Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 21)

Dốc núi     
             
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

  Chúng tôi trở về thì trấn Sóc Giang sau chiến tranh. Một thị trấn đổ nát hoang tàn. Hơn tháng trước đây chính là "toạ độ lửa", là nơi bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Cũng là nơi tiểu đoàn chúng tôi đã bẻ gãy bao nhiêu đợt tấn công vô cùng ác liệt của kẻ thù. Vậy mà bây giờ chúng tôi, những người quay trở lại Sóc Giang ai cũng có một tâm trạng bùi ngùi. Kẻ thù đã bị đánh lui nhưng cái cảm giác chiến thắng trong những người lính chúng tôi mờ nhạt. Không có cái háo hức, tưng bừng của ngày 30-4 năm nào, chỉ có nỗi bàng hoàng, xót xa về sự chết chóc, đổ nát hoang tàn. Không có một bóng dáng người dân nào trong thị trấn. Chúng tôi là những người đầu tiên trở về Sóc Giang. Chúng tôi lầm lũi bước đi trong sự hoang vắng sau trận chiến. Một đội hình cán binh quần áo tả tơi bẩn thỉu. Nhiều người băng còn quấn trên đầu loang lổ màu máu, tay gãy còn treo trên cổ, chỉ có nòng súng là vẫn hướng về phía trước luôn sẵn sàng.
  Tất cả những căn nhà trong thị trấn đều bị địch đánh sập hoặc bị đốt cháy. Cây cối, cột điện đổ ngổn ngang. Mùi xác chết của người và động vật khăn khẳn khắp nơi. Chỗ nào cũng gặp những quả mìn bọn địch gài lại trước khi rút đi. Bộ phận công binh phải dò dẫm phía trước mở đường. Chúng tôi phải đặt bước chân theo dấu đã vạch sẵn trên đường của cánh lính công binh. Người đi sau bước đúng bước chân người đi trước để tránh dẫm vào mìn.
  Đội hình hành quân một hàng dọc chậm chạp vừa đi vừa quan sát xung quanh, cảnh giác. Không ai nói một câu nào chỉ nghe tiếng thở dốc của những người mang vác nặng ở bộ phận hoả lực. Mọi người đều cảnh giác, vừa đi vừa chú ý quan sát xung quanh. Bỗng nghe một tiếng nổ "oành" ở phía sau đội hình. Đất cát bay mù mịt. Tất cả chúng tôi vội ngồi thụp xuống chĩa súng ra xung quanh, sẵn sàng chiến đấu. Những tiếng mở khoá nòng lách cách. Mọi người đều tưởng là bị bọn địch phục kích. Hoá ra không phải. Một quả mìn bọn giặc gài lại ngay bên cạnh lối đội hình hành tiến đi đã phát nổ.
  Người hy sinh là một chiến sĩ còn rất trẻ thuộc trung đội vận tải. Người lính này vừa mới được bổ sung về tiểu đoàn, chưa được hai tháng tuổi quân. Nguyên nhân là cậu ta đi giữa đội hình, lại có mấy cô bé ở đơn vị thanh niên xung phong đi ngay phía sau. Đang đi buồn tiểu tiện, cậu ta chỉ mới bước chệch có một bước định vào đứng khuất sau mô đá thế mà đạp trúng luôn một quả mìn chống bộ binh của địch.
            Sau vụ này, tiểu đoàn trưởng Thêm nổi cáu. Anh đi dọc theo hàng quân quát tháo ầm ĩ:

               - Đánh nhau không chết, lại chết vì sĩ diện... ngu... ngu quá...
  Quát tháo một lúc anh ra lệnh giọng vẫn còn cáu gắt:
  - Kể từ bây giờ cho đến lúc vào vị trí trú quân trong thị trấn, thằng nào buồn đái cứ đứng ngay giữa đường mà đái. Con gái cũng vậy. Ai xấu hổ thì nhắm mắt lại...
            Tiểu đoàn trưởng Thêm nóng tính thì quát vậy thôi chứ tôi biết anh thương lính lắm. Cái chết của người chiến sĩ trẻ làm anh rất đau đớn. Sau một tháng chiến đấu, đơn vị tổn hao sinh lực quá lớn, chỉ còn lại một nhúm người. Hôm tập trung đội hình toàn tiểu đoàn để quán triệt nhiệm vụ lúc chuẩn bị xuống núi để chiếm lĩnh lại thị trấn Sóc Giang trông thưa thớt, thiếu vắng quá nhiều vị trí chiến sĩ, vị trí chỉ huy. Vậy nên sau chiến tranh lại vẫn có người phải ngã xuống như vậy khiến ai cũng đau xót.
   Đơn vị về đến vị trí đóng quân. Đó là đám ruộng ngay dưới chân mỏm núi có hang chỉ huy tiểu đoàn mà một tháng trước chúng tôi đã chiến đấu đánh lui bao đợt tấn công của bọn địch. Chúng tôi nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong khu nhà vốn là trụ sở của uỷ ban nhân dân huyện để dựng tạm những căn nhà một mái trông giống như những cái chuồng lợn để trú quân tạm thời để bảo vệ thị trấn và giải quyết hậu quả của cuộc chiến. Các bộ phận lần mò lên các vị trí chiến đấu đào bới tìm kiếm liệt sĩ. Khắp nơi mùi thối rữa của tử thi, xác động vật bốc lên thật là kinh khủng. Việc xác định, phân biệt hài cốt đâu là quân ta, đâu là địch, đâu là dân cũng thật khó khăn. Mặc dù đã được chuẩn bị trước khi chiến tranh xảy ra như các bộ phận đều được cấp phát những tấm vải liệm may sẵn. Mỗi người đều có mã số riêng của mình ghi trong một mảnh bìa cứng ép plastic để sẵn trong túi áo phòng khi hy sinh chôn theo sau này còn biết danh tính. Nhưng đánh nhau cả tháng nhiều người đã không giữ nổi mảnh bìa mã số của mình. Mà người giữ được thì vẫn còn sống. Người hy sinh thì lại chẳng còn giữ được mã số để đánh dấu mộ chí của mình.
  Một buổi chiều, thằng Lợi ở trung đội vận tải đi tìm kiếm liệt sĩ ở khu vực sát biên giới về gặp tôi ngậm ngùi bảo:
   - Tìm thấy hài cốt thằng Đan rồi!
            Tôi vô cùng kinh ngạc:
            - Nó nằm đè lên khối bộc phá hàng mấy trăm cân, điểm hoả đánh sập cả một đoạn đường rơi xuống vực làm sao mà còn gì nữa...
            - Chuyện là thế này. Sáng nay, bọn tao đi tìm kiếm liệt sĩ ở khu vực bờ suối dước chân chốt cây đa của đại đội 1. Lúc cả bọn ngồi nghỉ giải lao thì một thằng chợt phát hiện ra có một con chó đang lúi húi cào cào bới đất ở bờ suối. Nó bàn với tao bắn hạ con chó lấy thịt ăn. Đã bao nhiêu ngày nay rồi ăn uống kham khổ nên tao đồng ý ngay. Bọn tao liền tiếp cận con chó. Thấy động, nó liền bỏ chạy miệng cố càm theo một vật gì đó. Tao liền nổ súng. Con chó trúng đạn ngã gục ngay bên bờ ruộng. Mọi người chạy đến. Hoá ra vật mà nó đang ngoạm trong miệng một bàn tay người đã khô đen. Trên bàn tay ấy vẫn còn có một chiếc nhẫn vàng vướng ở khốc ngón tay. Tao cầm lên xem. Mặt chiếc nhẫn có khắc chữ "Đ". Có một vết xước sâu rạch ngang chữ Đ. Tao nhận ngay ra đó chính là chiếc nhẫn của thằng Đan. Vết xước ấy là do một  lần tao với nó vật nhau. Tay nó bị tao miết vào vách đá cứng làm cái nhẫn xước một vết gạch ngang chữ Đ. Cũng vì vết xước ấy mà nó giận tao mấy ngày đấy. Khi tìm thấy bàn tay đeo nhẫn của nó tao đã bật khóc vì thương nó quá.
            - Thế chúng mày xử lý thế nào?
            - Tao lập tức báo cáo với chỉ huy tiểu đoàn. Sau khi nghe báo cáo, tiểu đoàn trưởng lệnh cho bộ phận của tao đặt bàn tay ấy vào một cái hộp gỗ rồi mai táng trong ngôi mộ giả mà bọn mày đã đắp cho nó ở bìa rừng bữa trước, vẽ lại sơ đồ cẩn thận. Tiểu đoàn trưởng nói sẽ đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của thị trấn.
             Tôi và Lợi cùng lặng đi một lát. Thằng Lợi nói thêm:
            - Chúng tao cũng đắp cho con chó một nấm mộ. Khốn nạn, nó gầy trơ xương. Chiến tranh xảy ra nó chạy khỏi nhà lang thang ngoài rừng cả tháng rồi còn gì.
             Nghe thằng Lợi nói, tôi cũng thấy ngậm ngùi. Mấy ngày rồi chúng tôi đã tìm kiếm, đào bới ở khu vực mỏm Đầu Bò vẫn không tìm thấy gì. Hay là anh Bùi bị địch bắt. Điều đó khó có thể xảy ra vì chúng tôi ai cũng dành cho mình một quả lựu đạn cuối cùng để lỡ khi sa vào tay giặc thì quyết liều chết với chúng nó luôn.
             Con đường xuôi về phía Đôn Chương, Hoà An đã khai thông. Chuyến xe chở hàng đầu tiên đã lên tới thị trấn Sóc Giang. Đơn vị chúng tôi được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Có một chút thịt lợn ướp muối. Mỗi chúng tôi còn được phát một bộ quần áo mới, một đôi giày. Thằng nào cũng diện ngay quần áo, dày mới. Ăn uống cũng no hơn nên trông dáng vẻ lính tráng khoẻ khoắn hơn. Nhiều thằng trông hai má đỡ hóp hơn, mặt mũi đỡ hốc hác như những hôm đầu về thị trấn nhưng chưa hết vẻ nhợt nhạt của dài ngày đói khát, gian khổ.
             Nhưng chúng tôi chưa kịp mừng thì xảy ra một chuyện. Hôm đó tôi vừa lên sát đường biên giới về thì nghe tiếng người quát to, dọa bắn ở nhà sở chỉ huy tiểu đoàn. Tôi vội chạy lên xem có chuyện gì. Tới nơi, tôi thấy y sĩ Tính đang run cầm cập đứng trước mặt tiểu đoàn trưởng Thêm. Tiểu đoàn trưởng tay đang cầm khẩu súng ngắn mặt hằm hằm giận dữ. Tôi len vào kéo tay trợ lý tham mưu Thọ hỏi:
            - Có chuyện gì thế hả anh?
            - Chuyện nghiêm trọng lắm! Thôi tý nữa nói, tao với mày phải vào can tiểu đoàn trưởng đã kẻo ông ấy cáu tiết bắn chết tay y sĩ Tính đấy!
            Chúng tôi cố lựa lời can tiểu đoàn trưởng nhưng cũng hoảng. Ông này tính nóng như lửa, lỡ vạ lây. Giữa lúc đó thì chính trị viên Hoàng đi họp trên trung đoàn về. Anh Thọ vội báo cáo ngay tình hình với chính trị viên Hoàng để khuyên tiểu đoàn trưởng Thêm.
             Thì ra nguyên do chuyện là do y sĩ Tính. Đó là từ hôm đơn vị mới chuyển về vị trí này trú quân. Ngay khi vừa đến đây, tiểu đoàn trưởng Thêm giao cho y sĩ Tính nhiệm vụ phải kiểm tra kỹ nguồn nước chảy vào máng dẫn về. Dân bản thường đắp đập trên núi rồi bắc máng dẫn nước tự chảy về bản. Y sĩ Tính chỉ đi đến chân núi rồi quay về vì sợ lên núi vướng phải mìn hoặc gặp bọn thám báo của địch. Ngay chân núi có đoạn máng từ trên núi dẫn nước xuống vẫn đang có nước chảy nên y sĩ Tính bảo anh em nuôi quân làm đường ống dẫn nước về bếp sử dụng. Do không đến tận nơi nguồn nước chảy ra nên anh Tính không phát hiện là ngay trên bờ đập nước có mấy xác người chết đang bắt đầu thối rữa. Khi trời mưa xuống đã gây ô nhiễm nguồn nước. Thế là cả đơn vị chúng tôi gần một tháng nay nấu ăn, lấy uống đã dùng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thảo nào mà nước cứ có mùi hôi hôi. Chúng tôi lại toàn uống nước lã mới ghê chứ. Một số anh em vì thế ngã nước nên mặt mũi sưng phù thũng lên chứ không phải là sau chiến tranh được ăn no mấy bữa đã béo khỏe lên.
             Khi thấy nguồn nước có mùi hôi, tiểu đoàn trưởng đã đích thân cùng một chiến sĩ trinh sát đi kiểm tra. Phát hiện ra xác người chết thối rữa trong đập nước anh nổi điên lên dọa bắn y sĩ Tính, may mà anh Thọ kịp can ngăn. Rõ mọi chuyện, chính trị viên Hoàng nghiêm khắc bảo y sĩ Tính về làm bản kiểm điểm. Y sĩ Tính cúi đầu đi ra. Nhìn anh, tôi không thấy cái dáng vẻ hùng hồn như hôm trước chiến tranh duy trì buổi sinh hoạt kiểm điểm để khai trừ tôi và thằng Lâm ra khỏi đoàn.

   (còn nữa)

2 nhận xét:

  1. Theo tiểu thuyết của anh hơi bị mệt. Lúc nào in cho Chõe em một quyển em đọc cả thể nha. Chịu tài anh.

    Trả lờiXóa
  2. Gửi Xuân Thu: Còn hai cuốn đang nằm trên bàn biên tập viên các NXB. Khi nào in xong nhất định sẽ gửi tặng.Hi...

    Trả lờiXóa