Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Truyện ngắn vui TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG

    TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Tình hình lũ lụt và thiệt hại ở miền Trung khiến ông Tô luôn luôn lo lắng theo dõi. Ông nghĩ quê mình cũng nghèo, cũng còn nhiều người khốn khó nhưng chưa thấm đâu so với miền Trung luôn luôn bão lũ, thiên tai như thế này. Ông mong sẽ có một giải pháp hữu hiệu để phòng chống thiên tai có hiệu quả để nhân dân giảm bớt thiệt hại, mất mát.
Giữa lúc ông Tô đang chăm chú theo dõi tình hình hai cơn bão mới qua ti-vi thì lão Cốc đến. Ông Tô bảo:
- Sao bão nó lại cứ liên tục hình thành thế ông nhỉ? Chưa khắc phục được thiệt hại do cơn bão này thì cơn bão mới đã ập đến...
Lão Cốc nói:
- Tại lão già Thủy Tinh đang quyết đánh trận cuối cùng đấy ông ạ!
- Sao lại là Thủy Tinh! Tôi đang nói chuyện hiện tại hôm nay cơ mà. Có nói chuyện cổ tích ngày xưa đâu?
- Thì tôi cũng nói chuyện ngày nay đấy thôi. Không nói chuyện ngày xưa cũ gì đâu!
- Tại sao lại thế?
Lão Cốc ậm è rồi kể:
- Chuyện là thế này ông ạ! Sau khi bị Sơn Tinh đánh bại trong trận thư hùng ở núi Tản Viên năm xưa, lại không lấy được nàng công chúa xinh đẹp con Vua Hùng mặc dù cũng có đủ “gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” nên Thủy Tinh rất uất hận. Hằng năm, Thủy Tinh đều mang quân đi đánh Sơn Tinh nhưng đều bị đại bại phải lui về biển Đông ẩn nấp. Khi đã quá già rồi, sức có vẻ suy, một hôm Thủy Tinh cho gọi các con cháu đến đông đủ rồi ngửa mặt lên trời than rằng:
- Đời ta còn một nỗi hận ngàn năm chưa trả xong. Có chết cũng không nhắm mắt được... hu... hu... hu...
Đám con, cháu, chắt, chút, chít của Thủy Tinh nhao nhao hỏi:
- Nỗi hận gì ghê gớm đến thế ạ?
Lão Thủy Tinh gạt nước mắt bảo:
- Ta hận là năm xưa không thắng nổi lão Sơn Tinh, để lão ấy đánh cho một trận tơi bời đại bại lại còn cướp mất cả gái đẹp...
Bọn con cháu chắt chút chít lại ồn ào nói:
- Thế thì hận thật... hận lắm... Nhưng thôi cụ ạ, chuyện qua lâu rồi cho qua luôn cụ ơi...
Thủy Tinh trợn mắt nghiến răng kèn kẹt:
- Cho qua là qua thế nào... Trong lũ chúng bay có đứa nào giúp tao đánh thắng Sơn Tinh được không?
Đám con cháu chắt họ Thủy như bọn Thủy Sản, Thủy Nông, Thủy Lợi và Thủy Canh đều lúng túng im lặng nhìn nhau, không ai có mưu kế gì. Thằng Thủy Triều vốn hay hung hăng tung hoành dọa nạt ở đồng bằng và ven biển cũng im thin thít. Lão Thủy Tinh nhìn đám con cháu chắt chít tỏ vẻ thất vọng. Giữa lúc ấy thì có một thằng đứng dậy. Trông nó có vẻ ngổ ngáo, mặt mũi nham nhở, tay chân xăm trổ loằng ngoằng. Lão Thủy Tinh già hất hàm hỏi:
- Mày là thằng nào. Mày có mưu kế gì không?
Thằng kia khoanh tay nhưng không hề khúm núm. Nó đáp:
- Thưa cụ! Con tên là Thủy Điện. Con có thể giúp cụ trả mối hận bị lão Sơn Tinh làm nhục năm xưa!
- Sao nghe tên mày lạ hoắc thế!. Mày là con cháu ngành nhánh nào mà tao không biết nhỉ?
Thằng Thủy Điện bật cười hố hố rồi nói:
- Cụ ơi! Thời của cụ thì làm gì có ngành thủy điện ạ. Con là cháu tám, chín đời rồi đấy ạ!
- Thế thì mày phải gọi tao là... kỵ mới đúng?
- Gọi là gì không quan trọng. Quan trọng là con sẽ giúp cụ đánh bại lão Sơn Tinh và đám con cháu của lão ấy!
Lão Thủy Tinh dịu giọng:
- Vậy mày có mưu kế gì hay hả?
Thằng Thủy Điện vênh mặt lên trả lời:
- Con đã chui sâu vào hàng ngũ phòng ngự của lão Sơn Tinh, lại có thằng bạn chí cốt sẵn sàng hỗ trợ nữa là Hỏa Tinh, có các đồng minh tin cậy là Lâm Tặc Tinh và quan trọng nhất là người của con đã trà trộn được vào đội ngũ Kiểm Lâm Tinh. Trước khi con chặn sông dâng nước gây lũ ống, làm sụp lở đồi núi thì bọn Hỏa Tinh sẽ phóng hỏa đốt rừng, bọn Lâm Tặc Tinh tranh thủ phá rừng lấy gỗ, người mà con cài cắm trong hàng ngũ các Kiểm Lâm Tinh sẽ tiếp tay đắc lực cho Lâm Tặc Tinh. Cây cối trên rừng bị chặt phá, đốt trụi sẽ gây biến đổi khi hậu, mưa gió dữ dội... Đến lúc đó con sẽ dâng nước lên cao, Sơn Tinh và các con cháu ông ta có ba đầu sáu tay cũng không thể đối phó nổi... Trận đánh cuối cùng nhất định Thủy Tinh sẽ chiến thắng Sơn Tinh cụ ạ...
Lão Thủy Tinh nghe thằng Thủy Điện trình bày mưu kế như vậy thích quá. Phen này nhất định là lão sẽ đánh bại được Sơn Tinh. Lão thấy trong người hừng hực khí thế của thời trai trẻ. Lão liền phong cho thằng Thủy Điện làm tướng tiên phong dẫn đại quân đi đánh Sơn Tinh...
Ông Tô nghe câu chuyện của lão Cốc kể bật cười. Nhưng nụ cười vụt tắt trên môi ông Tô. Ông bảo:
- Câu chuyện của ông kể thật thú vị và đáng suy nghĩ. Việc đốt phá rừng tràn lan, kiểm lâm tiếp tay lâm tặc. Tôi xem trên mạng thấy có ông cán bộ kiểm lâm trên Tây Nguyên làm nhà mấy tầng toàn bằng các loại gỗ quý hiếm... Rừng bị mất nên gây ra lũ lụt ngày càng nghiêm trọng, nhân dân khốn khổ thế này...
- Vậy nên... - Lão Cốc gật gù: - Nếu tiếp tục để tình trạng thế này thì trận đánh cuối cùng Sơn Tinh sẽ bị thua Thủy Tinh mất ông ạ!
Ông Tô cũng nói:
- Nếu không quản lý chặt chẽ việc bảo vệ rừng và khống chế được thằng Thủy Điện cháu của lão Thủy Tinh thì chúng ta thua là cái chắc...
Hà Nội, ngày 26-10-2020
Không có mô tả ảnh.

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

TIẾNG HÚ GỌI GIỮA RỪNG - thơ

     TIẾNG HÚ GỌI GIỮA RỪNG

Đồng đội hú gọi nhau
Thảng thốt giữa rừng sâu,
Không tiếng ai đáp lại
Để lòng người quặn đau.
Giữa một vùng dữ dội
Các anh nằm ở đâu
Có nghe tiếng đồng đội
Thì trở về bên nhau?
Thời bình máu vẫn đổ
Bao người lính quên thân
Nhận về mình gian khổ
Hết lòng vì nhân dân...
Vậy mà ông thứ trưởng
Đem lương mình ra so
Liệu giờ có hối hận
Bởi vì sự hồ đồ?
Người lính là như thế
Mặc những sự đua ganh,
Vẫn lặng thầm năm tháng
Tiếp bước tiếp quân hành...
Hà Nội, 14/10/2020
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, ngoài trời và thiên nhiên

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Truyện ngắn vui BUỒN QUÁ LỚP MỘT ƠI

     BUỒN QUÁ LỚP MỘT ƠI

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo
Lão Cốc cầm cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của thằng cháu nội đi tìm ông Tô. Lão lừ lừ đi vào nhà ông Tô mà không đánh tiếng. Đến cửa ngó vào trong nhà lão Cốc vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy ông Tô cũng đang cầm một cuốn sách giáo khoa lớp 1 giống hệt như của mình. Lão Cốc lúc này mới lên tiếng:
- Ông cũng đang xem cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới à?
- Tôi cũng đang xem sách Tiếng Việt của con bé cháu ngoại để biết họ viết và dạy trẻ con bây giờ như thế nào?
Lão Cốc lắc đầu ngán ngẩm:
- Lắm sạn... mà nói đúng hơn là lắm “sạn bẩn” quá ông ạ!
- Tại sao ông lại nói như vậy!
- Thì đây! Họ viết sách giáo khoa kiểu gì mà lại dạy học sinh lớp 1 vừa bước vào năm đầu tiên học phổ thông tính ích kỷ, lười biếng và có cả sự thô tục nữa, và rất nhiều nội dung cóp nhặt chuyện của nước ngoài ông ạ!
Lão Cốc mở cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 lật cách trang đã đánh dấu chỉ cho ông Tô xem. Ông Tô bảo:
- Có lẽ ông nói hơi quá rồi! Nhưng người biên soạn, biên tập toàn là các nhà sư phạm có chức danh, bằng cấp, là những giáo sư tiến sĩ và rất nổi tiếng đấy!
Lão Cốc cũng băn khoăn:
- Không hiểu họ có trực tiếp biên soạn hay không mà để nhiều lỗi và sai sót thế nhỉ?
Ông Tô có vẻ suy nghĩ rồi nói:
- Sách giáo khoa là một định hướng rất quan trọng cho việc dạy học, chắc chắn họ phải xem đi, xem lại, soát xét từng câu, từng chữ, từng hình vẽ minh họa chứ, sao lại để sai sót nhiều thế này?
Lão Cốc nói thêm:
- Ấy mà vừa nãy trên ti-vi tôi còn thấy có ý kiến một chuyên gia giáo dục cho rằng “sách giáo khoa không quan trọng, quan trọng là ở chương trình dạy học”. Sau đó họ còn đưa tin về một cách dạy “thoát ly sách giáo khoa” nữa đấy ông ạ!
Ông Tô sửng sốt:
- Sao lại có ý kiến lạ và vô trách nhiệm thế? Sách giáo khoa phải là vấn đề cơ bản của việc dạy học chứ!
Lão Cốc đồng tình:
- Tôi cũng nghĩ như thế! Sách mà không đúng, không hay sẽ có tác hại to lớn, không khéo sẽ làm hỏng cả một thế hệ học sinh đấy ông ạ!
Nói xong, lão Cốc chợt suy tư. Ánh mắt lão có vẻ xa xăm. Ông Tô hỏi:
- Ông đang suy nghĩ điều gì vậy?
- Tôi... tôi đang nghĩ về nhưng điều thằng Bất vừa nói lúc nãy...
- Nó nói về cái gì vậy?
Lão Cốc nói vẻ ngần ngừ:
- Nó bảo cái ông viết sách giáo khoa cũng không dám đem dạy cho cháu mình đấy!
- Sao lại lạ thế?
- Thì nó bảo chính ông ấy đã cho cháu nội mình đi nước ngoài để học cấp 1 rồi... Ông ấy viết sách giáo khoa có tiền nhiều mà... Nghe nói nhà nước chi hàng chục tỷ đồng để làm sách giáo khoa cải cách đấy...
Ông Tô lắc đầu bảo:
- Thế hả... nhưng mà thông tin không chính thống tôi và ông nghe để biết thế thôi, đừng suy luận nhiều phức tạp lắm!
- Tôi cũng nghĩ thế...
Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ đáp và đột nhiên lão hứng khởi bật lên ý thơ:
“Lớp một ơi lớp một
Sao không học như trước
Mà học như bây giờ
Sách giáo khoa ngu ngơ
Càng học lại càng dốt
Lớp một ơi lớp một
Buồn quá lớp một ơi
Buồn quá lớp một ơi...”.
Hà Nội, ngày 13-10-2020
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

NHỚ NGÀY LÊN CHỐT - thơ

     NHỚ NGÀY LÊN CHỐT

Nhớ ngày nào lên chốt tiền tiêu
Những khuôn mặt sạm đen hốc hác
Sau lưng là hậu phương, phía trước là bọn giặc
Biên cương căng tựa dây đàn.
Chia tay đồng nghiệp ở Hòa An
Chúng tôi ngược đường lên Hà Quảng,
Ngã ba Đôn Chương chiều thu ngập nắng
Lối về Pác Bó không xa.
Thị trấn Sóc Giang, phố nhỏ hiền hòa
Có những ngày ngập màu xanh áo lính,
Xẻ núi đào hầm, mưa rừng, gió lạnh
Những người đồng đội bên nhau.
Nhớ những địa danh Kép Ké, Cốc Sâu
Nà Sác, Kéo Nghìn, Quý Quân, Bình Mãng,
Tôi gặp em gái Tày dịu dàng, duyên dáng
Bữa qua lối bản Nà Nghiềng.
Đêm Cốc Vường trời đất ngả nghiêng
Đạn pháo giặc xé nát miền biên giới,
Chốt hai cây đa thấm máu bao đồng đội
Giữ từng tấc đất không lui.
Trận Sóc Giang khói lửa ngút trời
Người ngã xuống nằm bên người còn sống
Những viên đạn cuối cùng nóng bỏng
Vẫn bay về phía quân thù.
Nhớ những vực sâu, vách núi mây mù
Lũng Mật, Lũng Vài, Thông Nông, Táp Ná,
Những người lính dọc ngang triền núi đá
Lời thề giữ nước không quên...
Cao Bằng ơi! Ngày chúng tôi lên
Tiếng đàn tính thiết tha biết mấy,
Bao năm rồi vẫn nhớ về miền biên viễn ấy
Nhớ thời mái tóc còn xanh...
Hà Nội, 5/10/2020
TRỌNG BẢO
* Cuối năm 1978, Đại đội tập huấn thông tin chúng tôi hành quân bộ từ Ngân Sơn, Bắc Kạn lên Hòa An, Cao Bằng. Tại đây, tôi chia tay các đồng nghiệp để về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, có mặt ở Sóc Giang, Hà Quảng cùng đồng đội lên chốt chặn giặc. Vậy mà cũng đã 42 năm rồi...
Hình ảnh có thể có: 1 người, núi, ngoài trời và thiên nhiên


Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

Truyện ngắn vui NHỮNG CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG

    NHỮNG CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Ông Tô lên nhà văn hóa xã sinh hoạt hội cựu giáo chức. Gần cuối buổi chiều, ông đạp xe về đến đầu làng thì nghe tiếng ồn ào trong quán mụ Béo. Ông Tô dừng xe ngó vào thì nghe tiếng thằng Bất- con lão Cốc gọi:
- Mời ông giáo vào nghỉ uống chén nước chè đã!
Ông Tô dựng cái xe đạp vào gốc cây bàng bước vào quán hỏi:
- Mới ngang chiều mà chúng mày đã rượu chè ồn ào thế này rồi à?
- Chưa... chưa... chúng cháu chưa có một tý ti tửu nào trong máu đâu ông ơi... - Thằng Lố vội lên tiếng. Nó giải thích thêm: - Chúng cháu đang tranh luận với nhau đấy ông ạ! Lát nữa, chúng cháu còn đi chuyển gạch xây nhà tình nghĩa cho bà Lúa, đang chờ xe chở gạch đến nên ngồi uống nước chè suông thôi...
Lúc này ông Tô mới nhìn cái bàn đặt giữa đám thanh niên. Đúng là chỉ có ấm chè và mấy cái chén uống nước. Ông Tô hỏi:
- Vậy chúng mày tranh luận với nhau về vấn đề gì thế?
- Chúng cháu đang bàn luận về những chuyện hoang đường ông ạ!
- Tức là nói “chuyện cổ tích” chứ gì?
- Vâng! Đúng thế ạ!
- Chúng mày nói chuyện cổ tích hoang đường để kể chuyện cho thiếu nhi nghe trong đêm trung thu à?
- Vâng... À... à... không phải đâu ạ! Tết trung thu đã qua rồi ông ơi... Chúng cháu nói chuyện cổ tích là để kể cho... người lớn nghe đấy!
Nghe thằng Bất nói như vậy cả bọn bật lên cười ngả nghiêng. Ông Tô không hiểu đầu cua tai nheo ra sao nên không cười. Ông hỏi tiếp:
- Thế là những chuyện gì vậy?
- Là... là... toàn những chuyện hoang đường ngày nay đấy cụ ơi... Như câu chuyện ở Hòa Bình họ “viết” mỗi chữ trên đồi hết gần một tỷ đồng, 11 chữ hết gần 11 tỷ. Chuyện ở miền Trung làm cột điện bê tông không cốt thép, hoặc dùng sợi thép bé tý hon nên gió bão vừa lướt qua đã hạ gục được gần 600 cái cột điện liền...
Thằng Bất chưa nói xong, thằng Lố đã kể tiếp:
- Mới đây là chuyện một ông cán bộ tên là Quên ở Hải Phòng (hình như không phải ông ấy tên là Quên mà là ngược lại) tập hợp toàn bộ tiền nong, đô la của cả họ lại rồi đứng tên bố con nhà mình đem gửi tiết kiệm được đến 100 tỷ đồng và gần 2 triệu đô la. Sao mà cái họ nhà ông ấy giàu quá thế? Đấy đúng là một chuyện cổ tích của thời nay đấy ông giáo ạ!
Thằng Lố nói thêm:
- Rồi chuyện cái dự án gì đó mang tên bò tót ở Ninh Thuận, tiêu tốn tiền ngân sách đến 5 tỷ đồng cuối cùng hết cỏ, đàn bò gầy trơ xương mà dự án vẫn không tìm ra được kết quả nghiên cứu gì hữu ích ông ạ!
- Có mà họ ăn hết cả... cỏ của bò thì có... - Thằng Bất nói vẻ bức bối.
Thằng Biết vốn là một đứa hiền lành, ít nói bây giờ mới lên tiếng:
- Còn một chuyện hoang đường mà có thật ở một tỉnh miền Trung nữa. Ở đây người ta vừa phát minh ra một loại “bảo bối” mới rất hay, rất quý, rất có giá trị, có thể góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và dùng để phát triển kinh tế rất tốt, rất hiệu nghiệm đấy!
- Loại bảo bối gì mà ghê gớm thế?
Cả bọn nhao nhao hỏi. Ông Tô cũng thấy rất ngạc nhiên khi nghe thằng Biết nói như vậy. Thằng Biết thủng thẳng:
- Đó chính là loại “Bình hút tài lộc cao cấp”...
Một thằng vội nói:
- Chắc là loại bình này hút được nhiều tài lộc, giá cả bao nhiêu và họ bán ở đâu để cánh dân nghèo chuyên làm thuê chúng ta góp tiền mua lấy một cái về để đổi đời...
Thằng Biết lắc đầu:
- Họ mới sản xuất được một ít thôi. Hiện nay địa phương này họ đã mua hết rồi. Mua để phân phát cho các cán bộ dự họp đem về hút trước!
Cả bọn lại nhao nhao phản đối:
- Cán bộ đáng lẽ phải gương mẫu, phải nhường cho nhân dân dùng bình “hút tài lộc” trước đã chứ! Sao mà họ tham thế?
- Thì... chúng mày vào trong ấy mà thắc mắc!
Thằng Biết nói rồi cầm chén chè uống ực một cái. Ông Tô hỏi thêm:
- Vậy còn chuyện hoang đường gì nữa không?
- Còn rất nhiều ông ạ! Như chuyện một anh hùng lao động, giám đốc bệnh viện Bạch Mai mà “lương y lại không như từ mẫu”, hút máu bệnh nhân, chuyện cô gái ở Điện Biên triệt hạ nhà hàng bằng 150 mâm cỗ cưới, chuyện “học sinh lớp 1 phổ thông biến thành những Tôn Ngộ Không” đầu năm học mới...
Khi nghe thằng Bất nhắc đến học sinh phổ thông, vốn là một nhà giáo ông Tô vội hỏi:
- Sao học sinh lớp 1 lại biến thành Tôn Ngộ Không?
- Thì... một đứa trẻ con bé tí vừa bước vào lớp 1 tiền sách giáo khoa đã gần một triệu đồng. Ba lô sách vở to nặng hơn người thì phải biến thành Tôn Ngộ không mới mang đến lớp được ông ạ!
Hóa ra là vậy! Sau khi nghe bọn thanh niên nói hết mọi chuyện, ông Tô mới bảo:
- Đúng là toàn những chuyện thật hoang đường... nhưng mà đều có thật. Song, còn một chuyện rất hoang đường nữa mà chúng mày chưa biết...
Đám thanh niên lại nhao nhao:
- Đó là chuyện gì thế ạ?
- Đấy là chuyện bà cụ già 83 tuổi ở Thanh Hóa đạp xe lên xã xin thoát nghèo, xin không nhận trợ cấp của nhà nước, của xã hội nữa. Đó chả phải là một “chuyện hoang đường, chuyện cổ tích” có thật ngày nay à?
- Đúng... đúng là như vậy... những kẻ tham lam, tham nhũng gây nên bao chuyện hoang đường không thể tưởng tượng được hãy nhìn vào tấm gương như cổ tích của bà cụ già nua ấy...
Thằng Bất đứng dậy nói. Đoạn nó bảo ông Tô:
- Thôi, xe chở gạch đến rồi, chúng con xin phép đi chuyển gạch xây nhà tình nghĩa cho bà Lúa ông ạ!
Ông Tô nhìn theo đám trai làng. Ông thấy vui vì chúng biết làm chuyện tình nghĩa. Ông mong chúng sẽ làm nên những câu chuyện cổ tích mới tốt đẹp ở làng...
Hà Nội, ngày 4-10-2020
Hình ảnh có thể có: thực vật