suốt một miền rừng núi cao từ Việt Bắc, Tây Bắc và Thanh Hoá, Nghệ An lên dãy Trường Sơn chúng ta càng thấy sự tàn phá, triệt hạ thiên nhiên của con người thật là vĩ đại. Với sự tàn phá thiên nhiên ấy, con người đang từng ngày tự đẩy chính mình đến ngày tận thế.
          Là một người lính, chúng tôi còn cảm nhận được về ngày tận thế của loài người qua những khoảnh khắc của chiến tranh. Chiến tranh, xung đột tôn giáo, sắc tộc cũng là một nguyên nhân sâu xa của ngày “tận thế nhân tạo”. Hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản trong thế chiến thứ II với sức tàn phá kinh hoàng của nó đã cho con người thấy hình ảnh tận thế của mình như thế nào. Những hình ảnh ấy lặp lại ở Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, là những thành phố tan hoang, những xóm làng tiêu điều, xơ xác vì bom đạn, lửa na-pan, chất độc da cam dioxin. Bốn mươi năm trước những hình ảnh rất giống ngày tận thế xuất hiện ở Khâm Thiên, ở Bạch Mai (Hà Nội), ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phú… sau những trận máy bay B52 Mỹ ném bom rải thảm. Và, tôi vẫn còn nhớ như in một đêm sau ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979, đơn vị chúng tôi rút lui qua thị trấn biên giới Sóc Giang-Cao Bằng đổ nát hoang tàn trong ánh lửa lập loè của nhà cửa bị cháy, trong mùi hôi thối của xác chết, trong tiếng rên rỉ kêu than của súc vật… cảm giác như mình đang đi giữa chốn âm phủ ngày tận thế. Bây giờ hình ảnh ấy đang còn khắp mọi nơi, ở Trung Đông, Bắc Phi và Apganixtan… Và lạ nhất là có một dân tộc với một nền văn minh Ăng-co rực rỡ như vậy mà dưới sự chỉ đạo của ngoại bang lại tự cầm cuốc bổ vào đầu mình, làm nên một cuộc diệt chủng hơn hai triệu người chết. Vậy mà hôm nay, sau hơn ba mươi năm họ lại tiếp tục đi theo đuôi những kẻ đã đẩy mình vào cuộc tự sát vĩ đại nhất lịch sử ấy.
          Kỷ niệm ngày thành lập quân đội ngay sau ngày “tận thế”, tôi lại nhớ đến những năm tháng chiến tranh tàn khốc và những người đồng đội của mình. Hôm nay ai mất, ai còn. Xin được trân trọng nghiêng mình trước anh linh của bao nhiêu liệt sĩ, cúi đầu trước vong hồn của bao nhiêu người dân đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh cam go, ác liệt vì độc lập, tự do cho dân tộc, giữ cho đất nước Đại Việt mãi mãi trường tồn, không bao giờ tận thế…

                                                                Hà Nội, ngày 22-12-2012
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét