Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Truyện ngắn Chị Xuyến

        
Chị Xuyến

Truyện ngắn của Trọng Bảo
1- Mỗi lần về quê tôi thường mong gặp lại những người bạn thuở còn trẻ. Nhưng thường là ít. Bạn bè bây giờ mỗi người một phương lập nghiệp. Những đứa ở quê thì đầu tắt mặt tối. Có đứa đã lên ông, lên bà. Gặp nhau ngoài đường chào hỏi dăm câu cho phải lẽ. Tôi là cán bộ nhà nước, quan chẳng ra quan, quân chẳng ra quân nhưng đám bạn bè ở quê cũng ngại ngồi lâu, chuyện gẫu, sợ tôi mất việc. Đã về quê thì là để nghỉ ngơi cho thư giãn đỡ căng thẳng với đám giấy tờ văn bản ở cơ quan còn có việc gì đâu mà lo mất. Thực ra tôi biết cũng chả phải thế. Tôi về quê giờ cứ như người chân không tới đất, cật chẳng tới trời. Nhiều việc ngu ngơ không hiểu nổi, ngồi với bạn nhà nông chỉ dăm ba câu là hết chuyện.
Làng quê bây giờ đã khác. Không còn cảnh dầu đèn mù lù, không có chuyện ngõ đường thông thống như trước nữa. Làng xóm bây giờ như một pháo đài. Nhà nào cũng quây kín bằng những bờ tường rào cao quá đầu người, mảnh chai cắm tua tủa như lông nhím. Mới chập tối mà nhà ai nhà nấy đã cổng đóng then cài. Điện đóm sáng choang, tiếng nhạc xập xình nhà này át tiếng loa đang ca cải lương nhà khác. Buổi tối, trẻ con ít chạy ra nô đùa ngoài đường. Chúng mải chúi đầu vào những phim chưởng hay trò chơi đuổi hình bắt chữ, mơ thành triệu phú trên ti vi. Đám trung niên hay các cụ già cả chẳng còn mời gọi nhau đến uống bát nước chè xanh. Họ cũng ngại ra đường lỡ xe máy Trung Quốc mòn phanh cán phải hay vô phúc vớ phải thằng nghiện, thằng say gây gổ.
        Làng quê thời cơ chế thị trường nhà nào cũng đầy đủ các phương tiện nghe nhìn, video, điện thoại, internet, cứ ở tại gia là đã đủ mọi thứ trò giải trí rồi. Ngỡ tưởng giàu có sung túc lên thì sẽ vui hơn, ấm áp hơn. Nào ngờ ngược lại. Mỗi lần về quê hết nghe chuyện nhà này con đánh bố, ngõ kia vợ cãi chồng, lại chuyện trẻ con học dốt bỏ nhà đi bụi. Chuyện nghiện hút, tự tử cũng đã xảy ra. Làng quê không còn cảnh ánh trăng la đà, sương đêm cuối thu đẫm lạnh trên đường cỏ. Làng bây giờ là những ngõ sâu hun hút bê tông hoặc lát gạch, nhấp nháy xanh xanh, đỏ đỏ những quán cà phê đèn mờ.
        2- Một buổi tối, tôi tha thẩn đi trên đường làng. Ánh điện phản quang qua những bức tường cắm mảnh chai chi chít tạo nên những tia sáng sắc lạnh như cứa vào da thịt. Tần ngần đứng trước khu vực trước đây là sân kho hợp tác xã, tôi cố kiếm tìm trong ký ức những chuyện xưa. Có lẽ hình ảnh sâu đậm nhất của thời bao cấp ở nông thôn là những cái sân kho hợp tác xã. Đó là nơi phơi thóc, phơi rơm, nơi chia phần thóc lúa, mít tinh, hội hè, là nơi đội thiếu nhi ca hát với tiếng trống ếch bập bùng những đêm trung thu. Sân kho cũng là nơi chúng tôi tập trung nhập ngũ ra mặt trận. Tôi còn nhớ khi còn bé không buổi tối nào bọn trẻ con chúng tôi không có mặt ở sân kho hợp tác xã để chơi trò ú tim hay đánh trận giả. Khi tôi mười bảy, mười tám tuổi thì là những đêm trục lúa ở sân kho mệt lả người bởi thức khuya nhưng rất vui vì có nam, có nữ, có những ánh mắt tuổi chớm yêu đương liếc nhau, hò hẹn.
        Chiều nay vừa về đến nhà, tôi đã có khách hỏi thăm. Một cô gái bước vào cổng. Tôi hơi giật mình nhận ra những nét quen quen. Có phải là chị ấy không nhỉ! Nhưng tôi kịp định thần và tự cười mình. Không thể thế. Vì nếu là chị ấy thì chị cũng đã hơn năm mươi tuổi rồi sao còn trẻ thế này được.
Cô gái chào tôi và nói:
       - Nghe tin chú về, mẹ cháu dặn sang nhờ chú...
       - Thế mẹ cháu là...
       - Mẹ cháu tên là Xuyến... mẹ nói ngày xưa chú là người rất thích đọc sách!
       - Đúng... đúng rồi...- Tôi chợt nghĩ. Cô gái này quả là rất giống mẹ. Thảo nào lúc vừa mới nhìn thấy tôi cứ ngờ ngợ. Nét đẹp duyên dáng của người thôn nữ ấy đã ba mươi năm rồi vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi. Tôi mời cô bé vào nhà. Cô gái vừa mở cái túi vừa tự giới thiệu:
       - Tên cháu là Hoà!
       - Mẹ cháu có khoẻ không?
       - Mẹ cháu bị tiền đình, hôm nay kêu chóng mặt quá không ngồi xe máy được nên bảo cháu đến xem chú có về quê không và nhờ chú giúp cho một việc.
        - Có việc gì vậy?
        Cô gái mở cái phong bì cũ lấy ra hai tấm ảnh đen trắng đã vàng ố. Đó là ảnh chụp hai người lính còn rất trẻ. Tôi cầm lên xem và giật mình. Họ đều là những người quen. Tuy nước  ảnh đã nhạt mờ nhưng tôi vẫn nhận ra họ bởi những nét trẻ trung còn mãi với thời gian. Cô gái khẽ hỏi:
        - Chắc chú nhận ra bố cháu?
Tôi gật đầu nhưng do dự, không dám cầm cái ảnh nào lên. Cô gái bảo:
       - Mẹ cháu dặn là nhờ chú đem về Hà Nội gửi đài truyền hình nhờ nhắn tin tìm mộ liệt sĩ.
       - Cả hai à?
       - Vâng ạ! Bố cháu và bạn của bố cháu... - Hoà cầm cái ảnh người đeo quân hàm thiếu uý lên đưa cho tôi và nói: - Ai cũng bảo cháu không giống bố lắm, chú có thấy thế không?
Tôi miễn cưỡng gật đầu và lén nhìn ảnh người lính đeo quân hàm binh nhì. Hoà về rồi tôi vẫn ngồi với những tấm ảnh đồng đội. Tâm trí tôi hiện về những ngày trai trẻ. Mới đó mà đã ba mươi năm có lẻ.
Học hết cấp ba, tôi thi vào khoa ngữ văn trường đại học tổng hợp. Tôi học giỏi môn văn, lại rất ham đọc sách. Mọi sách truyện đông tây kim cổ ai có cho mượn tôi đều đọc một cách say mê. Trong làng, ngoài xóm nghe tin ai có sách là tôi lân la tìm mượn bằng được để đọc. Tôi hay đến nhà chị Xuyến vì chị là bí thư chi đoàn lại quản lý tủ sách thanh niên. Có sách hay, sách mới chị đều nhắn tôi đến cho mượn xem trước. Khi thư viện quốc gia sơ tán về làng, tủ sách thanh niên của chị thêm phong phú vì được họ cho mượn luân chuyển rất nhiều sách quý và hay. Một lần chị Xuyến nói đùa: "Kiếm cho ta một bó lúa nếp để làm cốm thì tha hồ mà đọc sách". Con gái ngày ấy rất thích cắn chắt. Họ thường lấy những bông lúa nếp non lùi trong tro nóng quay cho chín đều rồi tuốt lèn đầy túi áo để cắn dần. Sau mỗi buổi sinh hoạt chi đoàn nền nhà đầy những trấu là trấu.
Buổi chiều hôm đó đi chăn trâu, tôi lân la gần khu ruộng cấy lúa nếp của hợp tác xã. Và chả khó khăn gì buổi tối tôi về đã túm vào trong áo một bó lúa nếp rõ to đem sang nhà chị Xuyến. Chị cốc vào đầu tôi một cái khá đau và đe: "Lần sau mi không được ăn trộm lúa của hợp tác xã nữa nhé!". Tôi bảo: "Chị cứ cắn chắt thoải mái đi! Hết, ới em một tiếng".
Chị Xuyến hơn tôi gần mười tuổi. Chị rất đẹp lại hát hay nên nhà chị lúc nào cũng có khách nam. Tôi biết có anh cả đời chẳng cầm đến cuốn sách cũng gỉả vờ đến mượn sách báo rồi ngồi lì ngay tại nhà chị để đọc. Tay lật trang sách nhưng ánh mắt họ lại nhìn như bị hút vào khuôn ngực tròn căng của người nữ thủ thư. Chị Xuyến là nông dân chân lấm, tay bùn nhưng nước da cứ trắng hồng như con gái thị thành. Đôi mắt chị thăm thẳm đa tình. Có một anh chàng kỹ sư giảng viên trường đại học nông nghiệp đưa sinh viên về thực tập, mắt thì cận lòi, kính chả biết mấy đi-ốp mà dày như đít chai thế mà cứ lượn lờ ngõ nhà chị ngày mấy bận. Chúng tôi ghét bèn phịa ra câu chuyện có hôm anh ta quên kính, lần mãi mới đến được ngõ nhà chị. Anh ta sờ trúng con bò cái đang buộc ở cổng rồi cứ thế vuốt ve mãi và khen nước da của chị mịn quá. Câu chuyện ấy thành trò cười cho cả làng, tay kỹ sư nông nghiệp ghét cay ghét đắng chúng tôi.
        Nhưng rồi chị Xuyến lấy chống. Chồng chị là anh Phán người cùng làng. Lấy nhau chưa được nửa năm thì anh Phán nhập ngũ. Tôi còn nhớ, anh chỉ về phép đúng có một lần rồi đi B. Sau lần anh về phép, chị Xuyến có mang. Ai cũng bảo chị "chửa trâu", gần mười tháng mới sinh con gái. Bé Hoà thừa kế được nhiều nhiều nét đẹp của chị Xuyến nên ban chiều vừa gặp tôi đã ngờ ngợ.               
        3- Sân kho hợp tác xã bây giờ đã nhượng bán cho tư nhân chia ô làm cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, phân bón và mở quán cà phê, bi-a. Tôi cố hình dung ra cái sân kho rộng mênh mông ngày ấy. Nhớ những đêm đám thanh niên xung kích đảm nhận việc trục lúa. Lúa gặt về xếp ngồn ngộn. Chúng tôi xếp lúa thành một vòng tròn lớn gần kín sân. Bốn năm con trâu kéo những chiếc trục lúa bằng gỗ lim nặng trịnh lịch kịch vòng quanh sân. Khi những hạt lúa rụng hết, lớp rơm sẽ bong lên, chúng tôi dùng cào răng cào vào giữa sân, rũ sạch rồi mới đem rơm chia thành từng đống phía ngoài. Ngày ấy thóc lúa là của hợp tác xã, phơi khô, quạt sạch, nộp thuế, nộp nghĩa vụ đóng góp với nhà nước xong, còn lại mới cân đối chia cho xã viên. Ngày công của nông dân giá trị chỉ dăm bảy lạng thóc. Năm nào mùa màng thu hoạch khá ngày công được một cân thóc là đã mừng lắm rồi. Người nông dân vì thu nhập thấp, thiếu đói sinh ra làm ăn gian dối. Khi đập lúa, trục lúa họ đập, đạp qua loa, rũ chưa sạch, rơm còn dính đầy thóc đã chia ra, mỗi nhà một đống, đem về phơi đập lại kiếm chút thóc lửng, thóc lép, tuy gạo kém nhưng lúc giáp hạt có nồi cháo cũng còn hơn không.
        Nhiều người nhất là các bà sồn sồn rất ghét tôi vì thường hay nhắc nhở đám thanh niên khi rơm thật sạch mới được đem chia (chả là khi nghỉ học về sinh hoạt tại chi đoàn thôn Hạ, tôi được bầu là phó bí thư chi đoàn, nhận nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ trục lúa). Khi lúa đã trục xong, thóc được cào đánh đống ở giữa sân kho, rơm thì được chia đủ ba mươi sáu phần cho ba mươi hai hộ và bốn phần "bồi dưỡng" cho bốn con trâu kéo trục lúa. Nhà nào đêm trước có trâu kéo trục lúa thì sáng ra cứ việc lấy hai đống rơm, đem về rê đập lại cũng kiếm được non thúng thóc ướt. Vì thế việc điều trâu của các gia đình đi trục lúa đêm cũng phải luân phiên thật công bằng không sẽ bị chửi là thiên vị. Trâu là của hợp tác xã giao cho từng hộ chăn dắt còn rơm và thóc vương, thóc vãi dính trong rơm là của riêng từng nhà. Chả thế mà có con trâu bị ốm bệnh nhưng đến lượt, gia chủ vẫn cứ đem giao cho đám thanh niên mắc kéo trục lúa. Báo hại chúng tôi đêm ấy nó đuối sức gục xuống giữa sân kho, không làm sao đứng dậy được nữa phải báo cáo chủ nhiệm hợp tác xã đến xem xét, lập biên bản và ra quyết định cho giết thịt chia cho xã viên mỗi nhà vài lạng.
        Ngày ấy, làng quê chưa có điện lại luôn có báo động phòng không, đang yên, đang lành một chiếc máy bay Mỹ xoèn xoẹt vút qua ngay trên đầu. Thành thử những đêm trục lúa chúng tôi chỉ dám thắp một chiếc đèn bão tù mù. Hôm nào có trăng thì còn đỡ. Đầu tháng, cuối tháng thì khốn khổ. Đám con gái xong buổi làm đêm thì líu díu kéo nhau ra về, xách theo luôn cả cái đèn bão để khỏi sợ ma. Mà ngày trước ở làng quê sao lắm ma đến thế. Chuyện ma chơi đổ đó, ma cây quãi cát, rồi đi đêm gặp ma thường vẫn xảy ra với người này, người nọ. Họ kể lại làm đám trẻ con sợ xanh lè cả mắt, những hôm tối trời đố dám chạy ra ngoài đường.
Nhà tôi gần sân kho nên thường lãnh trách nhiệm ra về sau cùng. Tôi phải đếm đủ ba mươi sáu đống rơm, lỡ thiếu thì sáng hôm sau nhà nào mất xuất sẽ loạn cả sân kho. Hôm nào trời có thể mưa thì tìm lá cọ che đậy đống lúa vừa mới trục xong cho khỏi ướt.
       4- Vào một đêm trời tối như mực, tôi phải căng mắt ra để kiểm đếm lại số đống rơm đã chia. Đến góc sân kho, gần chỗ cây thị già bên góc vườn nhà bà Cần mà người ta vẫn bảo là có ma thì nghe những tiếng rì rầm, tiếng cười khúc khích. Nghĩ đến chuyện ma tôi lạnh cả xương sống. Theo phản xạ tự nhiên, tôi ngồi thụp xuống, hai tay ôm lấy ngực, nín thở. Tiếng động phát ra từ ngay đống rơm to lù lù trước mặt. Tôi nghe rõ tiếng xuýt xoa:
       - N...h...è... n...h...ẹ... thôi... kẻo... đau... em...
       Vẫn chỉ có tiếng của con "ma nữ":
       - Thôi... đừng... đừng... em sợ lắm!
       - Sợ gì? - Con "ma nam" giờ mới lên tiếng.
       - Lỡ... lỡ... em... bị thì sao?
       - Phán vừa về phép phải không?
       - Vâng... anh ấy mới đi được hai tuần...
       - Thế thì còn sợ gì nữa, nếu lỡ thì... cũng chẳng ai biết đâu...
       - Ô...ôi... trời...- Tiếng con "ma nữ" hổn hển.
Tôi định thần. Thì ra chẳng phải là ma. Tôi nhận ra tiếng chị Xuyến và tay Thoảng, đội phó đội sản xuất. Thoảng là một gã kẻng trai, chưa vợ, đầu tóc lúc nào cũng rẽ đường ngôi chải mượt. Tay này chịu trách nhiệm giám sát bộ phận trục lúa chúng tôi và ngủ đêm canh gác nhà kho. Lúc nãy tôi thấy hắn cứ lảng vảng gần chỗ chị Xuyến rũ rơm. Thì ra hai người đã có tình ý với nhau từ trước.
Hồi lâu khi đống rm góc sân không còn dập dình nữa, tôi lại nghe tiếng thì thào:
       - Anh đưa em về nhé... em sợ ma lắm!
       - Ừ...- Tay đội phó vừa thở vừa hỏi: - Sáng mai em chịu khó đi lấy rơm sớm nhé!
       - Làm gì vậy?
       - Anh sẽ giấu cho em mấy lượm lúa nếp làm cốm. Nhớ lấy đúng đống rơm này nhé.
         Tiếng lào thào xa dần lẫn vào đêm.
Tôi nằm ngửa ra thảm rơm nhìn lên bầu trời. Những ngôi sao li ti nhấp nháy. Tự dưng tôi thấy giận chị Xuyến, căm ghét tay đội phó và thương cho anh Phán quá. Anh Phán cưới chị Xuyến từ hồi đầu năm. Anh là người xấu xí nhưng tốt tính, hay giúp đỡ mọi người. Khi còn ở nhà anh hay gọi tôi cùng đi tát cá, bẫy chim. Anh là người sát cá, chỉ cần lội xuống đầm rửa chân cũng vớ được cá ném lên bờ cho tôi nhặt. Bắt được cua cá, bao giờ anh cũng cho tôi phần hơn. Anh Phán lấy được chị Xuyến là do hứa hôn giữa hai ông bố cùng một thời là dân công hoả tuyến đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Chị chê anh Phán xấu trai ngúng nguẩy mãi nhưng cuối cùng cũng phải nghe theo sự sắp đặt của ông bố. Vậy nên người làng mới nói sau lưng anh Phán "mèo mù vớ cá rán". Họ cũng cười cười sau lưng chị Xuyến "như bông hoà nhài cắm bãi cứt trâu". Người đời bao giờ cũng lắm chuyện dù ai chả biết con gái đẹp như tiên sa thường vớ phải thằng chồng cóc cáy. Mà khối anh đẹp giai lồng lộng lại cứ hay bén duyên những cô nàng "ma chê quỷ hờn" rứt mãi không ra, sau có ân hận lại đổ tại ông tơ bà nguyệt vụng xe.
        Tôi vừa thập thõm bước về nhà vừa ngẫm nghĩ: "À đã thế thì phải cho hai anh chị này biết tay". Tôi lập tức lộn lại lẻn vào sân kho hợp tác xã. Tay đội phó còn lâu mới quay về, nhà chị Xuyến ở mãi tận cuối thôn. Tôi dò dẫm ra góc sân, nơi khi trục lúa con trâu nào ỉa chúng tôi đều hót phân đổ ra đấy. Tôi kéo tàu lá cọ đầy phân trâu đem vùi vào đống rơm chị Xuyến và tay đội phó vừa nằm Sáng sớm mai chị mà thục tay vào rút rơm thì khắc biết. Xong việc, tôi khoái chí trèo qua tường rào sân kho nhảy ra đường làng, vừa đi vừa huýt sáo.
        Sáng hôm sau, tôi vừa mắt nhắm, mắt mở ra sân kho để phơi thóc thì mấy thằng bạn đã nhao nhao hỏi:
        - Còn dư một đống rơm không ai lấy! Hôm qua mày đếm thừa hả?
        Nhận ra đó là đống rơm gần gốc cây thị nhà bà Cần tôi nói:
        - Thừa đâu mà thừa! Hôm qua tao đếm đi, đếm lại mấy lần... - Tôi liếc nhìn chị Xuyến. Chị đang cúi gằm mặt sàng thóc lép, cái nón úp sùm sụp trên đầu dù mới bảnh mắt trời chưa có nắng... - À!... tao nghĩ ra rồi! Chắc là đống rơm gần gốc cây thị sợ ma nên không ai dám lấy.
        Cả bọn nhao nhao phản đối. Tôi bảo: "Thôi lỡ chia thừa rồi thì gọi bà Cần, bảo bà ấy gánh về rũ kiếm đấu thóc lép cho gà. Buổi tối vào xin nước bà ấy còn cho mà uống!". Một thằng chạy đi gọi bà Cần. Bà Cần goá chồng ở một mình trong căn nhà tre nhỏ cạnh sân kho hợp tác xã. Anh con trai độc nhất của bà đang làm công nhân địa chất mãi tận trên Yên Bái. Hết tuổi lao động, lại không nhận chăn nuôi trâu bò nên thỉnh thoảng nhà bà mới được chia một xuất rơm lấy cái cho gà bới. Bà Cần gánh hết đống rơm về nhà. Buổi chiều tôi vào xin nước uống thấy bà phơi riêng một nong lúa nếp đầy.         
5- Sau đêm ấy, tôi để ý thấy tay đội phó ít lượn lờ quanh chị Xuyến. Cũng từ bữa đó, chả bao giờ chị Xuyến còn nhắn tôi đến cho mượn sách nữa. Rồi cả tôi và tay đội phó đều lên đường nhập ngũ. Tôi nghe tin anh Phán chồng chị Xuyến hy sinh trong lần về phép trước khi vào miền Nam chiến đấu. Sau ngày giải phóng Sài gòn về thăm nhà lại biết chuyện làng vừa tổ chức lễ truy điệu cho anh Thoảng. Thế là cả hai người đàn ông của chị ra đi không ai trở về.
Chị ở vậy thờ chồng nuôi con. Chị nhận khoán một khu đồi hoang, đầm lầy sát chân núi Mồ làm trang trại. Chị trồng rừng và thuê người đắp đập thả cá. Con gái chị cũng đã lấy chồng. Chị đã thành bà ngoại. Chị dặn con gái mời tôi vào thăm trang trại.
Cầm hai tấm ảnh chị nhờ đem đi nhắn tìm mộ liệt sĩ, tôi hiểu ý của chị. Quá khứ bây giờ đã trở thành hư vô. Có những chuyện hãy nhớ mãi để sống và có những việc hãy quên cho đời nhân ái, vị tha hơn. Tôi nghĩ như vậy có đúng không chị nhỉ!  
                                                  Lập Thạch, mùa thu 2007
Truyện ngắn |

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét