Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Truyện ngắn GIÓ NÚI

         
           LTG: Năm nào đến ngày kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam 22-12 tôi cũng lang thang ngoài đường. Tôi đi qua những khu phố đông vui, nhà cao cửa rộng, những khu biệt thự giàu sang của những người nhiều tiền. Nhìn cuộc sống thanh bình hôm nay tôi lại nhớ đến những ngày gian khổ ở chiến trường năm xưa và nghĩ về những đồng đội, những người dân thịt xương vùi nơi núi rừng biên ải âm u. Truyện ngắn này viết để tưởng nhớ đến họ (Trọng Bảo)

 GIÓ NÚI
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Phải đến hơn hai mươi năm rồi, tôi mới lại có dịp trở lại Cao Bằng. Cái thị xã đổ nát, lập loè ánh đèn dầu sau chiến tranh biên giới nay chỉ còn trong ký ức. Tôi nhớ in những đêm chuyển quân, cái rét miền biên ải cắt thịt, cắt da. Tôi cũng không quên cái đói, cái khát của những ngày chiến trận năm nào.     
          Thị xã Cao Bằng bây giờ đường xá dọc ngang, hàng quần đầy ắp, người bán, kẻ mua nhộn nhịp, xe máy phóng ào ào, gầm rú phun khói mù mịt, không còn thấy cảnh những cô gái cưỡi ngựa xuống chợ Nước Hai. Tiếng nhạc Tây xập xình, không còn nghe tiếng sáo Mông réo rắt lối về Quý Quân, Mỏ Sắt, Thông Nông...        
          Hỏi thăm mãi rồi tôi cũng tìm được xe về Hà Quảng. Làm việc với cơ quan quân sự xong, tôi ngỏ ý muốn lên thị trấn Sóc Giang cũ. Anh Tài - trợ lý chính sách chợt nhớ ra:
          - Ồ! May quá, cậu Ngọc - chiến sĩ của ban là người trên đó. Cậu ấy được nghỉ phép về nhà hỏi vợ. Cậu ấy có xe máy, tiện thể đưa anh đi luôn.
         - Thế thì tốt quá!
         Anh Tài buông bút nhỏm dậy xăng xái đi về phía nhà tập thể. Một lát sau, anh quay lại cùng một chiến sĩ độ tuổi đôi mươi dắt chiếc xe máy Trung Quốc mới tinh. Anh bảo:
          - May tóm được ở cổng. Suýt thì cu cậu chuồn mất. Đúng là về hỏi vợ có khác...
         Người chiến sĩ đỏ mặt ngượng nghiụ. Cậu ta còn rất trẻ, đẹp trai. Cậu ta tháo gói đồ ra buộc lại lấy chỗ cho tôi ngồi.
         Chúng tôi ngược lên biên giới. Trời đã về chiều, gió thu lành lạnh. Ngọc ít nói. Dọc đường hỏi chuyện tôi mới biết nhà Ngọc chỉ có hai mẹ con. Mẹ Ngọc ốm luôn. Vùng cao người ta thường dựng vợ, gả chồng sớm. Ngọc cũng muốn chiều ý để mẹ yên tâm, hỏi xong để hai nhà đi lại, còn lâu mới cưới. Ngọc sắp hết nghĩa vụ quân sự, được cử đi học một lớp trung cấp quân đội để chuyển quân nhân chuyên nghiệp.
          Về đến đầu thị trấn Sóc Giang cũ, Ngọc hỏi:
          - Chú định xuống chỗ nào? Hay là về nhà cháu đã, trời sắp tối rồi...
          Tôi vỗ vai Ngọc:
          - Yên tâm! Đây là địa bàn hoạt động cũ của chú, nhà nào cũng là nhà quen cả mà!
          - Thế chú có biết mẹ cháu không ạ?
          - Nhà cháu ở bản nào?
          - Ở bản Nà Sao ạ!
          - Nà Sao! Ở sát biên giới?
          - Vâng ạ! Mẹ cháu tên là Ngân, Hoàng Thị Ngân...
          Tôi giật mình, lờ mờ nhớ lại một điều gì đó. Tôi quyết định theo Ngọc về nhà. Tôi chủ quan, cứ nghĩ đến đầu bản sẽ nhớ được mọi chuyện. Bản Nà Sao bây giờ thay đổi rồi. Nhiều ngôi nhà tầng mới xen lẫn nhà sàn, đường đi lối lại cũng khác. Nhưng khi chiếc xe máy của Ngọc chở tôi ngoặt vào một hõm núi thì tôi mới chợt giật mình nhớ dần ra mọi chuyện.
*
         Biên cương ngày ấy có biến.
         Đơn vị chúng tôi lật cánh từ Hà Giang sang Cao Bằng. Trung đội thông tin chúng tôi đóng quân ở bản Nà Liền đảm bảo các hướng thông tin hữu tuyến và vô tuyến cho các điểm chốt phục vụ chỉ huy tác chiến.
         Để chuẩn bị sẵn sàng các hướng thông tin, trung đội trưởng Mùi và tôi đi trinh sát địa hình khi cần thiết triển khai được ngay.
          Chúng tôi thường cắt cơm nhà bếp, thanh toán lấy tiêu chuẩn tiền ăn và gạo đem đi trinh sát. Dọc đường tiện đâu chúng tôi sẽ ghé nhà dân nghỉ chân nấu nhờ cơm. Đồng bào dân tộc ở biên giới rất tốt, thịt bán cho bộ đội thường với giá rẻ hơn, rau thì ra vườn nhổ lên, anh em cần bao nhiêu cũng cho luôn, chẳng lấy tiền.
          Bản Nà Sao sát đường biên nên khi tình hình căng thẳng, nhiều nhà đã đi sơ tán. Lúc dừng chuẩn bị bữa trưa, chúng tôi phải vào một nhà ở cách biệt tận trong hõm núi mới có người còn ở lại để nhờ nấu cơm. Nhà chỉ có hai cô gái. Cô chị tên là Kim chưa đầy hai mươi, cô em tên là Ngân mới mười bảy tuổi. Trung đội trưởng Mùi chắc đã biết rõ về gia đình này. Anh ra hiệu cho tôi không được hỏi thăm gia cảnh của họ. Hai chị em giành việc nấu cơm giúp chúng tôi. Tôi gỡ nắp ba lô đưa cho họ bao gạo và túi thức ăn gồm hộp thịt và bó rau.
          Bữa cơm dọn ra, cơm gạo mới thơm phức, lại có cả thịt gà nữa. Hai chị em cùng ăn với chúng tôi. Họ ngồi ở đầu nồi xới cơm. Quả là hai cô gái rất đẹp. Con gái Tày đã đẹp lại thường có nước da rất trắng và đôi mắt sáng long lanh như ngọc. Suốt bữa, chị em Kim, Ngân ăn rất ít, họ lo tiếp thức ăn cho chúng tôi. Chúng tôi vui vẻ nói chuyện. Nhưng tôi vẫn nhận ra nét mặt, nhất là trong đôi mắt của hai chị em họ phảng phất ẩn chứa một nỗi buồn sâu thẳm.
          Ăn cơm xong, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
          Hai chị em Kim, Ngân khoác ba lô của chúng tôi tiễn ra tận đầu dốc. Nhận chiếc ba lô của mình từ tay bé Ngân tôi nhận thấy bao gạo buộc trên nắp ba lô vẫn còn nguyên.
          Dọc đường, Mùi mới kể lại cho tôi nghe câu chuyện về hai chị em họ. Đó là một gia đình có những khoảng thời gian tràn ngập hạnh phúc. Nhà họ ngày xưa ở giữa bản, trâu ngựa, lợn gà đầy sân, thóc lúa đầy sàn. Hai cô con gái càng lớn, càng xinh đẹp. Đêm đêm bóng trai bản rập rình ngoài ngõ. Chẳng phải bỏ bùa yêu mà mãi tận những bản xa cũng có lũ con trai kéo đến thổi kèn lá gọi bạn thâu đêm ngoài bờ rào. ông bố của hai nàng phải đốt đuốc, gõ ống bương lốp cốp để xua bọn con trai si tình. Ông muốn để hai con học hành đến nơi, đến chốn.
          Nhưng rồi tai hoạ đổ xuống đầu họ. Sau một lần khám bệnh, đoàn y tế trên tỉnh về phát hiện ông bố có triệu chứng của bệnh phong. ở vùng nũi xa xôi hẻo lánh này tin đó như một tiếng sét đánh gãy thân cây cổ thụ. Dân bản xa lánh dần, trai tráng không còn dập dìu trước ngõ nữa. Khi người ta xác định đúng là ông bố bị bệnh phong thì hai chị em Kim, Ngân không còn dám đến lớp nữa. Bệnh hủi khiến nhiều người ghê tởm, xua đuổi. Đêm đêm, người ta ném gà chết, chó mèo chết vào nhà. Gia đình họ phải dỡ nhà, khênh từng cây cột, cái kèo vào hẻm núi. Ông bố cố gắng dựng lại ngôi nhà cho vợ và hai con gái trước khi được gọi đi tập trung chữa bệnh ở một trại phong mãi dưới xuôi.
          - Chuyện là như vậy đấy! - Mùi vừa xốc lại ba lô vừa hỏi tôi: - Ông có thấy ghê không?
          Biết là bệnh phong không lây, không di truyền nhưng vốn là người yếu bóng vía nên tôi cũng thấy hơi sờ sợ. ở quê tôi người ta thường rất sợ căn bệnh này. Bố tôi đã hơn trăm tuổi. Ông thường kể cho tôi nghe chuyện ngày trước ở làng bên có một người bị bệnh hủi. Dân làng phát hiện xa lánh, họ muốn đuổi cả nhà người có bệnh đi khỏi làng. Nhất là khi người bệnh đã phát nặng mặt mũi sù sì, chân tay co quắp phá mủ chảy nước vàng hôi thối. Trước cảnh ngày nào dân làng cũng xua đuổi, lý trưởng, chánh tổng phạt vạ, uy hiếp, những người con của người bệnh đã phải đi đến một quyết định khủng khiếp nhất. Họ mổ gà, giết lợn làm cơm cho ông ăn. Sau bữa cơm li biệt ấy, người con cả chủ trì lễ tế sống bố. Họ để ông ngồi trên sập rồi vái lạy. Đến tối, cả nhà gạt nước mắt đưa ông lên chiếc thuyền nan nhỏ. Nước lũ từ thượng nguồn sông Đáy đang đổ về cuồn cuộn. Con thuyền nhỏ của những đứa con trong lòng rỉ máu ấy đưa ông bố tật bệnh ra một chiếc chòi nhỏ trên bãi bồi giữa sông. Họ để ông bố ở đấy rồi thả thuyền xuôi về phía hạ lưu chờ. Nước  dâng ngập bãi bồi, dìm chết người cha bị bệnh hủi. Dân chài lưới phía hạ lưu giúp những người con tìm xác ông bố bị lũ cuốn trôi xuôi. Khi còn nhỏ tôi cũng thường nghe chuyện người hủi chết huyệt phải đào sâu 5 mét đổ vôi bột sống xuống rồi mới hạ quan tài, rắc thêm vôi bột lên trên xong mới lấp. Mả hủi thường phải ở xa những ngôi mộ khác.
          Mùi còn kể cho tôi nhiều chuyện buồn của hai chị em Kim. Ngân. Họ không còn bạn bè, xóm giềng. Hai chị em lớn lên như hai bông hoa tươi tắn, xinh đẹp nhưng không một chàng trai nào đến tìm nữa. Họ phải lên núi cao tìm chỗ làm nương trỉa ngô. Nỗi đau cô đơn của họ thật là khủng khiếp. Người mẹ của họ đau buồn rồi ốm chết.
          Một buổi tối, hai chị em vừa chuẩn bị đi ngủ thì có tiếng chân bước lên sàn. Hai chị em hoảng sợ ôm chặt lấy nhau. Bởi vì đã rất lâu không còn có ai dám vào nhà họ nữa. Có tiếng gọi nhỏ: "Các con ơi!". Bé Ngân reo lên: "Bố! Bố về...". Họ mở cửa đón bố. Biết tin vợ chết, ông trốn trại phong tìm về nhà. Hai đứa con vừa khóc vừa nấu cơm nếp, làm thịt gà cho bố ăn, gói cho bố đem đi đường. Họ van xin: "Bố phải ra đi ngay trong đêm, ngày mai sáng ra dân bản mà nhìn thấy sẽ xua đuổi, sẽ hắt hủi chúng con...". Ông nhìn hai đứa con gái nước mắt ròng ròng. Ông ra đi rồi biết tích từ đó. Có tin đồn ông đã chết đuối ở sông Bằng khi trèo mảng qua sông giữa đêm. Lại có người bảo ông đã lấy một người đàn bà cùng cảnh ngộ rồi được trợ giúp làm nhà chữa khỏi bệnh và ở ngay trong khu trại phong.
          Khi chiến tranh biên giới xảy ra, hai chị em Kim, Ngân vẫn ở lại. Họ vác đạn lên trận địa, đưa thương binh về tuyến sau. Hơn chục ngày giao chiến với kẻ địch đông và mạnh ở thị trấn, chúng tôi rút lui lên núi. Đơn vị chia làm nhiều mũi đột phá vòng vây để rút đi. Về đến Lũng Mật, bất ngờ tôi gặp Ngân. Cô bé súng khoác trên vai chững chạc, dày dặn hẳn. Tôi hỏi ngay:
          - Hai chị em thế nào rồi?
          Ngân oà khóc:
          - Chị Kim em chết rồi! Khi bọn địch phát hiện chỗ giấu thương binh chị ấy đã nổ súng và chạy ra bờ suối đánh lạc hướng. Khi bọn chúng xông đến định bắt sống thì chị ấy cho nổ quả lựu đạn cuối cùng...
          Tôi cầm tay Ngân, muốn an ủi cô nhưng chẳng biết nói thế nào.
          Một đêm, chúng tôi tổ chức một bộ phận bí mật xuống bản Nà Liền tìm lương thực. Ngân và một số anh chị em dân quân, thanh niên xung phong cũng cùng đi. Trong đêm trăng mờ đục chúng tôi phải đi từng tốp nhỏ để đề phòng bị địch phục kích. Tìm được thứ gì lấy thứ nấy, gạo, ngô, đậu tượng, lúa của đồng bào bó để trên gác bếp. Lúc quay trở về, tôi được giao đi sau cùng bảo vệ cho bộ đội và dân quân lên hết dốc mới rút theo. Tôi ôm súng nép vào hốc đá sát mép nước cảnh giới.
          Mọi người lội qua con suối nhỏ, bắt đầu lên dốc. Chờ một lát, ước chừng mọi người đã vượt đoạn dốc trống trải, tôi mới nhấc ba lô lên vai, xách súng rời khỏi hốc đá. Giữa lúc đó thì có tiếng gọi nho nhỏ ngay sau một mô đá, sát chỗ tôi đứng:
          - Anh Hà ơi!
          Nhận ra tiếng người gọi, tôi quay lại:
          - Ngân hả! Sao vẫn còn ở đây, mau vượt lên núi đi, nặng đưa tôi mang bớt cho...
          - Không đâu! Nhưng anh... anh ... chờ em một tý.
          - Có việc gì vậy! Rút nhanh không nó bắn pháo sang nguy hiểm lắm.
          Tôi vừa nói vừa nhìn sang phía thị trấn, nơi những căn nhà đang cháy rừng rực, thỉnh thoảng ánh lửa đầu nòng pháo của địch lại lóe lên.
          Ngân thì thào:
          - Anh... cảnh giới, gác cho em... tắm một tý nhé, đã gần một tuần nay rồi... trên núi làm gì có nước ...
          Đúng là trên núi đá vôi nước uống còn chả đủ làm gì có nước mà tắm. Có chỗ, trận địa phòng ngự rất tốt, chúng tôi đánh bật hàng chục lượt xung phong của địch nhưng hết nước đành phải rút đi chỗ khác. Tôi gàn:
          - Đi thôi! Nước suối lạnh lắm.
          - Mặc kệ!
          Ngân trút hết quần áo, lội xuống suối ngay cạnh chỗ tôi đứng. Bất ngờ mặt trăng ló ra chỗ mây thưa. Cơ thể ngọc ngà của Ngân lồ lộ dưới ánh trăng. Ngân đưa hai bàn tay bưng lấy ngực rồi từ từ dìm mình xuống dòng nước lạnh. ánh trăng lấp loá trên đôi vai trần của em.
          Một lát sau Ngân bước lên bờ, cô lặng lẽ mặc quần áo. Đoạn cô khẽ hích vào vai tôi:
          - Chúng mình đi thôi!
          Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng trước vẻ đẹp thanh khiết, tròn đầy của cô gái giữa một đêm chiến tranh nơi góc rừng biên giới. Tiếng súng bên kia cánh đồng bỗng rộ lên. Tôi kéo Ngân hối hả vượt lên đỉnh dốc núi, lẩn vào những mô đá nhấp nhô như hình người nơi biên ải.
          Tối hôm sau chúng tôi được lệnh rút sang Nguyên Bình. Chúng tôi chia làm hai hướng rút quân. Tôi đi một hướng, Ngân đi hướng kia Từ đó, tôi không còn gặp lại Ngân nữa. Sau chiến tranh tôi về xuôi, đi học rồi chuyển về Hà Nội công tác. Đường tuy chẳng xa thế mà hai mươi mấy năm rồi, giờ tôi mới lại lên Cao Bằng.   
           Tôi và Ngọc bước lên sàn, một người phụ nữ ra đón.
           Tôi nhận ra Ngân ngay phần vì đã biết trước, phần vì Ngân vẫn đẹp như xưa. Ngân cũng sững lại, miệng hơi há ra muốn gọi nhưng chưa nhớ ra được tên tôi. Ngọc giới thiệu:
          - Đây là chú Hà ở trên Bộ về công tác mẹ ạ!
          - Đúng rồi! Anh Hà... sao mãi tận bây giờ anh mới về Nà Sao?
          Tôi lúng túng. Ngân túm tay tôi chẳng ra cầm, chẳng phải bắt. Ngọc hơi ngạc nhiên:
          - Thế mẹ cũng biết chú Hà ạ?
          - Con phải gọi là bác! - Ngân sửa lại.
          Mùa thu nhưng nhà gần núi đá nên lành lạnh. Khi đã ngồi yên bên bếp lửa rồi, thấy tôi cứ nhìn hai mẹ con vẻ thắc mắc, Ngân bảo con:
          - Con xuống chuồng bắt  con gà để mẹ làm thịt, sẵn xe xuống chở bác trưởng bản lên uống rượu luôn.
          Ngọc đi rồi, Ngân mới bảo:
          - Nó là con nuôi của em đấy!
          - Vậy hả? - Tôi buột miệng: - Thế Ngân vẫn...
          Ngân kể: Cái hôm rút sang Nguyên Bình, Ngân đi cùng hướng có nhiều bà con đồng bào các bản. Ngân đi phía sau đoàn người gồng gánh, bế bồng con cái vượt đường quốc lộ. Giữa lúc đoàn người đang âm thầm đi dưới chân điểm chốt của địch thì có tiếng trẻ con bật lên khóc. Người mẹ ấy sợ lộ địch phát hiện sẽ dẫn đến cái chết của hàng trăm người nên vội lấy khăn bịt miệng con không cho khóc. Lúc sang đến bên kia cánh đồng thì đứa bé ngừng thở. Tưởng đứa con chưa đầy tháng tuổi đã chết, người mẹ đặt con vào hốc đá rồi vội dắt hai đứa lớn chạy theo đoàn người. Đứa trẻ số không chết. Khi được đặt xuống đất lạnh, nó dần tỉnh lại. Ngân chợt nghe tiếng trẻ con khóc bèn quay lại tìm. Cô cởi áo bọc đứa trẻ ôm chạy theo bộ đội. Ngọc chính là đứa trẻ ngày ấy. Ngân đã nuôi nó gian nan, vất vả biết bao. Sau chiến tranh, Kim được công nhận là liệt sĩ. Dân bản không còn sợ và xa lánh ngôi nhà trong hẻm núi nữa Người ta đã được tuyên truyền, hiểu biết hơn về bệnh phong. Nhưng Ngân cũng chẳng lấy chồng, cô nuôi Ngọc lớn lên trở thành một người lính.
*
          Đêm ấy, chúng tôi ngồi bên bếp lửa ôn lại chuyện cũ. Chén rượu vùng cao sóng sánh ánh trăng rừng. Ông trưởng bản vốn cũng là lính thời chống Mỹ nên càng đậm chuyện.
          Sáng hôm sau, tôi chia tay mẹ con Ngân để theo tuyến biên phòng tiếp tục chuyến công tác. Ngân xách túi, tiễn tôi ra tận đầu dốc. Gió núi ào ào như ngàn đời nay vẫn thổi ở nơi biên ải này.
                                                                                         Hà Nội, 12-2002

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Truyện ngắn NHỮNG LÁ THƯ

           

Những lá thư  

            Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Được tin dì Vân ốm, Hạnh vội xin nghỉ phép để về thăm. Hạnh đến lớp mẫu giáo đón con. Chỉ kịp gọi điện báo cho chồng biết rồi Hạnh dẫn con ra ga lấy vé tàu về quê. Hạnh mua vài thứ hoa quả để về thắp hương cho ông bà ngoại. Hai mẹ con về đến con đê làng thì trời đã xế chiều. Bờ đê trải nắng vàng óng ả. Bé Thương cứ chạy lon ton đuổi theo những con cào cào có đôi cánh xanh đỏ bay vù vù từ ruộng lúa đang gặt lên triền đê. Nó rất thích mỗi khi được mẹ cho về quê ngoại để được bà Vân dẫn ra vườn hái bưởi, bắt con bươm bướm.

          Dì Vân và mẹ Hạnh là hai chị em ruột. Ông bà ngoại chỉ có hai người con gái. Ngày xưa ở quê con gái thường lấy chồng sớm. Mẹ thường kể với Hạnh là khi mẹ đã là một thiếu nữ thì dì Vân mới mười ba tuổi. Dì thường mặc một chiếc quần cộc nâu cưỡi trâu ra đồng cùng đám con trai chơi đánh trận giả. Ông ngoại mắng: “Sao mày chả mọc ra một cái chim cho bố có người chống gậy!”.

          Dì Vân vốn đã nghịch lại chẳng hề sợ sệt điều gì. Ngày ấy ở quê đất còn rộng, người thưa thớt, đường làng cây cối rậm rạp. Làng xóm đã ít nhà lại chưa có điện sáng như bây giờ. Những câu chuyện ma thường được người lớn kể lại làm bọn trẻ con sởn cả tóc gáy. Buổi tối đố đứa nào dám ra đường chơi đùa. Mỗi khi phải đi sinh hoạt đoàn, mẹ Hạnh vẫn phải rủ dì Vân đi cùng. Mẹ cũng đã kể cho Hạnh nghe cả chuyện đi gặp người yêu phải mất cái kẹp tóc mới mua để em gái chịu ngồi canh chừng ở gần đó đợi đưa về. Vì thế chuyện tình của chị, dì Vân đều biết hết. Ngày còn là thiếu nữ, mẹ yêu say đắm một người con trai làng bên. Hai người quen nhau trong một lần cùng đi làm thuỷ lợi. Mẹ Hạnh thường rủ dì Vân cùng đi sang làng bên. Con đường nối giữa hai làng phải qua một bãi tha ma lính Pháp tử trận ở Việt Nam. Dân làng vẫn bảo lũ lính lê dương chết trận không biết lối về quê hương bản quán nên thường hiện hình để tìm bắt con gái đẹp về làm vợ. Người ta nói đêm đêm vẫn thường gặp những bóng ma Tây cao lớn, mắt xanh lè đi đi lại lại vật vờ trên bờ đê. Mẹ rất sợ ma nhưng đến tối vẫn muốn sang làng bên. Dì Vân trở thành một người lính cận vệ tin cậy của chị gái. Dì hình như sinh ra đã cứng bóng vía. Trẻ con lúc mới đẻ mà tràng hoa quấn cổ ba vòng thì gan lỳ phải biết. Dì Vân là một người như thế. Hạnh cũng biết chuyện tình của mẹ ngày ấy bị gián đoạn bởi cuộc chiến tranh. Người yêu lên đường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu, mẹ đã đợi chờ qua mấy năm nhưng mãi chẳng có thư nào gửi về. Rồi lại có tin người ấy đã hy sinh. Lấy chồng, mẹ Hạnh rời quê lên thành phố. Bố Hạnh được điều động đi nhận công tác tại một cơ quan nghiên cứu khoa học ở Hà Nội.
          Hơn một năm sau thì có một lá thư từ mặt trận gửi về làng. Dì Vân cứ cầm mãi lá thư gửi cho chị gái trên tay. Dì biết là có bao sự nhớ nhung, mong đợi chứa đựng trong phong thư mong manh này. Dì Vân thấy giận chị vội tin vào những lời đồn nhảm mà quên những nguyện ước của một mối tình đẹp. Khi ấy dì vừa qua tuổi mười lăm, chưa hiểu hết thế nào là tình yêu, là sự chung thuỷ. Mặc dù dì đã nhiều lần nghe được những lời ngọt ngào của chị gái và người con trai làng bên khi làm “vệ sĩ” cho họ. Lá thư của người chiến binh như lửa cháy trên tay. Dì không dám đem thư đến cho chị gái. Chị đang mang thai và sống rất hạnh phúc. Rồi chẳng biết ma sui, quỷ khiến thế nào, dì đã bóc lá thư ra xem. Đọc lá thư của người lính mà lòng dì thổn thức. Dì thương người ngoài mặt trận vẫn một lòng với người ở hậu phương. Lá thư chan chứa tình yêu và niềm hy vọng. Người lính viết: “Bởi biết rằng có em ở hậu phương chờ đợi nên anh mãi vững vàng tay súng. Nhất định anh sẽ vượt qua được hòn tên, mũi đạn để trở về với em. Anh tin rằng mình sẽ sống sót qua cuộc chiến này vì trong đời anh đã có em…”.
          Đọc trộm thư của chị, dì Vân cứ suy nghĩ mãi là không thể để người lính ở nơi bom đạn ấy vô vọng. Thế là dì có thêm một quyết định nữa là sẽ thay chị viết một thư cho người ngoài mặt trận. Có lẽ tiền định cuộc đời dì bắt đầu từ đó. Lá thư gửi ra mặt trận của cô bé mười lăm tuổi ngờ đâu lại đến được với người lính. Rồi thêm một lá thư gửi về, một lá thư nữa gửi đi… Nét chữ con gái xiêu xiêu trong những lá thư ám khói đạn bom nơi chiến tuyến làm nao lòng người cầm súng. Anh quên đi cái chết đang ngày đêm cận kề để dành những phút bình yên nơi trận mạc thả lòng về với hậu phương xa xôi. Nét chữ của dì không giống lắm với nét chữ của chị gái nhưng có lẽ anh lính cũng chẳng hề hay biết. Bởi từ khi chia tay họ đã nhận được lá thư nào của nhau đâu. Người lính đã vô cùng sung sướng mỗi khi nhận được thư hậu phương.
          Sau hiệp định Pari năm 1973, liên lạc giữa hậu phương và mặt trận dễ dàng hơn. Dì Vân đã quen với việc thay thế chị gái viết thư tình cho người lính. Những lá thư của dì viết ngày càng tha thiết đằm thắm, ấm áp tình cảm hơn. Đã học lên cấp 3 nhưng vóc dáng dì Vân vẫn nhỏ thó. Một lần, cô bạn ngồi cùng bàn lục cặp của dì mượn vở chép bài đã tìm thấy một lá thư tình đang viết dở. Thế là chuyện dì có người yêu khi đang là học sinh lớp 9 đã nhanh chóng lan truyền khắp lớp. Dì phải làm kiểm điểm trước chi đoàn với lời hứa là phải chấm dứt ngay “mối tình bất chính” để chuyên tâm vào việc học tập. Sau lần ấy, dì cẩn thận hơn. Không bao giờ dì còn dám đem những lá thư viết dở đến trường nữa.
          Thư của người lính từ mặt trận xa xôi vẫn gửi về đều đặn. Dì Vân thấy lo lo khi bóc những lá thư ấy. Một bữa đọc thư, dì hốt hoảng khi người lính hẹn ngày về và nói về một đám cưới sau chiến thắng. Dì thấy ân hận đã lừa dối một người chiến sĩ suốt mấy năm ròng. Dì đã để anh nuôi hy vọng đi qua cuộc chiến tranh. Dì cảm thấy mình thật có lỗi. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong niềm vui đại thắng, dì cứ canh cánh một nỗi lo âu. Dì không bao giờ quên cái ngày có một người lính xuất hiện trước ngõ. Cũng đúng hôm ấy mẹ đưa Hạnh về quê. Hạnh còn rất bé.
          Đang chơi tha thẩn ở sân, vừa nhìn thấy chú bộ đội, Hạnh đã nhanh nhảu:
          - Cháu chào chú bộ đội ạ!
          Người lính hỏi thăm cô bé:
          - Cho chú hỏi, có ai ở nhà không cháu?
          Hạnh khoanh tay:
          - Mẹ Vi đi chợ rồi! Chỉ có dì Vân ở nhà thôi chú ạ!
          Người lính giật mình thảng thốt. Sao lại thế. Người anh vẫn thương nhớ đã lấy chồng và có con lớn thế này rồi sao! Anh vừa mới nhận được một lá thư với bao lời ước hẹn thế mà. Anh lúng túng khi bé Hạnh gọi to:
          - Dì Vân ơi! Có chú bộ đội đến nhà ta…
          Dì Vân chạy ra. Nhìn thấy người lính dì đã hiểu tất cả. Mất hồi lâu trấn tĩnh lại, dì mời anh vào nhà. Dì lúng túng rót nước mời anh. Đôi mắt hoang mang của dì cứ nhìn cắm xuống đất. Dì rất sợ chị gái đi chợ bất chợt trở về. Dì đi vào trong buồng đem ra một cái hộp gỗ nhỏ. Dì mở hộp lấy ra một xấp thư ấp úng:
          - Em gửi lại anh. Anh tha lỗi cho em đã mạo nhận chị Vi viết thư cho anh suốt mấy năm qua…
          Nhìn những lá thư của mình được giữ gìn trân trọng, người lính hiểu mọi chuyện. Anh không thấy giận người đã lừa dối mình. Anh chỉ buồn. Một nỗi buồn dâng dâng lên lấp đầy trong lòng anh. Anh thấy hụt hẫng. Tiếng dì Vân vẻ cầu xin: “Anh Thuận cũng đừng giận chị Vi em nhé!”. Anh đứng dậy nói, giọng nhẹ bẫng: “Thôi! Anh về nhé!”. Dì Vân ngập ngừng hỏi: “Thế còn những lá thư?”. Anh bảo: “Em cứ giữ lấy!”. 
          Bé Hạnh chợt húng hắng ho. Cuối mùa thu trời đã chớm lạnh. Người lính sực nhớ. Anh mở ba lô lấy ra một múi dù hoa. Đó là món quà mặt trận anh nâng niu dành để đem về tặng người yêu. Anh đã suýt mất mạng khi bò vào tận sát hàng rào thép gai cứ điểm giặc để lấy cái dù. Anh quàng mảnh khăn dù cho bé Hạnh đỡ lạnh cổ rồi ra đi.
          Đó là câu chuyện của gần ba mươi năm về trước. Giờ thì Hạnh đã nhiều tuổi hơn cả mẹ hồi ấy. Có chuyện Hạnh còn nhớ. Nhiều chuyện thì nghe dì Vân kể lại. Dì Vân giờ cũng đã gần năm mươi tuổi. Học hết cấp 3, dì thi đỗ vào trường trung cấp nông lâm của tỉnh. Tốt nghiệp dì về công tác ở phòng nông nghệp huyện đến nay. Không hiểu vì sao dì chẳng lấy chồng. Dì vẫn ở vậy trong ngôi nhà của ông bà ngoại. Hạnh còn nhớ đến tuổi đôi mươi dì bỗng đẹp lên một cách đầy quyến rũ. Nhiều chàng trai tìm đến tán tỉnh. Họ đã nói bao lời yêu thương, tốt đẹp. Nhưng dì Vân cứ thấy tình cảm của mình đối với họ trườn trượt đi như nước mưa trôi trên sườn đồi dốc đứng. Hình như bao nhiêu tình cảm, lời lẽ yêu thương dì đã dồn hết vào những lá thư tình viết thời chiến tranh mất rồi. Ông bà ngoại cứ như lửa cháy trong lòng khi mỗi năm qua đi mà dì vẫn như con thuyền không có bến. Đến tận khi họ theo nhau về với tiên tổ cũng chẳng được thấy người con gái út hạnh phúc.
          Người lính trở về năm xưa cũng lẻ bóng. Anh chưa lấy vợ. Có lẽ mối tình đầu và những lá thư tình trong chiến tranh còn ám ảnh mãi trong anh. Căn nhà nhỏ của anh trên bãi sông. Một chiếc vó bè kẽo kẹt ngày đêm. Mấy lần Hạnh giở trò mối lái, tìm cách kéo hai người lại gần nhau. Lần nào dắt con về thăm dì Hạnh cũng làm cơm mời chú Thuận đến cùng ăn. Nhìn hai người lớn tuổi ấy ngồi cùng một mâm sao mà ấm áp thế. Vậy mà câu chuyện giữa họ sao cứ rời rạc và xa cách quá. Hạnh không lý giải nổi tại sao. Hôm nay trên đường về nhà dì, Hạnh cứ nghĩ, họ đã viết cho nhau những lá thư nồng nàn như vậy mà lại không thể nói với nhau lấy một lời yêu thương, không thể đến với nhau giữa đời thường. Hay những lá thư có thật ấy chỉ là ảo ảnh. Phải chăng nó giúp hai người đi qua năm tháng chiến tranh khốc liệt, đi qua tuổi trẻ nhưng lại chẳng giúp được gì cho họ trong thời bình, khi đã định tâm.
  *
          Hạnh và con gái về đến ngõ nhà dì Vân thì trời đã nhá nhem tối. Căn nhà vắng lạnh. Dưới bếp, chú Thuận đang lúi húi nấu cháo cho người ốm. Dì Vân bị sốt li bì đã mấy ngày. Thấy Hạnh về chú Thuận mừng lắm. Chú vội nói ngay:
          - Cháu chăm sóc dì, chú ra vó bè đây!
          Hạnh níu kéo mãi, chú Thuận mới chịu ở lại ăn cơm cùng hai mẹ con. Dì Vân cố gượng dậy húp lưng bát cháo. Trông dì có vẻ mệt mỏi, Hạnh thương lắm. Lại thấy chú Thuận vừa buông bát đã định đi, không đừng được, Hạnh buột miệng:
          - Cháu thấy hai người nên về sống với nhau mới phải…
          Chú Thuận bị bất ngờ. Chú lúng túng đặt chén nước xuống chõng. Dì Vân chống tay ngồi bật dậy mắng:
          - Chuyện người lớn, trẻ con không được xen vào!
          - Cháu cũng là người lớn rồi chứ bộ!
          Hạnh cãi. Chú Thuận bật cười:
          - Con gái nó cũng lớn tướng rồi đấy!
          Mọi người cùng cười. Bé Thương sà đến túm tay bà ỏn ẻn nói:
           - Bà đừng mắng mẹ cháu nữa nhé!
          Hạnh được thể cứ nói luôn một mạch, hết chuyện này đến chuyện khác, néo vào cả chuyện về những lá thư hai người đã viết cho nhau ngày trước. Dì Vân và chú Thuận tuy hơi gượng gập nhưng có vẻ vui khiến Hạnh lại nuôi hy vọng.      
          Ở chơi nhà dì Vân mấy hôm Hạnh và con trở về  thành phố. Dì Vân đã đỡ bệnh. Dì tiễn hai mẹ con ra tận bến sông. Hạnh bảo “con phải ra chào chú Thuận” và kéo cả dì Vân cùng đi. Dì Vân biết thóp cô cháu gái nhưng cũng đi theo. Chú Thuận đang kéo vó bè vội về nhà định làm cơm nhưng Hạnh nói vừa ăn ở nhà dì xong nên lại thôi. Chú đã chuẩn bị quà cho hai mẹ con Hạnh. Đó là mấy cân gạo nếp và vài ống đỗ xanh. Hạnh từ chối mãi không được. Sợ không nhận chú sẽ giận Hạnh đành đem theo. Hạnh đeo lủng củng mấy thứ quà quê của dì và của chú Thuận. Hạnh dặn dì cứ ở chơi với chú Thuận rồi đưa con xuống đò sang sông. Ngoái lại nhìn hai người đứng trước cửa căn nhà nhỏ Hạnh cứ thấy nao cả lòng.
          Hạnh cứ nghĩ mãi, họ đã đi qua quá nửa cuộc đời, gian nan, ác liệt đều trải thế mà lại không thể vượt qua được chút mặc cảm để đến với nhau. Sao mỗi người cứ cố giữ cho mình một mảnh trời riêng như thế. Hạnh thầm trách chú Thuận cố chấp, trách dì Vân vô tình. Sau này Hạnh mới biết là mình nhầm. Chú Thuận đã đem từ mặt trận về một căn bệnh quái ác của chiến tranh. Cơ thể chú đã nhiễm chất độc da cam của Mỹ rải xuống chiến trường. Khi phát hiện ra điều  ấy, chú không muốn kéo thêm một người nữa vào chịu chung bất hạnh. Nhất là người con gái ấy đã từng đem lại cho chú niềm vui, nguồn sống, hy vọng để vượt qua những ngày máu lửa. Còn dì Vân thì đã dành hết tình cảm cho một người. Vì thế dì cứ chờ đợi mãi ở nơi ấy…   
          Một hôm, hết giờ làm việc, Hạnh đón con về đến nhà, đã thấy dì Vân đang đứng đợi ở cửa. Nhìn nét mặt bơ phờ của dì, Hạnh lo lắng chào bằng một câu hỏi: 
          - Dì lên thăm cháu ạ?     
           Dì lên với các cháu vài hôm! Chú Thuận mất rồi…
          - Ôi… sao… sao… lại thế ạ?
          Hạnh lập cập hỏi. Chẳng kịp chờ dì trả lời, nước mắt Hạnh đã trào ra, cô oà khóc. Bé Thương đang hớn hở, thấy mẹ và bà khóc nó cũng bật khóc theo. Hạnh lúng túng mãi mới mở nổi cánh cửa. Dì Vân đặt cái túi ngồi xuống ghế. Nghe dì kể, Hạnh thấy thương chú Thuận quá. Mấy hôm trước, chú Thuận bị sốt cao. Chất độc trong cơ thể phát tác khiến chú rất mệt mỏi phải nghỉ ở nhà. Đang nằm chợt nghe phía ngoài sông có tiếng kêu cứu, chú vội tung chăn chạy ra. Có hai đứa trẻ ra sông tắm gặp chỗ dòng chảy xiết bị nước cuốn đi. Chú Thuận lao ngay xuống dòng sông đang cuồn cuộn. Chú vật lộn với dòng nước xiết đến kiệt sức mới cứu được hai đứa bé. Sau lần ấy chú Thuận càng ốm nặng thêm. Chú đã không vượt qua được.
          Người ta chôn cất chú trên một cái gò đất gần bến sông. Hạnh trách dì Vân chuyện như thế mà không điện báo cho biết. Dì bảo chuyện buồn quá báo tin làm gì. Với lại lúc ấy bối rối chẳng nhớ được gì cả. Hạnh định sẽ về quê ngay để thắp hương cho chú Thuận nhưng lại thương dì vừa lên còn đang buồn, không muốn để dì ở lại một mình. Dì Vân ở chơi nhà Hạnh vài hôm thì đòi về. Hạnh xin nghỉ một buổi để về cùng.
          Hai dì cháu đi trên con đường đê qua bãi tha ma mả Tây ra phía gò đất bãi sông. Hạnh bày hoa quả ra đĩa rồi đốt một thẻ hương thơm cắm lên ngôi mộ mới. Dì Vân lấy trong túi sách ra tập thư đã cũ, nét chữ trên phong bì đã nhạt màu. Đó là những lá thư dì đã viết cho chú Thuận trong chiến tranh, chú vẫn còn giữ. Sau ngày chú mất, người em họ tìm thấy khi dọn dẹp nhà cửa đã trao lại cho dì. Dì Vân châm lửa đốt những lá thư. Hạnh hỏi thì dì bảo: “Để chú ấy đem theo!”.
          Một cơn gió nhẹ chợt thoảng qua, tàn lửa bùng lên như những chùm hoa cải đang nở rộ trên bờ bãi. Bến sông chiều nắng thu vàng loang trên mặt nước.    
                                                                                          Mùa thu 2005    

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Truyện ngắn THUYẾT KHÁCH

Gái và hoa                   

Thuyết khách
 Truyện ngắn của Trọng Bảo  

      Nhận được thông báo nghỉ hưu, ông Đạt đùng đùng quyết định về quê ở. Bà vợ ông mắt chữ A, mồm chữ O quát:
         - Ông hâm à! Ở quê còn cái gì nữa đâu mà về. Một căn nhà sắp sập, một mảnh vườn chó ỉa, tôi đang rao bán mãi chả thấy ai hỏi mua. Ông về đó để làm gì?
         Ông sửa lại cái quai ba lô, buộc lại một tập giấy tờ bản thảo. Xong xuôi, ông mới bảo:
         - Bà cứ ở thành phố mà bồng bế con cái, lo cơm nước cho chúng nó. Tôi về quê. Ở đây suốt ngày ngồi chót vót trên tầng 25 xem ti vi từ sáng đến tối tôi không chịu nổi.
         - Hay là ông cứ thư thư, để cuối tuần chúng nó về trước xem xét sửa sang, quét tước lại nhà cửa sạch sẽ rồi ông hẵng về!
                    Cây đa

         Bà vợ tìm kế hoãn binh. Ông xua xua tay:
         - Không cần! Tôi sẽ tự làm lấy.
         - Đúng là đồ gàn dở...
         Bà vợ ông lẩm bẩm. Con bé cháu gái từ nãy đến giờ vẫn đứng nhìn ông bà tranh luận với nhau giờ mới đến bên ông thỏ thẻ:
         - Bố cháu bảo ông sắp "về vườn" rồi. Ông cho cháu về vườn với ông nhé! Cháu thích ra vườn bắt con bươm bướm ông ạ!
         Ông Đạt bật cười xoa đầu con bé:
         - Ông về vườn đây. Nhưng cháu phải ở Hà Nội để còn đi mẫu giáo tập múa với các bạn chứ. Khi nào ông làm xong khu vườn cổ tích ở quê ông sẽ đón cháu về xem nhé!
         - Vâng ạ!
         Con bé ngoan ngoãn gật đầu.
         Thế là ông Đạt khoác ba lô về quê. Hơn bốn mươi năm trước, ông khoác ba lô rời làng ra đi. Bây giờ ông lại khoác ba lô trở về. Cái cổng làng rêu phủ ngày xưa nay chỉ còn là dấu tích. Cây đa đầu làng đã già lắm rồi. Cây đa ấy có hai rễ tạo thành hai cái gốc của cây. Khi mở rộng con đường quốc lộ, người ta đã cắt mất một cái rễ to. Thành thử cái cây trông như một người bị cụt một chân đang đứng lom khom nhìn con đường xe chạy suốt ngày đêm như mắc cửi.
          Ông Đạt dọn dẹp lại nhà cửa, vườn tược. Thằng cháu họ biết tin ông về sang thăm. Nó ngó nghiêng một lủc rồi đi mất. Một lát nó quay lại xách theo một xô vôi ướt giúp ông quét lại tường nhà. Ngôi nhà bớt mùi ẩm mốc. Thấy ông dọn cây cỏ ở vườn, một ông bạn đồng niên ngó vào hỏi:
         - Ông về làm trang trại để nghỉ dưỡng cuối tuần ở quê hả?
         - Trang trại gì. Tôi về làng ở hẳn đấy!
         Thế là tin ông về làng loang ra rất nhanh. Bạn bè đồng ngũ, đồng môn kéo đến. Ngôi nhà của ông rôm rả hẳn lên. Mỗi người giúp một tay. Khu vườn hoang phong quang hẳn lên.
         Ông Đạt về quê được mấy hôm thì có một vị khách quan trọng tìm đến. Đó là anh chủ tịch xã. Sau vài lời thăm hỏi xã giao, anh chủ tịch xã đề nghị:
         - Chúng cháu muốn bác giúp cho một việc ạ.
         - Việc gì thế! Giúp được việc gì cho làng, cho xã nhất định tôi sẽ cố...
         - Chả là xã ta chuẩn bị đón nhận huân chương kháng chiến hạng nhất. Các khâu đã chuẩn bị đầy đủ rồi. Chỉ còn khoản diễn văn là viết mấy lần đều không thông qua được. Chúng cháu là lớp con cháu, lịch sử xã thì ghi chép không đầy đủ nên viết không hay. Muốn nhờ bác giúp vì nghe nói khi còn ở bộ đội bác từng làm nghề viết sử...
         - Việc này thì được! Tôi sẽ viết giúp. Vài bữa là xong thôi.
         Anh chủ tịch xã phấn khởi mở cặp rút ra một tập bản thảo đánh máy đã cũ nói tiếp:
          - Đây là sơ thảo lịch sử xã ta. Bác cứ đọc trước đi, mai cháu sẽ cho cậu thư ký uỷ ban đem đến các bản báo cáo thành tích những năm gần đây để bác tham khảo thêm.
          Ông Đạt cũng cảm thấy phấn khởi vì được chính quyền địa phương tin cậy. Ông bắt đầu đọc những trang bản thảo cuốn lịch sử của xã. Càng đọc, ông càng thấy lịch sử của quê hương mình cũng thật hào hùng. Những chuyện từ thời tiền khởi nghĩa, trong kháng chiến chống Pháp và trong kháng chiến chống Mỹ bây giờ ông mới hiểu hết. Ông chỉ hơi ngạc nhiên là bản thảo cuốn lịch sử viết khá đầy đủ, văn phong cũng hay tại sao xã không cho in thành sách để lớp lớp con em mãi ghi nhớ, làm theo. Ông thấy lòng mình lâng lâng, hứng khởi. Ông vừa lôi giấy bút ra định bắt tay vào viết diễn văn thì ngoài cổng có tiếng ồn ào. Toán người kéo vào, có cả mấy cụ già tóc bạc phơ được đám thanh niên dìu đi. Ông Đạt ngạc nhiên:
         - Các cụ, các bác đến có việc gì đấy ạ?
         - Chúng tôi đến để kiến nghị với chú đây!
         Một người nói. Ông Đạt ngạc nhiên:
         - Kiến nghị về việc gì ạ! Có gì kiến nghị thì các cụ, các ông, các bác phải lên gặp chính quyền xã chứ ạ?
         - Kiến nghị về bài diễn văn chú đang viết đấy!
         Ông Đạt càng không hiểu. Một ông sau khi đã ngồi xuống ghế nói:
         - Trong diễn văn, chú phải viết rõ là ông Nguyễn Thoảng là người đã treo cờ đỏ ở cây đa đầu làng ta kêu gọi nhân dân nổi dậy khởi nghĩa nhé!
         Ông Đạt ớ người:
         - Nhưng trong bản thảo lịch sử của xã thì có hai người treo cờ là ông Vũ Văn Huân và ông Nguyễn Thoảng cơ mà?
         - Đúng thế! Nhưng người trực tiếp trèo lên cây đa treo cờ phải là ông Nguyễn Thoảng ở xóm Nội...
         Thì ra họ đều là người thuộc dòng họ Nguyễn với ông. Các cụ, các ông ra sức giải thích, chứng minh lời họ nói là đúng. Ông Đạt lúng túng không biết xử lý ra sao. Đám người đứng dậy ra về. Trước khi đi, một ông còn bảo: "Bác viết thế nào thì viết. Bác là người xóm này, bác phải luôn luôn ghi nhớ chiến công của người xóm ta đấy nhé!".
Đám người ra về lâu rồi, ông Đạt vẫn ngồi thừ trên chõng không viết được thêm chữ nào. Ông đang định lên uỷ ban xã tìm anh chủ tịch để trao đổi thêm thì lại có một tốp người từ ngoài cổng kéo vào. Họ là những người thuộc dòng họ Vũ ở xóm Ngoại. Họ đến cũng vì bài diễn văn sẽ đọc trong buổi xã tổ chức đón huân chương. Họ cũng lại nói về việc treo cờ kêu gọi nhân dân vùng lên khởi nghĩa trên cây đa đầu làng. Sau một hồi giải thích, đưa ra chứng cứ chứng minh, một ông có vẻ là trưởng đoàn kết luận:
- Chắc chắn người trèo lên treo cờ trên ngọn cây đa là ông Vũ Văn Huân, người xóm Ngoại. Bác là người xóm Nội, họ Nguyễn. Nhưng nếu bác thiên vị, viết sai lịch sử là không được đâu!
Tốp dân xóm Ngoại ra về. Ông Đạt thấy hoang mang quá. Không ngờ một chuyện tưởng như rất đơn giản mà lại thành phức tạp quá. Ngày đón huân chương theo ấn định đã đến gần mà bài diễn văn vẫn chưa biết viết thế nào. Chả lẽ một sự kiện quan trọng nhất của xã lại không viết vào diễn văn. Sau khi nghe ông Đạt kể lại chuyện hai xóm cử người đến nhà, anh chủ tịch xã đành thú thật:
- Cuốn lịch sử của xã chính vì thế không xuất bản được mặc dù đã viết đi, viết lại nhiều lần. Trước đây giao cho ông Tứ xóm Nội dự thảo thì mọi thành tích của xã đều là của dòng họ Nguyễn cả. Giao cho anh Quân ở xóm Ngoại hiệu đính, sửa chữa lại thì dòng họ Vũ mới chính là những người có công lao nhất xã. Đem ra hội thảo trước thì tranh luận, sau thì cãi nhau ỏm tỏi, chẳng bên nào chịu bên nào. Sau phải nhờ đến các anh ở trên sở văn hoá tỉnh về viết lại và hiệu đính cho nhưng cũng chưa dám in vì sợ in ra sẽ phức tạp lắm.
Ông Đạt trầm ngâm suy nghĩ. Một lát sau ông bảo:
- Mai tôi sẽ mời đại diện cả hai xóm đến nói là để trao đổi về bài diễn văn. Anh cứ làm việc ở trụ sở ủy ban xã, đừng đi đâu xa, lúc nào tôi cho thằng cháu gọi thì đến ngay nhé!
- Bác có giải pháp gì hay ạ?
- Bí mật! Chủ tịch cứ yên tâm. Nhất định tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ là "đại sứ", là thuyết khách để hoà giải, đoàn kết giữa hai xóm.
Chả cần ông Đạt phải mời lần thứ hai. Hôm sau đại diện cả hai xóm đều có mặt đầy đủ. Họ ngồi thành hai phía trong nhà ông Đạt. Đã có tiếng tranh cãi lẻ tẻ. Ông Đạt bảo thằng cháu rót nước mời mọi người. Chờ mọi người yên vị, ông Đạt mới đứng dậy. Sau mấy câu thưa gửi trịnh trọng, ông hỏi:
- Phần mộ của ông Thoảng bây giờ đặt đâu ạ?
- Ở nghĩa trang liệt sĩ của xã, ngay dưới chân đài tưởng niệm.
- Thế còn ông Huân?
- Cũng ở nghĩa trang liệt sĩ xã ta. Hai người hy sinh trong cùng một trận càn của giặc Pháp.
Mọi người nhao nhao nói. Ông Đạt giờ mới kể:
- Tôi đã đọc rất kỹ bản thảo về lịch sử của xã ta, lại tìm hiểu cả lịch sử của huyện, của tỉnh và nghe các cụ cao niên kể lại. Trong trận càn ấy ông Thoảng bị thương rất nặng, ông Huân đã cõng ông Thoảng rút lui. Khi bọn địch ập đến, ông Thoảng bảo ông Huân cứ để mình nằm lại trong làng rồi chạy thoát ra ngoài rừng nhưng ông Huân dứt khoát không chịu. Ông vừa bắn chặn địch vừa tìm cách đưa ông Thoảng cùng rút lui. Bọn địch khép chặt vòng vây. Biết không thể thoát được, hai người đã sát cánh bên nhau chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Khi bọn địch xông đến định bắt sống, họ đã ôm lấy nhau cho nổ một quả lựu đạn chết cùng mấy tên giặc. Máu xương của họ đã trộn với nhau, thấm sâu xuống mảnh đất quê ta. Họ đều là những người vô cùng dũng cảm đúng không!
- Đúng... đúng... đúng thế!
Nhiều người tỏ vẻ đồng tình. Ông Đạt nói tiếp:
 - Việc treo cờ trên ngọn cây đa đầu làng kêu gọi nhân dân đứng lên khởi nghĩa trong cách mạng tháng Tám cũng vậy. Ông Huân là người đã trèo lên ngọn đa để treo cờ, ông Thoảng là người đứng dưới gốc cây cảnh giới bảo vệ. Họ đều có chung một chiến công. Không phải ông Thoảng đứng dưới gốc cây là kém nguy hiểm hơn người treo cờ trên ngọn cây. Chính ông Thoảng đã chủ động nổ súng đánh lạc hướng kéo bọn giặc đuổi theo mình để ông Huân có thời gian từ ngọn đa tụt xuống rồi rút lui an toàn. Bận ấy, ông Thoảng bị đạn bắn sượt tai, suýt chết. Ông ấy đã nhận phần nguy hiểm nhất về mình rồi còn gì.
Mọi người gật gù. Ông Đạt tiếp tục nói:
- Trong chuyện treo cờ này còn phải ghi nhớ công lao của bố con ông lão ăn mày nằm ở cái quán đầu làng nữa. Chính bố con lão ăn mày là người đầu tiên phát hiện bọn giặc đang bí mật tiến vào làng mà gào to báo động cho dân làng biết. Cái chết của bố con ông lão ăn mày ở đầu làng ta đáng để ghi vào lịch sử của xã lắm chứ. Tại sao chúng ta lại không hề một lần nhắc đến họ? - Ngừng một lát nhìn mọi người, ông nói tiếp: - Chúng tôi sau này trong chiến đấu cũng vậy. Để có một người cắm được lá cờ chiến thắng lên sở chỉ huy bốt đồn địch là công lao, mồ hôi, nước mắt, sự hy sinh đổ máu của biết bao nhiêu người đấy. Nhiều người đã ngã xuống trước cửa mở khi dẫn đầu đội hình xung kích, có người trúng đạn, thi thể nằm vắt trên hàng rào dây thép gai, có người lấy thân mình lấp lỗ châu mai che đạn cho đồng đội xung phong. Vậy có phải chiến công là chiến công chung chứ đâu chỉ là thành tích riêng của mỗi một người cắm cờ...
Mọi người lặng im. Giọng ông Đạt trầm hẳn đi:
- Ông Thoảng và ông Huân đang nằm yên nghỉ bên nhau trong nghĩa trang liệt sĩ. Họ mãi mãi sẽ là đồng đội, là những người bạn chiến đấu thân thiết nhất của nhau. Họ dám chia sẻ cả cái sống, cái chết cho nhau. Họ sẽ đau buồn nhường nào khi biết chúng ta, những người còn sống, những lớp con cháu hôm nay đem họ ra so sánh với nhau xem ai hơn ai...
Có nhiều tiếng thở dài. Anh chủ tịch xã cũng đã đến. Anh ngồi giữa những người dân của hai xóm. Lúc nãy ông Đạt đã nháy thằng cháu chạy đi gọi anh đến. Ông Đạt bất ngờ hỏi:
- Tuy mới về làng nhưng tôi nghe bà con nói hai xóm ta thường xuyên xảy ra xích mích. Có nhiều chuyện không đâu vào đâu cũng cãi nhau, thậm chí xô xát đánh, chém nhau gây đổ máu, thù hận. Ruộng gần nhau mà không cho dẫn nước qua, trâu bò xóm này lạc sang xóm khác là bị đánh gãy chân, rồi chặt, nhổ phá hoại cả hoa màu của nhau nữa... Có đúng thế không?
Nhiều người ấp úng lúng túng. Nhưng không ai trả lời. Ông Đạt nói như kết luận:
- Viết xong bài diễn văn này tôi đề nghị anh chủ tịch xã gửi cho cả hai xóm xem, cùng góp ý kiến cùng bổ sung, sửa chữa. Chỉ có một điều tôi cần nói ngay là chúng ta phải viết cho trung thực, đúng sự thật lịch sử của làng, của xã ta, không được tranh công, đổ lỗi cho nhau.
Mọi người ồn ào tán đồng. Không khí trong ngôi nhà nhỏ của ông Đạt vui vẻ hẳn lên. Một lúc sau thì chả còn ai nhắc đến chuyện bài diễn văn nữa. Họ bàn sang chuyện làm ăn, chuyện giúp nhau giống vốn, mời nhau ăn giỗ, sang cát. Có người bận việc ra về trước, có mấy người kéo đến thêm ngồi chật ba gian nhà nhỏ, chẳng còn phân biệt ai là người xóm Nội, xóm Ngoại nữa.
Câu chuyện viết diễn văn và là "thuyết khách" của ông Đạt là thế. Hôm đón huân chương hai xóm tổ chức mổ một lợn làm một bữa cỗ chung ăn uống rất vui vẻ. Đã từ lâu rồi mới lại có chuyện như vậy. Tiếng trống rộn rã hai xóm. Trên ngọn cây đa già đầu làng một lá cờ đỏ rất to tung bay phần phật trong gió mùa Xuân.
*
Một buổi sáng ông Đạt đang xới cây trong vườn thì có một đôi trai gái đến. Cô gái bẽn lẽn:
- Chúng cháu đến để cảm ơn bác ạ!
Ông Đạt ngạc nhiên:
- Cảm ơn về việc gì nhỉ?
- Dạ! - Chàng trai giờ mới lên tiếng: - Nhờ có bác mà chúng cháu mới lấy được nhau đấy! Hôm nay chúng cháu đến để cảm ơn và mời bác dự đám cưới của chúng cháu ạ!
Ông Đạt càng không hiểu. Chàng trai giải thích:
- Chúng cháu yêu nhau đã lâu rồi nhưng bố mẹ cả hai bên đều không đồng ý. Sau bài diễn văn đón huân chương của bác mà hai xóm đã đoàn kết, hoà thuận, chúng cháu mới đến được với nhau đấy ạ!
Ông Đạt chợt hiểu. Thì ra hai cô cậu này người ở xóm Nội, người ở xóm Ngoại. Vì mâu thuẫn bấy lâu mà gia đình ngăn cấm không cho yêu đương. Có lần chàng trai xóm Nội sang nhà cô gái chơi bị đám thanh niên xóm Ngoại đuổi đánh phải nhày xuống sông suýt chết đuối. Họ đã tính đến chuyện đưa nhau bỏ đi khỏi làng. Nay thì mọi chuyện đã tốt đẹp.
Đôi trai gái đi rồi ông Đạt vẫn đứng lặng đi. Tay cầm tấm thiếp hồng mà lòng ông thấy vui vui. Mùa Xuân đang đến. Có tiếng chim líu lo hót trên cành tre trước cổng.

                                                                       Vĩnh Phúc, 17/2/2008