Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 22)

CAO BẰNG - 1979 (phần 22)
Ghi chép của Trọng Bảo

Chúng tôi quay trở lại thị trấn Sóc Giang. Thị trấn Sóc Giang đổ nát hoang tàn. Một tháng trước, nơi đây chính là “tọa độ lửa”, là nơi bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Máu của họ vẫn như còn đọng trên mặt đất rưng rưng. Cũng chính tại nơi đây Tiểu đoàn 3 chúng tôi đã bẻ gãy bao nhiêu đợt tấn công vô cùng ác liệt của kẻ thù xâm lược, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy gần chục chiếc xe tăng của chúng.
Nhưng rồi, đơn vị chúng tôi đã phải rút lui để không bị tiêu diệt hoàn toàn trước sức tấn công ác liệt, liên tục của quân xâm lược với chiến thuật "biển người". Một cuộc rút lui còn gian lao, nguy hiểm hơn là một trận đánh mặt đối mặt với quân thù. Bây giờ chúng tôi, những người còn sống quay trở lại thị trấn biên giới Sóc Giang. Hình như mọi người ai cũng có chung một tâm trạng bùi ngùi.
Kẻ thù đã bị đánh lui, những tên bành trướng đã phải kéo nhau tả tơi tháo chạy về nước. Nhưng cái cảm giác chiến thắng, cảm giác tự hào trong những người lính chúng tôi rất mờ nhạt, hầu như không có. Không có cái niềm vui háo hức, tưng bừng của ngày 30-4 năm nào, chỉ có nỗi bàng hoàng, xót xa về sự tàn phá khủng khiếp, về sự mất mát quá lớn của chiến tranh. Một vùng biên giới hoang tàn. Chẳng còn một bóng người dân nào trong thị trấn, chẳng còn một tiếng gà gáy, chó sủa trong những bản làng dọc đường hành quân. Chúng tôi là những người đầu tiên trở về thị trấn Sóc Giang sau chiến tranh. Đoàn quân súng luôn cầm trong tay, cảnh giác, lầm lũi bước đi trong sự hoang vắng lạnh lẽo, thê lương. Sau trận chiến, một đội hình cán binh quần áo tả tơi, bẩn thỉu. Nhiều người băng còn quấn trên đầu loang lổ màu máu, cánh tay bị thương gãy còn treo lên cổ.
Dọc con đường từ Quý Quân qua bản Nà Nghiềng vào thị trấn Sóc Giang còn in đậm những dấu vết khốc liệt của những trận đánh. Mùi xác chết của người và động vật thối rữa khăn khẳn khắp nơi. Chỗ nào cũng gặp những quả mìn bọn địch gài lại trước khi rút đi. Bộ phận công binh đi trước mở đường. Chúng tôi phải rất thận trọng đặt bước chân theo dấu đã vạch sẵn trên đường của công binh. Người đi sau bước đúng dấu chân của người đi trước để tránh dẫm vào bẫy mìn, vật nổ. Vậy mà vẫn có người bị vướng vào mìn do bọn giặc gài lại. Loại mìn bộ binh của Trung Quốc rất lợi hại. Khi người đạp mìn nổ xé nát hết bắp chân, tháo khớp gối hoặc khớp đùi vẫn không cứu được vì da thịt cứ tiếp tục hoại tử thối dần lên đến bụng, đến nội tạng là chết. Thượng sĩ Trần Quang Tuyến, trung đội trưởng ở Đại đội 9 đã bị vướng vào loại mìn này được cấp cứu và đưa về tuyến sau, không biết tính mạng ra sao?
Đội hình hành quân một hàng dọc chậm chạp vừa đi vừa quan sát xung quanh. Không ai nói một câu nào chỉ nghe tiếng thở dốc của những người mang vác nặng ở bộ phận hoả lực, tiếng thì thào truyền đạt mệnh lệnh theo dọc hàng quân.
Các đơn vị về đến vị trí trú quân. Đại đội 11 lên khu vực bản Cốc Vường, chuẩn bị triển khai việc khôi phục lại trận địa phòng ngự trên các chốt cây đa đối diện cửa khẩu Bình Mãng. Đại đội 9 ở bản Cốc Nghịu, Đại đội 10 ở bản Nà Nghiềng, Đại đội 12 tiếp tục trở lại các trận địa hỏa lực trên Lũng Mật, Lũng Vỉ. Chỉ huy và cơ quan tiểu đoàn về tại các bản Kép Ké, Cốc Sâu là nơi ngày 20-2 bọn địch tập kết để tấn công vào chốt của Đại đội 10, hang huyện ủy và thị trấn Sóc Giang. Tại bản Kép Ké dấu vết chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Tôi đã trèo lên vị trí khẩu 12ly7 của Đại đội 16 ở mỏm núi đá gần bản Kép Ké. Khẩu đội 12ly7 này đã bắn xối xả vào lưng, vào gáy bọn bành trướng để chi viện cho Đại đội 10 bảo vệ trận địa. Tôi cũng đã mò lên hang huyện ủy giữa thị trấn Sóc Giang. Hang đá đã bị bọn địch dùng một lượng thuốc nổ lớn để phá. Cửa hang bị vỡ toang hoác như miệng một con cá sấu.
Tất cả nhà cửa, công trình khu vực thị trấn Sóc Giang, xã Sóc Hà còn sót lại sau các trận pháo kích đều bị bọn địch phá hoại trước khi rút lui. Cột điện cao thế, điện thoại bị ép thuốc nổ đánh gãy ngổn ngang khắp cánh đồng. Bọn chúng dùng thuốc nổ phá hết các loại cầu cống to nhỏ, các công trình dân sinh. Bọn chúng còn đang tâm phá sập cả cửa hang Pác Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Mình đã ở năm 1941. Thị trấn Sóc Giang, xã Sóc Hà giống như vừa qua một trận B52 của Mỹ và còn tan nát hơn nhiều. Bọn giặc ở dưới mặt đất chúng có điều kiện để tàn phá kỹ hơn, triệt để hơn. Nhìn cảnh đổ nát, tan hoang ở Sóc Giang đến mức ghê gớm như này, anh Doanh đã phải thốt lên bảo tôi:
- Bọn giặc bành trướng Trung Quốc đúng là “những B52 mặt đất” đấy mày ạ!.
- Đúng là như vậy anh ạ!
Tôi thấy điều anh nhận xét thật sâu sắc và chuẩn xác. Bởi tôi cũng đã được chứng kiến cảnh thành phố Việt Trì sau trận bom B52 của đế quốc Mỹ rải thảm tháng 12 năm 1972.
Đoạn đường từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang chưa thông. Các loại mìn của ta và của địch gài trên đường lực lượng công binh chưa dò gỡ hết. Mặt đường bị băm nát bởi các hố đạn pháo. Chúng tôi phải cuốc bộ về ngã ba Đôn Chương, về Nà Giàng nhận vũ khí, trang bị và lương thực, thực phẩm. Đường đi phải theo sự chỉ dẫn của công binh để tránh vướng mìn. Khi đi lấy vũ khí, quân trang, gạo ở ngã ba Đôn Chương tôi gặp các anh em, bạn bè ở Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 1 và cơ quan trung đoàn bộ mới biết nhiều người quen thân đã hy sinh như Thiếu tá Nguyễn Khắc Đễ, phó chính ủy trung đoàn, Thượng úy Nguyễn Văn Bính, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Ở cơ quan trung đoàn là hai nữ văn thư bảo mật... Tôi cũng đã nghe và ghi chép lại được nhiều câu chuyện về cuộc chiến tranh vừa xảy ra.
Một buổi sáng khi chúng tôi đang đào công sự, xây dựng trận địa trên chốt thì có một chiếc máy bay trực thăng từ phía Đôn Chương bay lên. Đó là chiếc trực thăng chở tướng Đàm Quang Trung, tư lệnh và các cán bộ quân khu lên thị sát biên giới. Bay đến khu vực thị trấn Sóc Giang chiếc trực thăng lượn một vòng rồi bay tiếp lên phía cửa khẩu Bình Mãng. Cả tiểu đoàn tôi nhốn nháo khi chiếc trực thăng có hình quốc kỳ Việt Nam trên thân cứ phành phạch bay thẳng sang hướng Trung Quốc. Các đơn vị của Tiểu đoàn 3 lập tức báo động. Bên kia biên giới bọn địch cũng vội vã báo động chạy lên trận địa. Bay lên đến sát đường biên giới chỗ cửa khẩu Bình Mãng thì chiếc trực thăng đột ngột quay ngoặt lại vòng lên Lũng Mật rồi bay về đáp xuống sân ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, nơi chúng tôi đã dọn dẹp, cắm cờ đỏ xung quanh làm tín hiệu bãi hạ cánh cho trực thăng.
Khi trực thăng hạ cánh tướng Đàm Quang Trung chui ra mặt vẫn còn vã mồ hôi. Ông bảo mình tự tin thuộc địa hình, địa vật khu vực quê hương Sóc Giang như lòng bàn tay, không cần phải bản đồ. Ông nói với phi công cứ bay lên, lúc nào ông bảo hạ cánh thì hạ. Nhưng khi bay qua Sóc Giang ông đã không nhận ra vì thị trấn đã bị bọn giặc san phẳng rồi. Ông nói phi công cứ tiếp tục bay. Khi nhìn thấy thị trấn Bình Mãng với các khu nhà cao tầng không bị ảnh hưởng gì của cuộc chiến tranh vừa qua ông mới giật mình vội hô phi công bay lộn lại ngay. Suýt nữa thì xảy ra một tình huống xấu. Khi đi bộ qua thị trấn Sóc Giang, tướng Đàm Quang Trung càng kinh ngạc hơn bởi sự tàn phá ghê gớm của quân xâm lược.
Sau khi ổn định vị trí trú quân các bộ phận bắt đầu lên các vị trí chiến đấu đào bới tìm kiếm liệt sĩ. Khắp nơi mùi thối rữa của tử thi, xác động vật bốc lên thật là kinh khủng. Việc xác định, phân biệt hài cốt đâu là quân ta, đâu là địch, đâu là dân cũng thật khó khăn. Mặc dù trước khi chiến tranh xảy ra mỗi người đều có mã số riêng của mình in trong một mảnh bìa cứng để sẵn trong túi áo phòng khi hy sinh thì chôn theo sau này còn biết danh tính. Nhưng đánh nhau cả tháng trời nhiều người đã không giữ nổi mảnh bìa ghi mã số riêng của mình. Mà chớ trêu thay là người giữ được thì vẫn sống, người chết thì lại chẳng còn giữ được cái mã số để đánh dấu mộ chí của mình.
Mấy ngày sau, con đường xuôi về ngã ba Đôn Chương, về thị xã Cao Bằng đã được khai thông. Chuyến xe chở hàng đầu tiên đã lên tới thị trấn Sóc Giang. Đơn vị chúng tôi được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Có một chút thịt lợn kho ướp muối. Mỗi thằng chúng tôi còn được phát một bộ quần áo mới, một đôi giày vải mới. Thằng nào cũng diện ngay quần áo mới, giày mới. Ăn uống tuy còn độn ngô, độn mỳ song cũng no hơn nên trông dáng vẻ lính tráng khoẻ khoắn hơn. Nhiều thằng trông hai má đỡ hóp hơn, mặt mũi đỡ bơ phờ hốc hác như những hôm đầu mới về thị trấn song chưa hết vẻ nhợt nhạt, hậu quả của dài ngày đói khát, gian khổ.
Song chúng tôi chưa kịp mừng thì xảy ra một chuyện. Đó là, khi tiểu đoàn bộị mới chuyển về vị trí bản Kép Ké Ná này trú quân, tiểu đoàn trưởng cho quân y kiểm tra nguồn nước. Nguồn nước mà các máng dẫn về bản từ rất xa trên núi. Dân bản thường đắp các đập trên núi rồi bắc máng dẫn nước tự chảy về bản. Y sĩ đơn vị chỉ đi đến chân núi rồi quay lại vì sợ lên núi vướng phải mìn hoặc gặp bọn thám báo của địch. Do đó, quân y tiểu đoàn không phát hiện là trong đập nước có mấy xác người chết đang thối rữa. Khi trời mưa xuống đã gây ô nhiễm nghiêm trong nguồn nước. Thế là cả đơn vị chúng tôi gần một tháng nấu ăn, lấy uống đã dùng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng ấy. Thảo nào mà nước cứ có mùi hôi hôi. Bọn lính tráng chúng tôi lại toàn uống nước lã mới ghê chứ. Một số anh em trong đơn vị vì thế nên ngã nước, mặt bị sưng phù thũng lên chứ không phải là do sau chiến tranh bộ đội được ăn no nên béo khoẻ...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020

Ảnh: Số phận của quân bành trướng xâm lược.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét