Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Kịch bản phim hoạt hình VE SẦU ĐI HỌC

 LTG: Năm ngoái, một đơn vị chuyên sản xuất phim hoạt hình Việt Nam có đặt hàng tôi viết một kịch bản phim hoạt hình dành cho thiếu nhi. Kịch bản phim này tôi đã gửi cho họ. Nhưng đến nay, sau hơn một năm vẫn chưa được dựng thành phim, có lẽ là họ đã xếp xó vào kho lưu trữ rồi. Vì thế, tôi đưa lên blog để cho đỡ phí công đã cặm cụi viết lách bao ngày (Trọng Bảo).
  
Ve sầu đi học
 Kịch bản phim hoạt hình của Trọng Bảo
             
1
            Một khu vườn sum xuê cây lá.
          Những cái cây cổ thụ vươn cành lên trời cao. Dưới gốc cây là hoa cỏ xanh tươi. Một dòng suối nhỏ róc rách chảy ngang qua khu vườn càng làm cho phong cảnh thêm tươi đẹp. Trên những cái cây sum xuê cành lá ấy là nơi ở của muôn loài. Cuộc sống của muôn loài luôn luôn sôi động.
          Chiếm vị trí cao nhất trên cành một cái cây to là lũ chim rừng. Những cái tổ chim lù sù ngất ngưởng tít trên đầu cành lúc nào cũng có những chú chim non tham ăn, đói khát. Lũ chim non luôn luôn há cái miệng rộng ngoác to kêu la inh ỏi đòi ăn suốt ngày.
          Ở giữa những cành cây ấy là các gia đình ve sầu.
          Những ngôi nhà nho nhỏ xinh xắn nằm ẩn vào các hốc lõm của thân cây. Trong khi bố mẹ đang hối hả làm việc thì lũ ve sầu con chỉ mải mê nô đùa, quậy phá.
          Tại một gia đình nhà ve. Có một chú ve sầu con đang tuổi lớn, ham chơi, rất nghịch. Chú ve con này có đôi mắt to sáng, rất hiếu động. Chẳng mấy khi thấy chú ở yên trong nhà. Suốt ngày chú cứ đi ra, đi vào, đập cánh, khua chân múa tay.
          Rồi chú ve con này la cà, lêu lổng đi lang thang khắp khu vườn.
          Hết dùng gậy chọc thằng bé con nhà chị ong khóc thét, chú ve sầu con lại dùng súng cao su bắn trúng đầu cô bé con nhà anh chị bướm trắng đang tập múa ở cửa nhà mình. Cô bé bướm trắng ngã lăn ra đất bẩn hết cả cái váy mới tinh. Cô bé bướm trắng khóc nức nở.

 2
          Ở tận dưới gốc cái cây cổ thụ là những ngôi nhà của lũ dế mèn.
          Ngôi nhà của anh dế mèn khá kiên cố và ấm áp. Trong nhà chất đầy những bó cỏ xanh non. Khoảnh sân nhà nhỏ có những khóm hoa. Một hàng rào bằng cây xanh bao quanh ngôi nhà của dế mèn.
           Phía trước ngôi nhà của dế mèn là một bãi cỏ rộng. Trên bãi cỏ có những bông hoa nhỏ li ti, nhiều màu sắc. Những ông bố mẹ dế đang hì hục lao động trên bãi cỏ. Họ trồng và cắt, đem những lá cỏ xanh non về tổ làm thức ăn dự trữ.
          Có một thằng dế con cũng rất nghịch ngợm. Chú dế con này có hai thanh gươm bằng gỗ được đẽo gọt nham nhở. Chú dế con rất thích múa gươm, tập võ trước cửa nhà. Chú ta lộn người đâm chém loạn xạ làm những cái lá cây rơi xuống đất lả tả. Vừa vung tay múa hai thanh gươm gỗ, chú vừa hò hét vẻ rất hứng khởi: “Chém này… chém… này… chém…”.
          Khi chú dế mèn con đang co chân tung trưởng rất hoành tráng thì một làn gió mạnh thổi qua. Lá cây khô bị cuốn tung lên mù mịt. Chú dế mèn con bị mất đà loạng choạng ngã lăn quay ra đất. Hai thanh gươm bằng gỗ văng ra xa lăn long lóc. Chú dế mèn con lồm cồm ngồi dậy. Giữa lúc chú ta đang xuýt xoa nhăn nhó vì đau thì nghe có tiếng cười “he… he…he…” ngay ở phía ngoài hàng rào.
          Thằng dế mèn con liền nhỏm dậy quát to:
          - Ai dám cười tôi thế hả?
          - Tôi đây! Tôi là ve sầu đây…
           Chú ve sầu con nhô hẳn người lên khỏi hàng rào và vẫn cười nhăn nhở. Nhìn thấy bạn dế con liền dịu giọng:
           - Ve con hả! Vào nhà đi!
           - Không vào đâu! Chúng mình đi chơi đi!
           - Có trò gì vui không?
           - Có… có… vườn ổi nhà thầy Cóc chín thơm lắm. Tụi mình đến kiếm một quả đi!
           - Vậy thì đi ngay thôi!
            Chú dế mèn con liền vơ vội hai thanh gươm gỗ rồi theo ve sầu con đi ngay.


3
           Tại nhà của ve sầu buổi tối.
          Bố mẹ ve sầu đang tiếp chị ong và anh bướm. Họ đến để phàn nàn vì chuyện ve con trêu chọc các con nhỏ của họ. Ve con cúi mặt ngượng đứng sau lưng mẹ.
          Khi những người khách không mời mà đến đã ra về, bố ve sầu mới lên tiếng bảo ve con:
          - Con phải bớt nghịch ngợm đi. Mà ngày mai con phải đi học thôi!
          - Học để làm gì ạ?
          Ve con ngơ ngác hỏi lại. Bố giải thích:
          - Học để biết chữ con ạ!
          Mẹ ve sầu thì âu yếm:
          - Mẹ đã mua cho con cuốn vở, cây bút và cả một cái cặp sách thật đẹp rồi đây này!
          Ve sầu con lo lắng hỏi thêm:
          - Nhưng biết chữ rồi để làm gì ạ?
           Bố ve sầu xoa đầu con bảo:
           - Học để làm người! Có chữ thì mới nên người con ạ!
           Ve con vẫn băn khoăn:
           - Nhưng… đi học con có được đi chơi nữa không ạ?
           - Có chứ! Ở trường cũng có nhiều trò chơi vui lắm đấy!
           Bố ve nói thêm. Ve con có vẻ yên tâm.
          Thế là ve sầu con chuẩn bị ngày mai đi học. Trong đầu nó hình dung ở trường chỉ toàn là những trò chơi thú vị.

 4
           Buổi sáng hôm sau.
          Ông mặt trời đỏ rực nhô lên. Ánh nắng long lanh rơi xuống cành cây. Chú ve con vẫn ngủ ngon giấc trên giường. Mẹ ve phải gọi mãi ve con mới tỉnh giấc. Nó uể oải ngồi dậy dịu mắt. Mẹ ve sầu giục nó chuẩn bị đi học. Nó mới chợt nhớ ra rồi kêu toáng lên:
          - Đúng rồi! Hôm nay mình phải đi học thôi!
           Ve sầu quáng quàng ăn sáng rồi vội vàng đeo cặp sách để đến lớp. Nó tụt nhanh xuống đất đi theo con đường nhỏ giữa khu vườn.
           Đang cắm cúi bước đi, ve con chợt nghe tiếng gọi giật:
          - Này! Đi đâu mà vội vã thế?
          Nghe tiếng gọi, ve sầu con nhớn nhác nhìn quanh. Thì ra đó là dế mèn con thằng bạn thân của nó. Thằng dế mèn con đang hùng hổ khua hai thanh gươm gỗ chém lia lịa trong đám cỏ non bên đường vẻ rất thích thú. Trông nó giống như một võ sĩ thực sự. Ve sầu con làm loa tay gào to:
          - Tớ đang đi học đây!
          Dế con ngơ ngác:
          - Học để làm cái gì thế! Mà tại sao lại phải học chứ?
          - Thì… học là để biết chữ, là để làm người. Bố mẹ tớ bảo thế. Mà cậu cũng phải đi học đi thôi…
          Dế con nhìn ve sầu đeo cặp sách băn khoăn:
          - Nhưng mà bây giờ tớ không có sách vở. Cậu đợi chờ để tớ chạy về nhà lấy nhé!
          - Ừ… cậu nhanh nhanh lên nhé không thầy dạy cho bọn ong, kiến, chuồn chuồn hết mất chữ đấy! 
           Dế mèn con vứt hai thanh kiếm gỗ rồi chạy vội về nhà. Hai chân dế mèn con cuống quýt. Bóng nó khuất dần trên lối nhỏ giữa khu vườn.

 5
          Ve sầu con đứng chờ dế con.
          Mặt trời đã nhô lên cao. Ánh nắng xuyên qua tán lá cây trong vườn nhảy nhót lung linh trên mặt đất. Dòng suối giữa vườn chảy trong veo.
          Chờ mãi chả thấy dế con ra, ve con lẩm bẩm: “Lại mải đi chơi ở đâu rồi!”. Nói đoạn, ve con đành một mình đi đến lớp trước. Nó bước đi hấp tấp. Cái cặp sách lạch xạch bên hông.
          Lớp học chữ nằm dưới tán một cái cây to.
          Trong lớp, các bạn kiến, chuồn chuồn, bướm, ong mật, bọ dừa… đang chăm chú nghe thầy giáo Cóc giảng bài, dạy viết chữ. Trong những cuốn vở của họ đã ghi được nhiều con chữ. Những con chữ thật đẹp và lạ mắt. Ve sâu ngơ ngác nhìn các bạn ngồi xung quanh. Nó lấy vở và bút ra. Bắt chước các bạn nó cũng định viết nhưng không biết viết cái gì trên trang vở mới trắng tinh.
          Thầy giáo Cóc đã dạy đến chữ “e”. Ve sầu con vội vàng ghi luôn chữ “e” vào vở. Một chữ “e” to tướng, nghuệch ngoạc. Nó tô thật đậm thêm chữ “e” rồi gập vở lại. Nó hí hửng chạy luôn ra khỏi lớp.
          Vừa chạy ve sầu con vừa reo to:
          - A… a… mình… đã… biết… chữ… biết… chữ… rồi… mình… đã… thành… người rồi…
          Trong lúc đó dế con mới cầm cây bút chì và một cuốn vở nhàu nát hổn hển chạy đến. Nhìn thấy ve con đang chạy ngược ra, dế con vừa thở vừa hỏi dồn:
          - Cậu đã học được chữ chưa?
          - Được… được rồi! Chữ hay lắm!
          - Thế hả! Cậu đưa cho tớ xem với?
          Ve con lắc đầu:
          - Không cho cậu xem đâu! Đây là cái chữ của tớ học được chứ, cho cậu xem để cậu lấy mất cái chữ của tớ à!
          Dế con ngẩn người vẻ lo lắng. Ve sầu an ủi:
          - Cậu vào lớp ngay đi, thầy giáo Cóc vẫn còn đang còn dạy chữ đấy, thầy vẫn còn nhiều chữ lắm!
          Dế con dặn bạn:
          - Thế thì cậu đứng ở đây chờ mình với nhé! Học được chữ là mình sẽ lập tức quay ra ngay. Chúng mình sẽ lại cùng nhau đi chơi thoả thích nhé!
          Ve sầu gật đầu. Dế con len lén bước vào lớp học. Nó ngồi ghé xuống cái ghế cuối lớp rồi ẩy thằng kiến con lùi vào tận góc lớp.
          Lúc này thầy giáo Cóc đã dạy đến chữ “i”. Cây thước trên tay thầy giáo Cóc chỉ vào chữ “i” viết trên bảng và đọc để cả lớp đọc theo. Bọn học trò vừa tập đọc theo thầy vừa nắn nót viết chữ “i” vào vở của mình. Dế con cũng vội vàng ghi ngay lấy chữ “i” vào cuốn vở nhàu nát đem theo.
           Ghi được chữ “i” giống như cái chữ của thầy Cóc viết trên bảng dế con tỏ vẻ thích lắm. Nó lao luôn ra khỏi lớp phấn khởi gào to:
          - Biết…biết… chữ… mình đã… biết…. chữ rồi…!
  
6
          Dế con gặp lại ve con ở bãi cỏ cạnh dòng suối.
          Cả hai vô cùng phấn khích vì đã biết chữ. Hoá ra việc học chữ cũng chả khó khăn gì đối với chúng. Ve sầu con và dế con mở hai cuốn vở ra so đọ với nhau. Hai đứa cãi nhau ỏm tỏi. Ve sầu con bảo:
          - Chữ “e” của tớ rất đẹp và là chữ quan trọng nhất!
          Dế con cãi lại:
          - Không đúng! Chữ “i” của tớ mới đẹp và quan trọng nhất!
           Ve sầu con gân cổ lên:
           - Chữ e quan trọng nhất!
           Dế con gào lên:
           - Là chữ i!
           - Chữ e… e… e… e… e… e… e…
           - Chữ i… i… i… i… i… i… i…
           Ve sầu con và dế con chẳng ai chịu ai. Hai đứa đỏ mặt tía tai, cãi nhau ầm ĩ cả khu vườn. Hai đứa cãi nhau to quá khiến lũ chim non tít trên cành cao cũng phải giật mình ngó xuống xem có chuyện gì xảy ra. Cãi nhau một lúc mệt quá, hai đứa ngồi phệt xuống bãi cỏ cùng thở dốc. Mãi một lúc sau ve sầu mới bảo :
           - Hai chữ mà chúng mình đã học được đều là quan trọng cả! Nhưng việc quan trọng nhất là hai đứa chúng mình đều đã biết chữ rồi, đều là người có học rồi. Bây giờ lại đi chơi thôi!
           - Đúng… đúng…
           Dế con đồng tình. Song nó chợt ngần ngừ. Nó chìa quyển vở đang cầm trên tay hỏi lại:
           - Thế chúng mình làm gì với cuốn vở này?
           Ve sầu con bảo:
           - Chúng mình đã biết chữ rồi, là người có học rồi thì cần gì đến sách vở nữa chứ! Vứt luôn đi thôi…
           Ve sầu con và dế con liền xé luôn sách vở, ném bút đi. Hai đứa tung nắm giấy vừa xé từ những cuốn vở tập viết lên trời. Những trang giấy trắng bay tung toé khắp nơi. Trang giấy có chữ “e” của ve sầu con và trang giấy có chữ “i” của dế con bay xa và rơi luôn xuống dòng suối đang chảy. Dòng nước cuồn cuộn chảy cuốn ngay những trang giấy có hai chữ cái ấy trôi đi. Những con chữ rập rờn rồi biến mất dưới làn nước chảy xiết.
           Ve sầu con và dế con kéo nhau đi khắp vườn.
           Gặp ai chúng cũng vênh mặt lên đấm bình bịch vào ngực khoe là người biết chữ, là người có học. Càng ngày chúng càng trở nên kênh kiệu và tỏ vẻ khinh người ra mặt.

 7
            Một buổi sáng xôn xao trong khu vườn của muôn loài.
            Thầy giáo Cóc dẫn đầu bọn trẻ đi trên con đường nhỏ giữa vườn. Đó là những chú kiến, chuồn chuồn, ong mật, bọ dừa, châu chấu. Cặp sách đeo trên vai, đứa nào đứa nấy mặt mày đều hớn hở, phấn khởi.
            Đoàn học sinh và thầy giáo Cóc đi qua chiếc cầu nhỏ bắn qua con suối. Cả khu vườn ồn ào. Mọi người đổ ra chào đón thầy giáo Cóc và các học sinh. Trong lúc ấy thì ve sầu con và dế con đang đùa nghịch ở bãi cỏ non ven đường. Thấy mọi người ồn ào đi qua ve sầu và dế con cũng vội chạy ra xem.
            Nhìn thấy đám bạn bè học sinh cùng lớp cũ, ve sầu con liền hỏi:
           - Các cậu kéo nhau đi đâu đấy?
           - Bọn mình theo thầy giáo Cóc đi tham dự hội thì viết chữ đẹp đấy!
           Thằng ong con vui vẻ trả lời. Ve sầu con quả quyết:
           - Thế thì tớ và dế mèn con cũng sẽ đi thi!
           Ong con ngạc nhiên:
           - Nhưng hai cậu có biết chữ đâu mà đòi đi thi viết chữ đẹp chứ?
           - Biết… biết, bọn mình đã biết chữ từ lâu rồi mà!
           Dế mèn con cự lại. Đoạn nó lấy thanh gươm gỗ vạch trên mặt đất một chữ “i” nghuệch ngoạc. Ve sầu cũng dùng que viết ra mặt đất một chữ “e” xiêu vẹo và nói: “Thấy không! Chúng mình cũng biết chữ cả đấy!”. Đám học sinh ồn ào. Thấy vậy, thầy giáo Cóc bèn rẽ đám đông tiến đến vỗ vai ve sầu và dế con ân cần bảo:
          - Các con mỗi người chỉ biết có mỗi một chữ mà không hiểu là còn có nhiều chữ khác nữa chưa biết. Với mỗi một chữ duy nhất mà các con đã biết thì không viết nổi cả tên của mình đâu! Các con không thể đi tham dự hội thi viết chữ đẹp này đâu!
           Ve sầu ngơ ngác:
           - Con cứ tưởng chỉ cần biết chữ là đã thành người có học rồi chứ ạ?
           Thầy giáo Cóc ân cần:
           - Biết chữ thì chưa phải đã là người có học đâu các con ạ! Biết chữ rồi còn phải tiếp tục học, học nữa, học cả đời thì mới nên người… Các con chỉ biết một chữ thì không thể đi tham dự cuộc thi viết chữ đẹp này đâu…
           Ve sầu và dế con cúi đầu xấu hổ. Hoá ra bây giờ chúng mới hiểu ngoài chữa “e” và chữ “i” chúng đã học được còn nhiều chữ khác mà chúng chưa hề biết… Đoàn học sinh và thầy giáo Cóc tiếp tục hồ hởi lên đường đi dự hội. Ve sầu và dế con đứng trông theo. Nét mặt cả hai rất buồn. Rồi cả hai lủi thủi quay về. Thằng dế con kéo lê hai thanh gươm gỗ trên đường…
           Thế là cũng bởi ngộ nhận và lười biếng vậy, cho nên cả đời ve con và dế con mỗi đứa chỉ biết đúng có một chữ duy nhất. Vì thế ngày ngày trên cành cây cao chỉ nghe thấy tiếng ve sầu ra rả đọc mãi một chữ “e…e…e… e…” và dưới mặt đất thì dế chỉ biết ri rỉ lẩm nhẩm mỗi một chữ “i…i…i… i…” mà thôi.
                                                                                               Hà Nội, cuối năm 2012

                                                                          



Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

VỀ TRUNG DU - thơ

 

Về Trung du
 
Theo em về thăm lại bến xưa
Sông Lô mùa thu xanh thăm thẳm
Một trung du dịu dàng đằm thắm
Cọ xòe ô vẫy dọc đường chiều.
 
Bờ đê thấp thoáng những cánh diều
Đàn em nhỏ đầu trần đen nhẻm,
Phương Khoan (1) ấy một lần tôi đến
Hai mươi năm nay mới trở về.
 
Bến sông xưa vẫn những rặng tre
Uốn cần câu đợi mùa nước lớn
Chuyến phà Then sang ngang chộn rộn
Người lính già lặng lẽ bên sông (2).
 
Một mùa thu rơi xuống cánh đồng
Lúa rực vàng vui ngày gặt hái
Giữa rơm rạ thấy lòng thư thái
Quên nỗi lo bận bịu phố phường.
 
Tôi gặp trong màu nắng quê hương
Ánh mắt trung du sao trừu mến,
Có tiếng em gọi tôi xuống bến
Thật dịu dàng như sóng Lô giang...
 
Vĩnh Phúc, 8/2014
   Trọng Bảo
------------------
(1) Phương Khoan là một xã ven sông Lô thuộc tỉnh Vĩnh Phúc
(2) Người lính già - nhân vật trong truyện ngắn Ký ức sông Lô mà tôi đã viết. Mời đọc truyện ngắn này theo đường link:  http://Truyện ngắn KÝ ỨC SÔNG LÔ
 

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Chúng tôi lính trung đoàn 246

Ngày chủ nhật (29-6-2014), tại nhà khách Bộ Tư lệnh Quân khu 2, các cựu chiến binh Trung đoàn 246 (Đoàn Tân Trào) sẽ tổ chức buổi gặp mặt truyền thống. Tôi xin đưa lại bài thơ đã viết trong dịp về dự gặp mặt hai năm trước gửi đến các bạn bè, đồng đội cùng trung đoàn năm xưa.
Tôi bị cháy hỏng máy điện thoại, mất hết số điện thoại của các bạn cùng đơn vị cũ. Ai đọc được bài thơ này hãy nhớ điện lại cho tôi nhé!
Trọng Bảo, ĐT: 0986676547

Chúng tôi lính trung đoàn 246
 
           Chúng tôi lính trung đoàn 246
           Nhớ thuở tựu quân giữa chiến khu
           Tấm áo nâu và thanh mã tấu
           Dặm trường chinh khói lửa mịt mù.
 
           Chín năm trường kỳ, chín năm gian khổ
           Tuổi hai mươi vương vãi sa trường
           Dọc ngang chiến hào mồ hôi, máu đổ
           Bao người không trở lại quê hương.
 
           Trường Sơn xưa có người lính trẻ
           Súng trên vai hăm hở lên đường
           Vượt rừng già, suối sâu, vách đá
           Những nơi nào còn đẫm máu xương?
 
           Đoàn quân băng qua bao vực thẳm
           Hướng chiến trường rẽ núi mà qua
           Đâu có biết tấm lòng quả cảm
           Lại phôi pha giữa chốn rừng già!
 
           Một người sống, hai người chết đói
           Mặt trận xa vời vợi tận nơi đâu
           Lương thực cạn, rừng không biết nói
           Để mách cho người lính một ngọn rau…
 
           Trung đoàn tôi có thêm tên mới,
           Trung đoàn “hai-bốn-đói” từ đây
           Những người lính gầy gò đói lả
           Mà làm nên chiến thắng Làng Vây…
 
           Hòa bình khi niềm vui chưa dứt
           Rừng núi Hà Giang phá đá mở đường
           Miếng măng đắng quặn từng khúc ruột
           Hạt bo bo đợi lúa chín trên nương.
 
           Và trận đánh ở Cao Bằng năm ấy
           Đồng đội tôi những ai mất, ai còn
           Đêm phá vây giữa bốn bề lửa cháy
           Thêm nhiều người ngã xuống ở sườn non…
 
           Lũ chúng tôi hôm nay về gặp mặt
           Những mái đầu đã trắng thời gian
           Cùng nhớ về những người đã khuất
           Để mãi mãi bên nhau lính trung đoàn…
                           Phú Thọ, 30/6/2012
                              TRỌNG BẢO

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Tản văn Một mét chiến hào Điện Biên

   

      Ảnh: Hoa ban miền Tây bắc
 
Một mét chiến hào Điện Biên
Tản văn của Trọng Bảo

          Mùa hè năm 1999, cũng vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đang nghỉ phép ở quê thì nhận được điện thoại của ông Đỗ Văn Tường, Bí thư huyện uỷ Lập Thạch-Vĩnh Phúc. Ông thông báo: "Ngày mai Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ về thắp hương tại đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn tại xã Sơn Đông, nhà báo cố gắng đến nhé!". Tôi hứa sẽ đến sớm. Bí thư huyện uỷ  Đỗ Văn Tường còn cho biết thêm đã mấy lần đại tướng về thăm đền thờ Trần Nguyên Hãn. Hai vị danh tướng có tài "kinh bang tế thế" ấy đều là những người có công khai quốc công thần, tuy âm dương cách biệt nhưng hình như có sự đồng cảm với nhau.

            Trần Nguyên Hãn là một vị tướng giỏi có công lao rất lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, trợ giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, lập ra nhà Hậu Lê. Song cũng chính vì công lao của ông lớn quá, tính tình của ông lại cương trực khiến cho lũ tham quan, nịnh thần ganh ghét. Chúng gièm pha, xúc xiểm khiến Lê Lợi dần dần không còn tin dùng Trần Nguyên Hãn nữa. Chán nản trước sự đời và hiểu được cái xu thế: "Tướng tài thời loạn, quan hoạn thời bình" nên Trần Nguyên Hãn đã dâng tấu xin được quy hưu. Ông trở về vùng quê nghèo Lập Thạch là nơi đã sinh thành để lập ấp, làm ruộng, vui cảnh điền viên. Thế nhưng đám quan tham kia vẫn không buông tha ông. Chúng tiếp tục xúi bẩy Vua Lê Thái tổ, vu cho ông tội tụ tập mưu phản. Lê Lợi u mê tin vào bọn ấy đã hạ chỉ, sai quan quân bắt trói Trần Nguyên Hãn rồi dìm chết tại bến Đông Hồ trên Sông Lô. Cũng có tài liệu khác thì lại viết là ông đã tự trầm mình xuống sông tự vẫn. Đó cũng chỉ là một sự bức tử mà thôi. Nhân dân đã lập đền thờ Trần Nguyên Hãn ngay trên bến sông, nơi ông bị dìm chết.

            Chuyến đi đón vị danh tướng của thời nay về viếng vị danh tướng của thời xưa đã giúp tôi có thêm tư liệu để viết xong truyện ngắn có tính dã sử "Bến sông xưa" mà tôi đã ấp ủ từ lâu.

          Tháng 5 năm 1963, khi trả lời phỏng vấn của "Tuần báo Cách mạng châu Phi", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định cùng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, của nghệ thuật quân sự Việt Nam, của quyết tâm sắt đá của quân, dân ta là những nhân tố quyết định dẫn đến thắng lợi của Điện Biên Phủ, còn có một nguyên nhân nữa là ý chí được hun đúc từ hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Đó là ý chí giành độc lập tự do cho Tổ quốc, đem lại ruộng đất cho nông dân. Ông nhấn mạnh đó chính là động lực để những người lính không sợ đổ máu hi sinh cầm súng lao vào trong lửa đạn, là sự thôi thúc những đoàn dân công ngày đêm ăn đói, nhịn khát thồ gánh gạo từ hậu phưong lên mặt trận Tây Bắc xa xôi tiếp tế cho bộ đội. Ý nghĩa và bài học đó đến hôm nay vẫn luôn tươi mới. Chúng ta đang xây dựng đất nước với mong muốn phát triển Việt Nam sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới. Lớp người hôm nay chỉ quen nghe tiếng pháo hoa, chưa từng nghe tiếng pháo giặc, chỉ biết những dự án hàng trăm, hàng ngàn hec-ta xây dựng những sân gôn, khu công nghiệp. Song xin đừng quên là chỉ một mét chiến hào Điện Biên thôi mà hàng chục, thậm chí hàng trăm người đã ngã xuống, máu liệt sĩ thấm sâu vào lòng đất. Và cũng xin đừng bao giờ quên cái giá của độc lập, tự do và của từng tấc đất Việt Nam là rất đắt.
                                                                Hà Nội, tháng 5-2009 

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Truyện ngắn NHỚ RỪNG đăng Báo QĐND

LTG: Trang Văn học-Báo Quân đội nhân dân, thứ sáu (14-2-2014) đã đăng truyện ngắn Nhớ rừng, một truyện ngắn tôi viết về kỷ niệm thời tuổi trẻ sống, lao động ở miền rừng núi Hà Giang thân yêu. Tác giả xin trân trọng cảm ơn ban biên tập báo và post lại trên blogs của mình (Trọng Bảo).
Nhớ rừng
QĐND - Thứ sáu, 14/02/2014 
QĐND - Gặp tôi ở chợ hoa phong lan, anh Đạo kéo tôi về nhà anh. Sao giữa chốn thị thành này lại có một khu vườn rộng và đẹp đến thế. Quên cả mình là khách, tôi nhào ngay đến chỗ gốc cây treo lủng lẳng những giò phong lan rừng. Đang đúng mùa quế lan hương nở. Những chùm hoa màu trắng như sữa buông xuống. Mùi hương thơm ngan ngát. Anh Đạo gọi to:

- Mình ơi! Có khách quý…
Một người phụ nữ luống tuổi từ trong căn nhà gỗ ló ra. Tôi vội quay lại:
- Chào chị! Em là…
- Chiến hữu của tôi đấy. Chiến hữu đặc biệt. Từng sống chết với nhau thời biên giới đấy! - Nói đến đây anh cũng thấy ngạc nhiên - Ồ… mới đấy mà cũng đã mấy chục năm rồi!
- Thế sao hôm nay chú mới đến nhà chơi…
Anh Đạo trả lời thay tôi:
- Thì chiến đấu mỗi người mỗi hướng. Tôi bị thương chuyển về tuyến sau, qua bao nhiêu là bệnh viện… mất liên lạc. Mấy chục năm rồi, hôm nay bất ngờ gặp chú ấy ngoài chợ. Chú ấy làm việc ở ngay Hà Nội mà có biết đâu. Thôi bà đi chợ kiếm cái gì cho anh em tôi liên hoan một bữa ra trò mừng ngày tái ngộ.
- Được rồi, ông cứ yên tâm!
Nói đoạn, chị chủ nhà xách làn đi ra cổng. Tôi và anh ngồi ngay giữa vườn cây. Chúng tôi vừa uống chè, ngắm hoa, vừa trò chuyện rôm rả. Kỷ niệm ngày mới nhập ngũ hiện lên trong tôi tươi mới như vừa hôm qua.
Ngày ấy là những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Chúng tôi háo hức lên đường. Miền Nam đang thắng lớn dồn dập. Những tin tức chiến sự từ mặt trận bay về khiến chúng tôi bồn chồn, mong được tham gia đội hình tiến vào Sài Gòn ngày chiến thắng. Song chúng tôi chưa hoàn thành chương trình huấn luyện tân binh thì miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Nhưng niềm vui thắng trận chưa nguôi thì những khó khăn thời hậu chiến đã xuất hiện. Đó là những năm tháng khó khăn của đất nước. Đơn vị chúng tôi hành quân lên Hà Giang để làm đường. Con đường 279 từ Bắc Quang xuyên rừng núi hoang sơ sang Yên Bái. Đơn vị làm lán tạm giữa rừng để mở tuyến thi công nền đường. Một hôm, tôi được giao nhiệm vụ lên tiểu đoàn nhận mắm tôm về cho nhà bếp. Khi khoác chiếc ba lô nặng trịch, hôi mù trên vai đi qua nhà chỉ huy thì chợt nghe tiếng gọi:
- Nguyên phải không?
Tôi dừng lại nhìn vào nhà chỉ huy. Tiểu đoàn trưởng Doanh là người cùng huyện nên nhận ra tôi. Anh dẫn một người trông vẻ lính cũ ra bảo:
- Đây là Đạo. Anh ấy được biên chế về Đại đội 7, cậu dẫn anh ấy về đơn vị luôn nhé!
- Vâng! Anh đi luôn cùng em chứ?
Thế là chúng tôi quen nhau. Anh Đạo hơn tôi bốn tuổi, nhập ngũ cũng hơn tôi gần bốn năm. Anh là dân Hà Nội. Anh vừa tốt nghiệp trung cấp cầu đường được điều về làm nhân viên kỹ thuật tại đại đội tôi. Dọc đường về đơn vị hơn chục cây số đường rừng, mặc dù tôi từ chối nhưng anh cứ dứt khoát giành đeo giúp tôi cái ba lô mắm tôm nặng trịch. Chúng tôi thân với nhau từ đó. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau. Kiếm được cái gì ăn như nồi sắn luộc, nắm xôi dân bản cho anh cũng gọi tôi. Bây giờ nói chuyện ăn uống thì nghe có vẻ kỳ cục và khổ khổ thế nào ấy. Nhưng những năm tháng sau chiến tranh, để được bữa ăn no không phải dễ, đừng nói là ăn ngon. Khẩu phần bữa của mỗi người là hai bát hạt bo bo hoặc hai nắm bánh mì đen luộc. Ăn xong bữa mà cứ như chưa ăn. Cánh lính làm đường, suốt ngày đào đất, đục đá, bụng đói, tay run nhiều khi hoa cả mắt. Giữa tôi và anh Đạo có bao nhiêu kỷ niệm, vui buồn đều có.
Hôm đó là ngày nghỉ. Tôi đang nằm đọc tờ báo cũ thì anh ngó vào:
- Đi theo tao có cái này hay lắm!
Thấy tôi ngần ngừ, anh nói tiếp:
- Hôm qua đi khảo sát định tuyến, tao phát hiện được một tổ ong mật to lắm.
Nghe vậy, tôi ngồi bật ngay dậy. Tôi vớ con dao đi theo anh. Mọi ấm ức với anh tan biến. Tôi với anh sôi nổi bàn cách lấy mật ong. Đến gốc cây ngát có tổ ong, chúng tôi vun lá khô châm lửa. Khi lửa đã cháy, chúng tôi ném mấy cành lá tươi vào. Khói bốc lên nghi ngút. Đàn ong ào ào bay vun vút ra khỏi tổ. Anh Đạo leo lên cây cắt lấy tổ ong mọng căng những mật cho vào xô rồi ròng dây xuống cho tôi. Tôi đỡ xô mật ong. Anh Đạo tụt xuống. Hai anh em ngồi luôn dưới gốc cây chén mật ong. Mật ong tươi, ngọt lịm.
Chúng tôi mải ăn và vắt mật ong ra xô, không để ý đống lửa đốt lá cây tươi đã tàn, khói không còn bốc lên nữa. Thế là đàn ong lao xuống đốt túi bụi. Bị bất ngờ, tôi và anh Đạo hoảng quá bỏ cả xô mật phá chạy. Nhưng chúng tôi chạy đến đâu đàn ong đuổi theo đến đấy. Hai chúng tôi phóng vào khu doanh trại của đơn vị nữ ở chân dốc. Các chiến sĩ nữ đang cuốc xới, nhổ cỏ ở vườn rau hét lên kinh hãi khi thấy đàn ong như một đám mây đen đuổi riết theo hai chúng tôi. Chúng tôi chạy qua chỗ chị em đang tăng gia. Nhưng lạ thay, đàn ong chỉ bám theo tôi và anh Đạo, chúng không đốt bất cứ ai khác. Tôi và anh Đạo lao vào nhà bếp. Đàn ong đuổi theo. Hai cô bé đang vặt rau rú lên hoảng sợ. Anh Đạo rút vội một thanh củi đang cháy ngùn ngụt vung lên khua đuổi đàn ong. Tôi cũng vội vớ lấy một thanh củi đang cháy. Nồi nước trên bếp lật đổ ụp xuống, khói mù mịt. Hai chúng tôi khua khoắng một hồi đàn ong mới chịu bay đi. Tôi và anh Đạo lúc này mới hoàn hồn, tay vẫn chưa dám buông cành củi đang tỏa khói. Hai nữ chiến sĩ nuôi quân mặt cắt không còn tý máu. Tôi ấp úng xin lỗi rồi kéo anh Đạo ra ngoài. Đến bìa rừng, anh còn tỏ vẻ tiếc rẻ bảo:
- Tao với mày lên chỗ gốc cây ngát tìm xô mật ong đi.
- Thôi để đến tối! Mò lên bây giờ bọn ong nó đánh cho một trận nữa thì toi hẳn.
Tôi vừa gàn anh vừa xoa xoa cái đầu đau ê ẩm vì ong đốt. Anh Đạo nhất định tìm cách lên lấy bằng được xô mật. Anh lo để đấy đến tối thì lũ kiến sẽ bò vào làm hỏng xô mật ong. Anh buộc một bó nứa to châm lửa và đốt lên cùng lá cây tươi. Khói mù mịt. Anh lên lấy xô mật ong. Buổi tối, tôi và anh xách theo hai chai mật ong sang cho các em ở trung đội nữ như một lời xin lỗi vì đã làm cho họ một phen khiếp đảm. Sau bận ấy, chúng tôi hay sang chơi với các em ở trung đội nữ. Các nữ chiến sĩ đóng quân ở giữa rừng, họ cũng vất vả làm đường như đơn vị nam chúng tôi. Hôm hai nữ chiến sĩ đi lấy gạo bị lũ cuốn trôi, cả đại đội chúng tôi dàn quân lần theo dọc hai bờ con sông Bạc tìm thi thể của họ.
Một lần, anh Đạo được cử về Hà Nội mua hạt rau giống. Không biết anh tỉ tê thế nào mà đại đội trưởng đồng ý cho tôi cùng đi. Khi chúng tôi qua chỗ đơn vị nữ hỏi xem chị em có nhờ mua bán cái gì không, các cô gái cứ cười cười mãi. Thoan, một trong hai cô bé nhặt rau ở bếp bữa chúng tôi bị đàn ong đuổi hôm trước đưa cho chúng tôi một cái phong bì dán kín và dặn:
- Các thứ cần mua chúng em đã ghi cả trong này rồi! Nhưng ra đến ngoài đường các anh mới được mở ra xem đấy nhé!
Nghe Thoan dặn, các cô gái cứ cười ngặt nghẽo mãi.
Hai chúng tôi bám nhờ xe chở xi măng ra Quốc lộ 2 để đón xe khách. Phải mất hai chặng xe mới tới được ga Phú Thọ. Từ ga Phú Thọ, chúng tôi đi tàu xuôi Hà Nội. Anh Đạo về Hà Nội trước mua hạt rau giống. Tôi tranh thủ mượn xe đạp tạt về thăm nhà một tối rồi sáng hôm sau về Hà Nội đón anh ở ga Hàng Cỏ để cùng ngược lên đơn vị. Gặp nhau ở sân ga, anh Đạo bảo:
- Mày lấy thư của các em ra xem họ nhờ mua cái gì?
Lúc này tôi mới nhớ đến lá thư Thoan đưa cho hôm trước nhét ở góc ba lô. Vừa bóc ra xem, tôi tái mặt kêu:
- Chết rồi anh Đạo ơi!
- Việc gì thế?
Tôi vừa đưa mảnh giấy cho anh Đạo vừa ghé tai anh nói nhỏ:
- Chị em nhờ mua toàn đồ “phụ tùng” của phụ nữ… làm thế nào bây giờ hả anh?
Anh Đạo đọc xong tờ giấy cũng hơi cuống. Chị em trung đội nữ nhờ mua bốn mươi cái xu-chiêng. Ngày ấy, cả tôi và anh đều chưa có gia đình. Thậm chí tôi còn chưa có cả người yêu nữa. Bàn tính một lúc, chúng tôi kéo nhau ra đường Nam Bộ trước cửa nhà ga. Hai anh em cứ lượn đi lượn lại mãi mới dám đánh liều vào một cửa hiệu của một chị đứng tuổi. Chị bán hàng hỏi:
- Hai chú bộ đội cần mua gì?
Anh Đạo chỉ tôi. Tôi gãi đầu gãi tai, ấp úng không nói được.  Chị chủ hiệu gặng hỏi. Tôi đưa cho chị tờ giấy. Chị xem xong cười ngặt nghẽo một lúc rồi bảo:
- Đấy, các chú xem các loại kích cỡ nào thì chọn đi!
Tôi càng hoảng. Anh Đạo lúc này còn giở quẻ:
- Mày xem em Thu, em Lý, em Tân, nhất là em Thoan của mày vừa cái nào thì mua đi, sắp đến giờ tàu chạy rồi…
Tôi cáu:
- Anh định đùn hết trách nhiệm cho em à?
- Nhưng các em nhờ mày mua chứ có nhờ tao đâu!
Tôi quyết định:
- Nhờ chị chọn cho hai mươi cái loại vừa, hai mươi cái loại to.
- Mày mua thế nhỡ có chị em nào không vừa thì mày chết! - Anh Đạo dọa.
Tôi cũng hơi lo. Nhưng các em không ghi rõ kích cỡ thì biết thế nào. Để cho yên tâm, tôi mua thêm năm cái loại to nhất nữa. Chị bán hàng xếp bốn lăm cái xu-chiêng vào ba lô cho tôi. Trên đường về đơn vị, tôi tìm cách đùn việc đeo cái ba lô loại hàng “đặc biệt” này cho anh Đạo. Lúc ngồi trên tàu xe, mỗi khi thấy công an hay tổ kiểm soát quân sự đi qua là tôi lo tái cả mặt. Họ mà kiểm tra hành lý thì nguy. Ngày ấy còn có chuyện ngăn sông cấm chợ, hàng hóa cấm lưu thông. Bị kiểm tra, bày các thứ ra thì ngượng chết, nhất là lại bị quy là buôn lậu các thứ này nữa thì càng nguy. Lúc đến Vĩnh Tuy, tôi bảo anh Đạo xuống xe. Anh ngạc nhiên:
- Lên tới ngã ba đi Yên Bình mới xuống đi bộ cho gần chứ. Xuống ở đây xa mất hơn mười cây số đấy.
- Trạm kiểm soát quân sự chỗ ngã ba kiểm tra kỹ lắm. Xuống đây cho yên tâm!
Tôi nói và đeo chiếc ba lô hàng “đặc biệt” lên vai. Anh Đạo bảo:
- Mày khôn thế! Dọc đường sợ bị bắt thì đùn cho tao đeo cái ba lô này. Bây giờ cuốc bộ leo núi thì mày lại xí phần?
Nói vậy nhưng anh vẫn khoác chiếc ba lô hạt giống nặng lên vai. Qua chỗ đơn vị nữ, chị em trông thấy ùa ra. Tôi quẳng cái ba lô về phía chị em rồi tháo chạy. Hôm sau gặp nhau ở bờ suối, Thoan cười cười bảo tôi: “Anh mua cho em hai cái chả cái nào vừa cả!”. Tôi đánh bạo: “Lần sau có nhờ thì phải cho… kiểm tra, đo trước thì mới mua đúng được…”.
Tôi và anh Đạo cùng ôn lại chuyện cũ. Anh bùi ngùi:
- Trận đánh ở biên giới năm ấy mấy chục chị em hy sinh gần hết. À, mày đã đến thăm nhà cái Thoan lần nào chưa?
- Có! Em đã đến nhà cô ấy ngay sau chiến tranh biên giới 2-1979. Đơn vị giao cho em đem di vật của liệt sĩ về giao cho gia đình Thoan. Mẹ cô ấy mở cái ba lô ra cầm mấy thứ đồ của con gái cứ khóc mãi.
Anh Đạo đứng dậy:
- Thôi, nhắc lại chuyện cũ buồn quá! Theo tao ra vườn xem hoa phong lan. Có mấy loại lan rừng tao mới tầm được đấy.

Truyện ngắn của TRỌNG BẢO

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Tản văn NHỮNG MÙA XUÂN KHÔNG QUÊN

         
     
        Những mùa Xuân không quên
          Tản văn của Trọng Bảo

          Vậy là một mùa Xuân đã đến. Tết năm nay thời tiết nắng đẹp, trời khô ráo mát mẻ, bầu trời trong xanh, lộc non nảy trên cành khoe sắc thắm. Một năm đã qua đi, đất nước gian lao trong khủng hoảng kinh tế nhiều nhà kinh doanh lâm vào vòng lao lý, nhiều quan chức sụp đổ cả tiền đồ khi dính vào chuyện tiêu cực, tham nhũng. Nhân thế ồn ào rồi cũng qua đi. Nỗi buồn của thời gian biết bao giờ hết được khi mùa Xuân vẫn cứ theo vòng quay của vũ trụ trở về.
          Tết đến cũng sắp sang tháng hai năm dương lịch. Tôi nhớ một ngày mùa Xuân 35 năm trước (năm 1979) cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Những người lính biên cương chúng tôi tỳ súng bên gốc hoa đào, hoa mơ, hoa mận đang nở rộ để chặn giặc. Những trận đánh ác liệt, máu chiến binh nhuộm hòa cùng những cánh hoa đào rơi vãi hồng trên mặt đất. 35 năm rồi, thời gian đã khép lại những vết thương, máu đã thấm sâu vào lòng đất đai, có nhiều người đã lãng quên một cuộc chiến tranh năm ấy nhưng những người lính chiến chúng tôi thì chắc sẽ không bao giờ quên được một mùa Xuân chiến trận lạnh lẽo, đau thương năm nào.
          Tôi nhớ cũng vào một mùa Xuân 30 năm trước (năm 1984). Ngày ấy tôi đang công tác tại trung đoàn 540 đóng quân ở biên giới Lạng Sơn. Mùa Xuân thời bao cấp đầy khó khăn, giặc thì vẫn ngấp nghé bên kia biên giới, thỉnh thoảng lại bắn pháo, tung biệt kích sang đất ta. Dòng sông Kỳ Cùng nước trong xanh, lạnh lẽo rì rầm chảy dưới chân điểm tựa. Đơn vị 100% quân số trực Tết, sẵn sàng chiến đấu. Đại đội 2 chưa có đại đội trưởng, chỉ có tôi là phó đại đội trưởng chính trị, anh Nguyễn Văn Sự là đại đội phó quân sự. Đơn vị sẵn sàng chiến đấu chốt giữ trên điểm cao 616 nhưng vẫn tổ chức đón Tết cho bộ đội. Mỗi chiến sĩ được hai cái bánh chưng nhỏ và một cân thịt lợn để ăn tết. Bộ đội chặt cây thông làm cổng chào trên đỉnh dốc để mừng xuân mới, chào đón khách. Nhưng khách lên tận điểm cao 616 mét chúc tết đại đội tôi chỉ có đồng chí tiểu đoàn phó vừa chúc tết vừa kiểm tra đơn vị luôn. Sang chiều mùng hai tết mới có một đoàn nhân dân ở một bản dưới chân núi lên chúc tết bộ đội. Bộ đội, nhân dân uống chung với nhau một chén rượu mừng một mùa Xuân đang đến, chúc cho đất nước yên bình. Ngày ấy chỉ mong có hòa bình, ổn định để bộ đội không phải dầm mưa, dãi nắng đói khát, gian khổ ngày đêm nằm trong công sự sẵn sàng chiến đấu, mong tình hình ổn định để nhân dân vùng biên giới yên ổn sản xuất, đủ ăn, đủ mặc. Ngày ấy chưa ai dám mong giàu, mong sung sướng như bây giờ.
           Sắp đến Tết thì đại đội tôi xảy ra một chuyện. Trước Tết tôi cho một chiến sĩ tranh thủ về quê ở Hà Bắc để sửa cái đài bán dẫn và mua một ít su hào, khoai tây lên cho bộ đội ăn tết. Không biết chiến sĩ này về nhà có chuyện gì mâu thuân với gia đình vừa lên tới đơn vị bàn giao hàng hóa (su hào và khoai tây) cho quản lý nhà bếp xong thì xuống vực sông Kỳ Cùng tự tử. May có mấy chiến sĩ cùng trung đội phát hiện lao xuống cứu được lôi về đơn vị rồi báo cho cán bộ đại đội biết. Đang kiểm tra, đôn đốc bộ đội gói bánh chưng, tôi vội chạy xuống trung đội 2. Thì ra thằng này có hoàn cảnh gia đình khá éo le. Mẹ chết, gần tết bố lấy vợ khác hắt hủi đuổi hai anh em nó ra ngoài đồi làm lán ở. Thằng lính này về nhà thấy vợ chồng người anh và cháu nằm ngoài đồi sắn tết không có nổi một cân gạo nếp gói bánh chưng nên nghĩ quẩn. Biết rõ mọi chuyện tôi bảo nó: "Mày ngu lắm! Mày thương anh mày mà lại làm thế à! Mày mà chết thì liệu anh mày có sống được không. Hai anh em mày đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì phải biết dựa vào nhau để vươn lên mà sống, hiểu không?". Thằng lính này im lặng. Không biết nó có hiểu những lời tôi nói không. Buổi tối tôi đi kiểm tra việc canh gác của các trung đội ghé vào chỗ nhà bếp đang nấu bánh chưng thấy thằng lính tự tử buổi sáng đang ngồi gật gù đun nồi bánh. Nhìn nồi bánh chưng sôi sùng sục, tôi cười bảo: "Thằng Quý liệu hồn! Mày mà nhảy vào nồi bánh chưng mà cả đại đội ta mất tết đấy!". Thằng lính này gãi đầu, gãi tai ấp úng: "Đúng là em ngu quá thủ trưởng ạ! Anh em rất thương em, em mà có thế nào thì anh ấy cũng không thể sống nổi! Em hứa với thủ trưởng không bao giờ cạn nghĩ như thế nữa đâu!". Tôi hạ giọng dặn nó: "Cuộc đời ai chả có những lúc khó khăn, bĩ cực như thế. Hãy bình tâm nhé!". Thằng Quý gật đầu. Sau tết chúng tôi vận động anh em trong đơn vị tăng gia, chăn nuôi, tiết kiệm giúp thằng Quý được hai chục cân gạo để nó đem về giúp anh chị và cháu. Thằng này trước đây vốn là một thằng vô kỷ luật nhưng từ sau vụ việc trên nó có sự chuyển biến nhiều.
          Nhớ lại những câu chuyển xảy ra từ những mùa Xuân hơn ba mươi năm trước trong tôi lại nôn nao. Nhớ bao đồng đội đã nằm lại vĩnh viễn trên biên cương phía Bắc từ 35 năm trước, nhớ anh em chiến sĩ của mình bây giờ chắc có người cũng đã mái tóc hoa râm. Mỗi một mùa Xuân đi qua làm cho ta thêm những mùa Xuân của cuộc đời mình. Những mùa Xuân mãi mãi không quên...

                                                                                                  Mùng 1 năm Giáp Ngọ-2014                               

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Bài thơ NGỰC CÂY

 

 
 
 
Ngực cây
 
Trần trụi giữa núi rừng
Ngực cây vờn gió núi
Dáng kiên gan cát bụi
Mà vẫn vẻ thanh tân...
 
Khuôn ngực của mùa Xuân
Tràn căng bao nhựa sống
Đại ngàn xanh cao rộng
Như em buổi hồng hoang...
 
Người lính trẻ ngỡ ngàng
Gặp dáng hình sơn nữ
Nơi rừng già ấp ủ
Ao ước của tuổi xanh...
 
          Hà Nội, 12-2013
          Trọng Bảo
 
 

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Tản văn CHỢ TẾT QUÊ TÔI

 

   
     LTG: Trang Văn học Thứ Sáu-Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-1-2014 đã đăng tản văn Chợ tết quê tôi. Tác giả xin trân trọng cảm ơn ban biên tập báo và đăng lại trên blogs của mình. Mùa xuân đang đến rất gần, chúc các bạn những ngày áp Tết thật vui vẻ (Trọng Bảo).

    
       Chợ Tết quê tôi
       QĐND - Thứ sáu, 10/01/2014
       Phiên chợ Tết quê tôi họp vào ngày 26 tháng Chạp. Đây cũng là phiên chợ cuối cùng trong năm âm lịch. Tôi nhớ ngày bé ở nhà tôi rất háo hức chờ phiên chợ Tết. Tụi trẻ con chúng tôi đứa nào cũng mong được mẹ cho theo đi chợ, mẹ mua cho miếng kẹo kéo nhai quẹo cả răng. Khi đã lớn thì tôi và bọn bạn tự kéo nhau đi chợ. Những năm chiến tranh, chợ sơ tán họp trong rừng cây lá cọ. Từng dãy hàng quán lụp xụp. Chợ Tết quê nghèo chả khác những phiên chợ hằng ngày là mấy, vẫn có bán mua những thứ gạo ngô, khoai sắn. Điều khác nhất là sự xôn xao, náo nhiệt từ đêm trước bởi đã có người buôn bán đến dựng lều, làm quán, là sự lâng lâng trong lòng người đi chợ. Phiên chợ Tết thêm những hàng lá dong, gạo nếp, mía cây còn cả ngọn lá để người ta mua về làm gậy cho ông vải. Đặc biệt là những hàng bán tranh ảnh, câu đối, hoa giấy. Câu đối, tranh ảnh treo móc đầy gốc cây cọ, treo trên dây làm sáng bừng cả phiên chợ quê vốn nghèo nàn, lam lũ.
         Đám choai choai chúng tôi chỉ thích nhất là hàng bán pháo tép. Những quả pháo tép chỉ tày đầu đũa, được tết thành bánh, cài thêm vài quả pháo cối bằng ngón tay. Tiếng pháo nổ đì đẹt, mùi thuốc pháo thơm thơm quyện trong mưa bay, mưa bụi, làm át đi cái lạnh, cái rét của gió mùa Đông Bắc.
         Nhiều người đi chợ Tết ở một vùng quê thường quen biết nhau. Các bà, các chị chia nhau miếng trầu, hỏi thăm nhau về một năm làm ăn vất vả, về những đận tháng tám, ngày ba giáp hạt, chia sẻ với nhau niềm vui con cái trưởng thành, sụt sịt về chuyện nhà "cơm không lành, canh không ngọt"... Những người túng thiếu thì đôn đáo đem ra chợ bán con lợn giò, thúng thóc lấy chút tiền lo Tết. Miền quê nghèo khó đói kém quanh năm hằn sâu trên nét mặt những người đi chợ Tết. Đã thế cái khổ lại chồng lên cái khổ, nỗi bất hạnh. Có phiên chợ Tết, tôi gặp một người đàn bà áo vá và đứa con gái nhỏ đứng khóc ở cổng chợ. Chị bán một gánh sắn nặng được vài đồng mong đong một đấu gạo nếp gói vài cái bánh chưng cho con, nhưng số tiền ít ỏi lại bị kẻ gian móc trộm mất. Chợ Tết quê xưa thường có một ông giáo già ngồi "bán chữ". Ông viết những câu đối, viết chữ nho. Những chữ NHẪN, chữ TÂM, chữ PHÚC, chữ TÀI, chữ LỘC... bán giá vài hào cho ai yêu chữ. Tết có vài chữ còn tươi màu mực treo trong nhà tự dưng thấy lòng mình bình tâm hơn trước khó khăn, sóng gió của cuộc đời.
         Từ khi đi công tác xa, cũng phải đến mấy chục năm rồi tôi chả có điều kiện đi phiên chợ Tết quê nữa. Mãi năm gần đây tôi mới lại có dịp đi chợ Tết quê mình. Chợ Tết bây giờ chả khác gì phiên chợ ngày thường, cũng không kém gì ở thành phố. Hàng hóa tràn ngập ngoài đường, chả cần đến chợ. Hàng hóa thường ngày và hàng Tết chả có mấy phân biệt nhiều, có chăng là chỉ khác vài hộp mứt. Bây giờ người ta bán bánh chưng luộc sẵn thay cho bán gạo nếp, lá dong. Bánh kẹo Trung Quốc, bánh kẹo trong nước, ngoài nước tràn ngập khắp nơi, song không thể tìm thấy một hàng bán chè lam, kẹo vừng, bánh tro, bánh nẳng. Đời sống ngày càng sung túc thì những vốn cũ, hồn quê, nét đẹp văn hóa lâu đời của phiên chợ Tết không tránh khỏi nhạt nhòa, tiêu biến.
         Nhớ phiên chợ Tết quê nhà, nhớ về những kỷ niệm ngày xưa xa ngái, năm nay tôi rất muốn về quê đi phiên chợ cuối năm, ngày 26 tháng Chạp. Những người bạn thời chăn trâu, cắt cỏ, đánh trận giả bây giờ nhiều người tóc đã bạc. Cũng có nhiều người bạn ngày thơ ấu nay không còn nữa. Chiến trường đã giữ lại các anh. Phiên chợ Tết năm nào bạn cùng thời chia nhau vài cái pháo tép, miếng chè lam bây giờ nhớ lại tôi cứ thấy lòng mình xao xuyến, bâng khuâng.

         Tản văn của TRỌNG BẢO

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Truyện ngắn Lòng tự trọng

      

           Lòng tự trọng
             Truyện ngắn của Trọng Bảo

             Ăn cơm xong cái Thảo đưa em ra thềm ngồi ngóng mẹ. Trời bắt đầu tối. Gió bắt đầu lạnh. Mưa bắt đầu lất phất buông rơi. Hai chị em cùng run rẩy vì lạnh. Cái Thảo lấy tấm chăn chiên rách chùm cho cả hai chị em đỡ rét. Cu Tũn ngúng ngẩy mè nheo:
            - Sao mẹ lâu về thế hả chị! Em đói lắm rồi.
            Cái Thảo an ủi em:
            - Mẹ sắp về đến nhà rồi. Mẹ sẽ mua bánh mỳ cho cu Tũn ăn.
            - Em thích ăn phở cơ!
            Cu Tũn nhớ đến hôm nó bị ốm mẹ đã mang cái cạp lồng vào phố mua phở về bón cho nó. Cái Thảo xoa đầu em:
            - Nhất định mẹ cũng sẽ mua phở cho cu Tũn nữa!
            Thằng em ôm bụng chúi đầu vào ngực chị. Cái Thảo cũng thấy đói cồn cào. Bữa tối mẹ chưa về hai chị em chỉ có chưa đầy một bát cơm nguội từ sáng. Mẹ vào phố nhặt phế liệu cả ngày tối mịt mới về. Mẹ về thường mua cho hai chị em mỗi đứa một cái bánh mỳ nhỏ ăn ngay cho đỡ đói rồi mới nấu cơm. Bữa cơm của ba mẹ con thường rất muộn và đạm bạc. Hôm nay, không hiểu vì sao mẹ lại về muộn thế.
             Trời đã tối hẳn từ lâu rồi. Con đường đất ngược lên dốc đê đã mờ lẫn vào bóng đêm. Cu Tũn đã buồn ngủ. Nó thôi lục sục vì đói và nằm gục đầu vào lòng chị. Nhớ lời mẹ dặn cái Thảo bế thốc em lên lê vào trong căn nhà đặt em nằm lên giường, đắp chăn cho em. Cái Thảo khép chặt cánh cửa gỗ. Nó tìm cái khóa cũ kỹ to sù khoá trái cửa lại như mẹ đã dặn khi mẹ về muộn. Nhà nó chẳng có gì để mất trộm nhưng mẹ sợ ở khu bãi sông này bọn nghiện hút hay lảng vảng thấy nhà chỉ có trẻ con sẽ gây chuyện.

            Cái Thảo nằm xuống cạnh em. Nó thao thức không làm sao ngủ được. Tại sao mẹ nó đến bây giờ vẫn chưa về. Thường là đến giờ này thì mẹ nó đã về từ lâu rồi. Nó thấy lo lắng không hiểu mẹ đã gặp chuyện gì khi vào phố nhặt rác. Với một chiếc xe đạp lọc cọc mẹ nó đi khắp các ngõ phố nhặt nhạnh từng cái túi ni-lông, mảnh bìa các-tông, vỏ chai, vỏ lon bia, mẩu sắt vụn về bán lấy tiền nuôi hai chị em nó. Cuộc sống ba mẹ con nó đều trông nhờ vào gánh phế liệu của mẹ cả. Bố nó thì không biết bây giờ ở đâu. Có lần nó hỏi, mẹ bảo bố vào mãi tận miền Nam làm việc.
            Cả đêm cái Thảo không tài nào ngủ được. Nó nằm nghe tiếng gió thổi ào ào trên bãi, tiếng sóng vỗ dưới sông. Nó lắng nghe mong có tiếng bước chân mẹ trở về. Đêm ở khu nhà tạm ngoài bãi sông dài lê thê. Cái Thảo càng thấy bồn chồn lo lắng khi nghe mấy bà bán hàng hoa quả, hàng hoa rong đi qua bên ngoài nhà nó nói chuyện với nhau đêm qua có một người nhặt rác bị xe ô tô cán phải trên đường đê.
            Sáng ra, cái Thảo quyết định dẫn em đi tìm mẹ.
            Hai chị em vượt dốc lên đường đê vào phố.
            Phố xá đã bắt đầu nhộn nhịp. Hàng quán buổi sáng đã mở cửa. Hai chị em đi giữa hè phố đầy những người ngồi ăn uống. Cu Tũn lại kêu đói. Cái Thảo bảo em: “Tý nữa gặp mẹ chị sẽ bảo mẹ sẽ mua bánh cho em nhé!”. Thằng bé gật đầu. Nó túm áo chị lật đật bước theo. Nó nuốt nước bọt khi hai chị em đi ngang qua những chỗ đám người ngồi ăn uống. Cái Thảo nhặt được bên hè phố một tấm bìa hộp các-tông. Nó lại nhìn thấy mấy cái vỏ lon bia lăn lóc dưới chân một ông đang ngồi ăn bên hè phố. Nó liền kéo em đi đến để nhặt. Bà chủ quán phở to béo vừa nhách trông thấy hai đứa trẻ đã quát lên xua đuổi:
            - Hai đứa ăn xin khố rách áo ôm kia cút ngay để cho khách người ta ăn! Vừa mới sáng ra đã ám…
            Cái Thảo cãi:
            - Chúng cháu không phải là người ăn xin! Bà không được nói như thế?
            Bà chủ quán trợn trừng mắt:
            - A… a… con ranh này láo! Đồ ăn xin chết đói còn làm phách hả?
            - Chúng cháu không phải đồ ăn xin!
            Cái Thảo nhắc lại. Bà chủ quán phở tức tối vung cái muôi múc nước dùng nóng bỏng lên. Nước sôi bắn tung toé. Cái Thảo vội kéo em lùi lại. Nó bước lấn lên phía trước lấy thân mình che cho em. Người đàn ông đang ngồi uống bia liền co chân đá mấy cái vỏ lon lăn ra xa rồi bảo bà chủ quán:
            - Để cho hai đứa nhóc chúng nó nhặt mấy cái vỏ lon bia!
            Đoạn ông ta chìa cái đùi gà đang gặm dở về phía thằng Tũn. Cu Tũn bặm môi lắc đầu:
            - Cháu không phải là người ăn xin ông ạ! Đi ăn xin không chịu lao động là rất xấu. Mẹ cháu vẫn dặn hai chị em chúng cháu như thế!
            Cái Thảo kéo thằng em đi tiếp. Nó cũng không thèm nhặt mấy cái vỏ lon bia của ông khách vừa đá văng ra ngoài vỉa hè.
            Ôm tấm bìa các-tông vào bụng cái Thảo dẫn cu Tũn đi vào một ngõ phố đầy rác rưởi nơi có nhiều chỗ chuyên thu mua đồ phế liệu. Trời lại bắt đầu lất phất mưa rơi. Gió bắc thổi mạnh hơn. Hai đứa trẻ đầu trần vẫn bước trên đường phố đầy mưa gió đi tìm mẹ…
                                                                              Hà Nội, đầu đông 2013