Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Truyện ngắn BÀI THƠ TẾT NĂM ẤY


BÀI THƠ TẾT NĂM ẤY
Truyện ngắn của Trọng Bảo
          Chỉ còn mấy hôm nữa là đến tết. Cả đơn vị khẩn trương nhộn nhịp chuẩn bị đón năm một mới ở biên cương phía Bắc này. Đối với cánh lính trẻ chúng tôi đây là cái tết đầu tiên xa nhà. Nghĩ cũng vui vui, khi còn ở nhà tết đến chả phải làm gì ngoài việc đi chơi với bạn bè. Thế mà bây giờ thằng nào thằng ấy cuống lên lo gói bánh, giã giò, lo nấu nướng trong mấy ngày tết.

                 Hoa đào


Vốn là một người có "hoa tay" nên tôi được phân công trình bày tờ báo Xuân của chi đoàn. Ngồi viết báo nhưng tôi vẫn nghe rõ tiếng quản lý Giang lẩm nhẩm tính toán ở phòng bên cạnh:
          - Một trăm năm mươi ki-lô-gam gạo nếp, hai mươi ki-lô-gam đậu xanh, gói năm lạng gạo một cái bánh, vị chi mỗi người được một cái rưỡi.
          Đầu óc tôi như để hết ngoài chỗ anh em đang làm cỗ, nghĩ mãi mà chả viết được chữ nào. Tờ báo tường còn một khoảng trống rõ to. Có lẽ đành phải vẽ vào đó một cành hoa đào và một bài thơ ngắn vậy. Nghĩ vậy tôi lôi giấy bút ra. Nhưng vò đầu bứt tai mãi, tôi vẫn chưa nghĩ được một câu nào. Giữa lúc đó thì quản lý Giang hô mọi người chuẩn bị gói bánh chưng. À phải rồi, tôi sẽ viết một bài thơ về cái bánh chưng xanh có khi được đấy. Nào thử xem sao. Tôi loay hoay một hồi lâu mới viết được mấy câu:
          Chiến trường đánh giặc xa xôi
          Xuân về bánh cũng theo người hành quân
          Những khi nấu bánh trong hầm
          Khói cay xè mắt long thầm nhớ ai?
          Cả đơn vị toàn con trai
          Bánh đùm lóng ngóng cười hoài với nhau
          Gian lao hẹn những Tết sau
          Mùa Xuân trọn vẹn một màu trời xanh...
          Sửa lại đôi chút, tôi chép bài thơ vào tờ báo tường. Vừa xong thì cánh lính trẻ đi lấy củi về ùa vào. Chúng nó vừa đọc các bài báo vừa sôi nổi bình luận. Thằng Đào nói oang oang như lệnh vỡ:
          - Bịa... bịa... làm quái gì có chuyện nấu bánh trong hầm!
          - Có đấy! - Đại đội trưởng Quyết đứng ở phía sau từ bao giờ lên tiếng: Hồi đánh Mỹ, chiến đấu ở vùng địa đạo Củ Chi, bộ đội và nhân dân phải nấu bánh dưới hầm đấy!
          Cánh lính trẻ tròn mắt ngạc nhiên. Chúng nhao nhao đòi đại đội trưởng Quyết kể chuyện những ngày anh chiến đấu ở ở miền Nam. Đại đội trưởng chưa kịp nói gì thêm thì chiến sĩ liên lạc lách vào kéo tay anh nói:
          - Báo cáo đại đội trưởng! Có điện khẩn của tiểu đoàn ạ!
          - Thế hả! Thôi khất các cậu khi khác nhé!
          Nói xong, đại đội trưởng Quyết vội vã theo liên lạc về vị trí chỉ huy. Gần như ngay sau đó tiếng còi báo động chiến đấu đã vang lên dồn dập. Các chiến sĩ vội lao về nhà ở của mình lấy ba lô, súng đạn chạy ra vị trí tập trung. Tôi cũng vội cuộn tờ báo tường đang trình bày dở gác lên giá rồi phóng về nhà ở tìm khẩn súng. Ngoài sân quản lý Giang đang luống cuống giơ cả hai tay lên trời giữa đống lá dong và gạo nếp. Các chiến sĩ đang gói bánh, làm bếp ai nấy đã khoác ba lô, súng đạn gọn gàng sẵn sàng đi nhận nhiệm vụ chiến đấu. Đứng ở cuối hàng quân, tôi vừa buộc dây ba lô cho thật chắc vào bụng để còn vận động vào vị trí chiến đấu vừa nghe đại đội trưởng phổ biến nhiệm vụ:
          - Theo tiểu đoàn thông báo bọn địch tập trung quân áp sát đường biên giới. Đại đội ta được lệnh hành quân lên điểm tựa triển khai đội hình sẵn sàng đánh trả bọn xâm lược nếu chúng tấn công sang nước ta...
          Toàn đơn vị đứng lặng im phăng phắc nghe chỉ huy giao nhiệm vụ cho từng phân đội. Khi đại đội trưởng hạ lệnh hành quân các chiến sĩ nối nhau lên đường bình tĩnh, tự tin. Tôi vừa xốc xốc cái ba lô lên định bước theo đoàn quân lên điểm tựa thì có một bàn tay đặt lên vai mình. Tôi chưa kịp quay lại thì đã nghe tiếng đại đội trưởng nói:
          - Cậu ở lại trang trí nốt tờ báo tường và giúp bộ phận nuôi quân gói bánh nhé!
          - Báo cáo đại đội trưởng! - Tôi vội chối ngay: - Để em đi luôn cùng với anh em lên trận địa thôi. Đánh nhau đến nơi rồi còn bánh với báo gì nữa...
          - Ai bảo cậu là đánh nhau đến nơi rồi! Mà dẫu có đánh nhau thì bánh vẫn cứ gói, báo vẫn cứ làm hiểu không? Cậu chả vừa viết "nấu bánh trong hầm... bánh cũng theo người hành quân..." là gì!
          Đại đội trưởng Quyết mỉm cười. Tôi đành đứng đực người ra im lặng. Đơn vị hành quân đi rồi tôi đành vác ba lô quay lại doanh trại. Quản lý Giang và một chiến sĩ đang cặm cụi gói bánh giữa sân. Nhìn thấy tôi quay lại nó mừng rỡ. Vừa đỡ ba lô cho tôi nó vừa nằn nì bảo tôi gói bánh xong để kịp luộc rồi hãy làm báo.
          Thế là tôi đành ngồi vào giữa đống lá dong và gạo nếp. Giữa lúc ba chúng tôi đang cặm cụi đánh vật với những cái bánh thì chị Dung là người ở bản Nà Liền bên kia suối đến. Chị Dung là chi hội trưởng phụ nữ của bản. Chị rất hay đến thăm đại đội chúng tôi. Thấy doanh trại vắng ngắt, chị ngạc nhiên hỏi:
          - Sao lại chỉ có ba chú gói bánh thì đến bao giờ mới xong?
          - Anh em đi làm nhiệm vụ đột xuất cả rồi chị ạ!
          Chị đưa mắt nhìn chúng tôi rồi quay ra cổng. Có lẽ đoán ra tình hình căng thẳng nên chị về báo cho bà con dân bản chuẩn bị sơ tán. Tôi lo lắng. Hơn một tạ gạo biết gói đến bao giờ cho xong bánh đây.
          Ngoài cổng chợt có nhiều tiếng người ồn ào. Tôi ngẩng lên nhìn ra. Chị Dung đang dẫn hơn chục người đi vào. Tôi nhận ra toàn là các bà, các chị, các cô quen biết. Có chị còn dắt theo cả con nhỏ. Mấy anh dân quân lưng đeo súng, vai vác theo búa bổ củi. Ba chúng tôi đứng dậy ra đón. Chị Dung nói như ra lệnh:
          - Các bà, các cô gói bánh, các tướng con trai bổ củi chuẩn bị nấu bánh! Rõ chưa!
          - Rõ... rõ...
          Tiếng cô Hoa, cô Lài, cô Xinh khúc khích. Nhộn nhạo, ồn ào một lát rồi ai vào việc nấy. Quản lý Giang giục tôi đi làm báo tường rồi chạy chỗ này, chỗ kia hướng dẫn các bà, các cô gói cho đúng liều lượng. Tôi quay ra chỗ mấy người bổ củi vừa làm vừa tán gẫu với đám trai bản. Khi tôi vào với tờ báo tường đang còn dang dở thì bánh cũng đã gói xong. Chị Dung dặn mấy cậu con trai bản ở lại giúp bộ đội nấu bánh ban đêm rồi cùng các bà các cô ra về.
          Tôi vừa mở tờ báo tường ra thì quản lý Giang xộc vào tóm tay tôi lôi tuột ra sân chỗ những chiếc bánh vừa gói xong xếp gọn gàng, cái nào cái nấy vuông chằn chặn. Giang băn khoăn bảo tôi:
          - Sao lại thế này ông nhỉ! Bánh "thừa" nhiều quá!
- Thừa bánh là thế nào! Ông nói tôi chả hiểu quái gì cả!
          - Đây này! Một trăm năm mươi ki-lô-gam gạo nếp, gói năm lạng một cái thì được đúng ba trăm cái. Thế mà đây lại gần bốn trăm cái là thế nào nhỉ?
          - Thế hả!
          Tôi cùng quản lý Giang đếm lại. Đúng là gần bốn trăm cái bánh thật.
          - Thôi đúng rồi! - Giang chợt reo lên vì đã phát hiện ra điều bí mật: - Thảo nào mà chị Dung cứ hỏi tao mãi tết này mỗi người được mấy cái bánh chưng. Thấy tao bảo gạo nếp có ít, mỗi người chỉ được một cái rưỡi chị ấy im lặng rồi quay sang trao đổi điều gì bằng tiếng dân tộc với mấy bà, mấy chị. Sau đó chị và hai người đi về bản. Thì ra cả bản Nà Liền đã "bí mật" góp thêm để mỗi chiến sĩ đơn vị ta có được hai cái bánh chưng ngày tết đấy! Đây này, bánh của chúng mình làm gì có loại lạt buộc nhuộm vỏ cây màu hồng thế này.
          Giang rút từ trong đống bánh đưa cho tôi xem. Cầm cái bánh trên tay tôi thêm hiểu tấm lòng của người dân bản Nà Liền đối với những người lính xa nhà chúng tôi. Khi quay vào hoàn thiện tờ báo tường, trong lòng tôi vẫn không nguôi suy nghĩ về những cái bánh chưng ngày tết nới biên cương này. Tôi quyết định viết thêm hai câu thơ vừa nghĩ ra vào cuối bài thơ "Bánh chưng xanh" của tờ báo tường: "Nâng niu tấm bánh chưng xanh/Càng thêm ghi tạc mối tình quân dân".
          Mặc dù hai câu thơ này chẳng ăn nhập gì với bài thơ nhưng quản lý Giang thì lại cứ gật gù khen hay mãi. Khi tôi hoàn thành tờ báo tường thì trời đã tối hẳn. Ngoài sân Giang và mấy anh dân quân đã nổi lửa luộc bánh. Ánh lửa bập bùng sáng bừng lên vách đá âm u.
          Ngay hôm sau, những chiến bánh chưng xanh ngày tết và tờ báo tường mừng Xuân theo chúng tôi ngược dốc lên với các chiến sĩ đang vững vàng tay súng trên điểm tựa tiền tiêu.
                                                                 Cao Bằng, đầu tháng 2-1979


-----------------------------
       Truyện ngắn này tôi viết trước khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, đã đăng trên Báo Quân đội nhân dân.
       Khi cuộc chiến đấu xảy ra những người lính, những cô gái bản gói bánh chưng ấy nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống. Họ đã chết cho đất nước có một mùa Xuân bình yên. Sau này, tôi có viết một bài thơ nhớ lại kỷ niệm cái Tết biên giới năm ấy:
            Mùa Xuân năm ấy lạnh tái tê 
            Trận đánh chặn thù thì nóng bỏng
            Biên cương âm vang tiếng súng
            Máu chiến binh nhuộm đỏ hoa đào...
                                     (Trọng Bảo)
       



Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Truyện ngắn NGÀY ẤY CHƯA XA

 
NGÀY ẤY CHƯA XA
Truyện ngắn của Trọng Bảo
          Cuối buổi chiều nào cũng vậy, khi nắng đã tắt, cánh lính chúng tôi lại kéo nhau lên nóc hầm đại liên. Chúng tôi ngồi nghêu ngao hát hết bài này đến bài khác và chốc chốc lại nhìn xuống con đường ngoằn ngoèo dưới chân dốc đang chìm dần trong sương. Từ phía ấy sẽ xuất hiện một người mà chúng tôi mong đợi. Đó là chiến sĩ liên lạc của đại đội. Cứ đến giờ này ngày nào cậu ta cũng xuất hiện. Chúng tôi theo dõi cậu từ xa. Khi cậu ấy đến gần, tất cả những cặp mắt đều đổ dồn vào chiếc túi đựng đầy thư báo đeo lạch xạch bên hông.

            Ngày ấy chưa xa
         
           Mấy đứa cùng tiểu đội tôi, tụi thằng Trung, thằng Hoạt, thằng Định gần như nín thở khi cậu liên lạc cầm tập thư dày cộm, xướng tên từng người. Hầu như ngày nào chúng nó cũng có thư. Toàn những lá thư ngoài bì đề "Em phương xa", với nét chữ con gái mềm mại. Chúng nó đều có người yêu. Nhận thư xong, mỗi đứa nhảy ra một góc ngồi đọc ngấu nghiến, che che, giấu giấu sợ ai đi qua liếc trộm, mặc dù đến tối thì hầu như cả tiểu đội đều biết nội dung những bức thư đó. Lính với nhau, có gì mà bí mật.
          - Anh Hải có thư và cả anh Trọng nữa này!                
          Nghe cậu liên lạc gọi, tôi đã biết lá thư đó của ai rồi. Thỉnh thoảng tôi cũng có một lá thư. Thư đó nhất định là của cô em gái út chưa đầy tám tuổi đang học lớp 2, với những nét chữ to tướng. Trong thư, cô em gái hết kể chuyện giàn mướp nhà ta năm nay sai quả, lại kể con gá mái hoa mơ mới nở có tới những mười lăm con, em sẽ dành phần cho anh con đẹp nhất. Chả là hồi ở nhà, em tôi học giỏi nhất lớp 1. Tôi định mua thưởng cho nó cái cặp sách, nó lại muốn có một con gà để nuôi. Thế là, tôi mua luôn cho nó con gà và cả cặp sách nữa. Là cô bé út, nhưng nó thường được mẹ uỷ nhiệm viết thư cho tôi. Còn thằng em trai kế tôi thì chả bao giờ viết thư cho tôi cả, mặc dù nó đã học lớp 6. Nó thích đá bóng hơn là viết thư và cũng hay đùn việc này cho con em.

            Mỗi lần nhận được thư cô em út, tôi vừa thích thú đọc những câu văn buồn cười của nó, vừa sốt ruột vì nó kể hết chuyện này, đến chuyện khác mãi mới hết câu: "Thầy mẹ và chúng em vẫn khoẻ, anh yên tâm".
          Quả tôi đoán không sai. Cầm lá thư, liếc nét chữ trên phong bì, tôi biết ngay thư của cô em út. Trung đội trưởng Hải cũng nhận được một bức thư từ nước ngoài gửi về.
          Tôi nhét lá thư vào túi, cầm tờ báo xem một lát rồi mới nhảy lên giường bóc thư ra. Chẳng có gì phải hồi hộp, như mấy thằng kia. Đọc thư, mặt chúng hết tái lại hồng, có đứa mồ hôi túa ra nữa chứ. Đọc xong, thế nào chúng cũng vội vàng lôi giấy bút ra cắm cúi viết thư trả lời ngay. Tôi chẳng có người yêu, nhưng tôi nghĩa chả việc gì phải hấp tấp như thế cả. Cứ làm như đánh trận ấy. Đọc. Viết. Rồi gãi đầu gãi tai, cứ như thể tình yêu là cái gì phức tạp lắm.
          Vừa nghĩ, tôi vừa mở lá thư của em gái ra. Đọc đến trang cuối cùng, tôi giật mình thấy mấy dòng chữ quen quen, đều đặn viết thêm dưới những dòng chữ của em gái: "Hôm nay, mình đến nhà chơi. May quá, gặp lúc em Hằng đang viết thư cho anh. Mình ghi mấy dòng này gửi tới Trọng. Chúc Trọng luôn mạnh khoẻ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng là người chiến sĩ cầm súng nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Đừng quên... mái trường thân yêu của chúng mình nhé". Chỉ có mấy chữ thế thôi, không ký tên gì cả nhưng tôi đoán ngay được đó là chữ của "cô giáo" Liên, người bạn gái cùng lớp 10B với tôi.
          Liên học môn văn rất giỏi, toán cũng khá. Liên được thầy chủ nhiệm phân công kèm cặp tôi học văn. Tôi "nổi tiếng" về môn toán, bài kiểm tra điểm thấp nhất cũng là 8, thế mà môn văn cứ lẹt đẹt hết 4 cộng lại 5 trừ...
          Liên kèm tôi suốt gần một năm. Kết quả môn văn của tôi có khá hơn, không còn bị điểm nào dưới trung bình nữa. Một vài lần kiểm tra, tôi còn được điểm 7. Để "đền ơn" cô bạn học chăm chỉ và xinh đẹp, tôi gọi Liên là "cô giáo" và mua tặng Liên hai cuốn sách "Thép đã tôi thế đấy" và "Dấu chân người lính" trước lúc lên đường nhập ngũ. Liên rất thích hai cuốn sách của tôi tặng. Riêng cái biệt hiệu "cô giáo" thì Liên có vẻ không bằng lòng. Liên cứ lườm lườm mỗi khi tôi gọi như vậy.
          Thấy tôi thừ người ra, bọn thằng Trung, thằng Định liền nghi ngờ:
          - Thằng Trọng nhận được thư ai mà ngây người ra thế?
          - Chắc là thư người yêu. Nó vẫn tuyên bố là đối với tình yêu nó là người vô sản, thế mà... Nó định giấu chúng mình à?
          - Thử kiểm tra lá thư xem.
          Không đợi hai thằng nó xông tới, tôi đã quẳng lá thư ra giường, cười nói:
          - Đấy đọc đi, chả có thư người yêu nào cả.
          Mấy thằng chụm đầu vào đọc. Đến mấy dòng của Liên ghi cuối thư, chúng nó reo lên:
          - Đoạn này "nghi" lắm!
          - Đúng! Nhưng mà chả có gì đặc biệt cả. Có mỗi một chữ "yêu" nhưng lại là "mái trường thân yêu" chứ không phải là "anh yêu".
          - Dốt lắm! - Thằng Định khua tay lên rồi phân tích: - Đến nhà chơi, thấy em gái người ta viết thư lại ghi thêm vào thế này là có vấn đề rồi. Nếu không yêu thì chẳng ai lại làm thế cả!
          - Đúng đấy! - Cả bọn phụ họa: - Thằng Trọng phải viết thư về "tấn công" ngay, thời cơ đã có rồi, chần chừ là thất bại đấy.
          - Phải "sút" mạnh...v...à...o...!
Thằng Hoạt tung chân lên cứ như nó đang lừa bóng trước khung thành đội bạn ấy. Vốn là người chủ động và tài bao biện, tôi đứng dậy:
          - Chúng mày làm gì ầm ĩ lên thế. Chưa chi đã vơ vào, khéo người ta cười cho cả nút.
          - Mày cứ thế thì bao giờ mới có người yêu?
          - Người yêu à! -Tôi vung tay lên nói: - Tình yêu cũng chính là một quy luật, muốn hay không, tự khắc nó sẽ đến.
          Trung đội trưởng Hải từ nãy giờ vẫn im lặng đọc thư. Nghe tôi nói vậy, anh tủm tỉm cười. Anh đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa có vợ, còn người yêu cũng không thấy anh nói đến lần nào. Anh đã có quyết định đề bạt lên làm phó đại trưởng, ngày mai sẽ đi nhận nhiệm vụ mới. Thấy anh tủm tỉm cười, tôi liền chuyển hướng tấn công:
          - Muốn biết tao nói có đúng không, chúng mày cứ hỏi anh Hải khắc biết.
          Biết sự láu lỉnh của tôi, anh liền cất lá thư vào túi. Cả bọn quay sang nhao nhao hỏi xem anh đã có "mối tình nào vắt vai" chưa và những điều tôi nói có đúng không. Anh cũng không nhận là mình đã có người yêu hay chưa mà chỉ nói:
          - Ngày ở Hà Giang tớ có quen một cô gái...
          - Sau đó thành người yêu chứ anh?
Một thằng hấp tấp hỏi. Tôi khoát tay:
          - Tất cả im lặng, để anh kể. Chắc chuyện phải dài lắm?
          Tôi vừa nói vừa cho anh điều thuốc lá. Anh cầm điếu thuốc châm lửa rít một hơi rồi chậm rãi nói:
          - Đúng! Chuyện ấy dài lắm...

          Câu chuyện của trung đội trưởng Hải bắt đầu từ một mùa hè ở Hà Giang. Năm ấy, anh ở trung đoàn làm nhiệm vụ mở tuyến đường giữa núi rừng bạt ngàn vầu nứa để mở mang mạng giao thông miền núi và khai thác vật liệu cho một nhà máy giấy ở dưới xuôi. Trung đoàn rải quân dọc theo tuyến đường đã vạch trên bản đồ và bắt đầu phá núi, mở đường.
          Trung đội 2 của anh nhận nhiệm vụ thi công một đoạn vượt qua đầm lầy. Mấy ngày liền, trung đội anh người nào người ấy lấm như trâu lăn ở giữa cánh đồng bùn lầy. Ấy thế mà cứ vét được ít nào đổ đi, bùn nước lại dềnh lên ở chỗ đó. Trung đội trưởng Hải lo lắng vì năng suất bộ phận của anh mấy ngày liên tục tụt xuống. Anh càng bực bội hơn mỗi khi thấy anh em hò hét inh ỏi, xúm quanh một vũng bùn có một con cá chuối, hoặc cá trê giãy đành đạch. "Phải tìm cách khác thôi!". Anh quyết định, một tiểu đội tiếp tục vét bùn và tát nước, hai tiểu đội dùng xe cải tiến cùng với các xe ô tô chở đất đá trút xuống, bùn lỏng sẽ vọt ra ngoài. Như vậy vừa nhanh vừa đỡ tốn công vét bùn. Nghe trung đội trưởng phân công, các tiểu đội triển khai làm luôn. Cánh lái xe từ sáng đền giờ không có việc làm đang sì sũng mò cá, được lệnh vội vứt mấy xâu cá, nhảy lên xe rú ga ầm ầm phóng đi. Một lát sau, những chiếc xe ben quay lại. Đất đã trút rào rào xuống nơi tuyến đường vượt qua đồng.
          Có một vài người xì xáo về cách làm của anh.
          Nhưng, qua hai ngày, con đường đã vươn dài ra giữ cánh đồng lầy, dễ chừng được đến bốn, năm chục mét. Trung đội trưởng Hải vừa chỉ huy đổ đất, vừa nghe các chiến sĩ kháo nhau:
          - Nhanh thế này! Trung đội ta lại dẫn đầu đại đội về năng suất.
          - Chuẩn bị tinh thần mà lĩnh giải thưởng thi đua của đại đội nhé! Phen này có mà hút thuốc lá ỉa ra khói.
          Giữa lúc ấy, trên con đường đang mở xuất hiện một cô gái. Cánh lính đang làm hùng hục ngẩn cả người ra. Trời! Giữa chốn rừng núi hoang vu thế này sao lại có một cô gái đẹp như tiên giáng trần thế!
          Cô gái mặc bộ quân phục còn mới, khá vừa vặn, hình như có tự tu sửa nào đấy để làm dáng. Cô mỉm cười trả lời những câu bông đùa của cánh lính trẻ một cách tế nhị và thông minh. Ai cũng ngỡ cô là một người khách qua đường, chỉ có trung đội trưởng Hải đã biết cô là ai.
          Đến đoạn đường đang làm, chợt cô đứng sững lại tròn mắt ngạc nhiên. Rồi cô vội tụt dép để trên bờ, sắn cao quần, lội xuống xung quanh con đường đang đắp xem xét. Đoạn, cô hỏi một chiến sỹ đang đầm đất ở gần:
          - Ai phụ trách ở đây anh nhỉ?
          - Anh Hải, người "gần ba mươi tuổi vẫn còn đương trai". Anh ấy ở đằng kia kìa!
          Anh em cười ầm cả lên. Nhưng cô gái không cười. Cô mím chặt môi vội vã đi đến chỗ Hải đang chỉ dẫn mấy chiến sĩ đổ đất. Cô nói gấp gáp.
          - Anh Hải! Đề nghị anh cho dừng ngay việc đổ đất lại!
          Hải đang bực bội vì trung đội có hai chiếc xe ben thì hôm nay một chiếc mới chạy được mấy chuyến đã chết máy nằm ngoài bãi lấy đất, còn một chiếc nên tốc độ thi công chậm hẳn lại. Nghe cô gái nói, anh cau mày:
          - Tại sao phải dừng đổ đất lại, thưa đồng chí kỹ sư?
          - Vì "chân" đường chưa vét hết bùn mà đã cho đổ đất xuống đắp sẽ không đảm bảo kỹ thuật.
          - Đồng chí kỹ sư yên tâm! Sẽ đảm bảo kỹ thuật, với lại chúng tôi vẫn vét bùn đất chứ.
          - Các anh vét chưa hết, bùn còn rất nhiều ở phía dưới.
          - Không sao! Đấy chỉ là nước bùn loãng, đất đổ xuống, bùn sẽ vọt hết ra phía ngoài, đường vẫn không hề hấn chi cả.
          - Không được anh ạ! - Cô kỹ sư kiên nhẫn giải thích: - Bùn còn dưới nền đường không những không thoát ra ngoài mà còn nhào lẫn với đất đá khô, làm cho kết cấu của đường yếu đi vì không thể đầm nén chặt được. Vì vậy, nền đường sẽ không đảm bảo độ bền vững cần thiết, cả đoạn đường sẽ bị "trôi" đi khi nước lũ ở phía thượng nguồn đổ chảy mạnh tạo áp lực nén không đều về một phía con đường.
          - Thôi... thôi... những kiến thức ấy, tôi cũng đã biết rồi! Cô không phải dạy tôi nữa!
Hải xua xua tay vẻ khó chịu. Cô gái vẫn nhẫn nại nói:
          - Nhưng anh phải dừng ngay việc đổ đất lại.
          Cô gái nói một cách gay gắt khi nhận thấy vẻ khinh khỉnh, coi thường của anh trung đội trưởng. Lúc này, mọi người xung quanh mới biết cô là kỹ sư cầu đường. Cô mới về nhận công tác ở tiểu đoàn này được mấy ngày. Và, đây cũng là lần đầu tiên có người dám phê phán trung đội trưởng Hải là chấp hành không đúng quy trình kỹ thuật. Từ trước đến nay, có ai dám động đến ông cán bộ công binh có "thâm niên" nghề cầu đường này đâu. Nếu có ai định phê phán trung đội trưởng thì cũng phải nhớ đến câu nói của anh: "Các cậu bầy giờ đã ăn nhằm gì? Chúng tớ ngày trước ấy à? Bom rơi trên đầu, mìn nổ dưới đất vẫn lái máy ủi gạt bom, gạt mìn xuống vực thông hàng chục cây số đường trong một đêm. Các cậu bây giờ hơi một tý đã ca thán, cuốc xẻng chưa mòn đã đòi đổi cái mới. Làm đêm lỡ không có bồi dưỡng đã kêu lên tới tận tiểu đoàn. Cứ như các cậu bây giờ thì đường Hồ Chí Minh đến năm 2000 chưa chắc đã mở xong chứ đừng nói đến giải phóng miền Nam năm 1975".
          Cứ nghe trung đội trưởng Hải nói đã khiếp. Nhất là các chiến sĩ mới, kỹ thuật chưa biết gì, huấn luyện ba tháng bộ binh xong là lên đây, nghe chuyện giải phóng miền Nam cứ há miệng ra như nghe chuyện Thánh Gióng vậy. Ấy thế mà hôm nay một cô gái vào loại mặt bấm ra sữa này lại dám phê bình trung đội trưởng Hải thì quả là ghê quá.
          Thấy chiếc xe ben tiếp tục lùi xuống đổ đất, cô kỹ sư giục trung đội trưởng Hải:
          - Tôi đã nói rồi! Anh cho dừng việc đổ đất lại đi!
          - Cô yêu cầu hay ra lệnh cho tôi đấy hả?
          Anh sẵng giọng, cô gái không nao núng:
          - Tôi yêu cầu đồng chí. Nhưng đối với quy trình kỹ thuật và lương tâm trách nhiệm của người chiến sĩ công binh thì đó là mệnh lệnh!
          - A! Gớm nhỉ! Anh quay phắt lại nhìn thẳng vào mặt cô gái. Hai ánh mắt giao nhau tưởng như toé lửa và bất phân thắng bại. Nhưng người quay đi trước lại là trung đội trưởng Hải. Anh vẫy tay cho chiến sĩ lái xe ra hiệu tiếp tục đổ đất. Cô kỹ sư hét lên:
          - Dừng lại! Đồng chí không sợ lãng phí sức lao động của đơn vị à?
          - Ở đây tôi là người chịu trách nhiệm, cô không phải hét lên như còi tàu vậy!
          - Tôi đề nghị đồng chí cho dừng đổ đất lại!
          - Nếu cô đến đây chỉ để đề nghị như vậy thì cô có thể về được rồi.
          Mặt cô kỹ sư tái đi, đôi môi run run, nước mắt chực trào ra. Cô đùng đùng bỏ đi, chiếc đuôi sam ném đi, ném lại trên lưng như cái gạt nước kính xe ô tô.
          Trung đội trưởng Hải hơi hối hận vì to tiếng với cô kỹ sư. Nhưng chợt nhớ mới hôm trước ngày trước mặt đại đội trưởng và tiểu đoàn trưởng, cô ta đã dám phê phán gay gắt trung đội 2 đã dùng mìn đánh sát ta-luy đường, làm đất bị tung tơi ra, khi mưa xuống dễ bị sạt lở, anh lại thấy mình nói như vậy là đúng. Anh tin rằng, làm theo cách vừa vét bùn, vừa đổ đất lấn dần ra giữa ruộng như mình là đúng. Anh ra sức chứng minh như vậy với đại đội trưởng. Nhưng cuối cùng anh đánh phải cầm bút kỹ một chữ "Hải" gân guốc ngang tàng cạnh chữ ký mềm mại của cô kỹ sư Kiều Thanh trong biên bản làm sai quy trình kỹ thuật phải làm lại. Nhìn bộ mặt nhăn nhó của anh, đại đội trưởng vỗ vai an ủi:
          - Đành phải cuốc lên mà làm lại thôi ông ạ! Bây giờ là thời đại khoa học kỹ thuật không thể làm ăn kiểu "du kích" như trước được nữa đâu. Đại đội sẽ điều thêm cho ông một xe ben nữa.
          Và thế là ngày hôm sau, trung đội 2 bắt đầu đào đoạn đường mới đắp lên để vét lại bùn dưới "chân" đường.
          Anh em xì xào bàn tán. Mấy tay tiểu đội trưởng tủm tỉm với nhau: "Phen này trung đội trưởng phải chịu cứng phái đẹp nhé, thật là "lệnh ông không bằng cồng bà". Trung đội trưởng Hải chỉ còn biết im lặng. Cô kỹ sư Thanh luôn có mặt cùng làm với trung đội của anh.
          Sau khi quan sát cách tổ chức của trung đội trưởng Hải. Thanh đến gặp anh. Cô nói:
          - Anh Hải ạ! Tôi muốn đề nghị thế này...
          - Tôi tưởng cô đã đề nghị, đã yêu cầu và đã ghi hết trong biên bản rồi cơ mà.
          Nghe cái giọng ngang phè, khó chịu ấy, Thanh đã muốn bỏ đi, nhưng cô cố gắng nói hết ý định của mình:
          - Tôi đề nghị anh chia quãng đường đã làm ra thành từng đoạn từ 5 đến 7 mét. Cứ cách một đoạn lại đào một đoạn, đất hất lên đoạn còn lại. Lấy hết đất khô từng đoạn, còn đất lẫn bùn và bùn chỉ việc vét đổ ra hai bên. Sau đó gạt đất khô ở đoạn còn lại xuống, đầm kỹ rồi tiếp tục vét bùn đổ ra ngoài. Làm như vậy, chỉ phải làm hai tấm phên chắn bùn ngắn, dễ hơn lại vừa đỡ được công chuyển đất đá từ giữa đồng lên mãi trên đồi.
          Trung đội trưởng Hải nhíu mày suy nghĩ. Đúng! Nếu làm như vậy trung đội anh sẽ rút ngắn được một nửa số công, lại không phải làm hai tấm phên nứa để chắn bùn dài hơn trăm mét cắt ngang cánh đồng.
          - Nhưng làm như vậy đường sẽ bị đứt quãng, ô tô không chở đất ra được.
          - Không sợ anh ạ! Một mặt làm như vậy, một mặt ta cho xe ô tô tiếp tục đổ đất từ đầu đường lấn dần ra các đoạn đã vét hết bùn...
          Hải đã hiểu. Nhưng còn tự ái, anh nói giọng khô khan:
          - Vâng! Xin cám ơn "xáng" kiến của kỹ sư.
          Thanh nguýt trung đội trưởng Hải một cái rồi quay đi. Suốt từ đó cho đến khi đoạn đường được đào lên rồi lại được "đặt" xuống giữa cánh đồng lầy, trung đội trưởng Hải để ý thấy cô luôn đứng ở các dây chuyền bùn đất, lấm bê bết.
          Do phải làm lại quãng đường qua đồng, nên năng suất của trung đội 2 tụt xuống thấp nhất đại đội. Nhưng sau đó, nhờ biết cách tổ chức thi công, năng suất của trung đội 2 lại dần nâng lên. Trung đội 2 đang làm ăn tấn tới thì giữa anh và cô kỹ sư Thanh lại xảy ra "xô xát" một lần nữa. Ấy là khi trung đội 2 thi công chiếc cống ở đoạn đường cua cột số 4, ki-lô-mét 19.
          Khi bảy đoạn ống đường kính 1,5 mét đã hạ xuống rãnh, được kê kích, hàn xi măng cẩn thận, lấp đất và bắt đầu xây cánh cống thì kỹ sư Thanh xuất hiện. Cô giở bản thiết kế ra xem xét một lúc rồi đo đo, đạc đạc giữa hai miệng cống. Đoạn, cô vội vã tìm gặp trung đội trưởng Hải nói:
          - Anh Hải ạ! Trục tâm cống đặt lệch so với thiết kế một góc 70. Phải moi lên chỉnh lại các đoạn cống thôi anh ạ.
          - Lệch 7 độ có đáng là bao!
          - Không được anh ạ. Cống bị lệch sẽ nắn dòng chảy làm nước xối vào gây sạt lở đoạn đường của phía dưới.
          - Lại thế kia à? Tại sao hôm qua, khi chúng tôi đặt những ống cống đầu tiên cô không có mặt ở đây mà căn chỉnh, hôm nay lại còn giở quẻ?
          - Hôm qua... hôm qua... tôi... bận.
          Thanh lúng túng, nhưng cô cũng vẫn kiên quyết yêu cầu trung đội trưởng Hải phải căn chỉnh lại cái cống. Hải tuy bực lắm nhưng cuối cùng cũng phải cho đào đường lên sửa lại cống. Vừa làm, anh vừa rủa thầm cô kỹ sư quá quắt và oán trách cô hôm qua không chịu ra mặt đường kiểm tra, theo dõi giám sát thi công, giờ lại còn giở quẻ. Mãi sau này anh mới biết hôm đó Thanh không có mặt ở công trường vì cô bị sốt. Mấy lần cô định dậy để đi ra mặt đường nhưng tiểu đoàn trưởng bắt cô phải về nằm nghỉ.
          Khi những cái cống được chỉnh lại theo đúng góc cắt qua đường thì trời bỗng đổ mưa như trút nước. Đất nhão ra, trơn tuột. Do sơ ý, trung đội trưởng Hải bị đá lăn đè giập bàn chân trái, máu chảy ròng ròng. Kỹ sư Thanh vội lấy khăn mùi soa buộc vết thương cho anh. Cô vội dìu anh về lán. Mắt cô chớp chớp. Không hiểu cô khóc hay nước mưa chảy dài từ khoé mắt xuống má.
          Do mấy ngày liền mệt nhọc và vết thương ở chân nhiễm trùng nhức nhối, trung đội trưởng Hải bị sốt li bì gần một tuần liền. Sau lần phải đặt lại cái cống, anh cũng đâm gườm cô kỹ sư. Làm việc gì, anh cũng tính toán một cách thận trọng.
          Từ khi trung đội anh trở lại vị trí dẫn đầu đại đội về năng suất và chất lượng công trình thì kỹ sư Thanh ít đến đoàn đường do trung đội 2 thi công. Có lẽ cô ấy giận mình vì mình mấy lần nặng lời. Trung đội trưởng Hải nghĩ vậy và tự trách mình nhiều lúc làm ăn còn ham chạy theo thành tích, chưa thấy hết được tác hại lâu dài của những sai sót đối với con đường. Anh định có dịp ra tiểu đoàn họp sẽ đến nói chuyện và xin lỗi cô kỹ sư. Nhưng anh chưa kịp gặp Thanh thì cô đã đến tìm anh.
          Một buổi chiều trung đội trưởng Hải ở nhà làm kế hoạch tháng. Viết xong báo cáo, anh lôi cái áo lao động ra vá. Nói là vá, thực ra anh chỉ luồn chỉ xung quanh chỗ rách, rồi thít lại chứ anh biết và víu gì đâu. Giữa lúc đó thì Thanh đến. Cô đến bất ngờ khiến Hải chẳng kịp nhét chiếc áo đang vá xuống dưới chăn. Thanh hỏi anh:
          - Hôm nay anh Hải ở nhà ạ?
          Hỏi xong, biết câu hỏi của mình hơi thừa, cô đỏ mặt. Hải chào lại và thấy hơi lo lo: "Không chừng cô này lại đến lập biên bản trung đội anh làm sai hỏng gì đây".
          Thanh ngồi xuống giường cầm lấy cái áo anh đang vá lên xem. Cô tủm tỉm cười:
          - Anh Hải có kiểu vá áo mới nhỉ. Thế này thì bọn con gái chúng em đến thất nghiệp mất.
          Hải ngượng nghịu, lúng túng:
          - Quần áo lao động nên có lẽ cũng chẳng cần phải vá đúng kỹ thuật lắm.
          Thanh lườm anh. Rồi vừa vá lại cái áo, cô vừa nói:
          - Em đến đây để chào anh Hải, ngày mai em về Hà Nội rồi.
          - Thế hả? Thanh về dưới đó thì thích quá rồi còn gì.
          - Không! Em rất muốn ở đây với các anh cho đến khi làm xong con đường này cơ.
          Thanh vừa nói vừa thầm trách sự vô tình của anh trung đội trưởng. Cô ngước mắt nhìn qua cửa sổ. Núi rừng trùng điệp. Cây cối nối một màu xanh liền với sắc trời. Những đám mây trắng bồng bềnh vô tư trôi giữa màu xanh ấy. Thanh nhớ lại những ngày công tác tại tiểu đoàn này. Chưa đầy một tuổi quân nhưng cô đã bao lần "xô xát" với các cán bộ, chiến sĩ, có người đã gần hai mươi năm quân ngũ, tuổi đời gấp đôi tuổi mình. Nhưng cuối cùng, cô vẫn được họ quý mến vì cô luôn bảo vệ cho cái đúng, cho sự bền vững của con đường đang mở. Mọi người đến với cô để học hỏi kỹ thuật. Cô đến với mọi người để học hỏi kinh nghiệm sống. Riêng anh trung đội trưởng nóng nảy nhưng có nghị lực này thì... đến với anh thật khó khăn. Nhưng mà thôi... nghĩ làm gì đến những chuyện xa xôi ấy, Thanh khẽ thở dài:
          - Em có lỗi với anh nhiều, anh Hải có ghét em không?
          - Sao lại có lỗi. Chính tôi là người làm ẩu đấy chứ.
          Ngập ngừng mãi, Hải mới nói:
          - Mấy lần tôi định gặp Thanh để nói một điều...
          Thanh cúi đầu, chờ đợi. Nhưng những gì anh nói tiếp vẫn chỉ xoay quanh con đường, không phải là điều mà cô chờ đợi. Khi Thanh ra về, trung đội trưởng Hải thấy đôi mắt của cô nhìn mình rất khác. Nhưng, anh chẳng kịp phân tích xem điều nhận thấy của mình như thế nào thì những ngày thi công sôi động cho thông đường trước thời hạn đã tới.
          Còn Thanh về đến Hà Nội, cô được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Thỉnh thoảng trong những bức thư gửi về cho tiểu đoàn trưởng Lâm - người Thanh nhận là bố nuôi, cô đều gửi lời thăm anh. Và đây là bức thư đầu tiên cô viết cho anh.
*
 Đó là câu chuyện của trung đội trưởng Hải.
          Kể xong anh khoát tay bảo chúng tôi:
          - Chuyện của tớ chỉ có thế thôi. Đã có thằng nào đi đổi gác chưa?
          - Có rồi... Nhưng sau đó anh có yêu kỹ sư Thanh không?
          Tôi sốt ruột hỏi lại. Trung đội trưởng Hải phì cười:
          - Mày đúng là một thằng ngốc. Mày đã phát minh ra cái "quy luật tình yêu" thế mà lại còn hỏi một câu ngớ ngẩn thế hả?
          - À...à... ra thế.
          Tôi lúng túng gãi đầu. Mọi người cười ầm lên.
          Câu chuyện ngày ấy của trung đội trưởng Hải thật là thú vị. Nhưng tôi chỉ biết tóm tắt, chép vào sổ tay được như vậy thôi. Giá như... Đúng, giá như mà "cô giáo" Liên của tôi ở đây thì hay quá. Nhất định Liên sẽ viết được một câu chuyện đăng báo hẳn hoi chứ không biết ngồi há miệng ra nghe như chúng tôi đâu.
Cao Bằng, cuối năm 1978
 Hà Nội 4-2000

            *                        

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Truyện cực ngắn CHIẾN THUẬT TẾT

Chiến thuật Tết
Truyện cực ngắn của Trọng Bảo
          Đi một chuyến công tác "tránh rét" ở phía Nam ra đã gần Tết, xuống sân bay, bà Tòe vội gọi tắc-xi chạy ngay về nhà. Dọc đường, bà hình dung ra cảnh trong nhà đã đầy ăm ắp đồ mừng Tết. Mọi thứ từ cao lương mỹ vị cho đến cây quất, cành đào đều có người mang đến hoặc do ông chồng đi cơ sở xách về. Năm nay, ông lại làm to hơn có mà ăn cả năm chả hết...
          Thế nhưng về đến nhà, bà sửng sốt thấy nhà cửa vắng ngắt, buồng trong, phòng ngoài vẫn còn rỗng tuếch chưa có gì cả. Bà cất tiếng gọi cái Tóe, thằng Tọe mãi mà không thấy đứa nào. Một lúc sau mới thấy con Toe đi học lớp năm về, bà gắt:
          - Bố mày đi đâu! Hai sáu, hai bảy Tết rồi mà chưa sắm sửa gì à?
          - Bố đi bệnh viện mấy hôm nay rồi! 

              Quà tết

          - Bố mày ốm đau thế nào! Hôm qua gọi điện cho mẹ còn nói oang oang cơ mà?
          Con Toe lắc đầu bảo không biết khiến bà Tòe càng bực. Bà tức tốc phóng xe máy đến bệnh viện. Vừa đến cổng bệnh viện thì thấy ông Tòe đang ung dung xách cặp đi ra, bà rên rỉ:
          - Năm nay thì mất... mất Tết thật rồi! Năm ngoái gần Tết, bận tối mắt tối mũi mà ông vẫn còn "tích cực" đi kiểm tra, chúc Tết cơ sở, gạo nếp, đỗ xanh, gà qué, đặc sản các địa phương đem về đầy nhà. Năm nay gần Tết, ông lại còn giở chứng, giở quẻ ốm đau đi viện... 
          Ông Tòe im lặng không nói gì làm bà càng tức. Về đến nhà, sau khi đóng cổng cẩn thận, ông gọi bà vào buồng mở cặp dốc ngược xuống và bảo:        
          - Bà xem đây!
          Một đống "phong bì" rơi ra. Bà vội vồ lấy mở ra. Toàn loại tiền 500 ngàn đồng, cả đô-la nữa. Bà Tòe lập cập hỏi, líu cả giọng:
          - Ở... ở... đâu mà nhiều thế?
          - Thì tôi "ốm" phải đi bệnh viện, các cơ quan, các ngành họ đến thăm, nhân thể mừng Tết luôn. Ở bệnh viện nên người ta đưa bằng "phong bì" cho tiện và kín đáo...
          - Quả là ông tính toán khôn thật!
          Ông Tòe vênh mặt lên đắc chí:
          - Chả không à! Tết năm ngoái họ xách quà cáp ra vào tấp nập, rồi mình phải đi cơ sở xách về vừa cồng kềnh, mệt xác vừa bị hàng xóm soi mói. Năm nay, thay đổi "chiến thuật" một tí vừa gọn nhẹ mà lại chẳng ai biết.
          Bà Tòe vừa đếm tiền vừa xuýt xoa vô cùng khâm phục ông chồng. Số tiền này còn giá trị gấp mấy chục lần số đồ mừng Tết năm ngoái. Bây giờ bà có mua cả chợ cũng được, "chiến thuật Tết" của ông ấy giỏi thật... giỏi thật... hi... hi...
                                                  Ngày đầu năm 2009

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Truyện thiếu nhi LỜI THỀ CHÓ SÓI

Chó sói                    
Lời thề chó sói
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

     Trong khu rừng nọ có nhiều loài chung sống. Bọn chúng sống hoà hợp, thương yêu nhau. Duy chỉ có thằng chó sói là cả rừng ai cũng ghét vì nhà nào sơ hở là nó lẻn vào ăn cắp ngay. Chó sói bị cô lập, thui thủi một mình, chả ai thèm chơi với nó.
          Một hôm, chó sói đi lang thang trong rừng tìm bạn. Nhưng các loài vừa nhìn thấy nó là lảng tránh ngay. Nhiều loài còn ném theo ánh mắt khinh bỉ và những lời dè bửu khiến nó vừa nhục lại vừa tức. Đến cuối khu rừng nó chợt gặp lão cáo già ốm yếu hom hem đang ngồi gặm một khúc xương khô. Lão này cũng là một tên gian manh, thủ đoạn nhất ở trong rừng. Nhìn điệu bộ của sói, lão biết ngay là nó đang bị các loài khinh ghét, cô lập. Lão bèn ậm è hắng giọng rồi bảo:
          - Đi kiếm cho tao cái gì ăn được rồi tao bày cách cho...
          - Bác bày cách gì ạ?
          - Cách để mày được mọi loài trong rừng kính nể, tôn trọng!
          - Thế ạ! Có đúng là bác giúp cháu được như vậy không ạ!
          - Được chứ! Mày không tin tao à?
          - Tin... cháu tin... tin...
          Thằng chó sói đáp rồi phóng đi luôn. Chỉ một lát sau nó đã xoáy được của gà rừng một ổ trứng, của lũ khỉ vài nải chuối, của đàn ong mấy bầu mật ngọt đem về cho lão cáo già. Lão cáo cười tít cả mắt vồ ngay lấy những thứ thằng chó sói vừa ăn cắp được. Ăn uống ngon lành, no nê xong lão mới bảo:
          - Để được mọi loài tôn trọng dứt khoát chú mày phải lên làm lãnh đạo...
          Thằng sói vừa nghe đã giãy nảy kêu lên:
          - Cháu... cháu làm sao mà lên làm lãnh đạo được! Mà có muốn thì các loài trong rừng cũng chả ai tín nhiệm cháu đâu!
          - Vấn đề là ở chỗ đó! Mày quen ăn cắp vặt nên mới mất uy tín. Mày đã biết câu chuyện về con mèo cắp miếng thịt và con hổ tha con lợn chưa?
          - Có, cháu có biết ạ!
          - Thế đấy! Làm quan lấy cả con lợn chả sao, làm dân ăn vụng một miếng thịt thì bị đập chết ngay. Hiểu không?
          - Vâng...
          - Vậy nên... bây giờ tao bày cho mày cách thế này. Tại buổi họp toàn khu rừng sắp tới mày phải kiểm điểm nghiêm túc và xin thề sẽ tu tỉnh lại mình, không bao giờ trộm cắp nữa. Sau đó mày phải làm đúng như thế. Từ từ rồi tao sẽ tìm cách giới thiệu để mày làm trợ lý cho ngài sư tử chúa rừng.
          Tại buổi kiểm điểm, thằng sói khóc lóc vẻ ân hận và luôn miệng xin thề sẽ sửa chữa khuyết điểm khiến muôn loài đều thương cảm. Riêng mụ cá sấu thì bữu môi cười nhạo. Quả đúng như lão cáo già tính toán, một thời gian sau không còn ai ghét và xa lánh chó sói nữa. Muôn loài đã cả tin vào lời thề chó sói. Lão cáo già tìm cách tiếp cận giới thiệu, thuyết phục chúa sơn lâm thu nhận nó làm trợ lý. Chó sói oai hẳn. Nó cung phụng chúa sơn lâm rất chu đáo nên ngày càng được tin dùng. Bây giờ thì nó chẳng thèm ăn cắp vặt nữa. Dựa thế sư tử nó làm toàn những phi vụ lớn. Mọi loài đều biết nhưng không làm gì được chó sói vì chứng cứ không đầy đủ và cũng sợ uy của chúa sơn lâm nữa. Đánh chó phải ngó mặt chủ. Mụ cá sấu vốn liều lĩnh mấy lần phục kích định trị cho nó một trận. Nhưng chó sói biết và tránh được. Nó nghĩ cách xúi bẩy để chúa sơn lâm điều cả nhà cá sấu đi canh đê ở mãi tận dưới đồng bằng nên bị con người săn lùng đến gần tiệt chủng.
          Tình hình khu rừng ngày càng thêm xấu đi. Chúa rừng bị che mắt bởi thằng sói gian manh thao túng. Nó tranh thủ vơ vét nhiều khoản đóng góp của các loài nói là để phục vụ chúa rừng, nhưng sư tử được một thì nó ăn hai. Trước tình hình ấy, chú sóc thông minh bèn hiến kế:
  - Hiện nay loài người đang chống tham nhũng. Họ có rất nhiều kinh nghiệm tốt, chúng ta nên cử chuyên gia đi gặp loài người để học hỏi kinh nghiệm.
  Muôn loài trong rừng đều cho đó là ý kiến hay. Bọn chúng quyết định cử một số loài thông minh nhất khu rừng như hổ, báo, khỉ, thỏ, rắn, rùa đi học tập kinh nghiệm chống tham nhũng. Chú vẹt biết ngoại ngữ, nói được tiếng người nên được giao nhiệm vụ làm phiên dịch.
  Không biết đoàn đi học chống tham nhũng của loài vật kết quả thế nào thì phải đến hồi sau mới rõ.
                      Ngày 10/5/2010

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Truyện ngắn Chuyện của một thời




Chuyện của một thời
Truyện ngắn của Trọng Bảo

    
Nhận được lệnh đi công tác đột xuất, Sang vội phóng xe máy về nhà lấy thêm vài thứ đồ dùng cá nhân. Anh nhìn đồng hồ. Giờ này chắc bé Mai sắp ra quán cơm đầu ngõ ăn trưa để chuẩn bị tới trường. Con bé học buổi chiều. Trường của nó chưa có chế độ bán trú. Nếu về kịp, anh sẽ cùng con đi ăn cơm.
       Từ ngày vợ anh để lại một tờ giấy ly hôn ký sẵn rồi ra đi thì cái gia đình nhỏ bé, mong manh chỉ còn có hai bố con. Bé Mai nhớ mẹ ngơ ngác. Nó trở nên lầm lỳ ít nói. Anh phải dỗ dành, động viên mãi nó mới dần dần lấy lại được tinh thần, ổn định tâm trí để học tập. Một hôm nó xin tiền anh ra chợ mua về một con lợn đất. Tiền lì xì mừng tuổi năm mới, tiền thưởng học sinh giỏi, tiền nhuận bút bài thơ đăng báo Nhi đồng nó đều để dành nuôi lợn đất. Thấy con có tính tiết kiệm anh rất mừng. Nhưng rồi, bất ngờ anh phát hiện ra chuyện con bé trưa nào cũng bớt lại tiền ăn để dành nuôi lợn đất.
        Cơ quan anh làm việc cách nhà gần mười cây số. Bữa trưa thường là hai bố con tự túc. Anh ăn ở bếp cơ quan. Anh cho con bé năm nghìn đồng, nó ra quán mua cơm ăn rồi đi học. Buổi chiều trên đường về, anh rẽ qua chợ mua thức ăn, nấu cơm. Hai bố con thường là chỉ ăn chung với nhau bữa tối. Năm nghìn bố cho để ăn trưa, bé Mai chỉ mua một gói mỳ tôm, bớt ba nghìn đồng để nuôi lợn đất. Hôm nào không ăn mỳ tôm, ra quán nó cũng chỉ mua một bát cơm, một miếng thịt, một miếng đậu, một gắp rau hết khoảng ba nghìn, để ra được hai nghìn đồng. Ăn uống kham khổ, thiếu chất, học hành lại căng thẳng, nên con bé bị ngất xỉu ngay tại lớp. Bác sỹ khám, nhà trường thông báo lại, anh mới biết chuyện. Anh hỏi con: "Con dành tiền để làm gì?". Con bé bảo dành tiền để lớn lên đi tìm mẹ. Anh thấy thương con và thầm trách người vợ bạc tình, đua đòi ham hố quá nhiều những phù phiếm của cuộc đời, đang tâm bỏ lại cả đứa con rứt ruột đẻ ra để đi theo một kẻ lắm tiền. Anh cũng tự trách mình kém cỏi, không đáp ứng nổi những nhu cầu của vợ con. Thực ra Trinh, vợ anh cũng có đòi hỏi gì quá nhiều đâu. Một căn hộ, vài thứ vật dụng gia đình đắt tiền, cái xe máy đời mới. Thời buổi kinh tế thị trường, nhiều người cầm bạc tỷ trong tay cứ như không. Thế nhưng cánh công chức như anh lương ba cọc ba đồng cũng chỉ đành chờ nước nổi, bèo nổi theo. Cũng may xe máy Trung Quốc nhập vào Việt Nam giá rẻ, nên cuối những năm chín mươi, anh cũng có được cái xe máy để đi làm.
       Khi Trinh bỏ đi, bé Mai đang học lớp một, giờ nó đã lên lớp bốn. Nó đã hiểu nỗi buồn không có mẹ. Nó muốn đi tìm mẹ. Mặc dù nó cũng không biết bây giờ mẹ đang ở phương trời nào. Từ khi phát hiện ra con bớt tiền bữa trưa để nuôi lợn đất, Sang cấm con không được làm như vậy nữa. Anh còn dặn bà hàng cơm đầu ngõ khi nào con bé mua đủ xuất cơm năm nghìn mới bán, mua ít hơn dứt khoát không bán.
       Sang về đến ngõ. Anh liếc vào quán cơm, không thấy bé Mai. Anh nghĩ nó đã ăn sớm để đến lớp. Nhưng vừa đẩy cửa bước vào nhà, anh bắt gặp ngay con bé đang rướn người cầm phích nước sôi đổ vào cái tô đựng mỳ tôm. Thấy anh về đột ngột, con bé hốt hoảng như vừa bị bắt quả tang việc làm vụng trộm, lén lút. Nó lúng túng làm nước đổ toé ra mặt bàn. Anh giằng cái phích nước trên tay con, bực bội:
     - Bố đã nói bao nhiêu lần rồi! Con phải ăn uống đầy đủ mới có sức khoẻ để học tập chứ!
     - Nhưng... - Con bé vừa xoa xoa những chỗ nước sôi bắn vào tay vừa ấp úng. Anh cắt lời nó:
     - Nhưng... nhưng... gì! Con không vâng lời bố. Con nhịn ăn, bớt tiền bao nhiều lần thế này rồi?
      - Con...con...
      Con bé định thanh minh nhưng anh mắng át đi. Anh nói một thôi một hồi khiến nó im hẳn. Hình như cả những nỗi trục trặc công việc ở cơ quan cũng được anh tuôn ra trong lúc mắng mỏ con. Bé Mai sầm mặt. Nó ngồi lặng lẽ khóc. Thấy con bé tức tưởi, anh lại ân hận. Anh dỗ dành nó:
      - Thôi! Con cất mỳ tôm đi, hai bố con cùng đi ăn cơm. ăn xong, bố đưa đến trường. Bố phải đi công tác, mấy hôm mới về. Bố sẽ gọi điện dặn cô Xuân buổi tối sang ngủ với con.
       Con bé vẫn im lặng. Nó giận bố. Nó vùng vằng giật tay khỏi tay anh. Anh lại phải mất thời gian dỗ dành mãi, con bé mới nguôi nguôi. Anh vừa rửa mặt, thay quần áo cho nó vừa hỏi han chuyện học tập tại trường cốt để nó quên đi việc lúc nãy. Nghe con bé kể anh mới biết. Thì ra lớp nó có một bạn mồ côi bố, mẹ đi bán xôi sáng bị bọn đua xe máy quyệt phải bị thương rất nặng. Cô giáo đề nghị cả lớp quyên góp để mua quà đi thăm. Vì quên xin tiền bố, bé Mai lôi con lợn đất ra dùng que khều mãi nhưng không được. Nó chợt nhớ còn một gói mỳ tôm trong tủ. Vì thế nó quyết định bữa trưa nay ăn mỳ tôm để dành tiền góp với lớp giúp bạn.
       Hiểu rõ mọi chuyện, anh ân hận vì mắng oan con bé. Anh đưa con ra quán cơm. Anh gọi nhiều món, ép con ăn. Nhìn con bé ăn ngon lành, anh chợt nhớ những đận gian nan nuôi con. Lúc nhỏ, con bé hay ốm đau, quặt quẹo, khóc không thành tiếng. Anh bao lần ôm con thức trắng đêm ở bệnh viện. Đúng là cảnh gà trống nuôi con, cha già con cọc. Bằng tuổi anh nhiều người đã có dâu, có rể thậm chí cháu nội, cháu ngoại. Anh lấy vợ muộn. Trinh trẻ hơn anh cả một giáp. Tưởng là may, ai ngờ vợ đẹp thường khó giữ.
       Ăn xong, Sang cho con mười nghìn đồng để quyên góp với lớp. Con bé rụt rè đề nghị: "Năm nghìn bữa trưa nay bố cũng cho con góp luôn với các bạn trong lớp bố nhé!" Anh gật đầu. Nét mặt con bé vẻ tươi tỉnh hẳn lên.
       Đưa bé Mai đến trường xong, anh phóng xe về cơ quan. Số anh em cùng đi công tác đã tề tựu đầy đủ. Anh vội gọi điện thoại cho em gái. Không có người nhấc máy. Anh sực nhớ hôm trước, cô Xuân nói cuối tháng về quê chồng tận Thanh Hoá để góp tiền xây nhà thờ họ. Giữa lúc anh đang lo lắng thì Tuấn, cán bộ cùng phòng nói:
      - Anh đừng lo! Tối nay em sẽ bảo chị giúp việc sang ngủ với bé Mai. Yên tâm! chị ấy tốt lắm. Hay là em đưa cháu về ngủ với con bé nhà em. Hai đứa thích nhau lắm đấy.
      - Thế cũng được! Tuỳ chú lo liệu giúp cho.
      - Nhà đóng cửa để đấy, anh có sợ trộm nó khuân hết không?
      - Có gì mà sợ mất! Có cái xe máy Tàu thì để tại cơ quan rồi.
      - Mà này! Sao hoàn cảnh anh thế không thuê lấy một người giúp việc?
      Sang im lặng. Nhà chỉ có hai bố con thì cần gì phải người giúp việc. Với lại anh cũng chẳng khá giả, dư dật gì. ở Hà Nội bây giờ nhiều nhà thuê người giúp việc chuyên lo việc nấu nướng, giặt giũ, trông trẻ. Bố mẹ già ốm đau cũng thuê người chăm nom, nâng giấc. Lỡ bệnh quá nặng phải đi bệnh viện cũng mướn luôn người trông coi phục vụ suốt đêm ngày, đổ bô, bón sữa. Con cháu có đến thăm cũng chỉ khoanh tay đứng nhìn, hỏi han dăm ba câu cho phải lẽ rồi về. Ngày nghỉ, vợ chồng, con cái nhàn nhã gọi tắc-xi diễu phố mua sắm hay lên tận Khoang Xanh, Đồng Mô nghỉ ngơi, ăn thịt gà ri, vịt cỏ. Nhà Tuấn cũng vậy. Cậu ta vốn đã giàu nhờ những năm học tập và kiếm tiền bên Đức. Vợ Tuấn lại là con một ông lớn. Khi đi lấy chồng, bố cho một xuất đất ngót nghét trăm mét vuông, bán đi non nửa đã cầm bạc tỷ trong tay rồi. Tuấn thuê người giúp việc nhà, mỗi tháng trả "lương" bốn trăm nghìn đồng, ăn uống hai bữa cũng chỉ thêm bát đũa, giải quyết những món dư thừa. Trong cơ quan, Tuấn cũng là người làm được việc được cấp trên tin cậy, lại ỉ thế bố vợ nên thường khinh khỉnh với mọi người. Duy chỉ có Sang là Tuấn nể.
       Chuyện bắt nguồn từ một lần Tuấn đèo vợ đi chơi ở ngoại thành, gặp một bọn côn đồ, háo sắc. Chúng thấy vợ Tuấn xinh đẹp bèn chặn xe lại trêu chọc. Tuấn bênh vợ, bị chúng tống luôn cho mấy thụi vào mặt ngã dúi dụi xuống bờ đê. Vợ Tuấn hoảng hồn kêu cứu.  Nhiều người nghe thấy nhưng sợ, giả tảng bỏ đi. May đúng lúc đó, Sang có việc đạp xe ngang qua. Giữa đường thấy sự bất bình, Sang vứt xe lao đến. Mấy thằng côn đồ quây lấy anh, tay dao, tay gậy hằm hè. Nhưng chúng cũng chỉ hung hăng được một lúc rồi phải tháo chạy. Sau hôm ấy, Tuấn mới biết cái người vẫn ngồi cạnh mình đã từng là một chiến sỹ trinh sát. Tuấn phục và thân với Sang từ đó.
       Gửi được bé Mai cho Tuấn, Sang yên tâm đi công tác. Tưởng mọi việc giải quyết nhanh nào ngờ trục trặc. Mãi gần một tuần sau đoàn công tác mới xong việc. Vừa thấy anh về, bé Mai đã khoe ngay:
       - Bố xem này, cô Thuỳ tết tóc đuôi sam cho con đẹp không?
       Sang nhìn bé Mai. Nó ăn mặc sạch sẽ gọn gàng. Hai cái đuôi sam buộc nơ hồng vung vẩy. Con bé có mái tóc dài và xanh. Anh chỉ biết mỗi một kiểu là dùng giây chun buộc túm lại mỗi khi chuẩn bị cho con đến lớp. Bé Mai thủ thỉ kể tiếp:
       - Mà cô Thuỳ nấu ăn ngon lắm bố nhé! Từ hôm bố đi công tác, con không phải ra quán ăn cơm bụi nữa.
       - Thế cô Thuỳ đâu rồi?
       - Cô ấy ở bên nhà chú Tuấn cơ mà!
       Rồi con bé lại băn khoăn:
       - Không biết bố về rồi, cô ấy còn sang nhà mình nấu cơm nữa không nhỉ?
       Chiều hôm sau khi anh ở cơ quan về, bé Mai mặt mũi tươi tỉnh nói:
       - Trưa nay cô Thuỳ vẫn đến bố ạ!
       - Thế hả! Để hôm nào bố gặp cảm ơn cô ấy mới được!
       Nói vậy nhưng chả có dịp nào anh thực hiện được ý định ấy. Công việc cơ quan bù đầu. Anh nhờ Tuấn gửi tiền mua thức ăn cho chị giúp việc. Tuấn gạt đi bảo: "Anh cứ yên tâm! Tiền ấy là em đưa chị Thuỳ, mấy đồng bạc lẻ ấy mà". Rồi anh quên hẳn cả việc gặp cảm ơn người mà trưa nào cũng tranh thủ sang nhà anh lo bữa và giặt giũ, tắm táp, thay quần áo cho bé Mai trước khi đến lớp.
        Một bữa, Tuấn bảo:
        - Anh về đón bé Mai sang nhà em ăn cơm. Con Thuý nhà em được giải nhì cuộc thi học sinh giỏi môn văn toàn quận. Em tổ chức liên hoan để động viên cháu.
        Sang nhận lời. Hết giờ làm việc, anh phóng xe đến trường đón bé Mai tới thẳng nhà Tuấn. Con bé vui lắm. Sang cũng chợt nhớ là nhân dịp này gặp, cảm ơn chị giúp việc ở nhà Tuấn. Suốt tháng nay, bé Mai được chăm lo ăn uống chu đáo, quần áo sạch sẽ tinh tươm, mặt mũi lúc nào cũng tươi tỉnh. Nó học hành tiến bộ hẳn lên, bài kiểm tra thường xuyên được điểm giỏi.
        Đến nhà Tuấn, bữa liên hoan đã chuẩn bị xong. Có nhiều món ăn thịnh soạn nhưng bé Mai cứ ngong ngóng nhìn xuống bếp. Sang đoán nó mong gặp cô Thuỳ. Ngày nào nó cũng nhắc đến cô Thuỳ. Khi Sang và Tuấn đang mải chuyện thì bé Mai reo lên: "Cháu chào cô Thuỳ ạ!". Sang ngoảnh lại nhìn. Người đàn bà đang bưng thức ăn từ bếp lên. Hai đôi mắt của họ chợt gặp nhau. Sang buột miệng: "Thuỳ! Thuỳ "bê" vận tải phải không?". Người đàn bà cũng luống cuống vì bất ngờ nhận ra người quen. Chị lập cập đặt bát canh xuống bàn rồi khẽ chào: "Anh Sang!". Thuỳ thay đổi nhiều quá. Tuấn ngạc nhiên rồi vui mừng bảo:
       - Thì ra là hai người đã quen nhau từ trước. Chị Thuỳ! Ngồi xuống đi, ta vừa ăn vừa trò chuyện.
       - Tôi... tôi ... xin phép! Tôi còn bận làm mấy món nữa.
       Thuỳ nói rồi lật đật quay xuống bếp. Suốt bữa, chị bưng thêm thức ăn lên rồi ra ngay. Sau bữa liên hoan, Tuấn mời Sang ra phòng khách uống nước để vợ, hai đứa bé và chị giúp việc dọn dẹp. Lúc ra về, Sang định tìm Thuỳ thì bé Mai nói:
       - Cô Thuỳ nói ra phố có việc rồi bố ạ!
       Hôm sau, Sang vừa đến cơ quan thì Tuấn kéo anh ra ngoài hành lang hỏi:
       - Này! Hôm trước đến nhà em, anh nói gì mà chị Thùy tự dưng xin thôi việc về quê mất rồi!
       - Mình có nói gì đâu!
       - Sao chị ấy lại bỏ việc nhỉ?
       - Làm sao mình biết được!
       Nói vậy nhưng Sang cũng thấy băn khoăn, Anh nghĩ, hay là Thuỳ muốn tránh gặp lại anh. Có lẽ Thuỳ vẫn còn chưa quên chuyện ngày xưa và mặc cảm về mình hiện nay. Nhưng cũng đã hơn hai mươi năm rồi còn gì...
       Suốt buổi sáng hôm ấy, Sang không tài nào tập trung được vào công việc. Trong đầu anh lúc nào cũng thấp thoáng hình ảnh về một cánh rừng biên giới thời chiến tranh. Ngày ấy, anh và Thuỳ đều mới nhập ngũ. Thuỳ ở đơn vị vận tải. Sang ở trung đội trinh sát. Hai người quen nhau từ một lần hội diễn văn nghệ. Thuỳ hát hay lại chịu khó học tập, rèn luyện. Thùy được đề bạt tiểu đội trưởng và được cử đi dự lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. Tình cảm giữa hai người mỗi ngày một sâu sắc hơn. Họ yêu nhau say đắm. Có những lần họ vượt qua cả chục cây số đường rừng, suối lũ để tìm nhau và cũng chỉ để nhìn thấy nhau thôi.
        Sang cứ nghĩ Thùy đã thuộc về mình. Bởi vì Thuỳ cũng rất yêu anh. Chính bởi suy nghĩ chủ quan đơn phương ấy, anh đã phạm một sai lầm không sửa chữa nổi.
        Hôm đó, đơn vị trinh sát của Sang thực hành huấn luyện môn cá nhân vận động xác định mục tiêu theo góc phương vị. Lúc cắt qua một cánh rừng già, bất ngờ anh gặp Thuỳ đang đi gùi gạo về kho tiểu đoàn. Mùa hè nắng nóng. Thuỳ mặc cái áo lót trắng, quai ba lô gạo kéo về phía sau càng làm căng bộ ngực tròn trịa của người con gái. Thùy nhìn Sang cười cười. Anh đỡ chiếc ba lô nặng cho Thuỳ đặt xuống một hòn đá bằng phẳng. Hai người ngồi nghỉ bên bờ suối vắng. Thuỳ lội xuống rửa mặt. Đôi bắp chân tròn của cô trắng ngần giữa làn nước trong xanh. Sang cũng lội theo. Anh không kiềm chế được mình. Khi Thuỳ đang lau mặt thì anh vòng tay ra phía trước ôm lấy ngực cô.
       Thuỳ giật nảy mình. Cô quay ngoắt lại, mặt tái mét đi. Thuỳ ném chiếc khăn mặt xuống suối giơ tay lên. Thấy Thùy phản ứng quyết liệt, Sang sợ hãi luống cuống. Anh chờ một cái tát nảy lửa. Nhưng không. Thuỳ buông thõng cánh tay xuống, vẻ mặt cô thất vọng. Nước mắt Thuỳ lăn xuống gò má. Giọng Thuỳ nấc lên vẻ giận dữ, thất vọng:
        - Tại sao anh lại dám làm như thế! Anh tồi lắm...
        Sang càng lúng túng. Thuỳ bước nhanh lên bờ suối vừa khóc vừa khoác ba lô gạo lầm lũi bước đi. Sang cứ đứng chôn chân như Từ Hải giữa dòng nước. Anh không ngờ Thuỳ lại có phản ứng quyết liệt như thế. Tính chủ quan khiến anh đã lâm vào thế khó xử. Dù anh biết ngày ấy trai gái yêu đương cũng chỉ dám cầm tay nhau là cùng. Tình yêu nhiều lúc còn bị coi là quan hệ bất chính. Có những đôi yêu nhau lỡ "ăn cơm trước kẻng" trở thành chuyện tày đình. Khối người tan tành sự nghiệp cũng chỉ vì yêu đương quá mù ra mưa. Thùy đang là chiến sĩ thi đua, sắp được trao chức vụ "bê" phó, đang rèn luyện phấn đấu để được kết nạp vào Đảng, làm sao lại có chuyện yêu đương thiếu trong sáng như thế.
        Sau sự việc ấy, tình cảm của hai người cứ nhàn nhạt dần đi. Thực ra tình yêu của Sang đối với Thuỳ vẫn vẹn nguyên. Chỉ có Thuỳ là luôn tránh gặp anh. Sang tự ti nghĩ, có lẽ mình đã biến thành vật cản của Thuỳ rồi cũng nên. Anh chẳng tìm gặp cô để xin tha thứ. Sang buồn. Anh đau khổ vì mối tình đầu tan vỡ chỉ bởi một lý do vớ vẩn. Chiến tranh biên giới nổ ra. Mỗi người ở một hướng. Trung đội vận tải của Thuỳ bị địch tập kích bất ngờ. Thuỳ bị thương nặng. Vết thương cướp mất khả năng làm mẹ của cô. Biết tin Thuỳ bị thương, Sang tìm đến trạm phẫu tiền phương thăm nhưng không gặp. Thuỳ đã được chuyển về bệnh viện quân y tuyến sau chữa trị. Hơn hai mươi năm rồi, Sang không ngờ gặp lại Thuỳ trong hoàn cảnh thế này.
       Bé Mai thì phụng phịu với bố:
       - Trưa nay, cô Thuỳ ứ nấu cơm cho con!
       Thôi chết! Sang giật mình chợt nhớ ra. Cả tháng nay anh không phải lo bữa trưa cho bé Mai. Thuỳ đã về quê, không biết trưa nay con bé ăn uống thế nào.  Anh hỏi:
       - Thế trưa nay con nhịn đói đi học à?
       Con bé lắc đầu:
       - Không bố ạ! Sáng nay cô Thuỳ đến tìm con nói là sẽ về quê. Cô cho con năm nghìn mua cơm. Từ mai, bố nhớ là lại đưa tiền ăn trưa cho con đấy nhé.
        Bé Mai nói. Nét mặt nó buồn thiu.
       Giữa lúc anh đang an ủi con gái thì Tuấn phóng xe đến. Tuấn nói ngay:
       - Anh còn nhớ quê quán của chị Thuỳ không?
       - Cũng không nhớ rõ lắm! Hình như ở mãi trên vùng Hạ Hoà, Phú Thọ.
       - Anh nên đi tìm chị ấy!
       - Nhưng tìm...
       - Không phải là tìm chị ấy về để tiếp tục làm việc cho nhà em mà là...
       Tuấn nhìn thẳng vào mắt Sang hạ giọng:
       - Em biết chuyện của anh và chị Thuỳ rồi. Chị ấy đã từng tâm sự với vợ em. Nghe vợ em kể lại mới biết cuộc đời chị ấy khổ lắm. Không chồng, không con, chị ấy còn phải tần tảo nuôi mẹ già đau ốm. Chuyện anh và chị ngày xưa là chuyện của một thời đã qua. Cái thời mà hết thảy mọi người đều phải kìm nén, quên thân, gồng mình lên để phấn đấu, hy sinh cho những điều cao cả, lớn lao hơn. Những điều tốt đẹp của ngày ấy là đáng trân trọng nhưng bây giờ đã là thời khác rồi. Em nghĩ, anh chị cũng chẳng nên cứ giữ mãi trong lòng chuyện cũ. Anh nên đi tìm chị Thuỳ, nói chuyện với chị ấy không chỉ vì anh, mà còn vì bé Mai nữa...
        Tuấn nói liền một mạch, vẻ xúc động. Sang thấy phân vân quá. Bé Mai từ nãy giờ vẫn lắng nghe chuyện của bố và chú Tuấn. Nó lặng lẽ vào trong nhà bê con lợn đất ra. Sang hỏi:
        - Con định làm gì thế?
        - Con lấy tiền để đưa bố đi tìm cô Thuỳ!
        Con bé nói. Đôi mắt nó chăm chăm nhìn anh chờ đợi.
                                                     Hà Nội, tháng 2-2005