Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 20)

CAO BẰNG - 1979 (phần 20)
Ghi chép của Trọng Bảo

Sau khi trinh sát chuẩn bị thật cẩn thận cho việc vượt vòng vây sang huyện Nguyên Bình, chỉ huy tiểu đoàn quyết định kế hoạch hành quân. Để đảm bảo bí mật, chúng tôi được lệnh tiêu hủy tất cả các loại giấy tờ, sổ sách ghi chép, chỉ giữ lại mảnh giấy ghi mã số riêng của từng người. Toàn tiểu đoàn đã áp sát con đường giao thông chính lên huyện lỵ Thông Nông.
Trên con đường này, ngay sáng ngày 17-2, hàng chục xe tăng, xe cơ giới của quân xâm lược bành trướng đã rầm rộ đi qua, tràn xuống tận Hòa An.
Khi vượt vòng vây sang Nguyên Bình tôi và một số chiến sĩ đi cuối đội hình cơ quan tiểu đoàn bộ. Lúc chạy qua đường quốc lộ thì bị “cắt đuôi”. Do trời tối, sương mù dày đặc, lúc đó pháo địch lại bắn sang nên bộ phận đi phía sau không bám được đội hình của tiểu đoàn. Chúng tôi phải nằm lại bên này đường khá lâu. Phía biên giới có tiếng xe cơ giới của bọn địch ầm ì. Tôi và mấy anh em liều mạng chạy qua đường quốc lộ bám vào chân núi phía bên kia. Khi chúng tôi lên được sườn núi thì trên đoạn đường vừa vượt sang xuất hiện lực lượng của địch hành quân qua. Vậy là tôi và gần chục chiến sĩ bị tách khỏi đội hình của tiểu đoàn. Tôi thấy vô cùng hoang mang, lo lắng khi xung quanh mình chỉ còn rất ít chiến sĩ, súng đã hết đạn, ba lô không còn lương thực...
Lên tới đỉnh dốc thì chúng tôi gặp trung úy Tuân, đại đội trưởng và một số chiến sĩ Đại đội 11 đi phía sau cũng vừa lên tới đến nơi. Chúng tôi cụm lại ở đầu dốc để định hướng đi tiếp.
Trung úy Tuân lập tức gọi tôi đến để bàn việc làm thế nào để đuổi theo kịp đội hình của tiểu đoàn. Theo điều lệnh chiến đấu của quân đội thì từ giờ phút này trở đi trung úy Tuân là người chỉ huy cao nhất của chúng tôi. Tôi sẽ phải phục tùng mọi mệnh lệnh của trung úy Tuân. Tuy vậy, tôi vẫn là người phụ trách bộ phận của tiểu đoàn bộ. Tôi là hạ sĩ, quân hàm cao nhất trong số các chiến sĩ của cơ quan tiểu đoàn. Theo lệnh của trung úy Tuân chúng tôi tiếp tục hành quân. Trung úy Tuân giao cho tôi phụ trách một tốp đi trước trinh sát, dò đường.
Chúng tôi không theo kịp đội hình của tiểu đoàn. Khi tiểu đoàn đã vượt qua vòng vây của quân địch sang huyện Nguyên Bình tham gia chiến đấu bảo vệ khu mỏ thiếc Tĩnh Túc thì bộ phận của tôi vẫn trong vòng vây quân thù không thoát ra được. Sau khi tiểu đoàn vượt qua dãy núi ngăn cách giữa huyện Thông Nông và huyện Nguyên Bình thì bị bọn địch phát hiện. Bọn chúng tổ chức một lực lượng chốt chặn ở trên đỉnh dốc yên ngựa nơi tiếp giáp giữa hai huyện. Khi hành quân đến gần chân dốc may mà nhờ nhân dân mà bộ phận chúng tôi không bị lọt vào ổ phục kích của chúng.
Hôm đó, chúng tôi dự định sẽ vượt qua dốc yên ngựa để sang Nguyên Bình. Khi bộ phận đi trước của tôi vừa đến chân dốc thì có tiếng một người dân hối hả gọi và từ trong hẻm núi chạy ra. Ông xua xua tay và nói bằng tiếng dân tộc. Tôi vội bảo thằng Mông là người dân tộc H’Mông:
- Mày có biết ông ấy đang nói gì không?
Thằng Mông lập cập nói:
- Ông ấy nói trên đỉnh dốc yên ngựa kia có bọn Tàu phục kích đấy!
Mọi người lập tức tản ra nấp vào các khe, hốc đã xung quanh lối mòn. Tôi bảo thằng Châu quay lại báo ngay cho trung úy Tuân biết. Lúc quay lại nhìn thì ông già người dân tộc vừa báo tin cũng đã lẩn vào sườn núi lô nhô những gộp đá từ lúc nào rồi. Tôi và thằng Tuất ở trung đội vận tải tìm vị trí quan sát. Đúng là trên đỉnh dốc yên ngựa có bóng người thật. Vậy là thông tin của ông già có lực lượng quân địch phục kích trên đó là chính xác. Trung úy Tuân quyết định quay lại tìm con đường khác để vượt qua núi. Nhưng sang huyện Nguyên Bình chỉ có con đường này là độc đạo, các tuyến đường khác đều cách rất xa nơi chúng tôi đang có mặt. Tôi lại dẫn đầu bộ phận đi trước tìm đường. Chúng tôi rẽ theo lối đi vào thung lũng Táp Ná. Đến đầu thung lũng, chúng tôi đã gặp được anh em trong tiểu đội dân quân Táp Ná đang trụ lại bảo vệ bản. Một chiến sĩ dân quân dẫn chúng tôi vào bản.
Suốt một ngày đêm leo trèo vật vã trên vách núi chân tay tôi mỏi nhừ. Vào đến gần ngôi nhà sàn ở cuối bản chúng tôi dừng lại nghỉ. Tôi ngồi dựa vào một mô đá chân núi. Thằng Tuất cảnh giác quan sát xung quanh. Bản Táp Ná nằm trong một thung lũng khá rộng thuộc huyện Thông Nông. Có một con đường nhỏ chạy ngang qua bản và ngược lên vách núi ở phía cuối bản. Nếu tình hình không có gì đặc biệt, bọn địch chưa đánh đến đây thì bộ phận của chúng tôi sẽ ở lại bản vài ngày nghỉ lấy lại sức rồi tiếp tục tìm đường rút sang Nguyên Bình trở về với đội hình của tiểu đoàn.
Anh em dân quân cho biết, bọn địch chỉ bắn pháo vào phía đầu thung lũng chứ chưa đánh vào khu vực Táp Ná. Dân quân đã bắt được một tên nghi là thám báo trinh sát của chúng. Hiện trung đội dân quân của bản vẫn chốt chặn ở đầu lối vào thung lũng. Có một số chiến sĩ các đơn vị quân đội khi rút lui thất lạc qua đây cũng ở lại tham gia chốt chặn đánh địch. Anh em dân quân đề nghị bộ phận của chúng tôi ở lại cùng lực lượng dân quân của bản chiến đấu. Tôi đồng ý nhưng nói với anh em dân quân việc này phải xin ý kiến của trung úy Tuân vì tôi không thể quyết định được. Tôi bảo thằng Tuất quay lại phía sau thông báo và đón bộ phận của trung uý Tuân di chuyển vào bản Táp Ná. Đến khoảng tám giờ tối thì tất cả chúng tôi đã tập trung đầy đủ ở khu bản nhỏ cuối thung lũng.
Anh em dân quân mời chúng tôi ăn cơm. Hai mâm cơm khá thịnh soạn. Cơm trắng. Có thịt lợn luộc, bí ngô nấu canh, rau cải đắng xào gừng và cả một chai rượu ngô nữa. Chúng tôi mỗi người làm một chén cho khí thế. Bao nhiêu ngày rồi chúng tôi mới lại được ăn một bữa no và ngon đến thế. Ánh lửa bập bùng soi không rõ mâm cơm. Nhưng tôi vẫn nhận thấy rõ những khuôn mặt bộ đội, dân quân hốc hác vì đói ăn, đói ngủ bao ngày. Đêm biên giới âm u. Những người lính, người dân ngồi sát bên nhau bên mâm cơm, chia nhau từng miếng cháy đáy nồi. Trận chiến đấu ngày mai ai trong số những người đang ngồi quanh mâm cơm hôm nay đây sẽ nằm xuống. Chiến tranh thật là không thể biết trước điều gì. Tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ họng khi nhớ đến những người đồng đội đã hy sinh…
Ăn xong chúng tôi tranh thủ bàn việc phòng ngự chặn quân giặc tấn công vào Táp Ná. Trung uý Tuân có vẻ hơi bực. Anh không bằng lòng vì tôi đã vượt quyền khi tỏ ý nhận lời ở lại chiến đấu cùng với dân quân ở đây. Anh muốn tiếp tục hành quân đi tìm tiểu đoàn ngay. Tuy vậy, anh cũng cùng chúng tôi bàn phương án chiến đấu. Theo anh em dân quân thì đường vào bản Táp Ná rất dễ phòng thủ nhưng cũng lại rất khó rút lui. Nếu để bọn địch chiếm được vị trí chốt phòng ngự đầu bản thì chúng có thể khống chế toàn bộ thung lũng, dùng hoả lực bắn chặn bít ngay con đường rút lên núi ở phía cuối bản. Lúc ấy toàn bộ bộ đội và dân quân sẽ như là nằm trong lòng bàn tay quân giặc.
Ngày thứ hai khi chúng tôi dừng chân ở đây, bản Táp Ná vẫn bình yên. Tuy vậy để đề phòng tình huống bất ngờ quân địch tấn công, chúng tôi tản ra ẩn nấp ở các khe hõm đá sát chân núi đá. Tiếng pháo của địch bắn lúc xa, lúc gần, không tới được thung lũng này. Anh Tuân nóng ruột với việc đi tìm đường sang Nguyên Bình. Anh em dân quân Táp Ná thông báo lại bọn địch vẫn chốt chặn con đường sang huyện Nguyên Bình chưa thể vượt qua dốc yên ngựa.
Buổi chiều, vừa nhai một miếng cơm nắm xong thì bụng tôi bỗng quặn đau dữ dội. Sau đó, tôi bị tào tháo đuổi, đi ngoài ra toàn nước. Chắc chắn nguyên nhân là do ăn cơm cháo ôi thiu, uống nước đọng ở những hốc đá lâu ngày mất vệ sinh. Tôi đau bụng và đi ngoài liên tục không ngừng lại được. Người tôi mệt bã ra vì đau và mất nước. May mà bọn địch chưa tấn công vào Táp Ná nên tôi không phải vận động chiến đấu. Tôi nằm rũ người trong một khe đá. Mệt đến nỗi chân tay không nhấc lên nổi. Cứ thế này thì nguy hiểm quá. Đêm đến, theo kế hoạch của trung úy Tuân chúng tôi sẽ leo qua vách đá tìm lối để vượt sang phía bên kia dãy núi. Có một dân quân thông thạo địa hình sẽ dẫn đường. Với sức khoẻ suy kiệt thế này chắc chắn tôi không thể nào đi theo đội hình được. Tôi đã nghĩ đến phương án phải ở lại bản Táp Ná với một anh em dân quân. Thằng Châu và thằng Tuất đang rất lo lắng thì một anh dân dân quân cùng một người đàn ông vẻ gầy gò là dân trong bản đến.
Sau khi hỏi han tình hình của tôi, người đàn ông gầy gò nói:
- Chú phải uống một liều thuốc phiện thôi!
- Không được! Lỡ anh ấy bị sốc hay bị nghiện thuốc phiện luôn thì làm thế nào?
Thằng Châu lập tức phản đối. Nó lo lắng cho tôi. Anh dân quân cũng đắn đo mãi mới nói:
- Có lẽ không việc gì đâu!
Tôi vừa nghe họ bàn đến đấy đã phải ngồi dậy ôm bụng lần ngay ra phía sau gộp đá. Cơn đau vẫn quằn lên làm tôi chỉ muốn gục xuống. Người tôi hình như đã bị rút kiệt hết nước rồi. Mệt quá, tôi phải bám vào vách đá mới đứng vững và bước đi. Quay về đến chỗ khe đá nơi mọi người đang ngồi, thì có tiếng súng phía đầu thung lũng rộ lên. Tôi quyết định luôn:
- Đưa... thuốc phiện cho tôi!
Thằng Châu lo lắng. Nó cứ năn nỉ can ngăn tôi không nên uống thuốc phiện. Tôi nói với nó và mọi người, cũng là tự trấn an mình:
- Điều quan trọng nhất bây giờ là khỏi bệnh thật nhanh để còn tiếp tục chiến đấu và hành quân theo anh em. Sống sót, thoát được ra khỏi vòng vây của bọn giặc rồi mọi chuyện tính sau!
Có lẽ mọi người đều hiểu đó là cách tốt nhật trong lúc này khi mà quân thù đang tiến đến rất gần, những người lính, người dân quân chỉ có rất ít đạn, không có một cuộn băng cứu thương, không một viên thuốc chữa bệnh.
Người đàn ông gầy gò - vừa trông đã biết ngay là một con nghiện nặng - thò tay vào túi áo lôi ra một gói nhỏ. Ông ta mở cái gói lấy ra một cục nhựa đen đen véo một mẩu nhỏ vê vê một lúc rồi đưa cho anh dân quânn. Anh dân quân xiên mẩu thuốc phiện vào một cái que rồi bật lửa đốt. Mẩu thuốc phiện nhỏ bằng hạt đậu xanh bắt đầu cháy và toả khói xanh có mùi thơm rất lạ. Khi mẩu thuốc phiện đã phồng lên nở to bằng hạt ngô anh dân quân thả nó vào bát nước còn nóng rót từ trong bi-đông ra. Anh dùng cái que khoắng cho mẩu thuốc phiện tan hết rồi đưa cho tôi. Tôi run run bưng bát nước thuốc phiện đưa lên miệng rồi ngửa cổ uống một hơi hết sạch. Mọi người bảo tôi nằm xuống khe đá nghỉ một lát để lấy lại sức. Quả là một bài thuốc công hiệu. Tôi ngừng hẳn việc tiêu chảy. Bụng tôi sôi ùng ục lên nhưng đã giảm và rồi hết hẳn những cơn đau quặn gan, quặn ruột.
Không biết bằng cách nào mà chập tối thằng Tuất đem đến cho tôi một bi-đông cháo còn nóng ấm. Ăn được chút cháo nóng tôi thấy mình như khoẻ lại. Tôi mong đến nửa đêm là mình có thể đeo khẩu súng đi theo đội hình hành quân.
Sau này, khi hành quân qua những triền núi toàn đá khô cằn gặp những dải đất hiếm hoi trồng loài cây anh túc đang trổ hoa lung linh huyền ảo tôi lại nhớ đến bát nước pha thuốc phiện mà mình đã uống hôm ở thung lũng Táp Ná giữa vòng vây trùng điệp của quân thù.
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét