Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần cuối)

          
  
Chuyện đời hắn
Truyện dài của Trọng Bảo
  
          Vĩ thanh hay vài lời cuối chuyện
          Ông chủ tịch xã vừa gập cuốn sổ lại vừa bảo tôi:
          - Mời nhà báo đi thăm một hộ làm kinh tế trang trại giỏi để “mục sở thị” nhé! Dọc đường nếu có còn gì hỏi, tôi sẽ trình bày thêm!
          - Vâng! Thế cũng được ạ!
          Tôi đồng ý. Ông chủ tịch xã dẫn tôi vượt qua một dốc núi cao sang bên kia dãy núi. Chiếc xe U-oát gầm gừ bò lên dốc. Con đường qua núi hẹp, gồ ghề. Chiếc xe chung chiêng như đi trên dây. Ra đến con đường mới mở, chiếc xe chạy êm ro. Ông chủ tịch xã hào hứng nói với tôi:
          - Tay chủ trang trại Ma Gà này vốn là một người từ nơi khác đến lấy vợ ở đây. Lý lịch hắn cũng có chút tỳ vết từ thời trai trẻ. Bây giờ thì hắn ta là một con người tốt. Hắn đóng góp xây dựng nhiều công trình công ích, dân sinh, các nhà tình nghĩa, nhà tình thương khắp trong, ngoài xã này đấy!
          - Thế ạ! Vậy thì lần này tôi may quá, gặp được một “điển hình tiên tiến”  để viết rồi!
          - Đúng là một điển hình tiên tiến thực sự đấy!
          Qua khỏi đoạn cua gập ghềnh đến một thung lũng tương đối bằng phẳng. Đó là thung lũng Ma Gà. Đầy khắp trong thung là những cây vải thiều vừa tròn tán. Cành cây trĩu những trùm quả bắt đầu sẫm vỏ. Những luống chè thẳng tắp, vườn cam quýt xanh tươi. Đặc biệt la liệt khắp nơi trong trang trại là những chậu cây cảnh, bon-sai có dáng thế rất đẹp. Một ngôi nhà hai tầng thấp thoáng giữa tán cây. Ông chủ trang trại lởi sởi ra đón và bắt tay từng người. Tôi đưa máy ảnh lên  ngắm chụp một kiểu ảnh. Qua ống kính máy ảnh tôi chợt nhận ra một nét mặt quen quen. Tôi buông máy ảnh bắt tay ông chủ trang trại. Cả hai chúng tôi cùng "ồ" lên một tiếng. Và, hai chúng tôi đều đã nhận ra nhau. 
          Hắn bắt tay tôi nói:     
          - Chào ông nhà báo!
          Tôi ngạc nhiên vì ông chủ tịch xã chưa giới thiệu mà sao hắn đã biết tôi là nhà báo mà chào như vậy. Tôi hỏi:
          - Sao anh lại biết tôi là nhà báo?
          - Thì hồi lâu lắm rồi còn trong… tù, một hôm vớ được tờ báo gói đồ cũ, đọc thấy có đăng bài ông viết về quê ta!
          Thì ra là thế.
          Tôi với hắn là người cùng quê. Hắn học trên tôi ba lớp. Khi tôi vào lớp một thì hắn đang học lớp bốn. Đến khi lên cấp 2, hắn đã có tên trong danh sách gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Nhưng ngày ấy tôi không hiểu vì sao hắn không được gọi đi bộ đội. Tôi còn nhớ mười bảy tuổi, hắn đã cao to lộc ngộc. Cái đầu hắn luôn cắt trọc lốc nên chúng tôi thường gọi hắn là “sư phụ”. Hắn học ngổ ngáo, ngỗ nghịch nhất trường. Các thầy cô giáo cũng ngại hắn, nhất là các nữ giáo sinh về thực tập ở trường. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước ở miền rừng núi như quê tôi học sinh to lớn hơn cả thầy cô giáo là chuyện bình thường. Nhiều anh đã có vợ con rồi mà vẫn đang học cấp hai.
           Hắn thường hay bắt nạt chúng tôi. Có cái gì ăn chúng tôi đều phải cống nạp cho hắn. Đứa nào lơ lơ cố ý giấu giếm là coi chừng bị hắn vặn tưởng đứt tai. Bọn con gái nhiều đứa khóc hết nước mắt vì thường xuyên bị hắn bôi bẩn lên áo. Có đứa con gái bị hắn cắt xoẹt mất nửa chiếc đuôi sam gào tưởng sắp vỡ cả trường. Thầy Thức, hiệu trưởng trường cấp hai Quang Lâm hồi ấy nghiêm lắm. Nhiều lần hắn bị thầy phạt đứng nắng dưới chân cột cờ giữa sân trường. Nhưng hắn vẫn cứ tính nào, tật nấy.
           Ngày ấy đám trẻ chăn trâu chúng tôi rất thích hắn. Bởi lẽ hắn có tài kể chuyện. Những bộ trường thiên tiểu thuyết như: Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng, Chinh đông chinh tây hắn đều thuộc làu làu. Những buổi chiều đi chăn thả trâu bò trong thung lũng lũ chúng tôi ai cũng hong hóng chờ được nghe hắn đọc chuyện. Để được nghe chuyện, mỗi đứa chúng tôi thường phải nộp một bó cỏ thật non để cho con bò mộng của hắn ăn. Chỉ khi con bò mộng của hắn đã đứng ngập giữa đống cỏ, hắn mới bắt đầu kể chuyện. Giọng hắn lúc trầm, lúc bổng, lúc ngân nga. Chúng tôi há mồm ra nghe chuyện. Hắn đọc cho chúng tôi nghe từng chương, hồi trong Tam quốc diễn nghĩa mà chẳng cần mở sách. Hôm nào cũng vậy, hắn chỉ đọc đúng ba chương. Chúng tôi đứa nào cũng xuýt xoa, tiếc rẻ, mỗi khi hắn kết thúc buổi đọc chuyện bằng câu "Muốn biết chuyện ra sao, chờ đến hồi sau sẽ rõ!".
           Sau bận cùng ông chủ tịch xã vào thăm trang trại Ma Gà, tôi viết một bài báo khá sinh động về mô hình làm kinh tế trang trại. Có lẽ cũng do đọc được bài báo ấy của tôi mà đoàn cán bộ của xã Quang Lâm - quê hương của tôi và hắn -  đã tìm đến tham quan trang trại Ma Gà. Sau lần ấy, hắn đã ủng hộ quê hương xây dựng nhà thư viện xã. Hôm xã Quang Lâm tổ chức lễ hội đón danh hiệu anh hùng tôi cũng về dự. Tôi để ý nhưng không thấy hắn. Tôi hỏi thì anh chủ tịch xã nói hắn bảo có việc bận đã đi từ hôm trước, ngay sau buổi lễ cắt băng khánh thành thư viện.
           Tôi quyết định lên trang trại Ma Gà thêm một lần nữa.
           Lần này tôi không đến để viết báo. Mấy ngày ở trang trại Ma Gà tôi đã được nghe hắn tâm sự về cuộc đời chìm nổi của mình. Câu chuyện của hắn khiến tôi nảy ra ý định viết thành một truyện ngắn. Nhưng khi truyện ngắn dài đến sáu phần rồi mà chuyện về hắn thì vẫn chưa hết. Vậy nên, tôi quyết định kéo thành một truyện dài - một tiểu thuyết. Sau chuyện hắn tình cờ gặp được đứa con gái, tôi hỏi hắn có gặp lại hai bố con lão đóng than tổ ong bên bờ sông Đuống và ngưòi đàn bà có ngôi nhà xinh xắn ven hồ Tây không thì hắn ậm ừ không kể tiếp nữa. Hắn chỉ nói qua loa là lão đóng than tổ ong bên sông Đuống đã chết, cô con gái thì bỏ nghề làm than đi làm họa sĩ công nghiệp. Còn người đàn bà có ngôi nhà ven hồ mỗi ngày mua mười viên than tổ ong của hắn ngày trước nay đã là một giám đốc một hãng sản xuất phim truyện truyền hình khá nổi tiếng. Chắc là người đàn bà ấy vẫn còn rất đẹp nhưng sẽ vẫn luôn buồn vì sống cùng ông chồng là nhà khoa học máy móc như một con rô-bốt đã được lập trình cài đặt sẵn…
           Vì hắn không chịu kể tiếp nữa nên “Chuyện đời hắn” đành phải dừng lại ở đây. Xin cảm ơn các độc giả đã đồng hành cùng tác giả qua một chặng đường khá dài.
            (HẾT)                                                        Hà Nội, tháng 2-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét