Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Truyện vừa Chuyện lão Thực (3)

        
Chuyện lão Thực
Truyện của Trọng Bảo

Câu chuyện thứ 3: Lão Thực và tình yêu

          Từ hôm đọc cuốn lịch sử xã Quan Sơn khiến lão Thực cứ thấy trong lòng thấp thỏm, bất an. Không phải vì lão suy nghĩ về những đoạn sai lệch trong cuốn lịch sử. Cũng không phải lão buồn vì người ta đã quên hết công lao của những người như lão trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Đó chỉ là chuyện vặt trong cuộc đời mỗi con người. Công lao cũng chả là gì, sự sống mới là vĩnh cửu. Thế hệ lão đã bao nhiêu người đang nằm dưới cỏ rồi.
          Chiều nay lão Thực không ra hồ cắt cỏ nuôi cá nữa. Lão mặc một bộ quần áo tươm tất rồi đi ra cổng. Một thằng thanh niên đang ngồi ở cái quán đầu làng gọi vọng ra:
          - Cụ Thực ơi! Cụ lại lên xã để bàn về “công tác nhân sự” đấy à? Mời cụ vào làm chén nước chè đã ạ!
          Lão Thực lẩm bẩm:
          - Chỉ được cái bố láo! Tao già rồi còn nhân sự, nhân xiếc gì nữa!
          Có tiếng cười nhộn nhạo trong quán. Một thằng tếu táo: “Cụ cứ cách chức mẹ cái bọn chuyên ăn chặn, bớt xén tiền đền bù giải phóng mặt bằng khu công nghiệp đi cho dân làng nhờ cụ nhá!”. Lão Thực không thèm nói chuyện với bọn ranh con vô công rồi nghề. Tuy thế, lão vẫn rẽ vào quán. Mấy thằng thanh niên vội ngồi dịch ra nhường chỗ cho lão. Nhưng lão không uống nước. Lão mua một thẻ hương rồi đi luôn. Bọn thanh niên ngạc nhiên. Mấy thằng nháy nhau lập tức bám theo chân lão.
          Lão Thực đi về khu nghĩa trang của xã. Đến ngôi mộ tận góc nghĩa địa lão dừng lại. Lão xoè diêm đốt hương cắm lên ngôi mộ. Lão nhổ mấy búi cỏ mọc cao trên nấm mộ. Đoạn lão rì rầm khấn vái. Khi lão quay về thì bọn thanh niên nấp ở các ngôi mộ xung quanh bèn ập đến. Chúng đọc dòng chữ ghi trên bia mộ: “Vũ Thị Thoa, sinh năm…, hy sinh ngày 13 tháng 3 năm 1953”. Bọn chúng thắc mắc hỏi nhau: “Tại sao thế nhỉ! Hy sinh tức là liệt sĩ. Nếu bà Thoa mà là liệt sĩ thì phải chôn trong nghĩa trang liệt sĩ chứ? Tại sao lại chôn ở nghĩa địa nhân dân thế này?". Bọn chúng không thể hiểu nguyên nhân ra sao. Chỉ có lão Thực là rõ mọi chuyện. Câu chuyện của hơn năm mươi năm trước lại hiện về rất rõ trong tâm trí lão.
          Ngày ấy, cô Thoa là một nữ du kích xinh đẹp. Cô và anh Thực (tức lão Thực bây giờ) có tình ý với nhau. Họ cứ như đôi chim cu lúc nào cũng quấn quýt bên nhau, khi đi gài mìn trên quốc lộ 2, khi đi lên chiến khu Sơn Dương nhận súng. Họ quả là đẹp đôi. Nhưng việc một nữ chiến sĩ xinh đẹp yêu một anh bần cố nông trong đội du kích đều được cả đội vun vào thì anh đội trưởng lại thấy khó chịu. Anh đội trưởng đội du kích cũng bị cô chiến sĩ xinh đẹp hút mất hồn. Thế nhưng, tình yêu vẫn có những lối đi riêng của nó. Kẻ đẹp trai, lại có chức vụ chưa chắc đã có được tình yêu đẹp. Anh đội trưởng đội du kích vô cùng bực bội và tự ái khi thấy cô nữ du kích xinh đẹp cứ xoắn xuýt bên anh Thực mồ côi, nghèo khó. Từ đó, anh đội trưởng càng đâm ra ganh ghét người chiến sĩ dũng cảm của mình. Không biết là vô tình hay cố ý, anh đội trưởng thường giao cho chiến sĩ Thực nhiều nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, dễ chạm với bọn địch phục kích. Ngày ấy, sau khi đồn địch ở phố Miễu bị quân ta san phẳng, bọn giặc Pháp phải rút sang bên kia sông Đáy. Khu vực xã Quan Sơn trở thành vùng giáp gianh vùng Tề, cũng là vùng bọn địch hay vượt sông sang để phục kích bắt cóc cán bộ, bắn giết dân thường. Anh du kích Thực nhiều lần được đội trưởng đội du kích giao nhiệm vụ cải trang, vượt sông đột nhập vào vùng Tề để bắt liên lạc với cơ sở của ta hoặc thi hành mệnh lệnh xử tử những tên Việt gian bán nước. Vốn là một người liều lĩnh, dũng cảm lại vô tư nên anh du kích Nguyễn Công Thực chỉ nghĩ là cấp trên tin tưởng, thử thách mình vì anh đang là một đảng viên mới. Anh không hề biết là có một ý khác trong những nhiệm vụ mà người đội trưởng đã giao cho mình.
          Một hôm, anh du kích Nguyễn Công Thực được giao nhiệm vụ đặc biệt là vượt sông gặp một cơ sở bí mật tại chợ gốc gạo ven đê để nhận tài liệu từ vùng Tề gửi ra. Anh Thực không được mang theo vũ khí để nếu bị bọn địch khám xét thì cứ mạo nhận là người đi buôn trâu.
          Anh Thực vượt sông khi trời còn chưa sáng hẳn. Tháng ba, nước sông Đáy còn rất cạn. Nhiều chỗ nước sâu không quá đầu gối. Khi anh Thực vừa đi thì cô Thoa biết chuyện. Cô vội vã gặp anh đội trưởng đội du kích hỏi:
          - Theo tin từ vùng tạm chiếm bên kia sông báo ra là bọn địch đang rải quân phục kích dọc bên bờ sông, cơ sở của ta sẽ không thể ra chỗ hẹn được tại sao đội trưởng vẫn giao nhiệm vụ cho anh Thực sang sông?
          Anh đội trưởng du kích lúng túng:
          - Chuyện này anh cũng vừa mới biết!
          - Không đúng! Việc này ngay từ tối hôm qua anh đã biết rồi!
          - Anh… anh…
          Cô Thoa gằn giọng:
          - Anh có ý để anh ấy lọt vào ổ phục kích của bọn địch phải không?
          Cô Thoa nói xong vội chạy đi ngay. Anh đội trưởng hốt hoảng gọi với theo:
          - Không phải đâu… Thoa… anh bảo này… em định đi đâu đấy?
          Trong khi hai người đang tranh cãi với nhau thì du kích Thực đã vượt qua sông. Anh nằm ép vào một bụi cỏ sát mép nước để tìm cách vượt qua bãi ngô lên sườn đê. “Trời đã gần sáng rõ, phải lên được sườn đê, thay quần áo khô trà trộn vào đám người đi chợ mới che mắt được bọn địch” - Anh du kích trẻ Nguyễn Công Thực nghĩ vậy. Giữa lúc anh chuẩn bị chạy lên bờ đê thì phía dưới hạ lưu có tiếng súng nổ. Anh du kích Thực vội quay lại nhìn. Anh vô cùng sửng sốt thấy một người mặc áo trắng vừa lao sang sông vừa bắn loạn xạ. Khi người đó chạy ra đến giữa dòng sông cạn thì anh Thực hoảng hốt nhận ra đó chính là Thoa.
          Tại sao Thoa lại lao sang sông và bắn chỉ thiên bừa bãi như vậy nhỉ! Anh du kích Thực chưa hiểu ra sao thì trên bờ đê tiếng súng của bọn địch rộ lên bắn xuống dữ dội. Ngay trong bãi ngô trước mặt anh cũng có tiếng súng vang lên. Một toán địch lao qua ngay trước mặt anh vừa bắn chặn vừa chạy xuống đón đầu Thoa. Thoa bị trúng đạn khi vừa nhào đến bờ sông. Đến lúc này thì anh du kích Nguyễn Công Thực đã hiểu. Thoa đã quyết định nổ súng và chết để cứu anh khỏi lọt vào ổ phục kích của bọn giặc. Anh du kích cắn môi đến bật máu. Trong tay anh không có một thứ vũ khí gì để chi viện cho Thoa. Nhìn thấy bọn giặc lôi xác người con gái chạy ngược lên phía sườn đê anh chỉ muốn bật dậy lao vào bọn chúng. Nhưng không có vũ khí gì trong tay anh chưa đến được chỗ bọn chúng thì đã bị tiêu diệt rồi. Thoa đã hy sinh để cứu anh, anh không thể chết vô ích thế.
          Bọn địch lột hết quần áo rồi treo xác Thoa lên cành cây gạo chỗ dốc đê. Từ chỗ nấp của mình, chiến sĩ Thực nhìn rất rõ những vệt máu chảy thành vũng xuống mặt phù sa. Màu máu của người nữ chiến sĩ đỏ như màu hoa gạo trên cây.
          Quay về được chỗ đội du kích đang tập kết sát bờ sông, Nguyễn Công Thực vội đi tìm đội trưởng. Anh định túm cổ áo đập cho hắn một báng súng. Nhưng nghĩ đến chuyện xác Thoa còn đang bị treo trên cây gạo bên kia sông anh cố nhịn. Anh bàn với đội tìm cách đưa Thoa về. Cả đội đều lúng túng. Không ai nghĩ ra cách nào để lấy được xác người nữ du kích đang bị treo trên cây gạo bên kia sông. Bọn địch chắc chắn sẽ phục kích xung quanh gốc cây để đợi quân ta đến lấy xác đồng đội. Khi đội trưởng vẫn còn bàng hoàng, lo sợ vì chuyện đã xảy ra thì anh du kích Nguyễn Công Thực lên tiếng:
          - Đêm nay tôi sẽ sang sông trước. Khi nghe có tiếng nổ lớn ở phía đồn Và trên bờ đê bên kia thì một tổ nhanh chóng vượt sông sang đưa cô Thoa về. Lúc đó không còn sợ có phục kích nữa vì bọn địch sẽ phải co cụm về vì nghĩ ta công đồn.
          Nói xong, chẳng chờ đội trưởng cho phép, anh Thực đeo súng và ôm khối bộc phá lớn đi luôn. Trong đêm ấy, Nguyễn Công Thực đã vượt sông ở nơi mà bọn địch không ngờ nhất. Anh tiếp cận và đặt được khối bộc phá ở cổng đồn Và rồi điểm hoả. Khi tiếng nổ lớn vang lên khiến bọn địch trong đồn hoảng hốt bắn ra xung quanh như vãi đạn. Toán địch đang phục kích chỗ gốc cây gạo cũng vội vã rút ngay về đồn để cố thủ. Khi Nguyễn Công Thực bò ra đến mép nước thì gặp ba du kích đã đem được xác cô Thoa ra đến sông. Họ đưa Thoa sang bên kia bờ và dùng nước sông Đáy trong mát tắm rửa cho cô. Cô được chôn cất trên một mỏm đồi đầy hoa sim tím.
          Sau cái chết của Thoa, cấp trên tiến hành điều tra vụ việc. Tay đội trưởng đội du kích bị điều lên chiến khu làm việc khác. Nguyễn Công Thực cũng bị kỷ luật vì tội tự ý mang bộc phá sang đánh sập cổng đồn Và, khiến bọn địch đề phòng, tăng cường phòng thủ, suýt nữa làm hỏng kế hoạch trừ gian, phá Tề của ta. Riêng cô Thoa tự ý mang súng lao sang bên kia sông bắn chỉ thiên loạn xạ cũng là một hành động không có trong kế hoạch tác chiến của đội du kích. Việc Thoa bị bọn địch bắn chết trong tình huống ấy khiến cô không được công nhận ngay là liệt sĩ. Mãi sau này, khi xem xét lại cô mới được truy nhận là liệt sĩ thì mộ đã chôn gần mộ mẹ ở nghĩa địa nhân dân. Ông bố quyết định không đưa cô vào nghĩa trang liệt sĩ mà để Thoa mãi được nằm cạnh người mẹ yêu quý của mình.
          Còn anh đội trưởng đội du kích ngày ấy sau một thời gian lên chiến khu nhận công tác khác, anh ta lại quay về xã Quan Sơn. Khi trở về, anh ta vẫn là một đội trưởng. Song là đội trưởng đội cải cách ruộng đất. Nhưng đó là câu chuyện “Lão Thực và cải cách ruộng đất” phần sau mới kể đến.
                                                                                 Hà Nội, 21/7/2011
          (còn nữ­a)

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Truyện vừa Chuyện lão Thực (2)

                 
   Chuyện lão Thực
Truyện của Trọng Bảo

Câu chuyện thứ 2: Lão Thực và lịch sử
          Sau lần lão Thực bị triệu tập lên trụ sở uỷ ban xã cảnh cáo vì tội dám bàn luận về “công tác nhân sự” thì khu vườn của lão cũng trầm lắng hẳn đi. Các nông dân trong làng vẫn đến mắc nhờ võng trong vườn cây râm mát của lão Thực để hóng gió trưa hè. Nhưng họ không dám sôi nổi bàn chuyện nhân sự của xã nữa. Mỗi người đem võng đến đều cầm theo một tờ báo, một cuốn sách, thậm chí cả sách giáo khoa của trẻ con để đọc.
          Đang nằm đọc sách ở góc vườn chợt thằng Nhân-thợ xây vặt quanh làng, quanh xã kêu lên vẻ ngạc nhiên:
          - Cụ Thực ơi! Trong cuốn sách này có đoạn viết về cụ đấy!
          Lập tức mọi người nhốn nháo cả lên. Lão thực quanh năm làm vườn, cả tháng chăn trâu, suốt ngày nuôi cá mà lại có tên được nêu trong sách cơ à! Lạ nhỉ?
          Họ vội xúm đến chỗ thằng thợ xây. Thằng Nhân đang cầm trên tay một cuốn sách in rất đẹp. Nó đọc to lên cho mọi người cùng nghe đoạn viết về lão Thực: “Mùa đông năm 1952, bọn địch ở đồn phố Miễu nống ra càn quét khủng bố nhân dân các vùng ven sông Đáy. Đội du kích xã Quan Sơn đã phối hợp cùng bộ đội địa phương dũng cảm chặn đánh, bẻ gãy đợt càn quét của bọn địch, tiêu diệt 37 tên, thu 35 súng các loại, bắt sống bốn tên tù binh. Tên đồn trưởng ác ôn Lê Thuận cũng bị bắt sống. Nhưng do sơ xuất, mất cảnh giác trên đường dẫn giải nó, chiến sĩ du kích Nguyễn Công Thực, người làng Đông đã để nó chạy thoát. Nó tiếp tục gây tội ác chống lại nhân dân. Đội du kích xã đã đột nhập vào tận đồn phố Miễu để xử tử tên đồn trưởng ác ôn ấy”.
          Đọc xong đoạn trên, thằng Nhân hỏi lão Thực:
          - Có đúng là trong sách viết về cụ không ạ?
          Lão Thực cũng ngạc nhiên. Nhân vật chiến sĩ du kích Nguyễn Công Thực ở xóm Đông chính xác là lão rồi. Nhưng sự việc để tên đồn trưởng ác ôn trốn thoát thì lại khác. Ngày ấy không phải là lão để tên đồn trưởng trốn thoát. Lão đã dẫn  giải được nó về đến vị trí tập kết. Đã bàn giao nó cho ông Trần Văn Đàn (cũng là một du kích) rồi cơ mà. Trong khi lão đang giao lại vũ khí của tên đồn trưởng cho ông Đàn thì tên này chạy trốn mất. Nó lao xuống dòng sông Đáy lặn mất tăm. Chuyện sơ xuất ấy phải do ông Đàn chịu trách nhiệm chứ sao lại đổ cho lão. Chính ông Đàn là người đã tuỳ tiện cởi trói cho tên đồn trưởng đi tiểu nên nó mới có cơ hội chạy trốn. Lão Thực cầm cuốn sách của thằng Nhân đang đọc lên xem. Đó là cuốn lịch sử truyền thống của xã Quan Sơn.
          Thằng Nhân nói thêm:
          - Hôm qua sửa lại nền cái nhà bếp cho xã, thấy có mấy cuốn sách vứt lăn lóc ở góc bếp dùng để nhóm lửa cháu liền nhặt một cuốn về đọc. Không ngờ lại vớ trúng cuốn lịch sử của xã ta có đoạn viết về cụ. Thì ra thời trai trẻ cụ đã từng là một chiến sĩ du kích dũng cảm… Nhưng sao cụ lại để tên đồn trưởng ấy nó trốn thoát hả cụ?
          Lão Thực im lặng. Hoá ra họ đã bóp méo cả lịch sử. Lão là nhân chứng còn sống rành rành đây mà khi viết họ không hề đến tham khảo. Lão Thực thấy buồn. Lão chợt nhớ lại những ngày trai trẻ ở trong đội du kích của xã. Lão là một chiến sĩ dũng cảm. Lão từng cải trang thành một người đánh dậm để đến gần đồn địch, gài mìn ở ngay cổng đồn giết chết một tên quan ba Pháp và ba thằng lính khố xanh. Lão cũng đã từng vật nhau rồi bắt sống một thằng lính trên bãi ngô khi nó mò ra tăm gái. Sau khi ông Đàn để tên đồn trưởng Lê Thuận trốn thoát, nó tiếp tục tra tấn giết hại nhân dân, chính lão đã đóng giả thành một người đi buôn vào tận đồn và hạ sát nó. Tại sao chi tiết này không có nêu trong cuốn lịch sử của xã? Mà họ chỉ viết chung chung là “Đội du kích xã đã đột nhập vào tận đồn phố Miễu để xử tử tên đồn trưởng ác ôn ấy”.
          Lão Thực kể lại chuyện thời trai trẻ của mình cho mọi người nghe. Tất cả đều im lặng suy nghĩ. Chợt thằng thợ xây lại kêu lên:
          - Cháu hiểu vì sao họ lại viết như thế rồi! - Nói xong nó ớ người ra rồi im bặt.
          - Vì sao? - Ông Bứa càu nhàu: - Có gì thì mày nói toẹt mẹ nó ra đi! Cứ ấm a ấm ớ, bực cả mình!
          Thằng Nhân tái mặt. Nó nghĩ đến chuyện lão Thực bị công an xã triệu tập lên trụ sở cảnh cáo nên cứ ú ớ mãi trong cổ họng không thốt lên lời. Đến khi mọi người giải tán hết về để đi làm đồng buổi chiều, chỉ còn lão Thực và ông Bứa, thằng Nhân mới dám nói. Nó bảo:
          - Cụ với ông nghe cháu nói đây! Cái ông du kích tên là Đàn mà cụ Thực vừa kể lại ấy chính là chú ruột của chủ tịch xã ta đấy!
          Lão Thực cũng ớ người chợt nhớ ra điều thằng Nhân nói. Ông Đàn này sau đó do lo sợ bọn địch khủng bố còn rời bỏ đội du kích trốn lên tận vùng Định Hóa, Tuyên Quang - nơi vợ con ông ta tản cư rồi sinh sống luôn ở trên ấy, hoà bình cũng không dám trở về làng vì xấu hổ. Anh chủ tịch xã đương nhiệm là cháu ông Đàn lại làm trưởng ban biên soạn cuốn lịch sử xã. Anh ta đã viết sai cả sự thật của lịch sử xã nhà cũng là chuyện chả có gì khó hiểu. Lão Thực càng buồn. Lịch sử bị sai lệch thế hệ sau con cháu sẽ nhận thức sai lệch hết. Lão xem hết cuốn lịch sử ấy không thấy nhắc chuyện lão đặt mìn giết chết thằng quan ba Pháp và mấy thằng nguỵ binh. Họ chỉ ghi chung chung chuyện diệt tên sĩ quan Pháp ấy vào số lượng quân địch bị đội du kích xã tiêu diệt trong chín năm kháng chiến. Trong khi đó đọc xong cuốn lịch sử của xã thì cảm thấy nếu như không có anh em, họ hàng của ông chủ tịch xã đương nhiệm thì xã Quan Sơn này chả có lịch sử gì. Đoán được suy nghĩ của lão Thực, thằng Nhân an ủi:
          - Thôi đừng buồn cụ ạ! Lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước mà họ còn viết sai, làm xô lệch nữa là lịch sử của cấp xã phường!
          - Mày nói chí phải! - Ông Bứa gật gù. Chợt ông Bứa lại hỏi lão Thực:
          - Bác là một du kích chiến đấu dũng cảm, có nhiều thành tích trong kháng chiến, lại là người thông tuệ… thế mà sao không được bổ nhiệm, đề bạt giữ chức vụ lãnh đạo gì nhỉ? Người như bác lẽ ra phải làm đến trung ương uỷ viên ấy chứ?
          Lão Thực xua xua tay:
          - Ấy! Đã bảo là thôi không bàn đến “công tác nhân sự” nữa cơ mà?
          Ông Bứa im bặt. Thằng Nhân đứng dậy phủi đít quần bảo:
          - Làm quan có số! Con người ngay thẳng, cương trực như cụ Thực làm quan thế quái nào được chứ? Cụ mà làm quan thì để bọn họ làm gì… Thôi không nên bàn về “công tác nhân sự” nữa kẻo lại bị xã gọi lên cảnh cáo nhắc nhở, phiền lắm. Cháu về đi làm đây. Đang xây dở cái nhà tắm nóng lạnh cho xã. Các vị cán bộ xã bây giờ sau khi đánh cầu lông, chơi ten-nít về không có “nóng-lạnh” là không tắm nổi đâu!
          Nói xong nó đi mất. Ông Bứa cũng đi thẳng luôn ra phía cánh đồng. Ông ra xem ruộng ngô nhà mình trồng loại “giống mới” do cán bộ khuyến nông xã đem về bán cho bà con nông dân sao mãi không có bắp. Loại ngô này hình như là giống “ngô không hạt”…
                                                                   Hà Nội, 21/7/2011
        (còn nữa)

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Truyện vừa Chuyện lão Thực (1)

    

Chuyện lão Thực
Truyện của Trọng Bảo

Câu chuyện thứ 1:  Lão Thực và công tác nhân sự
          Lão Thực bị công an xã gọi lên nhắc nhở vì hành vi tụ tập, nói xấu cán bộ thôn, xã. Từ trụ sở ủy ban xã về, lão cúi đầu đi lùi lũi, không thèm chào hỏi ai. Mà lão cũng chả phải chào ai trước. Lão là người cao tuổi trong làng. Gặp lão, đám trung niên, thanh niên còn phải chào trước.
         Qua quán bia hơi đầu làng có tiếng gọi:
         - Cụ Thực ơi! Vào làm vại bia cho mát đã cụ ạ!
         - Không… - Lão ậm ừ.
         Lão đang tức nóng sôi cả người lên đây. Bằng tuổi này rồi lão còn bị một thằng công an xã trẻ ranh dạy bảo là phải làm như thế nào để góp phần xây dựng quê hương, đất nước, giữ gìn an ninh, trật tự thôn xóm, làng xã. Nó còn cảnh cáo lão nếu vẫn có chuyện tụ họp, bàn tán về “công tác nhân sự” của xã thì lão sẽ bị cảnh cáo và thông báo trên loa truyền thanh phát đi khắp các xóm làng.
         Thực ra chuyện cũng chả có gì nghiêm trọng cả.
         Chả là căn nhà của lão ở cuối làng. Lão nhận thầu một khu đất hoang và cái đầm nhỏ đầy cỏ lác sát nhà. Lão cải tạo, chăm sóc mãi nên khu bãi hoang và cái đầm nhỏ cũng trở thành một trang trại khá đẹp. Khu đất hoang lão trồng cây, ươm hoa. Cái đầm nhỏ lão thả sen và nuôi cá. Mùa hè khu trang trại của lão hóa ra lại là nơi mát mẻ nhất làng. Làng bây giờ thì đã bê-tông hóa toàn bộ rồi. Nhà bê-tông, đường bê-tông, tường rào cùng bê-tông. Không còn một ngọn tre pheo, cây cối. Lúc mưa thì nước không lối thoát rác rưởi, phân người, phân súc vật trôi lềnh phềnh trên đường làng. Lúc nắng thì cả làng trở thành một cái lò bát quái, nóng như nung bởi những khối nhà cửa bê-tông lù lù đứng sát bên nhau. Nhà nào giàu thì có cái điều hòa nhiệt độ. Nhà nào nghèo thì quạt điện. Nhưng lúc mất điện thì tất cả như nhau. Mà nông thôn mùa hè thường được “ưu tiên” cắt điện dài dài. Vì thế mỗi khi mất điện và cả khi không mất điện thì khu trang trại của lão Thực cũng vẫn cứ mát mẻ. Buổi trưa nhiều người kéo nhau ra khu vườn nhà lão xin mắc nhờ cái võng để ngả lưng hưởng chút gió trời rười rượt. Thường là thế. Mỗi khi có đông người là ắt sẽ có chuyện. Bên ấm nước chè xanh của lão Thực người ta râm ran mọi chuyện. Chuyện thiên hạ nói mãi thì quay sang chuyện của làng, của xã. Lão thực vốn là người từng trải nên cũng hay góp chuyện. Tính lão hay suy ngẫm nên câu chuyện thường trở thành triết lý. Mà đã triết lý thì hay có tính răn dạy và khiến người ta liên tưởng.
         Đầu tiên là ông Bứa, một hàng xóm của lão lên tiếng:
        - Bác là người đọc sách, biết nhiều chuyện! Vậy theo bác một người cán bộ tốt là thế nào? Cứ nhìn vào đội ngũ cán bộ xã ta hiện nay thì em thấy chán quá…
         - Cán bộ tốt là phải “thực đức, thực tâm và thực tài” chỉ cần thế thôi là đủ!
         Ông Bứa nhăn nhó:
         - Bác nói thế thì em biết thế nhưng cũng chả hiểu nó cụ thể ngô khoai ra làm sao cả?
         Thằng Nhân, vốn là một tay thợ xây vặt quanh làng, quanh xã thì thắc mắc:
         - Vậy theo cụ thì cán bộ tốt cần tụ đủ những những yếu tố nào ạ?
         Lão Thực nhẩn nha:
         - Con người ta “thực đức” tức là có cái đạo đức thực sự thì phẩm chất tư cách tốt, sống mô phạm, hài hòa. Cái đức giúp cho con người ta có uy tín, nhận được sự kính phục. Còn “thực tâm” là tấm lòng, là sự nhiệt tình đối với công việc, đối với con người. Nhưng quan trọng nhất của người cán bộ còn phải là “thực tài”. Có tài thì mới có cán bộ giỏi. Trong cuộc sống cái “đức” thường đi liền với cái “tâm” nhưng chưa chắc đã đi cùng với cái “tài”. Cán bộ mà chỉ có đức, có tâm thì làm việc gì cũng khó. Phần đông cán bộ ta chỉ có hai yếu tố này nên chính quyền thì tốt nhưng công việc thì trì trệ, không chạy. Cán bộ muốn toàn diện phải có “thực tài”. Người thực tài mà lại thực đức, thực tâm thì là cán bộ giỏi, dân mến, dân tin. Loại này hiếm lắm. Nếu cán bộ chỉ có “thực tài” mà chẳng có “thực đức” và “thực tâm” thì dẫn đến kiêu căng, tự phụ, coi thường người khác. Cuối cùng cũng sẽ dẫn đến công thần chia rẽ, mất đoàn kết…
         - Vậy thực trạng cán bộ thôn, xã ta hiện nay như thế nào ạ?
         Một ông lên tiếng hỏi. Lão Thực không trả lời. Lão không muốn liên hệ quá gần. Lão chỉ cười cười và cầm chén nước chè tươi xoay xoay trên tay. Thằng thợ xây vặt lên tiếng:
         - Cụ ấy đã nói rõ như thế thì các bác cứ so vào khắc rõ, khắc biết ai là người như thế nào chứ!
         - Đúng đúng! Tiêu chuẩn đánh giá của bác Thực rõ ràng đến thế còn gì nữa?
         - Vậy thì… - Thằng Nhân nói như đinh đóng cột: - Ông Quy, bí thư đảng ủy xã “thực tâm”, “thực đức” nhưng không “thực tài”. Chị Thân, phó chủ tịch xã cũng thế. Còn ông Tấn, chủ tịch có “thực tài” nhưng không có “thực đức”, “thực tâm”. Cán bộ xã ta đúng là được mặt này, hỏng mặt kia… He… he… thảo nào mà xã ta luôn luôn trì trệ, bí bét?
         Ông Bứa vẫn thắc mắc:
         - Nhưng có người tôi thấy so vào thì cả ba tiêu chuẩn “thực đức”, “thực tâm”, “thực tài” đều chả có dính dáng một tý ti gì mà họ vẫn lên làm cán bộ được đấy thôi!
         - Ai?
         - Thì ông Đạt, phó chủ tịch kiêm công an xã, ông Chinh, cán bộ địa chính, bà Liên, cán bộ quản lý thị trường, thằng Xuyên, bí thư đoàn xã…
         - Ừ nhỉ! Mấy người này chả có đức, chả có tâm lại bất tài vậy họ làm được cán bộ là vì cái gì nhỉ?
         Mọi người xôn xao hỏi nhau. Họ nhìn lão Thực, người mà họ vẫn coi là sáng suốt, thông tuệ nhất làng chờ lão ta giải thích. Lão Thực vẫn lơ lơ im lặng. Tay lão vẫn xoay xoay chén nước chè như đang muốn biết vòng xoay của nước ra sao? Giữa lúc mọi người đang sốt ruột thì con vợ thằng thợ xây te tái xông vào chỗ mọi người réo tên chồng lên như hát hay rồi bảo nó đưa tiền để nộp tiền điện tháng này. Thằng Nhân rút ví lấy tiền đưa cho vợ. Khi con vợ cầm nắm tiền chạy biến đi rồi, thằng Nhân như chợt nghĩ ra, nó rút thêm ra một tờ giấy bạc 500 ngàn đồng đưa lên mắt ngắm nghía. Đoạn nó quay sang lão Thực phất phất tờ giấy bạc có ý hỏi. Lão Thực gật gật cái đầu. Thằng Nhân vẻ đắc chí kết luận:
         - Loại cán bộ không có “thực đức”, “thực tâm”, “thực tài” thì chắc là phải có “thực tiền”. Các ông, các bà ấy làm cán bộ là nhờ có điều thứ tư ấy đấy! He… he… he…
         - Đúng… đúng… bây giờ cứ có tiền thì mua quan, mua chức được ngay. Những cán bộ mà không có đức, có tâm, có tài thì dứt khoát là phải có tiền. Họ mua chức tước bằng tiền đấy. Vậy loại cán bộ này khi làm việc thì sẽ thế nào ạ?
         Lúc này, lão Thực mới lên tiếng:
         - Thì… sẽ sinh ra nạn tham nhũng!
         - Đúng… đúng… đúng…
         Câu chuyện nhân sự trong vườn giữa lão Thực và các nông dân làng Đông buổi trưa hôm ấy không hiểu sao lại đến tai cán bộ xã. Lão Thực đã bị triệu tập lên trụ sở ủy ban xã để nhắc nhở là vì thế.
                                                                      Hà Nội, 21/7/2011
            (còn nữa) 

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Truyện ngắn THẰNG XÓT

THẰNG XÓT
Truyện ngắn của Trọng Bảo
           Tôi đang cặm cụi đẽo mấy quả lựu đạn gỗ ở đầu nhà thì nghe tiếng chị chủ nhà quát thằng con:
          - Từ rày, tao cấm mày nhận quà của người lạ cho nghe chưa? Ngày mai phải đem ngay cái áo trả cho bà ấy...
          - Nhưng! Đó là bà...
          - Không bà...bà gì hết! Dắt trâu ra ruộng ngay!
          Rồi im lặng hẳn. Một lát có tiếng chân nhè nhẹ phía sau. Tôi quay lại. Thằng Xót mặt còn bị xị đi lại. Tôi hỏi:
          - Có chuyện gì mà mẹ mắng thế?
          - Vì cháu đã nhận cái áo bà cho.
          - À! Tại chưa được mẹ cho phép đã nhận đồ người khác cho chứ gì?
          - Nhưng đó là bà nội cháu cơ mà!
          Tôi ngạc nhiên:
          - Chắc lại tự ý vòi vĩnh bà chứ gì?
          - Không phải! Bà tự cho đấy chứ. Nhiều lần bà cho quà, mẹ biết đều mắng hết.
          Tôi càng không hiểu. Thằng Xót ngồi xuống cạnh tôi cầm quả lựu đạn gỗ lên xem. Nó đã mười lăm, mười sáu tuổi rồi, phổng phao, lộc ngộc. Một lát nó bảo:
          - Lớn lên, cháu cũng đi bộ đội như bố cháu và chú.
          - Ừ...
          - Bố cháu hy sinh tay vẫn cầm súng đứng giữa chiến hào, lựu đạn còn đeo bên hông đấy nhé...
          - Ừ... - Tôi vừa chăm chú gọt quả lựu đạn vừa đáp. Chợt tôi giật mình:
          - Nhưng bố cháu lúc nãy còn xách giúp chú cái ba lô vào nhà cơ mà?
          - Đấy là bố dượng cháu. Bố dượng cháu tốt lắm. Bố dượng coi cháu như con đẻ, nuôi cháu lớn lên và cho đi học đến bây giờ. Còn bố đẻ cháu hy sinh rồi.
          - Thì ra vậy! Chú vừa mới đến nên không biết...
          Tôi định hỏi thằng Xót về bố đẻ của nó thì chị chủ nhà gọi giục nó đưa trâu ra ruộng bừa cấy. Nắng đã bớt gắt. Cánh đồng trước làng đã có người xuống cấy. Tôi thu dọn và đem mấy quả lựu đạn gỗ vào nhà.
          Cả nhà đi vắng hết. Tôi tranh thủ quét dọn nhà cửa, sân vườn vì ngày mai bắt đầu bước vào huấn luyện chiến thuật không có nhiều thời gian.
          Đang lúi húi khơi cái rãnh thoát nước ở cổng thì có tiếng người gọi:
          - Chú bộ đội ơi!
          Tôi ngẩng lên. Một bà cụ dáng vẻ mệt mỏi vì đi nắng đang đứng ngoài cổng. Tôi hỏi:
          - Bà gọi cháu ạ!
          Bà cụ gật đầu:
          - Chú có thấy thắng Xót ở nhà không?
          - Cháu nó vừa đưa trâu ra ruộng rồi ạ! Mời bà vào trong nhà cho đỡ nắng.
          - Thôi! Chú cứ kệ tôi. Tôi ngồi ngoài này đợi cũng được.
          Tôi băn khoăn, cố mời, nhưng bà cụ nhất định không vào. Bà cụ lại hỏi:
          - Thế... chú ở trọ ở đây à?
          - Vâng ạ! Chúng cháu lên ở nhà bà con xóm ta để tập quân sự ạ!
          Chợt nhớ ra câu chuyện lúc nãy thằng Xót kể. Tôi rất muốn hỏi chuyện bà cụ nhưng không dám. Bà cụ vẫn ngồi ngoài cổng bỏm bẻm nhai trầu nhưng trông vẻ buồn. Bỗng bà lập cập vẻ lúng túng rồi chào tôi:
          - Chào chú! Tôi về nhé.
          Bà vội vàng đi luôn. Cây gậy lọc cọc khua trên đường sỏi. Một lúc sau, chị chủ nhà quảy quang gánh về. Thì ra bà cụ vội đi ngay vì muốn tránh mặt chị. Chị cứ bảo tôi cứ nghỉ lấy sức mà đi tập. Nhìn vẻ khắc khổ, lam lũ của chị, không ai nghĩ chị chỉ mới ba bảy, ba tám tuổi.
          Mùa hè mưa nắng thất thường. Đại đội chúng tôi đang tập trên Núi Dạm thì một cơn nưa ập xuống. Nước xối xả, khiến tất cả chúng tôi đều ướt như chuột lột. Đại đội trưởng tuyên bố:
          - Các trung đội cho bộ đội về doanh trại, bảo quản, lau chùi vũ khí trang bị, tự ôn tập phần lý thuyết. Ngày mai trời tạnh ta sẽ tập bù.
          Chúng tôi lục tục kéo về làng. Đến đầu xóm trung đội trưởng hạ lệnh giải tán. Tôi vội chạy ngay về nhà ở. Tới đầu ngõ, tôi túm được thằng Xót từ trong nhà khoác áo mưa phóng ra. Tôi hỏi:
          - Mưa gió thế này cháu còn đi đâu đấy?
          - Cháu... cháu... đem áo mưa cho bà nội. Nếu... nếu mẹ cháu về, chú bảo cháu chưa về nhé.
          Nó lập cập vì lạnh. Tôi thả cho nó chạy đi. Nó phóng thẳng ra phía con đường sang làng Thượng. Tôi cũng vội chạy vào nhà.
          Mãi tối mịt, thằng Xót mới về. Nó trả lời qua quýt những câu hỏi của mẹ rồi khẽ kéo tay tôi ra hè thì thào:
          - Cháu lo bà bị cảm lạnh ốm mất chú ạ!
          - Bà bị mưa ướt à?
          - Bà đi đến giữa đồng thì trời ập mưa. Lúc cháu chạy đến bà đã bị ướt hết rồi. Cháu dìu bà về nhà rồi nhờ bác Ngân đến xoa dầu cho bà rồi.
          - Thế bà đi ra đồng làm gì? Mà sao cháu biết bà ở đấy?
          - Bà cháu đi tìm cháu đấy. Ngày nào bà chả sang tìm cháu. Nhà bà cháu bên làng Thượng nên phải đi qua cánh đồng...
          Câu chuyện chẳng đến đầu, đến đũa của thằng Xót khiến tôi càng khó hiểu. Tôi cứ mong có dịp thuận tiện để hỏi chuyện anh chị chủ nhà. Nhưng thấy anh chị bận bịu suốt ngày nên cũng đành thôi.
          Hôm sau, tôi bắt gặp thằng Xót giữa chợ. Nó đang bán một giỏ cua đầy và mấy xâu cá đồng. Thấy tôi, nó tỏ ra lúng túng. Rồi nó rụt rè đề nghị:
          - Chú đừng nói với mẹ cháu là cháu đi bán cua cá ở chợ nhé.
          - Tại sao thế?
          - Vì... cháu bán để lấy tiền mua cho bà hộp sữa. Bà bị ốm rồi chú ạ.
          - Thế à?
          - Hôm qua, bà bị mưa ướt nên cảm ốm chẳng ăn được gì chú ạ.
          Chợt nhớ ra, nó hỏi:
          - Chú đi chơi chợ à?
          - Chú đi khênh rau cho tiếp phẩm! - Tôi đáp và lục túi đưa cho nó mấy đồng. Nó xua xua tay:
          - Cháu bán cá được một ít còn lại bố cháu cho thêm, đủ mua cho bà cân đường và hộp sữa rồi.
          Tôi ngạc nhiên:
          - Thế bố cháu cũng biết à?
          - Vâng! Mà số cua, cá này là cháu và cả bố cùng bắt suốt buổi trưa đấy chứ! 
*

          Rít một hơi thuốc lào, nhấp chén nước chè vẻ ngon lành xong, anh Thực kể:
          - Tôi, Luyến - vợ tôi và Hoàng cùng học với nhau từ khi còn bé tý. Đến năm cấp 3 thì giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc rất ác liệt. Cầu Bắc Giang, cầu Đáp Cầu thường xuyên bị chúng đánh phá. Chúng tôi phải sơ tán lên mãi vùng Mỏ Thổ, Bắc Giang học nhờ các trường bạn. Vợ tôi ngày ấy là “hoa khôi” và là bí thư chi đoàn của lớp đấy nhé. Cả tôi và Hoàng đều thầm yêu cô ấy. Tôi rất tự tin vì tôi đẹp trai và học giỏi hơn Hoàng. Nhưng rồi tôi đau khổ nhận ra cô ấy chỉ yêu Hoàng và coi tôi như người bạn thân. Chúng tôi vẫn gắn bó với nhau, giúp đỡ lẫn nhau nhưng giữa tôi với hai người dần dần xuất hiện một khoảng cách. Tôi học sút đi nhiều.
          Tốt nghiệp cấp 3, chúng tôi cùng đi thi đại học nhưng chỉ có Hoàng là đủ điểm vào đại học bách khoa. Bố Hoàng lúc ấy đang là chủ tịch xã, mẹ là chủ tịch hội phụ nữ. Hoàng rất muốn đi học đại học, nhưng bố mẹ cậu ấy đều động viên đi bộ đội. Tôi cũng viết đơn xin nhập ngũ. Hoàng được gọi vào bộ đội trước. Tôi vào dân quân. Nhờ thành tích tiếp đạn, tải thương cho bộ đội cao xạ nên được giới thiệu, bồi dưỡng để chuẩn bị kết nạp Đảng và bổ nhiệm làm trung đội trưởng dân quân. 
          Hoàng được về phép gần một tháng rồi vào miền Nam chiến đấu.Giữa lúc ấy thì xảy ra một chuyện. Luyến có thai, cái bụng đã sang tháng thứ tư, thứ năm của cô dù có bó buộc thế nào cũng không thể giấu mọi người được nữa. Ngày ấy chuyện này là “động trời, sụp đất”. Chi đoàn rồi trung đội dân quân tổ chức kiểm điểm, truy xét. Luyến bị dồn ép ghê quá. Rồi một hôm đích thân ông chủ tịch xã - bố của Hoàng - đến chỉ đạo việc kiểm điểm Luyến. Rồi cả bà chủ tịch hội phụ nữ xã cũng đến. Tôi không thế nhớ hết những gì họ đã nói nào là “đồ trụy lạc”, “loại vô giáo dục”, “kẻ dâm loạn” và cả “quân phản động, phá hoại” nữa.
          Sau này, tôi mới biết Luyến đã đến gặp bố mẹ Hoàng thú nhận việc lỡ có thai với cậu ấy và đã bị họ xua đuổi, cho là “đổ vạ” cho nhà họ. Và cũng mãi sau này tôi mới biết tại sao họ lại đối xử tàn tệ với Luyến như vậy. Vì ông bố Hoàng đang nằm trong quy hoạch phát triển lên làm phó chủ tịch huyện. Ông sợ vì chuyện này có thể làm đổ vỡ tất cả.
          Luyến bị dồn đến chân tường. Một đêm, sau giờ trực chiến, tôi tranh thủ qua nhà lấy thêm ít gạo, muối. Lúc đi tắt qua quả đồi sau làng nơi con sông Cầu bẻ góc chảy xiết, dưới ánh trăng mờ tôi chợt phát hiện ra một bóng người đang dấn dần ra giữa sông. Linh cảm được điều không hay, tôi quát to:
          - Luyến! Không được làm thế!
          Vứt vội bao gạo và khẩu súng trên bờ, tôi lao xuống dòng nước. Vật lộn, giằng co mãi, tôi mới lôi được Luyến lên bờ. Luyến vật vã xin tôi để cô được chết bởi vì cô không còn muốn sống nữa. Tôi bảo: “Hãy nghĩ đến đứa con, nó có tội tình gì đâu!”. Nghe vậy, Luyến ngồi lặng im hồi lâu rồi mới chịu theo tôi trở về làng.
          Hôm sau, khi ông chủ tịch xã chủ trì cuộc họp cuối cùng để xác định kỷ luật của Luyến. Không hề chủ định trước, giữa lúc căng thẳng nhất thì không hiểu vì sao, có lẽ vì thấy Luyến bị truy bức khổ quá, tôi bỗng bật dậy:
          - Tôi xin nhận! Tôi chính là bố của đứa trẻ!
          Tất cả mọi người đều vô cùng sửng sốt. Những người không hiểu tôi đã đành, Luyến cũng ngẩng đầu lên nhìn tôi sửng sốt. Thế là chả phải bàn cãi gì nữa, Luyến và tôi đều bị khai trừ khỏi Đoàn, đuổi khỏi trung đội dân quân. Quyết định chuẩn y kết nạp tôi vào Đảng đã ký cũng bị hủy bỏ. Đơn xin nhập ngũ của tôi bị trả lại...
          - Sau đó anh và chị Luyến lấy nhau chứ ạ?
          - Không! Luyến sinh con rồi lầm lũi nuôi con. Cô ấy khổ lắm. Mang tiếng chửa hoang, bố mẹ cũng còn xua đuổi chửi bới. Mẹ tôi cũng ốm liệt giường cả tháng vì buồn. Bố tôi là nhà giáo, cụ hiểu tôi nhưng cũng khó xử khi đứng trên bục giảng giáo dục dạy dỗ các em sống đẹp, sống có lý tưởng cách mạng, mà con mình lại như thế. Cụ xin nghỉ mất sức rồi đi làm ruộng. Luyến sinh con. Bố mẹ cô ấy dựng cho một ngôi nhà tre nhỏ ven làng. Tuy vất vả nhưng cô ấy vẫn cố gắng vượt qua, không nhận sự giúp đỡ của ai. Báo tử của Hoàng sau hơn một năm, cô ấy mới nhận lời lấy tôi. Trong một trận chỉ huy dân quân chuyển đạn cho bộ đội đánh trả máy bay địch ở cầu Bắc Giang, bố Hoàng đã hy sinh. Nhà Hoàng chỉ có cậu ấy là con trai, em gái thì lấy chồng xa ở mãi Vĩnh Phúc.
          Anh Thực kể tiếp:
          - Luyến đặt tên đứa con của mình với Hoàng là thằng Xót, có nghĩa là đau xót, đắng cay. Thằng Xót lớn lên chỉ biết có tôi là bố và mẹ Luyến. Tôi định khi nào nó đã trưởng thành mới nói cho nó biết mọi chuyện. Nhưng khi người ta xây dựng, tôn tạo lại khu di tích thành cổ Quảng Trị thì tìm được hài cốt của Hoàng. Hoàng hy sinh và bị vùi lấp trong tư thế đang cầm súng chiến đấu. Trong túi áo của Hoàng có một bức thư cậu ấy viết cho bố mẹ để trong bao ni lông tuy nét chữ đã mờ nhưng vẫn đọc được. Cậu ấy nói về chuyện đã yêu và có quan hệ với Luyến, dặn bố mẹ nhận Luyến là con dâu, nếu cô ấy có thai thì đứa con ấy là của mình...
          - Sao anh ấy không nói ngay khi về phép?
          - Vì lúc ấy hai người chưa chắc chắn lắm. 
          Anh Thực ngậm ngùi:
          - Bà mẹ Hoàng nhận được hài cốt của con và lá thư đã ngất đi. Bà cụ ân hận và rất mong muốn nhận lại cháu nhưng Luyến nhất định không chịu. Cô ấy không thể nào quên được những gì đã xảy ra. Thằng Xót càng lớn càng giống Hoàng. Lúc đầu nghe mẹ, xa lánh bà nhưng dần dần mình khuyên nhủ, nó cũng hiểu ra. Bố con mình phải “bí mật” giúp đỡ bà cụ. Chuyện qua lâu rồi còn để bụng làm gì. Đằng nào bà cụ chả là mẹ của Hoàng, bạn nối khố với mình từ thời còn cởi truồng cơ mà. Bà cụ bây giờ tuổi cao, chỉ còn một mình. Chỉ mong Luyến bỏ qua mọi chuyện, bố con mình sẽ đến đón cụ về ở chung hoặc không thì cũng công khai giúp đỡ cụ. Khổ! Ngày nào bà cụ cũng đi bộ hơn cây số sang tìm thằng Xót…
          Tôi cũng thấy xót xa trước câu chuyện anh Thực kể. Anh Thực chợt hỏi tôi:
          - Này! Cậu sắp tốt nghiệp rồi phải không?
          - Vâng ạ! Em đang học năm thứ tư rồi.
          - Sắp thành “chính trị viên đại đội” rồi còn gì! Nhưng... thời gian ở đây cậu phải giúp mình với nhé!
          - Giúp việc gì ạ?
          - Thì giúp thuyết phục dần dần để bà xã mình hiểu ra...
          - Vâng... em sẽ cố gắng! - Tôi gật đầu đáp. 
*
          Mấy năm sau, tôi mới lại có dịp đi qua vùng núi Dạm. Anh chị Thực đi làm đồng chưa về. Thằng Xót bây giờ đã là một thanh niên vạm vỡ. Nó nhận ra tôi ngay. Vừa đưa tôi vào nhà, nó vừa bảo:
          - Cháu đã thi đỗ vào Trường sĩ quan Thông tin rồi đấy nhé!
          - Thế thì tốt quá!
          Thằng Xót mở tung cánh cửa. Căn nhà cấp bốn mới xây còn sáng màu vôi. Tôi giật mình khi thấy ảnh bà cụ đã gặp ở cổng ngày nào và ảnh một người chiến sĩ còn rất trẻ lồng trong tấm bằng “Tổ quốc ghi công” đặt trên bàn thờ.
          Thằng Xót ngậm ngùi:
          - Bà cháu mất hơn một năm rồi chú ạ!... 
                                                                                                                                                                                                                          Hà Nội, cuối năm 2001