Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 22)

CAO BẰNG - 1979 (phần 22)
Ghi chép của Trọng Bảo

Chúng tôi quay trở lại thị trấn Sóc Giang. Thị trấn Sóc Giang đổ nát hoang tàn. Một tháng trước, nơi đây chính là “tọa độ lửa”, là nơi bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Máu của họ vẫn như còn đọng trên mặt đất rưng rưng. Cũng chính tại nơi đây Tiểu đoàn 3 chúng tôi đã bẻ gãy bao nhiêu đợt tấn công vô cùng ác liệt của kẻ thù xâm lược, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy gần chục chiếc xe tăng của chúng.
Nhưng rồi, đơn vị chúng tôi đã phải rút lui để không bị tiêu diệt hoàn toàn trước sức tấn công ác liệt, liên tục của quân xâm lược với chiến thuật "biển người". Một cuộc rút lui còn gian lao, nguy hiểm hơn là một trận đánh mặt đối mặt với quân thù. Bây giờ chúng tôi, những người còn sống quay trở lại thị trấn biên giới Sóc Giang. Hình như mọi người ai cũng có chung một tâm trạng bùi ngùi.
Kẻ thù đã bị đánh lui, những tên bành trướng đã phải kéo nhau tả tơi tháo chạy về nước. Nhưng cái cảm giác chiến thắng, cảm giác tự hào trong những người lính chúng tôi rất mờ nhạt, hầu như không có. Không có cái niềm vui háo hức, tưng bừng của ngày 30-4 năm nào, chỉ có nỗi bàng hoàng, xót xa về sự tàn phá khủng khiếp, về sự mất mát quá lớn của chiến tranh. Một vùng biên giới hoang tàn. Chẳng còn một bóng người dân nào trong thị trấn, chẳng còn một tiếng gà gáy, chó sủa trong những bản làng dọc đường hành quân. Chúng tôi là những người đầu tiên trở về thị trấn Sóc Giang sau chiến tranh. Đoàn quân súng luôn cầm trong tay, cảnh giác, lầm lũi bước đi trong sự hoang vắng lạnh lẽo, thê lương. Sau trận chiến, một đội hình cán binh quần áo tả tơi, bẩn thỉu. Nhiều người băng còn quấn trên đầu loang lổ màu máu, cánh tay bị thương gãy còn treo lên cổ.
Dọc con đường từ Quý Quân qua bản Nà Nghiềng vào thị trấn Sóc Giang còn in đậm những dấu vết khốc liệt của những trận đánh. Mùi xác chết của người và động vật thối rữa khăn khẳn khắp nơi. Chỗ nào cũng gặp những quả mìn bọn địch gài lại trước khi rút đi. Bộ phận công binh đi trước mở đường. Chúng tôi phải rất thận trọng đặt bước chân theo dấu đã vạch sẵn trên đường của công binh. Người đi sau bước đúng dấu chân của người đi trước để tránh dẫm vào bẫy mìn, vật nổ. Vậy mà vẫn có người bị vướng vào mìn do bọn giặc gài lại. Loại mìn bộ binh của Trung Quốc rất lợi hại. Khi người đạp mìn nổ xé nát hết bắp chân, tháo khớp gối hoặc khớp đùi vẫn không cứu được vì da thịt cứ tiếp tục hoại tử thối dần lên đến bụng, đến nội tạng là chết. Thượng sĩ Trần Quang Tuyến, trung đội trưởng ở Đại đội 9 đã bị vướng vào loại mìn này được cấp cứu và đưa về tuyến sau, không biết tính mạng ra sao?
Đội hình hành quân một hàng dọc chậm chạp vừa đi vừa quan sát xung quanh. Không ai nói một câu nào chỉ nghe tiếng thở dốc của những người mang vác nặng ở bộ phận hoả lực, tiếng thì thào truyền đạt mệnh lệnh theo dọc hàng quân.
Các đơn vị về đến vị trí trú quân. Đại đội 11 lên khu vực bản Cốc Vường, chuẩn bị triển khai việc khôi phục lại trận địa phòng ngự trên các chốt cây đa đối diện cửa khẩu Bình Mãng. Đại đội 9 ở bản Cốc Nghịu, Đại đội 10 ở bản Nà Nghiềng, Đại đội 12 tiếp tục trở lại các trận địa hỏa lực trên Lũng Mật, Lũng Vỉ. Chỉ huy và cơ quan tiểu đoàn về tại các bản Kép Ké, Cốc Sâu là nơi ngày 20-2 bọn địch tập kết để tấn công vào chốt của Đại đội 10, hang huyện ủy và thị trấn Sóc Giang. Tại bản Kép Ké dấu vết chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Tôi đã trèo lên vị trí khẩu 12ly7 của Đại đội 16 ở mỏm núi đá gần bản Kép Ké. Khẩu đội 12ly7 này đã bắn xối xả vào lưng, vào gáy bọn bành trướng để chi viện cho Đại đội 10 bảo vệ trận địa. Tôi cũng đã mò lên hang huyện ủy giữa thị trấn Sóc Giang. Hang đá đã bị bọn địch dùng một lượng thuốc nổ lớn để phá. Cửa hang bị vỡ toang hoác như miệng một con cá sấu.
Tất cả nhà cửa, công trình khu vực thị trấn Sóc Giang, xã Sóc Hà còn sót lại sau các trận pháo kích đều bị bọn địch phá hoại trước khi rút lui. Cột điện cao thế, điện thoại bị ép thuốc nổ đánh gãy ngổn ngang khắp cánh đồng. Bọn chúng dùng thuốc nổ phá hết các loại cầu cống to nhỏ, các công trình dân sinh. Bọn chúng còn đang tâm phá sập cả cửa hang Pác Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Mình đã ở năm 1941. Thị trấn Sóc Giang, xã Sóc Hà giống như vừa qua một trận B52 của Mỹ và còn tan nát hơn nhiều. Bọn giặc ở dưới mặt đất chúng có điều kiện để tàn phá kỹ hơn, triệt để hơn. Nhìn cảnh đổ nát, tan hoang ở Sóc Giang đến mức ghê gớm như này, anh Doanh đã phải thốt lên bảo tôi:
- Bọn giặc bành trướng Trung Quốc đúng là “những B52 mặt đất” đấy mày ạ!.
- Đúng là như vậy anh ạ!
Tôi thấy điều anh nhận xét thật sâu sắc và chuẩn xác. Bởi tôi cũng đã được chứng kiến cảnh thành phố Việt Trì sau trận bom B52 của đế quốc Mỹ rải thảm tháng 12 năm 1972.
Đoạn đường từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang chưa thông. Các loại mìn của ta và của địch gài trên đường lực lượng công binh chưa dò gỡ hết. Mặt đường bị băm nát bởi các hố đạn pháo. Chúng tôi phải cuốc bộ về ngã ba Đôn Chương, về Nà Giàng nhận vũ khí, trang bị và lương thực, thực phẩm. Đường đi phải theo sự chỉ dẫn của công binh để tránh vướng mìn. Khi đi lấy vũ khí, quân trang, gạo ở ngã ba Đôn Chương tôi gặp các anh em, bạn bè ở Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 1 và cơ quan trung đoàn bộ mới biết nhiều người quen thân đã hy sinh như Thiếu tá Nguyễn Khắc Đễ, phó chính ủy trung đoàn, Thượng úy Nguyễn Văn Bính, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Ở cơ quan trung đoàn là hai nữ văn thư bảo mật... Tôi cũng đã nghe và ghi chép lại được nhiều câu chuyện về cuộc chiến tranh vừa xảy ra.
Một buổi sáng khi chúng tôi đang đào công sự, xây dựng trận địa trên chốt thì có một chiếc máy bay trực thăng từ phía Đôn Chương bay lên. Đó là chiếc trực thăng chở tướng Đàm Quang Trung, tư lệnh và các cán bộ quân khu lên thị sát biên giới. Bay đến khu vực thị trấn Sóc Giang chiếc trực thăng lượn một vòng rồi bay tiếp lên phía cửa khẩu Bình Mãng. Cả tiểu đoàn tôi nhốn nháo khi chiếc trực thăng có hình quốc kỳ Việt Nam trên thân cứ phành phạch bay thẳng sang hướng Trung Quốc. Các đơn vị của Tiểu đoàn 3 lập tức báo động. Bên kia biên giới bọn địch cũng vội vã báo động chạy lên trận địa. Bay lên đến sát đường biên giới chỗ cửa khẩu Bình Mãng thì chiếc trực thăng đột ngột quay ngoặt lại vòng lên Lũng Mật rồi bay về đáp xuống sân ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, nơi chúng tôi đã dọn dẹp, cắm cờ đỏ xung quanh làm tín hiệu bãi hạ cánh cho trực thăng.
Khi trực thăng hạ cánh tướng Đàm Quang Trung chui ra mặt vẫn còn vã mồ hôi. Ông bảo mình tự tin thuộc địa hình, địa vật khu vực quê hương Sóc Giang như lòng bàn tay, không cần phải bản đồ. Ông nói với phi công cứ bay lên, lúc nào ông bảo hạ cánh thì hạ. Nhưng khi bay qua Sóc Giang ông đã không nhận ra vì thị trấn đã bị bọn giặc san phẳng rồi. Ông nói phi công cứ tiếp tục bay. Khi nhìn thấy thị trấn Bình Mãng với các khu nhà cao tầng không bị ảnh hưởng gì của cuộc chiến tranh vừa qua ông mới giật mình vội hô phi công bay lộn lại ngay. Suýt nữa thì xảy ra một tình huống xấu. Khi đi bộ qua thị trấn Sóc Giang, tướng Đàm Quang Trung càng kinh ngạc hơn bởi sự tàn phá ghê gớm của quân xâm lược.
Sau khi ổn định vị trí trú quân các bộ phận bắt đầu lên các vị trí chiến đấu đào bới tìm kiếm liệt sĩ. Khắp nơi mùi thối rữa của tử thi, xác động vật bốc lên thật là kinh khủng. Việc xác định, phân biệt hài cốt đâu là quân ta, đâu là địch, đâu là dân cũng thật khó khăn. Mặc dù trước khi chiến tranh xảy ra mỗi người đều có mã số riêng của mình in trong một mảnh bìa cứng để sẵn trong túi áo phòng khi hy sinh thì chôn theo sau này còn biết danh tính. Nhưng đánh nhau cả tháng trời nhiều người đã không giữ nổi mảnh bìa ghi mã số riêng của mình. Mà chớ trêu thay là người giữ được thì vẫn sống, người chết thì lại chẳng còn giữ được cái mã số để đánh dấu mộ chí của mình.
Mấy ngày sau, con đường xuôi về ngã ba Đôn Chương, về thị xã Cao Bằng đã được khai thông. Chuyến xe chở hàng đầu tiên đã lên tới thị trấn Sóc Giang. Đơn vị chúng tôi được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Có một chút thịt lợn kho ướp muối. Mỗi thằng chúng tôi còn được phát một bộ quần áo mới, một đôi giày vải mới. Thằng nào cũng diện ngay quần áo mới, giày mới. Ăn uống tuy còn độn ngô, độn mỳ song cũng no hơn nên trông dáng vẻ lính tráng khoẻ khoắn hơn. Nhiều thằng trông hai má đỡ hóp hơn, mặt mũi đỡ bơ phờ hốc hác như những hôm đầu mới về thị trấn song chưa hết vẻ nhợt nhạt, hậu quả của dài ngày đói khát, gian khổ.
Song chúng tôi chưa kịp mừng thì xảy ra một chuyện. Đó là, khi tiểu đoàn bộị mới chuyển về vị trí bản Kép Ké Ná này trú quân, tiểu đoàn trưởng cho quân y kiểm tra nguồn nước. Nguồn nước mà các máng dẫn về bản từ rất xa trên núi. Dân bản thường đắp các đập trên núi rồi bắc máng dẫn nước tự chảy về bản. Y sĩ đơn vị chỉ đi đến chân núi rồi quay lại vì sợ lên núi vướng phải mìn hoặc gặp bọn thám báo của địch. Do đó, quân y tiểu đoàn không phát hiện là trong đập nước có mấy xác người chết đang thối rữa. Khi trời mưa xuống đã gây ô nhiễm nghiêm trong nguồn nước. Thế là cả đơn vị chúng tôi gần một tháng nấu ăn, lấy uống đã dùng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng ấy. Thảo nào mà nước cứ có mùi hôi hôi. Bọn lính tráng chúng tôi lại toàn uống nước lã mới ghê chứ. Một số anh em trong đơn vị vì thế nên ngã nước, mặt bị sưng phù thũng lên chứ không phải là do sau chiến tranh bộ đội được ăn no nên béo khoẻ...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020

Ảnh: Số phận của quân bành trướng xâm lược.

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 21)

CAO BẰNG - 1979 (phần 21)
Ghi chép của Trọng Bảo

Chúng tôi chưa thể rời khỏi thung lũng Táp Ná như kế hoạch đã định. Buổi tối, chúng tôi nhận được thông tin chiến sự ở huyện Nguyên Bình đang diễn ra ác liệt, bọn địch đang tấn công vào khu công nghiệp mỏ thiếc Tĩnh Túc, các trận đánh ác liệt đang diễn ra ở Hoàng Tung, Minh Tâm. Tin này do một dân quân vừa ở Nguyên Bình về thông báo lại. Do vậy, trung úy Tuân quyết định bộ phận của chúng tôi vẫn ở lại Táp Ná chưa vượt núi sang Nguyên Bình.
Vậy là chúng tôi đã ở Táp Ná một tuần rồi. Đã gần giữa tháng 3, nhưng cây đào trong thung lũng Táp Ná đã tàn hoa đang lên lộc mới. Cây gạo già ở bản Táp Ná lác đác đã có những bông hoa nở đỏ trên cành như những giọt máu rưng rưng. Tiếng súng vẫn vang vọng xung quanh. Chúng tôi không hiểu diễn biến của cuộc chiến tranh hiện tại như thế nào rồi. Tôi nóng lòng mong trở lại đội hình của tiểu đoàn.
Một buổi sáng, trung úy Tuân tập hợp tất cả chúng tôi ở trong khe đá phía sau bản Táp Ná. Anh nhắc nhở, phê bình một số chiến sĩ tự ý đi lại lung tung trong thung lũng, sang cả các bản làng ở thung lũng bên cạnh và nhà dân trên sườn núi để tìm kiếm lương thực, thực phẩm, săn bắt chim thú, tự ý cùng dân quân xuống núi bám địch. Trong các chuyện này, anh phê phán khá gay gắt số anh em cơ quan tiểu đoàn bộ chúng tôi. Anh yêu cầu mọi người phải chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, kỷ luật chiến trường.
Sau khi nhắc nhở các chiến sĩ, trung úy Tuân quyết định:
- Ngay sáng hôm nay, đồng chí Bảo sẽ chỉ huy một tổ đi làm nhiệm vụ chiến đấu. Rõ chưa?
Tôi vội đứng bật dậy đáp:
- Báo cáo rõ!
Trung úy Tuân giải thích rõ thêm:
- Đồng chí chọn lấy hai chiến sĩ đi cùng. Nhiệm vụ là tìm đường sang huyện Nguyên Bình, tìm vị trí trú quân hiện nay của Tiểu đoàn 3, sau đó quay lại đón bộ phận ở Táp Ná. Rõ nhiệm vụ chưa?
- Rõ rồi ạ!
Trung úy Tuân nói thêm vì còn chưa thật yên tâm:
- Các đồng chí đi làm nhiệm vụ lần này phải nhớ là khi tìm thấy tiểu đoàn thì phải nhanh chóng quay lại Táp Ná, tất cả anh em còn lại đang chờ ở đây.
Tôi hiểu vì sao trung úy Tuân lại nói như vậy. Những ngày qua, anh đã cử hai tổ đi trinh sát đường và tìm vị trí của tiểu đoàn hiện nay sau đó quay lại đón bộ phận ở Táp Ná. Nhưng cả hai tổ đã đi quá thời gian quy định không thấy ai quay trở lại. Trung úy Tuân nghi ngờ họ thoát ra khỏi vòng vây quân địch rồi thì sợ không dám quay trở lại nữa. Sau này chúng tôi mới biết là một tổ bị lọt vào ổ phục kích của quân địch bị thương vong, tổ còn lại thì đúng như trung úy Tuân đã nghĩ. Thấy trung úy Tuân cứ vong vo ám chỉ mãi và có vẻ không tin tưởng tôi. Tôi liền nói rất cương quyết để trung úy Tuân và mọi người ở lại yên tâm:
- Nếu lần này vượt qua được núi mà còn sống nhất định chúng tôi sẽ quay lại đón anh em ở đây!
Trung úy Tuân nghe vậy dịu giọng bảo:
- Thôi được rồi! Lựa chọn người và lên đường ngay đi!
Tôi nhìn số anh em cơ quan tiểu đoàn bộ và Đại đội 11 đang đứng ngồi trong khe đá. Mọi người đều chăm chăm nhìn tôi. Ai cũng muốn được tôi chọn đi cùng. Tôi suy nghĩ một lát và quyết định chọn người thứ nhất là thằng Mông là người dân tộc, quê quán lại ở đây, nó biết tiếng dân địa phương lại thông thạo địa hình, đường đi lối lại khu vực rừng núi này. Người thứ hai là thằng Tuất, tiểu đội trưởng vận tải của tiểu đoàn. Thằng Tuất rất nhanh nhẹn, dũng cảm. Các anh em còn lại ồn ào. Họ nhìn tôi với ánh mắt trách móc vì đã không chọn mình. Khi ba chúng tôi khoác súng, đeo ba lô lên đường thì thằng Châu và mấy chiến sĩ cơ quan tiểu đoàn bộ đèo ba lô, xách súng chạy ra. Thằng Châu nói:
- Bọn chúng em đều là chiến sĩ cơ quan tiểu đoàn bộ, anh là người chỉ huy trực tiếp. Anh đi đâu thì chúng em đi theo đấy.
Tôi bảo:
- Tổ chức bộ phận đi làm nhiệm vụ lần này là mệnh lệnh của trung úy Tuân, một sĩ quan, người chỉ huy cao nhất ở đây. nhiệm vụ sẽ rất khó khăn, nguy hiểm. Vì thế tất cả mọi người đều phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh của ông ấy...
Một chiến sĩ nói:
- Khó khăn nguy hiểm em không sợ, chỉ sợ người chỉ huy không...
Tôi biết người lính ấy định nói tiếp điều gì. Tôi khoát tay, nó im không nói tiếp nữa. Dùng dằng mãi các chiến sĩ chưa chịu quay lại, tôi nghiêm giọng nói tiếp:
- Chúng mày phải hiểu đây không chỉ là mệnh lệnh của ông Tuân, mà chính là kỷ luật chiến đấu của quân đội. Không chấp hành nghiêm là sẽ bị xử lý kỷ luật rất nặng đấy, hiểu không?
Thấy anh em vẫn chưa thông, tôi an ủi:
- Bọn tao đi rồi sẽ quay lại ngay. Bọn chúng mày cứ yên tâm ở Táp Ná thêm vài ngày nữa nhé!
Số anh em tiểu đoàn bộ biết là không thể kỳ kèo đòi đi cùng bộ phận của tôi đành quay lại. Thằng Châu đưa cho tôi thêm nửa băng đạn AK, mấy chiến sĩ vận tải thì đưa cho thằng Tuấn ít ngô rang làm lương khô ăn đường.
Chúng tôi rời thung lũng Táp Ná hướng về huyện Nguyên Bình. Thằng Mông đi trước một đoạn ngắn để dò đường, tôi đi giữa, thằng Tuất đi ở phía sau cảnh giới đề phòng bọn địch phát hiện đuổi theo, sẵn sàng lao lên phía trước chi viện cho tôi và thằng Mông. Dọc đường chúng tôi phải ẩn nấp khá lâu tránh một đoàn lính Trung Quốc đang hành quân. Đến quá trưa mới đến chân dãy núi ngăn cách giữa hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình. Chúng tôi thận trọng tiến lên phía đỉnh dốc con đường độc đạo qua dãy núi. Không còn lực lượng quân địch chốt chặn. Dấu vết của bọn chúng để lại trên đỉnh dốc rất rõ. Tôi bảo anh em dừng lại nghỉ. Chúng tôi ngồi nép vào các hốc đá, mô đá bên đường. Qua phía bên kia dốc núi đã là huyện Nguyên Bình rồi. Vậy là chúng tôi sắp gặp lại anh em đơn vị cũ.
Giữa lúc tôi đang định bảo anh em đi tiếp thì thằng Mông đang làm nhiệm vụ cảnh giới kêu lên:
- Có một đoàn quân đông lắm từ phía Nguyên Bình đang đi lên dốc!
Tôi vội quờ khẩu súng ngồi bật ngay dậy. Ba chúng tôi hồi hộp nhô đầu lên quan sát đoàn quân đang theo con đường mòn độc đạo tiến lên đỉnh núi. Trong đầu tôi nghĩ ngay đến phương án xử lý khi chạm địch. Thằng Tuất chợt khẽ reo lên vui mừng:
- Không phải bọn địch... đó là quân ta...
Đúng là quân ta rồi. Tuy còn rất xa nhưng tôi đã nhận ra cái dáng đi luôn chúi người về phía trước của trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ và những bước đi khoan thai của chính trị viên Hoàng Quốc Doanh ở tốp đầu hàng quân. Thằng Tuất định đứng dậy chạy ra mặt đường để giơ tay vẫy, tôi vội ấn đầu nó xuống bảo:
- Không được đột ngột chạy ra giữa đường, anh em ngỡ là bọn địch nổ súng bắn lên rất nguy hiểm. Mày bò ra nấp sau mỏm đá ven đường kia, chờ khi đơn vị đến gần thì gọi to tên các chỉ huy và kêu lên chúng ta là lính của Tiểu đoàn 3 để khỏi bị bắn nhầm.
Thằng Tuất lập tức làm theo lời tôi dặn. Khi bộ phận đi phía của tiểu đoàn đến khá gần nó mới gào to:
- Anh Thọ ơi... chính trị viên Doanh ơi! Chúng em là lính của Tiểu đoàn 3 đây...
Nghe tiếng thằng Tuất kêu, đoàn quân đang lên dốc lập tức dừng lại. Thằng Tuất giơ khẩu súng lên bước ra giữa đường chắp chéo hai tay lại làm hiệu. Tôi và thằng Mông cũng từ sau các mô đá bước ra. Gần như ngay lúc đó các chiến sĩ trinh sát của tiểu đoàn đi tiền trạm phía trước đội hình hành quân đã áp sát ba chúng tôi. Nhận ra nhau mọi người đều vui mừng khôn xiết.
Bộ phận hành quân phía trước của tiểu đoàn, chính trị viên Hoàng Quốc Doanh, tiểu đoàn trưởng Thiêm, trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ cũng đã lên đến đỉnh dốc núi. Mọi người xúm xít lại hỏi chuyện ba chúng tôi. Tôi báo cáo với chỉ huy tiểu đoàn tình hình số anh em bị "thất lạc" đang ở Táp Ná rồi hỏi lại:
- Tiểu đoàn ta hành quân trở về phản công đánh chiếm lại Sóc Giang ạ?
Trợ lý tham mưu Bùi thế Thọ ngạc nhiên:
- Thế bọn mày không biết à? Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi nước ta rồi. Tiểu đoàn ta được lệnh quay về thị trấn Sóc Giang tổ chức xây dựng lại trận địa phòng ngự đấy!
Tôi ngơ ngác:
- Thế ạ! Bọn chúng tôi ở trong vòng vây có đài điện gì đâu mà biết! Thật buồn và đau quá! Bọn địch đang rút lui thế mà không hay biết. Mấy hôm trước gặp một toán giặc đang hành quân trở về phía biên giới, anh em bộ đội và dân quân còn tổ chức chặn đánh nên thêm mấy người bị thương vong. Biết thế thôi đừng đánh nữa có phải bây giờ họ vẫn còn sống không?
Tôi nói và ngậm ngùi khi nghĩ tới những người chiến sĩ, những người dân quân vừa ngã xuống mấy hôm trước. Anh Thọ vỗ vỗ vào vai tôi an ủi:
- Chiến tranh ai biết thế nào mà nói trước…
Tôi cũng nhớn nhác nhìn mọi người. Vắng bóng mấy thằng bạn thân. Tiểu đoàn khi rút sang Nguyên Bình tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ khu mỏ thiếc Tĩnh Túc. Vì thế có thêm nhiều đồng đội của tôi bị thương hoặc đã ngã xuống ở Minh Tâm, Hoàng Tung để chặn con đường quân xâm lược tiến vào khu mỏ…
Tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm giao nhiệm vụ cho bộ phận của tôi quay lại cùng các chiến sĩ trinh sát đi phía trước đảm bảo cho toàn tiểu đoàn tiếp tục hành quân về hướng thị trấn Sóc Giang. Lúc qua gần thung lũng Táp Na tôi bảo thằng Tuất chạy vào báo cho trung úy Tuân và anh em cơ động ra đi cùng đội hình của toàn tiểu đoàn trở về Sóc Giang...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 20)

CAO BẰNG - 1979 (phần 20)
Ghi chép của Trọng Bảo

Sau khi trinh sát chuẩn bị thật cẩn thận cho việc vượt vòng vây sang huyện Nguyên Bình, chỉ huy tiểu đoàn quyết định kế hoạch hành quân. Để đảm bảo bí mật, chúng tôi được lệnh tiêu hủy tất cả các loại giấy tờ, sổ sách ghi chép, chỉ giữ lại mảnh giấy ghi mã số riêng của từng người. Toàn tiểu đoàn đã áp sát con đường giao thông chính lên huyện lỵ Thông Nông.
Trên con đường này, ngay sáng ngày 17-2, hàng chục xe tăng, xe cơ giới của quân xâm lược bành trướng đã rầm rộ đi qua, tràn xuống tận Hòa An.
Khi vượt vòng vây sang Nguyên Bình tôi và một số chiến sĩ đi cuối đội hình cơ quan tiểu đoàn bộ. Lúc chạy qua đường quốc lộ thì bị “cắt đuôi”. Do trời tối, sương mù dày đặc, lúc đó pháo địch lại bắn sang nên bộ phận đi phía sau không bám được đội hình của tiểu đoàn. Chúng tôi phải nằm lại bên này đường khá lâu. Phía biên giới có tiếng xe cơ giới của bọn địch ầm ì. Tôi và mấy anh em liều mạng chạy qua đường quốc lộ bám vào chân núi phía bên kia. Khi chúng tôi lên được sườn núi thì trên đoạn đường vừa vượt sang xuất hiện lực lượng của địch hành quân qua. Vậy là tôi và gần chục chiến sĩ bị tách khỏi đội hình của tiểu đoàn. Tôi thấy vô cùng hoang mang, lo lắng khi xung quanh mình chỉ còn rất ít chiến sĩ, súng đã hết đạn, ba lô không còn lương thực...
Lên tới đỉnh dốc thì chúng tôi gặp trung úy Tuân, đại đội trưởng và một số chiến sĩ Đại đội 11 đi phía sau cũng vừa lên tới đến nơi. Chúng tôi cụm lại ở đầu dốc để định hướng đi tiếp.
Trung úy Tuân lập tức gọi tôi đến để bàn việc làm thế nào để đuổi theo kịp đội hình của tiểu đoàn. Theo điều lệnh chiến đấu của quân đội thì từ giờ phút này trở đi trung úy Tuân là người chỉ huy cao nhất của chúng tôi. Tôi sẽ phải phục tùng mọi mệnh lệnh của trung úy Tuân. Tuy vậy, tôi vẫn là người phụ trách bộ phận của tiểu đoàn bộ. Tôi là hạ sĩ, quân hàm cao nhất trong số các chiến sĩ của cơ quan tiểu đoàn. Theo lệnh của trung úy Tuân chúng tôi tiếp tục hành quân. Trung úy Tuân giao cho tôi phụ trách một tốp đi trước trinh sát, dò đường.
Chúng tôi không theo kịp đội hình của tiểu đoàn. Khi tiểu đoàn đã vượt qua vòng vây của quân địch sang huyện Nguyên Bình tham gia chiến đấu bảo vệ khu mỏ thiếc Tĩnh Túc thì bộ phận của tôi vẫn trong vòng vây quân thù không thoát ra được. Sau khi tiểu đoàn vượt qua dãy núi ngăn cách giữa huyện Thông Nông và huyện Nguyên Bình thì bị bọn địch phát hiện. Bọn chúng tổ chức một lực lượng chốt chặn ở trên đỉnh dốc yên ngựa nơi tiếp giáp giữa hai huyện. Khi hành quân đến gần chân dốc may mà nhờ nhân dân mà bộ phận chúng tôi không bị lọt vào ổ phục kích của chúng.
Hôm đó, chúng tôi dự định sẽ vượt qua dốc yên ngựa để sang Nguyên Bình. Khi bộ phận đi trước của tôi vừa đến chân dốc thì có tiếng một người dân hối hả gọi và từ trong hẻm núi chạy ra. Ông xua xua tay và nói bằng tiếng dân tộc. Tôi vội bảo thằng Mông là người dân tộc H’Mông:
- Mày có biết ông ấy đang nói gì không?
Thằng Mông lập cập nói:
- Ông ấy nói trên đỉnh dốc yên ngựa kia có bọn Tàu phục kích đấy!
Mọi người lập tức tản ra nấp vào các khe, hốc đã xung quanh lối mòn. Tôi bảo thằng Châu quay lại báo ngay cho trung úy Tuân biết. Lúc quay lại nhìn thì ông già người dân tộc vừa báo tin cũng đã lẩn vào sườn núi lô nhô những gộp đá từ lúc nào rồi. Tôi và thằng Tuất ở trung đội vận tải tìm vị trí quan sát. Đúng là trên đỉnh dốc yên ngựa có bóng người thật. Vậy là thông tin của ông già có lực lượng quân địch phục kích trên đó là chính xác. Trung úy Tuân quyết định quay lại tìm con đường khác để vượt qua núi. Nhưng sang huyện Nguyên Bình chỉ có con đường này là độc đạo, các tuyến đường khác đều cách rất xa nơi chúng tôi đang có mặt. Tôi lại dẫn đầu bộ phận đi trước tìm đường. Chúng tôi rẽ theo lối đi vào thung lũng Táp Ná. Đến đầu thung lũng, chúng tôi đã gặp được anh em trong tiểu đội dân quân Táp Ná đang trụ lại bảo vệ bản. Một chiến sĩ dân quân dẫn chúng tôi vào bản.
Suốt một ngày đêm leo trèo vật vã trên vách núi chân tay tôi mỏi nhừ. Vào đến gần ngôi nhà sàn ở cuối bản chúng tôi dừng lại nghỉ. Tôi ngồi dựa vào một mô đá chân núi. Thằng Tuất cảnh giác quan sát xung quanh. Bản Táp Ná nằm trong một thung lũng khá rộng thuộc huyện Thông Nông. Có một con đường nhỏ chạy ngang qua bản và ngược lên vách núi ở phía cuối bản. Nếu tình hình không có gì đặc biệt, bọn địch chưa đánh đến đây thì bộ phận của chúng tôi sẽ ở lại bản vài ngày nghỉ lấy lại sức rồi tiếp tục tìm đường rút sang Nguyên Bình trở về với đội hình của tiểu đoàn.
Anh em dân quân cho biết, bọn địch chỉ bắn pháo vào phía đầu thung lũng chứ chưa đánh vào khu vực Táp Ná. Dân quân đã bắt được một tên nghi là thám báo trinh sát của chúng. Hiện trung đội dân quân của bản vẫn chốt chặn ở đầu lối vào thung lũng. Có một số chiến sĩ các đơn vị quân đội khi rút lui thất lạc qua đây cũng ở lại tham gia chốt chặn đánh địch. Anh em dân quân đề nghị bộ phận của chúng tôi ở lại cùng lực lượng dân quân của bản chiến đấu. Tôi đồng ý nhưng nói với anh em dân quân việc này phải xin ý kiến của trung úy Tuân vì tôi không thể quyết định được. Tôi bảo thằng Tuất quay lại phía sau thông báo và đón bộ phận của trung uý Tuân di chuyển vào bản Táp Ná. Đến khoảng tám giờ tối thì tất cả chúng tôi đã tập trung đầy đủ ở khu bản nhỏ cuối thung lũng.
Anh em dân quân mời chúng tôi ăn cơm. Hai mâm cơm khá thịnh soạn. Cơm trắng. Có thịt lợn luộc, bí ngô nấu canh, rau cải đắng xào gừng và cả một chai rượu ngô nữa. Chúng tôi mỗi người làm một chén cho khí thế. Bao nhiêu ngày rồi chúng tôi mới lại được ăn một bữa no và ngon đến thế. Ánh lửa bập bùng soi không rõ mâm cơm. Nhưng tôi vẫn nhận thấy rõ những khuôn mặt bộ đội, dân quân hốc hác vì đói ăn, đói ngủ bao ngày. Đêm biên giới âm u. Những người lính, người dân ngồi sát bên nhau bên mâm cơm, chia nhau từng miếng cháy đáy nồi. Trận chiến đấu ngày mai ai trong số những người đang ngồi quanh mâm cơm hôm nay đây sẽ nằm xuống. Chiến tranh thật là không thể biết trước điều gì. Tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ họng khi nhớ đến những người đồng đội đã hy sinh…
Ăn xong chúng tôi tranh thủ bàn việc phòng ngự chặn quân giặc tấn công vào Táp Ná. Trung uý Tuân có vẻ hơi bực. Anh không bằng lòng vì tôi đã vượt quyền khi tỏ ý nhận lời ở lại chiến đấu cùng với dân quân ở đây. Anh muốn tiếp tục hành quân đi tìm tiểu đoàn ngay. Tuy vậy, anh cũng cùng chúng tôi bàn phương án chiến đấu. Theo anh em dân quân thì đường vào bản Táp Ná rất dễ phòng thủ nhưng cũng lại rất khó rút lui. Nếu để bọn địch chiếm được vị trí chốt phòng ngự đầu bản thì chúng có thể khống chế toàn bộ thung lũng, dùng hoả lực bắn chặn bít ngay con đường rút lên núi ở phía cuối bản. Lúc ấy toàn bộ bộ đội và dân quân sẽ như là nằm trong lòng bàn tay quân giặc.
Ngày thứ hai khi chúng tôi dừng chân ở đây, bản Táp Ná vẫn bình yên. Tuy vậy để đề phòng tình huống bất ngờ quân địch tấn công, chúng tôi tản ra ẩn nấp ở các khe hõm đá sát chân núi đá. Tiếng pháo của địch bắn lúc xa, lúc gần, không tới được thung lũng này. Anh Tuân nóng ruột với việc đi tìm đường sang Nguyên Bình. Anh em dân quân Táp Ná thông báo lại bọn địch vẫn chốt chặn con đường sang huyện Nguyên Bình chưa thể vượt qua dốc yên ngựa.
Buổi chiều, vừa nhai một miếng cơm nắm xong thì bụng tôi bỗng quặn đau dữ dội. Sau đó, tôi bị tào tháo đuổi, đi ngoài ra toàn nước. Chắc chắn nguyên nhân là do ăn cơm cháo ôi thiu, uống nước đọng ở những hốc đá lâu ngày mất vệ sinh. Tôi đau bụng và đi ngoài liên tục không ngừng lại được. Người tôi mệt bã ra vì đau và mất nước. May mà bọn địch chưa tấn công vào Táp Ná nên tôi không phải vận động chiến đấu. Tôi nằm rũ người trong một khe đá. Mệt đến nỗi chân tay không nhấc lên nổi. Cứ thế này thì nguy hiểm quá. Đêm đến, theo kế hoạch của trung úy Tuân chúng tôi sẽ leo qua vách đá tìm lối để vượt sang phía bên kia dãy núi. Có một dân quân thông thạo địa hình sẽ dẫn đường. Với sức khoẻ suy kiệt thế này chắc chắn tôi không thể nào đi theo đội hình được. Tôi đã nghĩ đến phương án phải ở lại bản Táp Ná với một anh em dân quân. Thằng Châu và thằng Tuất đang rất lo lắng thì một anh dân dân quân cùng một người đàn ông vẻ gầy gò là dân trong bản đến.
Sau khi hỏi han tình hình của tôi, người đàn ông gầy gò nói:
- Chú phải uống một liều thuốc phiện thôi!
- Không được! Lỡ anh ấy bị sốc hay bị nghiện thuốc phiện luôn thì làm thế nào?
Thằng Châu lập tức phản đối. Nó lo lắng cho tôi. Anh dân quân cũng đắn đo mãi mới nói:
- Có lẽ không việc gì đâu!
Tôi vừa nghe họ bàn đến đấy đã phải ngồi dậy ôm bụng lần ngay ra phía sau gộp đá. Cơn đau vẫn quằn lên làm tôi chỉ muốn gục xuống. Người tôi hình như đã bị rút kiệt hết nước rồi. Mệt quá, tôi phải bám vào vách đá mới đứng vững và bước đi. Quay về đến chỗ khe đá nơi mọi người đang ngồi, thì có tiếng súng phía đầu thung lũng rộ lên. Tôi quyết định luôn:
- Đưa... thuốc phiện cho tôi!
Thằng Châu lo lắng. Nó cứ năn nỉ can ngăn tôi không nên uống thuốc phiện. Tôi nói với nó và mọi người, cũng là tự trấn an mình:
- Điều quan trọng nhất bây giờ là khỏi bệnh thật nhanh để còn tiếp tục chiến đấu và hành quân theo anh em. Sống sót, thoát được ra khỏi vòng vây của bọn giặc rồi mọi chuyện tính sau!
Có lẽ mọi người đều hiểu đó là cách tốt nhật trong lúc này khi mà quân thù đang tiến đến rất gần, những người lính, người dân quân chỉ có rất ít đạn, không có một cuộn băng cứu thương, không một viên thuốc chữa bệnh.
Người đàn ông gầy gò - vừa trông đã biết ngay là một con nghiện nặng - thò tay vào túi áo lôi ra một gói nhỏ. Ông ta mở cái gói lấy ra một cục nhựa đen đen véo một mẩu nhỏ vê vê một lúc rồi đưa cho anh dân quânn. Anh dân quân xiên mẩu thuốc phiện vào một cái que rồi bật lửa đốt. Mẩu thuốc phiện nhỏ bằng hạt đậu xanh bắt đầu cháy và toả khói xanh có mùi thơm rất lạ. Khi mẩu thuốc phiện đã phồng lên nở to bằng hạt ngô anh dân quân thả nó vào bát nước còn nóng rót từ trong bi-đông ra. Anh dùng cái que khoắng cho mẩu thuốc phiện tan hết rồi đưa cho tôi. Tôi run run bưng bát nước thuốc phiện đưa lên miệng rồi ngửa cổ uống một hơi hết sạch. Mọi người bảo tôi nằm xuống khe đá nghỉ một lát để lấy lại sức. Quả là một bài thuốc công hiệu. Tôi ngừng hẳn việc tiêu chảy. Bụng tôi sôi ùng ục lên nhưng đã giảm và rồi hết hẳn những cơn đau quặn gan, quặn ruột.
Không biết bằng cách nào mà chập tối thằng Tuất đem đến cho tôi một bi-đông cháo còn nóng ấm. Ăn được chút cháo nóng tôi thấy mình như khoẻ lại. Tôi mong đến nửa đêm là mình có thể đeo khẩu súng đi theo đội hình hành quân.
Sau này, khi hành quân qua những triền núi toàn đá khô cằn gặp những dải đất hiếm hoi trồng loài cây anh túc đang trổ hoa lung linh huyền ảo tôi lại nhớ đến bát nước pha thuốc phiện mà mình đã uống hôm ở thung lũng Táp Ná giữa vòng vây trùng điệp của quân thù.
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 19)

CAO BẰNG - 1979 (phần 19)
Ghi chép của Trọng Bảo

Tình hình ngày càng căng thẳng, bọn địch bám theo dấu vết của tiểu đoàn chúng tôi dai như đỉa đói. Kể từ khi phát hiện ra và tập kích vào đội hình tiểu đoàn tôi ở Lũng Mật thì hình như bọn chúng theo sát bước chân chúng tôi từng ngày. Chúng là lực lượng đặc nhiệm rất thiện chiến và liều lĩnh. Có khi chỉ với một lực lượng nhỏ mà bọn chúng dám đánh thẳng vào giữa đội hình đóng quân của tiểu đoàn tôi. Với một đội hình đói khát, mỏi mệt và nhiều người bị thương, chúng tôi nhiều khi phải rất khó khăn mới ngăn chặn được sức tiến công mạnh mẽ của chúng để cho thương binh, nhân dân và các bộ phận có thời gian rút đi. Sau trận đánh ở Lũng Mật đơn vị cứ phải rút lui liên tục.
Đơn vị chúng tôi lang thang lẩn tránh trên các triền núi. Con đường chúng tôi đi là những vách đá chênh vênh trên lưng chừng núi đá, qua những thung lũng bản làng của người H'Mông lưa thưa vài nóc nhà trình tường thấp lè tè, ám khói và ướt sũng sương mù. Những người lính đi phía trước tôi quần áo bê bết màu đất đỏ, có người còn ba lô, có người mất hết tư trang khi chiến đấu, khi phá vây. Nhiều người đeo chiếc quần dài ngược trên lưng làm ba lô để đựng đạn, đựng chút lương thực và nhét tăng võng vào trông như đang đeo một nửa thân người. Một đoàn quân đã mệt mỏi, hết đạn, hết lương thực nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng đối diện với bọn xâm lược một trận quyết tử trên dãy núi đá này. Nhưng với những người chỉ huy như chính trị viên Hoàng Quốc Doanh không bao giờ anh chấp nhận một trận đánh kiểu "tự sát" như thế. Anh yêu cầu các bộ phận phải chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường, bảo toàn lực lượng khi có lệnh phản công sẽ giáng trả lại bọn xâm lược một trận thích đáng.
Một buổi tối chúng tôi đến một thung lũng nhỏ có mấy ngôi nhà đất của người H'Mông. Tiểu đội tôi chui vào một ngôi nhà lẻ loi tận cuối bản. Anh chủ nhà là một người bé nhỏ. Anh ta có đôi mắt sùm sụp, luôn nhìn xuống đất. Người H'Mông suốt ngày leo vách núi đá tai mèo nên mắt thường quen nhìn xuống chân mình như thế. Thằng Châu thì thào bảo tôi:
- Tên chủ nhà này hai mắt trông có vẻ gian xảo lắm anh ạ! Có khi nó là gián điệp của bọn Tàu khựa. Nó mà báo cho bọn giặc biết ta trú quân ở đây thì nguy anh ạ!
- Đừng có nghi ngờ bậy bạ?
Tôi nhắc nó nhưng trong lòng cũng thấy băn khoăn lo lắng. Những ngày qua việc kẻ thù rất nhanh chóng phát hiện ra nơi đơn vị vừa dừng chân khiến chúng tôi phải hết sức cảnh giác. Nhất định là có bọn chỉ điểm. Trời đã tối hẳn. Anh chủ nhà đang lúi húi nhóm bếp. Theo anh ta cho biết vợ và hai đứa con đã phải đi trốn vào hang đá trên núi cao tránh giặc, chỉ có một mình anh ta ở lại trông coi nhà. Khi bếp lửa vừa nhen lên thì anh ta lặng lẽ rút con dao nhọn gài trên vách lần ra cái máng nước phía sau nhà ngồi mài. Thằng Châu lập tức bám theo ngay.
Giữa lúc tôi đang tìm chỗ mắc võng phía ngoài thì nghe tiếng quát tháo ồn ào ở trong nhà. Tôi vội lao vào nhà xem có chuyện gì xảy ra. Thằng Châu, thằng Đình đang túm giữ chặt tay anh chủ nhà. Hai thằng lôi anh từ phía sau vào trong nhà. Thằng Đình đang tra hỏi, giọng vẻ gay gắt, đầy sự nghi ngờ:
- Tại sao mày dám làm như vậy?
- Tao không biết…
Anh chủ nhà gãi đầu. Trông anh ta nhỏ bé gầy gò. Nét mặt anh ta khắc khổ. Bộ quần áo đen anh đang mặc cũ rách bạc phếch. Tay phải anh ta vẫn còn đang cầm một con dao chọc tiết lợn nhọn hoắt, sáng loáng.
- Mày không biết hay là nói dối hả?
- Tao không biết chữ thật mà!
Lúc này tôi mới để ý nhìn theo tay thằng Đình đang chỉ. Đó là một bức tranh treo trên tường. Bức tranh có ghi câu khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” in trên nền một đóa hoa sen. Bức tranh được treo trên tường rất cẩn thận. Chỉ có điều khác thường là nó bị treo lộn ngược.
Thằng Châu cũng có vẻ giận dữ hỏi:
- Mày đúng là một thằng phản động nên mới treo dòng chữ có lời dạy của Bác Hồ lộn ngược như thế này?
Anh chủ nhà cố phân trần:
- Ô… ô… tao không biết chữ đâu! Tao xuống chợ, vào hiệu sách thấy nó đẹp thì mua về để treo thôi mà.
Thằng Châu tiếp tục cật vấn:
- Có đúng là mày không biết chữ chứ?
Anh chủ nhà gật đầu:
- Đúng mà! Tao có được đi học bao giờ đâu mà biết cái chữ chứ!
Thằng Đình hỏi tiếp:
- Thế mày không nhìn thấy cái gì đây à? Đây là bông hoa sen. Mày không biết chữ thì cũng phải biết đó bông hoa sen chứ. Mày treo bông hoa sen lộn ngược cuống hoa lên thế này hả?
- Tao… tao… cũng không biết đó là bông hoa… hoa… Tao chưa nhìn thấy loại hoa này bao giờ đâu?
Tôi gạt thằng Châu và thằng Đình ra bảo:
- Thôi đi! Nó quanh năm sống trên đỉnh núi cao, xuống đến chợ thị trấn là cùng, có về xuôi bao giờ đâu mà biết hoa sen là thế nào mà chúng mày bảo nó treo ngược cuống hoa lên trời! Đừng nghi oan cho đồng bào hiểu không?
Thằng Châu vẫn chưa chịu. Nó tiếp tục vặn vẹo:
- Thế tại sao đang đêm mày lấy dao lén đi mài để làm gì hả! Định chờ chúng tao ngủ say để ra tay à?
Anh chủ nhà luống cuống:
- Không… không phải đâu! Tao mài dao để thịt con lợn lấy thịt cho bộ đội ăn đấy mà!
Thằng Đình quát:
- Chuồng lợn nhà mày trống trơn trống trọi, làm gì có con lợn nào đâu mà thịt! Đừng có mà trí trá?
- Thật mà… cái bộ đội đi theo tao!
Nói đoạn, anh ta rút một mảnh gỗ nghiến đang cháy rừng rực ở bếp làm đuốc soi đường dẫn chúng tôi ra phía bìa rừng. Chúng tôi xách súng bám theo sát anh ta. Thằng Châu cảnh giác, nó mở khóa nòng khẩu súng AK lên đạn và vượt lên trước chú ý quan sát xung quanh. Nó sợ bị dẫn vào ổ phục kích của bọn giặc. Chúng tôi đi theo anh chủ nhà đến chỗ lùm cây trong một hốc đá thì nghe có tiếng ủn ỉn. Tôi rọi đèn pin soi. Một chú lợn béo múp độ gần hai chục cân được buộc ở một gốc cây. Anh chủ nhà bảo:
- Tao giấu nó ở đây mấy ngày rồi đấy! Cả nhà tao chỉ có mỗi một con lợn này nuôi thôi!
Nói xong, anh ta túm hai chân sau con lợn nhỏ vác lên vai quay về nhà. Trở lại bếp, anh chủ nhà chọc tiết con lợn. Nồi nước trên bếp cũng đã sôi. Anh chủ nhà và mấy chiến sĩ nhanh chóng cạo lông con lợn.
Bữa tối hôm ấy thật ngon. Có ít gạo nấu một nồi cơm vơi mỗi người được hai sét bát. Lại có nồi thịt lợn tươi của chủ nhà thật hấp dẫn. Khi cắn miếng thịt lợn ngọt, ngậy mỡ tôi chợt nhớ đến anh chủ nhà. Từ lúc làm thịt xong con lợn thì không nhìn thấy anh ta đâu nữa. Tôi vội đặt bát xuống đảo ra phía sau nhà. Bên đống lửa đã tàn anh chủ nhà đang ngồi ăn. Trên cái bát loa mẻ chỉ có một chút mèn mén đồ bằng bột ngô rời rạc, khô cứng.
Tôi ngồi xuống bên anh ta và hỏi:
- Sao anh không vào nhà ăn cùng với bộ đội?
Anh chủ nhà cười hiền lành:
- Bộ đội ăn nhiều đi, lấy sức mà đánh nhau với bọn giặc. Nhất định đừng để chúng nó cướp mất nước ta nhé! Mình ăn thế này là được rồi.
Tôi nhúm một ít mèn mén đưa lên miệng. Miếng mèn mén bột ngô khô khốc ăn như nhai bột sống và nhạt thếch, tắc nghẹn trong cổ. Tôi kéo anh chủ nhà đứng dậy mời anh vào nhà cùng ăn cơm với bộ đội. Anh dứt khoát không chịu.
Giữa lúc hai chúng tôi còn đang co kéo thì có mệnh lệnh tiếp tục hành quân. Mọi người nhanh chóng đeo ba lô rời khỏi ngôi nhà. Nồi cơm, nồi thịt ăn dở khênh đi theo luôn. Tôi gọi thằng Đình lại bảo nó đưa cho tôi gói muối dự trữ của tiểu đội. Tôi vốc một vốc muối gói vào mảnh lá chuối đưa cho anh chủ nhà. Anh chủ nhà chụm cả hai bàn tay chìa ra nhận món quà quý giá mà tôi cho.
Chúng tôi nhanh chóng nhập vào đội hình hành quân của tiểu đoàn. Đi được một đoạn, ngoảnh lại nhìn ngôi nhà mình vừa trú quân, trong ánh sáng chập chờn của ngọn lửa tôi thấy bóng anh chủ nhà vẫn đứng ở cửa bếp trông theo đoàn quân đi trong thung lũng...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 18)

CAO BẰNG - 1979 (phần 18)
Ghi chép của Trọng Bảo

Bọn địch bắt đầu tiến lên dãy núi đá truy kích tiểu đoàn chúng tôi. Chúng nó đánh chỗ này chúng tôi lại cơ động sang nơi khác, vòng vèo đuổi nhau qua từng thung lũng. Tôi không thành thạo địa hình khu vực núi đá này nên không biết đang đi đâu, đang ở đâu. Có lệnh là đi, bảo dừng lại nghỉ là dừng lại cho anh em tìm chỗ mắc võng hay rải lá làm nơi nằm nghỉ. Trong bao lô của tôi chỉ còn một cái tăng và cái võng. Khi trời tạnh thì rải tăng xuống đất làm chiếu, võng đắp làm chăn. Khi trời mưa hay sương mù ẩm thấp thì rải võng xuống đắp tăng cho đỡ ướt. Khi mới lên núi còn tấm vải liệm liệt sĩ đắp thêm nên cũng đỡ lạnh. Sau đó tấm vải liệm phải dùng đến, tôi trao cho anh em đem đi mai táng liệt sĩ. Nhiều đêm lạnh quá không tài nào mà ngủ được. Nếu như ở đồng bằng vài anh em nằm gần nhau có hơi người cũng đỡ rét. Nhưng trên sườn núi, khe đá chả có chỗ nào rộng để hai người trải tăng cùng nằm chung được với nhau cả.
Một bữa tôi đang ngồi ở trong một hốc đá ghi chép thì thằng Châu đi đâu về tìm đến thông báo:
- Anh Hà Trung Lợi, tiểu đội trưởng hữu tuyến đã tìm được về với đơn vị rồi đấy anh ạ!
- Anh ấy đang ở đâu?
Tôi hỏi và nhét cây bút chì cùng cuốn sổ vào cóc ba lô đứng ngay dậy. Thằng Châu nói tiếp:
- Anh ấy đang gặp chỉ huy tiểu đoàn để cáo cáo tình hình, lát anh sẽ về với trung đội thông tin.
Thằng Châu chưa nói dứt câu đã thấy Hà Trung Lợi lù lù đeo súng đi đssn. Tôi hỏi ngay:
- Hôm trước anh em Đại đội 10 rút lên đây nghe nói bộ phận do mày chỉ huy bị “cắt đuôi”, lạc mất đội hình, không biết sống chết ra sao làm bọn tao lo quá.
Hà Trung Lợi cười hiền lành:
- Thì đến gần sáng ngày 22-2, Đại đội 10 cùng số anh em của tiểu đoàn bộ và của Đại đội 11 được lệnh rút lên núi đá. Bộ phận tao đi sau, lúc qua bản Nà Nghiềng bị bọn chúng phát hiện chặn đánh. Tao phải dẫn một số anh em chạy xuống hướng bản Nà Cháo rồi mới vượt qua cánh đồng sang dãy núi đá...
- Mọi người an toàn cả chứ?
Thằng Lợi có vẻ buồn bã nói:
- Một số anh em không rõ địa hình và tình hình đich nên cứ thẳng đường từ Nà Cháo chạy xuống phía xã Quý Quân bị lọt vào ổ phục kích bị chúng nó bắn chết hết... chúng nó còn mổ bụng, băm xác họ ra nữa... Từ trên sườn núi tao nhìn thấy mà thương anh em quá...
Lúc này tôi mới nhìn kỹ mặt thằng Lợi và kêu lên:
- Tại sao mặt mũi mày sước rách bươm hết thế? Bị mảnh lựu đạn à?
- Không... chuyện này dài lắm... Có nước cho tao một hớp?
Thằng Châu vội đưa cho Lợi cái bi đông. Thằng Lợi uống một ngụm nước rồi ngồi xuống phiến đá cạnh tôi. Nó gác khẩu AK vào vách núi rồi kể vì sao mặt mũi nó sước rách be bét như thế:
“- Buổi chiều hôm cuối cùng trên chốt của Đại đội 10 ở thị trấn Sóc Giang, bọn địch chỉ bắn cầm chừng. Hình như chúng đang củng cố lại đội hình chuẩn bị cho một đợt tấn công quyết liệt hơn. Tao quan sát phía các bản Kép Ké, Cốc Sâu cẩn thận rồi gọi một chiến sĩ trong trung đội đang ôm súng ngồi dưới chiến hào:
- Hùng ơi! Tao với mày xuống đoạn đường bọn địch nằm chết ngổn ngang chỗ bụi tre kia kiếm một ít đạn và xem bọn chúng có lương khô, lương khiếc gì không. Đói lắm rồi mà không thấy nuôi quân đem cơm lên gì cả. Kiểu này tất cả tập trung đánh nhau với bọn Tàu rồi chắc chả còn ai nấu nướng cơm nước gì nữa đâu. Mà mấy hôm nay nó đánh ác liệt thế không hiểu Đại đội 10 họ nấu ăn thế nào được nhỉ?
- Chắc là anh em Đại đội 10 họ chỉ ăn toàn gạo sấy thôi!
Tao bảo:
- Thế nên tao với mày xuống chỗ bọn giặc chết kiếm ít đạn và xem chúng nó có lương khô hay cái gì ăn được không nhé? Thời đánh Mỹ, Trung Quốc có các loại lương khô 701 và 702 viện trợ cho ta, ăn ngon lắm!
Thằng Hùng ôm cái bụng đói nói:
- Thế thì tuyệt quá! Để em đi trước.
Thằng Hùng nói và xách súng toài xuống chân dốc. Tao cũng lập tức chuội người theo sát phía sau. Hai anh em mò xuống mặt đường ngổn ngang xác những tên giặc bành trướng xâm lược. Cả hai lom khom nhặt mấy khẩu súng, gỡ lấy bao đạn và ba lô của bọn địch. Tao vừa định gỡ cái ba lô trên lưng một tên địch đang nằm úp mặt vào thành ta-luy đường thì cái “xác” ấy quay ngoắt lại ngồi bật dậy. Hóa ra là nó giả vờ chết. Tay phải nó vung lên. Tao hét to:
- Lựu đạn đấy! Nằm xuống!
Nhanh như cắt, tao nhào người lăn về phía ta-luy âm. Trước khi phóng người lao xuống đám cây xấu hổ đầy gai góc um tùm tao còn kịp xiết cò găm một loạt đạn AK vào tên giặc giả chết. Cánh tay của thằng giặc vừa vung lên liền rũ xuống. Quả lựu đạn tuột khỏi bàn tay nó rơi xuống mặt đường lăn ngược trở lại chỗ nó đang nằm. Một tiếng nổ vang lên. Khói bụi đất cát văng mù mịt. Tao lồm cồm nhổm dậy hốt hoảng gọi:
- Hùng ơi… Hùng ơi…
- Em đây… em vẫn an toàn. Anh... anh có việc gì không?
Thằng Hùng cũng đang chui ra từ trong bụi cây xấu hổ dưới mép đường. May quá nó cũng không việc gì. Cả hai chỉ bị gai xấu hổ cào sướt hết mặt mũi, máu chảy túa ra. Tao vội bảo nó:
- Tao không việc gì! Mẹ cha thằng Tàu khựa khốn kiếp… Suýt nữa thì chúng mình toi mạng oan với nó… Thôi, rút ngay!
Tao và thằng Hùng xách mấy thứ thu được vội vàng leo trở lại công sự. Có tiếng nổ đầu nòng và tiếng đạn pháo bay rít trên đầu. Vừa chui vào trong hầm, thằng Hùng đã vội mở hai cái ba lô lấy được của bọn địch. Chả có cái gì ngoài mấy bộ quần áo cũ và cái bi đông cạn khô. Nó dốc ngược một chiếc ba lô. Mấy củ khoai lang sống từ túi cóc ba lô lăn ra nền đất. Có một củ đang ăn dở. Chắc thằng giặc đói này vừa mới cướp được ở bản Kép Ké. Thằng Hùng bực bội chửi đổng:
- Mẹ kiếp! Cái đồ nghèo kiết xác, chết đói, chết khát thế này mà cũng đòi đi xâm lược!
Tao phì cười bảo:
- Thôi lại đành nhai tạm chút gạo sấy cho đỡ đói vậy!
Tao mở ba lô của mình lấy ra một túi ni-lông còn chút ít gạo sấy. Từng người lần lượt thò tay vốc một nhúm ngậm vào trong miệng. Rồi họ chuyền tay nhau cái bi đông đựng nước suối, mỗi người tợp một ngụm. Ngậm nước suối và gạo sấy trong miệng một lúc chờ cho hạt gạo trương lên, mềm đi rồi bắt đầu nhai cho đỡ đói. (Nếu bạn đọc muốn biết thứ gạo sấy mà những người lính chúng tôi đã được cấp phát để ăn trong chiến tranh ngày ấy như thế nào thì có thể tự mình làm thử. Bạn hãy lấy một ít cơm nguội để từ hôm trước ném vào nước lạnh ngâm cho nó trương lên, hoặc vớt một ít cơm còn lại trong chậu sau khi rửa bát ăn thử là biết. Gạo sấy của người lính biên cương ngày ấy giống hệt như vậy. Nó nhạt nhẽo vô cùng, nhưng ngày ấy chúng tôi cũng chả có đủ mà ăn lấy sức trong những ngày đánh nhau với bọn Tàu khựa).
Buổi chiều 21-2, bọn địch tổ chức thêm một đợt tấn công nhưng có vẻ không quyết liệt lắm. Thêm mấy chục tên địch nữa bị tiêu diệt. Cuối buổi chiều xuất hiện một chiếc xe tăng địch tiến vào trận địa của ta. Có điều lạ là chiếc xe tăng này không bắn. Nòng pháo trên xe quay ngang. Bọn bộ binh địch hình như không phải là sẽ tấn công lên trận địa của quân ta. Chúng tiến chậm chạp sau xe tăng là để lôi xác đồng bọn bị chết từ đợt tấn công buổi sáng và đầu buổi chiều về phía sau. Nhận ra hành động này của bọn địch, đại đội trưởng Đại đội 10 Nông Xuân Bổng hạ lệnh cho toàn đại đội ngừng bắn để cho bọn giặc đem xác chết đồng bọn ra khỏi trận địa.
Lũ giặc thấy hoả lực của ta lắng đi vội lao vào lôi xác đồng bọn chạy ra xa. Chúng xếp những xác chết thành hàng lối như một đội hình thẳng hàng trên con đường phía trước thị trấn. Quan sát hành động của chúng, tất cả các chiến sĩ trên trận ai cũng ngạc nhiên thắc mắc, không hiểu vì sao. Họ nhao nhao gọi hỏi nhau:
- Chúng nó định làm cái gì thế?
Từ nãy đến giờ đại đội trưởng Nông Xuân Bổng vẫn chú ý quan sát mọi hành động của bọn địch. Nghe mọi người í ới gọi hỏi nhau, anh thủng thẳng bảo:
- Chắc là bọn chúng quyết tâm tiến vào thị trấn Sóc Giang bằng con đường của những xác chết đấy! Chúng nó sẽ được toại nguyện...”.
Nghe câu chuyện của thằng Lợi kể tôi thốt lên:
- Ngày cuối cùng chúng mày ở lại Sóc Giang đúng là nguy hiểm quá?
Thằng Lợi bảo:
- Lúc đánh nhau không sợ. Lúc vượt vây tao bị một tình huống còn nguy hiểm và sợ hơn nhiều... Đó là lúc bò qua cánh đồng bản Nà Cháo sang chân núi đá. Bọn bộ binh địch đi đầu trên con đường từ thị trấn Sóc Giang xuống phía bản Nà Cháo. Tao đang nép vào một bờ ruộng để bò lê đi thì có tiếng lịch bịch phía sau. Tao ngoái cổ nhìn lại. Một con trâu mẹ và một con nghé đang đi theo ngay phía sau tao. Đó là trâu của bà con trong các bản nghe pháo bắn phá chuồng chạy ra cánh đồng. Con trâu mẹ vừa cúi đầu gặm cỏ giật mình ngóc đầu lên nhìn. Khi thấy tao đang nằm ép mình bên bờ ruộng chắc là nó ngạc nhiên không hiểu vì sao. Khi tao bò đi hai mẹ con con trâu cũng lững thững đi theo. Con nghe lại còn tiến lại gần ghé mũi "khịt... khịt..." vào người tao nữa chứ. Tình huống nguy hiểm quá. Tao nhìn chằm chằm vào mắt con trâu mẹ như muốn bảo nó hãy dẫn con chạy đi. Tao khẽ: “Xuỳ… xuỳ…xuỳ…” mấy tiếng để xua đuổi nó. Nhưng mẹ con con trâu vẫn không hiểu cứ đứng sững nhìn tao nằm ép người xuống mặt ruộng. Tao lo quá. Bọn địch đang hành quân trên đường trông thấy hai con trâu ngứa mắt lia cho một loạt đạn thì nguy to. Tao vừa định đưa nòng súng ra để dọa hai con trâu thì bỗng đất đá tới tấp ném đến. Một người dân binh Trung Quốc đang đứng trên đường ném xuống để lùa hai con trâu đi theo đàn trâu mà họ vừa ăn cướp được trong các làng bản của chúng ta. Một hòn đá ném trúng lưng tao. Đau quá tao khẽ vặn người. Hai con trâu lồng lên chạy thẳng sang phía chân núi đá. Bọn địch cũng không phát hiện ra tao đang nằm khuất sau bờ ruộng thấp...
Câu chuyện của thằng Lợi đang hấp dẫn thì có lệnh hành quân. Trinh sát báo về bọn địch đang tiến đến đầu Lũng Vỉ. Tôi và thằng Lợi vội vàng khoác ba lô lên vai, xách súng chạy theo anh em. Mỗi thằng đi một hướng. Mãi đến sau khi chiến tranh kết thúc tôi mới gặp lại thằng Lợi. Hà Trung Lợi đã ra quân, hiện sinh sống ở Thanh Sơn, Phú Thọ, lấy vợ là gái Thái Bình lên khai hoang. Gần bốn mươi năm sau mãi gần đây tôi mới liên lạc được với Lợi, thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm cuộc sống của nhau.
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 17)

CAO BẰNG - 1979 (phần 17)
Ghi chép của Trọng Bảo

Tình hình trên Lũng Vỉ, Lũng Vài ngày càng khó khăn do lượng người tăng lên. Một số cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của trung đoàn cũng rút lui lên khu vực của Tiểu đoàn 3. Vấn đề lương thực và nước uống rất nan giải. Có những vị trí phòng ngự rất tốt nhưng không có nước uống chúng tôi lại phải rời đi. Các bộ phận ban ngày thì ém quân trong các hang hốc, khe đá để tránh bị địch phát hiện, ban đêm thì cơ động xuống bản, xuống suối để tìm lương thực và nước uống. Bọn xâm lược tràn ngập khắp nơi nên việc xuống núi phải rất thận trọng.
Một buổi sáng, cơ quan tiểu đoàn bộ tổ chức lực lượng từ Lũng Vỉ sang Lũng Mật để lấy nước và lương thực. Chúng tôi hành quân sang Lũng Mật từ ba giờ sáng. Lũng Mật có một bản người Dao độ chục nóc nhà. Trong bản có một cái bể xây bằng xi măng rất to để chứa nước mưa. Đến Lũng Mật thì trời đã sáng hẳn. Tôi lấy đầy một bi-đông nước, nhận một ít gạo trong kho dự trữ của Đại đội 12, bà con dân bản cho mấy bắp ngô. Khi chúng tôi đang chuẩn bị trở về thì bị bọn địch tập kích bất ngờ. Sương mù trên núi chưa tan hẳn thì tiếng súng nổ chát chúa khắp Lũng Mật. Đó là tiếng súng 12ly7 và tiếng đạn cối 60. Cả thung lũng mù mịt lửa khói. Tiếng kêu hoảng loạn của nhiều người dân trong bản vang lên. Chúng tôi vội vớ lấy súng đạn nhưng chưa biết quân địch ở phía nào mà bắn. Mọi người phải nằm ép người vào các mô đá, khe hốc núi để tránh đạn.
Khi xác định được hướng bắn của bọn địch chúng tôi càng lo lắng, sợ hãi. Bọn địch đã vác được súng 12ly7, đại liên và cối 60 lên một mỏm núi cheo leo dốc đứng ở đầu Lũng Mật. Từ đây chúng có thể khống chế toàn bộ thung lũng. Bọn này chắc chắn phải là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của quân địch. Chúng chính là bọn lính sơn cước. Bọn này leo vách núi rất giỏi giống như một lũ tắc kè, kỳ nhông sống hoang dã trên núi.
Chúng tôi lợi dụng các các mô đá, khe núi để ẩn nấp và chống trả quân địch. Nhưng có nhiều người nấp sau mô đá vẫn bị trúng đạn của bọn địch đang ở trên cao. Những viên đạn bắn tỉa của chúng xỉa xuống khá chính xác. Cầm cự đến khoảng gần chín giờ bộ phận chúng tôi được lệnh nhanh chóng vượt qua đoạn dốc giống như dây diều căng trên sườn núi để rút sang hướng Lũng Vài, Lũng Vỉ. Đoạn đường rất dốc và trống trải. Nếu không khống chế được hoả lực địch trên mỏm núi đầu Lũng Mật thì đội hình chúng tôi leo lên con dốc lưng chừng núi sẽ làm những tấm bia sống cho bọn giặc thử súng.
Khi Đại đội 12 tổ chức được hỏa lực 12ly7 bắn trả, khống chế quân địch thì chúng tôi mới bắt đầu vượt qua con dốc dây diều để quay trở về Lũng Vỉ. Chúng tôi chạy gằn trên đoạn dốc trống trải, vừa chạy vừa tránh đạn địch. Đó đúng là một cuộc chạy đua với cái chết thực sự. Cứ chạy một đoạn chúng tôi lại phải nằm sấp xuống mặt đường tránh đạn. Đạn địch vẫn bắn xối xả, khói bụi mù mịt, lá cây rừng ven con đường mòn rụng xuống tơi tả. Có những người bị trúng đạn chới với ngã gục xuống mặt đường hoặc lăn nhào xuống sườn núi.
Tôi đeo ba lô, xách súng chạy ngược lên dốc. Linh tính hay là sự may mắn đã giúp tôi thoát khỏi những loạt đạn bắn đuổi của bọn địch. Cứ chạy được một đoạn tôi lại lao người nằm úp xuống đường. Khi tôi vừa đổ người nằm ép xuống mặt đường thì đạn địch lại bắn chiu chíu ngay sát trên lưng, lá cây bên phía vách núi rụng xuống tơi tả. Thật may, lần nào tôi cũng thoát cả. Thằng Hòa, nhân viên thống kê chính trị tiểu đoàn chạy ngay phía trước tôi. Hai thằng vừa chạy vừa nằm, vừa bò ngược lên dốc. Thằng Hòa lao đã lên nấp được sau một mô đá to khá an toàn trên đầu dốc núi.
Nhìn xuống, thấy tôi lúc chạy gằn, lúc nằm bẹp xuống mặt đường để tránh đạn thằng Hòa bèn gọi to:
- Bảo ơi! Cứ bình tĩnh mà chạy lên đây nhé. Tao sẽ yểm hộ cho…
Nó cầm khẩu M79 giơ giơ lên để động viên tôi. Nghe tiếng nó gọi tôi vừa ngước lên nhìn thì bỗng "oành" một tiếng. Quả đạn cối 60 nổ trên vách núi ngay trên đầu dốc ở gần chỗ thằng Hoà đang ẩn nấp. Mảnh đá vụn văng rào rào, khói bụi mù mịt, lá cây bay tả tơi. Tôi hốt hoảng nghĩ: “Thôi chết! Không khéo thằng này tan tành thành từng mảnh mất rồi!”. Tình hình thế này phải vượt được sang phía bên kia dốc núi càng nhanh càng tốt. Lợi dụng khi đạn địch vừa ngớt, tôi lại nhỏm ngay dậy lao lên. Khi tôi chưa kịp đổ người nằm xuống thì một quả cối 60 và một loạt đạn địch bắn trùm lên cả đoạn đường. Tôi đạp vào một hòn đá bị trượt chân ngã nhào vào phía vách đá. Tôi cố gượng lật người nằm úp xuống mặt đường, thu thân hình nhỏ nhất để tránh đạn bắn tỉa của bọn địch. Chợt thấy bụng mình ướt sũng tôi hoảng quá nghĩ: "Mình bị thương rồi! Máu chảy nhiều quá. Nhưng tại sao lại không thấy đau và choáng nhỉ?". Tôi vội thò tay xuống bụng rồi đưa lên nhìn. Bàn tay tôi đỏ quạch. Nhưng không phải là máu mà là màu đất đỏ trên mặt đường. Hóa ra một viên đạn địch đã bắn trúng làm thủng cái bi-đông trong cóc ba lô, nước chảy ra ướt sũng quần áo khiến tôi tưởng là máu.
Lúc vượt lên tới đỉnh dốc, tôi lăn được sang phía bên kia sườn núi, khuất hẳn tầm bắn của bọn địch. Tôi xốc lại ba lô xách súng theo lối mòn đi được vài bước thì tôi gặp thằng Hòa. Nó đang ngồi thu lu trong một hốc đá ngay sát bên lối đi. Thấy nó không bị sây sát gì tôi mừng lắm. Nó cũng rất mừng khi tôi thoát lên được. Tôi bảo nó:
- Chờ mày yểm hộ thì tao đã toi mạng từ tám hoánh nào rồi?
Nó cười hề hề tuy mặt thì vẫn còn tái đi:
- Nói thế để cho mày yên tâm. Khẩu M79 của tao chỉ còn mỗi một viên đạn thì yểm hộ cái cóc khô gì được nữa chứ?
Tôi ngồi phịch xuống cạnh nó. Tôi vừa thở dốc vì mệt vừa nói:
- Thảo nào nó mới choang cho một quả cối cách xa đến cả trăm mét mà mày đã chuồn nhanh thế?
Thằng Hòa cười bảo:
- Hì… Suýt nữa thì tao tan xác vì quả cối ấy đấy! Mà này, mày đói chưa?
Tôi nhăn mặt:
- Đang đói run người lên đây! Từ tối hôm qua đến giờ đã kiếm được cái gì cho vào bụng đâu?
Thằng Hòa lục cóc ba lô lôi ra nửa con gà luộc. Nó xé đưa cho tôi cái đùi gà và bảo:
- Mày ăn đi cho đỡ đói. Bà con trong bản Lũng Mật cho đấy!
Hai thằng vừa lau mặt vừa ăn. Thịt gà ăn vã, không muối, nhạt bã ra trong miệng. Giá mà có mấy hạt muối thì tốt quá. Sau này, khi cùng về học tại Trường sĩ quan Chính trị, mỗi lần gặp nhau tôi và Nguyễn Xuân Hòa hay nhắc lại kỷ niệm của lần suýt chết ở Lũng Mật sáng hôm ấy và càng xót thương cho biết bao đồng đội cùng lên biên cương nhưng không có ngày trở về như chúng tôi...
Tôi không bao giờ quên Lũng Mật với những người dân thật thà, chất phác, hết lòng thương yêu bộ đội. Vậy mà đến nay sau bao nhiêu năm chiến tranh người dân ở đây vẫn còn chịu cảnh nghèo khó. Tôi thấy buồn đã đọc được đoạn này của Báo Pháp luật Việt Nam viết về Lũng Mật cách đây không lâu: “Tách biệt với dòng chảy hội nhập, bà con người Dao ở bản Lũng Mật, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) hiện vẫn sống trong cảnh cơ cực trên các sườn, đỉnh núi Lũng Mật, đường đi lại vô cùng khó khăn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trầm trọng. Nhìn từ trung tâm xã, con đường đi lên Lũng Mật như một sợi chỉ uốn lượn quanh những ngọn núi. Do đường đi khó khăn nên phải mất 2 tiếng đồng hồ mới lên đến bản Lũng Mật. Thấp thoáng sau những vạt chuối là các nóc nhà 4 mái của đồng bào người Dao.
Những khó khăn ấy đang “níu giữ” cái đói nghèo, bởi vậy cuộc sống của người dân luôn bị cái nghèo bủa vây khiến họ không dám mơ ước đến những điều tưởng chừng như rất đỗi giản dị... Điều khiến khách xa đến Lũng Mật cảm thấy ngạc nhiên và xúc động nhất là khi bắt gặp Trường Tiểu học Lũng Mật nằm chênh vênh trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Trường có 1 dãy nhà tạm gồm 3 phòng học. Diện tích các phòng học chỉ rộng khoảng 10m2, vách thưng ván gỗ, mái lợp proximăng, nhiều chỗ tường vách đã quá cũ nên các thầy cô giáo phải che bạt lên mái và xung quanh để tránh nắng mưa, chắn gió cho học sinh học tập. Vì đơn giản, thô sơ nên có thể nghe rõ tiếng dạy học của lớp bên cạnh khi đang ngồi học.
Hiện nay cả phân trường có 3 giáo viên dạy lớp ghép. Trường có 15 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng khuyết lớp 4 do không có học sinh. Trường học chưa có điện nên các lớp học đều phải tận dụng ánh sáng tự nhiên. Các lớp học ở đây thiếu thốn đủ bề về cơ sở vật chất, đồ chơi, thiết bị dạy học…”.
Lũng Mật ơi! Sao mà thương nhớ quá...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 16)

CAO BẰNG - 1979 (phần 16)
Ghi chép của Trọng Bảo

Đêm đã về khuya. Trời lạnh buốt da, buốt thịt. Chúng tôi tranh thủ gặm nắm cơm đã khô cong cho đỡ đói chờ lệnh xuất phát. Trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ nhìn đồng hồ. Đã gần một giờ sáng. Khi một đợt pháo và ĐKZ của bọn địch bắn vào cửa hang vừa dứt, khói bụi còn mù mịt chính trị viên Hoàng Quốc Doanh hạ lệnh cho bộ phận đi trước:
- Xuất phát!
Các tốp lần lượt xuất phát sau mỗi lần pháo địch vừa dứt. Tôi đi vào tốp gần cuối đội hình rút lui. Khi vừa có lệnh chúng tôi lập tức lao ra ngoài cửa hang. Đá núi ở bên ngoài cửa hang bị pháo băm vụn, nghiền nát, thậm chí sức nóng của lửa đạn đã nung chín thành vôi bột cả con đường lát bằng đá từ chân dốc lên hang. Chúng tôi không thể bước đi như bình thường được. Tất cả mọi người liền ngồi bệt xuống, súng quàng trước ngực, ba lô sau lưng, người hơi ngả về phía sau, hai tay dang ra hai bên giữ thăng bằng tụt xuôi nhanh xuống dốc như trẻ con chơi tụt máng trượt trong công viên. Khi chúng tôi đến được đầu nhà bưu điện thị trấn thì pháo địch bắt đầu bắn loạt tiếp theo. Mọi người nhảy ào xuống mương nước. Quên cả cái giá lạnh, chúng tôi lội trong mương nước bám sát nhau về phía bản Nà Nghiềng. Trong bản có lực lượng của địch co cụm chốt giữ. May mà lòng mương sâu gần hai mét so với mặt đường, nước lại chảy rào rào, lau lách rậm rạp nên bọn địch không phát hiện được.
Theo kế hoạch, đến cuối bản Nà Nghiềng tốp đi đầu dừng lại lập thành một điểm chốt sẵn sàng đánh chặn địch và chờ để đón các bộ phận tiếp theo rút qua. Các bộ phận cứ thế thay thế nhau, tốp trước cảnh giới cho tốp sau vượt qua. Tôi dừng lại áp ngực vào bờ mương cho đỡ rét. Tôi vừa căng mắt quan sát, canh chừng con đường từ bản Nà Nghiềng ra vừa hồi hộp chờ tốp tiếp theo rút qua chỗ mình. Đội hình của tiểu đoàn bộ cùng các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11, Đại đội 9 đã vượt ra được cánh đồng băng sang phía chân núi đá. Không ngờ, cuộc rút lui của chúng tôi lại an toàn tuyệt đối. Bọn địch không phát hiện được khi gần một trăm con người, có nhiều thương binh cùng vũ khí đi qua ngay dưới chân đồn công an vũ trang và sát bản Nà Nghiềng là nơi bọn chúng đang chốt giữ. Có lẽ vì chúng không ngờ chúng ta lại liều lĩnh, táo bạo đến thế.
Trời đã gần sáng. tôi cùng mấy anh em trong tiểu đội vô tuyến khẩn trương chạy đến chân núi đá. Chúng tôi băng qua cánh đồng đang cày dở. Những luống cày căn ngang rất khó chạy. Đến giữa đồng, tôi gặp mấy thương binh nhẹ đang dìu nhau đi. Tôi giục:
- Anh em hãy nhanh nhanh lên! Trời sắp sáng rồi. Cố gắng đến chân dãy núi bên kia hãy dừng lại nghỉ kẻo bọn địch phát hiện ra đấy!
- Vâng… vâng…
Vừa định chạy đi cho kịp anh em trong tiểu đội nhưng thấy mấy thương binh dìu nhau tập tễnh mãi không qua được một bờ ruộng cao, tôi lộn quay lại đỡ từng người vượt qua và chạy đến gần chân núi đá.
Khi tôi đến được chân dãy núi đá có lối mòn dẫn lên Lũng Vỉ thì trời đã tang tảng sáng. Tốp đi đầu đã vượt lên lưng chừng núi. Tại chân dốc núi chúng tôi gặp tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm và các chiến sĩ của Đại đội 12 đang chờ đón ở đây. Các chiến sĩ Đại đội 12 giúp các bộ phận khiêng cáng thương binh nặng, mang vác vũ khí leo lên dốc. Chúng tôi nhanh chóng theo con đường độc đạo, trơ trụi trèo ngược lên đỉnh núi. Bọn địch không phát hiện ra. Nếu bọn chúng phát hiện được thì chỉ cần một lực lượng hỏa lực rất nhỏ là còn đường lên dốc núi sẽ bị chặn đứng một cách rất dễ ràng. Lên đến lưng chừng núi tôi ngoảnh lại nhìn. Thị trấn Sóc Giang vẫn đang ầm ầm tiếng nổ, rừng rực lửa cháy...
Khi chỉ huy tiểu đoàn và các lực lượng Đại đội 9, Đại đội 11 rút đã lên Lũng Vỉ thì các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10 cùng một tiểu đội của Đại đội 11 và trung đội tăng cường của cơ quan tiểu đoàn bộ vẫn tiếp tục củng cố trận địa tại điểm chốt trước cửa ngõ thị trấn Sóc Giang. Họ cầm cự chiến đấu với bọn giặc suốt ngày hôm sau. Buổi tối ngày 21-2, lực lượng cán bộ, chiến sĩ bộ phận chiến đấu ở chốt của Đại đội 10 đã tổ chức thành công một cuộc phá vây rút lui lên núi về lại với đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 3...
Những ngày chúng tôi ở Lũng Vỉ thật là khốn khổ. Thiếu lương thực. Thiếu nước. Vách núi đá vôi khô khốc. Chỗ khe đá có nhiều cây nhất dòng nước ri rỉ ra chảy cả ngày cũng chỉ được độ vài xô nước. Khi bộ đội chưa rút lên bà con ở đây thường dùng nước mưa là chủ yếu. Nước mưa được hứng cho chảy vào các bể xây bằng xi măng. Bể nào to lắm cũng chỉ chứa được khoảng một hai, ba mét khối. Bây giờ bộ đội và dân chạy loạn kéo lên cả trăm người thì lượng nước dự trữ của dân bản trên núi cũng cạn dần.
Bộ đội ẩn náu trong các khe đá, hoặc giữa các mô đá mồ côi nhấp nhô khắp thung lũng. Một anh thương binh nằm trong khe đá tỉ mẩn quan sát những cây dương xỉ bám trên đá. Anh thấy những cái rễ loà xoà trùm lên hòn đá có những nốt phồng to như hạt lạc. Anh rứt nhấm thử, thấy có nước và vị ngọt. Thì ra những cây dương xỉ trên núi đá vôi khác hẳn những cây dương xỉ sống ở khu vực núi đất và trong khe suối ẩm ướt. Những nốt sần treo lủng lẳng trên rễ của cây dương xỉ trên núi đá vôi quanh năm khô cằn chính là cái túi dự chữ nước. Thiên nhiên khắc nghiệt đã bắt buộc sinh vật phải có cách thích nghi để sinh tồn và phát triển.
Người lính ấy sung sướng gào lên:
- Nước… có nước rồi chúng bay ơi… ha… ha…!
- Thôi chết! Thằng này đau quá mê sảng rồi!
Mọi người xúm lại vì ai cũng nghĩ anh ta mệt và khát quá nên mê sảng. Anh thương binh đưa ra một nắm những cái hạt sùi từ rễ của cây dương xỉ bảo mọi người nếm thử. Và, thế là thật tình cờ, chúng tôi phát hiện ra một nguồn nước tuy không thể nấu cơm, rửa vết thương cho thương binh nhưng lại có thể giải khát. Chúng tôi bứt những cái nốt sần rễ của cây dương xỉ nhai cho đỡ khát. Quả là một nguồn nước vô tận của người lính trong vòng vây quân thù. Một nguồn nước nhỏ nhoi nhưng thật vô cùng quý giá. Trong túi cóc ba lô ngoài nắm ngô rang còn có thêm những "hạt nước" của cây dương xỉ mọc trên núi đá vôi khô cằn.
Những ngày ở Lũng Vỉ chúng tôi chủ yếu là ăn gạo sấy. Đó là loại gạo đã được rang chín đóng trong túi ni-lông. Lẽ ra có nước sôi đổ vào thì ăn sẽ ngon hơn. Nhưng chúng tôi không đun được nước sôi vì khói bốc lên sẽ lộ vị trí giấu quân. Vì thế, gạo sấy chủ yếu pha bằng nước lã. Ăn thứ gạo sấy này giống hệt như cơm nguội ném vào nước lạnh cho trương lên, hoặc tựa như những hạt cơm còn sót lại trong chậu sau khi rửa bát. Nó nhạt nhẽo. Nhưng trong vòng vây của kẻ thù có được một chút gạo sấy để ăn cho đỡ đói là đã may lắm rồi. Nhiều bộ phận không còn một gói gạo sấy nào nữa. Lương thực cạn dần, gạo sấy rồi cũng hết. Bộ đội cả ngày cũng chỉ có vài hạt ngô hoặc hạt đậu tương rang khô khốc. Nhiều lúc hành quân leo núi mệt thời không ra hơi vẫn phải cố nhai ngô, đậu tương rang cho đỡ đói.
Từ ngày 22-2 trở đi bọn địch, nhất là lực lượng đặc nhiệm sơn cước của chúng bắt đầu truy kích theo dấu vết của Tiểu đoàn 3 chúng tôi. Vị trí tiểu đoàn chúng tôi ém quân ở Lũng Vài, Lũng Vỉ bị lộ do một số chiến sĩ công an vũ trang và thanh niên xung phong tự ý xuống bản tìm lương thực bị bọn địch phát hiện, mấy người bị chúng bắn thương vong. Bọn chúng truy đuổi theo số chiến sĩ này lên núi...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 15)

CAO BẰNG - 1979 (phần 15)
Ghi chép của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: văn bản
Ảnh: Một trang trong cuốn sổ ghi chép của tôi, có sơ đồ về trận đánh của Tiểu đoàn 3 tại Thị trấn Sóc Giang ngày 20-2-1979.


Trận đánh quyết liệt buổi chiều ngày 20-2, các đơn vị của Tiểu đoàn 3 đã đẩy lui tất cả các cuộc tấn công của bọn bành trướng vào thị trấn Sóc Giang và các trận địa phòng ngự của mình. Các đơn vị trong tiểu đoàn đã thể hiện được quyết tâm: "Chiến đấu đến viên đạn, người lính cuối cùng, kiên quyết không rời trận địa khi chưa có lệnh!".
Đại đội 10 sau cuộc cận chiến bằng lưỡi lê, báng súng tuy chịu rất nhiều tổn thất song đã đánh bật bọn địch xuống mặt đường, đẩy lui lượng lượng đặc nhiệm của chúng trở lại điểm cao 505, cơ bản lấy lại được trận địa. Đại đội 9 vẫn giữ vững được trận địa Kéo Nghìn và khu vực ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, Bộ phận chốt chặn của Đại đội 11 vẫn bảo vệ được đoạn đường hẹp "cổ chai" phía dưới trường cấp 1+2 chặn quân địch từ hướng cửa khẩu Bình Mãng tràn xuống thị trấn Sóc Giang. Trong ngày, sáu chiếc xe tăng địch bị bắn cháy, bắn hỏng, hơn bốn trăm tên địch bị tiêu diệt. Xác xe tăng, xác bộ binh chúng nằm rải rác khắp thị trấn Sóc Giang, trên cánh đồng bản Nà Nghiềng. Bọn địch từ hướng Mỏ Sắt, Thông Nông lên phải co cụm lại. Không một tên địch nào bám được vào chân núi đá lên hang huyện ủy, sở chỉ huy của Tiểu đoàn 3. Bọn chúng bị chặn đứng ở ngay phía trước nhà bưu điện và trong chợ thị trấn. Những khẩu súng trên tay xác những tên giặc chết nằm trên đám ruộng ngô non bản Nà Nghiềng, khu chợ thị trấn và nòng pháo trên những chiếc xe tăng bị bắn cháy vẫn hướng về phía cửa hang huyện ủy, nơi chúng không thể đến và nơi đơn vị chúng tôi đang trụ vững.
Khi các hướng tiếng súng tạm lắng thì màn đêm buông xuống. Trừ bộ phận cảnh giới, chúng tôi rút vào trong hang tránh đạn pháo của bọn địch. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh ngồi dựa vào thành hang. Trông anh có vẻ mệt mỏi. Chúng tôi ngồi nằm ngổn ngang xung quanh, nhiều người quần áo còn bê bết bùn đất. Trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ tranh thủ báo cáo tình hình địch, sau đó tôi tổng hợp điện của các đơn vị báo cáo về quân số thương vong, về trang bị vũ khí đạn dược. Nét mặt của chính trị viên Hoàng Quốc Doanh thêm tối đi mỗi khi tôi đọc số lượng, tên người hy sinh, mất tích, bị thương. Anh em trong hang cũng lặng đi khi nghe thấy tên đồng đội của mình vừa ngã xuống. Không khí trong hang trầm hẳn đi...
Hồi lâu chính trị viên Hoàng Quốc Doanh mới lên tiếng:
- Chúng ta đã chịu nhiều tổn thất, hy sinh. Nhưng hôm nay chúng ta đã đánh một trận làm cho quân thù phải khiếp sợ. Thị trấn Sóc Giang hôm nay đúng là một "tọa độ lửa" các đồng chí ạ. Nhiều người đã hy sinh nhưng chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ được trận địa. Hôm nay, các đồng chí ấy ngã xuống để cho chúng ta còn sống ngồi đây... không ai được quên điều ấy...
Lặng đi một lát anh nói thêm, giọng nhỏ hơn:
- Nếu buổi chiều hôm nay chúng ta không giữ vững được trận địa, hoặc có một đơn vị, một bộ phận nào rút lui tháo chạy thì tất cả chúng ta sẽ bị tiêu diệt không ai còn sống đâu. Bọn địch đã quây kín xung quanh cái thị trấn nhỏ bé này rồi...
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh biểu dương tình thần chiến đấu của các đơn vị trong tiểu đoàn. Anh bảo tôi điện báo khen ngợi các đơn vị. Anh cũng không quên nhắc đến sự chi viện của một khẩu đội 12ly7 thuộc Đại đội 16 của trung đoàn. Khẩu đội này bố trí trên mỏm núi đá bên phải các bản Cốc Sâu, Kép Ké, ngay giữa đội hình xuất phát của quân địch khi tấn công vào chốt của Đại đội 10 sáng nay. Các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã dũng cảm nằm im giữa đội hình của bọn giặc chờ đợi. Bọn giặc sẽ không phát hiện ra nếu họ vẫn nằm im hoặc lặng lẽ trèo lên núi cao theo đường mòn rút đi. Nhưng các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã không làm thế. Họ nằm im khi quân địch tập trung quân xung quanh ngay dưới chân mình. Khi bọn địch bắt đầu tấn công vào thị trấn thì họ lập tức nhả đạn xối xả vào lưng, vào gáy bọn chúng để chi viện cho Đại đội 10 giữ chốt. Bọn địch bị bất ngờ. Sau phút hoảng loạn chúng tổ chức một lực lượng quay lại bao vây tấn công lên mỏm núi tiêu diệt khẩu đội 12ly7 ngay sau lưng đội hình của chúng. Sau này chúng tôi được biết, các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Họ phá hỏng khẩu 12ly7 trước khi bọn địch xông đến rồi dùng lựu đạn và súng bộ binh quyết tử với chúng.
Tôi thấy xúc động những lời chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vừa nói. Là người phụ trách thông tin liên lạc, nhận những bức điện trong những tình huống cam go nhất nên tôi hiểu. Có bộ phận bị đánh ác liệt, bị thương vong thiệt hại nặng nề xin rút lui, có đơn vị chết gần hết chỉ huy, có đại đội vị không còn đạn dược. Tình huống dồn dập, cấp bách, bọn địch tấn công khắp nơi có lúc tôi nghe điện đã hoang mang vậy mà chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vẫn bình tĩnh xử lý. Anh còn động viên tôi bình tĩnh giữ vững thông tin liên lạc. Tôi đã cố gắng xử lý được tất cả các tình huống để đảm bảo liên lạc thông suốt trong các trận đánh, nhất là khi bị bọn giặc phá sóng. Nhiều lần cứ mở máy liên lạc là bọn giặc xen vào làm nhiễu sóng và nghe lén thông tin. Loại máy vô tuyến 884 chúng tôi đang sử dụng là do Trung Quốc sản xuất viện trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vì thế chúng rất hiểu khi gây nhiễu, phá hoại.
Để chuẩn bị cho các trận đánh ngày hôm sau, cơ quan tiểu đoàn bộ tổ chức một trung đội sang tăng cường cho Đại đội 10. Tiểu đội trưởng hữu tuyến Hà Trung Lợi được bổ nhiệm giữ chức vụ trung đội trưởng. Lực lượng của trung đội này gồm hơn chục chiến sĩ thuộc các ở các bộ phận thông tin, vận tải, nuôi quân. Sau khi nhận đủ người, Hà Trung Lợi liền dẫn bộ đội đi ngay. Ngày 21-2, Hà Trung Lợi đã cùng bộ phận của mình chiến đấu rất dũng cảm cùng anh em Đại đội 10 giữ vững trận địa. Trung đội trưởng thông tin Phạm Hoa Mùi cũng được giao phụ trách một bộ phận chiến đấu.
Thấy tôi cứ nhấp nhỏm vì chưa biết mình sẽ được giao nhiệm vụ gì, đi tăng cường cho bộ phận nào thì chính trị viên Hoàng Quốc Doanh hỏi:
- Có chuyện gì thế! Có đơn vị nào điện khẩn về à?
Tôi đứng dậy nói:
- Báo cáo thủ trưởng không ạ! Em chỉ muốn biết mình sẽ được tăng cường về đơn vị chiến đấu nào thôi ạ?
Anh Doanh lừ lừ nhìn tôi rồi bảo:
- Mày vẫn phải ở lại cơ quan tiểu đoàn bộ lo việc bảo thông tin cho chỉ huy, hiểu không? Ngày mai tình hình sẽ còn căng thẳng ác liệt đấy!
Tôi ngồi xuống ôm súng tựa vào vách hang. Nhiều người trong cơ quan tiểu đoàn bộ đã lên đường tăng cường cho đơn vị chiến đấu, tại hang huyện ủy còn rất ít, chủ yếu là thương binh và một số chiến sĩ trinh sát, thông tin, hậu cần, vận tải làm nhiệm vụ đảm bảo cho chỉ huy tiểu đoàn.
Đến khoảng hơn tám giờ tối thì chúng tôi nhận được lệnh rút lui khỏi thị trấn Sóc Giang.
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh lập tức họp cùng các cán bộ bàn phương án rút lui. Một tấm bản đồ địa hình trải xuống ngay nền hang đá. Các chỉ huy đang bàn kế hoạch rút khỏi thị trấn. Những cái đầu bù xù. Những khuôn mặt hốc hác vì gần tuần nay chiến đấu ác liệt, đấu trí, đấu sức với quân giặc và chứng kiến bao sự hy sinh rồi mất ngủ, đói khát. Với một đơn vị đã thiệt hại nặng, gần như kiệt sức chiến đấu cùng rất nhiều thương binh nặng việc tìm một phương án rút lui làm sao cho đỡ tổn thất thêm sinh lực quả là không đơn giản. Vị trí hang chỉ huy của tiểu đoàn đã bị lộ. Bọn địch bao vây chặt thị trấn. Lực lượng của chúng ở điểm cao 505 và đồn công an vũ trang trên mỏm đồi đối diện hang huyện ủy và ở bản Nà Nghiềng khống chế chặt chẽ mọi hành động của tiểu đoàn. Chúng bắn không tiếc đạn vào cửa chính của hang và các vị trí phòng ngự của tiểu đoàn ở khu vực thị trấn Sóc Giang.
Sau một lúc trao đổi, chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh đi đến một quyết định táo bạo:
- Chúng ta sẽ rút lui theo hướng cửa hang chính xuống phía trước nhà bưu điện rồi qua con mương nước phía bên trái bản Nà Nghiềng, sau đó băng qua cánh đồng sang dãy núi đá vượt lên trên Lũng Vỉ. Nếu bị bọn địch phát hiện ngăn chặn thì chúng ta sẽ nổ súng mở đường máu rút quân…
Có nhiều tiếng xì xào. Bởi nếu rút lui theo hướng cửa hang chính thì đúng là một cuộc phá vây, mở đường máu thực sự. Bọn địch đã chiếm bản Nà Nghiềng, xe tăng chúng nằm lổm ngổm chặn khắp các ngõ ngách thị trấn Sóc Giang. Con đường rút lui của đơn vị sẽ đi qua giữa đội hình quân địch. Biết thế nhưng không ai có ý kiến phản đối. Bởi vì ai cũng hiểu đường rút qua cửa hang phụ an toàn hơn, bọn địch khó phát hiện được. Nhưng cửa hang phụ hẹp, vách núi đá dựng đứng, người khoẻ leo lên, leo xuống đã khó đừng nói là khênh cáng thương binh.
Tiếp theo, trợ lý tham mưu tiểu đoàn Bùi Thế Thọ bắt đầu trình bày kế hoạch cụ thể cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đang có mặt trong hang nghe. Theo kế hoạch, các bộ phận sẽ chia nhỏ thành từng tổ ba bốn người, vũ khí, trang bị, khiêng cáng thương binh thật gọn gàng, để có thể trong vòng hai đến ba phút, là khoảng cách thời gian giữa hai đợt pháo địch bắn cầm canh vào cửa hang, phải vượt được một quãng đường gần hai trăm mét từ cửa hang xuống đến con mương nước bên phải bản Nà Nghiềng rồi thoát ra cánh đồng. Tiểu đội trinh sát đi trước ém quân dọc theo con mương sẽ bảo vệ cho đội hình rút lui. Tốp rút ra trước yểm hộ cho tốp đi sau. Khi bị địch phát hiện thì từng bộ phận sẽ tổ chức đánh địch, vừa đánh vừa rút dần sang phía bên kia cánh đồng, bám vào chân núi đá để đánh địch. Đại đội 12 sẽ cử người xuống chi viện chặn địch khi cần thiết và đón cơ quan tiểu đoàn bộ và thương binh lên núi
Tôi hiểu, việc chia nhỏ ra như thế nếu bị trúng đạn pháo hoặc quân địch phát hiện truy kích thì tổn thất sẽ ít hơn. Bộ phận mở đường do trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ và các chiến sĩ trinh sát nắm tình hình địch, công binh để phát hiện mìn, xử lý vật cản...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020