Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

      NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

11-HUYẾT TRẬN SÓC GIANG (phần 1)

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của bọn bành trướng Trung Quốc đã bước sang ngày thứ ba. Tiểu đoàn 3 của chúng tôi tuy đã bị thiệt hại nặng vẫn trụ vững, nhưng lực lượng của Đại đội 11 ở các chốt tiền tiêu phía cửa khẩu Bình Mãng còn rất ít. Khoảng 5 giờ sáng ngày 19-2, bọn địch chiếm mỏm ĐKZ, đến trưa cùng ngày thì chúng chiếm được phần lớn chốt cây đa thứ nhất của Đại đội 11. Tuy vậy, chúng cũng không thể tiến sang được chốt cây đa thứ hai vì vấp phải sự chặn đánh rất quyết liệt của bộ đội ta.
Tại chốt cây đa thứ nhất bộ đội đang đánh giáp la cà với quân địch và khẩn thiết yêu cầu tiểu đoàn cho pháo cối bắn trùm lên trận địa. Những người lính cuối cùng đã ngã xuống, hỏa lực cối 82 của Đại đội 12 bắn trùm lên những vị trí đang lúc nhúc quân bành trướng xâm lược.
Đến tối 19-2, chỉ huy tiểu đoàn quyết định rút lực lượng còn lại của Đại đội 11 về khu trường cấp 1+2 thị trấn Sóc Giang xây dựng trận địa phòng ngự. Như vậy là toàn bộ tuyến phòng ngự phía trước là các chốt cây đa thứ nhất, chốt cây đa thứ hai và mỏm ĐKZ đã lọt vào tay quân Trung Quốc xâm lược. Tuy vậy, tại mỏm 1 của chốt cây đa thứ nhất vẫn có tiếng súng bộ binh của quân ta kiên cường kháng cự. Đến đêm, khi các chiến sĩ trinh sát bò lên kiểm tra mới biết binh nhất, chiến sĩ Lý Mý Sùng, dân tộc Mông, quê ở Hà Giang vẫn bám trụ suốt cả ngày giữ vững mỏm 1 chốt cây đa thứ nhất. Nguyên do là bởi tối hôm trước một chiến sĩ khi lên gọi Lý Mý Sùng rút về chốt cây đa thứ hai đã bị trúng đạn hy sinh ngay gần đó. Không nhận được lệnh rút lui, Lý Mý Sùng một mình một khẩu súng máy, dù không được tiếp tế, không thức ăn nước uống gì vẫn cứ trụ lại đến cùng chiến đấu đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân địch, giữ vững trận địa suốt ngày 19-2. Đến tối, các chiến sĩ trinh sát phải băng qua làn lửa đạn bò lên kéo chân gọi Lý Mý Sùng mới biết để rút về phía sau theo đơn vị.
Bọn địch đã hình thành thế bao vây chặt Tiểu đoàn 3 chúng tôi. Từ phía cửa khẩu Bình Mãng bộ binh, xe tăng quân giặc lúc nhúc tiến xuống đến gần khu vực bản Cốc Vường. Từ phía Đôn Chương pháo địch bắn dội lên. Bộ binh, xe tăng địch đã xuất hiện ở tuyến đường từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang. Bọn địch cũng đã vượt qua được Nậm Lũng, Trường Hà tiến xuống đánh chiếm khu vực ngã ba Đôn Chương. Đơn vị pháo lựu 122 ở khu vực Cốc Sâu bị bọn địch đánh tập hậu từ ngã ba Đôn Chương lên phải kéo pháo ra mặt đường ngắm bắn xe tăng của chúng. Hết đạn họ đã phá hủy pháo rút lên dãy núi đất chiến đấu cùng bộ binh. Phía Mỏ Sắt, Thông Nông trinh sát báo về quân địch đang gấp rút hành quân ngược lên thị trấn Sóc Giang mà không gặp bất cứ sự chặn đánh nào.
Sau này chúng tôi mới biết dọc tuyến biên giới bọn địch phá đá làm đường đưa xe tăng lên núi. Khi pháo binh đang bắn dứt chúng đã thả trôi xe tăng sang đất ta. Xe tăng địch chạy vào thị trấn Thông Nông rồi ta mới biết nhưng không thông báo được cho các đơn vị tuyến sau vì đường dây thông tin bị cắt đứt. Những chiếc xe tăng quân địch bôi bùn đất che hai chữ “Bát-nhất”, cắm cờ đỏ sao vàng chạy xuống tận huyện lỵ Hòa An. Nhân dân hai bên đường còn tưởng là xe tăng quân ta diễn tập kéo ra xem. Đoàn xe tăng địch gặp lực lượng của Sư đoàn 346 phục kích chặn đánh tại Bản Sảy, xã Bế Triều, huyện Hòa An. Trận đánh ở Bản Sảy ngày 18-2 quân ta tiêu diệt 12 xe tăng, 150 tên địch. Đây chính là mũi tiến công của quân định thọc sâu vào vị trí chỉ huy của Sư đoàn 346 và tiến thẳng về thị xã Cao Bằng.
Tại điểm cao 505 ngay phía trên trận địa của Đại đội 10 xuất hiện lực lượng trinh sát đặc nhiệm sơn cước, thám báo của địch. Vậy là ba bên, bốn phía quân thù đang dồn đến. Thị trấn Sóc Giang như một ốc đảo chơ vơ giữa “biển người” của quân bành trướng xâm lược. Trong khi đó kể từ ngày 18-2, Tiểu đoàn 3 chúng tôi không còn nhận được bất cứ sự chi viện nào của cấp trên kể cả về lực lượng, hỏa lực và lương thực, đạn dược. Việc vận chuyển thương binh về phía sau cũng không thể thực hiện được nữa. Sở chỉ huy của trung đoàn và các trận địa pháo, các đơn vị ở phía sau đều bị bọn địch chia cắt tấn công dữ dội, phải chịu rất nhiều thiệt hại. Các đơn vị trực thuộc trung đoàn và phối thuộc đều bị bao vây cô lập phải độc lập chiến đấu rất quyết liệt với bọn giặc đông gấp bội, không thể chi viện cho nhau được nữa.
Không biết chúng tôi còn giữ được thị trấn Sóc Giang bao lâu nhưng chắc chắn là những ngày tiếp theo sẽ diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt. Giữa vòng vây trùng trùng lớp lớp của quân thù thế này chúng tôi khó có thể thoát ra, những người còn sống sót sau trận đánh cuối cùng cũng sẽ không còn đường rút lui. Nghĩ vậy nhưng tự dưng tôi cảm thấy không còn sợ hãi và lo lắng nhiều như những ngày đầu nữa. Hình như tất cả mọi người có mặt trong hang đều có cảm nhận và suy nghĩ như vậy. Có lẽ mọi người cũng như tôi đều nghĩ ngày mai nhất định mình sẽ quyết chiến một trận với bọn xâm lược và nhất định sẽ chết ở cái thị trấn miền biên ải này nên không ai còn thấy lo lắng sợ hãi nữa. Chúng tôi nhắc nhau sẽ bắn đến viên đạn cuối cùng nhưng sẽ để lại cho mình một quả lựu đạn cuối cùng.
Tình hình tạm lắng xuống tôi mới có chút thời gian để ghi chép tình hình trong ngày. Chút mực tím trong lọ penexlin sắp hết. May là tôi còn mấy cái bút chì vốn là “học cụ” được cấp để ghi và dịch điện huấn luyện chuyên ngành thông tin vô tuyến. Ánh sáng trong hang hơi tối nhưng tôi vẫn nhận ra chính trị viên Hoàng Quốc Doanh. Anh đang đi đi lại lại giữa hang vẻ suy tư. Khi tôi đang cắm cúi ghi chép thì có người vỗ nhẹ trên vai. Tôi ngẩng đầu lên nhận ra là chính trị viên Hoàng Quốc Doanh. Theo phản xạ của người lính tôi định đứng dậy trước người chỉ huy thì anh bảo:
- Viết gì thì cứ viết đi...
Đoạn, anh đi qua chỗ các thương binh đang nằm ngồi dựa vào vách hang. Anh hỏi chuyện một chiến sĩ bị thương vào tay, căn dặn mấy chiến sĩ vận tải vừa đi chuyển thương về. Giữa lúc đó thì trợ lý tham mưu tiểu đoàn Bùi Đức Thọ đến báo cáo. Chắc là có việc khẩn cấp nên chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vội theo trợ lý tham mưu Thọ đi ra phía cửa hang chính.
Đêm 19-2, Tiểu đoàn 3 nhận được bức điện của chỉ huy Trung đoàn 246 qua tổ đài vô tuyến 2W: “Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 3 cơ động lực lượng, rút lui về phía nam cao điểm 505 tổ chức trận địa phòng ngự”. Đảng ủy tiểu đoàn lập tức tiến hành họp phiên bất thường ngay sau đó. Tham dự cuộc họp có đại úy Đàm Đình Ngữ, trung đoàn phó, tham mưu trưởng Trung đoàn 246 đang có mặt trực tiếp theo dõi chỉ huy chiến đấu tại Tiểu đoàn 3. Đảng ủy tiểu đoàn ra nghị quyết “xin được tiếp tục ở lại chiến đấu bảo vệ thị trấn Sóc Giang, ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược Trung Quốc”. Quyết tâm ấy đã được báo cáo về trung đoàn ngay trong đêm cũng qua mạng thông tin vô tuyến điện 2W. Trung đoàn đồng ý với quyết định của Tiểu đoàn 3. Ngay sau đó liên lạc bằng vô tuyến điện 2W với chỉ huy trung đoàn cũng bị mất hẳn luôn.
Từ vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn 3 cũng chỉ còn liên lạc với các đơn vị trực thuộc được bằng các máy vô tuyến điện sóng cực ngắn 884 của tiểu đội tôi là chủ yếu. Các tuyến đường dây lên các trận địa đã bị đạn pháo băm nát không khắc phục được nữa. Các chiến sĩ hữu tuyến và một số anh em tiểu đội truyền đạt được biên chế vào các bộ phận trực tiếp chiến đấu và tăng cường cho các đơn vị. Tổ đài vô tuyến điện đảm bảo thông tin cho Đại đội 11 của chiến sĩ Châu cũng đã được rút về hang huyện ủy. Do đó, tại sở chỉ huy tiểu đoàn bây giờ có hai máy 884 và ba chiến sĩ thông tin tương đối giỏi nên tôi thấy yên tâm hơn. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi giao lại cho tôi ba khối pin dự trữ cuối cùng. Tôi giữ lại một khối cho máy vô tuyến ở sở chỉ huy tiểu đoàn, gửi cho tổ đài ở Đại đội 10 và Đại đội 12 mỗi tổ một khối pin dự trữ. Tôi căn dặn anh em phải hết sức tiết kiệm nguồn pin để luôn giữ vững liên lạc phục vụ chiến đấu.
Buổi sáng ngày 20-2, tự dưng trời hửng nắng. Tiếng đạn pháo, tiếng súng bộ binh cũng lắng đi một lát. Tôi chui ra bên ngoài cửa hang chính quan sát. Thị trấn Sóc Giang bỗng bình yên lạ thường. Bản Nà Nghiềng nằm gần điểm chốt của Đại đội 10 có nhiều cây cổ thụ nên xanh biếc. Mùa xuân đã đến rồi. Tiếng con suối chảy rì rào phía bên kia cánh đồng. Có một tiếng gà gáy từ dưới bản vọng lên... Thị trấn Sóc Giang nếu không có cảnh đổ nát hoang tàn, cây cối ám khói, những hố đạn pháo lỗ chỗ trên mặt đường thì chẳng ai nghĩ ở nơi này đang xảy ra một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt.
Thị trấn Sóc Giang đã trở thành một “Tọa-độ-lửa” như chúng tôi đã gọi sau mấy ngày chiến tranh. Mọi hỏa lực của quân giặc đều tập trung rót lửa vào Sóc Giang. Không một thân cây, một ngôi nhà trong thị trấn còn nguyên vẹn. Kẻ thù đang bủa vây bốn phía. Mọi nòng súng của chúng đều hướng vào thị trấn Sóc Giang, nơi đang những người lính Tiểu đoàn 3 vẫn kiên cường bám trụ.
Khi trời chưa sáng hẳn, thị trấn có một khoảng thời gian yên hẳn tiếng súng. Có lẽ bọn địch đang điều động lực lượng, tổ chức hiệp đồng để đánh một trận quyết định vào thị trấn, quyết tiêu diệt gọn tiểu đoàn chúng tôi.
Cái khoảng lặng lúc này giống như giữa một vùng tâm bão. Thị trấn Sóc Giang đổ nát, cháy sém, khắp nơi còn vương khói lửa tựa như một người lính bị trọng thương vẫn kiên cường trụ vững và sẵn sàng lao vào một trận đánh quyết liệt mới.
Tôi quay lại chỗ cửa hang phụ, nơi bộ phận thông tin đang đặt máy vô tuyến điện. Hai bên thành hang các chiến sĩ trinh sát, thông tin, vận tải chưa phải đi làm nhiệm vụ và các thương binh đang tranh thủ ngồi dựa vào vách đá ngủ gà ngủ gật. Họ đã quá mệt mỏi, đói khát sau ba ngày chiến đấu ác liệt và suốt đêm đi chuyển thương, đào huyệt mai táng liệt sĩ, củng cố công sự trận địa. Nhìn những người đồng đội súng dựa vào vai ngủ ngồi trong lòng tôi bỗng thấy nôn nao khó tả. Bởi vì, chỉ sau một vài tiếng sau thôi trong số những người đồng đội ấy nhiều người tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại nữa. Và có thể chính tôi cũng sẽ không còn được gặp lại họ nữa?
Sau ba ngày đọ sức quyết liệt với quân xâm lược đông đảo, Đại đội 11 bị đánh bật khỏi các chốt cây đa số một và cây đa số hai hướng cửa khẩu Bình Mãng. Ban chỉ huy đại đội hy sinh gần hết. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11 bị thương vong quá nhiều phải rút lui về phòng ngự ở trường cấp 1+2 Sóc Giang, gần vị trí hang sở chỉ huy của tiểu đoàn. Đại đội 9 tiếp tục bảo vệ trận địa Kéo Nghìn và khu vực uỷ ban nhân dân huyện Hà Quảng. Đại đội 10 thì vẫn phòng ngự ở mỏm đồi đất bên dưới điểm cao 505 án ngữ con đường từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn huyện lỵ Hà Quảng.
Cả buổi sáng ngày 20-2, bọn địch từ hướng Đôn Chương nống lên tập kết ở phía các bản Cốc Sâu, Kép Ké. Bọn chúng bắn pháo và tổ chức hai đợt tấn công có tính chất thăm dò không ác liệt lắm vào trận địa của Đại đội 10.
Đài quan sát báo cáo phát hiện có nhiều bộ binh, xe tăng địch từ Đôn Chương đang tiếp tục hành tiến lên tập kết ở khu vực các bản Cốc Sâu, Kép Ké. Phía cửa khẩu Bình Mãng bộ binh và xe cơ giới Trung Quốc cũng đang tiến xuống. Hướng Mỏ Sắt bộ binh địch đã hành quân qua Quý Quân lên, áp sát bản Nà Cháo. Bọn lính đặc nhiệm sơn cước, thám báo xuất hiện tại điểm cao 505 phía trên các điểm chốt của Đại đội 10. Tại sở chỉ huy tiểu đoàn trong hang huyện uỷ giữa thị trấn Sóc Giang lúc này chỉ còn có thượng uý Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên tiểu đoàn là người chỉ huy cao nhất. Tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm từ đêm hôm trước nói là đi kiểm tra đốc chiến các đơn vị đã rời khỏi vị trí chỉ huy của tiểu đoàn tại hang huyện ủy lên trận địa của Đại đội 12 hoả lực tít trên Lũng Vỉ. Lũng Vỉ ở trên dãy núi đá cao, vách núi dựng đứng, hiểm trở, chỉ có một lối mòn độc đạo lên núi, bọn địch chưa thể tấn công lên đấy được.
Bọn địch đã hình thành thế bao vây Tiểu đoàn 3 chúng tôi từ bốn phía. Liên lạc từ vị trí chỉ huy của tiểu đoàn với các đơn vị chỉ còn đảm bảo được nhờ các đài sóng cực ngắn 884 do tôi phụ trách. Mệnh lệnh chiến đấu của chỉ huy tiểu đoàn, báo cáo tình hình của các đơn vị đều được chúng tôi truyền đạt đầy đủ, thông suốt. Có nhiều lúc tôi cũng cuống cả lên vì tình hình khẩn cấp từ các hướng mà tôi trực tiếp nghe qua các máy vô tuyến 884 điện báo về. Trong khi đó, tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm từ mãi trên đỉnh núi đá cao cũng cứ liên tục điện về chỉ đạo hành động của các cán bộ tại hang huyện ủy. Tôi phải chạy đi chạy lại từ cửa hang phụ vào giữa hang để truyền đạt lại ý kiến của tiểu đoàn trưởng với chính trị viên Hoàng Quốc Doanh. Lúc đầu anh Doanh còn im lặng nghe với vẻ khó chịu. Sau thấy tôi cứ tiếp tục thông báo mãi ý kiến của tiểu đoàn trưởng từ trên núi truyền xuống anh nổi cáu quát:
- Mày không cần phải báo lại nữa! Ở trên núi thì biết mẹ gì tình hình đang diễn ra ở đây mà chỉ đạo... Im đi, để tao còn chỉ huy chiến đấu giữ trận địa…
Tôi hơi hoảng vì từ hôm chiến tranh xảy ra đến nay mới thấy chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh nổi cáu như vậy. Sau đó, biết là đã mắng oan tôi, lúc tình hình tạm lắng xuống anh Doanh đi đến vỗ vai tôi và nói nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe:
- Lần sau, nghe ông ấy có ra lệnh và chỉ thị gì thì mày không cần phải báo cáo với tao nữa nhé!
Tôi nhìn anh khẽ đáp lại:
- Vâng ạ!
Anh Doanh gật đầu rồi bảo tôi:
- Mày lệnh ngay cho Đại đội 12 lấy phần tử chuẩn bị bắn là vị trí tập kết của bọn địch ở khu vực lò sấy thuốc lá bản Kép Ké nhé. Phải dập cho lũ Tàu khựa này mấy quả cối 82 để cảnh cáo bọn chúng!
Tôi lập tức thông báo cho Đại đội 12. Sau khi Đại đội 12 báo cáo chuẩn bị phần tử bắn xong anh Doanh lệnh cấp tập liền năm quả cối 82. Đài quan sát báo về đạn rơi trúng mục tiêu, quân địch nháo nhác, hoảng sợ...
Sau này gặp lại khi tôi hỏi về việc tại sao tiểu đoàn trưởng Thiêm không có mặt ở vị trí chỉ huy tiểu đoàn trong trận đánh ác liệt nhất ở “Tọa-độ-lửa” Sóc Giang ngày 20-2-1979, anh Doanh vẫn không trả lời một cách rõ ràng. Có lẽ anh không muốn nói ra một điều không hay về người đồng cấp của mình? Anh Doanh không nói nhưng tôi hiểu, chiến tranh sắt thép cũng còn phải chảy ra thành nước nữa là...
Cao Bằng - 1979
Hà Nội, 1-2022
Ghi chép của Trọng Bảo
Có thể là hình ảnh về 1 người và ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét