Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

13-TRÊN VÙNG NÚI ĐÁ

Đến đêm ngày 21-2-1979, phần lớn lực lượng của Tiểu đoàn 3 rút lui an toàn lên khu vực núi đá vôi Lũng Vài, Lũng Vỉ. Do nắm được tình hình nên chúng tôi không rút về hướng bản Nà Cháo vì bọn địch đang chốt chặn mà cắt qua cánh đồng lên núi. Cắt qua cánh đồng rất nguy hiểm. Nếu bị địch phát hiện dùng hỏa lực bắn chặn thì thương vong sẽ rất nặng nề. Đường lên núi rất nhỏ, độc đạo treo leo trên vách đá rất khó cơ động. Vì vậy, việc rút lui qua cánh đồng phải thật bí mật và bất ngờ. Bọn địch cũng không ngờ Tiểu đoàn 3 đã tổ chức một cuộc lui quân khỏi Sóc Giang an toàn như thế. Lực lượng của chúng ở trên điểm cao 505, cũng như ngay tại khu đồn công an vũ trang và bản Nà Nghiềng cũng không phát hiện được.
Khi chỉ huy tiểu đoàn và các lực lượng Đại đội 9, Đại đội 11 rút đã lên dãy núi đá thì các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10 cùng một tiểu đội của Đại đội 11 và trung đội tăng cường của cơ quan tiểu đoàn bộ vẫn tiếp tục củng cố trận địa tại điểm chốt trước cửa ngõ thị trấn Sóc Giang. Họ cầm cự chiến đấu với bọn giặc suốt ngày hôm sau không cho quân thù vào thị trấn. Buổi tối ngày 21-2, lực lượng cán bộ, chiến sĩ bộ phận chiến đấu ở chốt của Đại đội 10 đã tổ chức thành công một cuộc phá vây rút lui lên núi về lại với đội hình chiến đấu của tiểu đoàn.
Những ngày chúng tôi ở Lũng Vỉ thật là khốn khổ. Thiếu lương thực, thiếu nước. Vách núi đá vôi khô khốc. Chỗ khe đá có nhiều cây nhất dòng nước ri rỉ ra chảy cả ngày cũng chỉ được độ vài xô nước. Khi bộ đội chưa rút lên bà con ở đây thường dùng nước mưa là chủ yếu. Nước mưa được hứng cho chảy vào các bể xây bằng xi măng. Bể nào to lắm cũng chỉ chứa được khoảng hai, ba mét khối nước dự chữ. Bây giờ bộ đội và dân chạy loạn cũng kéo lên hàng trăm người thì lượng nước dự trữ của dân bản trên núi cũng cạn dần. Bộ đội và nhân dân chia nhau từng ca nước, nhúm gạo. Tôi không quên lần sang Lũng Mật lấy lương thực và nước bị bọn địch truy đuổi bắn hút chết. Và, cũng không bao giờ quên tấm lòng của bà con các bản trên núi đã chở che, chia sẻ giúp đỡ bộ đội.
Bộ đội ẩn náu trong các khe đá, hoặc giữa các mô đá mồ côi nhấp nhô khắp thung lũng. Một anh thương binh nằm trong khe đá tỉ mẩn quan sát những cây dương xỉ bám trên đá. Anh thấy những cái rễ loà xoà trùm lên hòn đá có những nốt phồng to như hạt lạc. Anh bứt nhấm thử, thấy có nước và vị ngọt. Thì ra những cây dương xỉ trên núi đá vôi khác hẳn những cây dương xỉ sống ở khu vực núi đất và trong khe suối ẩm ướt. Những nốt sần treo lủng lẳng trên rễ của cây dương xỉ trên núi đá vôi quanh năm khô cằn chính là cái túi dự chữ nước. Thiên nhiên khắc nghiệt đã bắt buộc sinh vật phải có cách thích nghi để sinh tồn và phát triển. Thế là thật tình cờ, chúng tôi phát hiện ra một nguồn nước tuy không thể nấu cơm, rửa vết thương cho thương binh nhưng lại có thể giải khát. Chúng tôi bứt những cái nốt sần rễ của cây dương xỉ nhai cho đỡ khát. Quả là một nguồn nước vô tận của người lính trong vòng vây quân thù. Một nguồn nước nhỏ nhoi nhưng thật vô cùng quý giá. Trong túi cóc ba lô ngoài nắm ngô rang còn có thêm những "hạt nước" của cây dương xỉ mọc trên núi đá vôi vùng biên giới khô cằn.
Những ngày ở trên dãy núi đá chúng tôi chủ yếu là ăn gạo sấy. Đó là loại gạo đã được rang chín đóng trong túi ni-lông. Lẽ ra có nước sôi đổ vào thì ăn sẽ ngon hơn. Nhưng chúng tôi không đun được nước sôi vì khói bốc lên sẽ lộ vị trí giấu quân. Vì thế, gạo sấy chủ yếu ngâm bằng nước lã. Ăn thứ gạo sấy này giống hệt như cơm nguội ném vào nước lạnh cho trương lên, hoặc tựa như những hạt cơm còn sót lại trong chậu sau khi rửa bát. Nó nhạt nhẽo. Nhưng trong vòng vây của kẻ thù có được một chút gạo sấy để ăn cho đỡ đói là đã may lắm rồi. Nhiều bộ phận không còn một gói gạo sấy nào nữa. Lương thực cạn dần, gạo sấy rồi cũng hết. Bộ đội cả ngày cũng chỉ có vài hạt ngô hoặc hạt đậu tương rang khô khốc mà chúng tôi gọi vui là “lương khô thời đánh Tàu”. Nhiều lúc hành quân leo núi mệt thời không ra hơi vẫn phải cố nhai ngô, đậu tương rang cho đỡ đói.
Từ ngày 22-2 trở đi bọn địch, nhất là lực lượng đặc nhiệm sơn cước của chúng bắt đầu truy kích theo dấu vết của Tiểu đoàn 3 chúng tôi. Vị trí tiểu đoàn chúng tôi ém quân ở Lũng Vài, Lũng Vỉ bị lộ do một số chiến sĩ công an vũ trang và thanh niên xung phong tự ý xuống bản tìm lương thực bị bọn địch phát hiện, mấy người bị chúng bắn thương vong. Bọn chúng truy đuổi theo số chiến sĩ này lên núi.
Tình hình tại Lũng Vỉ, Lũng Vài ngày càng khó khăn do lượng người tăng lên. Một số cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của trung đoàn cũng rút lui lên khu vực của Tiểu đoàn 3. Vấn đề lương thực và nước uống rất nan giải. Có những vị trí đảm bảo phòng ngự rất tốt nhưng do không có nước uống chúng tôi lại phải rời đi. Các bộ phận ban ngày thì ém quân trong các hang hốc, khe đá để tránh bị địch phát hiện, ban đêm thì cơ động xuống bản, xuống suối để tìm lương thực và nước uống. Bọn xâm lược đã tràn ngập khắp nơi nên việc xuống núi phải rất thận trọng. Tôi nhớ một hôm đang hành quân qua một thung lũng chợt có tiếng gọi:
- Anh Bảo! Có phải là anh Bảo đấy không?
Tôi vội dừng lại nhìn vào trong hốc đá. Một người lính quần áo tả tơi, mặt mũi hốc hác. Tôi nhận ra thằng Thông là người cùng làng. Thông là lính Tiểu đoàn 2 rút lui lên dãy núi đá. Tôi cũng kêu lên:
- Mày còn sống à! May quá...
Tôi biết Tiểu đoàn 2 phòng ngự ở hướng Trường Hà, Pác Bó cũng bị bọn bành trướng Trung Quốc tấn công rất ác liệt. Đơn vị đã chiến đấu rất kiên cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Khi được lệnh rút lui một số bộ phận thuộc Tiểu đoàn 2 thoát được lên dãy núi đá vôi này.
Thông nói:
- Em đói lắm! Anh có gì ăn được không?
Tôi đặt ba lô xuống thò tay vào túi cóc vốc một nắm ngô rang đưa cho Thông. Khi tôi và Thông đang chia nhau chút ngô rang ít ỏi thì tiếng súng bất ngờ dội lên. Bọn giặc bắn cối vào thung lũng. Tôi và Thông vội chia tay nhau để chạy theo đơn vị của mình. Mãi sau chiến tranh tôi mới gặp lại Thông ở quê. May quá trận ấy không ai bị làm sao.
Cuối tháng 2-1979, Tiểu đoàn 3 chúng tôi nhận được lệnh hành quân sang huyện Nguyên Bình tham gia chiến đấu bảo vệ khu công nghiệp mỏ thiếc Tĩnh Túc. Đơn vị vượt qua huyện Thông Nông để sang Nguyên Bình. Tiểu đoàn 3 đã chiến đấu và lập nhiều thành tích ở khu vực Hoàng Tung, Minh Tâm, Nguyên Bình. Nhưng tôi không có mặt trong các trận đánh ở nơi ấy. Đêm vượt vây bộ phận đi cuối chúng tôi bị “cắt đuôi” thất lạc khỏi đội hình đơn vị. Tôi dẫn được một số anh em cơ quan tiểu đoàn bộ chạy qua con đường ở thung lũng huyện lỵ Thông Nông, thoát khỏi được sự truy đuổi của bọn địch. Tôi không bao giờ quên được cái cảm giác bơ vơ, bi quan khi vượt vòng vây ở huyện Thông Nông lúc bị bọn địch cắt đuôi, thất lạc khỏi đội hình đơn vị nhìn lại xung quanh mình chỉ còn vài ba chiến sĩ quần áo tả tơi, súng hết đạn, ba lô không còn lương thực, có người bị thương băng còn quấn kín đầu. Vậy mà tôi cùng các chiến sĩ tiếp tục cuộc hành quân chiến đấu trong vòng vây dày đặc của quân thù cho đến ngày bọn chúng phải rút quân về nước. Nhớ những ngày chiến đấu, chia sẻ gian lao cùng anh em dân quân ở thung lũng Táp Ná, Thông Nông, nhớ lần phải uống bát nước pha thuốc phiện để chữa bệnh trên đường tìm về đơn vị. Bộ phận của tôi sau đó gặp được bộ phận của Đại đội 11 của trung úy Tuân cũng đang ở trong vòng vây của quân địch. Theo điều lệnh chiến đấu của quân đội chúng tôi chịu sự chỉ huy chung của trung úy Tuân, nguyên đại đội trưởng Đại đội 11..
Tôi được trung úy Tuân giao nhiệm vụ dẫn một tổ luồn qua vòng vây quân địch đi tìm tiểu đoàn rồi quay lại đón anh em trong vòng vây thoát ra. Nhưng chưa đi hết địa phận huyện Thông Nông bộ phận của chúng tôi gặp được đội hình tiểu đoàn khi đang quay trở lại Sóc Giang…
Cao Bằng-1979
Hà Nội, 1-2022
Ghi chép của Trọng Bảo
Có thể là hình ảnh về 3 người và ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét