Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Truyện ngắn GIÓ NÚI

         
           LTG: Năm nào đến ngày kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam 22-12 tôi cũng lang thang ngoài đường. Tôi đi qua những khu phố đông vui, nhà cao cửa rộng, những khu biệt thự giàu sang của những người nhiều tiền. Nhìn cuộc sống thanh bình hôm nay tôi lại nhớ đến những ngày gian khổ ở chiến trường năm xưa và nghĩ về những đồng đội, những người dân thịt xương vùi nơi núi rừng biên ải âm u. Truyện ngắn này viết để tưởng nhớ đến họ (Trọng Bảo)

 GIÓ NÚI
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Phải đến hơn hai mươi năm rồi, tôi mới lại có dịp trở lại Cao Bằng. Cái thị xã đổ nát, lập loè ánh đèn dầu sau chiến tranh biên giới nay chỉ còn trong ký ức. Tôi nhớ in những đêm chuyển quân, cái rét miền biên ải cắt thịt, cắt da. Tôi cũng không quên cái đói, cái khát của những ngày chiến trận năm nào.     
          Thị xã Cao Bằng bây giờ đường xá dọc ngang, hàng quần đầy ắp, người bán, kẻ mua nhộn nhịp, xe máy phóng ào ào, gầm rú phun khói mù mịt, không còn thấy cảnh những cô gái cưỡi ngựa xuống chợ Nước Hai. Tiếng nhạc Tây xập xình, không còn nghe tiếng sáo Mông réo rắt lối về Quý Quân, Mỏ Sắt, Thông Nông...        
          Hỏi thăm mãi rồi tôi cũng tìm được xe về Hà Quảng. Làm việc với cơ quan quân sự xong, tôi ngỏ ý muốn lên thị trấn Sóc Giang cũ. Anh Tài - trợ lý chính sách chợt nhớ ra:
          - Ồ! May quá, cậu Ngọc - chiến sĩ của ban là người trên đó. Cậu ấy được nghỉ phép về nhà hỏi vợ. Cậu ấy có xe máy, tiện thể đưa anh đi luôn.
         - Thế thì tốt quá!
         Anh Tài buông bút nhỏm dậy xăng xái đi về phía nhà tập thể. Một lát sau, anh quay lại cùng một chiến sĩ độ tuổi đôi mươi dắt chiếc xe máy Trung Quốc mới tinh. Anh bảo:
          - May tóm được ở cổng. Suýt thì cu cậu chuồn mất. Đúng là về hỏi vợ có khác...
         Người chiến sĩ đỏ mặt ngượng nghiụ. Cậu ta còn rất trẻ, đẹp trai. Cậu ta tháo gói đồ ra buộc lại lấy chỗ cho tôi ngồi.
         Chúng tôi ngược lên biên giới. Trời đã về chiều, gió thu lành lạnh. Ngọc ít nói. Dọc đường hỏi chuyện tôi mới biết nhà Ngọc chỉ có hai mẹ con. Mẹ Ngọc ốm luôn. Vùng cao người ta thường dựng vợ, gả chồng sớm. Ngọc cũng muốn chiều ý để mẹ yên tâm, hỏi xong để hai nhà đi lại, còn lâu mới cưới. Ngọc sắp hết nghĩa vụ quân sự, được cử đi học một lớp trung cấp quân đội để chuyển quân nhân chuyên nghiệp.
          Về đến đầu thị trấn Sóc Giang cũ, Ngọc hỏi:
          - Chú định xuống chỗ nào? Hay là về nhà cháu đã, trời sắp tối rồi...
          Tôi vỗ vai Ngọc:
          - Yên tâm! Đây là địa bàn hoạt động cũ của chú, nhà nào cũng là nhà quen cả mà!
          - Thế chú có biết mẹ cháu không ạ?
          - Nhà cháu ở bản nào?
          - Ở bản Nà Sao ạ!
          - Nà Sao! Ở sát biên giới?
          - Vâng ạ! Mẹ cháu tên là Ngân, Hoàng Thị Ngân...
          Tôi giật mình, lờ mờ nhớ lại một điều gì đó. Tôi quyết định theo Ngọc về nhà. Tôi chủ quan, cứ nghĩ đến đầu bản sẽ nhớ được mọi chuyện. Bản Nà Sao bây giờ thay đổi rồi. Nhiều ngôi nhà tầng mới xen lẫn nhà sàn, đường đi lối lại cũng khác. Nhưng khi chiếc xe máy của Ngọc chở tôi ngoặt vào một hõm núi thì tôi mới chợt giật mình nhớ dần ra mọi chuyện.
*
         Biên cương ngày ấy có biến.
         Đơn vị chúng tôi lật cánh từ Hà Giang sang Cao Bằng. Trung đội thông tin chúng tôi đóng quân ở bản Nà Liền đảm bảo các hướng thông tin hữu tuyến và vô tuyến cho các điểm chốt phục vụ chỉ huy tác chiến.
         Để chuẩn bị sẵn sàng các hướng thông tin, trung đội trưởng Mùi và tôi đi trinh sát địa hình khi cần thiết triển khai được ngay.
          Chúng tôi thường cắt cơm nhà bếp, thanh toán lấy tiêu chuẩn tiền ăn và gạo đem đi trinh sát. Dọc đường tiện đâu chúng tôi sẽ ghé nhà dân nghỉ chân nấu nhờ cơm. Đồng bào dân tộc ở biên giới rất tốt, thịt bán cho bộ đội thường với giá rẻ hơn, rau thì ra vườn nhổ lên, anh em cần bao nhiêu cũng cho luôn, chẳng lấy tiền.
          Bản Nà Sao sát đường biên nên khi tình hình căng thẳng, nhiều nhà đã đi sơ tán. Lúc dừng chuẩn bị bữa trưa, chúng tôi phải vào một nhà ở cách biệt tận trong hõm núi mới có người còn ở lại để nhờ nấu cơm. Nhà chỉ có hai cô gái. Cô chị tên là Kim chưa đầy hai mươi, cô em tên là Ngân mới mười bảy tuổi. Trung đội trưởng Mùi chắc đã biết rõ về gia đình này. Anh ra hiệu cho tôi không được hỏi thăm gia cảnh của họ. Hai chị em giành việc nấu cơm giúp chúng tôi. Tôi gỡ nắp ba lô đưa cho họ bao gạo và túi thức ăn gồm hộp thịt và bó rau.
          Bữa cơm dọn ra, cơm gạo mới thơm phức, lại có cả thịt gà nữa. Hai chị em cùng ăn với chúng tôi. Họ ngồi ở đầu nồi xới cơm. Quả là hai cô gái rất đẹp. Con gái Tày đã đẹp lại thường có nước da rất trắng và đôi mắt sáng long lanh như ngọc. Suốt bữa, chị em Kim, Ngân ăn rất ít, họ lo tiếp thức ăn cho chúng tôi. Chúng tôi vui vẻ nói chuyện. Nhưng tôi vẫn nhận ra nét mặt, nhất là trong đôi mắt của hai chị em họ phảng phất ẩn chứa một nỗi buồn sâu thẳm.
          Ăn cơm xong, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
          Hai chị em Kim, Ngân khoác ba lô của chúng tôi tiễn ra tận đầu dốc. Nhận chiếc ba lô của mình từ tay bé Ngân tôi nhận thấy bao gạo buộc trên nắp ba lô vẫn còn nguyên.
          Dọc đường, Mùi mới kể lại cho tôi nghe câu chuyện về hai chị em họ. Đó là một gia đình có những khoảng thời gian tràn ngập hạnh phúc. Nhà họ ngày xưa ở giữa bản, trâu ngựa, lợn gà đầy sân, thóc lúa đầy sàn. Hai cô con gái càng lớn, càng xinh đẹp. Đêm đêm bóng trai bản rập rình ngoài ngõ. Chẳng phải bỏ bùa yêu mà mãi tận những bản xa cũng có lũ con trai kéo đến thổi kèn lá gọi bạn thâu đêm ngoài bờ rào. ông bố của hai nàng phải đốt đuốc, gõ ống bương lốp cốp để xua bọn con trai si tình. Ông muốn để hai con học hành đến nơi, đến chốn.
          Nhưng rồi tai hoạ đổ xuống đầu họ. Sau một lần khám bệnh, đoàn y tế trên tỉnh về phát hiện ông bố có triệu chứng của bệnh phong. ở vùng nũi xa xôi hẻo lánh này tin đó như một tiếng sét đánh gãy thân cây cổ thụ. Dân bản xa lánh dần, trai tráng không còn dập dìu trước ngõ nữa. Khi người ta xác định đúng là ông bố bị bệnh phong thì hai chị em Kim, Ngân không còn dám đến lớp nữa. Bệnh hủi khiến nhiều người ghê tởm, xua đuổi. Đêm đêm, người ta ném gà chết, chó mèo chết vào nhà. Gia đình họ phải dỡ nhà, khênh từng cây cột, cái kèo vào hẻm núi. Ông bố cố gắng dựng lại ngôi nhà cho vợ và hai con gái trước khi được gọi đi tập trung chữa bệnh ở một trại phong mãi dưới xuôi.
          - Chuyện là như vậy đấy! - Mùi vừa xốc lại ba lô vừa hỏi tôi: - Ông có thấy ghê không?
          Biết là bệnh phong không lây, không di truyền nhưng vốn là người yếu bóng vía nên tôi cũng thấy hơi sờ sợ. ở quê tôi người ta thường rất sợ căn bệnh này. Bố tôi đã hơn trăm tuổi. Ông thường kể cho tôi nghe chuyện ngày trước ở làng bên có một người bị bệnh hủi. Dân làng phát hiện xa lánh, họ muốn đuổi cả nhà người có bệnh đi khỏi làng. Nhất là khi người bệnh đã phát nặng mặt mũi sù sì, chân tay co quắp phá mủ chảy nước vàng hôi thối. Trước cảnh ngày nào dân làng cũng xua đuổi, lý trưởng, chánh tổng phạt vạ, uy hiếp, những người con của người bệnh đã phải đi đến một quyết định khủng khiếp nhất. Họ mổ gà, giết lợn làm cơm cho ông ăn. Sau bữa cơm li biệt ấy, người con cả chủ trì lễ tế sống bố. Họ để ông ngồi trên sập rồi vái lạy. Đến tối, cả nhà gạt nước mắt đưa ông lên chiếc thuyền nan nhỏ. Nước lũ từ thượng nguồn sông Đáy đang đổ về cuồn cuộn. Con thuyền nhỏ của những đứa con trong lòng rỉ máu ấy đưa ông bố tật bệnh ra một chiếc chòi nhỏ trên bãi bồi giữa sông. Họ để ông bố ở đấy rồi thả thuyền xuôi về phía hạ lưu chờ. Nước  dâng ngập bãi bồi, dìm chết người cha bị bệnh hủi. Dân chài lưới phía hạ lưu giúp những người con tìm xác ông bố bị lũ cuốn trôi xuôi. Khi còn nhỏ tôi cũng thường nghe chuyện người hủi chết huyệt phải đào sâu 5 mét đổ vôi bột sống xuống rồi mới hạ quan tài, rắc thêm vôi bột lên trên xong mới lấp. Mả hủi thường phải ở xa những ngôi mộ khác.
          Mùi còn kể cho tôi nhiều chuyện buồn của hai chị em Kim. Ngân. Họ không còn bạn bè, xóm giềng. Hai chị em lớn lên như hai bông hoa tươi tắn, xinh đẹp nhưng không một chàng trai nào đến tìm nữa. Họ phải lên núi cao tìm chỗ làm nương trỉa ngô. Nỗi đau cô đơn của họ thật là khủng khiếp. Người mẹ của họ đau buồn rồi ốm chết.
          Một buổi tối, hai chị em vừa chuẩn bị đi ngủ thì có tiếng chân bước lên sàn. Hai chị em hoảng sợ ôm chặt lấy nhau. Bởi vì đã rất lâu không còn có ai dám vào nhà họ nữa. Có tiếng gọi nhỏ: "Các con ơi!". Bé Ngân reo lên: "Bố! Bố về...". Họ mở cửa đón bố. Biết tin vợ chết, ông trốn trại phong tìm về nhà. Hai đứa con vừa khóc vừa nấu cơm nếp, làm thịt gà cho bố ăn, gói cho bố đem đi đường. Họ van xin: "Bố phải ra đi ngay trong đêm, ngày mai sáng ra dân bản mà nhìn thấy sẽ xua đuổi, sẽ hắt hủi chúng con...". Ông nhìn hai đứa con gái nước mắt ròng ròng. Ông ra đi rồi biết tích từ đó. Có tin đồn ông đã chết đuối ở sông Bằng khi trèo mảng qua sông giữa đêm. Lại có người bảo ông đã lấy một người đàn bà cùng cảnh ngộ rồi được trợ giúp làm nhà chữa khỏi bệnh và ở ngay trong khu trại phong.
          Khi chiến tranh biên giới xảy ra, hai chị em Kim, Ngân vẫn ở lại. Họ vác đạn lên trận địa, đưa thương binh về tuyến sau. Hơn chục ngày giao chiến với kẻ địch đông và mạnh ở thị trấn, chúng tôi rút lui lên núi. Đơn vị chia làm nhiều mũi đột phá vòng vây để rút đi. Về đến Lũng Mật, bất ngờ tôi gặp Ngân. Cô bé súng khoác trên vai chững chạc, dày dặn hẳn. Tôi hỏi ngay:
          - Hai chị em thế nào rồi?
          Ngân oà khóc:
          - Chị Kim em chết rồi! Khi bọn địch phát hiện chỗ giấu thương binh chị ấy đã nổ súng và chạy ra bờ suối đánh lạc hướng. Khi bọn chúng xông đến định bắt sống thì chị ấy cho nổ quả lựu đạn cuối cùng...
          Tôi cầm tay Ngân, muốn an ủi cô nhưng chẳng biết nói thế nào.
          Một đêm, chúng tôi tổ chức một bộ phận bí mật xuống bản Nà Liền tìm lương thực. Ngân và một số anh chị em dân quân, thanh niên xung phong cũng cùng đi. Trong đêm trăng mờ đục chúng tôi phải đi từng tốp nhỏ để đề phòng bị địch phục kích. Tìm được thứ gì lấy thứ nấy, gạo, ngô, đậu tượng, lúa của đồng bào bó để trên gác bếp. Lúc quay trở về, tôi được giao đi sau cùng bảo vệ cho bộ đội và dân quân lên hết dốc mới rút theo. Tôi ôm súng nép vào hốc đá sát mép nước cảnh giới.
          Mọi người lội qua con suối nhỏ, bắt đầu lên dốc. Chờ một lát, ước chừng mọi người đã vượt đoạn dốc trống trải, tôi mới nhấc ba lô lên vai, xách súng rời khỏi hốc đá. Giữa lúc đó thì có tiếng gọi nho nhỏ ngay sau một mô đá, sát chỗ tôi đứng:
          - Anh Hà ơi!
          Nhận ra tiếng người gọi, tôi quay lại:
          - Ngân hả! Sao vẫn còn ở đây, mau vượt lên núi đi, nặng đưa tôi mang bớt cho...
          - Không đâu! Nhưng anh... anh ... chờ em một tý.
          - Có việc gì vậy! Rút nhanh không nó bắn pháo sang nguy hiểm lắm.
          Tôi vừa nói vừa nhìn sang phía thị trấn, nơi những căn nhà đang cháy rừng rực, thỉnh thoảng ánh lửa đầu nòng pháo của địch lại lóe lên.
          Ngân thì thào:
          - Anh... cảnh giới, gác cho em... tắm một tý nhé, đã gần một tuần nay rồi... trên núi làm gì có nước ...
          Đúng là trên núi đá vôi nước uống còn chả đủ làm gì có nước mà tắm. Có chỗ, trận địa phòng ngự rất tốt, chúng tôi đánh bật hàng chục lượt xung phong của địch nhưng hết nước đành phải rút đi chỗ khác. Tôi gàn:
          - Đi thôi! Nước suối lạnh lắm.
          - Mặc kệ!
          Ngân trút hết quần áo, lội xuống suối ngay cạnh chỗ tôi đứng. Bất ngờ mặt trăng ló ra chỗ mây thưa. Cơ thể ngọc ngà của Ngân lồ lộ dưới ánh trăng. Ngân đưa hai bàn tay bưng lấy ngực rồi từ từ dìm mình xuống dòng nước lạnh. ánh trăng lấp loá trên đôi vai trần của em.
          Một lát sau Ngân bước lên bờ, cô lặng lẽ mặc quần áo. Đoạn cô khẽ hích vào vai tôi:
          - Chúng mình đi thôi!
          Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng trước vẻ đẹp thanh khiết, tròn đầy của cô gái giữa một đêm chiến tranh nơi góc rừng biên giới. Tiếng súng bên kia cánh đồng bỗng rộ lên. Tôi kéo Ngân hối hả vượt lên đỉnh dốc núi, lẩn vào những mô đá nhấp nhô như hình người nơi biên ải.
          Tối hôm sau chúng tôi được lệnh rút sang Nguyên Bình. Chúng tôi chia làm hai hướng rút quân. Tôi đi một hướng, Ngân đi hướng kia Từ đó, tôi không còn gặp lại Ngân nữa. Sau chiến tranh tôi về xuôi, đi học rồi chuyển về Hà Nội công tác. Đường tuy chẳng xa thế mà hai mươi mấy năm rồi, giờ tôi mới lại lên Cao Bằng.   
           Tôi và Ngọc bước lên sàn, một người phụ nữ ra đón.
           Tôi nhận ra Ngân ngay phần vì đã biết trước, phần vì Ngân vẫn đẹp như xưa. Ngân cũng sững lại, miệng hơi há ra muốn gọi nhưng chưa nhớ ra được tên tôi. Ngọc giới thiệu:
          - Đây là chú Hà ở trên Bộ về công tác mẹ ạ!
          - Đúng rồi! Anh Hà... sao mãi tận bây giờ anh mới về Nà Sao?
          Tôi lúng túng. Ngân túm tay tôi chẳng ra cầm, chẳng phải bắt. Ngọc hơi ngạc nhiên:
          - Thế mẹ cũng biết chú Hà ạ?
          - Con phải gọi là bác! - Ngân sửa lại.
          Mùa thu nhưng nhà gần núi đá nên lành lạnh. Khi đã ngồi yên bên bếp lửa rồi, thấy tôi cứ nhìn hai mẹ con vẻ thắc mắc, Ngân bảo con:
          - Con xuống chuồng bắt  con gà để mẹ làm thịt, sẵn xe xuống chở bác trưởng bản lên uống rượu luôn.
          Ngọc đi rồi, Ngân mới bảo:
          - Nó là con nuôi của em đấy!
          - Vậy hả? - Tôi buột miệng: - Thế Ngân vẫn...
          Ngân kể: Cái hôm rút sang Nguyên Bình, Ngân đi cùng hướng có nhiều bà con đồng bào các bản. Ngân đi phía sau đoàn người gồng gánh, bế bồng con cái vượt đường quốc lộ. Giữa lúc đoàn người đang âm thầm đi dưới chân điểm chốt của địch thì có tiếng trẻ con bật lên khóc. Người mẹ ấy sợ lộ địch phát hiện sẽ dẫn đến cái chết của hàng trăm người nên vội lấy khăn bịt miệng con không cho khóc. Lúc sang đến bên kia cánh đồng thì đứa bé ngừng thở. Tưởng đứa con chưa đầy tháng tuổi đã chết, người mẹ đặt con vào hốc đá rồi vội dắt hai đứa lớn chạy theo đoàn người. Đứa trẻ số không chết. Khi được đặt xuống đất lạnh, nó dần tỉnh lại. Ngân chợt nghe tiếng trẻ con khóc bèn quay lại tìm. Cô cởi áo bọc đứa trẻ ôm chạy theo bộ đội. Ngọc chính là đứa trẻ ngày ấy. Ngân đã nuôi nó gian nan, vất vả biết bao. Sau chiến tranh, Kim được công nhận là liệt sĩ. Dân bản không còn sợ và xa lánh ngôi nhà trong hẻm núi nữa Người ta đã được tuyên truyền, hiểu biết hơn về bệnh phong. Nhưng Ngân cũng chẳng lấy chồng, cô nuôi Ngọc lớn lên trở thành một người lính.
*
          Đêm ấy, chúng tôi ngồi bên bếp lửa ôn lại chuyện cũ. Chén rượu vùng cao sóng sánh ánh trăng rừng. Ông trưởng bản vốn cũng là lính thời chống Mỹ nên càng đậm chuyện.
          Sáng hôm sau, tôi chia tay mẹ con Ngân để theo tuyến biên phòng tiếp tục chuyến công tác. Ngân xách túi, tiễn tôi ra tận đầu dốc. Gió núi ào ào như ngàn đời nay vẫn thổi ở nơi biên ải này.
                                                                                         Hà Nội, 12-2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét