Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Truyện ngắn CHUYỆN MỘT NGƯỜI THẦY

CHUYỆN MỘT NGƯỜI THẦY
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Nhận được điện của Hằng báo tin thầy Lâm mệt nặng, tôi cố thu xếp rút ngắn chuyến công tác để có thế ra Bắc sớm hơn. Nhưng cũng phải gần một tuần sau tôi mới về đến Hà Nội. Ném vội hành lý vào nhà, tôi vớ xe máy phóng đến ngay nhà thầy. Hằng mở cửa đón, tôi hỏi ngay:
- Thầy thế nào rồi?
Hằng vừa giúp tôi đưa xe vào khoảng sân hẹp vừa nói, mắt đỏ hoe:
- Từ tối qua đến giờ thầy lúc tỉnh, lúc mê, chả còn nuốt nổi thìa sữa nữa!
Tôi vội vã theo Hằng vào nhà. Thầy Lâm nằm thiêm thiếp trên chiếc giường cá nhân trong căn phòng nhỏ, giữa bốn bề là sách. Tôi quỳ xuống cạnh thầy. Hai bàn tay tôi nắm lấy tay thầy. Tay thầy hơi lạnh, không còn ấm như mọi khi. Tôi khẽ gọi:
- Thầy ơi... con... An đây...
Thầy Lâm vẫn nằm lặng yên. Nhưng tôi cảm thấy bàn tay thầy khẽ động đậy trong tay mình. Tôi biết thầy đã nghe thấy tiếng tôi gọi. Hằng vẫn sụt sịt đứng bên cạnh. Tôi hỏi:
- Sao không đưa thầy vào bệnh viện?
Hằng lau mắt:
- Chúng em đã đưa thầy vào viện. Nhưng sau một tuần thầy cứ dứt khoát đòi về. Mấy hôm nay bệnh tự dưng bệnh thầy nặng thêm.
- Thế thuốc thang cho thầy bây giờ thế nào?
- Mấy anh chị học trò của thầy là giáo sư bác sĩ ở bệnh viện vẫn đến theo dõi, tiêm thuốc cho thầy. Các anh chị ấy cũng vừa mới về xong, lát nữa sẽ lại đến...
Tôi lặng nhìn thầy. Thầy nằm yên trên giường. Đôi mắt của người nhắm nghiền như đang ngủ. Mái tóc của thầy bạc trắng như bông, trắng hơn bui phấn đời người. Nét mặt thầy thanh thản như chưa hề có những cơn đau đang âm ỉ trong cơ thể. Có lẽ thầy hiểu. Cả cuộc đời gắn bó với bao lớp học trò như chúng tôi, con đò của thầy chở bao nhiêu chuyến sang sông nay đã đến lúc phải cập bến nghỉ ngơi, giã từ sóng gió. Nhìn thầy, tôi chợt nhớ lại khi còn là học trò của thầy. Nhớ về kỷ niệm những ngày xanh.
Đó là những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Khi ấy tôi vừa lên lớp 8. Thời đó, lớp 8 là lớp đầu của cấp ba. Thầy Lâm vừa là chủ nhiệm vừa dạy lớp tôi môn toán. Thầy là người Hà Nội gốc. Hình như thầy có chuyện gì trục trặc về gia đình nên xin lên miền núi quê tôi dạy học. Thầy đem theo đứa con gái nhỏ. Hai bố con thầy ở một gian nhà nhỏ trong khu tập thể. Bé Hằng khi ấy mới năm sáu tuổi đang chuẩn bị vào lớp 1. Tính thầy Lâm rất nghiêm khắc nên chúng tôi không thích thầy lắm. Nhất là tôi lại là một đứa lười học, hay trốn tiết đi bơi ngoài sông hoặc lang thang ra thị trấn. Giờ toán của thầy đúng là một cực hình. Văn thì tôi chả kém mấy ai nhưng lại rất rốt môn toán. Đã thế thầy Lâm lại hay gọi tôi lên bảng. Bị nhiều điểm kém môn toán nên tôi rất lo, nhất là khi chi đoàn đang bồi dưỡng để kết nạp tôi vào đoàn. Học kém sẽ không đủ tiêu chuẩn để trở thành đoàn viên. Ngày ấy không là đoàn viên thì đi bộ đội cũng khó chứ đừng nói gì là vào đại học, cao đẳng. Tôi cũng đã cố tập trung học môn toán. Nhưng sự thông minh không phải cứ cố là có được ngay.
Bài kiểm tra giữa học kỳ môn toán thường là hệ số hai. Được một điểm khá, hay điểm giỏi tức là có hai điểm khá, hai điểm giỏi, khi chia trung bình nó kéo các điểm kém khác lên. Ấy thế mà bài kiểm tra giữa học kỳ một tôi lại làm không tốt. Bài làm tẩy xoá, sửa chữa be bét. Lúc hết giờ so sánh với các bạn giỏi trong lớp thì tôi làm sai gần hết. Chợt nảy ra một sáng kiến. Tôi liền đem đề bài đi tìm anh Bái. Anh Bái là anh họ tôi học trên một lớp. Anh rất giỏi môn toán. Kỳ thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh anh đoạt giải nhì. Tôi nhờ anh giải cho các bài toán trong đề kiểm tra giữa học kỳ. Anh làm một loáng là xong. Tôi ngồi chép lại thật sạch sẽ. Buổi chiều, tôi lân la gần nhà thầy Lâm. Nhìn thấy bé Hằng đang thập thò ở cửa, tôi vẫy vẫy tay khẽ gọi:
- Hằng... Hằng... ra đây anh bảo!
Vừa trông thấy tôi, bé Hằng đã lon ton chạy ra ngay. Con bé rất thích tôi vì tôi hay gấp cho nó khi thì cái chong chóng, lúc thì con châu chấu bằng lá dừa hoặc con thuyền bằng giấy.
Bé Hằng tíu tít:
- Anh An ơi! Hôm nay anh gấp cho em con chim bồ câu nhé!
Tôi bẹo má nó thì thào hỏi:
- Bố có ở nhà không?
- Bố em vừa đi "ọp an ám iệu ồi" (họp ban giám hiệu rồi).
Bé Hằng nói líu cả lưỡi. Tôi bảo:
- Thế thì tốt! Nhưng anh không có giấy để gấp...
- Bố em có ối... - Con bé khoe. Tôi bảo:
- Để anh vào nhà xem có tờ giấy nào bỏ đi lấy gấp đồ chơi cho em nhé!
Bé Hằng gật đầu. Tôi lẻn nhanh vào phòng thầy Lâm. Chả khó khăn gì, tôi tìm thấy tập bài kiểm tra toán thầy đang chấm dở để trong ngăn bàn. May quá, bài của tôi thầy chưa chấm đến. Tôi nhanh chóng đổi ngay bài làm vừa nhờ anh Bái giải giúp vào tập bài kiểm tra. Xong xuôi, tôi khép cửa và kéo bé Hằng ra mãi ngoài góc sân trường. Bé Hằng cứ luôn miệng giục đòi: "Anh gấp bồ câu cho em... anh gấp bồ câu cho em...". Tôi lúng túng, kiếm đâu ra giấy để gấp đồ chơi cho nó bây giờ. Bé Hằng sốt ruột ngúng nguẩy trực khóc. À đây rồi, tờ giấy bài kiểm tra làm sai đánh tráo khi nãy còn gấp nhét trong túi quần. Tôi lấy tờ giấy ra vuốt phẳng, xé đôi rồi gấp cho bé Hằng chiếc thuyền và con chim bồ câu.
Bài kiểm tra giữa học kỳ ấy tôi được điểm chín. Bọn con trai lười học trong lớp đều tròn mắt bái phục. Thầy Lâm biểu dương tôi trước lớp rồi nói thêm: "Thầy mong rằng em sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn để giữ vững kết quả học tập của mình". Tôi thấy yên tâm vì thầy không phát hiện ra trò láu cá, gian lận của mình. Nhưng tôi cũng hơi hoảng vì nếu những bài kiểm tra tiếp theo lại bị điểm kém thì biết ăn nói thế nào với các bạn cùng lớp. Thế là tôi chú ý chăm chỉ học tập hơn. Tôi cũng thường xuyên đến nhờ anh Bái hướng dẫn thêm cho môn toán.
Một hôm, thầy Lâm tìm tôi bảo:
- Bé Hằng bị mệt, dỗ mãi không chịu ăn cơm, nó cứ đòi thầy đi tìm anh An đến gấp cho cái chong chóng mới chịu ăn.
- Thưa thầy! Hết buổi học em sẽ đến ngay ạ!
Tôi đáp. Hết giờ học tôi đến ngay phòng thầy Lâm. Bé Hằng đươc mấy thứ trò chơi thích quá, tay cầm cái chong chóng làm bằng lá dừa ăn liền hai lưng bát cơm. Từ đó tôi hay đến chơi với bé Hằng và cũng thấy bớt ngại thầy Lâm nghiêm khắc, khó tính. Thầy Lâm cũng tranh thủ kèm cặp hướng dẫn tôi thêm về môn toán. Đến cuối học kỳ một, lực học môn toán của tôi khá lên hẳn. Điểm kiểm tra đều từ bảy trở lên. Thỉnh thoảng, tôi còn được chín điểm môn toán.
Chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng khắp miền Bắc. Trường chúng tôi sơ tán vào trong rừng sâu. Bé Hằng vào học lớp 1. Nhiều hôm thầy Lâm bận lên lớp hoặc đi họp, tôi giúp thầy đưa đón bé Hằng đi học. Thầy coi tôi như con, tận tình chỉ bảo, nhắc nhở tôi học tập. Tôi cũng rất quý thầy và bé Hằng. Ngày ấy cuộc sống rất khó khăn. Quê tôi thường thiếu đói khi giáp hạt. Nhiều bữa thầy lấy cớ là bé Hằng không chịu ăn nếu không có anh An đến chơi để giữ tôi ở lại ăn cơm. Sau này tôi mới hiểu thầy thương tôi nhà nghèo, ăn uống thiếu thốn, nhiều bữa chỉ có sắn thay cơm. Mỗi khi đem tem phiếu ra mậu dịch mua được chút thịt cá tươi là thầy đều tìm cách giữ tôi ở lại ăn cơm.
Gần hết năm học lớp 8, tôi được kết nạp vào đoàn. Hôm làm lễ kết nạp cho tôi thầy Lâm vui lắm. Thầy đưa cả bé Hằng đến. Sau lễ kết nạp bé Hằng tặng tôi một bó hoa rừng. Giữa năm lớp 9, lúc này chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc tạm ngưng. Trường lại chuyển về thị trấn. Tôi còn nhớ hôm đó là ngày nghỉ, khu nhà tập thể giáo viên vắng vẻ. Tôi đến thăm thầy Lâm và bé Hằng. Đi tới gần phòng thầy ở cuối dãy nhà tập thể thì tôi nghe tiếng kêu khóc của bé Hằng. Tôi vội chạy vào. Thầy Lâm đang nằm dưới sàn nhà. Bé Hằng đang cuống quýt lay gọi bố. Thầy bị một cơn đau đột ngột. Thầy có tiền sử bị bệnh tim. Thấy tôi, thầy cố thều thào bảo:
- Đừng... sợ... thầy... kh...ông việc gì đâu. Cứ để thầy nằm yên một lúc. Thuốc thầy để ở ngăn tủ trên, An lấy cho thầy...
Tôi chạy vào góc phòng mở tủ tìm thuốc. Lúc kéo ngăn tủ ra tìm lọ thuốc tôi chợt thấy một cái thuyền và con chim bồ câu giấy cũ kỹ để ở trong hộc tủ. Tôi cầm lên xem và giật mình sửng sốt nhận ra chính là cái thuyền và con chim bồ câu tôi đã gấp cho bé Hằng bằng tờ giấy bài kiểm tra môn toán giữa học kỳ năm lớp 8 làm sai mà tôi đã đánh tráo. Thì ra ngay từ ngày ấy, thầy đã biết tôi đổi bài kiểm tra. Nhưng thầy đã không đưa tôi ra kiểm điểm trước lớp. Thầy có một cách khác để giúp tôi tiến bộ, học tập tốt hơn. Đó là cách của một người thầy luôn độ lượng, bao dung.
Tôi để chiếc thuyền và con chim giấy vào chỗ cũ rồi đem thuốc ra cho thầy…
*
Năm tháng qua đi, hết chiến tranh, thầy Lâm chuyển về dạy học tại thủ đô. Nghỉ hưu, thầy đi dạy tại lớp học tình thương cho trẻ em đường phố. Thầy vẫn dõi theo mỗi bước trưởng thành của các lớp học trò chúng tôi. Với tôi, thầy luôn có một sự quan tâm đặc biệt. Khi biết tôi trưởng thành thầy mừng lắm. Bé Hằng ngày ấy giờ cũng đã là một tiến sĩ, một nhà khoa học. Thầy đã một mình nuôi con khôn lớn và dạy dỗ bao lớp học trò nên người. Một mình thầy cô đơn với chiếc giường cá nhân. Nhưng bên thầy có bao lớp học trò vững bước, trưởng thành.
Bây giờ thì thầy nằm đó thanh thản trong tĩnh lặng. Là người chèo lái, thầy đã chở bao nhiêu chuyến đò tri thức sang sông cho chúng con nên người. Chúng con biết ơn thầy mãi mãi thầy ơi!
Hà Nội, 20-11-2008

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

Truyện ngắn vui MỘT CHUYỆN Ở LÀNG

MỘT CHUYỆN Ở LÀNG
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Khu giãn dân đầu làng ngày càng phát triển mạnh mẽ trở thành một khu phố hẳn hoi. Bây giờ làng không còn độc nhất một quán thịt chó của mụ Béo nữa mà có thêm hẳn ba, bốn nhà hàng thịt chó đặc sản quê hương rất hoành tráng. Thêm mấy quán karaoke nhạc xập xình ầm ĩ suốt ngày. Đêm đến, nhiều lần trưởng thôn, công an xóm phải đi nhắc nhở họ mới chịu tắt nguồn tiếng động để cho dân làng ngủ nghỉ. Trong khu giãn dân ấy cũng xuất hiện nhiều ngành nghề phi nông nghiệp như sửa chữa xe máy, hàn xì cơ khí, sản xuất đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ, nước lọc đóng chai, làm bột giặt, bánh kẹo… Chất lượng thì chả biết thế nào nhưng các loại hàng hóa này đều được đem đi tiêu thụ khắp vùng.
Một bữa, công an, phòng thuế, hải quan ập vào cơ sở sản xuất của lão Ngũ, một «doanh nhân» mới nổi lên ở làng. Họ bắt được một lô một lốc những loại hàng giả do cơ sở này sản xuất như rượu, bánh kẹo, mỳ chính giả, kém chất lượng. Lập tức lão Ngũ chủ cơ sở sản xuất bị bắt tạm giữ. Hàng hóa giả, kém chất lượng bị tịch thu đem đi tiêu hủy. Biên bản được lập ngay tại chỗ. Giữa lúc các cơ quan chức năng đang tiến hành khám xét, lập biên bản thì ông chủ tịch xã cũng đến để chứng kiến. Ông chủ tịch xã chỉ mặt ông chủ làm hàng giả cảnh cáo:
- Đấy! Nhắc nhở mãi, ông có chịu nghe đâu. Bây giờ bị bắt quả tang rồi không còn kêu oan gì nữa nhé ?
Lão Ngũ, chủ xưởng sản xuất chắc buổi sáng vừa làm mấy li “cuốc lủi” rồi nên tỏ vẻ bất cần. Lão ta ngất ngư thủng thẳng bảo:
- Bắt giữ, tịch thu hàng hoá của tôi là các ông rất vô ơn!
- Tại sao lại là vô ơn ? Ông đừng có nói bậy mà tội nặng thêm đấy…
Anh công an cảnh cáo. Lão Ngũ vẫn bình tĩnh hỏi lại:
- Thế chức năng của ngành công an, phòng thuế, hải quan rồi cả chính quyền các cấp nữa là gì hả?
- Là… là… bảo vệ pháp luật, là để trừng trị những kẻ coi thường pháp luật như ông đấy hiểu không?
Ông chủ tịch xã nghiêm khắc nói. Lão Ngũ cười ngặt nghẽo:
- Đấy… đấy… tôi nói các ông rất vô ơn với các nhà sản xuất chúng tôi là ở chỗ ấy đấy…
Nghe lão Ngũ nói các anh cán bộ công an, phòng thuế, hải quan và ông chủ tịch xã bực lắm. Ông chủ tịch bực bội quát:
- Gô cổ tên làm hàng giả ngoan cố, nói năng bừa bãi này lại!
Lão Ngũ xua xua tay bảo:
- Khoan hãy gô cổ... Cho tôi nói thêm câu này nữa để toàn thể dân làng đều biết đúng là cán bộ các ông là một bọn vô ơn...
Ông chủ tịch xã hậm hực:
- Vô ơn thế nào?
Lão Ngũ lè nhè:
- Thì... cho tôi hỏi thêm nhé! Nghề của các ông là làm công tác quản lý xã hội, chuyên đi bắt tội phạm, chống lại bọn chuyên sản xuất, tiêu thụ hàng giả như chúng tôi. Giả sử bây giờ... không còn bọn tội phạm, bọn làm hàng giả nữa thì... thử hỏi các ông còn có việc gì nữa mà làm hả… hả…? Các ông sẽ thất nghiệp, sẽ về vườn đuổi gà cho vợ hiểu không? Vậy nên, tôi nói các ông… vô ơn quả không sai. Nhờ có bọn vi phạm chúng tôi các ông mới có việc làm, mới có lương bổng, mới được thăng quan, tiến chức, mới có các khoản “thu hoạch” bỏ túi hằng ngày ăn uống, đem về cho vợ con… có đúng không… đúng không... đúng không? Ai trả lời cho tôi đi?
Mọi người đều ớ ra trước lý lẽ của lão chuyên sản xuất hàng giả. Lão Cốc, ông Tô và trưởng thôn Trần Kính đứng chứng kiến sự việc cũng thấy bí không trả lời được câu hỏi của lão Ngũ. Lão Cốc liền kéo ông Tô bỏ về. Họ đi được một quãng xa vẫn nghe tiếng lão Ngũ gào to: “Người ta đã tạo công ăn việc làm cho mà lại chả biết ơn, chả biểu dương khen thưởng thì thôi lại còn khám xét, bắt bớ… hơ... hơ... hơ... Ới bà con dân làng ơi ra đây mà xem bọn vô ơn này... này... hơ... hơ...”.
Đúng là cùn đến thế là cùng!
Hà Nội, Ngày 11/11/2019

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

Truyện ngắn vui VIÊN GẠCH CHỮ NHO

VIÊN GẠCH CHỮ NHO
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Sau khi phá một phần cái gò hoang con đường vào làng được nắn thẳng băng trông thật đẹp. Thế nhưng cũng kể từ ấy đoạn dường qua cái gò hoang này rất hay xảy ra tai nạn. Xe máy đâm vào nhau, đâm vào trâu bò và người đi bộ nhiều lần. Vụ nào nhẹ thì hỏng xe, vỡ đầu mẻ trán, vụ nào nặng thì phải đưa lên tỉnh, về Hà Nội cấp cứu. Chưa có người chết nhưng đã có người bị tàn phế. Dân làng có người bảo: “Cái gò hoang này rất linh thiêng phá hủy nó là hại chết cả làng rồi!”. Bà con trong làng hoang mang. Trưởng thôn Trần Kính lại phải họp làng để làm công tác tư tưởng cho nhân dân.
Tại buổi họp, lão Phúng chuyên làm nghề cúng bái mới giải nghệ xin có ý kiến trước. Lão ấy ậm è nói:
- Cái gò hoang đầu làng ta là linh thiêng lắm! Khi còn bé nhiều đêm tôi đi bắt ếch còn gặp các thần linh, ma quỷ hiện hình hội họp ở ấy đấy...
- Bậy... bậy... làm gì có chuyện thần linh, ma quỷ gì ở cái mả tên quan tham ấy! Ông đừng có mà tuyên truyền chuyện mê tín dị đoan nhé?
Lão Cốc đứng bật dậy to tiếng bác bỏ lời lão Phúng thầy cúng. Trưởng thôn Trần Kính cũng nhắc nhở lão chuyện hay tung tin ma quỷ gây hoang mang trong làng. Lão thầy lúng túng ngồi xuống im bặt không dám nói gì thêm nữa. Thằng Nhỡ thì ấp úng lên tiếng:
- Hay... hay đúng là cái gò ấy do bọn Tàu ngày xưa chúng chôn giấu vàng bạc, bị chúng yểm bùa... Hôm đào đất phá gò làm đường tôi thấy có rất nhiều viên gạch khắc chữ nho đấy!
Lão Cốc lại đứng bật dậy nói:
- Mày trẻ ranh biết gì chữ nho với chữ nhiếc...
Thằng Nhỡ tự ái vùng vằng vặc lại:
- Vậy... ông có biết chữ ấy là chữ gì không?
Lão Cốc khẳng định:
- Đó là chữ “cứt”... tao đã mang một viên có in chữ rõ nhất sang hỏi cụ đồ Thảo là người giỏi chữ nho nhất vùng ở làng bên rồi...
- Tại sao lại là chữ “cứt”...?
Nhiều người nhao nhao lên tiếng hỏi lại. Lão Cốc chậm rãi giải thích.
- Do làng ta ngày căm ghét ông quan này tham nhũng, hay vơ vét ức hiếp dân lành, làm tổn hại đến thanh danh, truyền thống của làng xã, bị triều đình phế truất nên đã đề ra một quy ước chẳng thành văn là ai đi qua khu gò mả bia mộ của ông ta “buồn thì lên gò phóng uế, thích thì dừng lại chân bia mà đái”. Ai không buồn đại, tiểu tiện thì phải nhặt phân trâu, bùn đất đá vứt lên gò, ném vào bia. Người lạ khi vào làng cũng phải làm như thế. Nhiều người đi qua tìm kiếm mãi không có gạch đá để ném vào tấm bia và gò mộ. Một lão nông nhà ở đầu làng mới nghĩ ra một cách để làm kinh tế. Ông ấy mở một cái lò làm gạch ở ngay đầu làng. Các viên gạch ông ấy làm ra chỉ nhỏ bằng nửa viên gạch thường, rất vừa với tay người cầm. Trên mặt từng viên gạch đều in một chữ “cứt”. Loại gạch có khắc chữ nho này không dùng để xây nhà mà chỉ để bán cho những người đi vào, đi ra khỏi làng ta, mỗi người một viên, ai mua nhiều cũng được. Họ mua để dùng "viên gạch cứt" để ném lên gò đất có bia mộ tên quan tham ấy đấy...
Mọi người ồn ào bàn luận về câu chuyện hoàn toàn bất ngờ của lão Cốc. Thằng Nhỡ cố vớt vát nói thêm:
- Là... là hồi còn bé tôi có nghe ông nội tôi nói cái gò đầu làng ta bị bọn Tàu nó yểm bùa. Bọn Tàu thâm lắm... đến bây giờ nó còn “yểm” một con “quái vật bằng bê tông” khổng lồ, dài loằng ngoằng từ Hà Đông đến Cát Linh ở ngay giữa thủ đô đấy...
Ai đó nói thêm:
- Nó cũng yểm cả một cái lưỡi bò to tướng ngoài biển Đông nữa chứ...
Trưởng thôn Trần Kính nói:
- Chuyện yểm bùa ở đầu làng ta là hoàn toàn không có. Còn những chuyện khác, nhất là chuyện bảo vệ chủ quyền “bất di bất dịch” của chúng ta ở biển Đông thì bà con phải tin tưởng vào sự mềm dẻo khôn khéo, tuân thủ luật pháp quốc tế của cấp trên, bình tĩnh không nên kích động, hoặc manh động mà bàn tán, phát ngôn bừa bãi, xuyên tạc lung tung, làm rối thêm tình hình...
- Nhưng... nhưng... khi có thằng hàng xóm nó đang mài dao định đánh ta mà ta cứ ngồi yên không buộc lại dây cung, kiểm tra lại lẫy nỏ à?
Thằng Nhỡ cố cãi, trưởng thôn Trần Kính nghiêm khắc:
- Phải cảnh giác nhưng cần phải có kỷ luật hiểu không?
Thằng Nhỡ ngồi xuống. Mồm nó còn lủng bủng một câu gì đó.
Ông Tô được mời phát biểu. Ông đứng dậy bình tĩnh nói:
- Không có chuyện ma quỷ, không có chuyện yểm bùa hoặc thần giữ của gì đâu. Vì con đường chúng ta nắn thẳng, lại trải nhựa phẳng lì nên đám thanh niên thường phóng xe máy rất nhanh, không làm chủ tốc độ. Khu vực này trẻ con lại hay thả rông trâu bò nên rất dễ gây ra tai nạn. Tôi đề nghị trước hết làng ta nên làm biển báo giảm tốc độ, xe máy ai phóng nhanh, phóng ẩu sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Mà điều này cần đưa vào quy định hương ước của làng ngay. Về lâu dài chúng ta nên làm hai con mương, trồng cây thành hàng rào hai bên đường ngăn không cho trâu bò đi lại nghênh ngang trên đoạn đường vào làng, các gia đình nên quan tâm giáo dục con em mình khi đã đi xe máy thì không được uống rượu bia thì nhất định tai nạn sẽ không xảy ra nữa...
Ý kiến của ông Tô được nhiều người tán đồng ủng hộ. Trưởng thôn Trần Kính cũng thấy hợp lý nên triển khai cho dân làng thực hiện. Quả nhiên thời gian sau đó đoạn đường qua khu gò mả hoang không còn xảy ra tai nạn nữa. Phần còn lại của khu gò mả hoang đầu làng được cải tạo thành một khu trồng cây và hoa rất đẹp...
Hà Nội, ngày 5-11-2019

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

Truyện ngắn vui ĐẦU LÀNG, CUỐI XÓM

ĐẦU LÀNG, CUỐI XÓM
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng

Con đường từ quốc lộ vào đến đầu làng thì phải vòng qua một cái gò đất khá to cây cối, gai góc rậm rạp. Trên đỉnh gò có một tấm bia đá xanh rất to khắc chữ nho sứt sẹo. Những dòng chữ bị mờ không đọc được nữa. Nay theo quy hoạch của xã con đường vào làng sẽ được nắn lại cho thẳng đẹp. Nếu như vậy thì đoạn đường sẽ phải cắt qua một góc cái gò lổn nhổn đất đá đầu làng ấy.
Việc phá cái gò đất để nắn con đường vào làng tưởng đơn giản hóa ra không hẳn thế. Khi triển khai việc đào phá cái gò đất thì có nhiều người kịch liệt phản đối cho rằng nơi đây là "di tích lịch sử" có tấm bia đá cổ hẳn hoi, không ai được xâm phạm? Phần đông thì nói đó chỉ là một gò đất hoang nên phá bỏ cho con đường vào làng thẳng đẹp. Do không có sự thống nhất của dân làng nên công trình phải tạm dừng thi công. Trưởng thôn Trần Kính phải nhờ cậy đến các "bô lão" trong làng đứng ra phân giải. Ông Tô, lão Cốc và nhiều người cao tuổi được mời đến buổi họp của làng. Tại buổi họp mọi người tranh cãi với nhau ỏm tỏi, chẳng ai chịu ai. Trưởng thôn Trần Kính đứng dậy yêu cầu bà con trật tự rồi nói:
- Ở đây có ông Tô là thầy giáo. Ông ấy chịu khó đọc và nghiên cứu về lịch sử làng xã ta. Đề nghị ông Tô có ý kiến về khu gò đất này cho bà con cùng tham khảo!
Ông Tô đứng dậy. Ông trịnh trọng thưa gửi một hồi rồi rút từ trong túi áo ra một tờ giấy. Nhưng không cần nhìn vào tờ giấy ông nói rất rành rẽ:
- Theo tôi đọc được trong các tư liệu cũ thì cái gò này vốn là một ngôi mộ cổ...
- Đấy... đấy... đúng là ngôi mộ cổ mà... không đào phá được đâu!
Có nhiều tiếng người ồn ào. Chờ mọi người lắng xuống ông Tô mới nói tiếp:
- Đây vốn là ngôi mộ một ông quan có chức vụ và công lao từ thời phong kiến mấy trăm năm trước...
- Thế thì càng cần bảo vệ, không được xâm phạm, phá hoại?
Ông Tô bình tĩnh nói tiếp:
- Ông quan này vốn là dân ngụ cư từ nơi khác đến định cư ở làng ta. Ông này có công lao nên được trọng dụng, cất nhắc. Ông ấy làm đến một chức quan trong to triều. Không biết ông ấy công tích lớn đến thế nào mà về làng bắt quan lại địa phương thu hồi, lấy cả mấy chục mẫu đất đầu làng ta để làm nơi dựng bia công tích. Khu đất gò nổi này ngày xưa đều là đất trồng lúa của dân, là nhất đẳng điền, “bờ xôi ruộng mật” đấy. Ông ấy cho đổ đất vun cao thành một cái đồi nhỏ, trên trồng cây tùng, dựng một tấm bia đá khắc ghi công tích của mình. Ông ấy bảo là để người làng đi ra, người ngoài đi vào đều nhìn thấy tấm bia và biết rõ công lao của mình. Ông ấy không quên ngày còn chưa thành đạt bị dân làng khinh là dân ngụ cư. Nay công thành danh toại ông muốn dân làng phải nể trọng mình. Tấm bia được hương chức, tuần phiên trong làng trong xã ngày đêm tuần phòng bảo vệ. Dân làng ta từ ấy phải đi theo con đường vòng quanh tấm bia đá. Sau đó, ông quan này tiếp tục thu thêm đất ruộng của dân xung quanh để làm khu nghĩa địa hầm mộ cho gia đình mình. Ông này chưa làm được gì cho làng xã nhưng đã lấy nhiều đất ruộng của dân khiến nhiều nhà khốn khổ, tiếng kêu than vọng lên khắp chốn. Nhưng thời gian sau đó ông quan này bị triều đình ngưng chức để điều tra vì tội tham nhũng, câu kết với bọn cường hào ác bá hà hiếp bức hại dân lành. Ông ấy chưa bị kết tội thì mắc trọng bệnh qua đời. Thân nhân đưa ông ấy về chôn ở trước tấm bia đá. Ông quan tham thoát bị tội tử hình, họ hàng thoát họa chu di tam tộc nhưng bị người đời nguyền rủa. Bia và lăng mộ ông này luôn lạnh lẽo quanh năm không có ai đến thăm viếng, luôn tàn lạnh hương nhang. Dân làng ta ngày ấy biết chuyện của ông ta nên rất bức xúc đã tự đề ra một quy ước chẳng thành văn là ai mỗi khi đi qua khu gò mả bia mộ của ông quan tham này “buồn thì lên gò phóng uế, thích thì dừng lại chân bia mà đái”. Ai không buồn đại, tiểu tiện thì nhặt phân trâu, bùn đất đá ném vào tấm bia. Người lạ khi vào làng cũng phải làm như thế. Do người ta ném nhiều đất đá nên tấm bia bị sứt mẻ, vỡ hỏng chữ, cái gò đất khi trước còn bé sau dần dần lớn lên thành một quả đồi nho nhỏ như bây giờ. Sau một trận giông bão sét đánh cháy đổ cây tùng gia quyến ông quan này đã bí mật đêm hôm đào đem hài cốt ông ấy đi nơi khác để chôn rồi. Cái gò đầu làng ta hiện nay chỉ là do đất đá người ta ném nhiều mà thành, chẳng phải là di tích lịch sử gì. Nay ta phá cái gò làm con đường thẳng vào làng cũng không phải ngại gì đâu...
Nghe ông Tô phân tích như vậy mọi người ồn ào bàn tán. Các ý kiến đều ủng hộ bạt sẻ khu gò đất để làm đường. Có ai đó còn nói to:
- Bia mộ của bọn tham quan hại nước hại dân thì để làm gì?
Trưởng thôn Trần Kính nhã nhặn:
- Nếu đúng là có mộ chí thì ta không nên xâm phạm. Dù sao người chết thì cũng đã chết rồi. Đằng này đây chỉ là một gò đất hoang ta chỉ xén cắt một góc cho con đường vào làng thẳng đẹp thôi...
Một ai đó hét to:
- Phá... phá hết... bọn tham quan đừng mong chết rồi là mồ yên mả đẹp?
Lão Cốc đứng dậy phát biểu:
- Mọi người đừng nên quá kích động như thế. Tôi đề nghị trước khi mở đường qua khu gò mả làng ta nên báo cáo cơ quan văn hóa xã và huyện nghiên cứu, thẩm định thêm...
Nhiều người không đồng tình với ý kiến của lão Cốc. Họ muốn vác cuốc xẻng ra ngay để đào phá khu gò đất ở đầu làng luôn tắp lự. Ông Tô lại đứng dậy nói thêm:
- Tôi đồng ý với ý kiến của ông Cốc... Nhưng tôi có một đề nghị thêm thế này...
- Ông còn đề nghị thêm điều gì nữa thế?
Trưởng thôn Trần Kính hỏi, ông Tô nói to:
- Tôi đề nghị nhân đợt làng ta nắn sửa lại con đường phía đầu làng mọi người đóng góp thêm chút ít nữa để kéo dài thêm con đường bê tông trục chính cuối làng ra phía sau đồi nơi có ngôi miễu thờ ông Cống...
- Sự tích ngôi miễu thờ này như thế nào hả ông giáo?
Một người hỏi lại. Ông Tô nói rõ cho mọi người cùng biết:
- Ngôi miễu này thờ ông Cống là một người đốt than ở làng ta từ mấy trăm năm trước...
Đám thanh niên và nhiều người ngạc nhiên:
- Sao lại là thờ một người đốt than?
- Là thế này... tôi nghiên cứu sự tích làng ta nên được biết: Mấy trăm năm trước, vùng ta có nhiều toán cướp hoành hành. Chúng cướp của đốt nhà giết người rất tàn bạo. Dân làng ta phải tổ chức rào làng và sắm sửa dao kiếm cung tên để đối phó. Nhưng bọn cướp chúng rất nham hiểm. Một đêm, lợi dụng tối trời, bọn chúng lặng lẽ bí mật từ phía trên núi đột nhập xuống làng. Khi ấy, ông Cống vừa đốt xong một lò than. Ông đã lấp lò để ủ than xong chuẩn bị về làng. Phát hiện thấy bọn cướp đang đột nhập vào làng. Nếu như người khác ông lẩn vào khe núi nằm im là sẽ thoát. Nhưng ông Cống không làm thế. Ông rút ngay chiếc tù và đang đeo ra thổi rúc lên từng hồi báo động. Theo tín hiệu chiến đấu, dân làng vùng dậy cầm vũ khí sẵn sàng đối phó với bọn cướp. Bọn cướp bị lộ bởi tiếng tù và vang lên ngay phía sau lưng mình. Bọn chúng tức tối quay lại vây bắt được người đốt than. Ông Cống bị chém chết ngay sau làng. Ông Cống đã nhận cái chết để cứu cả làng. Nơi ông chết người làng ta ngày ấy đã dựng một ngôi miễu nhỏ để thắp hương nhang cho ông. Từ ấy đến nay ngồi miễu nhỏ luôn luôn có hương khói là như thế... Tôi muốn làng ta kéo dài con đường bê tông ra phía ngôi miễu nhỏ. Không cần làm đường to, chỉ cần rộng khoảng một mét cho các cụ mùng một ngày rằm đi thắp hương cúng lễ khỏi trơn ngã...
- Đồng ý... đồng ý... mà làm đoạn đường này rộng như trục chính đường làng ta luôn...
Mọi người nhao nhao ủng hộ ý kiến của ông Tô. Ông Tô xúc động ngồi xuống. Ông hiểu, ai có công lao, hy sinh vì dân, vì nước thì sẽ được dân luôn mãi tôn thờ. Kẻ nào là tham quan, có tội với dân, với nước thì kết cục thì sẽ giống như khu bia mộ ông quan tham ở đầu làng này...
Hà Nội, ngày 28-10-2019

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Truyện ngắn vui BÀI THƠ CỦA LÃO CỐC

BÀI THƠ CỦA LÃO CỐC
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: thực vật

Rời khỏi nhà lão Cốc ông Tô bước đi thập thõm trên con đường làng đang mùa gặt ngập đầy rơm rạ. Ông thấy mình lâng lâng. Rượu của lão Cốc hôm nay có vẻ nặng hay sao mà ông thấy hơi chếnh choáng. Lão ấy bảo chai rượu này được một ông nhà thơ chuyên nghiệp chính cống ở miền núi tặng hôm đi Hà Nội nhận giải thưởng. Ông Tô chợt nhớ và giật mình nghĩ: "Thôi chết! Hôm nay mình đến nhà lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ để nghe lão ấy đọc bài thơ vừa được giải thưởng khuyến khích. Vậy mà mải chuyện, mải uống quên béng mất việc bảo lão ấy đọc bài thơ đã đoạt giải. Nghĩ vậy ông Tô liền lững thững quay trở lại nhà lão Cốc.
Khi ông Tô quay lại nhà lão Cốc thì đã thấy trưởng thôn Trần Kính và mấy ông trong hội thơ của làng đang rôm rả vừa uống vừa trò chuyện. Lão Cốc ngạc nhiên hỏi:
- Ông nói vội về nhà có việc gấp cơ mà?
- Có việc gấp thật... nhưng tôi quên béng mất việc hôm nay đến đây là để nghe ông đọc lại bài thơ vừa được tặng thưởng của một tờ báo trung ương hẳn hoi...
Mọi người cũng ồn ào:
- Đúng... đúng... ông phải đọc cho chúng tôi cùng nghe luôn rồi sẽ tiếp tục uống sau.
Lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ khề khà nói:
- Bài thơ này vì theo thể lệ cuộc thi quy định nên tôi sáng tác xong rồi gửi đi luôn, không đọc trong các cuộc sinh hoạt của câu lạc bộ thơ làng ta và cũng không đăng tải trước lên "Phê-tê-bốc" nên mọi người chưa được biết. Hôm nay, tôi sẽ đọc lại để mọi người cùng nghe... Có gì hay dở rất mong mọi người sẽ góp ý phê bình, để thơ của tôi ngày càng tiến bộ, giàu tính nghệ thuật và bay cao...
- Thôi... thôi... ông cứ đọc bài thơ đi... rào đón loanh quanh mãi? Thơ chứ có phải là cái gì nguy hiểm chết người đâu mà ông cứ lo lắng thế?
Lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ đứng dậy trịnh trọng vuốt lại quần áo hắng giọng. Lão bắt đầu vừa đọc vừa ngâm nga bài thơ mà lão vừa đoạt được giải thưởng trong cuộc thi thơ trào phúng của một tờ báo trung ương:
-Bài thơ NÔNG DÂN
Nông dân,
Quanh năm bán mặt cho đất
Bán lưng cho trời
Cày sâu cuốc bẫm
Mồ hôi như tắm
Mơ một cuộc đổi đời
Với chiếc cày chìa vôi
Với con trâu còm cõi.
Vài củ khoai lang
Một bình nước vối,
Điếu cày nhả khói giữa đồng
Ngả lưng trên rơm rạ ước mong
Những nhà cao cửa rộng!
Ki cóp suốt cả đời
Từng viên gạch mỏng,
Mong thay mái nhà tranh
Nhưng tất cả tan tành
Sau một cơn bão lớn.
Mảnh ruộng ngàn đời
Cấy cày, chăm bón
Bán để làm sân gôn
Làm những khu chế xuất.
Cầm cục tiền lớn trong tay
Nông dân chóng mặt
Cả đời chưa thấy lần nào
Tiền nhiều đến thế này sao!
Bố con, vợ chồng mừng rú
Mua xe máy, làm nhà
Bữa ăn món ngon ú ụ...
Có lẽ đổi đời rồi,
Hay chỉ là giấc mơ thôi?
Khi không còn đồng ruộng
Nông dân biết làm gì
Không thể vào nhà xưởng
Không thể đi chơi gôn
Sống ở nông thôn
Nông dân không thể đi nhặt rác?
Thế là tan tác xóm làng
Thành kẻ đãi vàng
Nơi rừng xanh núi thẳm,
Thành những ô-sin
Nơi phố phường xa lạ
Bàn tay quen rơm rạ
Giờ giặt rũ, bế em
Đôi mắt cũng dần quen
Ti-vi màn hình phẳng
Những "ai-phôn", chít chát,
Về làng di động cầm tay
Váy mỏng phất phới bay...
Xóm làng hôm nay
Bơm kim tiêm vứt đầy trong ngõ
Đêm đêm đèn mờ xanh đỏ
Nhấp nháy quán cà phê
Nông thôn hết "chân quê"
Kém chi kẻ chợ
Tình làng, nghĩa xóm nhạt nhòa
Chuyện con đánh bố
Chẳng là chuyện ở tận đâu?
Nông dân thời hiện đại.
Một nỗi buồn thẳm sâu...
Mọi người im lặng nghe lão Cốc đọc thơ. Bài thơ của lão hay. Ông Tô nghĩ vậy. Trưởng thôn Trần Kính bắt tay chúc mừng lão Cốc và nói:
-Tối mai có buổi sinh hoạt mời ông đọc bài thơ này trước buổi họp làng ta nhé?
Hà Nội, 22-10-2019