Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Truyện ngắn BÃI GIỮA (phần 1)


             

BÃI GIỮA
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          1- Mấy năm nay, tự dưng giữa dòng con sông Cái phía trước làng Phù Liễn xuất hiện một bãi bồi. Bãi bồi cứ lớn dần sau từng mùa lũ. Những lớp phù sa dày xếp lên nhau đỏ sậm. Có lẽ khi cây cầu xi-măng với những cái trụ rất lớn phía thượng lưu được xây dựng đã làm biến đổi dòng chảy, tạo nên bãi bồi này. Sông Cái mùa thu nước rất cạn. Nước sông càng cạn khi nhà máy thuỷ điện đầu nguồn đóng cống tích nước để phát điện. Vùng bãi bồi mơn mởn phù sa non, mơn mởn cỏ xanh. Mùa thu đến bọn trẻ chăn thường giong trâu ra bãi sa bồi giữa sông chăn thả. Đàn trâu háu đói chỉ ngoạm một lúc đã đầy căng bụng. Trong khi đó thì bọn trẻ lội xuống dòng sông cạn nô đùa, mò tôm cá, bắt trai hến đem lên bãi giữa nướng ăn. Cuối buổi chiều, bọn trẻ mới lùa đàn trâu no căng về làng. Chúng cưỡi trên lưng trâu vượt qua nhánh sông phía bên làng Phù Liễn nước còn khá sâu và chảy hơi xiết.
          Bãi bồi quả là một tặng phẩm bất ngờ của thiên nhiên dành cho dân làng Phù Liễn. Bãi phù sa màu mỡ giữa sông ấy ngày càng mở rộng mãi ra. Khi bãi sa bồi định hình dân làng rủ nhau chèo thuyền thúng ra phá hoang gieo trồng. Chả cần chăm bón gì, chỉ cần chọc lỗ nhét xuống vài hạt ngô, hạt lạc hay đỗ tương sau vài tháng là đã có ngay thu hoạch. Những bắp ngô to hạt mẩy căng, đỗ tương, lạc thì sai quả, nhiều củ. Mùa mưa nước lũ đổ về dòng sông mênh mông tiếp tục bồi đắp thêm phù sa cho bãi Giữa ngày càng màu mỡ. Cái tên bãi Giữa là do dân làng Phù Liễn đặt. Mỗi khi nhắc đến bãi Giữa người làng Phù Liễn đều rất thích thú vì gieo trồng hoa màu ở đây cho năng xuất cao, cá tôm xung quanh bãi cũng nhiều, dễ đánh bắt. Bởi bãi Giữa rộng, hầu như cả làng, nhà nào cũng có một khoảnh đất để gieo trồng. Rồi có một chiếc lều canh gác hoa màu xuất hiện giữa bãi. Nhưng hầu như ở bãi giữa chả ai lấy trộm của ai. Dân làng bảo nhau “Bãi Giữa là của trời cho, đừng quá tham lam mà hết lộc”. Cho nên thi thoảng mới có người ngủ đêm tại bãi. Đó là những người đặt chuyên lờ tôm, quây đăng chắn cá khi mùa nước cạn. Căn lều chỉ là nơi những người dân ban ngày ra canh gác trâu bò lúc lạc ngô đang lên xanh và tránh nắng, trú mưa cho người đi làm ngoài bãi.
           Đối diện với làng Phù Liễn phía bên kia sông là thị trấn phố huyện. Người ở phố huyện chuyên buôn bán, không làm nông nghiệp nên họ chả tranh giành gì đất đai trồng trọt ở bãi sa bồi với dân làng Phù Liễn. Có chăng thỉnh thoảng khi sông cạn nước lội qua được họ hay kéo ra bãi Giữa để mua ngô non, mua lạc tươi vừa mới nhổ đem về luộc ăn chơi. Chỉ có cánh học sinh phổ thông, sinh viên các trường cao đẳng là rất hay kéo nhau ra bãi Giữa làm một cuộc píc-níc nhỏ, cắm trại liên hoan vui chơi trên doi cát trắng phau, mịn màng phía cuối bãi.

           2- Một hôm, đó là một ngày nghỉ, bãi Giữa có toán sinh viên một trường cao đẳng gần thị trấn phố huyện kéo nhau ra cắm trại. Họ lội qua mé sông cạn ào ra bãi. Đám sinh viên hiếu động chạy tung tăng nô đùa trên bãi cát trắng. Họ trải ni-lông, bày thức ăn, bánh kẹo, hoa quả ra để chuẩn bị bữa liên hoan dã ngoại.
           Mấy cô gái trong nhóm sinh viên chợt kêu lên:
           - Cái Ngọc quên đem theo phích nước sôi mi ni để pha cà-phê tan rồi à?
           - Ờ nhỉ! Phải phạt con này mới được. Sao lơ đễnh thế! Hay là đang bị người yêu dọa cho leo cây rồi?
          Cô bé xinh nhất đám con gái lúng túng đứng dậy xin lỗi mọi người. Cô gái có nước da trông đen nhất bọn vẫn không tha:
          - Thế để cả bọn lấy nước sông lên pha cà-phê à?
          Một đứa khác bảo:
          - Thôi mày chịu khó lên chỗ cái lều đầu bãi kia, có người đang ở đấy, xin nước mượn nồi đun nước sôi bù cũng được! Nhanh lên, bọn con trai sắp chết đói đến nơi rồi…
          Tiếng cười nói ồn ào chí choé như chợ vỡ. Dịu dàng có, chanh chua có. Cô bé tên Ngọc càng lúng túng đứng chịu trận. Các bạn giục mãi cô bé mới ngập ngừng tiến về phía chiếc lều cỏ phía đầu bãi.
          Đúng là có một người đàn ông đang lúi húi ở cạnh chiếc lều cỏ. Hình như ông ta đang kiểm tra chiếc lưới bắt cá. Dân làng Phù Liễn thường cắt cử nhau hàng ngày ra bãi canh không cho trâu bò thả rông lên phá hoại hoa màu. Nhất là khi ngô đậu đang lên xanh mơn mởn như thế này. Ngọc dè dặt đi đến bên chiếc lều đến phía sau người đàn ông. Bàn chân trần của cô nhẹ nhàng đặt trên lớp phù sa mịn mát. Cô đánh tiếng:
          - Cháu chào bác! Cháu xin… ơ….
          Chưa nói hết câu Ngọc đã im bặt ngay vẻ bối rối khi người đàn ông quay lại. Đó chỉ là một chàng trai trẻ. Ngọc càng lúng túng hơn khi ánh mắt cô chạm vào ánh mắt rất sáng của người con trai lạ. Chàng trai đứng dậy. Anh cũng đã nhìn thấy đám sinh viên dưới bãi cát cuối bãi Nhưng anh vẫn hơi bất ngờ vì có một cô gái đẹp đến thế. Lúng túng vặn vặn hai bàn tay vào nhau, anh hỏi:
          - Cô cần gì hả?
          - Anh là chủ nhà này ạ?
          - Là chủ lều thôi… - Anh lấy lại sự chủ động:
          - Anh là người bên làng Phù Liễn?
          - Đúng! Chả là người Phù Liễn thì ra trông coi bãi làm gì?
          - Nhưng mấy lần cánh sinh viên chúng em sang giao lưu với chi đoàn kết nghĩa bên ấy không gặp anh lần nào?
          - Tôi đã… già rồi nên không sinh hoạt đoàn!
          Ngọc bật cười vì anh ta còn trẻ, mặt trông búng ra sữa lại kêu già. Cô bữu môi vẻ không tin. Chàng trai cũng chợt trở nên nghiêm túc. Anh nói:
          - Tôi về quê nghỉ phép nên ra trực canh bãi một buổi giúp mẹ tôi bận đi chợ xa…
          “A! Ra vậy! Thế mà dám nói dối bảo là mình đã già” - Ngọc thầm nghĩ. Chợt nhớ đến nhiệm vụ của mình, cô hỏi:
          - Anh có cái ấm để đun nước sôi không?
          - Có! Nhưng cô khỏi phải đun, cứ lấy phích nước sôi tôi vừa đun xong để ở cạnh cửa kia kìa. Các bạn định pha mỳ tôm à?
          - Vâng… - Ngọc buột miệng và chợt hiểu là mình vừa nói dối. Cô tủm tỉm cười. Cô đang định bảo là mình chỉ mượn ấm thôi thì dưới bãi cát đám sinh viên nheo nhéo gào vọng lên:
          - Ngọc ơi sao mà lâu thế! Hay có anh nào bắt mất rồi hả!
          Ngọc hốt hoảng sợ cánh con gái biết chuyện mình đang đứng nói chuyện  với một chàng trai trẻ. Cô lý nhí cám ơn anh rồi nhận cái phích đầy nước sôi chạy xuống bãi cát. Suốt thời gian ở bãi Giữa tâm trí Ngọc luôn để ở chỗ chiếc lều canh ngô trên đầu bãi. Trong đầu cô đầy thắc mắc vì chưa biết tên của anh chàng đẹp trai, và hắn đang làm gì, ở đâu. Trong khi đó có lẽ anh ta đã biết tên của mình rồi vì đám bạn bè réo gọi tên  cô vang cả bãi. Khi đám bạn bè tung tăng đùa trên bãi cát trắng và lội xuống sông tìm vỏ ốc thì Ngọc thơ thẩn lên bãi bồi ngắt những bông hoa dại trắng tinh, bé tý xíu. Cô chăm chăm nhìn về phía chiếc lều cỏ. Cô rất muốn đi đến đấy nhưng không dám và cũng sợ đám con gái phát hiện. Quá trưa khi các bạn gọi chuẩn bị về Ngọc giật thót cả người. Cô cứ muốn nấn ná ở lại trên bãi sông. Chợt trong lòng Ngọc như reo lên khi nhìn thấy chiếc phích nước cạn khô đang đặt giữa tấm ni-lông trải trên bãi cát. Chả cần mọi người giục, cô đã vội xin nhận trách nhiệm đi trả cái phích đã mượn cho “người ta”.
          Ngọc xách cái phích đựng nước đi về phía chiếc lều cỏ. Cô ngạc nhiên khi thấy chàng trai đang chăm chú bên một chiếc lồng nhỏ treo trên cành cây bo dạc dại mọc trước lều. Trong lồng có một chú chim đang nhảy nhót. Lúc nãy cô có thấy cái lồng chim này đâu nhỉ? Chắc là anh ta để ở trong lều. Ngọc hơi e ngại khi đem trả lại cho anh cái phích rỗng không. Cô lý nhí nói lời cảm ơn. Chàng trai vui vẻ trò chuyện với cô sinh viên. Từ những câu trao đổi rời rạc, Ngọc biết tên chàng trai là Thư. “Một cái tên rất con gái! Yếu ớt quá…” - Cô thầm nghĩ. Thư mới tốt nghiệp đại học mỏ địa chất hiện đang công tác tại một đơn vị khảo sát ở tỉnh miền núi Hà Giang. Thư đang về nghỉ phép. Hai người vội vã trao đổi số điện thoại di động cho nhau khi đám sinh viên réo gọi cô xuống bãi cát lấy đồ để về vì trời đang kéo mây vần vũ. Một cơn mưa trái mùa xuất hiện phía thượng nguồn. Ánh chớp lóe lên lằng nhằng ở chân trời xa.

           3- Sau đó thì hai người thường xuyên nhắn tin thăm nhau. Tin đi, tin lại , tiếng kêu “tít… tít…” của máy điện thoại mật độ dày thêm mỗi ngày. Những tiếng “tít tít” là sự mong đợi của cả hai. Họ chỉ muốn những tiếng “tít tít” ấy là của riêng hai người. Nhưng thỉnh thoảng chen lẫn vào là những tiếng “tít tít” của các tin nhắn rác, tin quảng cáo, thông tin của nhà mạng. Rồi họ hò hẹn nhau đi chơi vào những ngày nghỉ. Những cuộc hẹn hò cũng dày thêm.
            Một hôm, Thư phóng xe máy qua cầu sang thị trấn đến cổng trường cao đẳng sư phạm đứng chờ đón Ngọc. Hai người giong xe máy dọc theo bờ sông ngắm cảnh, tâm sự. Đến đoạn đường ngang qua chỗ bãi bồi họ dừng lại. Từ trên bờ sông phía bên này trông bãi Giữa giống hệt như một con thuyền màu xanh biếc đang rẽ sóng hướng ra phía biển. Doi cát trắng phau phía hạ lưu nhìn tựa như sóng nước đang tung lên trước mũi thuyền. Ngọc nói:
          - Bãi Giữa đẹp quá, giống hệt một con thuyền đang rẽ sóng ra khơi!
          Thư đồng tình:
          - Đúng là như thế!
          Ngọc suy tư:
          - Không biết về ban đêm thì bãi Giữa sẽ như thế nào nhỉ?
          - Anh cũng không biết! Hay là đêm mai giữa tháng, trăng sáng, anh sang đón em chúng mình lại ra đây ngắm bãi Giữa nhé?
          Ngọc đắn đo rồi đột nhiên bảo:
          - Em muốn… xuống giữa bãi để xem cái cảm giác đứng trên con thuyền đang rẽ sóng dưới ánh trăng như thế nào cơ!
          - Thế thì tối mai anh sẽ sang đón em rồi chúng mình cùng nhau ra bãi Giữa nhé!  
          Cô gái quả quyết:
          - Không cần anh ạ! Dải nước sông phía bên này cạn lắm, chỉ xăm xắp đến ngang ống chân. Em sẽ tự lội qua. Anh cứ từ bên ấy ra trước chờ em cũng được. Anh đi xe máy sang bên này buổi đêm không có chỗ gửi xe.
          - Thế cũng được! Anh sẽ ra trước đón em.
          Vậy là họ đã quyết định xong một kế hoạch.
           Ngọc ngả đầu vào vai Thư. Hai người tiếp tục giong xe đi chơi và thì thầm bao chuyện. Nhưng có lẽ trong đầu họ ai cũng chỉ nghĩ và chờ mong sao nhanh đến cái đêm trăng ngày mai cùng nhau đứng trên “con thuyền bãi Giữa” rẽ sóng ra khơi xa…

          (hết phần đầu)                                       Hà Nội, tháng 1-2012




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét