Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Truyện ngắn NGÀY ẤY CHƯA XA

 
NGÀY ẤY CHƯA XA
Truyện ngắn của Trọng Bảo
          Cuối buổi chiều nào cũng vậy, khi nắng đã tắt, cánh lính chúng tôi lại kéo nhau lên nóc hầm đại liên. Chúng tôi ngồi nghêu ngao hát hết bài này đến bài khác và chốc chốc lại nhìn xuống con đường ngoằn ngoèo dưới chân dốc đang chìm dần trong sương. Từ phía ấy sẽ xuất hiện một người mà chúng tôi mong đợi. Đó là chiến sĩ liên lạc của đại đội. Cứ đến giờ này ngày nào cậu ta cũng xuất hiện. Chúng tôi theo dõi cậu từ xa. Khi cậu ấy đến gần, tất cả những cặp mắt đều đổ dồn vào chiếc túi đựng đầy thư báo đeo lạch xạch bên hông.

            Ngày ấy chưa xa
         
           Mấy đứa cùng tiểu đội tôi, tụi thằng Trung, thằng Hoạt, thằng Định gần như nín thở khi cậu liên lạc cầm tập thư dày cộm, xướng tên từng người. Hầu như ngày nào chúng nó cũng có thư. Toàn những lá thư ngoài bì đề "Em phương xa", với nét chữ con gái mềm mại. Chúng nó đều có người yêu. Nhận thư xong, mỗi đứa nhảy ra một góc ngồi đọc ngấu nghiến, che che, giấu giấu sợ ai đi qua liếc trộm, mặc dù đến tối thì hầu như cả tiểu đội đều biết nội dung những bức thư đó. Lính với nhau, có gì mà bí mật.
          - Anh Hải có thư và cả anh Trọng nữa này!                
          Nghe cậu liên lạc gọi, tôi đã biết lá thư đó của ai rồi. Thỉnh thoảng tôi cũng có một lá thư. Thư đó nhất định là của cô em gái út chưa đầy tám tuổi đang học lớp 2, với những nét chữ to tướng. Trong thư, cô em gái hết kể chuyện giàn mướp nhà ta năm nay sai quả, lại kể con gá mái hoa mơ mới nở có tới những mười lăm con, em sẽ dành phần cho anh con đẹp nhất. Chả là hồi ở nhà, em tôi học giỏi nhất lớp 1. Tôi định mua thưởng cho nó cái cặp sách, nó lại muốn có một con gà để nuôi. Thế là, tôi mua luôn cho nó con gà và cả cặp sách nữa. Là cô bé út, nhưng nó thường được mẹ uỷ nhiệm viết thư cho tôi. Còn thằng em trai kế tôi thì chả bao giờ viết thư cho tôi cả, mặc dù nó đã học lớp 6. Nó thích đá bóng hơn là viết thư và cũng hay đùn việc này cho con em.

            Mỗi lần nhận được thư cô em út, tôi vừa thích thú đọc những câu văn buồn cười của nó, vừa sốt ruột vì nó kể hết chuyện này, đến chuyện khác mãi mới hết câu: "Thầy mẹ và chúng em vẫn khoẻ, anh yên tâm".
          Quả tôi đoán không sai. Cầm lá thư, liếc nét chữ trên phong bì, tôi biết ngay thư của cô em út. Trung đội trưởng Hải cũng nhận được một bức thư từ nước ngoài gửi về.
          Tôi nhét lá thư vào túi, cầm tờ báo xem một lát rồi mới nhảy lên giường bóc thư ra. Chẳng có gì phải hồi hộp, như mấy thằng kia. Đọc thư, mặt chúng hết tái lại hồng, có đứa mồ hôi túa ra nữa chứ. Đọc xong, thế nào chúng cũng vội vàng lôi giấy bút ra cắm cúi viết thư trả lời ngay. Tôi chẳng có người yêu, nhưng tôi nghĩa chả việc gì phải hấp tấp như thế cả. Cứ làm như đánh trận ấy. Đọc. Viết. Rồi gãi đầu gãi tai, cứ như thể tình yêu là cái gì phức tạp lắm.
          Vừa nghĩ, tôi vừa mở lá thư của em gái ra. Đọc đến trang cuối cùng, tôi giật mình thấy mấy dòng chữ quen quen, đều đặn viết thêm dưới những dòng chữ của em gái: "Hôm nay, mình đến nhà chơi. May quá, gặp lúc em Hằng đang viết thư cho anh. Mình ghi mấy dòng này gửi tới Trọng. Chúc Trọng luôn mạnh khoẻ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng là người chiến sĩ cầm súng nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Đừng quên... mái trường thân yêu của chúng mình nhé". Chỉ có mấy chữ thế thôi, không ký tên gì cả nhưng tôi đoán ngay được đó là chữ của "cô giáo" Liên, người bạn gái cùng lớp 10B với tôi.
          Liên học môn văn rất giỏi, toán cũng khá. Liên được thầy chủ nhiệm phân công kèm cặp tôi học văn. Tôi "nổi tiếng" về môn toán, bài kiểm tra điểm thấp nhất cũng là 8, thế mà môn văn cứ lẹt đẹt hết 4 cộng lại 5 trừ...
          Liên kèm tôi suốt gần một năm. Kết quả môn văn của tôi có khá hơn, không còn bị điểm nào dưới trung bình nữa. Một vài lần kiểm tra, tôi còn được điểm 7. Để "đền ơn" cô bạn học chăm chỉ và xinh đẹp, tôi gọi Liên là "cô giáo" và mua tặng Liên hai cuốn sách "Thép đã tôi thế đấy" và "Dấu chân người lính" trước lúc lên đường nhập ngũ. Liên rất thích hai cuốn sách của tôi tặng. Riêng cái biệt hiệu "cô giáo" thì Liên có vẻ không bằng lòng. Liên cứ lườm lườm mỗi khi tôi gọi như vậy.
          Thấy tôi thừ người ra, bọn thằng Trung, thằng Định liền nghi ngờ:
          - Thằng Trọng nhận được thư ai mà ngây người ra thế?
          - Chắc là thư người yêu. Nó vẫn tuyên bố là đối với tình yêu nó là người vô sản, thế mà... Nó định giấu chúng mình à?
          - Thử kiểm tra lá thư xem.
          Không đợi hai thằng nó xông tới, tôi đã quẳng lá thư ra giường, cười nói:
          - Đấy đọc đi, chả có thư người yêu nào cả.
          Mấy thằng chụm đầu vào đọc. Đến mấy dòng của Liên ghi cuối thư, chúng nó reo lên:
          - Đoạn này "nghi" lắm!
          - Đúng! Nhưng mà chả có gì đặc biệt cả. Có mỗi một chữ "yêu" nhưng lại là "mái trường thân yêu" chứ không phải là "anh yêu".
          - Dốt lắm! - Thằng Định khua tay lên rồi phân tích: - Đến nhà chơi, thấy em gái người ta viết thư lại ghi thêm vào thế này là có vấn đề rồi. Nếu không yêu thì chẳng ai lại làm thế cả!
          - Đúng đấy! - Cả bọn phụ họa: - Thằng Trọng phải viết thư về "tấn công" ngay, thời cơ đã có rồi, chần chừ là thất bại đấy.
          - Phải "sút" mạnh...v...à...o...!
Thằng Hoạt tung chân lên cứ như nó đang lừa bóng trước khung thành đội bạn ấy. Vốn là người chủ động và tài bao biện, tôi đứng dậy:
          - Chúng mày làm gì ầm ĩ lên thế. Chưa chi đã vơ vào, khéo người ta cười cho cả nút.
          - Mày cứ thế thì bao giờ mới có người yêu?
          - Người yêu à! -Tôi vung tay lên nói: - Tình yêu cũng chính là một quy luật, muốn hay không, tự khắc nó sẽ đến.
          Trung đội trưởng Hải từ nãy giờ vẫn im lặng đọc thư. Nghe tôi nói vậy, anh tủm tỉm cười. Anh đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa có vợ, còn người yêu cũng không thấy anh nói đến lần nào. Anh đã có quyết định đề bạt lên làm phó đại trưởng, ngày mai sẽ đi nhận nhiệm vụ mới. Thấy anh tủm tỉm cười, tôi liền chuyển hướng tấn công:
          - Muốn biết tao nói có đúng không, chúng mày cứ hỏi anh Hải khắc biết.
          Biết sự láu lỉnh của tôi, anh liền cất lá thư vào túi. Cả bọn quay sang nhao nhao hỏi xem anh đã có "mối tình nào vắt vai" chưa và những điều tôi nói có đúng không. Anh cũng không nhận là mình đã có người yêu hay chưa mà chỉ nói:
          - Ngày ở Hà Giang tớ có quen một cô gái...
          - Sau đó thành người yêu chứ anh?
Một thằng hấp tấp hỏi. Tôi khoát tay:
          - Tất cả im lặng, để anh kể. Chắc chuyện phải dài lắm?
          Tôi vừa nói vừa cho anh điều thuốc lá. Anh cầm điếu thuốc châm lửa rít một hơi rồi chậm rãi nói:
          - Đúng! Chuyện ấy dài lắm...

          Câu chuyện của trung đội trưởng Hải bắt đầu từ một mùa hè ở Hà Giang. Năm ấy, anh ở trung đoàn làm nhiệm vụ mở tuyến đường giữa núi rừng bạt ngàn vầu nứa để mở mang mạng giao thông miền núi và khai thác vật liệu cho một nhà máy giấy ở dưới xuôi. Trung đoàn rải quân dọc theo tuyến đường đã vạch trên bản đồ và bắt đầu phá núi, mở đường.
          Trung đội 2 của anh nhận nhiệm vụ thi công một đoạn vượt qua đầm lầy. Mấy ngày liền, trung đội anh người nào người ấy lấm như trâu lăn ở giữa cánh đồng bùn lầy. Ấy thế mà cứ vét được ít nào đổ đi, bùn nước lại dềnh lên ở chỗ đó. Trung đội trưởng Hải lo lắng vì năng suất bộ phận của anh mấy ngày liên tục tụt xuống. Anh càng bực bội hơn mỗi khi thấy anh em hò hét inh ỏi, xúm quanh một vũng bùn có một con cá chuối, hoặc cá trê giãy đành đạch. "Phải tìm cách khác thôi!". Anh quyết định, một tiểu đội tiếp tục vét bùn và tát nước, hai tiểu đội dùng xe cải tiến cùng với các xe ô tô chở đất đá trút xuống, bùn lỏng sẽ vọt ra ngoài. Như vậy vừa nhanh vừa đỡ tốn công vét bùn. Nghe trung đội trưởng phân công, các tiểu đội triển khai làm luôn. Cánh lái xe từ sáng đền giờ không có việc làm đang sì sũng mò cá, được lệnh vội vứt mấy xâu cá, nhảy lên xe rú ga ầm ầm phóng đi. Một lát sau, những chiếc xe ben quay lại. Đất đã trút rào rào xuống nơi tuyến đường vượt qua đồng.
          Có một vài người xì xáo về cách làm của anh.
          Nhưng, qua hai ngày, con đường đã vươn dài ra giữ cánh đồng lầy, dễ chừng được đến bốn, năm chục mét. Trung đội trưởng Hải vừa chỉ huy đổ đất, vừa nghe các chiến sĩ kháo nhau:
          - Nhanh thế này! Trung đội ta lại dẫn đầu đại đội về năng suất.
          - Chuẩn bị tinh thần mà lĩnh giải thưởng thi đua của đại đội nhé! Phen này có mà hút thuốc lá ỉa ra khói.
          Giữa lúc ấy, trên con đường đang mở xuất hiện một cô gái. Cánh lính đang làm hùng hục ngẩn cả người ra. Trời! Giữa chốn rừng núi hoang vu thế này sao lại có một cô gái đẹp như tiên giáng trần thế!
          Cô gái mặc bộ quân phục còn mới, khá vừa vặn, hình như có tự tu sửa nào đấy để làm dáng. Cô mỉm cười trả lời những câu bông đùa của cánh lính trẻ một cách tế nhị và thông minh. Ai cũng ngỡ cô là một người khách qua đường, chỉ có trung đội trưởng Hải đã biết cô là ai.
          Đến đoạn đường đang làm, chợt cô đứng sững lại tròn mắt ngạc nhiên. Rồi cô vội tụt dép để trên bờ, sắn cao quần, lội xuống xung quanh con đường đang đắp xem xét. Đoạn, cô hỏi một chiến sỹ đang đầm đất ở gần:
          - Ai phụ trách ở đây anh nhỉ?
          - Anh Hải, người "gần ba mươi tuổi vẫn còn đương trai". Anh ấy ở đằng kia kìa!
          Anh em cười ầm cả lên. Nhưng cô gái không cười. Cô mím chặt môi vội vã đi đến chỗ Hải đang chỉ dẫn mấy chiến sĩ đổ đất. Cô nói gấp gáp.
          - Anh Hải! Đề nghị anh cho dừng ngay việc đổ đất lại!
          Hải đang bực bội vì trung đội có hai chiếc xe ben thì hôm nay một chiếc mới chạy được mấy chuyến đã chết máy nằm ngoài bãi lấy đất, còn một chiếc nên tốc độ thi công chậm hẳn lại. Nghe cô gái nói, anh cau mày:
          - Tại sao phải dừng đổ đất lại, thưa đồng chí kỹ sư?
          - Vì "chân" đường chưa vét hết bùn mà đã cho đổ đất xuống đắp sẽ không đảm bảo kỹ thuật.
          - Đồng chí kỹ sư yên tâm! Sẽ đảm bảo kỹ thuật, với lại chúng tôi vẫn vét bùn đất chứ.
          - Các anh vét chưa hết, bùn còn rất nhiều ở phía dưới.
          - Không sao! Đấy chỉ là nước bùn loãng, đất đổ xuống, bùn sẽ vọt hết ra phía ngoài, đường vẫn không hề hấn chi cả.
          - Không được anh ạ! - Cô kỹ sư kiên nhẫn giải thích: - Bùn còn dưới nền đường không những không thoát ra ngoài mà còn nhào lẫn với đất đá khô, làm cho kết cấu của đường yếu đi vì không thể đầm nén chặt được. Vì vậy, nền đường sẽ không đảm bảo độ bền vững cần thiết, cả đoạn đường sẽ bị "trôi" đi khi nước lũ ở phía thượng nguồn đổ chảy mạnh tạo áp lực nén không đều về một phía con đường.
          - Thôi... thôi... những kiến thức ấy, tôi cũng đã biết rồi! Cô không phải dạy tôi nữa!
Hải xua xua tay vẻ khó chịu. Cô gái vẫn nhẫn nại nói:
          - Nhưng anh phải dừng ngay việc đổ đất lại.
          Cô gái nói một cách gay gắt khi nhận thấy vẻ khinh khỉnh, coi thường của anh trung đội trưởng. Lúc này, mọi người xung quanh mới biết cô là kỹ sư cầu đường. Cô mới về nhận công tác ở tiểu đoàn này được mấy ngày. Và, đây cũng là lần đầu tiên có người dám phê phán trung đội trưởng Hải là chấp hành không đúng quy trình kỹ thuật. Từ trước đến nay, có ai dám động đến ông cán bộ công binh có "thâm niên" nghề cầu đường này đâu. Nếu có ai định phê phán trung đội trưởng thì cũng phải nhớ đến câu nói của anh: "Các cậu bầy giờ đã ăn nhằm gì? Chúng tớ ngày trước ấy à? Bom rơi trên đầu, mìn nổ dưới đất vẫn lái máy ủi gạt bom, gạt mìn xuống vực thông hàng chục cây số đường trong một đêm. Các cậu bây giờ hơi một tý đã ca thán, cuốc xẻng chưa mòn đã đòi đổi cái mới. Làm đêm lỡ không có bồi dưỡng đã kêu lên tới tận tiểu đoàn. Cứ như các cậu bây giờ thì đường Hồ Chí Minh đến năm 2000 chưa chắc đã mở xong chứ đừng nói đến giải phóng miền Nam năm 1975".
          Cứ nghe trung đội trưởng Hải nói đã khiếp. Nhất là các chiến sĩ mới, kỹ thuật chưa biết gì, huấn luyện ba tháng bộ binh xong là lên đây, nghe chuyện giải phóng miền Nam cứ há miệng ra như nghe chuyện Thánh Gióng vậy. Ấy thế mà hôm nay một cô gái vào loại mặt bấm ra sữa này lại dám phê bình trung đội trưởng Hải thì quả là ghê quá.
          Thấy chiếc xe ben tiếp tục lùi xuống đổ đất, cô kỹ sư giục trung đội trưởng Hải:
          - Tôi đã nói rồi! Anh cho dừng việc đổ đất lại đi!
          - Cô yêu cầu hay ra lệnh cho tôi đấy hả?
          Anh sẵng giọng, cô gái không nao núng:
          - Tôi yêu cầu đồng chí. Nhưng đối với quy trình kỹ thuật và lương tâm trách nhiệm của người chiến sĩ công binh thì đó là mệnh lệnh!
          - A! Gớm nhỉ! Anh quay phắt lại nhìn thẳng vào mặt cô gái. Hai ánh mắt giao nhau tưởng như toé lửa và bất phân thắng bại. Nhưng người quay đi trước lại là trung đội trưởng Hải. Anh vẫy tay cho chiến sĩ lái xe ra hiệu tiếp tục đổ đất. Cô kỹ sư hét lên:
          - Dừng lại! Đồng chí không sợ lãng phí sức lao động của đơn vị à?
          - Ở đây tôi là người chịu trách nhiệm, cô không phải hét lên như còi tàu vậy!
          - Tôi đề nghị đồng chí cho dừng đổ đất lại!
          - Nếu cô đến đây chỉ để đề nghị như vậy thì cô có thể về được rồi.
          Mặt cô kỹ sư tái đi, đôi môi run run, nước mắt chực trào ra. Cô đùng đùng bỏ đi, chiếc đuôi sam ném đi, ném lại trên lưng như cái gạt nước kính xe ô tô.
          Trung đội trưởng Hải hơi hối hận vì to tiếng với cô kỹ sư. Nhưng chợt nhớ mới hôm trước ngày trước mặt đại đội trưởng và tiểu đoàn trưởng, cô ta đã dám phê phán gay gắt trung đội 2 đã dùng mìn đánh sát ta-luy đường, làm đất bị tung tơi ra, khi mưa xuống dễ bị sạt lở, anh lại thấy mình nói như vậy là đúng. Anh tin rằng, làm theo cách vừa vét bùn, vừa đổ đất lấn dần ra giữa ruộng như mình là đúng. Anh ra sức chứng minh như vậy với đại đội trưởng. Nhưng cuối cùng anh đánh phải cầm bút kỹ một chữ "Hải" gân guốc ngang tàng cạnh chữ ký mềm mại của cô kỹ sư Kiều Thanh trong biên bản làm sai quy trình kỹ thuật phải làm lại. Nhìn bộ mặt nhăn nhó của anh, đại đội trưởng vỗ vai an ủi:
          - Đành phải cuốc lên mà làm lại thôi ông ạ! Bây giờ là thời đại khoa học kỹ thuật không thể làm ăn kiểu "du kích" như trước được nữa đâu. Đại đội sẽ điều thêm cho ông một xe ben nữa.
          Và thế là ngày hôm sau, trung đội 2 bắt đầu đào đoạn đường mới đắp lên để vét lại bùn dưới "chân" đường.
          Anh em xì xào bàn tán. Mấy tay tiểu đội trưởng tủm tỉm với nhau: "Phen này trung đội trưởng phải chịu cứng phái đẹp nhé, thật là "lệnh ông không bằng cồng bà". Trung đội trưởng Hải chỉ còn biết im lặng. Cô kỹ sư Thanh luôn có mặt cùng làm với trung đội của anh.
          Sau khi quan sát cách tổ chức của trung đội trưởng Hải. Thanh đến gặp anh. Cô nói:
          - Anh Hải ạ! Tôi muốn đề nghị thế này...
          - Tôi tưởng cô đã đề nghị, đã yêu cầu và đã ghi hết trong biên bản rồi cơ mà.
          Nghe cái giọng ngang phè, khó chịu ấy, Thanh đã muốn bỏ đi, nhưng cô cố gắng nói hết ý định của mình:
          - Tôi đề nghị anh chia quãng đường đã làm ra thành từng đoạn từ 5 đến 7 mét. Cứ cách một đoạn lại đào một đoạn, đất hất lên đoạn còn lại. Lấy hết đất khô từng đoạn, còn đất lẫn bùn và bùn chỉ việc vét đổ ra hai bên. Sau đó gạt đất khô ở đoạn còn lại xuống, đầm kỹ rồi tiếp tục vét bùn đổ ra ngoài. Làm như vậy, chỉ phải làm hai tấm phên chắn bùn ngắn, dễ hơn lại vừa đỡ được công chuyển đất đá từ giữa đồng lên mãi trên đồi.
          Trung đội trưởng Hải nhíu mày suy nghĩ. Đúng! Nếu làm như vậy trung đội anh sẽ rút ngắn được một nửa số công, lại không phải làm hai tấm phên nứa để chắn bùn dài hơn trăm mét cắt ngang cánh đồng.
          - Nhưng làm như vậy đường sẽ bị đứt quãng, ô tô không chở đất ra được.
          - Không sợ anh ạ! Một mặt làm như vậy, một mặt ta cho xe ô tô tiếp tục đổ đất từ đầu đường lấn dần ra các đoạn đã vét hết bùn...
          Hải đã hiểu. Nhưng còn tự ái, anh nói giọng khô khan:
          - Vâng! Xin cám ơn "xáng" kiến của kỹ sư.
          Thanh nguýt trung đội trưởng Hải một cái rồi quay đi. Suốt từ đó cho đến khi đoạn đường được đào lên rồi lại được "đặt" xuống giữa cánh đồng lầy, trung đội trưởng Hải để ý thấy cô luôn đứng ở các dây chuyền bùn đất, lấm bê bết.
          Do phải làm lại quãng đường qua đồng, nên năng suất của trung đội 2 tụt xuống thấp nhất đại đội. Nhưng sau đó, nhờ biết cách tổ chức thi công, năng suất của trung đội 2 lại dần nâng lên. Trung đội 2 đang làm ăn tấn tới thì giữa anh và cô kỹ sư Thanh lại xảy ra "xô xát" một lần nữa. Ấy là khi trung đội 2 thi công chiếc cống ở đoạn đường cua cột số 4, ki-lô-mét 19.
          Khi bảy đoạn ống đường kính 1,5 mét đã hạ xuống rãnh, được kê kích, hàn xi măng cẩn thận, lấp đất và bắt đầu xây cánh cống thì kỹ sư Thanh xuất hiện. Cô giở bản thiết kế ra xem xét một lúc rồi đo đo, đạc đạc giữa hai miệng cống. Đoạn, cô vội vã tìm gặp trung đội trưởng Hải nói:
          - Anh Hải ạ! Trục tâm cống đặt lệch so với thiết kế một góc 70. Phải moi lên chỉnh lại các đoạn cống thôi anh ạ.
          - Lệch 7 độ có đáng là bao!
          - Không được anh ạ. Cống bị lệch sẽ nắn dòng chảy làm nước xối vào gây sạt lở đoạn đường của phía dưới.
          - Lại thế kia à? Tại sao hôm qua, khi chúng tôi đặt những ống cống đầu tiên cô không có mặt ở đây mà căn chỉnh, hôm nay lại còn giở quẻ?
          - Hôm qua... hôm qua... tôi... bận.
          Thanh lúng túng, nhưng cô cũng vẫn kiên quyết yêu cầu trung đội trưởng Hải phải căn chỉnh lại cái cống. Hải tuy bực lắm nhưng cuối cùng cũng phải cho đào đường lên sửa lại cống. Vừa làm, anh vừa rủa thầm cô kỹ sư quá quắt và oán trách cô hôm qua không chịu ra mặt đường kiểm tra, theo dõi giám sát thi công, giờ lại còn giở quẻ. Mãi sau này anh mới biết hôm đó Thanh không có mặt ở công trường vì cô bị sốt. Mấy lần cô định dậy để đi ra mặt đường nhưng tiểu đoàn trưởng bắt cô phải về nằm nghỉ.
          Khi những cái cống được chỉnh lại theo đúng góc cắt qua đường thì trời bỗng đổ mưa như trút nước. Đất nhão ra, trơn tuột. Do sơ ý, trung đội trưởng Hải bị đá lăn đè giập bàn chân trái, máu chảy ròng ròng. Kỹ sư Thanh vội lấy khăn mùi soa buộc vết thương cho anh. Cô vội dìu anh về lán. Mắt cô chớp chớp. Không hiểu cô khóc hay nước mưa chảy dài từ khoé mắt xuống má.
          Do mấy ngày liền mệt nhọc và vết thương ở chân nhiễm trùng nhức nhối, trung đội trưởng Hải bị sốt li bì gần một tuần liền. Sau lần phải đặt lại cái cống, anh cũng đâm gườm cô kỹ sư. Làm việc gì, anh cũng tính toán một cách thận trọng.
          Từ khi trung đội anh trở lại vị trí dẫn đầu đại đội về năng suất và chất lượng công trình thì kỹ sư Thanh ít đến đoàn đường do trung đội 2 thi công. Có lẽ cô ấy giận mình vì mình mấy lần nặng lời. Trung đội trưởng Hải nghĩ vậy và tự trách mình nhiều lúc làm ăn còn ham chạy theo thành tích, chưa thấy hết được tác hại lâu dài của những sai sót đối với con đường. Anh định có dịp ra tiểu đoàn họp sẽ đến nói chuyện và xin lỗi cô kỹ sư. Nhưng anh chưa kịp gặp Thanh thì cô đã đến tìm anh.
          Một buổi chiều trung đội trưởng Hải ở nhà làm kế hoạch tháng. Viết xong báo cáo, anh lôi cái áo lao động ra vá. Nói là vá, thực ra anh chỉ luồn chỉ xung quanh chỗ rách, rồi thít lại chứ anh biết và víu gì đâu. Giữa lúc đó thì Thanh đến. Cô đến bất ngờ khiến Hải chẳng kịp nhét chiếc áo đang vá xuống dưới chăn. Thanh hỏi anh:
          - Hôm nay anh Hải ở nhà ạ?
          Hỏi xong, biết câu hỏi của mình hơi thừa, cô đỏ mặt. Hải chào lại và thấy hơi lo lo: "Không chừng cô này lại đến lập biên bản trung đội anh làm sai hỏng gì đây".
          Thanh ngồi xuống giường cầm lấy cái áo anh đang vá lên xem. Cô tủm tỉm cười:
          - Anh Hải có kiểu vá áo mới nhỉ. Thế này thì bọn con gái chúng em đến thất nghiệp mất.
          Hải ngượng nghịu, lúng túng:
          - Quần áo lao động nên có lẽ cũng chẳng cần phải vá đúng kỹ thuật lắm.
          Thanh lườm anh. Rồi vừa vá lại cái áo, cô vừa nói:
          - Em đến đây để chào anh Hải, ngày mai em về Hà Nội rồi.
          - Thế hả? Thanh về dưới đó thì thích quá rồi còn gì.
          - Không! Em rất muốn ở đây với các anh cho đến khi làm xong con đường này cơ.
          Thanh vừa nói vừa thầm trách sự vô tình của anh trung đội trưởng. Cô ngước mắt nhìn qua cửa sổ. Núi rừng trùng điệp. Cây cối nối một màu xanh liền với sắc trời. Những đám mây trắng bồng bềnh vô tư trôi giữa màu xanh ấy. Thanh nhớ lại những ngày công tác tại tiểu đoàn này. Chưa đầy một tuổi quân nhưng cô đã bao lần "xô xát" với các cán bộ, chiến sĩ, có người đã gần hai mươi năm quân ngũ, tuổi đời gấp đôi tuổi mình. Nhưng cuối cùng, cô vẫn được họ quý mến vì cô luôn bảo vệ cho cái đúng, cho sự bền vững của con đường đang mở. Mọi người đến với cô để học hỏi kỹ thuật. Cô đến với mọi người để học hỏi kinh nghiệm sống. Riêng anh trung đội trưởng nóng nảy nhưng có nghị lực này thì... đến với anh thật khó khăn. Nhưng mà thôi... nghĩ làm gì đến những chuyện xa xôi ấy, Thanh khẽ thở dài:
          - Em có lỗi với anh nhiều, anh Hải có ghét em không?
          - Sao lại có lỗi. Chính tôi là người làm ẩu đấy chứ.
          Ngập ngừng mãi, Hải mới nói:
          - Mấy lần tôi định gặp Thanh để nói một điều...
          Thanh cúi đầu, chờ đợi. Nhưng những gì anh nói tiếp vẫn chỉ xoay quanh con đường, không phải là điều mà cô chờ đợi. Khi Thanh ra về, trung đội trưởng Hải thấy đôi mắt của cô nhìn mình rất khác. Nhưng, anh chẳng kịp phân tích xem điều nhận thấy của mình như thế nào thì những ngày thi công sôi động cho thông đường trước thời hạn đã tới.
          Còn Thanh về đến Hà Nội, cô được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Thỉnh thoảng trong những bức thư gửi về cho tiểu đoàn trưởng Lâm - người Thanh nhận là bố nuôi, cô đều gửi lời thăm anh. Và đây là bức thư đầu tiên cô viết cho anh.
*
 Đó là câu chuyện của trung đội trưởng Hải.
          Kể xong anh khoát tay bảo chúng tôi:
          - Chuyện của tớ chỉ có thế thôi. Đã có thằng nào đi đổi gác chưa?
          - Có rồi... Nhưng sau đó anh có yêu kỹ sư Thanh không?
          Tôi sốt ruột hỏi lại. Trung đội trưởng Hải phì cười:
          - Mày đúng là một thằng ngốc. Mày đã phát minh ra cái "quy luật tình yêu" thế mà lại còn hỏi một câu ngớ ngẩn thế hả?
          - À...à... ra thế.
          Tôi lúng túng gãi đầu. Mọi người cười ầm lên.
          Câu chuyện ngày ấy của trung đội trưởng Hải thật là thú vị. Nhưng tôi chỉ biết tóm tắt, chép vào sổ tay được như vậy thôi. Giá như... Đúng, giá như mà "cô giáo" Liên của tôi ở đây thì hay quá. Nhất định Liên sẽ viết được một câu chuyện đăng báo hẳn hoi chứ không biết ngồi há miệng ra nghe như chúng tôi đâu.
Cao Bằng, cuối năm 1978
 Hà Nội 4-2000

            *                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét