Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 15)

         
   
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

          Mười bốn người chúng tôi quay lại chạy ngược lên đỉnh núi, trở lại trong vòng vây của kẻ thù. Đại đội trưởng Tuấn lầm lũi đi trước. Tôi và thằng Tuất, thằng Lâm đi sau cùng. Không khí nặng nề, không ai nói với ai câu nào sau cuộc cãi vã giữa tôi và anh Tuấn. Anh Tuấn đã chỉ trích rất gay gắt việc tổ trinh sát của chúng tôi chủ quan, không phát hiện ra chiếc xe vận tải của địch bị chết máy giữa suối dẫn đến đơn vị bị bất ngờ, bị địch cắt ngang đội hình khiến bộ phận đi sau không thoát ra ngoài vòng vây được.
          Sự sơ xuất trong chiến tranh nhiều khi khó mà tránh khỏi. Tình huống chiến đấu bất ngờ luôn luôn xảy ra. Người lính chiến phải luôn luôn bình tĩnh, sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống nào khi nó xuất hiện, kể cả tình huống xấu nhất. Bộ phận trinh sát chúng tôi rất mỏng, chỉ có bốn người lại chia làm hai hướng tìm đường đưa đơn vị rút ra. Chúng tôi đã không cử người nằm lại bám đường nên không biết có một chiếc xe tải chở tốp lính giặc chết máy ở giữa suối nên mới xảy ra tình huống bị chúng phát hiện lao lên cắt ngang đội hình rút quân của ta. Bị đại đội trưởng Tuấn phê bình, chỉ trích tôi không tự ái, tôi chỉ thấy bực tức vì anh nghĩ bộ phận trinh sát chúng tôi hèn nhát, sợ chết, trinh sát nắm địch không cẩn thận nên để xảy ra sơ xuất trên. Đúng là tôi có sợ chết. Ai chả sợ chết. Nhưng trong chiến tranh có nhiều điều còn khủng khiếp, kinh hãi hơn rất nhiều cái chết. Điều quan trọng là ai sẽ đứng vững được trong chiến tranh và trước bom đạn của kẻ thù. Có một điều là tôi không hèn nhát. Từ lúc chiến tranh xảy ra được giao nhiệm vụ gì tôi cũng đều cố gắng hoàn thành. Có những lúc tưởng không còn có thể chịu đựng nổi sự ác liệt của chiến tranh nữa tôi vẫn cắn răng chịu đựng, không rút lui, bỏ vị trí khi chưa có lệnh.
          Trung uý Tuấn là người Hà Nội. Trong chiến tranh chống Mỹ anh thường ở khung A huấn luyện tân binh rồi bàn giao cho chiến trường. Lần anh vào sâu nhất là đến Quảng Bình giao quân, bị một trận B52 suýt chết. Lên biên giới đại đội 1 của anh bố trí ở điểm chốt là hai quả đồi nối tiếp nhau sát cửa khẩu. Trên mỗi quả đồi có một cây đa nên còn gọi là chốt cây đa thứ nhất và chốt cây đa thứ hai. Khi chiến tranh nổ ra trận địa của đại đội 1 bị quân địch tấn công liên tục. Cuộc chiến đấu ở đây rất ác liệt. Đến hai phần ba quân số của đại đội 1 bị thương vong. Gần như toàn bộ ban chỉ huy của đại đội 1 hy sinh và bị thương. Riêng anh Tuấn vẫn bình an vô sự vì khi tác chiến xảy ra anh chủ yếu ở vị trí chỉ huy là một mỏm núi đá nhô lên phía sau mỏm đồi thứ hai. Tại mỏm đá này có một cái hang nhỏ nhưng lại như một căn hầm lớn, bom tấn có ném vào cũng chả việc gì. Tôi nhớ hôm đang chuẩn bị trận địa ở mỏm Đầu Bò gần trường cấp 1 thị trấn gặp bộ phận còn lại của đại đội 1 rút qua, nhìn thấy đại đội phó Hoàn đầu quấn băng kín nhưng vẫn đi lại nhanh nhẹn bình thường, tôi hỏi:
          - Anh bị thương nặng không mà băng bó kín cả đầu trông ghê thế?
          - Nặng quái gì đâu! Sướt da vớ vẩn ấy mà!
          - Sao vậy?
          - Tao đang chỉ huy chiến đấu ở chốt cây đa phía trước thì thấy bỏng rát bên má trái, máu chảy ròng ròng. Sờ tay lên thấy bay đâu mất mẹ nó một mẩu tai phải rồi. Mẹ kiếp, thằng giặc chỉ cần nhích mũi súng sang bên trái vài li thì viên đạn cắm thẳng vào giữa mặt tao rồi. Mấy đứa chúng nó thấy mặt mũi tao be bét máu liền băng bó ngang dọc chứ tao có bị gì nặng đâu.
          Tôi bảo:
          - Anh đừng chủ quan. Nó nhiễm trùng thì khốn.
          - Đúng... đúng... nguy quá rồi mày ơi!
          - Sao thế?
          - Thì... sau trận này vác cái tai cụt về khéo người yêu tao nó bỏ chạy luôn một mạch mất mày ạ!
          - Không việc gì đâu anh ạ! Sau chiến tranh vào thẩm mỹ viện họ lắp cho một cái tai giả. Tai vẫn vẫy được, vẫn đẹp trai như thường...
          - Mày chỉ được cái khéo động viên tếu!
          Tôi hỏi tiếp:
          - Anh em đại đội 1 thế nào hả anh?
          Đang tếu táo, anh Hoàn sầm ngay mặt lại ngậm ngùi:
          - Gần như toàn bộ cả hai ban chỉ huy đại đội đều hy sinh cả rồi.
          - Sao lại những hai ban chỉ huy?
          - Thì mày tính, chiến đấu được hai ngày ban chỉ huy đại đội hy sinh gần hết. Chính trị viên Toàn, chính trị viên phó Lân chết ở chốt cây đa thứ nhất. Trên bổ sung về anh Phương, học viên Trường sĩ quan Chính trị làm chính trị viên, đôn thằng Ngọc trung đội trưởng lên làm đại đội phó cũng chỉ được thêm vài ngày là người thì trúng đạn pháo hy sinh, người bị thương nặng đưa về chết ở trạm phẫu tiền phương. Còn mỗi tao sống sót thì lại bị cụt mẹ nó mất một tai, thật chả ra làm sao.
          - Thế còn anh Tuấn, đại đội trưởng?
          - À... à... ông ấy á! Bom có ném trúng cũng chả việc gì!
          - Tại sao vậy?
          - Thì... ông ấy cứ ở lì trong hang đá thì việc quái gì chứ?
          Thiếu uý Hoàn trả lời một cách quấy quá rồi lừ lừ đi mất. Anh Hoàn là một lính chiến ở mặt trận phía Tây Nam. Thành tích chiến đấu của anh khá dày dặn. Anh là một người chỉ huy gan lỳ. Hầu như suốt thời gian đại đội 1 chống chọi với các đợt tấn công ác liệt của địch, anh luôn luôn có mặt ở chốt cây đa thứ nhất chỉ huy bộ đội và trực tiếp bẻ gãy các đợt tấn công liên tiếp của chúng. Trong khi đó thì đại đội trưởng Tuấn ở trong hang đá chỉ huy bằng điện thoại và qua liên lạc truyền đạt. Mệnh lệnh lúc tới được các trung đội, lúc thì không.
           Bây giờ khi bị thất lạc khỏi đội hình của tiểu đoàn, còn mười bốn người, tôi đang là cấp dưới của anh Tuấn. Tôi không nề hà gì việc ai là người chỉ huy mình. Tôi chỉ sợ khi tình huống chiến đấu khẩn cấp xảy ra phải chấp hành những mệnh lệnh thiếu chính xác.
           Chúng tôi tiếp tục rút sâu vào trong dãy núi đá. Chúng tôi đi qua những thung lũng hoang vắng không một bóng người. Mười bốn người chia làm hai bộ phận. Tôi dẫn hai chiến sĩ đi trước trinh sát địch và tìm đường, tìm vị trí tạm trú quân khi đêm đến và quan trọng nhất là tìm được dân để xin chi viện lương thực, thực phẩm. Bộ phận hơn mười người do trung uý Tuấn chỉ huy hành quân ở phía sau. Bộ phận này chỉ cơ động sau khi chắc chắn phía trước không có địch vì trong đội hình có mấy anh em bị thương, ốm yếu. Bọn địch cũng đã bắt đầu lùng sục để tìm và tiêu diệt các đơn vị của ta đang rút lui, ẩn náu lẩn khuất trên núi đá.
  Đến đầu bản Kép Ké, thằng Lâm chợt dừng lại bảo tôi:
  - Anh và thằng Tuất ém tại đầu bản để em mò vào trước xem sao. Lỡ có bọn địch phục kích trong bản.
  - Mày phải thật cẩn thận đấy!
  - Bản này em đã đến một lần rồi, em thông thạo địa hình.
  Thằng Lâm nói rồi lẩn nhanh vào mấy bụi cây lúp xúp đầu bản. Trời đã sâm sẩm tối. Suốt một ngày lần mò leo trèo vật vã trên vách núi chân tay tôi mỏi nhừ. Tôi ngồi dựa vào một mô đá. Thằng Tuất cảnh giác quan sát xung quanh. Bản Kép Ké nằm trong một thung lũng khá rộng. Đây cũng là trung tâm hành chính của xã Kép Ké. Có một con đường nhỏ chạy ngang qua bản và ngược lên sườn núi ở phía cuối bản. Nếu tình hình không có gì đặc biệt, bọn địch chưa đánh đến đây thì cả bộ phận của chúng tôi sẽ ở lại bản vài ngày để tìm cách vượt qua con đường gần thị trấn Thông Nông tìm lối rút sang Nguyên Bình tìm về với đội hình của tiểu đoàn.
 Thằng Lâm đi một hồi lâu thì quay lại, nó dẫn theo một nam một nữ là hai dân quân của bản. Nó chỉ anh dân quân giới thiệu:
  - Đây là anh Phủng, trung đội trưởng dân quân xã. Còn đây là em Hoa dân quân của bản Kép Ké.
  Chúng tôi nắm chặt tay nhau. Anh Phủng thông báo cho tôi biết tình hình địch. Bọn địch chỉ bắn pháo và đưa trinh sát thăm dò chứ chưa đánh vào khu vực Kép Ké. Hiện trung đội dân quân của xã vẫn chốt chặn ở đầu lối vào thung lũng Kép Ké. Có một số chiến sĩ các đơn vị rút chạy về đây cũng ở lại tham gia chốt chặn đánh địch. Anh đề nghị bộ phận của chúng tôi ở lại giúp dân quân bản Kép Ké chặn giặc. Tôi đồng ý nhưng nói với anh việc này phải xin ý kiến đại đội trưởng Tuấn vì tôi không thể quyết định được. Tôi lệnh cho Tuất quay lại phía sau thông báo cho bộ phận của trung uý Tuấn di chuyển vào bản Kép Ké. Đến khoảng tám giờ tối thì tất cả chúng tôi đã tập trung đầy đủ ở khu bản nhỏ trong thung lũng.
   Anh Phủng, trung đội trưởng dân quân xã mời chúng tôi ăn cơm. Hai mâm cơm khá thịnh soạn. Cơm trắng. Có thịt lợn luộc, bí ngô nấu canh, rau cải xào và cả một chai rượu ngô nữa. Chúng tôi mỗi người làm một chén cho khí thế. Bao nhiêu ngày rồi chúng tôi mới lại được ăn một bữa no và ngon đến thế. Ánh lửa bập bùng soi không rõ mâm cơm. Nhưng tôi vẫn nhận thấy rõ những khuôn mặt bộ đội, dân quân hốc hác vì đói ăn, đói ngủ bao ngày. Đêm biên giới âm u. Những người lính, người dân ngồi sát bên nhau bên mâm cơm, chia nhau từng miếng cháy đáy nồi. Trận chiến đấu ngày mai ai trong số những người đang ngồi quanh mâm cơm hôm nay đây sẽ nằm xuống. Ôi chiến tranh thật là không thể biết trước điều gì. Tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ họng khi nhớ lại những đồng đội đã hy sinh...
  Ăn xong chúng tôi tranh thủ bàn việc phòng ngự chặn quân giặc tấn công vào Kép Ké. Trung uý Tuấn có vẻ hơi bực. Anh không bằng lòng vì tôi đã vượt quyền khi tỏ ý nhận lời ở lại chiến đấu với dân quân Kép Ké. Anh muốn tiếp tục hành quân đi tìm đội hình của tiểu đoàn ngay. Tuy vậy anh cũng cùng chúng tôi bàn phương án chiến đấu. Đường vào bản Kép Ké rất dễ phòng thủ nhưng cũng lại rất khó rút lui. Nếu để bọn địch chiếm được vị trí chốt phòng ngự đầu bản Kép Ké thì chúng có thể khống chế toàn bộ thung lũng và dùng hoả lực bắn thẳng chặn bít ngay con đường rút lên núi ở phía cuối bản. Lúc ấy toàn bộ bộ đội và dân quân sẽ như là nằm trong lòng bàn tay quân giặc.
   Bàn bạc xong phương án chiến đấu, cắt cử người phối hợp với dân quân tuần tra canh gác, bộ phận chúng tôi phân tán chia nhau về trú quân trong các nhà dân. Tôi, Tuất và Lâm theo cô Hoa về nhà. Tổ tiền trạm của chúng tôi sẽ ở nhà của cô Hoa sát chân núi đá. Leo lên sàn nhà, tôi nhìn thấy bên bếp lửa bập bùng một ông già đen đúa đang ngồi vót chông. Cô Hoa giới thiệu:
  - Đây là ông của em!
  Tôi vội chào ông và ngạc nhiên hỏi:
            - Ông vẫn chưa đi sơ tán ạ?
            Ông già lắc đầu:
  - Sao tao phải đi sơ tán hả? Mà sơ tán đi đâu, bỏ đi đâu! Đất của mình đây thì mình phải ở chứ. Chúng mày ở mãi tận dưới xuôi còn kéo nhau lên đây để giữ đất. Chúng tao ở đây lại bỏ đi à?
  Cô Hoa nói:
  - Đấy! Ai bảo ông em cứ nói như thế đấy! Em bảo ông sơ tán lên hang đá trên núi cho an toàn khi bọn địch tấn công vào bản nhưng ông không chịu. Ông bảo là ở lại giúp đỡ bộ đội và dân quân đánh giặc. Anh khuyên ông giúp em với nhé!
  Tôi im lặng. Tôi đang suy nghĩ về câu nói của ông già. Một câu nói mộc mạc nhưng đó lại chính là một chân lý giản dị mà có lẽ cả ngàn đời nay rồi mỗi người dân đất Việt đều hiểu, đều ghi tạc mãi trong lòng.

           (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét