Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Truyện ngắn vui HOÀNH TRÁNG QUÁ BỐ ƠI

      HOÀNH TRÁNG QUÁ BỐ ƠI

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Sáng nay, lão Cốc rỗi rãi. Lão tẩn mẩn mở cái tủ lôi ra một cuộn bằng, giấy khen của lão từ thời trai trẻ. Ngày xưa, các loại bằng, giấy khen không có khung kính như bây giờ nên lão đành cuộn lại cho vào tủ cất đi. Thế nên các loại giấy khen, bằng khen của lão giữ được khá mới và khá đầy đủ. Giữa lúc lão đang cầm từng cái giấy khen hồi tưởng lại thành tích từ ngày xưa cũ thì thằng Bất phóng xe về. Nó tròn mắt nhìn lão rồi bảo:
- Bố siêu thật! Còn giữ được các “phần thưởng” từ thời trai trẻ. Hay là để con ra phố mua lấy hai chục cái khung đem về treo lên cho hoành tráng nhé!
- Mày chỉ được cái huếnh lên! Nhà đã treo đầy các bằng khen học sinh tiên tiến của lũ trẻ con rồi. Giờ treo các giấy khen cũ này lên làm gì? Mà hôm nay mày không phải đi trực chốt chống Covid-19 nữa à?
- Quê ta nới lỏng rồi cụ ạ!
- Nới lỏng thì cũng vẫn phải kiểm tra giãn cách và mang khẩu trang chứ?
- Thì vẫn… nhưng bố không thấy ở thủ đô à. Vừa nới lỏng dân họ đã đi chơi Trung thu rất hoành tráng, đông nghẹt tràn ngập cả đường phố đấy!
- Tao cũng xem ti vi, xem báo mạng rồi… Tao chỉ sợ đi chơi hoành tráng mà các ca lây nhiễm cũng hoành tráng thì bung, toang luôn mất mày ạ!
- Bung, toang sợ gì! Việt Nam ta cái gì cũng cứ phải thật hoành tráng bố ạ! Cụ có thấy không, chống dịch căng thẳng, bận rộn căng thẳng thế mà lãnh đạo đi kiểm tra vùng dịch vẫn cứ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu hoành tráng thế mới… sướng chứ?
- Đấy là lãnh đạo cấp dưới muốn hoành tráng thôi… chứ Thủ tướng bất ngờ kiểm tra chống dịch cấp phường phát hiện ra ngay sở chỉ huy nhưng không có người chỉ huy đấy!
- Nhưng bây giờ không hoành tráng thì không xong, ngành nào cũng vậy. Đấy cụ xem, ngành giáo dục học sinh thi đại học đạt điểm tối đa 30 điểm vẫn không đủ điểm tối thiểu để đỗ vào đại học. Các quan vẫn bảo đó “là chuyện bình thường”. Đúng là giáo dục Việt Nam ta hoành tráng nhất thế giới rồi cụ ạ!
- Chậc… mày nói cũng phải. Giáo dục ở ta có khi hoành tráng nhất thế giới thật. Chả thế mà tính trên đầu dân số tỷ lệ người có bằng cấp, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân nước ta cao nhất thế giới đấy.
Thằng Bất gật gù:
- Đúng là như vậy bố ạ! Bây giờ cứ phải hoành tráng mới sướng. Ngay như bọn phu hồ, chuyên đi làm thuê như chúng con cũng có lúc rất hoành tráng đấy!
Lão Cốc tròn mắt:
- Bọn phu hồ chúng mày làm cái gì mà cũng hoành tráng hả?
- Thì… khi Hà Nội còn chưa thực hiện giãn cách chống Covid-19, chúng con làm thuê dưới ấy. Một hôm lão cai thầu bảo: “Công trình ở phía nam thành phố cần hoàn công gấp để phục vụ lễ kỷ niệm thật hoành tráng nên phải tập trung thợ về đấy làm ngày, làm đêm cho kịp”. Thế là bọn con hành quân về công trình xây dựng ở phía nam thành phố. Do phải mang theo dụng cụ lao động nên chúng con không thể đi xe Bus hoặc đi tắc-xi. Lão chủ thầu liền gọi xe ôm công nghệ. Chỉ một loáng hai chục thằng xe ôm mặc đồng phục đến ngay đưa bọn con đi thật hoành tráng cụ nhé…
Lão Cốc bữu môi:
- Tao tưởng chúng mày được ông chủ cho đi xe Mercedes hoành tráng cơ. Hóa ra là bọn phụ hồ đi xe ôm thì có gì mà cũng khoe khoang chứ?
Thằng Bất vênh mặt:
- Thế bố có biết hai mươi thằng xe ôm ấy là ai không! Hai mươi thằng ấy đều đã tốt nghiệp đại học không xin được việc làm phải chạy xe ôm chở bọn phu hồ đấy. Cái thằng chở con còn nói nó là kỹ sư xây dựng… Kỹ sư xây dựng chạy xe ôm chở thằng phụ hồ thế chả phải là hoành tráng à?
Đến lượt lão Cốc gật gù:
- Thế thì đúng là hoành tráng thật…. hoành tráng thật…
Thằng Bất nói thêm:
- Ở thủ đô còn có cái rất hoành tráng hơn nữa bố ạ!
- Còn cái gì rất hoành tráng nữa thế!
- Thì… đó là con rồng giả đá đầu ở Cát Linh, đuôi ở Hà Đông ấy cụ ạ!
- Hừ… mày chỉ được cái tếu táo láo. Đó là đường sắt trên cao chạy tàu khách. Nghe nói sắp đưa vào khai thác thương mại rồi đấy!
- Có mà đến Tết tây cụ ạ! Con nghe nói có đề xuất chuyển đổi công năng tuyến đường trên cao này rồi.
- Chuyển đổi thế nào?
- Thì họ đề xuất trồng cây, trồng hoa như kiểu vườn treo Babylon. Đưa các cây xà cừ đào lên hồi trước đang giâm ở ngoại thành đem về trồng lên đường trên cao cho thành rừng rồi xây dựng tuyến cáp treo theo dọc tuyến đường để thu hút khách du lịch. Các nhà ga đã xây dựng dọc tuyến thì chuyển thành các nhà hàng “tổ chim” có khi lại đông khách đấy. Thất bại của ngành giao thông có khi lại là thành công của ngành du lịch, nhất là khi tuyến đường này được tổ chức sách kỷ lục thế giới Guinness công nhận…
- Ai bảo mày là tuyến đường này sẽ được ghi vào sách kỷ lục thế giới hả?
- Thì nó chậm tiến độ cả chục năm, đội vốn gấp mấy lần, thế giới chưa có công trình nào như thế thì phải được công nhận giữ kỷ lục thế giới chứ ạ?
Lão Cốc lại gật gù:
- Đúng vậy! Nếu thế thì thật là hoành tráng mày ạ. Tương lai của tuyến đường trên cao giữa thủ đô này thật là hoành tráng… thật hoành tá tràng…
Hà Nội, ngày 23/9/2021
Có thể là hình ảnh về 4 người, mọi người đang đứng, xe môtô, đường, đám đông và đường phố

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

Tản văn KỶ NIỆM VỀ ANH

     KỶ NIỆM VỀ ANH

Tản văn của Trọng Bảo

Tôi biết và quen anh Thanh từ thời anh còn làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Khi ấy tôi đang là phóng viên. Thỉnh thoảng tôi lên công tác tại Sư đoàn 312. Mặc dù chỉ gặp nhau vài lần nhưng khi gặp lại anh vẫn nhớ tên tôi.
Khi anh Thanh về làm Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Tác chiến BTTM thì tôi hay có dịp gặp anh. Đó là mỗi khi tôi sang làm việc tại Cục Tác chiến. Ngày ấy, Bộ Tổng Tham mưu chưa có Cục Cứu hộ, cứu nạn. Việc chỉ huy, điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn nhân dân khi thiên tai xảy ra đều do Cục Tác chiến đảm nhiệm. Tôi sang Cục Tác chiến để lấy tài liệu viết tin về công tác này. Lần nào sau khi làm việc xong hoặc khi trông thấy tôi anh Thanh đều bảo tôi vào phòng anh uống nước. Cục Tác chiến khi ấy còn ở trong khu Điện Kính Thiên, thành cổ Hà Nội.
Khi anh làm Tư lệnh Quân khu 1 tôi có lên công tác tại Trung đoàn 246 khi về Bộ Tư lệnh tôi đến chào anh. Lúc ra về anh tiễn ra tận xe và còn dặn Văn phòng nhớ tặng quà cho phóng viên là một cân chè Thái Nguyên. “Để nhà báo uống vào tỉnh táo khi viết bài” - Anh nói đùa. Anh được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng. Tôi nhớ hôm ấy là lần đầu tiên anh đón tiếp khách quốc tế trên cương vị mới. Ngày ấy, các đoàn quân sự cấp cao nước ngoài sang thăm nước ta đều được đón tiếp và duyệt đội danh dự QĐND Việt Nam ở nhà khách của Bộ Quốc phòng trên phố Phạm Ngũ Lão, Hà Nội. Hôm đó do xe máy trục trặc nên khi tôi phóng đến nhà khách Bộ Quốc phòng thì đã nghe thấy tiếng còi ủ của xe công an dẫn đường từ sân bay về đang vang lên từ phía Nhà hát lớn Hà Nội. Tôi vội vàng lao xe máy vào chỗ để xe rồi đeo túi máy ảnh chạy đến chỗ tiền sảnh nhà khách. Anh Thanh đang đứng trên thảm đỏ chờ đón khách. Tôi để cái túi sau gốc cây cau vua rồi cầm máy ảnh chạy đến đứng vào vị trí của các phóng viên báo chí. Nhận ra tôi, anh Thanh liền đi đến bắt tay. Tôi chào anh và nói nhanh: “Em xin chúc mừng anh được bổ nhiệm chức vụ Tổng Tham mưu trưởng ạ!”. Đoạn tôi nói tiếp luôn: “Anh về vị trí đi, khách đã đến cổng rồi”. Anh Thanh bảo: “Hôm nào qua chỗ mình nhé!”.
Khi về dự lễ đón danh hiệu anh hùng của huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc anh Thanh nhìn thấy tôi cũng đang có mặt tại buổi lễ liền hỏi và khi ấy anh mới biết tôi cũng là đồng hương Vĩnh Phúc. (Ngày ấy huyện Mê Linh quê anh vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Khoảng giữa năm 2007, Cục Tuyên Huấn TCCT được giao nhiệm vụ tham gia chuẩn bị cho buổi lễ trao quân hàm Đại tướng cho Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Văn Dũng. Chúng tôi chịu trách nhiệm soạn thảo lời phát biểu cho Chủ tịch Nước tại buổi lễ. Bài phát biểu của Chủ tịch Nước chuẩn bị xong được gửi ngay sang Văn phòng Bộ Quốc phòng thì đã cuối buổi chiều. Cục trưởng trước khi ra xe để về nhà còn cẩn thận căn dặn tôi: “Ông phải thường trực ở cơ quan, khi Bộ trưởng xem xong dự thảo trả lại có gì phải sửa chữa thì sửa và báo cáo lại ngay cho tôi nhé!”. Chấp hành lệnh của cấp trên, tôi ngồi chờ ở phòng làm việc không dám đi đâu. Chờ đến gần 7 giờ tối vẫn không thấy phản hồi gì từ Văn phòng Bộ Quốc phòng. Buổi tối hôm ấy tôi có cuộc hẹn với một nhà văn quân đội để bàn việc in sách nên càng sốt ruột. Cuối cùng, tôi đành gọi điện cho anh Nguyễn Công Sơn, Phó chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng hỏi về dự thảo bài phát biểu. Anh Nguyễn Công Sơn nói: “Bài phát biểu Bộ trưởng xem xong và đã gửi ra Văn phòng Chủ tịch Nước rồi!”. Tôi ớ người ra rồi hỏi thêm: “Thế thủ trưởng không sửa chữa, bổ sung gì ạ?”. Anh Sơn đáp: “Bộ trưởng xem sửa chữa mấy chỗ rồi cho chuyển đi luôn rồi!”. Thì ra thế. Anh Thanh có phong cách làm việc như vậy, thận trọng nhưng cũng không quá chi li cầu kỳ. Có nhiều vị cấp trên văn bản chỉ chữa thêm mấy dấu phảy, dấu chấm cũng phải mang về sửa lại, ký nháy lại và trình xin ký lại. Tôi đã nhận được nhiều kế hoạch của bộ thấy có chỗ anh Thanh chữa, hoặc thêm vào rồi ký duyệt luôn, cơ quan không phải làm lại, trình xin ký lại nữa.
Buổi lễ trao quân hàm Đại tướng cho Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Văn Dũng được tổ chức trọng thể tại trụ sở Bộ Quốc phòng, số 1- Nguyễn Tri Phương, Hà Nội. Tôi cũng được mời dự. Sau buổi lễ, tôi đi bộ về cơ quan. Xuống đến tầng 1 tôi chợt nảy ra một ý nghĩ: “Anh Thanh là Bộ trưởng còn mình chỉ là một cán bộ cấp thấp nên ít có dịp gặp và trò chuyện như thời anh còn là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, nhất là khi tôi không còn làm phóng viên nữa. Mà có gặp thì cũng giống như hôm đi dự hội nghị về phòng chống thiên tai tại thành phố Huế, nhìn thấy anh đang đứng trao đổi với Bí thư và chủ tịch tỉnh tôi cũng chỉ giơ tay chào rồi đi luôn. Hay là hôm nay được vào Trụ sở Bộ Quốc phòng đúng ngày anh Thanh nhận quân hàm đại tướng mình nên đến chúc mừng anh ấy luôn?”. Suy nghĩ như vậy nên tôi quay lại lên cầu thang đến phòng làm việc của anh Thanh. Có nhiều đoàn đại biểu các cơ quan đơn vị đem hoa đến chúc mừng bộ trưởng. Chờ khi các đoàn ra hết tôi mới vào phòng làm việc của anh Thanh. Thế là tuy không có hoa nhưng tôi vẫn đến chúc mừng anh. Anh Thanh đang ngồi ở ghế chờ đón khách. Thấy tôi vào anh liền đứng dậy ra đón:
- Ôi anh Bảo! Lâu quá rồi không gặp…
Anh Thanh vẫn gọi tôi là anh, mặc dù tôi ít tuổi hơn anh và cấp chức thì rất nhỏ. Tôi chào anh và nói:
- Em xin chúc mừng anh được phong quân hàm đại tướng…
Anh Thanh rất vui. Anh nắm chặt tay tôi. Hai anh em đứng nói chuyện với nhau giữa phòng. Chợt nhớ ra, anh mời tôi ngồi xuống ghế. Giữa lúc đó thì lại có mấy đoàn đại biểu nữa mang hoa đến cửa phòng. Tôi nói:
- Thôi anh tiếp khách đi. Em về cơ quan đây. Một lần nữa em xin chúc mừng anh nhé!
Anh Thanh cảm ơn và tiễn tôi ra cửa. Tấm ảnh này là của phóng viên Thông tấn Quân sự Đỗ Xuân Trường chụp khi tôi đến chúc mừng anh Thanh được phong quân hàm đại tướng. Ảnh chụp tại phòng làm việc của anh ở Trụ sở Bộ Quốc phòng.
Hôm nay, được tin anh Thanh đã đi xa, tôi ghi lại vài kỷ niệm nhỏ này với anh, một người lính chiến của thời trận mạc gian lao đã về với cõi bình yên thanh thản…
Hà Nội, ngày 14/9/2021
Ảnh: Tác giả chúc mừng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh được phong quân hàm Đại tướng (ảnh Đỗ Xuân Trường-TTQS).
Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và trong nhà

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Truyện ngắn vui SÂN GÔN MỘT LỖ

     SÂN GÔN MỘT LỖ

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Do dịch Covid-19 bùng phát nên năm nay khai giảng năm học mới theo hình thức trực tuyến. Giá tình hình bình thường như những năm trước thì thế nào ông Tô cũng được trường cũ mời đi dự lễ khai giảng năm học mới. Nhiều lần trong lễ khai giảng ông còn được mời lên bục phát biểu động viên lớp thế hệ học trò hôm nay nữa.
Năm nay đúng ngày khai giảng mà ông Tô vẫn ngồi nhà. Sau khi theo dõi lễ khai giảng trên ti vi cung hai cháu, ông Tô ra vườn. Ông sửa lại bờ rào cây xanh phía trước khoảnh vườn nhà dự định trồng rau. Tình hình dịch bệnh thế này, phương thức “tự cung, tự cấp” khôi phục được càng nhiều càng tốt. Bà vợ ông cũng không còn được đi chợ bán rau dưa nữa. Đi chợ bây giờ phải có giấy phép của xã. Giữa lúc ông Tô đang rào vườn thì thằng Bất phóng xe máy qua ngoài đường nhìn thấy. Nó dừng xe lại chào ông. Ông Tô hỏi:
-Mày đi đâu về sớm thế?
-Cháu lên trường nhận sách vở cho bọn trẻ con ạ! Bon trẻ con bây giờ học hành nhiều loại sách vở quá, không như thời cụ còn dạy học!
-Thì mỗi thời mỗi khác mà…
-Năm học này do dịch bệnh nên có thể còn được giảm học phí nữa cụ ạ!
-Thế thì tốt quá!
-Không tốt lắm đâu cụ ạ…
Ông Tô ngạc nhiên:
-Giảm học phí, đỡ đóng góp sao lại không tốt?
-Cháu sợ là học phí giảm thì… chất lượng dạy học cũng giảm theo ạ!
-Sao lại thế?
-Thì cháu thấy trên ti vi, trên báo, trên mạng xã hội có ông tiến sĩ bảo phải nâng học phí lên thật cao để rào chắn học sinh đi học đấy!
-Mày nghe chả rõ ràng gì cả. Đấy là ông ấy nói học phí cao để rào chắn bớt sinh viên vào đại học chứ…
-Thế thì học sinh nghèo không bao giờ được vào đại học hả ông?
-Cũng không phải thế. Mà ông này muốn học phí cao hạn chế bớt học sinh vào đại học, chuyển sang học nghề, bớt kẻ làm thầy, tăng người làm thợ ấy mà…
-Nhưng trước nay học phí tuy thấp mà nước ta vẫn đào tạo được hàng vạn ông bà tiến sĩ đấy thôi?
Ông Tô hơi lúng túng vì lý giải của thằng Bất. Ông chưa kịp nói gì thì thằng Bất nói thêm:
-Nhiều tiến sĩ quá mong rằng sẽ có nhiều công trình, sáng kiến, phát minh làm giàu cho đất nước, cháu ghê nhất cái ông tiến sĩ gì đó cải tiến chữ quốc ngữ suýt nữa làm toàn dân ta tái mù chữ, rồi bà tiến sĩ đề xuất mua lu đựng nước lụt khiến cả Sài Gòn thêm lụt lội… Trong khí đó có ông học chưa hết cấp 2 mà sáng chế ra hàng loạt máy công cụ cho nông dân, giá rẻ còn xuất khẩu được nữa. Học ít, ít học nhưng vẫn có nhiều công trình, sáng kiến hữu ích đấy cụ ạ!
-Không hẳn thế đâu… Họ ít học ở trường nhưng chịu khó học hỏi ở cuộc sống thực tiễn nên mới làm được như thế đấy. Có điều là những cái học được ở cuộc sống thì không có bằng cấp chính danh thôi… Mà thôi, nói chuyện học hành mãi mệt quá! Ông Cốc bố mày dạo này có khỏe không?
-Mấy hôm nay bố cháu bị mệt ông ạ?
-Thế hả! Tao sang thăm ông ấy xem sao?
-Vậy thì ông lên xe máy cháu đèo đi luôn
-Thôi mày cứ về trước đi, tao đi bộ cho khỏe. Ngồi xe máy không có mũ bảo hiểm công an họ phạt chết?
-Công an nào họ vào đường làng này đâu hả cụ?
Tuy thằng Bất nói thế nhưng ông Tô không chịu. Ông vào nhà lấy cái khẩu trang đeo vào rồi đi bộ sang nhà lão Cốc. Thằng Bất đã phóng xe máy về nhà trước nên khi ông Tô đến đã thấy lão Cốc đang ngồi ở bàn trà chờ. Lão chỉ mệt nhẹ. Thấy ông Tô đến chơi lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ rất vui. Sau những lời chào, hỏi thăm nhau lão Cốc nói:
-Tôi vừa sáng tác được một bài thơ “tứ tuyệt”. Tôi đọc cho ông nghe nhé.
Ông Tô chưa kịp phản ứng gì thì lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ đã sang sảng đọc thơ:
“Đang giữa mùa Cô-vít
Các quan đi đánh gôn
Chơi sân gôn một lỗ
Nên bị mất chức luôn…”.
Ông Tô ngạc nhiên:
-Tôi nghe nói sân gôn là phải có nhiều cái lỗ chứ. Tại sao lại chỉ có… một lỗ thế?
-Thì… chính là cái sân gôn một lỗ F0 đấy. Nhờ có cái “sân gôn F0” một lỗ này nên mới lộ ra các quan đánh gôn, chơi bời giữa mùa dịch trở thành F1 phải đi cách ly chứ?
-À thì ra vậy!
-Tôi nghe nói khi đã lộ tóe loe ra rồi các quan còn bao biện nói là đang đi công tác “khảo sát” tiềm năng du lịch đấy… Rồi lại có thêm một “sân gôn một lỗ” nữa đứng ra để cứu quan trên, ký giấy mời để hợp lý hóa chuyện chơi gôn ấy đấy…
Đúng là chuyện ly lỳ thật. Ông Tô gật gù, lão Cốc gật gù. Ngày khai giảng năm học mới trời bỗng đổ mưa to…
Hà Nội, ngày 5/9/2021
Không có mô tả ảnh.

Chia sẻ