Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Truyện ngắn Chuyện của một thời




Chuyện của một thời
Truyện ngắn của Trọng Bảo

    
Nhận được lệnh đi công tác đột xuất, Sang vội phóng xe máy về nhà lấy thêm vài thứ đồ dùng cá nhân. Anh nhìn đồng hồ. Giờ này chắc bé Mai sắp ra quán cơm đầu ngõ ăn trưa để chuẩn bị tới trường. Con bé học buổi chiều. Trường của nó chưa có chế độ bán trú. Nếu về kịp, anh sẽ cùng con đi ăn cơm.
       Từ ngày vợ anh để lại một tờ giấy ly hôn ký sẵn rồi ra đi thì cái gia đình nhỏ bé, mong manh chỉ còn có hai bố con. Bé Mai nhớ mẹ ngơ ngác. Nó trở nên lầm lỳ ít nói. Anh phải dỗ dành, động viên mãi nó mới dần dần lấy lại được tinh thần, ổn định tâm trí để học tập. Một hôm nó xin tiền anh ra chợ mua về một con lợn đất. Tiền lì xì mừng tuổi năm mới, tiền thưởng học sinh giỏi, tiền nhuận bút bài thơ đăng báo Nhi đồng nó đều để dành nuôi lợn đất. Thấy con có tính tiết kiệm anh rất mừng. Nhưng rồi, bất ngờ anh phát hiện ra chuyện con bé trưa nào cũng bớt lại tiền ăn để dành nuôi lợn đất.
        Cơ quan anh làm việc cách nhà gần mười cây số. Bữa trưa thường là hai bố con tự túc. Anh ăn ở bếp cơ quan. Anh cho con bé năm nghìn đồng, nó ra quán mua cơm ăn rồi đi học. Buổi chiều trên đường về, anh rẽ qua chợ mua thức ăn, nấu cơm. Hai bố con thường là chỉ ăn chung với nhau bữa tối. Năm nghìn bố cho để ăn trưa, bé Mai chỉ mua một gói mỳ tôm, bớt ba nghìn đồng để nuôi lợn đất. Hôm nào không ăn mỳ tôm, ra quán nó cũng chỉ mua một bát cơm, một miếng thịt, một miếng đậu, một gắp rau hết khoảng ba nghìn, để ra được hai nghìn đồng. Ăn uống kham khổ, thiếu chất, học hành lại căng thẳng, nên con bé bị ngất xỉu ngay tại lớp. Bác sỹ khám, nhà trường thông báo lại, anh mới biết chuyện. Anh hỏi con: "Con dành tiền để làm gì?". Con bé bảo dành tiền để lớn lên đi tìm mẹ. Anh thấy thương con và thầm trách người vợ bạc tình, đua đòi ham hố quá nhiều những phù phiếm của cuộc đời, đang tâm bỏ lại cả đứa con rứt ruột đẻ ra để đi theo một kẻ lắm tiền. Anh cũng tự trách mình kém cỏi, không đáp ứng nổi những nhu cầu của vợ con. Thực ra Trinh, vợ anh cũng có đòi hỏi gì quá nhiều đâu. Một căn hộ, vài thứ vật dụng gia đình đắt tiền, cái xe máy đời mới. Thời buổi kinh tế thị trường, nhiều người cầm bạc tỷ trong tay cứ như không. Thế nhưng cánh công chức như anh lương ba cọc ba đồng cũng chỉ đành chờ nước nổi, bèo nổi theo. Cũng may xe máy Trung Quốc nhập vào Việt Nam giá rẻ, nên cuối những năm chín mươi, anh cũng có được cái xe máy để đi làm.
       Khi Trinh bỏ đi, bé Mai đang học lớp một, giờ nó đã lên lớp bốn. Nó đã hiểu nỗi buồn không có mẹ. Nó muốn đi tìm mẹ. Mặc dù nó cũng không biết bây giờ mẹ đang ở phương trời nào. Từ khi phát hiện ra con bớt tiền bữa trưa để nuôi lợn đất, Sang cấm con không được làm như vậy nữa. Anh còn dặn bà hàng cơm đầu ngõ khi nào con bé mua đủ xuất cơm năm nghìn mới bán, mua ít hơn dứt khoát không bán.
       Sang về đến ngõ. Anh liếc vào quán cơm, không thấy bé Mai. Anh nghĩ nó đã ăn sớm để đến lớp. Nhưng vừa đẩy cửa bước vào nhà, anh bắt gặp ngay con bé đang rướn người cầm phích nước sôi đổ vào cái tô đựng mỳ tôm. Thấy anh về đột ngột, con bé hốt hoảng như vừa bị bắt quả tang việc làm vụng trộm, lén lút. Nó lúng túng làm nước đổ toé ra mặt bàn. Anh giằng cái phích nước trên tay con, bực bội:
     - Bố đã nói bao nhiêu lần rồi! Con phải ăn uống đầy đủ mới có sức khoẻ để học tập chứ!
     - Nhưng... - Con bé vừa xoa xoa những chỗ nước sôi bắn vào tay vừa ấp úng. Anh cắt lời nó:
     - Nhưng... nhưng... gì! Con không vâng lời bố. Con nhịn ăn, bớt tiền bao nhiều lần thế này rồi?
      - Con...con...
      Con bé định thanh minh nhưng anh mắng át đi. Anh nói một thôi một hồi khiến nó im hẳn. Hình như cả những nỗi trục trặc công việc ở cơ quan cũng được anh tuôn ra trong lúc mắng mỏ con. Bé Mai sầm mặt. Nó ngồi lặng lẽ khóc. Thấy con bé tức tưởi, anh lại ân hận. Anh dỗ dành nó:
      - Thôi! Con cất mỳ tôm đi, hai bố con cùng đi ăn cơm. ăn xong, bố đưa đến trường. Bố phải đi công tác, mấy hôm mới về. Bố sẽ gọi điện dặn cô Xuân buổi tối sang ngủ với con.
       Con bé vẫn im lặng. Nó giận bố. Nó vùng vằng giật tay khỏi tay anh. Anh lại phải mất thời gian dỗ dành mãi, con bé mới nguôi nguôi. Anh vừa rửa mặt, thay quần áo cho nó vừa hỏi han chuyện học tập tại trường cốt để nó quên đi việc lúc nãy. Nghe con bé kể anh mới biết. Thì ra lớp nó có một bạn mồ côi bố, mẹ đi bán xôi sáng bị bọn đua xe máy quyệt phải bị thương rất nặng. Cô giáo đề nghị cả lớp quyên góp để mua quà đi thăm. Vì quên xin tiền bố, bé Mai lôi con lợn đất ra dùng que khều mãi nhưng không được. Nó chợt nhớ còn một gói mỳ tôm trong tủ. Vì thế nó quyết định bữa trưa nay ăn mỳ tôm để dành tiền góp với lớp giúp bạn.
       Hiểu rõ mọi chuyện, anh ân hận vì mắng oan con bé. Anh đưa con ra quán cơm. Anh gọi nhiều món, ép con ăn. Nhìn con bé ăn ngon lành, anh chợt nhớ những đận gian nan nuôi con. Lúc nhỏ, con bé hay ốm đau, quặt quẹo, khóc không thành tiếng. Anh bao lần ôm con thức trắng đêm ở bệnh viện. Đúng là cảnh gà trống nuôi con, cha già con cọc. Bằng tuổi anh nhiều người đã có dâu, có rể thậm chí cháu nội, cháu ngoại. Anh lấy vợ muộn. Trinh trẻ hơn anh cả một giáp. Tưởng là may, ai ngờ vợ đẹp thường khó giữ.
       Ăn xong, Sang cho con mười nghìn đồng để quyên góp với lớp. Con bé rụt rè đề nghị: "Năm nghìn bữa trưa nay bố cũng cho con góp luôn với các bạn trong lớp bố nhé!" Anh gật đầu. Nét mặt con bé vẻ tươi tỉnh hẳn lên.
       Đưa bé Mai đến trường xong, anh phóng xe về cơ quan. Số anh em cùng đi công tác đã tề tựu đầy đủ. Anh vội gọi điện thoại cho em gái. Không có người nhấc máy. Anh sực nhớ hôm trước, cô Xuân nói cuối tháng về quê chồng tận Thanh Hoá để góp tiền xây nhà thờ họ. Giữa lúc anh đang lo lắng thì Tuấn, cán bộ cùng phòng nói:
      - Anh đừng lo! Tối nay em sẽ bảo chị giúp việc sang ngủ với bé Mai. Yên tâm! chị ấy tốt lắm. Hay là em đưa cháu về ngủ với con bé nhà em. Hai đứa thích nhau lắm đấy.
      - Thế cũng được! Tuỳ chú lo liệu giúp cho.
      - Nhà đóng cửa để đấy, anh có sợ trộm nó khuân hết không?
      - Có gì mà sợ mất! Có cái xe máy Tàu thì để tại cơ quan rồi.
      - Mà này! Sao hoàn cảnh anh thế không thuê lấy một người giúp việc?
      Sang im lặng. Nhà chỉ có hai bố con thì cần gì phải người giúp việc. Với lại anh cũng chẳng khá giả, dư dật gì. ở Hà Nội bây giờ nhiều nhà thuê người giúp việc chuyên lo việc nấu nướng, giặt giũ, trông trẻ. Bố mẹ già ốm đau cũng thuê người chăm nom, nâng giấc. Lỡ bệnh quá nặng phải đi bệnh viện cũng mướn luôn người trông coi phục vụ suốt đêm ngày, đổ bô, bón sữa. Con cháu có đến thăm cũng chỉ khoanh tay đứng nhìn, hỏi han dăm ba câu cho phải lẽ rồi về. Ngày nghỉ, vợ chồng, con cái nhàn nhã gọi tắc-xi diễu phố mua sắm hay lên tận Khoang Xanh, Đồng Mô nghỉ ngơi, ăn thịt gà ri, vịt cỏ. Nhà Tuấn cũng vậy. Cậu ta vốn đã giàu nhờ những năm học tập và kiếm tiền bên Đức. Vợ Tuấn lại là con một ông lớn. Khi đi lấy chồng, bố cho một xuất đất ngót nghét trăm mét vuông, bán đi non nửa đã cầm bạc tỷ trong tay rồi. Tuấn thuê người giúp việc nhà, mỗi tháng trả "lương" bốn trăm nghìn đồng, ăn uống hai bữa cũng chỉ thêm bát đũa, giải quyết những món dư thừa. Trong cơ quan, Tuấn cũng là người làm được việc được cấp trên tin cậy, lại ỉ thế bố vợ nên thường khinh khỉnh với mọi người. Duy chỉ có Sang là Tuấn nể.
       Chuyện bắt nguồn từ một lần Tuấn đèo vợ đi chơi ở ngoại thành, gặp một bọn côn đồ, háo sắc. Chúng thấy vợ Tuấn xinh đẹp bèn chặn xe lại trêu chọc. Tuấn bênh vợ, bị chúng tống luôn cho mấy thụi vào mặt ngã dúi dụi xuống bờ đê. Vợ Tuấn hoảng hồn kêu cứu.  Nhiều người nghe thấy nhưng sợ, giả tảng bỏ đi. May đúng lúc đó, Sang có việc đạp xe ngang qua. Giữa đường thấy sự bất bình, Sang vứt xe lao đến. Mấy thằng côn đồ quây lấy anh, tay dao, tay gậy hằm hè. Nhưng chúng cũng chỉ hung hăng được một lúc rồi phải tháo chạy. Sau hôm ấy, Tuấn mới biết cái người vẫn ngồi cạnh mình đã từng là một chiến sỹ trinh sát. Tuấn phục và thân với Sang từ đó.
       Gửi được bé Mai cho Tuấn, Sang yên tâm đi công tác. Tưởng mọi việc giải quyết nhanh nào ngờ trục trặc. Mãi gần một tuần sau đoàn công tác mới xong việc. Vừa thấy anh về, bé Mai đã khoe ngay:
       - Bố xem này, cô Thuỳ tết tóc đuôi sam cho con đẹp không?
       Sang nhìn bé Mai. Nó ăn mặc sạch sẽ gọn gàng. Hai cái đuôi sam buộc nơ hồng vung vẩy. Con bé có mái tóc dài và xanh. Anh chỉ biết mỗi một kiểu là dùng giây chun buộc túm lại mỗi khi chuẩn bị cho con đến lớp. Bé Mai thủ thỉ kể tiếp:
       - Mà cô Thuỳ nấu ăn ngon lắm bố nhé! Từ hôm bố đi công tác, con không phải ra quán ăn cơm bụi nữa.
       - Thế cô Thuỳ đâu rồi?
       - Cô ấy ở bên nhà chú Tuấn cơ mà!
       Rồi con bé lại băn khoăn:
       - Không biết bố về rồi, cô ấy còn sang nhà mình nấu cơm nữa không nhỉ?
       Chiều hôm sau khi anh ở cơ quan về, bé Mai mặt mũi tươi tỉnh nói:
       - Trưa nay cô Thuỳ vẫn đến bố ạ!
       - Thế hả! Để hôm nào bố gặp cảm ơn cô ấy mới được!
       Nói vậy nhưng chả có dịp nào anh thực hiện được ý định ấy. Công việc cơ quan bù đầu. Anh nhờ Tuấn gửi tiền mua thức ăn cho chị giúp việc. Tuấn gạt đi bảo: "Anh cứ yên tâm! Tiền ấy là em đưa chị Thuỳ, mấy đồng bạc lẻ ấy mà". Rồi anh quên hẳn cả việc gặp cảm ơn người mà trưa nào cũng tranh thủ sang nhà anh lo bữa và giặt giũ, tắm táp, thay quần áo cho bé Mai trước khi đến lớp.
        Một bữa, Tuấn bảo:
        - Anh về đón bé Mai sang nhà em ăn cơm. Con Thuý nhà em được giải nhì cuộc thi học sinh giỏi môn văn toàn quận. Em tổ chức liên hoan để động viên cháu.
        Sang nhận lời. Hết giờ làm việc, anh phóng xe đến trường đón bé Mai tới thẳng nhà Tuấn. Con bé vui lắm. Sang cũng chợt nhớ là nhân dịp này gặp, cảm ơn chị giúp việc ở nhà Tuấn. Suốt tháng nay, bé Mai được chăm lo ăn uống chu đáo, quần áo sạch sẽ tinh tươm, mặt mũi lúc nào cũng tươi tỉnh. Nó học hành tiến bộ hẳn lên, bài kiểm tra thường xuyên được điểm giỏi.
        Đến nhà Tuấn, bữa liên hoan đã chuẩn bị xong. Có nhiều món ăn thịnh soạn nhưng bé Mai cứ ngong ngóng nhìn xuống bếp. Sang đoán nó mong gặp cô Thuỳ. Ngày nào nó cũng nhắc đến cô Thuỳ. Khi Sang và Tuấn đang mải chuyện thì bé Mai reo lên: "Cháu chào cô Thuỳ ạ!". Sang ngoảnh lại nhìn. Người đàn bà đang bưng thức ăn từ bếp lên. Hai đôi mắt của họ chợt gặp nhau. Sang buột miệng: "Thuỳ! Thuỳ "bê" vận tải phải không?". Người đàn bà cũng luống cuống vì bất ngờ nhận ra người quen. Chị lập cập đặt bát canh xuống bàn rồi khẽ chào: "Anh Sang!". Thuỳ thay đổi nhiều quá. Tuấn ngạc nhiên rồi vui mừng bảo:
       - Thì ra là hai người đã quen nhau từ trước. Chị Thuỳ! Ngồi xuống đi, ta vừa ăn vừa trò chuyện.
       - Tôi... tôi ... xin phép! Tôi còn bận làm mấy món nữa.
       Thuỳ nói rồi lật đật quay xuống bếp. Suốt bữa, chị bưng thêm thức ăn lên rồi ra ngay. Sau bữa liên hoan, Tuấn mời Sang ra phòng khách uống nước để vợ, hai đứa bé và chị giúp việc dọn dẹp. Lúc ra về, Sang định tìm Thuỳ thì bé Mai nói:
       - Cô Thuỳ nói ra phố có việc rồi bố ạ!
       Hôm sau, Sang vừa đến cơ quan thì Tuấn kéo anh ra ngoài hành lang hỏi:
       - Này! Hôm trước đến nhà em, anh nói gì mà chị Thùy tự dưng xin thôi việc về quê mất rồi!
       - Mình có nói gì đâu!
       - Sao chị ấy lại bỏ việc nhỉ?
       - Làm sao mình biết được!
       Nói vậy nhưng Sang cũng thấy băn khoăn, Anh nghĩ, hay là Thuỳ muốn tránh gặp lại anh. Có lẽ Thuỳ vẫn còn chưa quên chuyện ngày xưa và mặc cảm về mình hiện nay. Nhưng cũng đã hơn hai mươi năm rồi còn gì...
       Suốt buổi sáng hôm ấy, Sang không tài nào tập trung được vào công việc. Trong đầu anh lúc nào cũng thấp thoáng hình ảnh về một cánh rừng biên giới thời chiến tranh. Ngày ấy, anh và Thuỳ đều mới nhập ngũ. Thuỳ ở đơn vị vận tải. Sang ở trung đội trinh sát. Hai người quen nhau từ một lần hội diễn văn nghệ. Thuỳ hát hay lại chịu khó học tập, rèn luyện. Thùy được đề bạt tiểu đội trưởng và được cử đi dự lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. Tình cảm giữa hai người mỗi ngày một sâu sắc hơn. Họ yêu nhau say đắm. Có những lần họ vượt qua cả chục cây số đường rừng, suối lũ để tìm nhau và cũng chỉ để nhìn thấy nhau thôi.
        Sang cứ nghĩ Thùy đã thuộc về mình. Bởi vì Thuỳ cũng rất yêu anh. Chính bởi suy nghĩ chủ quan đơn phương ấy, anh đã phạm một sai lầm không sửa chữa nổi.
        Hôm đó, đơn vị trinh sát của Sang thực hành huấn luyện môn cá nhân vận động xác định mục tiêu theo góc phương vị. Lúc cắt qua một cánh rừng già, bất ngờ anh gặp Thuỳ đang đi gùi gạo về kho tiểu đoàn. Mùa hè nắng nóng. Thuỳ mặc cái áo lót trắng, quai ba lô gạo kéo về phía sau càng làm căng bộ ngực tròn trịa của người con gái. Thùy nhìn Sang cười cười. Anh đỡ chiếc ba lô nặng cho Thuỳ đặt xuống một hòn đá bằng phẳng. Hai người ngồi nghỉ bên bờ suối vắng. Thuỳ lội xuống rửa mặt. Đôi bắp chân tròn của cô trắng ngần giữa làn nước trong xanh. Sang cũng lội theo. Anh không kiềm chế được mình. Khi Thuỳ đang lau mặt thì anh vòng tay ra phía trước ôm lấy ngực cô.
       Thuỳ giật nảy mình. Cô quay ngoắt lại, mặt tái mét đi. Thuỳ ném chiếc khăn mặt xuống suối giơ tay lên. Thấy Thùy phản ứng quyết liệt, Sang sợ hãi luống cuống. Anh chờ một cái tát nảy lửa. Nhưng không. Thuỳ buông thõng cánh tay xuống, vẻ mặt cô thất vọng. Nước mắt Thuỳ lăn xuống gò má. Giọng Thuỳ nấc lên vẻ giận dữ, thất vọng:
        - Tại sao anh lại dám làm như thế! Anh tồi lắm...
        Sang càng lúng túng. Thuỳ bước nhanh lên bờ suối vừa khóc vừa khoác ba lô gạo lầm lũi bước đi. Sang cứ đứng chôn chân như Từ Hải giữa dòng nước. Anh không ngờ Thuỳ lại có phản ứng quyết liệt như thế. Tính chủ quan khiến anh đã lâm vào thế khó xử. Dù anh biết ngày ấy trai gái yêu đương cũng chỉ dám cầm tay nhau là cùng. Tình yêu nhiều lúc còn bị coi là quan hệ bất chính. Có những đôi yêu nhau lỡ "ăn cơm trước kẻng" trở thành chuyện tày đình. Khối người tan tành sự nghiệp cũng chỉ vì yêu đương quá mù ra mưa. Thùy đang là chiến sĩ thi đua, sắp được trao chức vụ "bê" phó, đang rèn luyện phấn đấu để được kết nạp vào Đảng, làm sao lại có chuyện yêu đương thiếu trong sáng như thế.
        Sau sự việc ấy, tình cảm của hai người cứ nhàn nhạt dần đi. Thực ra tình yêu của Sang đối với Thuỳ vẫn vẹn nguyên. Chỉ có Thuỳ là luôn tránh gặp anh. Sang tự ti nghĩ, có lẽ mình đã biến thành vật cản của Thuỳ rồi cũng nên. Anh chẳng tìm gặp cô để xin tha thứ. Sang buồn. Anh đau khổ vì mối tình đầu tan vỡ chỉ bởi một lý do vớ vẩn. Chiến tranh biên giới nổ ra. Mỗi người ở một hướng. Trung đội vận tải của Thuỳ bị địch tập kích bất ngờ. Thuỳ bị thương nặng. Vết thương cướp mất khả năng làm mẹ của cô. Biết tin Thuỳ bị thương, Sang tìm đến trạm phẫu tiền phương thăm nhưng không gặp. Thuỳ đã được chuyển về bệnh viện quân y tuyến sau chữa trị. Hơn hai mươi năm rồi, Sang không ngờ gặp lại Thuỳ trong hoàn cảnh thế này.
       Bé Mai thì phụng phịu với bố:
       - Trưa nay, cô Thuỳ ứ nấu cơm cho con!
       Thôi chết! Sang giật mình chợt nhớ ra. Cả tháng nay anh không phải lo bữa trưa cho bé Mai. Thuỳ đã về quê, không biết trưa nay con bé ăn uống thế nào.  Anh hỏi:
       - Thế trưa nay con nhịn đói đi học à?
       Con bé lắc đầu:
       - Không bố ạ! Sáng nay cô Thuỳ đến tìm con nói là sẽ về quê. Cô cho con năm nghìn mua cơm. Từ mai, bố nhớ là lại đưa tiền ăn trưa cho con đấy nhé.
        Bé Mai nói. Nét mặt nó buồn thiu.
       Giữa lúc anh đang an ủi con gái thì Tuấn phóng xe đến. Tuấn nói ngay:
       - Anh còn nhớ quê quán của chị Thuỳ không?
       - Cũng không nhớ rõ lắm! Hình như ở mãi trên vùng Hạ Hoà, Phú Thọ.
       - Anh nên đi tìm chị ấy!
       - Nhưng tìm...
       - Không phải là tìm chị ấy về để tiếp tục làm việc cho nhà em mà là...
       Tuấn nhìn thẳng vào mắt Sang hạ giọng:
       - Em biết chuyện của anh và chị Thuỳ rồi. Chị ấy đã từng tâm sự với vợ em. Nghe vợ em kể lại mới biết cuộc đời chị ấy khổ lắm. Không chồng, không con, chị ấy còn phải tần tảo nuôi mẹ già đau ốm. Chuyện anh và chị ngày xưa là chuyện của một thời đã qua. Cái thời mà hết thảy mọi người đều phải kìm nén, quên thân, gồng mình lên để phấn đấu, hy sinh cho những điều cao cả, lớn lao hơn. Những điều tốt đẹp của ngày ấy là đáng trân trọng nhưng bây giờ đã là thời khác rồi. Em nghĩ, anh chị cũng chẳng nên cứ giữ mãi trong lòng chuyện cũ. Anh nên đi tìm chị Thuỳ, nói chuyện với chị ấy không chỉ vì anh, mà còn vì bé Mai nữa...
        Tuấn nói liền một mạch, vẻ xúc động. Sang thấy phân vân quá. Bé Mai từ nãy giờ vẫn lắng nghe chuyện của bố và chú Tuấn. Nó lặng lẽ vào trong nhà bê con lợn đất ra. Sang hỏi:
        - Con định làm gì thế?
        - Con lấy tiền để đưa bố đi tìm cô Thuỳ!
        Con bé nói. Đôi mắt nó chăm chăm nhìn anh chờ đợi.
                                                     Hà Nội, tháng 2-2005
      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét