Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 24)

         
           
                     Ảnh: Bọn địch tấn công lên điểm chốt của ta (2-1979)


Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

            Sau chiến tranh nhiều việc phải làm. Tình hình biên giới vẫn căng như sợi dây đàn. Bọn địch vẫn liên tục tung thám báo sang đất ta trinh sát. Thỉnh thoảng hai bên lại xảy ra những vụ nổ súng lẻ tẻ. Vẫn có những người ngã xuống vì chạm súng hoặc vướng phải mìn chưa nổ. Phía biên giới Hà Giang, Lạng Sơn vẫn còn xảy ra những trận đánh lớn nữa. Địch vẫn tung thám báo sang trinh sát trận địa của ta.
            Tiểu đoàn chúng tôi dần ổn định vị trí đóng quân. Những ngôi nhà nửa chìm nửa nổi trên chốt vừa là chỗ ăn nghỉ, vừa làm công sự chiến đấu khi cần thiết. Cùng với việc xây dựng trận địa, ổn định nơi ăn ở, các đơn vị bắt đầu việc bình xét, khen thưởng, đề bạt cất nhắc những người có thành tích trong chiến đấu. Nhiều người được tăng huân chương chiến công, được thăng quân hàm vượt cấp nhờ những thành tích đã lập được. Một số cán bộ cũng được bổ nhiệm chức vụ mới. Phần lớn là lên một chức. Bạn bè tôi đều được thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ, được xem xét bồi dưỡng cảm tình để kết nạp vào đảng. Duy chỉ có mình tôi là không được phong quân hàm và khen thưởng gì.
            Thằng Lợi được bổ nhiệm làm đại đội phó. Buổi sáng hôm lên đường nhận nhiệm vụ nó tìm đến chia tay tôi. Nó cứ băn khoăn mãi:
            - Tại sao mày trong chiến đấu nhiệm vụ nào cũng hoàn thành mà lại chả được khen thưởng, thăng quân hàm, cất nhắc chức vụ gì nhỉ?
            - Thì ngay trong chiến đấu tao đã được bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng còn gì!
            Tôi giải thích. Thằng Lợi gạt phắt đi:
            - Lúc đánh nhau cấp trên hy sinh thì đôn cấp dưới lên. Chết thằng này thì thằng khác thay. Lúc cần người dẫn đầu đội hình đi mở đường, đi trinh sát thì mày được giao chỉ huy. Mày được chỉ định làm tiểu đội trưởng là do tình huống lúc đó cần chứ có quyết định quái gì đâu.
            - Nhưng bây giờ tao vẫn là tiểu đội trưởng cơ mà!
            - Tiểu đội trưởng cái tiểu đội có ba bốn người chuyên đi bới tìm liệt sĩ, đào hầm hào, vài hôm nữa xong là giải tán. Trung đội thông tin tiểu đoàn đã có trung đội trưởng mới và cán bộ khung tiểu đội chuẩn bị nhận chiến sĩ mới về huấn luyện rồi đấy!
            - Thì kệ họ, tao cần quái gì cấp chức, qua chiến tranh còn giữ được cái chỗ đội nón là tốt rồi, khối thằng đã xanh cỏ rồi đấy.
            Thằng Lợi lắc đầu:
            - Tao cũng vẫn không hiểu vì sao tất cả đều được tặng huân chương, phong quân hàm, bổ nhiệm chức vụ riêng mày thì chả được cái gì cả... mà không ai giải thích vì sao, tức thật!
            - Có nguyên nhân cả đấy! - Trợ lý tham mưu Thọ vừa vào cửa nghe rõ câu chuyện của hai chúng tôi nên lên tiếng. Chúng tôi cùng quay ra cửa. Anh Thọ đeo ba lô bước vào. Anh được bổ nhiệm làm đại đội trưởng một đại đội thuộc tiểu đoàn 2. Anh cũng đến chia tay với tôi để về nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới. Đặt cái ba lô xuống sạp, anh chìa tay nắm tay tôi bóp chặt khiến tôi nhăn mặt. Anh nói:
            - Mày bị tố cáo là trong thời gian thất lạc, tách khỏi đội hình của tiểu đoàn rất vô kỷ luật, không chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy, tự ý đưa bộ đội đi chặn đánh địch ở Kép Ké, rồi vào bản bắt cá trộm, lấy ngô, lúa của dân...
            - Ơ... - Tôi há hốc mồm ngỡ ngàng vì những điều mà anh Thọ nói. Trong lúc bị thất lạc, lang thang trong vòng vây của quân thù bộ phận nào chả phải xuống các bản làng để kiếm tìm lương thực, nhặt củ khoai, củ sắn, bắp ngô của dân để ăn có sức mà chiến đấu, mà tìm về đơn vị cũ. Nhưng nếu nói như thế này thì quả tôi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng thật. Tôi chợt thấy hơi lo lo... Anh Thọ ngần ngừ rồi nói tiếp:
             - Mày còn bị tố cáo là trong lúc đang bị quân địch bao vây còn sử dụng cả... thuốc phiện nữa đấy!
            Tôi càng thêm kinh ngạc khi anh Thọ cho biết là những sai phạm của tôi đã được đưa ra thảo luận tại một cuộc họp của đảng uỷ tiểu đoàn. Buổi họp để bình xét công lao, thành tích cuộc chiến đấu vừa qua. Người nêu ra những khuyết điểm của tôi không ai khác chính là đại đội trưởng Tuấn. Tôi chợt hiểu vì sao mọi chuyện anh ấy đều đổ hết cho tôi.
             Khi nghe được chuyện này anh Thọ thấy bất bình cho tôi. Anh tin tôi. Nhưng anh Thọ chả thanh minh được cho tôi. Tôi cũng không thể giải thích được vì có ai hỏi lại mình xem những chuyện ấy sai đúng thế nào đâu mà phân bua. Mọi việc cứ âm thầm diễn ra ở đâu đó thế thôi. Đại đội trưởng Tuấn cũng đã được thăng quân hàm thượng uý và bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đoàn phó. Hiện giờ thì anh đã đi nhận nhiệm vụ tại một đơn vị huấn luyện ở tuyến sau, mãi dưới tận Hoà An, gần thị xã Cao Bằng.
             Lúc tạm biệt để lên đường anh Thọ và thằng Lợi vẫn có vẻ còn ái ngại và băn khoăn cho tôi. Tôi cười cười động viên hai người:
             - Thôi, chuyện đã qua rồi, chả việc gì phải suy nghĩ mãi. Chúc các vị lên đường nhận nhiệm vụ mới công thành danh toại, thăng quan tiến chức đều đều.
              Anh Thọ và thằng Lợi đi rồi tôi chợt thấy trống trải và buồn quá. Tôi thả bộ ra thị trấn. Qua bản Nà Nghiềng đã lác đác có người về xem xét, thu dọn nhà cửa. Tôi bất ngờ gặp anh Bàng ở gần nhà bưu điện cũ. Anh đi quân khu công tác vừa mới về. Vừa nhìn thấy tôi anh đã hằm hằm bảo:
             - Tao vừa đi công tác về nghe chuyện của mày! Đúng là... là... cái đồ... đồ...
             Tôi chặn họng anh:
             - Anh lại chuẩn bị phát ngôn bừa bãi vô tổ chức đấy!
             - Vô tổ chức cái gì! Có tổ chức hẳn hoi mà lại chỉ nghe một phía, nhận xét không đúng về một con người. Hôm ấy tao đi vắng. Nếu ở nhà thì tao cho cái đồ sợ chết ấy một trận.
             - Thôi anh ạ! Mà anh cũng hãy lo cho mình ấy! Cô Lệ thế nào rồi anh nhỉ?
             - Chậc! Thì vẫn khoẻ, chúng tao sắp cưới rồi...
             - Tốt quá! Chắc là cưới chạy... đẻ chứ gì?
             - Mày chỉ được cái lắm chuyện. Thôi vào bản xem có kiếm được cái gì để kin lẩu không rồi lên chỗ tao ăn cơm! (kin lẩu tiếng Tày là uống rượu).
   Tôi từ chối và quay về nhà ở. Vừa về đến nhà thì liên lạc gọi lên nhà chỉ huy tiểu đoàn có việc gấp. Tôi vội vã theo chiến sĩ liên lạc đi ngay. Đến cửa nhà chỉ huy tiểu đoàn tôi thấy chính trị viên Hoàng đang ngồi tiếp chuyện một người đàn ông và một cô gái. Hai người này ngồi quay lưng ra cửa. Tôi đứng nghiêm báo cáo:
   - Tôi, hạ sĩ Lê Trọng Hà có mặt!
   Chính trị viên Hoàng và hai người khách quay nhìn ra. Tôi sửng sốt và vui mừng nhận ra anh Chấn và cô Hoa, dân quân bản Kép Ké. Anh Chấn và cô Hoa cũng rất vui mừng vì nhận ra tôi. Anh Chấn xiết chặt tay tôi. Cô Hoa cũng vui lắm. Ba chúng tôi rối rít hỏi chuyện nhau về sau lần chia tay trong vòng vây của quân giặc ấy đã chạy đi tận đâu, làm sao mà thoát được sự truy đuổi ráo riết của bọn lính sơn cước đặc nhiệm xâm lược. Rối rít một lúc, tôi mới chợt nhớ ra và hỏi:
  - Thế anh Chấn và cô Hoa đến tận đơn vị tôi có việc gì thế?
  - Chuyện là thế này! - Chính trị viên Hoàng từ nãy giờ vẫn im lặng để ba chúng tôi nói chuyện giờ mới lên tiếng: - Anh Chấn bây giờ là phó chủ tịch, kiêm xã đội trưởng Kép Ké và cô Hoa tìm đến tận đơn vị ta nhờ cậu "chứng nhận" cho đấy!
             - Chứng nhận cái gì ạ?
             Tôi ngạc nhiên hỏi lại và nhìn hai vị khách cũng là hai đồng đội trong chiến đấu. Anh Chấn cười vui vẻ:
             - Là thế này! Đơn vị dân quân Kép Ké được đề nghị cấp trên tặng cho cái huân chương chiến công. Bọn mình làm bản báo cáo thành tích, anh Hà là người đã cùng phối hợp chiến đấu, chứng kiến những người trong trung đội dân quân chiến đấu hy sinh dũng cảm như anh Phủng, chị Láy... Đề nghị anh viết cho một giấy chứng nhận để bổ sung vào hồ sơ khen thưởng.
             Tôi vội chối ngay:
             - Việc này tôi không giúp được đâu! Lúc phối hợp cùng dân quân Kép Ké chiến đấu chặn bọn giặc còn có đại đội trưởng Tuấn. Anh ấy là sĩ quan chỉ huy chung bộ phận của chúng tôi. Anh ấy mới có đủ tư cách để chứng nhận. Đề nghị phó chủ tịch xã nên tìm gặp để anh ấy chứng nhận cho.
             Anh Chấn vội xua xua tay:
             - Bộ đội Hà "chứng nhận" thì được! Mình không lấy chứng nhận của chỉ huy Tuấn đâu. Vì... vì... ông ấy có tham gia trận đánh nào ở thung lũng Kép Ké đâu mà biết, mà chứng nhận cơ chứ?
             Tôi lúng túng không biết xử trí ra sao. Anh Chấn và cô Hoa nhìn tôi chờ đợi. Chính trị viên Hoàng suy nghĩ một lát rồi quyết định. Anh đưa giấy bút cho tôi:
             - Thôi thế này! Cậu cứ viết rõ mọi việc đã chứng kiến khi phối hợp chiến đấu với dân quân bản Kép Ké sau đó để anh Chấn và cô Hoa xem lại. Nếu hai người thấy đúng, đồng ý thì tôi sẽ thay mặt tiểu đoàn ký giấy xác nhận cho họ. Nhớ là phải viết cho thật chính xác đấy nhé!
             Tôi cắm cúi viết. Tôi viết về những tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm của dân quân Kép Ké mà mình đã được chứng kiến, có nêu qua sự phối hợp của các anh em bộ đội chúng tôi trong các trận đánh ở thung lũng Kép Ké nữa. Anh Hoàng xem kỹ nội dung tôi đã viết. Đoạn, anh đưa cho phó chủ tịch Chấn đọc lại. Anh Chấn đọc xong kêu lên:
             - Không đúng rồi! Không đúng rồi...
             Tôi và chính trị viên Hoàng đều ngạc nhiên. Anh Hoàng nhăn mặt hỏi lại tôi:
              - Cậu viết sai hả?
                  - Không!
                 Tôi cũng ngạc nhiên. Anh Chấn bảo:
              - Ô... không sai nhưng không đúng! Anh Hà và các đồng chí bộ đội đã dũng cảm chiến đấu chi viện dân quân chúng tôi nhiều thế, đánh địch chết nhiều thế mà trong này lại không thấy viết gì cả. Thế là không thật đúng rồi...
             Anh Hoàng thở phào nhẹ nhõm. Tôi giải thích:
             - Đây là phần để chứng nhận sự chiến đấu hy sinh của dân quân Kép Ké nên chỉ cần viết về dân quân thôi anh ạ!
             Tôi phải giải thích, thuyết phục một hồi anh Chấn mới chịu. Chính trị viên Hoàng ký xác nhận đưa văn thư đóng dấu rồi giao tờ giấy tôi viết cho anh phó chủ tịch xã Kép Ké. Mọi việc xong xuôi tôi mới chợt nhớ ra:
             - Ơ... thế cô Hoa không về trường đi học lại à?
             - Em về rồi! Nhà trường nghỉ hè nên em về quê thăm ông. Nghe tin chú Chấn đi Hà Quảng tìm các anh để hoàn chỉnh hồ sơ em xin đi cùng đấy!
             Hoa nói có vẻ ấp úng. Chúng tôi ngồi nói chuyện, cùng nhau nhớ về những ngày ác liệt đã qua. Bữa trưa, liên lạc lấy cơm về, tráng thêm vài quả trứng mời khách. Chính trị viên Hoàng bảo tôi ở lại cùng ăn cơm với hai người khách đặc biệt. Đầu giờ chiều có xe ô tô của trung đội vận tải xuôi Mỏ Sắt nhận lương thực và đạn dược. Anh Hoàng gọi trung đội trưởng vận tải nói lái xe cho phó chủ tịch Chấn và cô Hoa đi nhờ để hai người về Kép Ké, đỡ một chặng dài đi bộ leo qua núi.
   Tôi chia tay với anh Chấn và cô Hoa, những người gặp nhau trong chiến tranh, chiến đấu bên nhau chỉ với thời gian rất ngắn nhưng sao mà tôi thấy thân thiết thế.

               (còn nữa)
         

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 23)

   Ảnh: Xe tăng địch bị bắn cháy ở Cao Bằng
 
  
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

         Một buổi trưa đi đào công sự về mệt, ăn cơm xong tôi lăn ra ngủ. Vừa chợp mắt được một lát thì có người lay gọi:
       - Dậy... dậy... ngay...
       - Dậy làm cái gì mà dậy! Đào công sự cả buổi mệt đứt hơi chưa ngủ đã gọi cái gì... - Tôi càu nhàu.
          - Dậy đi có việc gấp đây!
          Nghe rõ tiếng chính trị viên Hoàng, tôi ngồi bật dậy. Vốn là lính chiến, quen những tình huống chiến đấu bất ngờ nên nghe tiếng của cấp trên gọi là tôi tỉnh ngay. Tôi quờ tay với khẩu súng dựa cạnh chỗ ngủ nhảy xuống đất. Anh Hoàng phì cười:
          - Mày định đi đâu đấy?
          - Chắc lại có bọn thám báo nó mò sang ạ?
          - Thám báo nào! Cất súng đi ra đây tao bảo.
          Lúc này tôi mới nhìn kỹ chính trị viên Hoàng. Anh ăn mặc chỉnh tề, tay đang cầm một cuộn giấy, nét mặt vui vẻ. Anh cười vì cái tính hấp tấp của tôi, cứ có ai gọi việc đầu tiên là tìm ngay khẩu súng. Âu đó cũng là tác phong của người lính nơi đối diện với quân thù hàng ngày. Chúng tôi đã có mặt ở biên giới từ những ngày còn kéo nhau mặc quần áo dân thường đi rào đường ­­biên, tranh nhau từng tấc đất, ném đá, đánh nhau bằng tay và gậy gộc với bọn lấn đất, xâm lược cho đến lúc đấu súng, đấu pháo thật sự với chúng cho nên ai cũng có cái tác phong luôn luôn sẵn sàng ấy.
          Anh Hoàng bảo:
          - Đem cuốn sổ ghi chép của mày ra đây!
          - Cuốn sổ nào ạ?
          - Cuốn nhật ký mà mày vẫn ghi chép tình hình chiến sự hàng ngày trong thời gian đánh nhau ấy!
          - Cuốn sổ ấy em đốt nó theo lệnh của tiểu đoàn hôm trước khi phá vây rồi còn đâu nữa ạ!
          - Mày đừng có nói dối! Hôm ấy mày chỉ đốt cuốn sổ ghi chép thơ và truyện thôi, còn cuốn nhật ký ghi tình hình chiến sự thì mày vẫn luôn giấu trong người đem đi. Tao biết dù có chết thì mày cũng vẫn cố giữ cuốn sổ ghi chép ấy! Mang nó ra đây ngay...
          Tôi cười hì hì:
          - Làm sao anh lại biết em vẫn giữ cuốn sổ ấy ạ?
          - Hôm hủy tài liệu, giấy tờ để chuẩn bị cho buổi tối phá vây mở đường máu rút lui thằng Thọ dã trông thấy mày lén nhét cuốn sổ vào trong ngực áo. Đem nó ra đây có việc cần đấy!
          - Nhưng có việc gì mà lại liên quan đến cuốn nhật ký của em ạ?
          Chính trị viên Hoàng vừa đặt tập giấy xuống cái bàn ghép bằng mấy miếng ván giữa nhà vừa nói:
          - Tiểu đoàn mình được đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Do đó, phải chuẩn bị một bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu vừa qua. Mày văn hay, chữ tốt, lại ghi chép được toàn bộ diễn biến của các trận đánh nên chiều nay không phải đi đào công sự nữa mà ở nhà giúp chỉ huy tiểu đoàn viết báo cáo thành tích hiểu không.
          Tôi hiểu. Tôi rút trong túi cóc ba lô ra một cuốn sổ nhỏ tự đóng bằng loại giấy đen mặt nhẵn, mặt trơn lấm lem bùn đất. Tôi ngồi xuống bên cạnh anh Hoàng. Tôi đặt lên bàn trước mặt anh cuốn nhật ký của mình. Tay tôi run run lật từng trang nhật ký chiến đấu. Anh Hoàng cùng tôi đọc những trang ghi chép nguệch ngoạc đoạn bằng bút bi, đoạn bằng bút chì trong những ngày gian khổ ác liệt ấy.
           Ngày 17-2-79:
           - Địch nổ súng mở màn cuộc chiến tranh xâm lược VN vào lúc 3 giờ sáng
            - Hướng cửa khẩu Bình Mãng: Bọn địch tấn công đợt 1 lúc 5 giờ sáng. Đợt 2 lúc 8 giờ sáng, chúng chiếm mất 1/2 chốt cây đa thứ nhất. Đợt 3 chúng tấn công vào khoảng 11 giờ chiếm toàn bộ mỏm 1, chốt cây đa thứ nhất.
          - Ta: Xê 1 chỉ còn giữ được mỏm 2 chốt cây đa thứ nhất. Đại đội 1 diệt được 2 xe tăng, 300 tên địch.
          - Lúc 22 giờ đêm đại đội 1 phản kích chiếm lại được toàn bộ chốt cây đa thứ nhất.
          - Các đồng chí hy sinh trong ngày gồm: Thượng sĩ Trần Văn Ngọc, trung đội phó bắn cháy một xe tăng và diệt nhiều tên địch, hy sinh khi chuẩn bị bắn chiếc xe tăng thứ hai. Binh nhất Nguyễn Văn Nền bắn hết đạn đánh nhau bằng lưỡi lê bị địch đâm chết ở chốt cây đa thứ nhất. Chuẩn uý Dương Đình Hà, chính trị viên phó đại đội cùng Nguyễn Văn Lượng hy sinh khi phản kích chiếm lại chốt cây đa thứ nhất đêm 17-2...
          Ngày 18-2-79:
          - Hướng cửa khẩu: Địch tấn công 8 đợt cả ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng. Chúng chia làm 3 mũi: Một mũi từ trên sườn núi đá đánh xuống, một mũi từ phía bản Nà Sác đánh lên, một mũi từ bờ suối đánh vòng lên bên trái chốt cây đa thứ hai. Rút kinh nghiệm ngày đầu tiên, địch tấn công liên tục để tạo áp lực mạnh, tiêu diệt sinh lực quân ta phá vỡ tuyến phòng thủ của ta.
          - Ta: Đại đội 1 cùng 1 trung đội của đại đội 2 tăng cường đã dũng cảm chiến đấu giữ vững chốt, tiêu diệt 2 xe tăng, hơn 150 tên địch, bẻ gãy cả 8 đợt tấn công của quân địch. Chuẩn uý Lê Hồng Giang (đại đội 2) bắn hai quả đạn B41 diệt một xe tăng địch, bị thương mù một mắt, gãy một tay còn dùng AK bắn địch ngã tơi tả. Đồng chí Giang đã một mình, một súng lên đánh chiếm lại chốt cây đa thứ nhất.
          - Hy sinh ngày 18-2: Đại đội 1 có 8 đồng chí hy sinh, nhiều người khác bị thương, có 2 cán bộ hy sinh là đại đội phó Diệp Văn Năm và chính trị viên phó Nguyễn Mộng Lân. Đại đội 1 bị thiệt hại nặng nhưng vẫn kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa.
          Ngày 19-2-79:
          - Địch tấn công liên tục cả ngày không thành đợt rõ ràng. 5 giờ sáng, chúng chiếm mỏm ĐK và mỏm chốt cây đa thứ nhất. 1 giờ chiều chúng chiếm mỏm chốt cây đa thứ hai. Đại đội 1 bị đánh bật ra khỏi trận địa. Cán bộ, chiến sĩ đại đội 1 chiến đấu rất dũng cảm, diệt khoảng 100 tên địch. Tối 19-2, đại đội 1 rút về khu vực trường cấp 2 Sóc Giang.
          - Đại đội 4 hoả lực dùng cối và 12ly7 chi viện cho các đơn vị chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch. Theo đại đội 4 báo cáo, đơn vị đã dùng cối 82 bắn sang bên kia biên giới trúng một kho xăng của địch cháy liên tục hai ngày liền.
          Ngày 20-2-79:
          - Địch có khoảng 2 tiểu đoàn đánh từ phía Đôn Chương lên Sóc Giang. Chúng chia làm 2 đợt tấn công. Buổi sáng từ 9 đến 10 giờ, chiều từ 3 đến 5 giờ, có 16 xe tăng trong đội hình tấn công.
          - Ta: Đại đội 2 cùng 1 tiểu đội của đại đội 1 tăng cường chiến đấu giữ vững chốt, bẻ gãy các đợt tấn công của địch, tiêu diệt 400 tên địch, 6 xe tăng. Bộ phận của đại đội 3 ở hướng UBND huyện chiến đấu diệt 2 xe tăng và 50 tên địch.
          - Sơ đồ trận đánh ngày 20-2-79.
          - Một số gương chiến đấu dũng cảm trong ngày 20-2:
          +Binh nhất Trần Xuân Quý, 20 tuổi, bắn 5 viên đạn B41 tiêu diệt 4 xe tăng và diệt nhiều tên địch.
          +Hạ sĩ tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm dũng cảm xuống tận bụi tre sát mặt đường quốc lộ để bắn thẳng, tiêu diệt nhiều bộ binh địch, hy sinh cuối buổi sáng 20-2.
          +Trung uý Trần Văn Tương, học viên Trường sĩ quan Chính trị thực tập tại đại đội 2, vừa chỉ huy bộ đội vừa trực tiếp chiến đấu, bị thương gãy một tay, một chân vẫn kiên quyết ở lại trận địa, hy sinh sáng 20-2.
          +Thượng sỹ La Quang Tuyến, trung đội trưởng thuộc đại đội 3, bắn cháy 1 xe tăng địch. Binh nhất Hồ Sào Liền, dân tộc Mèo, Hà Giang tiêu diệt được 12 tên địch, đi lấy gạo gặp địch còn bắn chết được 2 tên địch...
          - Ngày 20-2, ta có 20 người chết, số bị thương là...
          - Ngày 21-2, ta chết 4 bị thương 5...
          - Ngày 22-2, ta chết 5, bị thương 3...
          - Ngày 23-2, ta chết...
          - Ngày...          
          Chính trị viên Hoàng lặng người đi khi đọc những con số ghi chép trần trụi trong cuốn nhật ký của tôi. Những thông tin này trong khi chỉ huy chiến đấu anh cũng như tôi đã biết rõ nhưng bây giờ sau một tháng đọc lại vẫn thấy nhói lên trong tim.
          Chúng tôi hoàn thành bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu để gửi lên cấp trên đề nghị phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng cho tiểu đoàn. Rồi đây tiểu đoàn tôi trở thành một đơn vị anh hùng, nhưng tự dưng tôi lại không thấy vui mừng mà chỉ thấy man mác một nỗi buồn. Chính trị vên Hoàng đi rồi, anh em trong tiểu đội vẫn chưa đi đào công sự về, chỉ còn một mình tôi. Tự dưng nỗi buồn cứ dâng dâng lên mãi trong tôi. Đó là nỗi buồn ảm đạm thê thảm của chiến tranh. Chỉ sau hơn một tháng thôi mà bao bạn bè, đồng đội của tôi đã có những người nằm sâu dưới cỏ. Hôm nay đọc lại cuốn nhật ký chiến tranh, tôi lại nhớ đến họ. Hình như họ vẫn còn hiện hữu quanh đây, trên mảnh đất biên cương này. 
             Tôi bước ra khỏi lán ngước nhìn lên bầu trời. Có một cơn giông đang cuồn cuộn phía chân trời. Mây đen vần vũ trên những đỉnh núi lởm chởm nơi biên thuỳ.
          (còn nữa)

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 22)

         
            
      
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

          Tiểu đoàn bắt đầu khôi phục, củng cố trận địa phòng ngự như trước khi xảy ra chiến tranh. Các điểm chốt, hầm hào, công sự, căn cứ hậu cần, quân y của tiểu đoàn bây giờ chỉ là những đống đất đá lổn nhổn. Trước khi rút lui về nước bọn giặc đã dùng thuốc nổ phá huỷ tất cả các công trình quân sự, kinh tế, văn hoá của ta. Bọn giặc cẩn thận tỷ mỷ đánh gãy gục từng cột điện cao thế, điện thoại, mỗi căn nhà nếu không đốt được thì chúng dùng mìn đánh sập. Chúng phá huỷ, đánh sập các hang đá, hốc núi nơi ta có thể dấu quân, làm nơi phòng thủ. Chúng còn đang tâm đánh sập hang Pác Bó nơi Bác Hồ đã, phá nát tượng Các Mác ở trong hang. Các công trình quân sự do ta xây dựng ở khu vực Sóc Giang và các điểm chốt đều bị phá tan nát hết.
          Các đại đội về lại vị trí phòng ngự của mình trước chiến tranh sửa sang lại hầm hào, công sự và tiến hành việc tuần tra canh gác. Việc đi lại đều phải bí mật, tránh để lộ liễu mục tiêu vì bọn địch thỉnh thoảng vẫn bắn bừa bãi hoặc tung thám báo sang đất ta. Đã có bộ phận chạm súng với bọn lính trinh sát của địch.
          Tôi dẫn mấy anh em trèo lên mỏm Đầu Bò vừa nạo vét lại công sự vừa cố gắng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Buổi trưa nghỉ, tôi và thằng Lâm xuống khu trường cấp 1. Lính công binh đã rà phá, gỡ hết các quả mìn gài trong sân trường còn sót lại. Gần như tất cả các lớp học đều bị phá sập. Sách vở học sinh rơi tung toé khắp các lớp. Tôi nhặt được một cuốn sách ở trong ngôi nhà đổ nát. Lần giở từng trang sách của cuốn sách giáo khoa cháy dở trong lòng tôi dâng dâng lên một nỗi buồn da diết. Bài thơ này tôi đã viết ngay tối hôm ấy.
         Trường các em bị cháy!

Truy kích địch qua đây
          Chúng tôi cùng sững lại
          Trường các em bị cháy
          Giặc vừa đốt hôm qua.

Một quyển sách lớp ba
          Ám khỏi đen nham nhở
          Tôi nhặt lên lần mở
          Từng trang sách, từng trang.

Những phép tính trẻ con
          Bốn cộng ba bằng bảy
          Lửa cháy quằn trang giấy
          Con số cuối mờ đi.

Ôi quyển sách nói gì
          Bên ngôi trường đổ nát?
          Hàng cây non lửa táp
          Vết đạn cày sân chơi.

Tôi đứng lặng cắn môi
          Nghe đâu đây trong gió
          Nghe từ trang sách nhỏ
          Tiếng các em gọi mình!           
*
          "Báo động!". Mệnh lệnh được thông báo rất nhanh. Bộ phận chúng tôi được lệnh tiếp cận bọn thám báo vì chúng tôi đang ở gần bờ suối nhất. Tôi nhét cuốn sách giáo khoa lớp 3 vào cóc ba lô vớ khẩu súng lao ra khỏi lán. Trời đã gần tối. Ra đến gần bờ suối bản Nà Sác, tôi gặp chính trị viên Hoàng, anh Thọ và các chiến sĩ tiểu đội trinh sát. Anh Thọ nói nhanh:
          - Trinh sát vừa phát hiện có bóng người lạ ở gần bờ suối bản Nà Sác gần đường biên. Dân bản Nà Sác chưa trở về nên chỉ có thể là bọn thám báo mò sang trinh sát trận địa của ta.
          Các chiến sĩ trinh sát dẫn chúng tôi nhanh chóng tiếp cận bờ suối. Chúng tôi phát hiện ra một người mặc bộ quần áo rách rưới đang đi lom khom dọc theo bờ ruộng sát con suối. Nó đang đi về hướng biên giới. Nhìn vẻ tả tơi của nó chúng tôi biết đó chắc chắn chỉ là một tên tàn quân địch. Tên giặc đã chạy đến gần đoạn suối nông nước chảy rào rào. Đây là điểm tiếp giáp giữa hai nước. Lội qua sang bờ bên kia đã là đất của chúng nó rồi. Tôi đề nghị:
          - Để chúng tôi xông ra bắt sống nó!
          - Không được! - Chính trị viên Hoàng vội ngăn lại: - Vượt qua khoảng ruộng trống bọn địch bên kia biên giới sẽ phát hiện và sẽ lập tức bắn sang ngay. Hơn nữa đám ruộng này vốn là bãi mìn chống bộ binh chưa nổ hết nguy hiểm lắm!
          - Vậy thì nó chạy thoát mất anh ạ!
          Tôi nói và nâng khẩu AK lên lấy đường ngắm. Chính trị viên Hoàng giơ tay khẽ đè nòng súng của tôi chúc xuống. Anh nói nhỏ:
          - Thôi để cho nó vượt qua suối.
          Tôi ngạc nhiên nhìn chính trị viên Hoàng. Hình như tên giặc cũng đã phát hiện ra chúng tôi. Nó nhớn nhác quay lại nhìn. Chúng tôi đang ở rất gần nó, chỉ cách một mặt ruộng rất hẹp. Nó gần như sụp hẳn người quỳ xuống mặt ruộng khi nhìn thấy những nòng súng kê trên bên kia bờ ruộng đang rê rê theo từng cử động của nó. Nó giơ hai tay lên trời như cầu xin chúng tôi đừng bắn, tha chết cho nó.
Chúng tôi vẫn im lặng không hành động theo lệnh của chính trị viên Hoàng mà chỉ dõi mắt theo từng cử động của tên giặc. Hồi lâu, không thấy chúng tôi xông ra bắt sống hoặc nổ súng, thằng giặc cứ nhìn chằm chằm về phía những nòng súng đang chĩa vào nó không dám nhúc nhích. Anh Thọ khẽ khoát tay ra hiệu. Anh khẽ "xuỳ... xuỳ..." như đang xua đuổi một con chó. Thằng giặc hiểu đối phương đã tha chết và để cho nó chạy về nước. Nó vội lồm cồm nhỏm dậy nhao người bò lên bờ ruộng lăn xuống suối. (Tiếng Việt "xuỳ... xuỳ..." gần giống với tiếng Tàu phát âm từ  "đi... đi...").
          Sang đến bên kia bờ suối rồi thằng giặc còn ngoái lại như vẫn chưa tin là nó đã được chúng tôi tha chết. Trước khi lẩn vào bụi cây rậm nó còn quay lại hướng về phía chúng tôi vái dài một cái.
          Trời tối hẳn. Thằng giặc mất hút trong bụi cây và bóng tối đang tràn đến. Chính trị viên Hoàng lệnh chúng tôi rời khỏi bờ ruộng quay về đơn vị. Trên đường về biết chúng tôi còn ấm ức thắc mắc, chưa thông về việc đã tha chết cho thằng giặc xâm lược, anh Hoàng bảo: "Cha ông ta ngày xưa có lúc còn tha chết cho hàng vạn tên xâm lược lại còn cấp lương ăn để chúng nó trở về quê hương đấy!".
 (còn nữa)


Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 21)

Dốc núi     
             
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

  Chúng tôi trở về thì trấn Sóc Giang sau chiến tranh. Một thị trấn đổ nát hoang tàn. Hơn tháng trước đây chính là "toạ độ lửa", là nơi bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Cũng là nơi tiểu đoàn chúng tôi đã bẻ gãy bao nhiêu đợt tấn công vô cùng ác liệt của kẻ thù. Vậy mà bây giờ chúng tôi, những người quay trở lại Sóc Giang ai cũng có một tâm trạng bùi ngùi. Kẻ thù đã bị đánh lui nhưng cái cảm giác chiến thắng trong những người lính chúng tôi mờ nhạt. Không có cái háo hức, tưng bừng của ngày 30-4 năm nào, chỉ có nỗi bàng hoàng, xót xa về sự chết chóc, đổ nát hoang tàn. Không có một bóng dáng người dân nào trong thị trấn. Chúng tôi là những người đầu tiên trở về Sóc Giang. Chúng tôi lầm lũi bước đi trong sự hoang vắng sau trận chiến. Một đội hình cán binh quần áo tả tơi bẩn thỉu. Nhiều người băng còn quấn trên đầu loang lổ màu máu, tay gãy còn treo trên cổ, chỉ có nòng súng là vẫn hướng về phía trước luôn sẵn sàng.
  Tất cả những căn nhà trong thị trấn đều bị địch đánh sập hoặc bị đốt cháy. Cây cối, cột điện đổ ngổn ngang. Mùi xác chết của người và động vật khăn khẳn khắp nơi. Chỗ nào cũng gặp những quả mìn bọn địch gài lại trước khi rút đi. Bộ phận công binh phải dò dẫm phía trước mở đường. Chúng tôi phải đặt bước chân theo dấu đã vạch sẵn trên đường của cánh lính công binh. Người đi sau bước đúng bước chân người đi trước để tránh dẫm vào mìn.
  Đội hình hành quân một hàng dọc chậm chạp vừa đi vừa quan sát xung quanh, cảnh giác. Không ai nói một câu nào chỉ nghe tiếng thở dốc của những người mang vác nặng ở bộ phận hoả lực. Mọi người đều cảnh giác, vừa đi vừa chú ý quan sát xung quanh. Bỗng nghe một tiếng nổ "oành" ở phía sau đội hình. Đất cát bay mù mịt. Tất cả chúng tôi vội ngồi thụp xuống chĩa súng ra xung quanh, sẵn sàng chiến đấu. Những tiếng mở khoá nòng lách cách. Mọi người đều tưởng là bị bọn địch phục kích. Hoá ra không phải. Một quả mìn bọn giặc gài lại ngay bên cạnh lối đội hình hành tiến đi đã phát nổ.
  Người hy sinh là một chiến sĩ còn rất trẻ thuộc trung đội vận tải. Người lính này vừa mới được bổ sung về tiểu đoàn, chưa được hai tháng tuổi quân. Nguyên nhân là cậu ta đi giữa đội hình, lại có mấy cô bé ở đơn vị thanh niên xung phong đi ngay phía sau. Đang đi buồn tiểu tiện, cậu ta chỉ mới bước chệch có một bước định vào đứng khuất sau mô đá thế mà đạp trúng luôn một quả mìn chống bộ binh của địch.
            Sau vụ này, tiểu đoàn trưởng Thêm nổi cáu. Anh đi dọc theo hàng quân quát tháo ầm ĩ:

               - Đánh nhau không chết, lại chết vì sĩ diện... ngu... ngu quá...
  Quát tháo một lúc anh ra lệnh giọng vẫn còn cáu gắt:
  - Kể từ bây giờ cho đến lúc vào vị trí trú quân trong thị trấn, thằng nào buồn đái cứ đứng ngay giữa đường mà đái. Con gái cũng vậy. Ai xấu hổ thì nhắm mắt lại...
            Tiểu đoàn trưởng Thêm nóng tính thì quát vậy thôi chứ tôi biết anh thương lính lắm. Cái chết của người chiến sĩ trẻ làm anh rất đau đớn. Sau một tháng chiến đấu, đơn vị tổn hao sinh lực quá lớn, chỉ còn lại một nhúm người. Hôm tập trung đội hình toàn tiểu đoàn để quán triệt nhiệm vụ lúc chuẩn bị xuống núi để chiếm lĩnh lại thị trấn Sóc Giang trông thưa thớt, thiếu vắng quá nhiều vị trí chiến sĩ, vị trí chỉ huy. Vậy nên sau chiến tranh lại vẫn có người phải ngã xuống như vậy khiến ai cũng đau xót.
   Đơn vị về đến vị trí đóng quân. Đó là đám ruộng ngay dưới chân mỏm núi có hang chỉ huy tiểu đoàn mà một tháng trước chúng tôi đã chiến đấu đánh lui bao đợt tấn công của bọn địch. Chúng tôi nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong khu nhà vốn là trụ sở của uỷ ban nhân dân huyện để dựng tạm những căn nhà một mái trông giống như những cái chuồng lợn để trú quân tạm thời để bảo vệ thị trấn và giải quyết hậu quả của cuộc chiến. Các bộ phận lần mò lên các vị trí chiến đấu đào bới tìm kiếm liệt sĩ. Khắp nơi mùi thối rữa của tử thi, xác động vật bốc lên thật là kinh khủng. Việc xác định, phân biệt hài cốt đâu là quân ta, đâu là địch, đâu là dân cũng thật khó khăn. Mặc dù đã được chuẩn bị trước khi chiến tranh xảy ra như các bộ phận đều được cấp phát những tấm vải liệm may sẵn. Mỗi người đều có mã số riêng của mình ghi trong một mảnh bìa cứng ép plastic để sẵn trong túi áo phòng khi hy sinh chôn theo sau này còn biết danh tính. Nhưng đánh nhau cả tháng nhiều người đã không giữ nổi mảnh bìa mã số của mình. Mà người giữ được thì vẫn còn sống. Người hy sinh thì lại chẳng còn giữ được mã số để đánh dấu mộ chí của mình.
  Một buổi chiều, thằng Lợi ở trung đội vận tải đi tìm kiếm liệt sĩ ở khu vực sát biên giới về gặp tôi ngậm ngùi bảo:
   - Tìm thấy hài cốt thằng Đan rồi!
            Tôi vô cùng kinh ngạc:
            - Nó nằm đè lên khối bộc phá hàng mấy trăm cân, điểm hoả đánh sập cả một đoạn đường rơi xuống vực làm sao mà còn gì nữa...
            - Chuyện là thế này. Sáng nay, bọn tao đi tìm kiếm liệt sĩ ở khu vực bờ suối dước chân chốt cây đa của đại đội 1. Lúc cả bọn ngồi nghỉ giải lao thì một thằng chợt phát hiện ra có một con chó đang lúi húi cào cào bới đất ở bờ suối. Nó bàn với tao bắn hạ con chó lấy thịt ăn. Đã bao nhiêu ngày nay rồi ăn uống kham khổ nên tao đồng ý ngay. Bọn tao liền tiếp cận con chó. Thấy động, nó liền bỏ chạy miệng cố càm theo một vật gì đó. Tao liền nổ súng. Con chó trúng đạn ngã gục ngay bên bờ ruộng. Mọi người chạy đến. Hoá ra vật mà nó đang ngoạm trong miệng một bàn tay người đã khô đen. Trên bàn tay ấy vẫn còn có một chiếc nhẫn vàng vướng ở khốc ngón tay. Tao cầm lên xem. Mặt chiếc nhẫn có khắc chữ "Đ". Có một vết xước sâu rạch ngang chữ Đ. Tao nhận ngay ra đó chính là chiếc nhẫn của thằng Đan. Vết xước ấy là do một  lần tao với nó vật nhau. Tay nó bị tao miết vào vách đá cứng làm cái nhẫn xước một vết gạch ngang chữ Đ. Cũng vì vết xước ấy mà nó giận tao mấy ngày đấy. Khi tìm thấy bàn tay đeo nhẫn của nó tao đã bật khóc vì thương nó quá.
            - Thế chúng mày xử lý thế nào?
            - Tao lập tức báo cáo với chỉ huy tiểu đoàn. Sau khi nghe báo cáo, tiểu đoàn trưởng lệnh cho bộ phận của tao đặt bàn tay ấy vào một cái hộp gỗ rồi mai táng trong ngôi mộ giả mà bọn mày đã đắp cho nó ở bìa rừng bữa trước, vẽ lại sơ đồ cẩn thận. Tiểu đoàn trưởng nói sẽ đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của thị trấn.
             Tôi và Lợi cùng lặng đi một lát. Thằng Lợi nói thêm:
            - Chúng tao cũng đắp cho con chó một nấm mộ. Khốn nạn, nó gầy trơ xương. Chiến tranh xảy ra nó chạy khỏi nhà lang thang ngoài rừng cả tháng rồi còn gì.
             Nghe thằng Lợi nói, tôi cũng thấy ngậm ngùi. Mấy ngày rồi chúng tôi đã tìm kiếm, đào bới ở khu vực mỏm Đầu Bò vẫn không tìm thấy gì. Hay là anh Bùi bị địch bắt. Điều đó khó có thể xảy ra vì chúng tôi ai cũng dành cho mình một quả lựu đạn cuối cùng để lỡ khi sa vào tay giặc thì quyết liều chết với chúng nó luôn.
             Con đường xuôi về phía Đôn Chương, Hoà An đã khai thông. Chuyến xe chở hàng đầu tiên đã lên tới thị trấn Sóc Giang. Đơn vị chúng tôi được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Có một chút thịt lợn ướp muối. Mỗi chúng tôi còn được phát một bộ quần áo mới, một đôi giày. Thằng nào cũng diện ngay quần áo, dày mới. Ăn uống cũng no hơn nên trông dáng vẻ lính tráng khoẻ khoắn hơn. Nhiều thằng trông hai má đỡ hóp hơn, mặt mũi đỡ hốc hác như những hôm đầu về thị trấn nhưng chưa hết vẻ nhợt nhạt của dài ngày đói khát, gian khổ.
             Nhưng chúng tôi chưa kịp mừng thì xảy ra một chuyện. Hôm đó tôi vừa lên sát đường biên giới về thì nghe tiếng người quát to, dọa bắn ở nhà sở chỉ huy tiểu đoàn. Tôi vội chạy lên xem có chuyện gì. Tới nơi, tôi thấy y sĩ Tính đang run cầm cập đứng trước mặt tiểu đoàn trưởng Thêm. Tiểu đoàn trưởng tay đang cầm khẩu súng ngắn mặt hằm hằm giận dữ. Tôi len vào kéo tay trợ lý tham mưu Thọ hỏi:
            - Có chuyện gì thế hả anh?
            - Chuyện nghiêm trọng lắm! Thôi tý nữa nói, tao với mày phải vào can tiểu đoàn trưởng đã kẻo ông ấy cáu tiết bắn chết tay y sĩ Tính đấy!
            Chúng tôi cố lựa lời can tiểu đoàn trưởng nhưng cũng hoảng. Ông này tính nóng như lửa, lỡ vạ lây. Giữa lúc đó thì chính trị viên Hoàng đi họp trên trung đoàn về. Anh Thọ vội báo cáo ngay tình hình với chính trị viên Hoàng để khuyên tiểu đoàn trưởng Thêm.
             Thì ra nguyên do chuyện là do y sĩ Tính. Đó là từ hôm đơn vị mới chuyển về vị trí này trú quân. Ngay khi vừa đến đây, tiểu đoàn trưởng Thêm giao cho y sĩ Tính nhiệm vụ phải kiểm tra kỹ nguồn nước chảy vào máng dẫn về. Dân bản thường đắp đập trên núi rồi bắc máng dẫn nước tự chảy về bản. Y sĩ Tính chỉ đi đến chân núi rồi quay về vì sợ lên núi vướng phải mìn hoặc gặp bọn thám báo của địch. Ngay chân núi có đoạn máng từ trên núi dẫn nước xuống vẫn đang có nước chảy nên y sĩ Tính bảo anh em nuôi quân làm đường ống dẫn nước về bếp sử dụng. Do không đến tận nơi nguồn nước chảy ra nên anh Tính không phát hiện là ngay trên bờ đập nước có mấy xác người chết đang bắt đầu thối rữa. Khi trời mưa xuống đã gây ô nhiễm nguồn nước. Thế là cả đơn vị chúng tôi gần một tháng nay nấu ăn, lấy uống đã dùng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thảo nào mà nước cứ có mùi hôi hôi. Chúng tôi lại toàn uống nước lã mới ghê chứ. Một số anh em vì thế ngã nước nên mặt mũi sưng phù thũng lên chứ không phải là sau chiến tranh được ăn no mấy bữa đã béo khỏe lên.
             Khi thấy nguồn nước có mùi hôi, tiểu đoàn trưởng đã đích thân cùng một chiến sĩ trinh sát đi kiểm tra. Phát hiện ra xác người chết thối rữa trong đập nước anh nổi điên lên dọa bắn y sĩ Tính, may mà anh Thọ kịp can ngăn. Rõ mọi chuyện, chính trị viên Hoàng nghiêm khắc bảo y sĩ Tính về làm bản kiểm điểm. Y sĩ Tính cúi đầu đi ra. Nhìn anh, tôi không thấy cái dáng vẻ hùng hồn như hôm trước chiến tranh duy trì buổi sinh hoạt kiểm điểm để khai trừ tôi và thằng Lâm ra khỏi đoàn.

   (còn nữa)

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 20)

              
 
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo
         Nhờ có ông già Đăm mà chúng tôi vượt qua được dốc Yên Ngựa để rút lui khỏi thung lũng Kép Ké một cách an toàn. Ông già biểt có một khe đá vòng tránh điểm chốt của bọn địch trên đỉnh dốc để đưa bộ đội và dân quân rút đi.
         Lại một cuộc rút chạy. Chúng tôi đã rút chạy khỏi thị trấn Sóc Giang, khỏi Lũng Mật và bây giờ là rút chạy khỏi thung lũng Kép Ké. Thoát khỏi vòng vây của quân thù, mấy anh em bộ đội chúng tôi chia tay với tốp dân quân bản Kép Ké. Anh Chấn nắm chặt tay tôi dặn:
         - Các anh hết sức cẩn thận nhé!
         - Vâng! Các anh chị cũng phải cẩn thận nhé!
         - Hẹn gặp lại
         - Hẹn gặp lại...
         Bộ đội và dân quân tạm biệt nhau. Trước khi tiếp tục con đường hành quân tìm về đơn vị cũ, chúng tôi san xẻ cho anh em dân quân hai quả lựu đạn và ba băng đạn. Anh Chấn và cô Hoa chia cho chúng tôi ít ngô hạt và đậu tương rang chín làm lương khô. Tôi dặn cô Hoa hết chiến tranh là nhớ phải về trường tiếp tục học ngay. Cô bé gật đầu. Cô Hoa và anh Chấn tiễn chúng tôi một đoạn rồi quay lại. Anh em dân quân sẽ lẩn khuất trên núi đá. Họ thông thạo địa hình hang hốc ở đây nên dễ lẩn tránh bọn địch.
 Chúng tôi gặp bộ phận của đại đội trưởng Tuấn ở một hẻm núi. Cũng chẳng biết đây là đâu nữa. Tình hình cũng chưa rõ thế nào. Chúng tôi vẫn chưa bắt liên lạc được với chỉ huy tiểu đoàn. Một số chiến sĩ được cử đi tìm đường là mất hút luôn, không thấy ai quay lại. Có thể họ bị bọn địch phát hiện bắn chết. Cũng có người khi đã ra đến bên ngoài vòng vây, an toàn rồi thì sợ không dám quay lại tìm bộ phận của chúng tôi nữa. Chúng tôi không tìm được đường thoát ra. Lối nào cũng chạm địch. Có lần xảy ra nổ súng, thêm hai người hy sinh.
 Bộ phận của chúng tôi chỉ còn có mười người. Đại đội trưởng Tuấn vẫn là chỉ huy chung. Tôi với anh ít đi gần nhau. Khi nào thấy phía trước có thể có địch phục kích nguy hiểm thì anh cử tôi dẫn một chiến sĩ đi trước trinh sát, tìm đường. Khi bị bọn địch truy đuổi thì anh cử tôi ở lại cùng vài chiến sĩ chặn địch. Tôi cũng không tranh cãi với anh nữa mà lầm lũi chấp hành mệnh lệnh được giao. An hem đã kiệt sức và đói lắm rồi. Cơn đói hành hạ làm những cơ thể chiến sĩ tả tơi. Có ngày mỗi chúng tôi chỉ có một nắm ngô rang độ vài chục hạt nhai khô không khốc trong miệng. Chúng tôi lặng lẽ đi trong cái rét cái đói tưởng như không thể lê bước được nữa.
 Đến gần một bản nhỏ chân núi thằng Lâm bảo tôi:
 - Anh cho em xuống kiếm cái gì ăn nhé! Đói quá không chịu nổi nữa rồi.
 - Lỡ có bọn địch phục kích thì sao?
 - Thì đánh nhau một trận, chết thôi chứ cứ chịu đói thế này thì cũng đến chết khổ chết sở anh ạ!
 - Thôi được! Chiều tối nay tao với mày cùng xuống bản.
 - Có báo cáo với đại đội trưởng Tuấn không hả anh?
 - Thôi khỏi! Ông ấy đang ở tít phía trên đỉnh núi, bây giờ mà leo lên báo cáo ông ấy có mà hết hơi chả còn sức mà xuống bản nữa. Lấy được lương thực chúng mình sẽ đưa lên cho bộ phận trên núi!
 Trời chưa tối, tôi và thằng Lâm đã lần xuống bản. Bản không có một bóng người. Bà con đã chạy hết lên rừng tránh bọn địch ngay từ ngày đầu chiến tranh nổ ra. Bản lại bị bọn địch cướp bóc nên chúng tôi lần mò qua mấy nhà mà chỉ kiếm được vài bắp ngô và một bó lúa. Tôi và thằng Lâm đành quay ra phía chân núi. Qua ngôi nhà sàn sát chân núi chợt thằng Lâm khẽ kêu lên:
 - Anh Hà ơi có nhiều cá quá!
 - Cá ở đâu?
 - Cá ở cái vũng nước dưới sàn nhà ấy!
 Chúng tôi cùng lẩn nhanh vào căn nhà sàn. Bà con dân tộc thường đào một cái ao nhỏ dưới sàn rửa rau, đãi gạo để thả cá. Những con cá chép núi đỏ au lớn rất nhanh nhờ ăn cơm canh rau thừa đổ xuống. Nhìn đàn cá lượn lờ dưới vũng nước thằng Lâm bảo:
 - Anh cảnh giới để em xuống bắt cá!
 - Ừ! Nhanh lên, cố bắt lấy vài con nấu cháo thì tốt.
 Thằng Lâm nhảy luôn xuống vũng nước. Nó dùng tay không lùa đàn cá vào góc ao để bắt. Nhưng mãi nó chẳng tóm được một con cá nào cả. Trong khi đó thì những con cá cứ nhảy loạn cả lên trong vũng nước. Tôi sốt ruột khi nghe tiếng súng rộ lên ở phía đầu bản. Tôi bảo:
 - Mày lên đi, để tao quăng cho nó một quả lựu đạn rồi muốn nhặt con nào thì nhặt chứ mò mẫm mãi thế này làm sao bắt được cá!
 Thằng Lâm vội vọt lên bờ. Nó ngăn tôi:
 - Đừng đừng, tốn mất một quả lựu đạn. Chỉ cần bắn vài loạt đạn là lũ cá sẽ chết thôi. Hồi làm đường ở Hà Giang chúng em vẫn dùng AK bắn được cả cá ở suối đấy.
 Nói xong nó mở khoá nòng. Chờ khi có một tiếng pháo của địch nổ vang lên nó liền xả một loạt đạn xuống vũng nước, chỗ những con cá đang lượn lờ túm tụm lại ở gần tảng đá. Quả đúng như nó nói. Mấy con cá chép to bị những viên đạn đập vào đá làm điếng óc nhao lên ngửa bụng bơi lờ đờ. Tôi và Lâm tóm được năm sáu con cá chép đỏ bằng bàn tay xâu vào dây rừng xách lên núi. Tôi hôm ấy còn một ít gạo chúng tôi nấu nồi cháo cá. Mọi người được một bữa tuy không đủ no nhưng quả là ngon nhất kể từ sau khi rời khỏi thung lũng Kép Ké.
 Ăn xong, đại đội trưởng Tuấn gọi tôi ra một hẻm đá phê bình gay gắt về tội tự ý xuống bản, nhất là chuyện dùng súng bắn cá trong ao của dân. Tôi không cãi lại nhưng trong lòng cứ ấm ức mãi.
 Sáng hôm sau, đại đội trưởng Tuấn quyết định chia số chiến sĩ làm hai bộ phận. Bộ phận của đại đội trưởng Tuấn sẽ ở lại ém trên hang đá ở sườn núi. Bộ phận của tôi gồm hai chiến sĩ sẽ tìm mọi cách vượt bằng được con đường bọn địch đang khống chế về Nguyên Bình tìm chỉ huy tiểu đoàn sau đó sẽ quay lại đón bộ phận còn đang ở trong vòng vây. Như vậy là đã đến lúc tôi độc lập chỉ huy một bộ phận đi làm nhiệm vụ. Biết là sẽ rất nguy hiểm nhưng tự dưng tôi thấy phấn chấn hẳn lên. Để lại hết số ngô hạt và đậu tương cho bộ phận ở lại, tôi dẫn Lâm và Tuất lên đường. Tôi thấy lo lắng cho hai chiến sĩ bị thương. Mấy chiến sĩ phải ở lại đều muốn đi theo tôi. Những ánh mắt nhìn tôi như trách móc vì tôi đã không chọn họ cùng đi.
 Chúng tôi tụt xuống núi bám con đường quốc lộ để tìm cách vượt sang phía bên kia. Bọn địch đang đi lại dày đặc trên đường. Vì lo lắng việc vượt đường mà tôi không chú ý hướng hành quân của bọn địch. Chúng đang hành quân về phía biên giới. Lần mò cả đêm, gần sáng hôm sau, chúng tôi vượt qua được con đường một cách khá dễ dàng.    
 Khi trời sáng hẳn thì chúng tôi đã vượt lên được dãy núi ngăn cách giữa hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình. Vậy là chúng tôi sắp gặp lại đơn vị cũ rồi. Khi lên đến đỉnh dốc của con đường mòn, tôi nằm lăn ra cho đỡ mệt và để thở. Bầu trời trong trẻo. Nắng lấp loá trên những gộp đá xám lạnh. Cái rét cũng đã giảm hẳn rồi tuy cơn gió vẫn còn se se lạnh.
 Giữa lúc tôi đang mơ màng thì thằng Lâm đang làm nhiệm vụ cảnh giới kêu lên:
 - Có một đoàn người đông lắm từ phía Nguyên Bình đang đi lên dốc!
 Tôi quờ khẩu súng ngồi bật ngay dậy.
 Chúng tôi hồi hộp quan sát hàng quân đang bám theo con đường mòn tiến lên đỉnh núi. Thằng Tuất chợt reo lên vui mừng:
 - Quân ta!
 Đúng là quân ta rồi. Tôi nhận ra cái dáng đi luôn chúi người về phía trước của trợ lý tham mưu Thọ và bước đi khoan thai của chính trị viên Hoàng ở tốp đầu hàng quân. Ba chúng tôi cùng đứng bật dậy giơ súng lên trời khua khua làm hiệu. Các chiến sĩ trinh sát đi phía trước đội hình của tiểu đoàn cũng đã nhận ra chúng tôi. Họ ào đến ôm lấy chúng tôi, tay bắt, mặt mừng. Tôi hỏi:
 - Tiểu đoàn ta hành quân về đánh chiếm lại Sóc Giang hả?
 - Thế bọn mày không biết à! Bọn địch tuyên bố rút khỏi nước ta từ mấy hôm trước rồi. Tiểu đoàn ta được lệnh quay về chiếm lĩnh lại thị trấn Sóc Giang đấy!
 - Thế à! Bọn tao ở trong vòng vây có đài điện gì đâu mà biết. Khổ quá! Bọn địch nó đang rút lui thế mà mấy hôm trước gặp chúng hành quân, bọn tao còn tổ chức đánh một trận làm mấy thằng trong bộ phận bị chết. Biết thế thôi đừng đánh nữa có phải mấy anh em bây giờ vẫn còn sống không!
 Tôi nói vẻ ngậm ngùi. Anh Thọ vỗ vỗ vào vai tôi an ủi:
 - Chiến tranh ai biết thế nào mà nói trước...
 Anh nắm chặt tay tôi. Tiểu đoàn trưởng Thêm, chính trị viên Hoàng cũng đã lên tới nơi. Mọi người xúm lại xung quanh ba chúng tôi hỏi han. Tôi cũng nhớn nhác nhìn mọi người. Vắng bóng mấy thằng bạn thân. Tiểu đoàn rút sang Nguyên Bình tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ khu mỏ thiếc Tĩnh Túc. Vì thế có thêm nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống ở Minh Tâm, Hoàng Tung để chặn con đường quân giặc tiến vào mỏ thiếc...

 (còn nữa)

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 19)

           
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

 
           Chúng tôi rút lên sườn núi đá. Bộ đội và dân quân phân tán lẩn khuất trong các hang hốc, khe đá để tìm cách rút đi. Số chiến sĩ đại đội 1 do đại đội trưởng Tuấn chỉ huy đã vượt được qua dốc yên ngựa sang bên kia dãy núi an toàn từ chiều hôm trước khi bọn địch đang tấn công vào trận địa của dân quân đầu thung lũng Kép Ké. Sau khi chiếm được thung lũng bọn địch dùng bộ binh và hoả lực mạnh khống chế bịt chặt con đường duy nhất thoát ra khỏi thung lũng nên bộ phận do tôi chỉ huy và số anh em dân quân không vượt được qua dốc yên ngựa để rút đi. Chúng tôi đành cố thủ để chờ đêm đến. Nhưng cũng may là phần lớn bà con dân bản và thương binh đã thoát ra khỏi Kép Ké. Số anh em bộ đội và dân quân co cụm trên sườn núi cố gắng không để bọn địch phát hiện truy đuổi. Nhờ sườn núi có nhiều hang hốc nên chúng tôi dễ ẩn náu.
            Mãi đến cuối buổi chiều tôi mới gặp được anh Chấn và mấy dân quân ở trận địa phòng ngự chính diện rút lên núi. Nghe anh Chấn kể lại tôi mới biết cụ thể về sự hy sinh của trung đội trưởng Phủng. Cái chết của anh Phủng khiến tôi thấy lạnh buốt trong lòng.
           Bắn đến viên đạn cuối cùng anh Phủng sa vào tay giặc. Anh không thể rút lui như chúng tôi vì đã quá muộn. Bọn địch đã tràn lên trận địa một bên đùi anh lại bị gãy nát do trúng mảnh đạn pháo. Hai tên lính địch xô vào giằng khẩu súng hết đạn của anh ném đi. Chúng túm lấy chân anh lôi tuồn tuột lên khỏi công sự kéo xuống mặt đường. Thân hình anh tả tơi rách nát. Máu từ vết thương trên đùi anh thành vệt trên sườn đồi đất đá bị băm nhừ vì đạn giặc cày sới. Xuống tới mặt đường bọn chúng để anh ngồi dựa vào thành ta-luy chờ thằng chỉ huy đến. Mấy tên giặc xúm xít xung quanh anh. Chúng thi nhau đá mạnh vào vết thương đang rỉ máu của anh. Máu trong người anh đã chảy ra gần hết. Anh Phủng nghiến răng chịu đau. Đôi mắt anh căm hờn nhìn bọn cướp nước. Có lẽ anh đang ao ước giá mà mình còn một quả lựu đạn khi bọn chúng xông đến.
           Bọn giặc đã làm chủ trận địa của ta lối vào thung lũng Kép Ké. Chúng lùng sục từng ngách chiến hào, các khe kẽ đá xung quanh để tìm những bộ đội và dân quân của ta bị thương không kịp rút đi. Thêm một nữ dân quân bị chúng bắt sống lôi đến. Thằng chỉ huy thấp lùn mặc cái áo trắng mốc từ phía chân dốc đi lên. Nó đưa mắt nhìn anh Phủng và người nữ dân quân. Một khẩu lệnh ngắn "lảo xảo" từ cái mồm ám khói thuốc lá của nó phát ra. Mấy tên giặc liền lôi cô dân quân ra giữa đường. Mặc cô giãy giụa kêu khóc, chúng lột hết quần áo của cô rồi thay nhau hãm hiếp. Anh Phủng hét lên căm phẫn:
            - Quân lang sói, đồ mặt người dạ thú...
           Tên chỉ huy nhếch mép cười. Chắc chắn không biết tiếng Việt nhưng nó hiểu là anh đang chửi nó. Nó rút con dao găm đang đeo bên hông ra tiến lại phía anh. Một tên lính giặc hiểu ngay ý định của chỉ huy. Hoặc việc này nó đã quen làm từ khi tấn công vào đất ta. Nó lao vào giật tung mấy chiếc cúc áo còn sót lại của anh Phủng. Thằng giặc cúi người xuống sát mặt anh Phủng. Hơi thối từ mồm nó phả ra khiến anh ngộp thở phải cố nghiêng mặt đi. Rất từ từ nó thọc sâu mũi dao găm vào giữa bụng anh Phủng rồi ấn mạnh xuống. Lưỡi dao sắc lẹm của thằng chỉ huy rạch một đường mổ phanh bụng người trung đội trưởng dân quân. Anh Phủng vẫn không kêu rên. Anh nghiến răng cố hét lên:
           - Lũ cướp nước dã man, rồi chúng mày sẽ...
           Anh không nói thêm được nữa. Hai tên giặc đã kéo rộng vết rạch trên bụng anh lôi ruột ra rải trên mặt đường. Cô gái dân quân cũng bị bọn địch mổ bụng sau khi chúng thay nhau hãm hiếp. Chúng moi ruột gan của hai người dân quân ném ra mặt đường. Máu của họ nhuộm đỏ mảnh đất quê hương thân yêu mà họ đã quên thân mình chiến đấu bảo vệ.
           Từ chỗ ẩn nấp anh Chấn đã chứng kiến toàn bộ cảnh anh Phủng và người nữ dân quân hy sinh. Nghe xong câu chuyện, tôi tôi lặng người đi trước cái chết bi hùng của những người dân quân vệ quốc. Mãi sau tôi mới nói được một câu, giọng đứt quãng:
           - Chúng ta... phải... phải tìm cách nào để lấy bằng được thi hài hai người về mai táng anh ạ!
           - Rất khó anh ạ! Nhưng tối nay chúng tôi sẽ tìm cách tiếp cận nơi chúng nó giết hai người xem có đưa được họ ra không.
           - Để mấy anh em bộ đội chúng tôi đi cùng hỗ trợ!
           - Không nên! Các anh không quen thuộc địa hình, có tình huống xảy ra không biết lối nào mà rút chạy. Nếu thoát ra được thì tối nay các anh vượt dốc yên ngựa rút ngay đi. Ngày mai bọn địch sẽ lùng sục đánh phá rất gắt gao để tiêu diệt lực lượng của ta còn đang lẩn trốn ẩn náu ở xung quanh bản Kép Ké đấy.
           Nghe anh Chấn nói tôi cũng đành gật đầu đồng ý. Đến gần sáng hôm sau khi nghe anh Chấn thông báo anh em dân quân và bà con dân bản đã đưa được hai thi thể đem về giấu trong một ngách hang sâu trên sườn núi tôi cảm thấy trong lòng mình như có sự an ủi phần nào. Tôi đã hiểu chiến tranh với sự ác liệt, khủng khiếp của nó. Nhưng mỗi lần chứng kiến hoặc nghe kể về những điều xảy ra trong chiến tranh tôi lại thấy thấp thỏm trong lòng. Bất giác tôi nhớ đến em Mai. Tôi ngẩng mặt nhìn lên bầu trời. Có một khoảng mây tan ra để lộ những ngôi sao đang nhấp nháy. Một ngôi sao rất sáng hiếm hoi trên bầu trời đầy mây đen và khói đạn như mắt em Mai đang tinh nghịch nhìn tôi.
Tôi dựa khẩu súng vào mô đá đứng thẳng người dậy che mắt nhìn về phía phương trời xa. Trong ánh lửa của những luồng đạn pháo quân thù đan trên bầu trời soi rõ một vùng núi tiếp núi chập trùng. Cuộc hành quân của chúng tôi chắc chắn sẽ còn rất nhiều gian khổ, chết chóc. Phía hướng dốc yên ngựa có nhiều tiếng súng rộ lên. Chắc là có bộ phận nào đó vượt vây chạm địch.
           Bộ phận của chúng tôi chưa thể vượt ra khỏi thung lũng Kép Ké. Trung đội dân quân cũng vậy. Một số anh chị em dân quân được lệnh giấu súng để tìm cách đưa vợ con gia đình vượt ra ngoài vòng vây chạy về phía dưới xuôi tránh sự giết chóc của kẻ thù.
Ngày hôm sau khi đã tiến vào được thung lũng Kép Ké bọn địch bắt đầu đốt phá làng bản. Chúng nổ mìn triệt hạ các công trình dân sinh của ta. Chúng ép thuốc nổ đánh gãy từng cây cột điện, phá hủy từng cái guồng kéo nước ngoài bờ suối. Chúng tôi vẫn khéo léo di chuyển trên sườn núi đá phía sau bản Kép Ké để tránh chạm địch.
   Giữa trưa, lợi dụng khi bọn địch co cụm ở đầu bản ăn uống, anh Chấn và một dân quân tìm đến gặp chúng tôi trao đổi công việc. Anh hỏi:
- Hai thằng tù binh thì giải quyết thế nào anh nhỉ! Không thể đưa chúng đi theo đội hình của ta vượt vây tối nay được.
Tôi đắn đo rồi nói:
- Hay là thả chúng ra?
- Không được! - Anh dân quân đi cùng anh Chấn phản đối: - Thả ra chúng nó sẽ dẫn bọn địch truy đuổi theo chúng ta ngay.
           - Trói lại rồi bỏ chúng nó ở lại có được không?
           - Cũng không ổn! Địch sẽ tìm thấy chúng. Bọn chúng cũng sẽ dẫn quân giặc lần theo dấu của ta ngay.
           - Vậy thì...
           - Đập chết luôn chúng nó đi là ổn nhất...
           - Không được! Giết tù binh là vi phạm công ước quốc tế về tù, hàng binh đấy!
           Thằng Lâm vốn là một sinh viên trường luật vội lên tiếng. Anh Chấn có vẻ hơi cáu, anh nói giọng gay gắt:
            - Vi phạm cái mẹ gì! Bọn chúng nó tấn công sang xâm lược nước ta, bắn giết dân ta là còn vi phạm cả hiến chương Liên hợp quốc rồi đấy. Công ước, công iếc là cái quái gì... Mà chúng nó cũng đã giết hại một cách rất dã man anh em của ta mà chúng bắt được rồi đấy!
           Ngừng một lát nhìn chúng tôi rồi anh nói vẻ cương quyết:
           - Giết hết chúng nó đi để trả thù cho anh Phủng và các anh em bộ đội, dân quân. Đừng bắn tốn đạn. Đập cho mỗi thằng mấy báng súng là xong...
Giữa lúc chúng tôi còn đang tranh luận thì địch bắn pháo dữ dội lên sườn núi đá. Hoả lực từ xe tăng và pháo lựu bắn thẳng của chúng nhằm vào những chỗ nào chúng nghi ngờ là có quân ta đang ẩn náu. Khói lửa mù mịt. Mảnh đá vỡ vằng tung toé. Chúng tôi vội phân tán vào sau những gộp đá to và các hang hốc tránh hoả lực của địch.
Sau đợt pháo kích của bọn địch thì có một dân quân đến báo cho chúng tôi biết một quả pháo bắn thẳng trúng vào hốc đá chỗ giấu hai tên tù binh. Hai tên giặc đều đã chết cả rồi.
*
           Cuối buổi chiều vừa nhai một miếng cơm nắm xong thì bụng tôi bỗng đau dữ dội. Sau đó tôi bị Tào Tháo đuổi đi lỏng ra toàn nước. Chắc chắn là do ăn cơm thiu, uống nước đọng ở những hốc đá lâu ngày. Tôi đi ngoài liên tục không ngừng lại được. Người tôi mệt bã ra vì đau và mất nước. May mà bọn địch đã ngừng bắn nên tôi không phải di chuyển nhiều để tránh đạn nên đỡ mệt. Tôi nằm rũ người trong một khe đá. Mệt đến nỗi tay không nhấc lên nổi. Không có lấy một viên thuốc. Cứ thế này thì nguy hiểm quá. Đêm đến bộ đội và dân quân sẽ leo qua vách đá gần như dựng đứng sang phía bên kia dãy núi. Con đường qua dốc yên ngựa không thể đi được nữa vì quân giặc bố trí lực lượng dày đặc trên đó ngăn chặn. Bọn chúng định khoá chặt con đường duy nhất này như đạy cái hom giỏ để tiêu diệt sạch quân ta còn ở trong thung lũng. Với sức khoẻ suy kiệt thế này chắc là tôi không thể nào đi theo đội hình được. Lâm và Tuất đang rất lo lắng thì anh Chấn và mấy người cả dân quân và một người đàn ông vẻ gầy gò là dân trong bản đến. Sau khi hỏi han tình hình của tôi, người đàn ông gầy gò nói:
          - Chú phải uống một liều thuốc phiện thôi!
          - Không được! Lỡ anh ấy bị sốc hay bị nghiện thuốc phiện thì làm thế nào?
          Thằng Lâm phản đối. Nó lo lắng cho tôi. Anh Chấn cũng đắn đo:
- Có lẽ không việc gì đâu!
Tôi vừa nghe họ bàn đến đấy đã phải ngồi dậy ôm bụng lần ra phía sau gộp đá. Cơn đau vẫn chưa dứt. Người tôi hình như đã bị rút kiệt hết nước rồi. Mệt quá, tôi phải bám vào vách đá mới đứng vững. Quay về đến chỗ mọi người đang ngồi, tôi quyết định luôn:
- Đưa thuốc phiện cho tôi!
Thằng Lâm càng lo lắng. Nó cứ năn nỉ can ngăn tôi không nên uống thuốc phiện. Tôi nói với nó cũng là tự trấn an mình:
- Điều quan trọng nhất bây giờ là khỏi bệnh thật nhanh để còn đi theo anh em. Sống, thoát được ra khỏi vòng vây của giặc rồi mọi chuyện tính sau!
Người đàn ông gầy gò - vừa trông đã biết ngay là một con nghiện nặng - thò tay vào túi lôi ra một gói nhỏ. Ông ta mở gói lấy ra một cục nhựa đen đen véo một mẩu nhỏ vê vê một lát rồi đưa cho anh Chấn. Anh Chấn xiên mẩu thuốc phiện vào một cái que rồi bật lửa đốt. Mẩu thuốc phiện nhỏ bằng hạt đậu xanh bắt đầu cháy, toả khói xanh có mùi thơm rất lạ. Khi mẩu thuốc phiện đã phồng nở to bằng hạt ngô anh Chấn thả nó vào bát nước còn nóng rót từ trong bi-đông ra. Anh dùng que khoắng cho mẩu thuốc phiện tan hết rồi đưa cho tôi. Tôi run run bưng bát nước thuốc phiện đưa lên miệng ngửa cổ uống hết. Quả là một bài thuốc rất công hiệu. Tôi ngừng hẳn việc tiêu chảy. Bụng tôi sôi lên nhưng dần dần giảm đau.
Không biết bằng cách nào mà chập tối anh Chấn gửi đến cho tôi một bi-đông cháo còn nóng ấm. Ăn được chút cháo nóng tôi thấy mình như khoẻ lại. Đến nửa đêm tuy còn rất mệt nhưng tôi vẫn có thể đeo khẩu súng đi theo đội hình hành quân. Lâm và Tuất vất vả thay nhau dìu tôi chậm chạp ngược lên dốc núi cheo leo dựng đứng.
Sau này khi hành quân qua những triền núi đá khô cằn gặp những dải đất trồng cây anh túc đang trổ hoa lung linh huyền ảo tôi lại nhớ đến bát nước thuốc phiện mà mình đã uống hôm ở Kép Ké giữa vòng vây của quân thù.

(còn nữa)