Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH

     CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH

Chuyện sau chiến tranh tôi đã viết, chuyện khắc phục hậu quả, bình xét, khen thưởng, rồi những góc khuất của cuộc chiến. Đầu năm 2021, tôi có dịp lên Cẩm Khê, Phú Thọ thăm lại người chỉ huy cũ của mình là Đại tá Hoàng Quốc Doanh, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, người đã chỉ huy trận đánh quyết tử tại thị trấn Sóc Giang ngày 20-2-1979. Ông rất vui khi gặp lại chiến sĩ cũ của mình. Tôi và ông cùng ôn lại những ngày chiến trận năm xưa. Ngoài 80 tuổi rồi mà giọng ông vẫn sang sảng. Trong câu chuyện ông vẫn còn bức xúc về việc sau chiến tranh người hèn nhát lại được thăng hàm, bổ nhiệm chức vụ, rồi chuyện có một đơn vị “nhanh nhẹn” nhận vơ chiến công của Tiểu đoàn 3 để được khen thưởng cao. Ông còn kể thêm cả chuyện khi về nghỉ hưu được bầu là đại biểu đi dự đại hội đảng bộ huyện đã đứng lên kiên quyết phản đối, đòi gạt bỏ hai vị cán bộ chủ chốt địa phương ra khỏi danh sách đề cử vào ban chấp hành mới vì không xứng đáng. Tính cách của ông vẫn thế, thẳng thắn, bộc trực, kiên quyết như ngày nào còn là người chỉ huy chiến đấu của chúng tôi.
Ngày ấy, sau khi bọn xâm lược rút lui về bên kia biên giới chúng tôi trở lại Sóc Giang. Việc đầu tiên là chiếm lĩnh lại trận địa, củng cố công sự, hầm hào và truy quét bọn tàn quân. Tuy được tiếp tế nhưng lính tráng vẫn còn thiếu đói lắm. Một hôm đi truy lùng bọn tàn quân địch, tiểu đội trưởng Hà Trung Lợi và mấy chiến sĩ phát hiện có một con chó hoang đang chạy ở khe núi liền nổ súng bắn với ý định lấy thịt ăn. Khi chạy đến chỗ con chó bị bắn chết thấy mồm nó vẫn đang ngậm một bàn tay người, không thằng nào dám đem về làm thịt nữa. Chúng tôi lấy được một cây bắp cải dưới chân chốt đem về bóc ra thấy cũng có mấy đốt xương ngón tay người chết. Một buổi tối trời mưa rào, ếch nhái kêu râm ran. Tôi khoác chéo khẩu AK sau lưng cầm đèn pin ra cánh đồng bên trái bản Nà Nghiềng. Tôi tóm được khá nhiều ếch đang ôm nhau trong mùa sinh sản. Một đôi ếch rất to ôm nhau nhảy xuống một cái hố. Tôi liền nhảy xuống cái hố khua tay mò bắt ếch. Tôi kinh hãi khi mùi tử khí bốc lên và tay mình chạm vào một bộ xương người. Có một xác chết không biết là ta hay địch, hay dân thường đang nằm dưới hố nước… Tôi kể lại những chuyện này muốn nói về sự khốc liệt, kinh khủng của cuộc chiến tranh năm ấy.
Mãi mười lăm năm sau (1994), tôi mới có dịp trở lại thăm thị trấn Sóc Giang. Chỉ tiếc là do điều kiện công tác nên tôi chỉ đến được khu vực hang Huyện ủy, bây giờ là đồn biên phòng Sóc Giang, đi qua các bản Cốc Sâu, Kép Ké, Cốc Vường, Nà Sác, lên cửa khẩu Bình Mãng, không sang được bản Nà Nghiềng, xuống được bản Nà Cháo. Hà Quảng, Sóc Hà, Sóc Giang bây giờ đã thay đổi rất nhiều, vết tích chiến tranh đã mờ phai. Khi đi qua thị trấn Sóc Giang tôi ước mong tại đây có một tấm bia (nhỏ thôi) ghi lại chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 3 và nhân dân Hà Quảng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc năm 1979.
Cũng đúng sau mười lăm năm, khi làm báo, tôi có dịp đi công tác qua đất nước Trung Hoa. Máy bay “tăng-bo” tại Bắc Kinh. Khi còn đang ở Hồng Kông, chúng tôi được trưởng đoàn thông báo: “Hiện chúng ta đang phản đối việc Trung Quốc xây dựng các công trình ở quần đảo Hoàng Sa nên khi qua Bắc Kinh ta sẽ về nghỉ tại cơ quan tùy viên quốc phòng và đại sứ quán Việt Nam”. Tôi nghĩ: “Phản đối họ gay gắt thế thì ai còn đón tiếp nữa?”. Nhưng khi đến Bắc Kinh tôi đã thấy một đoàn xe ô tô rất sang ra tận chân cầu thang máy bay đón. Đoàn Bộ Quốc phòng nước ta được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đón về khách sạn nghỉ ngơi và đi tham quan thành phố. Tuy không phải là thăm chính thức nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Trì Hạo Điền vẫn tổ chức tiếp và chiêu đãi trọng thị Bộ trưởng Quốc phòng nước ta. Tôi và anh phóng viên Truyền hình quân đội được đón vào nhà khách của họ trước. Khi hai chúng tôi đến đã thấy trong phòng khách rộng có rất đông các phóng viên Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng đã đến trước và đang ngồi ở ghế bành trên bục rất xa. Tôi và anh phóng viên Truyền hình quân đội vội lấy máy quay phim, máy ảnh đứng vào giữa đám đông các phóng viên. Đột nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đứng dậy. Ông đi xuống rẽ đám phóng viên trong nước đến bắt tay tôi và anh phóng viên Truyền hình quân đội ta. Tôi và anh phóng viên Truyền hình quân đội rất ngạc nhiên. Đến lúc ngồi vào bàn tiệc chiêu đãi, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lại nói:
- Trong đoàn Việt Nam đi thăm Triều Tiên lần này chỉ có hai thành viên là khác với đoàn đã sang thăm Trung Quốc vừa qua!
Thì ra, họ nắm rất chắc về thành phần của đoàn ta. Anh Toàn, ở Văn phòng Bộ Quốc phòng ngồi cạnh ghé tai tôi khẽ nói nhỏ: “Kiểu này có khi họ biết rõ cả chuyện hai anh em mình hồi năm 1979 đã từng đánh nhau với họ ở biên giới phía Bắc đấy!”. Tôi gật đầu khẽ đáp: “Có lẽ thế anh ạ!”. Tôi và anh Toàn là hai thành viên thay thế hai người trong đoàn đã đi thăm Trung Quốc tháng trước. Họ hiểu rõ về mình như vậy, lại chung đường biên giới với nước mình nên dù hiện nay đã quan hệ hữu hảo, biên giới bộ đã cắm mốc, phân định rõ ràng, nhưng chủ quyền đất nước thì bất cứ thời điểm nào cũng không thể không cảnh giác, sẵn sàng...
Hà Nội, ngày 23/2/2022
TRỌNG BẢO
Ảnh chụp ở Bắc Kinh-Trung Quốc 1994.
Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét