Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 16)


Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo
         Ông già ngồi bên bếp lửa. Tay phải ông cặp chặt con dao quắm vuốt dài trên thanh tre đực già. Những cây chông nhọn sắc từ bàn tay ông sau khi được hơ qua lửa cho cứng được xếp cẩn thận cạnh bếp.
           Sương mù tạt qua cửa sổ bay vào trong nhà lành lạnh. Ông già chỉ mặc độc cái quần cộc nhuộm chàm, người ông đen bóng tựa cái cột nhà.
           Ánh lửa bập bùng. Trên vách nứa in hình ông sù sì, gân guốc với cây chông trên tay nhọn hoắt, rung rung. Tiếng dao vuốt trên thanh tre sàn sạt. Trong đêm vắng, âm thanh đó tạo nên những cảm giác nhòn nhọn, gai gai...
           Dân bản Kép Ké quen gọi ông là Đăm. Tên thật của ông hình như không ai còn nhớ. Đăm-tiếng Tày nghĩa là đen. Đã từ lâu rồi dân bản quen thấy ông quanh năm chỉ mặc độc một chiếc quần cộc chàm, đầu không mũ, không nón nên người ông đen nhẻm. Mùa đông lạnh giá, ông mới khoác thêm cái chăn sui rách lua tua. Ông đi cày thuê, đẵn gỗ thuê, kiếm từng bát gạo về nuôi vợ, nuôi con. Nhưng vợ ông chết từ khi thằng con độc nhất chưa đầy mười tuổi. Ông ở vậy nuôi con cho đến khi cách mạng thành công. Lớn lên, anh con trai ông theo du kích rồi vào bộ đội. Anh đi hết chiến dịch biên giới lại xuôi đồng bằng. Anh bị thương nặng, điều trị tận dưới xuôi. Mấy năm sau hoà bình, ông xuống tận nơi điều dưỡng đón con về. Ông lấy vợ cho anh. Được vài năm vết thương tái phát, anh mất khi đang là phó chủ nhiệm hợp tác xã. Ông phải khuyên giải mãi, cô con dâu mới chịu đi bước nữa. Đứa cháu gái ở với ông. Thế là bao nhiêu vụ ngô làm hạt trên nương, bao mùa lúa chín dưới đồng, ông vẫn cô độc nuôi con, nay lại nuôi cháu. Nhưng đời ông không phải cuốc mướn, cày thuê nữa. Ông đã có cơm ăn, áo mặc. Ông sống trọn lòng với dân, với bản. Ai dựng nhà mới, ông cũng vác rìu đến đẽo gỗ, chặt cây. Ai đau ốm, ông lên rừng tìm giúp cái lá thuốc...
           Đêm đã về khuya. Tôi tôi gấp cuốn sổ ghi chép những chuyện xảy ra trong ngày lại rồi lăn ra góc sàn cố chợp mắt lấy một lúc. Ngày mai sẽ lại là một ngày ác liệt đây. Lâm và Tuất đều đã ngủ ngon. Đứa nào đó còn tóp tép miệng như trẻ con.
           Chợt có tiếng kẹt cửa nhè nhẹ, tiếng chân bước nhón khẽ trên sàn nhà. Tôi quay lại nhận ra cô Hoa. Chắc cô vừa đi tuần tra về. Hoa mới mười tám tuổi, là một cô gái xinh đẹp. Khẩu súng vẫn khoác trên vai, cô đến bên ông ngồi xuống. Hai ông cháu thì thào với nhau bằng tiếng dân tộc. Tôi không rõ cô gái nói gì, chỉ thấy ông ngước nhìn về phía mấy chiến sĩ đang nằm ngủ, rồi ông rút bớt củi trong bếp ra. ánh lửa chập chờn yếu đi. Đêm càng về khuya, chỉ còn tiếng dao vẫn miết dài trên thanh tre tạo nên những âm thanh nhòn nhọn, gai gai.
           Tôi cũng không thể nào ngủ được nhớ lại câu chuyện trung đội trưởng Phủng kể lúc chập tối về người ông nội của cô Hoa.
            Cách đây gần một năm, vào một buổi sáng khi người dân bản Nà Sao ở gần cửa khẩu thức dậy thì đã thấy cột mốc biên giới từ giữa cánh đồng bỗng nhiên lù lù đến đứng ở ngay đầu bản. Bọn lấn chiếm lợi dụng đêm qua trời mưa đã rời cột mốc vào sâu đất ta hơn 300 mét. Dân bản nhìn nhau: "Nó định chiếm cả cánh đồng của ta à?". Người bàn Kép Ké chưa kịp ăn bữa sáng nghe tin cũng vội kéo nhau lên. Một toán dân binh đêm qua làm cái nhiệm vụ mở rộng bờ cõi vẫn còn lố nhố ở đó. Thấy dân ta kéo đến, chúng khua cao lá cờ của chúng ý muốn nói đây là lãnh thổ nước chúng. Một tên côn đồ có bộ mặt hung hãn đứng cạnh cột mốc gườm gườm nhìn mọi người. Mấy người dân bản Nà Sao xông vào định đào cột mốc lên đưa về chỗ cũ, nó xô ngã và giật xẻng cuốc trên tay họ vứt đi. Giữa lúc đó thì ông già Đăm từ phía sau rẽ mọi người tiến lên.
           Tên giặc nhìn ông già chăm chú. Nó không hiểu một ông già nhỏ bé, đen đúa thế kia sẽ làm gì được nó. Dẫu vậy cũng phải đề phòng, nó xuống tấn. Người lúc dân hai bản lo lắng cho ông mặc dù họ biết ông là người giỏi võ. Giữa lúc đó thì nghe "hự" một tiếng. Sau đó là tiếng rú lên. Những người đứng phía sau xôn xao:
           - Ông Đăm bị nó đánh chết rồi!
           Những người đúng phía sau kêu lên. Còn những người đứng phía trước thì ồ lên khoái chí. Tên giặc bị một cú đấm bất ngờ như trời giáng vào giữa mặt. Nó bật ngã ngửa, máu mũi, máu miệng nó trào ra. Dân các bản hò reo vung cuốc xẻng lên. Những tên lấn chiếm hoảng hốt tháo chạy. Cái cột mốc biên giới được đưa về đúng vị trí cũ. Tên giặc bị đánh đang còn choáng váng cũng được khênh đặt về phía bên kia cột mốc. Dân các bản hể hả nói:
           - Chỗ của nó phải giữ là ở đó!Tôi nằm thao thức mãi với câu chuyện của trung đội trưởng Phủng kể lại. Đêm lành lạnh. Trăng nhô lên. ánh trăng lọt qua khe liếp rơi trên sàn nhà những giọt sáng long lanh.
*
          Sáng sớm, sương mù còn dày đặc khắp thung lũng cách ba mét nhìn chẳng rõ người, trung đội trưởng Phủng đã tìm đến. Anh gọi tôi cùng đi ra chỗ đầu dốc lối vào bản Kép Ké kiểm tra việc bố trí phòng ngự chặn địch. Tôi để yên cho Tuất và Lâm ngủ thêm và lặng lẽ khoác súng theo anh Phủng. Chúng tôi không đi đường lớn mà men theo con đường mòn ven suối đi ra dầu bản để tránh pháo. Vừa đi. Anh Phủng vừa bảo:
          - Đêm hôm qua bộ phận phục kích của bộ đội và dân quân bắt được hai tên thám báo!
          - Thế đã khai thác được thông tin gì không?
          - Chưa! Bọn này không biết tiếng Tày, tiếng Mông, chúng tôi lại không ai biết tiếng Tàu...
          - Thế hiện nay để bọn này ở đâu?
          - Đang trói để trên hang đá sau bản.
          - Phải rất cẩn thận đấy! Bọn thám báo đã mò vào trinh sát tức là bộ binh của chúng sắp tấn công vào đây. Phải hết sức đề phòng, không được để bọn tù binh trốn thoát chúng dẫn quân đánh vào thì nguy to anh ạ!
          - Anh yên tâm! Tôi đã căn dặn anh em rồi.
          - Sau khi kiểm tra trận địa xong quay về tôi sẽ hỏi chuyện bọn tù binh này xem có khai thác được thông tin gì không!
          - Anh biết tiếng của bọn chúng à?
          - Cũng biết võ vẽ từ hồi còn đi học, vừa rồi lại được bồi dưỡng thêm mấy tuần ở lớp tập huấn công tác binh địch vận của trung đoàn.
          - Hay lắm! Nếu mà nắm được ý định của bọn địch thì tốt quá anh ạ! Biết rõ địch thì trăm trận trăm thắng mà...
          Tôi mỉm cười vì vẻ tự tin của trung đội trưởng Phủng. Anh cũng là một người lính chống Mỹ về phục viên. Anh đã có những ngày chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên. Do bị sức ép do bom, yếu sức khoẻ nên anh được ra quân ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trở về quê sau bao năm xa nhà, lấy vợ ra ở riêng chưa kịp làm lấy một căn nhà tử tế thì chiến tranh biên giới xảy ra anh liền xung phong vào dân quân. Anh cũng không ngờ là mình lại cầm lại khẩu súng nhanh đến như thế. Từng là một người lính chiến nên anh được bổ nhiệm ngay chức vụ trung đội trưởng dân quân. Có tin xã còn đang định rút anh lên làm xã đội trưởng.
           Anh Phủng dẫn tôi đến các vị trí bố trí lực lượng, nơi đặt hoả lực trên đầu con dốc. Bọn địch muốn tiến vào thung lũng Kép Ké chỉ có một con đường độc đạo duy nhất này. Ta chỉ cần một lực lượng nhỏ nhưng vẫn có thể chặn được bọn địch vì con đường độc đạo một bên là vách đá, một bên là vực sâu rất khó đi. Nhớ đến bài học bị địch tập kích khi còn ở Lũng Mật tôi bàn với anh Phủng bố trí thêm một tổ chặn địch ở vách núi bên phải đề phòng bọn lính đặc nhiệm bám vách núi leo lên. Anh Phủng đồng ý ngay. Anh lập tức cho điều lực lượng lên ngay. Bộ phận tổ ba người của cô Hoa được giao nhiệm vụ chặn địch ở khu vực vách đá dựng đứng. Nhận mệnh lệnh xong cô Hoa cố nán lại đưa cho tôi một cái gói lá dong bảo:
           - Anh đi sớm quá chưa kịp ăn gì! Cơm em vừa nắm đấy anh cầm đi.
           - Cám ơn em...
           Chẳng kịp nghe lời cám ơn của tôi Hoa đã chạy vụt theo đồng đội. Trận địa phòng ngự đầu dốc đã sẵn sàng. Mấy chục dân quân, bộ đội và cả thanh niên xung phong nữa. Tất cả đều sẵn sàng. Mọi người đều bình tĩnh chờ trận đánh nổ ra. Trong những người ở đây phần lớn chưa trực tiếp giáp mặt với kẻ thù trừ mấy chiến sĩ ở các đơn vị thất lạc về đây. Mọi người đều có vẻ háo hức, tin tưởng chờ quân giặc tới.
           Tôi và anh Phủng cùng ngồi nghỉ trên một hòn đá bằng phẳng. Tôi bẻ đôi nắm cơm của cô Hoa đưa cho anh một nửa. Hai chúng tôi tranh thủ vừa ăn vừa bàn tiếp việc phòng ngự. Do dự mãi tôi mới nói với anh Phủng về tình huống sẽ không giữ được trận địa phòng ngự, bọn địch sẽ tràn vào thung lũng Kép Ké và phương án ta phải rút chạy thế nào để đỡ tổn thất nhất. Anh Phủng tỏ vẻ rất ngạc nhiên nhìn tôi. Anh ngừng ăn cau mày. Có lẽ trong đầu anh đang nghĩ tôi là một kẻ hèn nhát, chưa đánh mà đã bàn lui. Lặng đi một lát, anh mới nói:
           - Vậy theo anh liệu mình có thể giữ được bao lâu?
           - Theo cách đánh và tình thế của ta của địch bây giờ với lực lượng của ta thế này thì sẽ không giữ được lâu lắm đâu!
           - Vậy theo anh thì...
           - Mình phải có một phương án rút lui lên núi. Hiện nay cũng không hiểu tình hình toàn bộ mặt trận thế nào, địch đã tiến đến đâu rồi, quân ta liệu có tổ chức phản công hay vẫn đang rút lui... Tất cả thông tin đều mù mịt. Do đó chúng ta vừa đánh vừa phải có phương án bảo vệ lực lượng, tránh hy sinh quá nhiều...
           Anh Phủng im lặng suy nghĩ. Nét mặt anh đăm chiêu. Hồi lâu anh nhìn thẳng vào mặt tôi gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Chắc anh đã hiểu vì sao tôi bàn với anh như vậy. Bọn địch chưa tiến quân vào thung lũng Kép Ké nhưng chúng đã chiếm hết các khu vực xung quanh. Kép Ké chỉ là một ốc đảo giữa chập trùng vòng vây và bốn bề lửa đạn của quân thù. Là một người lính chiến, anh hiểu tại sao những đơn vị tương đối tinh nhuệ của bộ như đơn vị chúng tôi mà cũng không giữ nổi trận địa phòng ngự phải rút lui sang Nguyên Bình rồi bị đánh bật lại giạt về đây. Vậy thì với một nhúm dân quân, hơn chục chiến sĩ đã quá mỏi mệt cùng mấy khẩu súng bộ binh đã gần hết đạn liệu có thể bảo vệ Kép Ké được mấy hôm. Hơn nữa mấy ngày nay không còn liên lạc được với xã đội trưởng, không nhận được tiếp tế đạn dược, lương thực của trên nữa.
           Anh Phủng lặng lẽ nắm chặt bàn tay tôi. Hồi lâu anh mới hỏi giọng run run:
           - Liệu rồi chúng ta có bảo vệ được đất nước mình không anh?
           Tôi xiết chặt tay anh gật đầu:
           - Nhất định chúng ta sẽ giành lại từng tấc đất bị mất. Lịch sử ngàn năm chưa bao giờ cha ông chúng ta thua chúng nó cả anh ạ!
           Anh Phủng nhìn tôi. Ánh mắt của anh có đôi chút xao động. Tôi hiểu anh rất lo lắng cho bà con dân bản Kép Ké và rất nhiều bà con các nơi đã chạy rạt về đây hiện đang ẩn náu trên núi. Tôi muốn động viên anh một câu nhưng chợt hiểu là chính trong tôi cũng đang phấp phỏng một nỗi lo cho mình và những người đồng đội còn sống sót qua bao lần chạm địch chạy được về đây và lo cho cả những người dân quân tuổi đời còn rất trẻ đang chuẩn bị đối mặt với kẻ thù trong một trận đánh không cân sức...
Sương mù đã tan hẳn. Thung lũng Kép Ké sáng dần. Tiếng pháo địch vẫn ầm ầm đâu đó không dứt. Phía cuối con đường trước mặt có tiếng xe tăng và tiếng súng bộ binh rộ lên. Những người lính và những người dân quân đứng cạnh nhau bình tĩnh chờ giặc tới.

          (còn nữa)
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét