Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

Truyện ngắn vui ĐẦU LÀNG, CUỐI XÓM

ĐẦU LÀNG, CUỐI XÓM
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng

Con đường từ quốc lộ vào đến đầu làng thì phải vòng qua một cái gò đất khá to cây cối, gai góc rậm rạp. Trên đỉnh gò có một tấm bia đá xanh rất to khắc chữ nho sứt sẹo. Những dòng chữ bị mờ không đọc được nữa. Nay theo quy hoạch của xã con đường vào làng sẽ được nắn lại cho thẳng đẹp. Nếu như vậy thì đoạn đường sẽ phải cắt qua một góc cái gò lổn nhổn đất đá đầu làng ấy.
Việc phá cái gò đất để nắn con đường vào làng tưởng đơn giản hóa ra không hẳn thế. Khi triển khai việc đào phá cái gò đất thì có nhiều người kịch liệt phản đối cho rằng nơi đây là "di tích lịch sử" có tấm bia đá cổ hẳn hoi, không ai được xâm phạm? Phần đông thì nói đó chỉ là một gò đất hoang nên phá bỏ cho con đường vào làng thẳng đẹp. Do không có sự thống nhất của dân làng nên công trình phải tạm dừng thi công. Trưởng thôn Trần Kính phải nhờ cậy đến các "bô lão" trong làng đứng ra phân giải. Ông Tô, lão Cốc và nhiều người cao tuổi được mời đến buổi họp của làng. Tại buổi họp mọi người tranh cãi với nhau ỏm tỏi, chẳng ai chịu ai. Trưởng thôn Trần Kính đứng dậy yêu cầu bà con trật tự rồi nói:
- Ở đây có ông Tô là thầy giáo. Ông ấy chịu khó đọc và nghiên cứu về lịch sử làng xã ta. Đề nghị ông Tô có ý kiến về khu gò đất này cho bà con cùng tham khảo!
Ông Tô đứng dậy. Ông trịnh trọng thưa gửi một hồi rồi rút từ trong túi áo ra một tờ giấy. Nhưng không cần nhìn vào tờ giấy ông nói rất rành rẽ:
- Theo tôi đọc được trong các tư liệu cũ thì cái gò này vốn là một ngôi mộ cổ...
- Đấy... đấy... đúng là ngôi mộ cổ mà... không đào phá được đâu!
Có nhiều tiếng người ồn ào. Chờ mọi người lắng xuống ông Tô mới nói tiếp:
- Đây vốn là ngôi mộ một ông quan có chức vụ và công lao từ thời phong kiến mấy trăm năm trước...
- Thế thì càng cần bảo vệ, không được xâm phạm, phá hoại?
Ông Tô bình tĩnh nói tiếp:
- Ông quan này vốn là dân ngụ cư từ nơi khác đến định cư ở làng ta. Ông này có công lao nên được trọng dụng, cất nhắc. Ông ấy làm đến một chức quan trong to triều. Không biết ông ấy công tích lớn đến thế nào mà về làng bắt quan lại địa phương thu hồi, lấy cả mấy chục mẫu đất đầu làng ta để làm nơi dựng bia công tích. Khu đất gò nổi này ngày xưa đều là đất trồng lúa của dân, là nhất đẳng điền, “bờ xôi ruộng mật” đấy. Ông ấy cho đổ đất vun cao thành một cái đồi nhỏ, trên trồng cây tùng, dựng một tấm bia đá khắc ghi công tích của mình. Ông ấy bảo là để người làng đi ra, người ngoài đi vào đều nhìn thấy tấm bia và biết rõ công lao của mình. Ông ấy không quên ngày còn chưa thành đạt bị dân làng khinh là dân ngụ cư. Nay công thành danh toại ông muốn dân làng phải nể trọng mình. Tấm bia được hương chức, tuần phiên trong làng trong xã ngày đêm tuần phòng bảo vệ. Dân làng ta từ ấy phải đi theo con đường vòng quanh tấm bia đá. Sau đó, ông quan này tiếp tục thu thêm đất ruộng của dân xung quanh để làm khu nghĩa địa hầm mộ cho gia đình mình. Ông này chưa làm được gì cho làng xã nhưng đã lấy nhiều đất ruộng của dân khiến nhiều nhà khốn khổ, tiếng kêu than vọng lên khắp chốn. Nhưng thời gian sau đó ông quan này bị triều đình ngưng chức để điều tra vì tội tham nhũng, câu kết với bọn cường hào ác bá hà hiếp bức hại dân lành. Ông ấy chưa bị kết tội thì mắc trọng bệnh qua đời. Thân nhân đưa ông ấy về chôn ở trước tấm bia đá. Ông quan tham thoát bị tội tử hình, họ hàng thoát họa chu di tam tộc nhưng bị người đời nguyền rủa. Bia và lăng mộ ông này luôn lạnh lẽo quanh năm không có ai đến thăm viếng, luôn tàn lạnh hương nhang. Dân làng ta ngày ấy biết chuyện của ông ta nên rất bức xúc đã tự đề ra một quy ước chẳng thành văn là ai mỗi khi đi qua khu gò mả bia mộ của ông quan tham này “buồn thì lên gò phóng uế, thích thì dừng lại chân bia mà đái”. Ai không buồn đại, tiểu tiện thì nhặt phân trâu, bùn đất đá ném vào tấm bia. Người lạ khi vào làng cũng phải làm như thế. Do người ta ném nhiều đất đá nên tấm bia bị sứt mẻ, vỡ hỏng chữ, cái gò đất khi trước còn bé sau dần dần lớn lên thành một quả đồi nho nhỏ như bây giờ. Sau một trận giông bão sét đánh cháy đổ cây tùng gia quyến ông quan này đã bí mật đêm hôm đào đem hài cốt ông ấy đi nơi khác để chôn rồi. Cái gò đầu làng ta hiện nay chỉ là do đất đá người ta ném nhiều mà thành, chẳng phải là di tích lịch sử gì. Nay ta phá cái gò làm con đường thẳng vào làng cũng không phải ngại gì đâu...
Nghe ông Tô phân tích như vậy mọi người ồn ào bàn tán. Các ý kiến đều ủng hộ bạt sẻ khu gò đất để làm đường. Có ai đó còn nói to:
- Bia mộ của bọn tham quan hại nước hại dân thì để làm gì?
Trưởng thôn Trần Kính nhã nhặn:
- Nếu đúng là có mộ chí thì ta không nên xâm phạm. Dù sao người chết thì cũng đã chết rồi. Đằng này đây chỉ là một gò đất hoang ta chỉ xén cắt một góc cho con đường vào làng thẳng đẹp thôi...
Một ai đó hét to:
- Phá... phá hết... bọn tham quan đừng mong chết rồi là mồ yên mả đẹp?
Lão Cốc đứng dậy phát biểu:
- Mọi người đừng nên quá kích động như thế. Tôi đề nghị trước khi mở đường qua khu gò mả làng ta nên báo cáo cơ quan văn hóa xã và huyện nghiên cứu, thẩm định thêm...
Nhiều người không đồng tình với ý kiến của lão Cốc. Họ muốn vác cuốc xẻng ra ngay để đào phá khu gò đất ở đầu làng luôn tắp lự. Ông Tô lại đứng dậy nói thêm:
- Tôi đồng ý với ý kiến của ông Cốc... Nhưng tôi có một đề nghị thêm thế này...
- Ông còn đề nghị thêm điều gì nữa thế?
Trưởng thôn Trần Kính hỏi, ông Tô nói to:
- Tôi đề nghị nhân đợt làng ta nắn sửa lại con đường phía đầu làng mọi người đóng góp thêm chút ít nữa để kéo dài thêm con đường bê tông trục chính cuối làng ra phía sau đồi nơi có ngôi miễu thờ ông Cống...
- Sự tích ngôi miễu thờ này như thế nào hả ông giáo?
Một người hỏi lại. Ông Tô nói rõ cho mọi người cùng biết:
- Ngôi miễu này thờ ông Cống là một người đốt than ở làng ta từ mấy trăm năm trước...
Đám thanh niên và nhiều người ngạc nhiên:
- Sao lại là thờ một người đốt than?
- Là thế này... tôi nghiên cứu sự tích làng ta nên được biết: Mấy trăm năm trước, vùng ta có nhiều toán cướp hoành hành. Chúng cướp của đốt nhà giết người rất tàn bạo. Dân làng ta phải tổ chức rào làng và sắm sửa dao kiếm cung tên để đối phó. Nhưng bọn cướp chúng rất nham hiểm. Một đêm, lợi dụng tối trời, bọn chúng lặng lẽ bí mật từ phía trên núi đột nhập xuống làng. Khi ấy, ông Cống vừa đốt xong một lò than. Ông đã lấp lò để ủ than xong chuẩn bị về làng. Phát hiện thấy bọn cướp đang đột nhập vào làng. Nếu như người khác ông lẩn vào khe núi nằm im là sẽ thoát. Nhưng ông Cống không làm thế. Ông rút ngay chiếc tù và đang đeo ra thổi rúc lên từng hồi báo động. Theo tín hiệu chiến đấu, dân làng vùng dậy cầm vũ khí sẵn sàng đối phó với bọn cướp. Bọn cướp bị lộ bởi tiếng tù và vang lên ngay phía sau lưng mình. Bọn chúng tức tối quay lại vây bắt được người đốt than. Ông Cống bị chém chết ngay sau làng. Ông Cống đã nhận cái chết để cứu cả làng. Nơi ông chết người làng ta ngày ấy đã dựng một ngôi miễu nhỏ để thắp hương nhang cho ông. Từ ấy đến nay ngồi miễu nhỏ luôn luôn có hương khói là như thế... Tôi muốn làng ta kéo dài con đường bê tông ra phía ngôi miễu nhỏ. Không cần làm đường to, chỉ cần rộng khoảng một mét cho các cụ mùng một ngày rằm đi thắp hương cúng lễ khỏi trơn ngã...
- Đồng ý... đồng ý... mà làm đoạn đường này rộng như trục chính đường làng ta luôn...
Mọi người nhao nhao ủng hộ ý kiến của ông Tô. Ông Tô xúc động ngồi xuống. Ông hiểu, ai có công lao, hy sinh vì dân, vì nước thì sẽ được dân luôn mãi tôn thờ. Kẻ nào là tham quan, có tội với dân, với nước thì kết cục thì sẽ giống như khu bia mộ ông quan tham ở đầu làng này...
Hà Nội, ngày 28-10-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét