Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH

     CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH

Chuyện sau chiến tranh tôi đã viết, chuyện khắc phục hậu quả, bình xét, khen thưởng, rồi những góc khuất của cuộc chiến. Đầu năm 2021, tôi có dịp lên Cẩm Khê, Phú Thọ thăm lại người chỉ huy cũ của mình là Đại tá Hoàng Quốc Doanh, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, người đã chỉ huy trận đánh quyết tử tại thị trấn Sóc Giang ngày 20-2-1979. Ông rất vui khi gặp lại chiến sĩ cũ của mình. Tôi và ông cùng ôn lại những ngày chiến trận năm xưa. Ngoài 80 tuổi rồi mà giọng ông vẫn sang sảng. Trong câu chuyện ông vẫn còn bức xúc về việc sau chiến tranh người hèn nhát lại được thăng hàm, bổ nhiệm chức vụ, rồi chuyện có một đơn vị “nhanh nhẹn” nhận vơ chiến công của Tiểu đoàn 3 để được khen thưởng cao. Ông còn kể thêm cả chuyện khi về nghỉ hưu được bầu là đại biểu đi dự đại hội đảng bộ huyện đã đứng lên kiên quyết phản đối, đòi gạt bỏ hai vị cán bộ chủ chốt địa phương ra khỏi danh sách đề cử vào ban chấp hành mới vì không xứng đáng. Tính cách của ông vẫn thế, thẳng thắn, bộc trực, kiên quyết như ngày nào còn là người chỉ huy chiến đấu của chúng tôi.
Ngày ấy, sau khi bọn xâm lược rút lui về bên kia biên giới chúng tôi trở lại Sóc Giang. Việc đầu tiên là chiếm lĩnh lại trận địa, củng cố công sự, hầm hào và truy quét bọn tàn quân. Tuy được tiếp tế nhưng lính tráng vẫn còn thiếu đói lắm. Một hôm đi truy lùng bọn tàn quân địch, tiểu đội trưởng Hà Trung Lợi và mấy chiến sĩ phát hiện có một con chó hoang đang chạy ở khe núi liền nổ súng bắn với ý định lấy thịt ăn. Khi chạy đến chỗ con chó bị bắn chết thấy mồm nó vẫn đang ngậm một bàn tay người, không thằng nào dám đem về làm thịt nữa. Chúng tôi lấy được một cây bắp cải dưới chân chốt đem về bóc ra thấy cũng có mấy đốt xương ngón tay người chết. Một buổi tối trời mưa rào, ếch nhái kêu râm ran. Tôi khoác chéo khẩu AK sau lưng cầm đèn pin ra cánh đồng bên trái bản Nà Nghiềng. Tôi tóm được khá nhiều ếch đang ôm nhau trong mùa sinh sản. Một đôi ếch rất to ôm nhau nhảy xuống một cái hố. Tôi liền nhảy xuống cái hố khua tay mò bắt ếch. Tôi kinh hãi khi mùi tử khí bốc lên và tay mình chạm vào một bộ xương người. Có một xác chết không biết là ta hay địch, hay dân thường đang nằm dưới hố nước… Tôi kể lại những chuyện này muốn nói về sự khốc liệt, kinh khủng của cuộc chiến tranh năm ấy.
Mãi mười lăm năm sau (1994), tôi mới có dịp trở lại thăm thị trấn Sóc Giang. Chỉ tiếc là do điều kiện công tác nên tôi chỉ đến được khu vực hang Huyện ủy, bây giờ là đồn biên phòng Sóc Giang, đi qua các bản Cốc Sâu, Kép Ké, Cốc Vường, Nà Sác, lên cửa khẩu Bình Mãng, không sang được bản Nà Nghiềng, xuống được bản Nà Cháo. Hà Quảng, Sóc Hà, Sóc Giang bây giờ đã thay đổi rất nhiều, vết tích chiến tranh đã mờ phai. Khi đi qua thị trấn Sóc Giang tôi ước mong tại đây có một tấm bia (nhỏ thôi) ghi lại chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 3 và nhân dân Hà Quảng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc năm 1979.
Cũng đúng sau mười lăm năm, khi làm báo, tôi có dịp đi công tác qua đất nước Trung Hoa. Máy bay “tăng-bo” tại Bắc Kinh. Khi còn đang ở Hồng Kông, chúng tôi được trưởng đoàn thông báo: “Hiện chúng ta đang phản đối việc Trung Quốc xây dựng các công trình ở quần đảo Hoàng Sa nên khi qua Bắc Kinh ta sẽ về nghỉ tại cơ quan tùy viên quốc phòng và đại sứ quán Việt Nam”. Tôi nghĩ: “Phản đối họ gay gắt thế thì ai còn đón tiếp nữa?”. Nhưng khi đến Bắc Kinh tôi đã thấy một đoàn xe ô tô rất sang ra tận chân cầu thang máy bay đón. Đoàn Bộ Quốc phòng nước ta được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đón về khách sạn nghỉ ngơi và đi tham quan thành phố. Tuy không phải là thăm chính thức nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Trì Hạo Điền vẫn tổ chức tiếp và chiêu đãi trọng thị Bộ trưởng Quốc phòng nước ta. Tôi và anh phóng viên Truyền hình quân đội được đón vào nhà khách của họ trước. Khi hai chúng tôi đến đã thấy trong phòng khách rộng có rất đông các phóng viên Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng đã đến trước và đang ngồi ở ghế bành trên bục rất xa. Tôi và anh phóng viên Truyền hình quân đội vội lấy máy quay phim, máy ảnh đứng vào giữa đám đông các phóng viên. Đột nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đứng dậy. Ông đi xuống rẽ đám phóng viên trong nước đến bắt tay tôi và anh phóng viên Truyền hình quân đội ta. Tôi và anh phóng viên Truyền hình quân đội rất ngạc nhiên. Đến lúc ngồi vào bàn tiệc chiêu đãi, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lại nói:
- Trong đoàn Việt Nam đi thăm Triều Tiên lần này chỉ có hai thành viên là khác với đoàn đã sang thăm Trung Quốc vừa qua!
Thì ra, họ nắm rất chắc về thành phần của đoàn ta. Anh Toàn, ở Văn phòng Bộ Quốc phòng ngồi cạnh ghé tai tôi khẽ nói nhỏ: “Kiểu này có khi họ biết rõ cả chuyện hai anh em mình hồi năm 1979 đã từng đánh nhau với họ ở biên giới phía Bắc đấy!”. Tôi gật đầu khẽ đáp: “Có lẽ thế anh ạ!”. Tôi và anh Toàn là hai thành viên thay thế hai người trong đoàn đã đi thăm Trung Quốc tháng trước. Họ hiểu rõ về mình như vậy, lại chung đường biên giới với nước mình nên dù hiện nay đã quan hệ hữu hảo, biên giới bộ đã cắm mốc, phân định rõ ràng, nhưng chủ quyền đất nước thì bất cứ thời điểm nào cũng không thể không cảnh giác, sẵn sàng...
Hà Nội, ngày 23/2/2022
TRỌNG BẢO
Ảnh chụp ở Bắc Kinh-Trung Quốc 1994.
Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

NHỮNG NGÀY GIAN KHỔ

     NHỮNG NGÀY GIAN KHỔ

Những này chiến đấu ác liệt tại thị trấn Sóc Giang tôi chưa bao giờ thấy hoảng sợ, hoang mang vì xung quanh mình luôn có người chỉ huy như chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh. Tôi chấp hành mọi mệnh lệnh của anh và luôn thấy yên tâm. Nhưng tôi thấy hoang mang, lo lắng, bi quan thực sự khi bị “cắt đuôi” lạc khỏi đội hình trong đêm vượt qua Thông Nông sang huyện Nguyên Bình. Hôm đó đã gần sáng, sương mù còn mù mịt dày đặc, cách một hai mét không nhìn rõ nhau. Lúc đơn vị vượt qua đường quốc lộ thì bộ phận đi sau đội hình cơ quan tiểu đoàn bộ của tôi không bám được bị “cắt đuôi”, lạc đường. Chúng tôi đi loanh quanh mãi trong một thung lũng nhỏ mà không xác định được đội hình đi phía trước đang ở hướng nào? Khi trời sáng dần, tiếng xe cơ giới của quân địch gầm rú nghe rất rõ, rất gần. Tôi và số anh em bị lạc cụm lại trong một hẻm núi. Tôi cố bình tĩnh nói với anh em:
- Theo kế hoạch đã phổ biến thì chúng ta phải vượt qua đường quốc lộ mới sang được dãy núi ở hướng huyện Nguyên Bình. Bây giờ, chúng ta phải xác định tuyến đường từ thị xã Cao Bằng lên huyện lỵ huyện Thông Nông để vượt qua.
- Nhưng hướng có đường quốc lộ là hướng nào! Hay là đợi khi trời sáng hẳn chúng ta hãy đi?
Một chiến sĩ nêu ý kiến. Tôi bảo:
- Đợi khi trời sáng hẳn thì bọn Trung Quốc sẽ phát hiện ra chúng ta ngay rất nguy hiểm. Chúng ta đang ở rất gần một điểm chốt của chúng nó đấy, phải đi ngay bây giờ mới kịp. Cứ nhằm hướng có tiếng động cơ xe tăng, xe cơ giới của bọn địch mà tiếp cận thì nhất định sẽ tìm ra con đường lên thị trấn Thông Nông.
Cách xác định con đường của tôi là chính xác nhưng rất nguy hiểm vì sẽ phải vượt qua đoạn đường mà bọn địch đang hành quân, rất có thể sẽ bị chúng phát hiện và tiêu diệt. Không ai thông thạo địa hình khu vực này. Chúng tôi không đủ sức và đủ đạn để mở đường máu rút lui. Nhưng không còn cách nào khác. Khi sương mù vẫn còn dày đặc, chúng tôi quyết định cơ động về hướng có nhiều tiếng động cơ của xe tăng, xe cơ giới của bọn địch đang gầm rú.
Chúng tôi lặng lẽ bám theo nhau đi ngay dưới chân điểm chốt của bọn lính Trung Quốc đang phòng ngự.
Đúng như tôi dự đoán, chúng tôi đã tìm ra con đường quốc lộ từ thị xã Cao Bằng đi qua Mỏ Sắt lên thị trấn huyện Thông Nông. Nhưng bọn địch đang hành quân trên đường. Những chiếc xe tăng, xe chở quân nối đuôi nhau chạy xuôi về hướng Hòa An và thị xã Cao Bằng. Bọn địch đã đánh chiếm được huyện Thông Nông không gặp sự kháng cự nào đáng kể của quân ta. Bộ phận của chúng tôi chia thành các tốp nhỏ, mỗi tốp ba, bốn người chờ khi một đoàn xe hay một đội hình hành quân của bọn địch đi qua là lao sang bên kia đường. Tốp vượt sang được bên kia đường sẽ trụ lại ở địa hình có lợi yểm hộ cho anh em vượt sau. Tôi đi ở tốp cuối cùng suýt nữa thì bị bọn địch phát hiện. Tưởng bọn địch đã đi qua hết, chúng tôi liền vượt sang đường. Một chiếc xe vận tải của địch bị chết máy hay là bọn chúng dừng lại làm gì đó ở dưới đoạn suối ngầm khuất sau quả đồi nhỏ bất ngờ nổ máy lao đến. Ánh đèn pha rọi sáng trưng rõ cả mặt đường lổm ngổm sỏi đá. Mấy anh em chúng tôi vội đổ người lăn xuống rãnh mương đầy cây gai xấu hổ bên đường trước khi ánh đèn pha xe ô tô của bọn Trung Quốc rọi đến chỗ vừa vượt qua. Tôi úp mặt xuống lòng mương lạnh lẽo nằm im nhưng nòng súng ghếch lên sẵn sàng nhả đạn nếu bị địch phát hiện. Khi chiếc xe chở bọn lính Tàu khuất sau khúc cua chúng tôi mới bật dậy đi tiếp.
Tất cả các tốp đã vượt qua đường. Chúng tôi nhanh chóng cơ động đến chân dãy núi và lẩn vào các khe đá, hốc đá leo ngược lên con đường mòn dốc đứng. Cả bọn lên đến lưng chừng núi an toàn. Nhìn xuống con đường vẫn thấy các đoàn xe cơ giới của địch hành quân. Khi trời sáng hẳn tôi kiểm tra lại đội hình hành quân có tất cả mười bốn người. Trong số đó chỉ có hai chiến sĩ thuộc trung đội thông tin và ba, bốn người thuộc cơ quan tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 3. Số còn lại là anh em thuộc các đơn vị khác của trung đoàn tôi không biết tên. Tất cả mọi người đều quần áo bẩn thỉu, mặt mũi lấm lem, hốc hác, bơ phở, đầu tóc rối bù. Có người bị thương băng còn quấn trên đầu. Người có súng, người thì không, ba lô đeo sau lưng lép kẹp. Mấy người còn không có cả ba lô, chỉ có bộ quần áo mỏng manh cùng khẩu súng hết đạn khoác trên vai. Tôi hỏi:
- Trong số anh em ở các đơn vị khác có ai quân hàm từ trung sĩ trở lên không?
- Anh hỏi để làm gì thế?
Tôi bảo:
- Hỏi để biết! Tôi quân hàm hạ sĩ. Nếu trong số anh em có ai quân hàm cao hơn, từ trung sĩ trở lên thì sẽ là người chỉ huy chung của bộ phận chúng ta!
Mấy anh em thuộc các đơn vị khác đều nói:
- Bọn em đều là binh nhất, binh nhì, chiến sĩ cả thôi. Chúng em xin chấp hành sự chỉ huy của anh!
Tôi nói:
- Vậy thì theo quy định của quân đội tôi sẽ là người chỉ huy chung. Anh em phải chấp hành mệnh lệnh của tôi. Tất cả chúng ta bây giờ là một tiểu đội, sống chết, đói no có nhau, khi chiến đấu sát cánh bên nhau. Chúng ta sẽ hành quân đi tìm đội hình của tiểu đoàn, trung đoàn.
- Vâng! Chúng em sẽ đi theo anh, chấp hành mệnh lệnh của anh.
Các chiến sĩ đáp. Tôi tổ chức lại đội hình, đảm bảo người có vũ khi, người không có vũ khí đi gần nhau, khi chạm địch thì bảo vệ, hỗ trợ được cho nhau. Lựu đạn và đạn súng bộ binh còn lại chia cho nhau. Đoạn, tôi dẫn các chiến sĩ tiếp tục cuộc hành quân trong vòng vây của quân thù. Chúng tôi lang thang trên triền những dãy núi đá vôi trơ trụi. Đói khát. Gian khổ. Giá rét. Kiệt sức. Rồi chạm địch, có người hy sinh, có người lại bị thất lạc tiếp. Tôi và số anh em còn lại ngày đi, đêm nghỉ. Có lúc thì đêm đi, ngày ẩn nấp trong các khe núi, hang đá tránh bị quân địch phát hiện, có thời cơ thì lần xuống suối lấy nước, vào nhà dân các bản gần chân núi, nơi dân đang sơ tán tìm kiếm, xin lương thực. Những bắp ngô, bó quả đỗ tương phơi khô xin được của dân bản chúng tôi tẽ lấy hạt tìm cách rang chín làm lương khô chia nhau ăn lấy sức hành quân. Nhiều bản bà con cho các bó lúa nhưng chúng tôi không lấy vì trên đường hành quân không làm cách nào thành gạo để nấu cháo, nấu cơm. Một lần qua chỗ bọn địch vừa rời đi chúng tôi nhặt được một túi củ cải phơi khô nhưng không dám ăn sợ bị bỏ thuốc độc. Bọn xâm lược Trung Quốc này cũng nghèo. Anh em thu được ba lô của chúng không tìm thấy một miếng lương khô hay thứ gì ăn được?
Chúng tôi cứ quanh quẩn mãi mà không tìm được đường ra khỏi huyện Thông Nông vì tuyến đường độc đạo sang Nguyên Bình có bọn địch chốt chặn. Đến khi gặp được bộ phận của Đại đội 11 của trung úy Tuân thì chúng tôi chỉ còn bảy người. Dưới sự chỉ huy chung của trung úy Tuân chúng tôi cùng dân quân tổ chức phòng ngự tại thung lũng Táp Ná, Thông Nông. Tại đây tôi đã phải uống bát nước pha thuốc phiện để trị bệnh tiêu chảy cấp khi bị bọn địch truy đuổi sát sau lưng. Anh em dân quân Táp Ná chia ngọt sẻ bùi và sát cánh chiến đấu cùng bộ đội.
Sau mấy lần cử các tổ vượt vòng vây đi tìm tiểu đoàn không thành công, bị quân địch bắn chết, hoặc khi họ vượt được ra ngoài vòng vây rồi không quay lại nữa, trung úy Tuân quyết định giao nhiệm vụ cho tôi dẫn một tổ tiếp tục lên đường đi tìm đội hình của Tiểu đoàn 3. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và được chỉ huy tiểu đoàn giao cho đi trước cùng trinh sát đưa đơn vị quay trở lại thị trấn Sóc Giang…
Hà Nội, ngày 22/2/2022
TRỌNG BẢO
Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

NGÀY 20-2 NĂM ẤY

    NGÀY 20-2 NĂM ẤY

Sáng sớm ngày 20-2-1979, tôi nhận được bức điện của Đại đội 9 đang phòng ngự ở khu vực Cốc Nghịu báo cáo chỉ huy tiểu đoàn ở phía cửa khẩu Bình Mãng có tiếng nổ lớn và nhiều tiếng động cơ xe cơ giới của địch. Tôi vội vàng chạy vào giữa hang - vị trí của ban chỉ huy tiểu đoàn. Tôi tìm tiểu đoàn trưởng để báo cáo tình hình địch. Trong hang huyện ủy ánh sáng đã ùa vào nên rõ mặt từng người. Anh em ngồi dựa hai bên thành hang. Nhiều người ôm súng ngủ gục. Đêm qua họ đi chuyển thương, đào huyệt chôn cất liệt sĩ, củng cố công sự trận địa nên rất mệt mỏi tranh thủ chợp mắt một lát trước trận đánh mới.
Tôi nhớn nhác nhìn xem tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm ở đâu để báo cáo. Thượng úy Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên tiểu đoàn và trợ lý tham mưu Bùi Đức Thọ đang trao đổi tình hình. Anh Doanh liền hỏi tôi:
- Có chuyện gì thế! Bộ phận nào báo cáo tình hình à?
Tôi báo cáo nội dung bức điện của Đại đội 9 vừa gửi về. Sau khi nghe xong, anh Doanh bảo tôi:
- Thông báo cho Đại đội 9, Đại đội 12 và Đại đội 11 cho bộ đội vào vị trí ẩn nấp tránh đạn pháo, cử người tăng cường quan sát, báo cáo kịp thời tình hình địch nhé!
- Vâng ạ!
Tôi đáp và đang định quay về vị trí tổ đài vô tuyến điệm ở cửa hang phụ thì anh Doanh dặn thêm:
- Từ bây giờ trở đi điện của các đơn vị gửi về mày đều báo cáo cho tao nhé! Ngày hôm nay tình hình có thể căng thẳng đấy, mày cố gắng giữ bằng được mạng thông tin vô tuyến nhé!
Tôi chưa hiểu rõ vì sao anh lại dặn như thế. Khi tôi quay lại vị trí đặt máy vô tuyến điện thì lại nhận được điện của Đại đội hỏa lực 12 ở trên khu vực Lũng Vỉ báo cáo: “Bộ binh và xe tăng địch tập trung rất đông trên cánh đồng bản Nà Sác. Trên các chốt cây đa vừa chiếm được của Đại đội 11 và khu vực bản Cốc Vường bọn chúng đang củng cố công sự trận địa”. Tôi biết, đạn cối 82ly của Đại đội 12 sắp hết. Nếu không thì nhất định đại đội trưởng Nông Đình Bào sẽ xin chỉ huy tiểu đoàn cho bắn cấp tập vài chục quả cho bọn chúng biết tay. Mấy hôm trước, khi cơ số đạn dược còn “dồi dào” Đại đội 12 đã chi viện rất hiệu quả cho Đại đội 11 chiến đấu bảo vệ chốt, bắn cả sang khu đồi thông phía bên kia biên giới trúng một kho nhiên liệu của bọn Tàu khựa cháy rừng rực mấy ngày liền. Tôi đang định vào giữa hang để báo cáo bức điện của Đại đội 12 gửi về thì chiến sĩ thông tin trực máy lại nói với tôi: “Tiểu đoàn trưởng lệnh cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, đánh trả bọn địch!”. Tôi ngạc nhiên vội hỏi lại:
- Tại sao… tiểu đoàn trưởng hạ lệnh lúc nào hả?
- Tổ đài của Đại đội 12 vừa điện về như thế anh ạ!
Tôi lập tức cầm tổ hợp máy vô tuyến hỏi lại chiến sĩ của mình tại tổ đài ở vị trí chỉ huy của Đại đội 12. Thì ra, tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm đang ở đấy qua máy lẻ của mạng vô tuyến điện đã ra các mệnh lệnh cho các đơn vị. Theo nguyên tắc tổ chức mạng thông tin vô tuyến điện cấp tiểu đoàn bộ binh trong chiến đấu thì máy chủ (trưởng mạng) đặt ở vị trí chỉ huy tiểu đoàn, các máy lẻ (gồm các ưu tiên 1, ưu tiên 2, ưu tiên 3 và ưu tiên 4) đặt ở bốn đại đội trực thuộc. Khi mở máy, trưởng mạng gọi đến máy lẻ nào thì máy đó mới được bấm công tắc trả lời. Hai máy không thể trả lời cùng một lúc sẽ gây nhiễu cho nhau rất khó nghe (Mấy ngày qua, bọn Trung Quốc nhiều lần khi dò được tần số sóng của ta, chúng bấm công tắc tổ hợp máy hoặc nói chen vào gây nhiễu cho mạng của ta). Lúc chiến đấu xảy ra, nhiều máy lẻ cùng có báo cáo, ở máy chủ tôi sẽ ưu tiên cho máy lẻ tại đơn vị đang tác chiến báo cáo trước. Mệnh lệnh truyền đi cũng vậy. Tiểu đoàn trưởng ở vị trí máy lẻ ra lệnh. Các máy khác khi nhận lệnh báo cáo lại chỉ huy, các đại đội lại phải điện về máy chủ tại vị trí chỉ huy của tiểu đoàn để hỏi vì không biết cụ thể như thế nào, có đúng hay không, gây rối bận. Chỉ huy tiểu đoàn ra mệnh lệnh cho các đơn vị qua mạng vô tuyến điện không thể gọi trực tiếp như điện thoại. Các mệnh lệnh, báo cáo phải thông qua chiến sĩ vô tuyến điện dùng mật ngữ chuyển đi, nhận về để tránh lộ bí mật về ý định tác chiến, tình hình đơn vị...
Tôi lập tức chạy vào giữa hang báo cáo với chính trị viên Hoàng Quốc Doanh về các mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng từ trên núi điện về. Lúc này tôi cũng mới biết tiểu đoàn trưởng đã rời bỏ vị trí chỉ huy lên trên dãy núi đá từ tối hôm qua, nói là đi kiểm tra đơn vị không quay trở lại hang huyện ủy trên mỏm núi đá độc lập giữa thị trấn Sóc Giang nữa. Dãy núi đá cao nhiều hang hốc bọn Trung Quốc chưa thể đánh lên được.
Nghe tôi báo cáo lại các mệnh lệnh và sự chỉ đạo của tiểu đoàn trưởng từ mãi trên dãy núi đá cao điện về, anh Doanh im lặng nghe. Sau thấy tôi cứ báo cáo mãi vì tiểu đoàn trưởng cứ điện về mãi anh Doanh nổi cáu quát:
- Im đi để tao còn chỉ huy chiến đấu! Khi ông ấy điện về mày không phải báo cáo lại cho tao nữa!
Tôi bị mắng oan đành lủi thủi quay về vị trí tổ đài. Khi tình hình tạm lắng xuống anh Doanh tìm đến vỗ vai tôi nói nhỏ: “Lúc nãy tao mắng oan mày! Lần sau ông ấy điện về mày nghe thôi không phải báo lại tao nữa… Ở trên núi biết gì tình hình ở đây…”. Anh Doanh bỏ lửng câu nói nhưng tôi hiểu. Tôi cũng hiểu là anh biết đã mắng oan chiến sĩ thông tin nên đã đến gặp tôi để nói như vậy.
Quân xâm lược Trung Quốc chọc thủng được tuyến phòng ngự Pác Bó- Trường Hà. Từ ngã ba Đôn Chương bọn chúng đánh ngược trở lên thị trấn Sóc Giang. Từ sáng sớm ngày 20-2, bọn chúng bắt đầu tập kết lực lượng ở khu vực Kép Ké, Cốc Sâu. Từ bản Cốc Sâu vào thị trấn Sóc Giang chỉ vài trăm mét nhưng phải qua một cánh đồng trồng cây thuốc lá của dân ta. Tuyến đường từ bản Cốc Sâu qua cánh đồng đến chân chốt của Đại đội 10 thì uốn cong sang bên phải. Vượt qua ngầm con suối cạn là vào thị trấn. Qua con suối cạn theo hướng bên trái xe tăng và bộ binh địch có thế lao vào cánh đồng trồng ngô của bản Nà Nghiềng tiến đến chợ Sóc Giang, khu cơ quan Huyện ủy Hà Quảng có hang của chỉ huy Tiểu đoàn 3, hướng bên phải là cửa hàng thực phẩm và cơ quan UBND huyện. Nếu cứ tiến thẳng theo đường quốc lộ sẽ qua thị trấn Sóc Giang lên cửa khẩu Bình Mãng.
Trận đánh ngày 20-2-1979 vô cùng ác liệt trước cửa ngõ Sóc Giang. Hơn 500 tên xâm lược phơi xác trên cánh đồng và trên con đường từ bản Cốc Sâu vào đến chân chốt của Đại đội 10. Ba chiếc xe tăng địch bị bắn cháy ở cánh đồng bản Cốc Sâu. Ba chiếc xe tăng khác bị bắn cháy trên cánh đồng ngô bản Nà Nghiềng, một chiếc xe tăng cùng hơn 50 tên địch bị tiêu diệt ở hướng UBND huyện, nơi một trung đội của Đại đội 9 do thượng sĩ La Quang Tuyến chỉ huy. (Diễn biến về ngày 20-2-1979 tôi đã viết trong phần “Huyết trận Sóc Giang” đã đăng Fb tháng 1/2022). Bọn địch dùng chiến thuật “biển người” khiến quân ta rất tốn đạn. Biển người của chúng lớp này chết có lớp khác, đơn vị khác lên thay nhưng đạn dược của quân ta thì có hạn, bắn là hết, không có sự tiếp tế, chi viện. Vì vậy nên hạ sĩ, tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm đề xuất đưa một tổ xuống chỗ bụi tre chân chốt của Đại đội 10 lập ổ đề kháng bắn thẳng tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Nhưng bọn chúng quá đông lao lên ép người được vào ta-luy đường tránh được luồng đạn bắn thẳng. Bọn chúng ném lựu đạn tới tấp lên tuyến công sự thứ nhất của ta. Hạ sĩ Nguyễn Công Tâm và các chiến sĩ nhặt ném lại nhưng không kịp. Anh bị một quả lựu đạn nổ trên tay hy sinh. Trung úy Trần Xuân Tương, học viên Trường sĩ quan Chính trị về thực tập bị thương gãy một tay vẫn chỉ huy bộ đội xuống bắn xe tăng địch bị trúng đạn hy sinh. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống ngày 20-2-1979 ở cửa ngõ Sóc Giang.
Tại sở chỉ huy của tiểu đoàn thượng úy Hoàng Quốc Doanh bình tĩnh, kiên quyết chỉ huy các đơn vị kiên cường chiến đấu, bẻ gãy tất cả các đợt tấn công ác liệt của quân thù. Trong những lúc tình huống căng thẳng ấy tôi vẫn giữ được mạng thông tin vô tuyến điện thông suốt. Đó là mạng thông tin duy nhất của tiểu đoàn khi các tuyến đường dây hữu tuyến bị cắt đứt, truyền đạt không qua nổi vòng vây quân địch. Khi tình huống cấp bách tôi trực tiếp cầm tổ hợp máy vô tuyến, chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh đứng ngay bên cạnh hạ các mệnh lệnh chiến đấu. Khi anh ra cửa hang chính quan sát trận địa tôi đi theo anh nghe mệnh lệnh rồi chạy về chỗ đặt máy điện thông báo cho các đơn vị. Không bao giờ quên cái khoảnh khắc nguy nan nhất chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh hạ lệnh: “Tất cả ra vị trí chiến đấu kiên quyết giữ vững trận địa, không để sa vào tay quân thù”. Lúc ấy, trợ lý chính trị Nguyễn Xuân Hòa đưa cho tôi quả lựu đạn mỏ vịt US để phòng khi bị địch bắt. Tôi nhét vội quả lựu đạn vào túi quần rồi xách súng lao ra cửa hang chính đang mịt mù khói lửa…
Vậy mà đã 43 năm rồi. Đồng đội của tôi ơi, có còn nhớ về Sóc Giang, Hà Quảng, Cao Bằng những ngày tháng chiến tranh đầy trời lửa đạn ấy?
Hà Nội, ngày 20/2/2022
TRỌNG BẢO
Ảnh: Mỏm núi đá vôi độc lập giữa thị trấn Sóc Giang. Lưng chừng núi (chỗ vệt trắng) là hang Huyện ủy, nơi vị trí chỉ huy Tiểu đoàn 3 trong những trận đánh ác liệt với quân Trung Quốc xâm lược tháng 2-1979.
Có thể là hình ảnh về núi