Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 19)

CAO BẰNG - 1979 (phần 19)
Ghi chép của Trọng Bảo

Tình hình ngày càng căng thẳng, bọn địch bám theo dấu vết của tiểu đoàn chúng tôi dai như đỉa đói. Kể từ khi phát hiện ra và tập kích vào đội hình tiểu đoàn tôi ở Lũng Mật thì hình như bọn chúng theo sát bước chân chúng tôi từng ngày. Chúng là lực lượng đặc nhiệm rất thiện chiến và liều lĩnh. Có khi chỉ với một lực lượng nhỏ mà bọn chúng dám đánh thẳng vào giữa đội hình đóng quân của tiểu đoàn tôi. Với một đội hình đói khát, mỏi mệt và nhiều người bị thương, chúng tôi nhiều khi phải rất khó khăn mới ngăn chặn được sức tiến công mạnh mẽ của chúng để cho thương binh, nhân dân và các bộ phận có thời gian rút đi. Sau trận đánh ở Lũng Mật đơn vị cứ phải rút lui liên tục.
Đơn vị chúng tôi lang thang lẩn tránh trên các triền núi. Con đường chúng tôi đi là những vách đá chênh vênh trên lưng chừng núi đá, qua những thung lũng bản làng của người H'Mông lưa thưa vài nóc nhà trình tường thấp lè tè, ám khói và ướt sũng sương mù. Những người lính đi phía trước tôi quần áo bê bết màu đất đỏ, có người còn ba lô, có người mất hết tư trang khi chiến đấu, khi phá vây. Nhiều người đeo chiếc quần dài ngược trên lưng làm ba lô để đựng đạn, đựng chút lương thực và nhét tăng võng vào trông như đang đeo một nửa thân người. Một đoàn quân đã mệt mỏi, hết đạn, hết lương thực nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng đối diện với bọn xâm lược một trận quyết tử trên dãy núi đá này. Nhưng với những người chỉ huy như chính trị viên Hoàng Quốc Doanh không bao giờ anh chấp nhận một trận đánh kiểu "tự sát" như thế. Anh yêu cầu các bộ phận phải chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường, bảo toàn lực lượng khi có lệnh phản công sẽ giáng trả lại bọn xâm lược một trận thích đáng.
Một buổi tối chúng tôi đến một thung lũng nhỏ có mấy ngôi nhà đất của người H'Mông. Tiểu đội tôi chui vào một ngôi nhà lẻ loi tận cuối bản. Anh chủ nhà là một người bé nhỏ. Anh ta có đôi mắt sùm sụp, luôn nhìn xuống đất. Người H'Mông suốt ngày leo vách núi đá tai mèo nên mắt thường quen nhìn xuống chân mình như thế. Thằng Châu thì thào bảo tôi:
- Tên chủ nhà này hai mắt trông có vẻ gian xảo lắm anh ạ! Có khi nó là gián điệp của bọn Tàu khựa. Nó mà báo cho bọn giặc biết ta trú quân ở đây thì nguy anh ạ!
- Đừng có nghi ngờ bậy bạ?
Tôi nhắc nó nhưng trong lòng cũng thấy băn khoăn lo lắng. Những ngày qua việc kẻ thù rất nhanh chóng phát hiện ra nơi đơn vị vừa dừng chân khiến chúng tôi phải hết sức cảnh giác. Nhất định là có bọn chỉ điểm. Trời đã tối hẳn. Anh chủ nhà đang lúi húi nhóm bếp. Theo anh ta cho biết vợ và hai đứa con đã phải đi trốn vào hang đá trên núi cao tránh giặc, chỉ có một mình anh ta ở lại trông coi nhà. Khi bếp lửa vừa nhen lên thì anh ta lặng lẽ rút con dao nhọn gài trên vách lần ra cái máng nước phía sau nhà ngồi mài. Thằng Châu lập tức bám theo ngay.
Giữa lúc tôi đang tìm chỗ mắc võng phía ngoài thì nghe tiếng quát tháo ồn ào ở trong nhà. Tôi vội lao vào nhà xem có chuyện gì xảy ra. Thằng Châu, thằng Đình đang túm giữ chặt tay anh chủ nhà. Hai thằng lôi anh từ phía sau vào trong nhà. Thằng Đình đang tra hỏi, giọng vẻ gay gắt, đầy sự nghi ngờ:
- Tại sao mày dám làm như vậy?
- Tao không biết…
Anh chủ nhà gãi đầu. Trông anh ta nhỏ bé gầy gò. Nét mặt anh ta khắc khổ. Bộ quần áo đen anh đang mặc cũ rách bạc phếch. Tay phải anh ta vẫn còn đang cầm một con dao chọc tiết lợn nhọn hoắt, sáng loáng.
- Mày không biết hay là nói dối hả?
- Tao không biết chữ thật mà!
Lúc này tôi mới để ý nhìn theo tay thằng Đình đang chỉ. Đó là một bức tranh treo trên tường. Bức tranh có ghi câu khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” in trên nền một đóa hoa sen. Bức tranh được treo trên tường rất cẩn thận. Chỉ có điều khác thường là nó bị treo lộn ngược.
Thằng Châu cũng có vẻ giận dữ hỏi:
- Mày đúng là một thằng phản động nên mới treo dòng chữ có lời dạy của Bác Hồ lộn ngược như thế này?
Anh chủ nhà cố phân trần:
- Ô… ô… tao không biết chữ đâu! Tao xuống chợ, vào hiệu sách thấy nó đẹp thì mua về để treo thôi mà.
Thằng Châu tiếp tục cật vấn:
- Có đúng là mày không biết chữ chứ?
Anh chủ nhà gật đầu:
- Đúng mà! Tao có được đi học bao giờ đâu mà biết cái chữ chứ!
Thằng Đình hỏi tiếp:
- Thế mày không nhìn thấy cái gì đây à? Đây là bông hoa sen. Mày không biết chữ thì cũng phải biết đó bông hoa sen chứ. Mày treo bông hoa sen lộn ngược cuống hoa lên thế này hả?
- Tao… tao… cũng không biết đó là bông hoa… hoa… Tao chưa nhìn thấy loại hoa này bao giờ đâu?
Tôi gạt thằng Châu và thằng Đình ra bảo:
- Thôi đi! Nó quanh năm sống trên đỉnh núi cao, xuống đến chợ thị trấn là cùng, có về xuôi bao giờ đâu mà biết hoa sen là thế nào mà chúng mày bảo nó treo ngược cuống hoa lên trời! Đừng nghi oan cho đồng bào hiểu không?
Thằng Châu vẫn chưa chịu. Nó tiếp tục vặn vẹo:
- Thế tại sao đang đêm mày lấy dao lén đi mài để làm gì hả! Định chờ chúng tao ngủ say để ra tay à?
Anh chủ nhà luống cuống:
- Không… không phải đâu! Tao mài dao để thịt con lợn lấy thịt cho bộ đội ăn đấy mà!
Thằng Đình quát:
- Chuồng lợn nhà mày trống trơn trống trọi, làm gì có con lợn nào đâu mà thịt! Đừng có mà trí trá?
- Thật mà… cái bộ đội đi theo tao!
Nói đoạn, anh ta rút một mảnh gỗ nghiến đang cháy rừng rực ở bếp làm đuốc soi đường dẫn chúng tôi ra phía bìa rừng. Chúng tôi xách súng bám theo sát anh ta. Thằng Châu cảnh giác, nó mở khóa nòng khẩu súng AK lên đạn và vượt lên trước chú ý quan sát xung quanh. Nó sợ bị dẫn vào ổ phục kích của bọn giặc. Chúng tôi đi theo anh chủ nhà đến chỗ lùm cây trong một hốc đá thì nghe có tiếng ủn ỉn. Tôi rọi đèn pin soi. Một chú lợn béo múp độ gần hai chục cân được buộc ở một gốc cây. Anh chủ nhà bảo:
- Tao giấu nó ở đây mấy ngày rồi đấy! Cả nhà tao chỉ có mỗi một con lợn này nuôi thôi!
Nói xong, anh ta túm hai chân sau con lợn nhỏ vác lên vai quay về nhà. Trở lại bếp, anh chủ nhà chọc tiết con lợn. Nồi nước trên bếp cũng đã sôi. Anh chủ nhà và mấy chiến sĩ nhanh chóng cạo lông con lợn.
Bữa tối hôm ấy thật ngon. Có ít gạo nấu một nồi cơm vơi mỗi người được hai sét bát. Lại có nồi thịt lợn tươi của chủ nhà thật hấp dẫn. Khi cắn miếng thịt lợn ngọt, ngậy mỡ tôi chợt nhớ đến anh chủ nhà. Từ lúc làm thịt xong con lợn thì không nhìn thấy anh ta đâu nữa. Tôi vội đặt bát xuống đảo ra phía sau nhà. Bên đống lửa đã tàn anh chủ nhà đang ngồi ăn. Trên cái bát loa mẻ chỉ có một chút mèn mén đồ bằng bột ngô rời rạc, khô cứng.
Tôi ngồi xuống bên anh ta và hỏi:
- Sao anh không vào nhà ăn cùng với bộ đội?
Anh chủ nhà cười hiền lành:
- Bộ đội ăn nhiều đi, lấy sức mà đánh nhau với bọn giặc. Nhất định đừng để chúng nó cướp mất nước ta nhé! Mình ăn thế này là được rồi.
Tôi nhúm một ít mèn mén đưa lên miệng. Miếng mèn mén bột ngô khô khốc ăn như nhai bột sống và nhạt thếch, tắc nghẹn trong cổ. Tôi kéo anh chủ nhà đứng dậy mời anh vào nhà cùng ăn cơm với bộ đội. Anh dứt khoát không chịu.
Giữa lúc hai chúng tôi còn đang co kéo thì có mệnh lệnh tiếp tục hành quân. Mọi người nhanh chóng đeo ba lô rời khỏi ngôi nhà. Nồi cơm, nồi thịt ăn dở khênh đi theo luôn. Tôi gọi thằng Đình lại bảo nó đưa cho tôi gói muối dự trữ của tiểu đội. Tôi vốc một vốc muối gói vào mảnh lá chuối đưa cho anh chủ nhà. Anh chủ nhà chụm cả hai bàn tay chìa ra nhận món quà quý giá mà tôi cho.
Chúng tôi nhanh chóng nhập vào đội hình hành quân của tiểu đoàn. Đi được một đoạn, ngoảnh lại nhìn ngôi nhà mình vừa trú quân, trong ánh sáng chập chờn của ngọn lửa tôi thấy bóng anh chủ nhà vẫn đứng ở cửa bếp trông theo đoàn quân đi trong thung lũng...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét