Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

15-TẠM BIỆT BIÊN GIỚI

Sau chiến tranh nhiều người được khen thưởng huân chương, thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ. Riêng tôi thì không. Theo tôi biết thì đã có ý kiến phản ánh với lãnh đạo, chỉ huy tiểu đoàn là tôi vô kỷ luật, hành động tùy tiện trong thời gian thất lạc khỏi đội hình tiểu đoàn, nhất là việc tự ý dẫn bộ đội phối hợp cùng dân quân chặn đánh bọn Tàu khi chưa được người chỉ huy bộ phận thất lạc đồng ý. Thực ra tình huống hôm ấy là khẩn trương, nếu không nhanh bọn địch sẽ chạy thoát mất nên tôi chưa kịp báo cáo trung úy Tuân đã dẫn quân đi. Tôi hơi buồn nhưng rồi chuyện bình công, khen thưởng cũng qua nhanh. Nhiều anh em cho rằng việc xem xét thành tích, khen thưởng có sự không công bằng, vô lý. Nhưng tôi không có ý kiến gì. Bởi lẽ chiến tranh bản chất của nó đã là bất công và vô lý rồi. Thời gian này tôi chỉ chăm chú tập trung vào việc thu thập, ghi chép lại những tư liệu về cuộc chiến tranh vừa qua.
Một hôm, tôi được lệnh bàn giao chức vụ tiểu đội trưởng tiểu đội vô tuyến cho tiểu đội phó Vũ Văn Tự. Tiểu đội phó Vũ Văn Tự sau đó được thăng quân hàm hạ sĩ quan và bổ nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng tiểu đội vô tuyến điện. Tôi thôi giữ chức tiểu đội trưởng lại trở thành một chiến sĩ và vẫn ở trung đội thông tin của tiểu đoàn. Hà Trung Lợi, tiểu đội trưởng Tiểu đội hữu tuyến tìm gặp tôi thắc mắc hỏi:
- Như thế là mày bị cách chức à?
- Tao cũng chả biết nữa…
Tôi tặc lưỡi đáp rồi lái sang một chuyện khác. Hà Trung Lợi người dân tộc Mường, quê ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ là một người chiến đấu rất dũng cảm. Khi được giao dẫn một trung đội sang chi viện cho Đại đội 10 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chốt.
Một buổi sáng, tôi đang hì hục đào công sự ở khu vực bản Cốc Vường thì liên lạc chạy lên gọi về gặp chỉ huy tiểu đoàn có việc gấp ngay. Tôi hơi hoảng hốt nghĩ: “Hay là cấp trên họ điều tra ra những vi phạm của mình trong chiến đấu nên triệu về để thi hành kỷ luật?”. Tuy vậy, tôi cũng tự động viên mình chắc đây chỉ là thuyên chuyển công tác bình thường thôi, chả có chuyện gì đâu.
Đến khu nhà tạm của tiểu đoàn bộ, khi tôi đang ngó nghiêng xung quanh tìm nhà chỉ huy thì có tiếng gọi:
- Thằng Bảo phải không? Vào đây đi!
Tôi bước vào gian phòng đang mở cửa có tiếng người vừa gọi. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh đang ngồi sau bàn làm việc chăm chú ghi chép gì đó. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh và tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm đều đã được bổ nhiệm là cán bộ trung đoàn. Trời mùa hè nóng bức nên anh mở phanh cả cúc áo ngực. Tôi đứng nghiêm báo cáo:
- Tôi, hạ sĩ, nguyên tiểu đội trưởng...
Anh Doanh vội xua tay cắt ngang lời tôi:
- Thôi... không phải báo cáo, báo cầy gì nữa! Đây có phải huấn luyện điều lệnh, điều lệ gì đâu mà báo cáo chứ?
Đoạn, anh Doanh bảo tôi ngồi xuống ghế. Anh rót một ca nước đưa cho tôi rồi hỏi:
- Chú mày vẫn khoẻ chứ?
Tôi đáp:
- Vâng ạ! Thì em vẫn thế thôi ạ... Anh vẫn chưa lên trung đoàn nhậm chức vụ mới ạ?
- Chưa! Vẫn còn chút việc ở tiểu đoàn, vài ngày nữa tao mới đi... Mà mày vẫn còn bất mãn vì chuyện sau chiến tranh không được thăng quân hàm và khen thưởng chứ?
Tôi ậm ừ:
- Em là hạ sĩ quan chiến sĩ, hết nghĩa vụ quân sự thì về phục viên theo con trâu đi cày ruộng, quân hàm, quân hiệu có là cái gì đâu mà bất mãn ạ?
- Nhưng cùng nhập ngũ với mày nhiều thằng sau chiến tranh được phong quân hàm cấp uý, lên đến chức đại đội phó rồi đấy!
- Thì họ có số làm quan, số em chỉ được làm lính thì mãi mãi cũng chỉ là lính tráng thôi anh ạ!
Anh Doanh bật cười:
- Mày cũng lý luận gớm nhỉ?
- Thì em chỉ nói thật thế thôi chứ lý luận gì đâu ạ!
Anh Doanh im lặng một lát rồi nói:
- Hôm nay, chỉ huy tiểu đoàn gọi mày lên để thông báo là đã đề nghị và cấp trên đồng ý cho mày về trường văn hóa của quân khu để ôn luyện kiến thức và thi vào đại học.
Tôi khe khẽ thở phào. Anh Doanh nói tiếp:
- Tao biết mày trong chiến đấu có thành tích. Những trận đánh ở Sóc Giang mày đã đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Nếu không thì không thể chỉ huy chiến đấu được đâu. Mày không được khen thưởng gì cũng thiệt thòi... Nhưng thôi, mọi việc đã qua rồi, đường dài vẫn ở phía trước. Cố lên em nhé!
- Vâng ạ!
Tôi đáp và chào anh Doanh- một người chỉ huy kiên quyết, mưu trí và dũng cảm để về chuẩn bị lên đường. Chia tay anh ra đi không biết bao giờ mới gặp lại, nhưng tôi sẽ mãi mãi không quên những ngày được sống và chiến đấu bên anh.
Hôm sau, tôi tạm biệt anh em trong trung đội thông tin để lên đường. Mọi người lưu luyến tiễn tôi ra tận con đường nhỏ trước cửa bưu điện thị trấn cũ. Tôi đi qua cái thị trấn đổ nát còn hằn sâu vết dấu của cuộc chiến tranh tàn khốc. Tôi cảm thấy bàn chân mình như vẫn còn đang dẫm trên đất bỏng. Lúc qua đoạn đường dưới bụi tre chân điểm chốt Đại đội 10, nơi trung úy Trần Xuân Tương và hạ sĩ Nguyễn Công Tâm cùng nhiều đồng đội hy sinh tôi dừng lại một lát thầm bái biệt các anh. Tôi chợt nghe thoảng trong gió vẫn như có tiếng thằng Tâm đang gọi và vui mừng khoe: “Bảo ơi! Vợ tao đẻ con trai rồi!”...
Đến đầu bản Cốc Sâu tôi quay lại nhìn thị trấn Sóc Giang lần cuối. Biết đến bao giờ mới có điều kiện quay trở lại mảnh đất thân yêu nơi biên giới xa xôi này. Tôi nhìn lên trận địa của Đại đội 10, điểm cao 505, ngọn núi có hang huyện ủy và xa xanh phía sau là dãy núi đá vôi có Lũng Mật, Lũng Vài, Lũng Vỉ... Toàn những địa danh mà tôi đã có những kỷ niệm không quên. Bất giác, tôi đứng nghiêm đưa tay phải lên vành mũ. Tôi muốn chào tạm biệt các đồng đội của tôi vẫn còn ở lại ngày đêm tiếp tục trấn giữ nơi biên cương, chào từ biệt những người đang nằm dưới cỏ ở nơi địa đầu Tổ quốc này. Tôi cũng muốn chào thị trấn Sóc Giang, Hà Quảng nơi mình đã trải qua những thời khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ. Tôi về xuôi ôn thi đại học. Nếu trúng tuyển đại học tôi sẽ trở thành một sinh viên trên giảng đường, nếu thi trượt tôi sẽ được ra quân trở thành một người nông dân trên cánh đồng, khó có dịp quay trở lại mảnh đất thân yêu này.
Về đến Trường Văn hóa quân khu 1, tôi được biên chế về đại đội chuyên ôn luyện thi đại học và lại được bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng. Vậy là chỉ một thời gian tại ngũ ngắn ngủi tôi ba lần được bổ nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng. Lần thứ nhất là tiểu đội trưởng bộ binh làm đường ở Hà Giang, lần thứ hai là tiểu đội trưởng thông tin chiến đấu ở Cao Bằng và lần thứ ba này là tiểu đội trưởng học viên ôn thi đại học ở Thái Nguyên.
Chúng tôi miệt mài học tập, ôn lại kiến thức phổ thông hy vọng sẽ trở thành những sinh viên trên giảng đường đại học. Trường văn hóa Quân khu 1 có nhiều giáo viên giỏi có kinh nghiệm luyện thi đại học. Mấy lần thi thử tôi đều đạt điểm khá cao. Nhưng cuộc đời thật khó lường trước được. Sắp đến kỳ thi đại học tôi lại phải rẽ sang một lối khác. Tôi tiếp tục gắn bó với quân đội cùng những năm tháng gian lao, thăng trầm của đời quân ngũ. Đúng 25 năm sau kể từ khi rời khỏi biên giới, tôi được trao quân hàm đại tá. Lúc gắn đôi quân hàm mới nhận lên ve áo tôi chợt bùi ngùi nhớ lại những ngày binh nhất, binh nhì, đeo quân hàm hạ sĩ cũ kỹ ở Trung đoàn 246, cùng những ngày chiến đấu gian lao ở Hà Quảng thân yêu…
Cao Bằng-1979
Hà Nội, 1-2022
Ghi chép của Trọng Bảo
Ảnh: Ảnh chụp ngày đầu tiên tôi nhận và mang quân hàm đại tá QĐND Việt Nam.
Có thể là hình ảnh về 1 người, quân phục và văn bản cho biết 'X'

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

14-TRỞ LẠI SÓC GIANG

Chúng tôi hành quân quay trở lại thị trấn Sóc Giang. Thị trấn vùng biên ngày nào đông đúc, nhộn nhịp nay đổ nát hoang tàn. Một tháng trước, nơi đây chính là “tọa- độ- lửa”, là nơi bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Máu của họ vẫn như còn đang đọng trên mặt đất rưng rưng. Cũng chính tại nơi đây Tiểu đoàn 3 chúng tôi đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công vô cùng ác liệt của kẻ thù xâm lược, tiêu diệt hàng trăm tên bành trướng, bắn cháy hơn chục chiếc xe tăng của chúng.
Nhưng rồi, đơn vị chúng tôi đã phải rút lui để không bị tiêu diệt hoàn toàn trước sức tấn công ác liệt, liên tục của quân Trung Quốc xâm lược với chiến thuật "biển người". Một cuộc rút lui còn gian lao, nguy hiểm hơn là một trận đánh mặt đối mặt với quân thù. Bây giờ chúng tôi, những người còn sống quay trở lại thị trấn biên giới Sóc Giang. Hình như mọi người ai cũng có chung một tâm trạng bùi ngùi.
Kẻ thù đã bị đánh lui, những tên bành trướng Trung Quốc đã phải kéo nhau tả tơi tháo chạy về nước. Nhưng cái cảm giác chiến thắng, cảm giác tự hào trong những người lính chúng tôi rất mờ nhạt, hầu như không có. Không có cái niềm vui háo hức, tưng bừng của ngày 30-4 năm nào, chỉ có nỗi bàng hoàng, xót xa về sự tàn phá khủng khiếp, về sự mất mát quá lớn của chiến tranh. Một vùng biên giới hoang tàn sau chiến tranh.
Chẳng còn một bóng người dân nào trong thị trấn, chẳng còn một tiếng gà gáy, chó sủa trong những bản làng dọc đường hành quân. Chúng tôi là những người đầu tiên trở về Sóc Giang sau chiến tranh. Đoàn quân súng luôn cầm trong tay, cảnh giác, lầm lũi bước đi trong sự hoang vắng lạnh lẽo, thê lương. Sau những trận quyết chiến, một đội hình cán binh quần áo tả tơi, bẩn thỉu. Nhiều người băng còn quấn trên đầu loang lổ màu máu, cánh tay bị thương gãy còn treo lên cổ.
Dọc con đường từ Quý Quân qua bản các bản Nà Cháo, Nà Nghiềng vào thị trấn Sóc Giang còn in đậm những dấu vết khốc liệt của chiến tranh. Mùi xác chết của người và động vật thối rữa khăn khẳn khắp nơi. Chỗ nào cũng gặp những quả mìn bọn địch gài lại trước khi rút chạy về nước. Bộ phận công binh đi trước mở đường. Chúng tôi phải rất thận trọng đặt bước chân theo dấu đã vạch sẵn trên đường của công binh. Người đi sau bước đúng dấu chân của người đi trước để tránh dẫm vào bẫy mìn, vật nổ. Vậy mà vẫn có người bị trúng mìn do bọn giặc gài lại. Loại mìn bộ binh của Trung Quốc rất lợi hại. Khi người đạp mìn nổ xé nát hết bắp chân, tháo khớp gối hoặc khớp đùi vẫn không cứu được vì da thịt cứ tiếp tục hoại tử thối dần lên đến bụng, đến nội tạng là chết. Thượng sĩ La Quang Tuyến, trung đội trưởng ở Đại đội 9 đã bị vướng vào loại mìn này được cấp cứu và đưa về tuyến sau, không biết tính mạng ra sao?
Đội hình hành quân một hàng dọc chậm chạp vừa đi vừa quan sát xung quanh. Không ai nói một câu nào chỉ nghe tiếng thở dốc của những người mang vác nặng ở bộ phận hoả lực, tiếng thì thào truyền đạt mệnh lệnh theo dọc hàng quân.
Các đơn vị tiếp cận các vị trí trú quân. Đại đội 11 lên khu vực bản Cốc Vường, chuẩn bị triển khai việc khôi phục lại trận địa phòng ngự trên các chốt cây đa đối diện cửa khẩu Bình Mãng. Đại đội 9 ở bản Cốc Nghịu, Đại đội 10 ở bản Nà Nghiềng, Đại đội 12 tiếp tục trở lại các trận địa hỏa lực trên Lũng Mật, Lũng Vỉ. Chỉ huy và cơ quan tiểu đoàn về đóng tại các bản Kép Ké, Cốc Sâu. Đây là khu vực ngày 20-2-1979 bọn địch tập kết để tấn công vào chốt của Đại đội 10 và thị trấn Sóc Giang. Tại bản Kép Ké dấu vết chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Tôi đã trèo lên vị trí khẩu 12ly7 của Đại đội 16 ở mỏm núi đá gần bản Kép Ké. Khẩu đội 12ly7 này đã bắn xối xả vào lưng, vào gáy bọn bành trướng để chi viện cho Đại đội 10 bảo vệ trận địa. Tôi cũng đã lên hang huyện ủy giữa thị trấn Sóc Giang. Hang đá đã bị bọn địch dùng một lượng thuốc nổ lớn để công phá. Cửa hang bị vỡ toang hoác như miệng một con cá sấu ngoác rộng.
Tất cả nhà cửa, công trình khu vực thị trấn Sóc Giang, xã Sóc Hà còn sót lại sau các trận pháo kích đều bị bọn địch phá hoại trước khi rút lui. Cột điện cao thế, điện thoại bị ép thuốc nổ đánh gãy ngổn ngang khắp cánh đồng. Bọn chúng dùng thuốc nổ phá hết các loại cầu cống to nhỏ, các công trình dân sinh, nhà cửa. Bọn chúng còn đang tâm phá sập cả hang Pác Bó, nơi Bác Hồ đã ở năm 1941 khi về nước lãnh đạo cách mạng. Thị trấn Sóc Giang, xã Sóc Hà giống như vừa qua một trận B52 của Mỹ và còn tan nát hơn nhiều. Bọn giặc ở dưới mặt đất chúng có điều kiện để tàn phá kỹ hơn, triệt để hơn. Nhìn cảnh đổ nát, tan hoang ở Sóc Giang đến mức ghê gớm như này, anh Doanh đã phải thốt lên bảo chúng tôi:
- Bọn giặc bành trướng Trung Quốc này đúng là “những B52 mặt đất”!
Điều anh Doanh nhận xét thật sâu sắc và chuẩn xác. Cảnh tượng biên giới phía Bắc năm 1979 không khác gì những nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên sau các trận bom B52 của đế quốc Mỹ rải thảm hồi tháng 12 năm 1972.
Đoạn đường từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang chưa thông. Các loại mìn của ta và của địch gài trên đường lực lượng công binh chưa dò gỡ hết. Mặt đường bị băm nát bởi các hố đạn pháo. Chúng tôi phải cuốc bộ về ngã ba Đôn Chương, về Nà Giàng nhận vũ khí, trang bị và lương thực, thực phẩm. Đường đi phải theo sự chỉ dẫn của công binh để tránh vướng mìn. Khi đi lấy vũ khí, quân trang, gạo ở ngã ba Đôn Chương tôi gặp các anh em, bạn bè ở Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 1 và cơ quan trung đoàn bộ mới biết nhiều người quen thân đã hy sinh như Thiếu tá Nguyễn Khắc Đễ, Phó chính ủy Trung đoàn 246, Thượng úy Nguyễn Văn Bính, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Ở cơ quan trung đoàn là hai nữ văn thư bảo mật...
Một buổi sáng khi chúng tôi đang đào công sự, xây dựng trận địa trên chốt thì có một chiếc máy bay trực thăng từ phía Đôn Chương bay lên. Đó là chiếc trực thăng chở tướng Đàm Quang Trung, tư lệnh và các cán bộ quân khu, quân đoàn lên thị sát biên giới. Bay đến khu vực thị trấn Sóc Giang chiếc trực thăng lượn một vòng rồi bay tiếp lên phía cửa khẩu Bình Mãng. Cả tiểu đoàn tôi nhốn nháo khi chiếc trực thăng có hình quốc kỳ Việt Nam trên thân cứ phành phạch bay thẳng sang hướng Trung Quốc. Các đơn vị của Tiểu đoàn 3 lập tức báo động. Bên kia biên giới bọn địch cũng vội vã báo động chạy lên trận địa. Bay lên đến sát đường biên giới chỗ cửa khẩu Bình Mãng thì chiếc trực thăng đột ngột quay ngoặt lại vòng lên hướng Lũng Mật rồi bay về đáp xuống sân ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, nơi chúng tôi đã dọn dẹp, cắm cờ đỏ xung quanh làm tín hiệu bãi hạ cánh cho trực thăng.
Khi trực thăng hạ cánh tướng Đàm Quang Trung chui ra mặt vẫn còn vã mồ hôi. Ông bảo mình thuộc địa hình, địa vật khu vực quê hương Sóc Giang như lòng bàn tay, không cần phải bản đồ. Ông nói với phi công cứ bay lên, lúc nào ông bảo hạ cánh thì hạ. Nhưng khi bay qua Sóc Giang ông đã không nhận ra vì thị trấn đã bị bọn giặc san phẳng rồi. Ông nói phi công cứ tiếp tục bay. Khi nhìn thấy thị trấn Bình Mãng với các khu nhà cao tầng không bị ảnh hưởng gì nhiều của cuộc chiến tranh vừa qua ông mới giật mình vội hô phi công bay lộn quay lại ngay. Suýt nữa thì xảy ra một tình huống xấu. Khi đi bộ qua thị trấn Sóc Giang, tướng Đàm Quang Trung càng kinh ngạc hơn bởi sự tàn phá ghê gớm của quân bành trướng xâm lược.
Sau khi ổn định vị trí trú quân các bộ phận bắt đầu lên các vị trí chiến đấu đào bới tìm kiếm liệt sĩ. Khắp nơi mùi thối rữa của tử thi, xác động vật bốc lên thật là kinh khủng. Việc xác định, phân biệt hài cốt đâu là quân ta, đâu là địch, đâu là dân thường cũng thật khó khăn. Mặc dù trước khi chiến tranh xảy ra mỗi người lính chúng tôi đều có mã số riêng của mình in trên một mảnh bìa cứng để sẵn trong túi áo phòng khi hy sinh thì chôn theo sau này còn biết danh tính. Nhưng đánh nhau cả tháng trời nhiều người đã không giữ nổi mảnh bìa ghi mã số riêng của mình. Mà chớ trêu thay là người giữ được thì vẫn sống, người chết thì lại chẳng còn giữ được cái mã số để đánh dấu mộ chí cho mình.
Những ngày sau, con đường xuôi về ngã ba Đôn Chương, về thị xã Cao Bằng đã được khai thông. Chuyến xe chở hàng đầu tiên đã lên tới thị trấn Sóc Giang. Đơn vị chúng tôi được tiếp tế vũ khí, đạn dược lương thực, thực phẩm. Có một chút thịt lợn kho ướp muối. Mỗi thằng chúng tôi còn được phát một bộ quần áo mới, một đôi giày vải mới. Thằng nào cũng diện ngay quần áo mới, giày mới. Ăn uống tuy còn độn ngô, độn mỳ song cũng no hơn nên trông dáng vẻ lính tráng khoẻ khoắn hơn. Nhiều thằng trông hai má đỡ hóp hơn, mặt mũi đỡ bơ phờ hốc hác như những hôm đầu khi mới trở về thị trấn, song chưa thể hết vẻ nhợt nhạt, hậu quả của dài ngày đói khát, gian khổ.
Song chúng tôi chưa kịp mừng thì xảy ra một chuyện. Đó là, khi tiểu đoàn bộị mới chuyển về vị trí các bản Cốc Sâu, Kép Ké này trú quân, tiểu đoàn trưởng cho quân y kiểm tra nguồn nước sử dụng nấu ăn, sinh hoạt. Nguồn nước mà các máng dẫn về bản từ rất xa trên núi. Dân bản thường đắp các đập trên núi rồi bắc máng dẫn nước tự chảy về nhà làm nước sinh hoạt hằng ngày. Y sĩ đơn vị chỉ đi đến chân núi rồi quay lại vì sợ lên núi vướng phải mìn hoặc gặp bọn thám báo của địch. Do đó, quân y tiểu đoàn đã không phát hiện là tại đập nước trên núi có mấy xác người chết đang thối rữa. Khi trời mưa xuống đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Thế là cả đơn vị chúng tôi gần một tháng nấu ăn, lấy uống đã dùng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng ấy. Thảo nào mà nước cứ có mùi hôi hôi. Bọn lính tráng chúng tôi lại toàn uống nước lã mới ghê sợ chứ. Một số anh em trong đơn vị có thể vì thế nên ngã nước, mặt bị sưng phù thũng lên chứ không phải là do sau chiến tranh bộ đội được ăn no nên béo khoẻ...
Cao Bằng-1979
Hà Nội, 1-2022
Ghi chép của Trọng Bảo
Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

13-TRÊN VÙNG NÚI ĐÁ

Đến đêm ngày 21-2-1979, phần lớn lực lượng của Tiểu đoàn 3 rút lui an toàn lên khu vực núi đá vôi Lũng Vài, Lũng Vỉ. Do nắm được tình hình nên chúng tôi không rút về hướng bản Nà Cháo vì bọn địch đang chốt chặn mà cắt qua cánh đồng lên núi. Cắt qua cánh đồng rất nguy hiểm. Nếu bị địch phát hiện dùng hỏa lực bắn chặn thì thương vong sẽ rất nặng nề. Đường lên núi rất nhỏ, độc đạo treo leo trên vách đá rất khó cơ động. Vì vậy, việc rút lui qua cánh đồng phải thật bí mật và bất ngờ. Bọn địch cũng không ngờ Tiểu đoàn 3 đã tổ chức một cuộc lui quân khỏi Sóc Giang an toàn như thế. Lực lượng của chúng ở trên điểm cao 505, cũng như ngay tại khu đồn công an vũ trang và bản Nà Nghiềng cũng không phát hiện được.
Khi chỉ huy tiểu đoàn và các lực lượng Đại đội 9, Đại đội 11 rút đã lên dãy núi đá thì các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10 cùng một tiểu đội của Đại đội 11 và trung đội tăng cường của cơ quan tiểu đoàn bộ vẫn tiếp tục củng cố trận địa tại điểm chốt trước cửa ngõ thị trấn Sóc Giang. Họ cầm cự chiến đấu với bọn giặc suốt ngày hôm sau không cho quân thù vào thị trấn. Buổi tối ngày 21-2, lực lượng cán bộ, chiến sĩ bộ phận chiến đấu ở chốt của Đại đội 10 đã tổ chức thành công một cuộc phá vây rút lui lên núi về lại với đội hình chiến đấu của tiểu đoàn.
Những ngày chúng tôi ở Lũng Vỉ thật là khốn khổ. Thiếu lương thực, thiếu nước. Vách núi đá vôi khô khốc. Chỗ khe đá có nhiều cây nhất dòng nước ri rỉ ra chảy cả ngày cũng chỉ được độ vài xô nước. Khi bộ đội chưa rút lên bà con ở đây thường dùng nước mưa là chủ yếu. Nước mưa được hứng cho chảy vào các bể xây bằng xi măng. Bể nào to lắm cũng chỉ chứa được khoảng hai, ba mét khối nước dự chữ. Bây giờ bộ đội và dân chạy loạn cũng kéo lên hàng trăm người thì lượng nước dự trữ của dân bản trên núi cũng cạn dần. Bộ đội và nhân dân chia nhau từng ca nước, nhúm gạo. Tôi không quên lần sang Lũng Mật lấy lương thực và nước bị bọn địch truy đuổi bắn hút chết. Và, cũng không bao giờ quên tấm lòng của bà con các bản trên núi đã chở che, chia sẻ giúp đỡ bộ đội.
Bộ đội ẩn náu trong các khe đá, hoặc giữa các mô đá mồ côi nhấp nhô khắp thung lũng. Một anh thương binh nằm trong khe đá tỉ mẩn quan sát những cây dương xỉ bám trên đá. Anh thấy những cái rễ loà xoà trùm lên hòn đá có những nốt phồng to như hạt lạc. Anh bứt nhấm thử, thấy có nước và vị ngọt. Thì ra những cây dương xỉ trên núi đá vôi khác hẳn những cây dương xỉ sống ở khu vực núi đất và trong khe suối ẩm ướt. Những nốt sần treo lủng lẳng trên rễ của cây dương xỉ trên núi đá vôi quanh năm khô cằn chính là cái túi dự chữ nước. Thiên nhiên khắc nghiệt đã bắt buộc sinh vật phải có cách thích nghi để sinh tồn và phát triển. Thế là thật tình cờ, chúng tôi phát hiện ra một nguồn nước tuy không thể nấu cơm, rửa vết thương cho thương binh nhưng lại có thể giải khát. Chúng tôi bứt những cái nốt sần rễ của cây dương xỉ nhai cho đỡ khát. Quả là một nguồn nước vô tận của người lính trong vòng vây quân thù. Một nguồn nước nhỏ nhoi nhưng thật vô cùng quý giá. Trong túi cóc ba lô ngoài nắm ngô rang còn có thêm những "hạt nước" của cây dương xỉ mọc trên núi đá vôi vùng biên giới khô cằn.
Những ngày ở trên dãy núi đá chúng tôi chủ yếu là ăn gạo sấy. Đó là loại gạo đã được rang chín đóng trong túi ni-lông. Lẽ ra có nước sôi đổ vào thì ăn sẽ ngon hơn. Nhưng chúng tôi không đun được nước sôi vì khói bốc lên sẽ lộ vị trí giấu quân. Vì thế, gạo sấy chủ yếu ngâm bằng nước lã. Ăn thứ gạo sấy này giống hệt như cơm nguội ném vào nước lạnh cho trương lên, hoặc tựa như những hạt cơm còn sót lại trong chậu sau khi rửa bát. Nó nhạt nhẽo. Nhưng trong vòng vây của kẻ thù có được một chút gạo sấy để ăn cho đỡ đói là đã may lắm rồi. Nhiều bộ phận không còn một gói gạo sấy nào nữa. Lương thực cạn dần, gạo sấy rồi cũng hết. Bộ đội cả ngày cũng chỉ có vài hạt ngô hoặc hạt đậu tương rang khô khốc mà chúng tôi gọi vui là “lương khô thời đánh Tàu”. Nhiều lúc hành quân leo núi mệt thời không ra hơi vẫn phải cố nhai ngô, đậu tương rang cho đỡ đói.
Từ ngày 22-2 trở đi bọn địch, nhất là lực lượng đặc nhiệm sơn cước của chúng bắt đầu truy kích theo dấu vết của Tiểu đoàn 3 chúng tôi. Vị trí tiểu đoàn chúng tôi ém quân ở Lũng Vài, Lũng Vỉ bị lộ do một số chiến sĩ công an vũ trang và thanh niên xung phong tự ý xuống bản tìm lương thực bị bọn địch phát hiện, mấy người bị chúng bắn thương vong. Bọn chúng truy đuổi theo số chiến sĩ này lên núi.
Tình hình tại Lũng Vỉ, Lũng Vài ngày càng khó khăn do lượng người tăng lên. Một số cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của trung đoàn cũng rút lui lên khu vực của Tiểu đoàn 3. Vấn đề lương thực và nước uống rất nan giải. Có những vị trí đảm bảo phòng ngự rất tốt nhưng do không có nước uống chúng tôi lại phải rời đi. Các bộ phận ban ngày thì ém quân trong các hang hốc, khe đá để tránh bị địch phát hiện, ban đêm thì cơ động xuống bản, xuống suối để tìm lương thực và nước uống. Bọn xâm lược đã tràn ngập khắp nơi nên việc xuống núi phải rất thận trọng. Tôi nhớ một hôm đang hành quân qua một thung lũng chợt có tiếng gọi:
- Anh Bảo! Có phải là anh Bảo đấy không?
Tôi vội dừng lại nhìn vào trong hốc đá. Một người lính quần áo tả tơi, mặt mũi hốc hác. Tôi nhận ra thằng Thông là người cùng làng. Thông là lính Tiểu đoàn 2 rút lui lên dãy núi đá. Tôi cũng kêu lên:
- Mày còn sống à! May quá...
Tôi biết Tiểu đoàn 2 phòng ngự ở hướng Trường Hà, Pác Bó cũng bị bọn bành trướng Trung Quốc tấn công rất ác liệt. Đơn vị đã chiến đấu rất kiên cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Khi được lệnh rút lui một số bộ phận thuộc Tiểu đoàn 2 thoát được lên dãy núi đá vôi này.
Thông nói:
- Em đói lắm! Anh có gì ăn được không?
Tôi đặt ba lô xuống thò tay vào túi cóc vốc một nắm ngô rang đưa cho Thông. Khi tôi và Thông đang chia nhau chút ngô rang ít ỏi thì tiếng súng bất ngờ dội lên. Bọn giặc bắn cối vào thung lũng. Tôi và Thông vội chia tay nhau để chạy theo đơn vị của mình. Mãi sau chiến tranh tôi mới gặp lại Thông ở quê. May quá trận ấy không ai bị làm sao.
Cuối tháng 2-1979, Tiểu đoàn 3 chúng tôi nhận được lệnh hành quân sang huyện Nguyên Bình tham gia chiến đấu bảo vệ khu công nghiệp mỏ thiếc Tĩnh Túc. Đơn vị vượt qua huyện Thông Nông để sang Nguyên Bình. Tiểu đoàn 3 đã chiến đấu và lập nhiều thành tích ở khu vực Hoàng Tung, Minh Tâm, Nguyên Bình. Nhưng tôi không có mặt trong các trận đánh ở nơi ấy. Đêm vượt vây bộ phận đi cuối chúng tôi bị “cắt đuôi” thất lạc khỏi đội hình đơn vị. Tôi dẫn được một số anh em cơ quan tiểu đoàn bộ chạy qua con đường ở thung lũng huyện lỵ Thông Nông, thoát khỏi được sự truy đuổi của bọn địch. Tôi không bao giờ quên được cái cảm giác bơ vơ, bi quan khi vượt vòng vây ở huyện Thông Nông lúc bị bọn địch cắt đuôi, thất lạc khỏi đội hình đơn vị nhìn lại xung quanh mình chỉ còn vài ba chiến sĩ quần áo tả tơi, súng hết đạn, ba lô không còn lương thực, có người bị thương băng còn quấn kín đầu. Vậy mà tôi cùng các chiến sĩ tiếp tục cuộc hành quân chiến đấu trong vòng vây dày đặc của quân thù cho đến ngày bọn chúng phải rút quân về nước. Nhớ những ngày chiến đấu, chia sẻ gian lao cùng anh em dân quân ở thung lũng Táp Ná, Thông Nông, nhớ lần phải uống bát nước pha thuốc phiện để chữa bệnh trên đường tìm về đơn vị. Bộ phận của tôi sau đó gặp được bộ phận của Đại đội 11 của trung úy Tuân cũng đang ở trong vòng vây của quân địch. Theo điều lệnh chiến đấu của quân đội chúng tôi chịu sự chỉ huy chung của trung úy Tuân, nguyên đại đội trưởng Đại đội 11..
Tôi được trung úy Tuân giao nhiệm vụ dẫn một tổ luồn qua vòng vây quân địch đi tìm tiểu đoàn rồi quay lại đón anh em trong vòng vây thoát ra. Nhưng chưa đi hết địa phận huyện Thông Nông bộ phận của chúng tôi gặp được đội hình tiểu đoàn khi đang quay trở lại Sóc Giang…
Cao Bằng-1979
Hà Nội, 1-2022
Ghi chép của Trọng Bảo
Có thể là hình ảnh về 3 người và ngoài trời