Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

      NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

LTG: Sau một thời gian phải tập trung để hoàn thành cuốn tiểu thuyết mới và trở về quê chăm sóc, hồi phục lại vườn phong lan rừng sau nhiều tháng giãn cách phong tỏa vì dịch Covid-19, từ hôm nay tôi xin trở lại với những ghi chép “NHỚ VỀ HÀ QUẢNG”. Sắp đến đến kỷ niệm 43 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 2-1979, Nhà bia Tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 246 hy sinh tại hang Bản Giới (Hà Quảng, Cao Bằng) cũng sắp hoàn thành. Mong ghi chép này sẽ là một nén hương tưởng nhớ tới những người đồng đội đã ngã xuống ở biên cương năm ấy (TRỌNG BẢO).
9- TRẬN ĐẦU GIAO CHIẾN
Lúc đó là khoảng 5 giờ sáng ngày 17-2-1979. Trời còn mù mịt sương đêm.
Xe tăng và bộ binh Trung Quốc tràn qua biên giới. Bọn địch chia làm ba mũi tấn công sang chốt cây đa thứ nhất của Đại đội 11. Mũi chính diện gồm xe tăng và bộ binh vượt qua cửa khẩu Bình Mãng dọc theo bờ suối, mũi thứ hai từ triền núi đá tràn xuống, mũi thứ ba từ bản Nà Sác đánh lên.
Những chiếc xe tăng nhãn hiệu “Bát-nhất” bò lổm ngổm như lũ cua trên cánh đồng. Hàng ngàn tên giặc bành trướng đen đặc, lúc nhúc như một đám giòi bọ bu bám dưới chân các điểm chốt của Đại đội 11. Bọn chúng hò hét tràn lên trận địa của ta. Tiếng kèn còi xung trận của bọn Tàu ò e, tiếng súng râm ran khắp cánh đồng. Đạn pháo từ bên kia biên giới vẫn bắn sang rất dữ dội. Đất đá, khói bụi bay mù mịt. Nguy hiểm nhất là bọn địch ở trên mỏm núi cao phía trên trận địa của Đại đội 11. Bọn chúng dùng súng 12ly7, cối 60 dội lửa trực tiếp xuống đầu bộ đội ta. Mỏm núi đá này ăn sâu vào đất ta, có hệ thống các lô cốt rất kiên cố. Theo hiệp định phân định biên giới giữa Pháp và nhà Thanh trước đây thì đoạn biên giới chỗ cửa khẩu Bình Mãng có mỏm núi đá cao rất sâu vào đất ta này lại thuộc địa phận Trung Quốc. Lẽ ra mỏm núi này phải là lãnh thổ của Việt Nam mới đúng. Từ trên mỏm núi ấy bọn địch đặt đài quan sát và các ổ hỏa lực mạnh có thể khống chế toàn bộ các điểm chốt cây đai thứ nhất, chốt cây đã thứ hai cho đến tận các bản Cốc Vường, bản Kéo Nghìn. Các chiến sĩ Đại đội 11 vận động dưới chiến hào sâu lút đầu người vẫn có thể bị trúng đạn bắn tỉa của bọn địch từ trên cao bắn xuống…
Tiểu đoàn trưởng Thiêm lệnh cho Đại đội 11 nổ súng kiên quyết chặn đánh quân xâm lược, bảo vệ trận địa... Tình hình căng thẳng. Bọn Trung Quốc tấn công rất dữ dội. Tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm là người rất nóng tính vừa ra lệnh vừa văng tục quát mắng cấp dưới ầm ĩ. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh thì điềm tĩnh hơn nhưng cũng rất kiên quyết khi chỉ huy bộ đội. Bộ phận đảm bảo thông tin liên lạc của chúng tôi là những người bị quát mắng nhiều nhất vì liên quan trực tiếp đến việc truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy tiểu đoàn với các đơn vị. Các chiến sĩ hữu tuyến điện phải lao ra khỏi hang nối đường dây đứt liên tục vì đạn pháo. Tiểu đội truyền đạt cũng thay nhau chạy lên trận địa chốt cây đa của Đại đội 11. Hạ sĩ Nguyễn Văn Đam, tiểu đội trưởng truyền đạt mang mệnh lệnh lên chốt cây đa trúng đạn địch hy sinh. Chiến sĩ đài vô tuyến điện ở sở chỉ huy là người dân tộc Mông bị thủ trưởng quát mắng sợ cuống cả lên nói không thành lời. Tôi phải trực tiếp cầm tổ hợp máy vô tuyến những lúc tình hình chiến sự ác liệt để đảm bảo thông tin liên lạc. Cứ thế, đơn vị báo cáo về, lệnh của tiểu đoàn xuống các đại đội được truyền qua mạng thông tin vô tuyến điện của tiểu đội tôi luôn thông suốt.
Đại đội 11 là đơn vị đầu tiên của Tiểu đoàn 3 nổ súng chặn đánh bộ binh và xe tăng của quân xâm lược Trung Quốc. Các khẩu đội cối 82 và 12ly7 của Đại đội 12 ở trên Lũng Mật, Lũng Vỉ đã tích cực chi viện rất hiệu quả cho Đại đội 11 giữ chốt. Ngay buổi sáng ngày 17-2, Đại đội 11 đã bắn cháy 2 xe tăng, tiêu diệt gần 300 tên địch, giữ vững được trận địa. Bọn địch mấy lần bị đẩy lui xuống cánh đồng. Tin chiến thắng báo về khiến mọi người ở sở chỉ huy tiểu đoàn rất phấn khởi.
Qua máy vô tuyến, chỉ huy Đại đội 11 báo cáo rõ thêm tình hình: “Trung đội phó Trần Xuân Ngọc xuống tận bụi tre dưới chân chốt sát con đường từ cửa khẩu xuống phục kích đón bắn xe tăng địch. Khi những chiếc xe tăng lao tới anh bắn cháy một chiếc. Chiếc xe tăng bị bắn cháy ngay giữa đội hình bộ binh của chúng khiến quân địch hoảng loạn. Trần Xuân Ngọc đã hy sinh khi chuẩn bị bắn quả đạn thứ hai”. Chiếc xe tăng của quân xâm lược Trung Quốc do Trần Xuân Ngọc bắn cháy cũng là chiếc đầu tiên do Tiểu đoàn 3 tiêu diệt. Trần Xuân Ngọc quê ở xã Đại Đình, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Ngọc nhập ngũ tháng 11-1976, là chiến sĩ của tiểu đội tôi khi còn đường ở Hà Giang. Ngọc đã có vợ và một con, tính tình hiền lành, ít nói, rất cần cù chịu khó trong công việc hằng ngày.
Sau đợt tấn công đầu tiên của địch một số cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11 hy sinh và bị thương. Anh em bị thương được đưa ngay về tuyến sau. Từ trên hang Ma Gà tôi nhìn thấy có cả mấy cô gái dân quân các bản Cốc Sâu, Kép Ké cùng với bộ đội lên tuyến trước chuyển thương.
Khoảng 8 giờ sáng, bọn địch tổ chức đợt tấn công mới vào trận địa của Đại đội 11. Hỏa lực các loại của địch bắn rất ác liệt vào các chốt cây đa và mỏm ĐKZ. Hỏa lực địch chưa ngớt bộ binh và xe tăng của chúng đã tràn sang trận địa của ta. Chỉ huy Đại đội 11 điện về tiểu đoàn báo cáo: “Địch đang tấn công rất dữ dội vào trận địa. Đồng chí chuẩn úy Dương Đình Hà, chính trị viên phó đại đội hy sinh. Quân địch đã chiếm được mỏm ĐKZ và phần lớn chốt cây đa thứ nhất. Đại đội 11 xin hỏa lực bắn vào mỏm ĐKZ và phía trước điểm chốt cây đa thứ nhất...”. Chỉ huy Đại đội 11 chưa báo cáo xong thì đường dây lại bị đứt. Tôi nghe tiếng tiểu đoàn trưởng Thiêm nói như quát vào tổ hợp:
- A lô... a lô Đại đội 11... Đại đội 11 đâu...?
Các chiến sĩ hữu tuyến lại vội đeo máy vác cuộn dây lao xuống cánh đồng. Tôi vội bấm công tắc tổ hợp máy vô tuyến gọi Đại đội 11. Tiếng chiến sĩ Châu vang lên rành rọt trong tai nghe truyền đạt báo cáo tình hình của chỉ huy Đại đội 11: “Đại đội 11 xin pháo bắn vào chốt cây đa thứ nhất và mỏm ĐKZ”. Khi tôi báo cáo lại, tiểu đoàn trưởng Thiêm quát:
- Bắn vào đâu! Bắn vào đâu? Hỏi lại xem Đại đội 11 xin hỏa lực bắn vào đâu rõ chưa?
Tôi lập tức hỏi lại và vẫn nhận được báo cáo và yêu cầu khẩn cấp của chỉ huy Đại đội 11: “Quân địch đã chiếm được phần lớn chốt cây đa thứ nhất, hiện nhiều tên đã lao xuống tuyến công sự thứ hai rồi. Đại đội 11 đang chiến đấu rất quyết liệt nhưng chưa đẩy lùi được quân địch vì chúng quá đông. Xin tiểu đoàn cho pháo bắn vào chính giữa cây đa thứ nhất...”.
Sau khi chỉ huy tiểu đoàn hội ý chớp nhoáng, tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm lệnh cho tôi:
- Gọi ngay cho Đại đội 12, thông báo chuẩn bị phần tử bắn: “Chốt cây đa thứ nhất của Đại đội 11”.
Tôi lập tức báo ngay cho Đại đội 12 hỏa lực. Chỉ huy và các chiến sĩ ở đài quan sát của Đại đội 12 vô cùng sửng sốt hỏi lại tiểu đoàn xem chỉ thị bắn vào đâu? Tôi phải nhắc lại mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng thêm một lần nữa. Tình huống lúc này trở nên vô cùng căng thẳng, nguy hiểm. Đại đội 12 chuẩn bị phần tử bắn xong, tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm và chính trị viên Hoàng Quốc Doanh lại bảo tôi điện hỏi lại Đại đội 11 thêm một lần nữa cho thật chắc chắn rồi mới hạ lệnh cho Đại đội 12 bắn cấp tập cối 82 vào điểm chốt cây đa thứ nhất. Ngay sau đó chúng tôi nhận được điện chỉ huy Đại đội 11 báo về “Đạn cối của ta bắn rất chính xác, quân địch chết rất nhiều”. Đại đội 11 đề nghị hỏa lực tiếp tục bắn thêm vào chốt cây đa thứ nhất để đẩy lui bọn chúng xuống dưới cánh đồng bản Nà Sác...
Gần trưa ngày 17-2, đường dây lên chốt của Đại đội 11 được nối thông. Tiếng chuông máy điện thoại reo lên giòn giã trong hang. Tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm lập tức chộp ngay lấy máy gọi cho chỉ huy Đại đội 11. Giọng nói của tiểu đoàn trưởng Thiêm bớt gay gắt và có vẻ xúc động:
- A lô! Đại đội 11, anh Tuân đấy hả? Bọn địch đã chiếm được chốt cây đa thứ nhất và mỏm ĐKZ, nhưng chúng cũng đã bị thiệt hại nặng... Các anh phải nhanh chóng xốc lại đội hình đơn vị, kiên quyết không cho địch phát triển sang chốt cây đa thứ hai... Phải chặn đứng bọn chúng lại... Rõ chưa?
Không biết đầu dây bên kia đại đội trưởng Tuân báo cáo lại tình hình như thế nào, chỉ nghe thấy tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm nói to, giọng anh đanh lại:
- Mất một tấc đất lúc này là có tội với Tổ quốc và nhân dân đấy! Đại đội 11 phải cố gắng cầm cự đến tối. Ta sẽ tổ chức phản công lấy lại bằng được các vị trí đã mất! Rõ chưa?
Tiểu đoàn trưởng đặt máy điện thoại. Nét mặt anh có vẻ lo lắng. Do chưa nắm được tình hình của các hướng và cũng chưa thể lường hết diễn biến của chiến tranh nên việc để mất trận địa, mất đất vào tay quân xâm lược ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với tiểu doàn chúng tôi. Ai cũng thấy vô cùng lo lắng, bức xúc, nhất là những người chỉ huy tiểu đoàn. Các cán bộ trong hang chỉ huy tiểu đoàn đứng ngồi không yên khi Đại đội 11 để mất chốt tiền tiêu. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi đến khoảng 11 giờ bọn địch hầu như đã chiếm được toàn bộ điểm chốt cây đa thứ nhất và mỏm ĐKZ. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11 phải co cụm về chốt cây đa thứ hai. Họ đã phải chiến đấu rất quyết liệt mới ngăn chặn được quân bành trướng dùng chiến thuật “biển người” để tràn lên gốc đa thứ hai. Chốt cây đa thứ hai đang chìm ngập trong lửa đạn. Chỉ huy Đại đội 11 đề nghị tiểu đoàn chi viện khẩn cấp. Tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm, chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh trao đổi với nhau phương án phản kích để lấy lại chốt cây đa thứ nhất.
Giữa lúc chỉ huy tiểu đoàn đang bàn phương án chiến đấu thì từ phía biên giới có tiếng máy bay địch. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh hạ lệnh cho các bộ phận ngụy trang cửa hang và tăng cường quan sát, cảnh giới. Anh bảo tôi điện cho các đại đội sẵn sàng bắn máy bay địch bay thấp. Nhưng máy bay địch không xuất hiện, chúng bay ở phía bên kia đường biên. Giữa lúc đó thì chuẩn úy Nguyễn Văn Thanh, trung đội trưởng trung đội vận tải của tiểu đoàn xuất hiện vào trong hang báo cáo:
- Trung đội vận tải đã chuyển hết tất cả số đạn AK, đạn đại liên, đạn B41 và đạn cối ra khỏi bản Cốc Vường!
- Tốt lắm! - Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh nói và hỏi thêm: - Bọn địch bắn rát thế anh em có ai việc gì không?
- Báo cáo chính trị viên không ạ!
- Được! Đồng chí cho anh em nghỉ một lát sau đó tiếp tục nhận nhiệm vụ rõ chưa?
- Rõ! - Trung đội trưởng Thanh đáp rồi chào và quay ra khỏi hang.
Bọn bành trướng tiếp tục tổ chức các đợt tấn công mới hòng chiếm toàn bộ chốt của Đại đội 11, mở thông con đường tiến quân xuống thị trấn Sóc Giang. Nhưng bọn chúng đã vấp phải sức kháng cự kiên cường của quân ta phải bật trở lại. Xác quân xâm lược nằm ngổn ngang trên sườn đồi chốt cây đa thứ hai.
Đến chập tối, bọn địch mới tạm chấm dứt một ngày tấn công dữ dội vào các chốt tiền tiêu của Tiểu đoàn 3. Chúng chiếm được mỏm ĐKZ và chốt cây đa thứ nhất. Bọn chúng thu quân nhưng vẫn nã pháo rất ác liệt vào chốt cây đa thứ hai và các trận địa của ta. Chỉ huy tiểu đoàn quyết định điều Trung đội 3 của Đại đội 10 do chuẩn úy, trung đội trưởng Lê Hồng Giang chỉ huy lên phối thuộc cùng Đại đội 11 tổ chức phản công chiếm lại điểm chốt cây đa thứ nhất. Khoảng 10 giờ đêm ngày 17-2, trung đội trưởng Lê Hồng Giang dẫn trung đội đánh thốc lên đỉnh đồi chiếm lại chốt cây đa thứ nhất, hất bọn bành trướng xâm lược xuống cánh đồng bản Nà Sác. Bọn địch bỏ chạy tán loạn để lại nhiều xác chết.
Đó là diễn biến của ngày đầu tiên Tiểu đoàn 3 chúng tôi giao chiến với quân Trung Quốc xâm lược để bảo vệ Hà Quảng, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu...
Cao Bằng - 1979
Hà Nội, 1-2022
Ghi chép của Trọng Bảo
Ảnh: Hạ sĩ Nguyễn Văn Đam, Tiểu đội trưởng Truyền đạt, Trung đội Thông tin Tiểu đoàn 3 hy sinh ngày 17/2/1979 tại trận địa chốt cây đa cửa khẩu Bình Mãng, Hà Quảng.
Có thể là hình ảnh đen trắng về người, trẻ em và đang đứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét