Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Truyện ngắn NƯỚC LŨ


NƯỚC LŨ
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Đơn vị hành quân đến vị trí đóng quân mới. Trung đội thông tin của chúng tôi nhận nhiệm vụ triển khai hơn 4 ki-lô-mét đường dây hữu tuyến từ vị trí chỉ huy tiểu đoàn lên đài quan sát. Sau khi giao nhiệm vụ, tiểu đoàn trưởng còn căn dặn thêm chúng tôi:
- Từ đây lên đài quan sát địa hình phức tạp, các đồng chí cố gắng nhé. Đúng 12 giờ trưa là phải thông liên lạc nhé. Tình hình khẩn trương, tổ trinh sát phải báo cáo liên tục tình hình địch để kịp thời xử lý.
Nhận lệnh xong, trung đội trưởng Giang phân công:
- Tiểu đội hữu tuyến chia làm hai bộ phận. Bộ phận do tôi sẽ trực tiếp phụ trách sẽ rải dây từ vị trí chỉ huy tiểu đoàn lên. Bộ phận do đồng chí Hảo phụ trách mang theo dây, máy, đi nhờ ô tô đơn vị lên thị trấn lấy gạo sau đó triển khai đường dây từ đài quan sát về. Chúng ta sẽ gặp nhau ở cây đa giữa cánh đồng trước 12 giờ trưa nay. 
Tôi nghĩ: "Mỗi bộ phận có hơn 2 ki-lô-mét đường dây, rải một loáng là xong chứ mấy, lo lắng làm gì cho mệt!". Đoạn, tôi gọi mấy chiến sĩ vác theo mấy cuộn dây và máy lên đường. Ra đến đường cũng vừa gặp ô tô của đơn vị đi lấy gạo, chúng tôi xếp dây máy và nhảy lên xe. Dọc đường xe hỏng, mãi hơn 8 giờ mới tới thị trấn. Còn sớm chán. Thị trấn biên giới giữa phiên chợ đông nghịt người. Tiếng nhạc ngựa leng keng. Màu áo quần của người Mông, người Dao rực rỡ, hàng quán nhộn nhịp. Mấy chiến sĩ mới quê ở dưới xuôi lần đầu tiên lên biên giới, chưa đến thị trấn này lần nào nên cứ mải mê nhìn. Thấy vậy, tôi bảo:
- Bây giờ còn sớm, các cậu cứ để dây máy ở gốc đa, cử một người ở lại coi rồi đi chợ, vào thị trấn chơi một lát cũng được. Đúng 9 giờ, chúng ta bắt đầu triển khai công việc.
Anh em chiến sĩ phấn khởi đi luôn. Tôi nghe loáng thoáng tiếng họ nói với nhau:
- Anh Hảo tâm lý thật. không như anh Giang "hắc sì dầu" lúc nào cũng đầy nguyên tắc. Hôm trước, tớ đi sửa dây với ông ấy về muộn qua cửa hàng ăn đói mềm cả người, nói mãi ông ấy vào làm bát phở nhưng ông ấy dứt khoát không chịu...
Anh em đi rồi, đút cái kìm vào túi, tôi cũng lững thững đi vào thị trấn. Đang mải mê nhìn cảnh người qua lại tấp nập bỗng nghe tiếng con gái gọi:
- Anh Hảo!
Tôi giật mình quay lại nhận ra Hường, cô bạn học cùng thời phổ thông, nhập ngũ sau tôi gần hai năm hiện làm văn thư trên trung đoàn. Hường đang đứng cạnh gốc cây bàng ven đường, tay xách một cái túi căng phồng, hai má đỏ ửng nhìn tôi tinh nghịch:
- Ngắm cô nào mà mải mê thế anh Hảo?
- Ngắm ai đâu mà... Hường đi đâu trông vẻ vất vả thế?
- Đi chợ như anh đấy! Nhưng chẳng có ai mà ngắm đâu!
Hường liếc tôi và tủm tỉm cười. Tôi lúng túng. Đứng trước con gái, cái "tài" ba hoa hùng biện của tôi thường không phát huy được tác dụng. Một chốc Hường mới nói:
- Em vừa đi phép lên. ở nhà vui lắm anh ạ, gặp bao nhiêu là bạn bè, chúng nó cứ bảo em đi bộ đội trông khỏe ra. Bọn con gái gửi lời hỏi thăm anh đấy. Nhà anh nuôi được một con lợn to lắm. Mẹ anh nói với em để dành con lợn ấy, cuối năm anh về phép sẽ...
 Hường bật cười khúc khích. Cô kể chưa hết chuyện này đã nhảy sang chuyện khác khiến tôi muốn hỏi thêm mấy câu về gia đình, bạn bè cũng không được. Nhìn đồng hồ, tôi giật mình, đã hơn 9 giờ. Thấy tôi nhìn đồng hồ, Hường hỏi:
- Anh Hảo hẹn ai thế?
- Có ai đâu mà hẹn, đang đi làm nhiệm vụ đấy chứ!
- Nhiệm vụ gì mà lại đi người không giữa chợ thế này?
- Thật đấy! Hường về nhé, hôm nào tôi lên thăm, hỏi chuyện quê hương.
- Anh bận thì cứ đi đi, mặc em...
Hường làm ra vẻ giận dỗi. Dùng dằng một lúc tôi mới đi được. Phóng về tới gốc đa đầu thị trấn, thấy mấy chiến sĩ đang đứng chờ, tôi giục:
- Đi thôi, gần trưa rồi, phải nhanh nhanh lên mới kịp.
- Nhưng thằng Vinh vào chợ đến bây giờ vẫn chưa thấy ra ạ!
          Một chiến sĩ nói, tôi bực mình gắt:
          - Đã dặn đúng 9 giờ phải có mặt đầy đủ để bắt đầu công việc cơ mà?
 - Thằng Vinh ở lại coi dụng cụ, dây máy thấy anh chưa về, nó lại chạy vào chợ một lát.
          Tôi nuốt ực một cái, không thể nói được gì thêm vì đã tự ý cho chiến sĩ đi chợ và chính mình cũng ra chậm gần một tiếng cơ mà. Đành phải chờ vậy. Gần 15 phút nữa vẫn không thấy Vinh ra. Tôi sốt ruột, hết nhìn đồng hồ lại nhìn trời. Lúc sáng trời còn quang đãng như thế mà bây giờ mây đen đang ùn ùn kéo đến. Gió hơi lành lạnh, báo hiệu một cơn mưa rào dữ dội. Khi Vinh từ trong chợ chạy ra, ôm một mũ đầy vừa lê vừa táo tay còn cầm thêm mấy gióng mía. Tôi quát:
          - Nhanh lên! Trời mưa đến nơi bây giờ.
          Biết lỗi, Vinh vội nhét mấy thứ vào túi và vớ lấy súng và cuộn dây của mình. Chúng tôi chạy ngược về phía đài quan sát. Đến chân mỏm núi đặt đài quan sát, tôi cử hai chiến sĩ rải dây ngược lên đỉnh núi, tôi và hai chiến sĩ còn lại triển khai đường dây về phía gốc cây đa giữa cánh đồng. Hơn 10 giờ rồi, có lẽ bộ phận phía sau đã rải xong đoạn dây đang chờ để thông liên lạc, phải nhanh mới kịp. Nhưng chúng tôi càng cuống thì dây rợ lại càng rối tinh lên. Giữa lúc đó thì cơn mưa ập xuống như trút nước.
  Những cơn mưa ở miền núi chẳng khác nào như trời bị thủng vậy. Nước réo ầm ầm. Lũ lên nhanh. Con suối lúc sáng chúng tôi đi ô tô còn chạy qua ngầm đá được bây giờ nước ngập mênh mông. Đường dây rải đến bờ suối, tôi đứng vuốt nước mưa trên mặt lo lắng nhìn những thân cây to bị nhổ bật cả rễ đang lao nhanh giữa dòng. Không có chỗ nào còn lội qua được cả, chờ đến khi nước lũ rút thì quá giờ quy định mất. Tôi bảo các chiến sĩ:
          - Bằng mọi cách chúng ta phải triển khai được đường dây qua suối. Tôi sẽ buộc một đầu dây vào người bơi qua suối, đến bờ bên kia buộc vào gốc cây, anh em chí kéo căng lên mới khỏi bị cành cây trôi vướng vào làm đứt dây.
          - Nước lũ chảy xiết, khi anh bơi qua cây cối trôi lao vào đứt dây, nguy hiểm lắm.
          - Cứ chập hai ba dây vào cho khỏi đứt. Nguy hiểm cũng phải bơi sang...
          Giữa lúc tôi đang cởi quần áo dài và buộc một đầu dây vào người thì một ông già người dân tộc vác cuốc, đội nón lá, khoác áo tơi đi tới. Ông hỏi chúng tôi:
          - Các cháu định bơi qua suối à? Không được đâu vớ! Nước ở đây chảy xiết lắm, nó lôi các cháu xuống vực mất.
          - Ông ơi thế có cách nào vượt qua suối được không ạ?
          - Phải có mảng mới qua được.
          Tôi thất vọng. ở giữa nơi đồng trắng nước như thế này, một cành cây để nống dây còn khó kiếm, lấy đây ra vầu, nứa để ghép mảng. Nhưng ông già đã bảo:
          - Các cháu chờ một lát, ông vào lùm cây kia, có cái mảng của bà con của bà con vẫn dùng qua suối chặt củi chắc vẫn còn buộc ở đó.
          Tôi mừng quá vội cử Vinh đi cùng ông lấy mảng về. Chỉ một lát sau, ông già đã đẩy cái mảng tới trước mặt chúng tôi. Ông bảo:
          - Hai cháu qua trước, mảng không chở được nhiều người đâu vớ!
          Tôi xách cuộn dây bước xuống mảng và nói với ông:
          - Cám ơn ông! Ông cho chúng cháu mượn mảng tự chống lấy cũng được ạ.
          - Hầy! Không được đâu! Nước xiết, các cháu chưa quen, cả người lẫn mảng bị nước nó đưa xuống vực mất!
          Thấy thái độ cương quyết của ông, tôi và Vinh đành mang theo dây máy lên mảng. Chiếc mảng từ từ lao ra giữa suối. Dòng nước hung hãn chồm lên như muốn nhấn chìm chiếc mảng nứa bé nhỏ. Nhưng ông già khá nhanh nhẹn. Ông chống mảng tránh những thân cây đang bị nước cuốn trôi giữa dòng suối. Có lúc chiếc mảng bị láng hẳn xuống phía vực sâu, sợi dây trong tay tôi căng ra. Nhưng rồi chúng tôi cũng sang tới bờ. Tôi bảo Vinh khẩn trương rải dây xuống phía cây đa. Ông già lại chống mảng quay sang đón các chiến sĩ còn ở bên kia. Tôi càng lo lắng, hối hận. Tự trách mình dễ dãi cho anh em vào chơi chợ nên mới bị lũ bất ngờ và lâm tình huống nguy hiểm thế này. Nhìn mái tóc, chòm râu gần bạc trắng và cánh tay khẳng khiu của ông già dân tộc đang căng lên chống chọi với dòng nước xiết tôi thấy cay cay trong khoé mắt.
          Ba chiến sĩ còn lại được ông đưa sang an toàn cả người lẫn máy móc, súng đạn. Trước khi ông trèo mảng quay lại bên kia bờ, tôi nắm lấy cánh tay của ông xúc động nói:
          - Chúng cháu cảm ơn ông lắm!
          - Ô! Không phải cảm ơn mà. Ông biết các cháu vất vả lắm. Thằng cháu ông nó cũng ở "điện thoại" như các cháu. Nó nói, cái máy này gọi được xa lắm. Có gọi được xa, bảo nhau được nhiều, được nhanh mới đánh thắng được bọn giặc phải không các cháu?
          - Đúng thế ông ạ!
          - Thôi các cháu làm tiếp đi! Khi nào nghỉ, sang nhà ông chơi nhá. Nhà ông ở bản Nà Sao chỗ những bụi tre kia kìa.
          Nói đoạn, ông chỉ tay sang bên kia bờ suối chỗ lũy tre um tùm có mấy ngôi nhà sàn. Tôi nắm chặt tay ông:
          - Vâng ạ! Nhất định chúng cháu sẽ đến.
          Chờ ông sang đến bên kia bờ suối an toàn rồi tôi mới chạy theo các chiến sĩ đang triển khai đường dây ở giữa cánh đồng. Vừa chạy, tôi vừa suy nghĩ về câu nói mộc mạc mà sâu sắc của ông già dân tộc. Đó chính là một bài học cho tôi.
          Chúng tôi rải đường dây đến gần gốc đa thì gặp trung đội trưởng Giang dẫn một chiến sĩ chạy lên. Anh nói:
          - Chúng mình lo quá, chỉ sợ lũ lớn các cậu không qua được suối. Ở nhà, khi các cậu vừa đi khỏi thì đường dây xuống "xê" 8 bị đứt, hai người phải đi chữa, mình và hai đồng chí vừa mới kéo đường dây đến gốc đa xong đang chờ các cậu.
          Hai đầu dây được nối với nhau, trời cũng vừa tạnh mưa. Tiếng chuông máy điện thoại reo lên ròn rã. Tiếng tiểu đoàn trưởng phấn khởi vang trong ống nghe:
          - Khá lắm! Trời mưa to thế mà các cậu vẫn hoàn thành nhiệm vụ trước gần một tiếng. Chỉ huy tiểu đoàn biểu dương tinh thần cố gắng của các đồng chi nhé...
          Trung đội trưởng Giang bảo tôi:
          - Tổ của cậu về nghỉ ăn cơm đi! Để chúng mình củng cố đường dây cho.
          - Không! Để chúng tôi làm. Tối về tôi sẽ báo cáo với anh chuyện này. Hôm nay lẽ ra chúng tôi còn có thể hoàn thành nhiệm vụ sớm hơn rất nhiều anh ạ.
                                                                                   Cao Bằng-1980

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét