Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

Truyện ngắn vui VIÊN GẠCH CHỮ NHO

VIÊN GẠCH CHỮ NHO
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Sau khi phá một phần cái gò hoang con đường vào làng được nắn thẳng băng trông thật đẹp. Thế nhưng cũng kể từ ấy đoạn dường qua cái gò hoang này rất hay xảy ra tai nạn. Xe máy đâm vào nhau, đâm vào trâu bò và người đi bộ nhiều lần. Vụ nào nhẹ thì hỏng xe, vỡ đầu mẻ trán, vụ nào nặng thì phải đưa lên tỉnh, về Hà Nội cấp cứu. Chưa có người chết nhưng đã có người bị tàn phế. Dân làng có người bảo: “Cái gò hoang này rất linh thiêng phá hủy nó là hại chết cả làng rồi!”. Bà con trong làng hoang mang. Trưởng thôn Trần Kính lại phải họp làng để làm công tác tư tưởng cho nhân dân.
Tại buổi họp, lão Phúng chuyên làm nghề cúng bái mới giải nghệ xin có ý kiến trước. Lão ấy ậm è nói:
- Cái gò hoang đầu làng ta là linh thiêng lắm! Khi còn bé nhiều đêm tôi đi bắt ếch còn gặp các thần linh, ma quỷ hiện hình hội họp ở ấy đấy...
- Bậy... bậy... làm gì có chuyện thần linh, ma quỷ gì ở cái mả tên quan tham ấy! Ông đừng có mà tuyên truyền chuyện mê tín dị đoan nhé?
Lão Cốc đứng bật dậy to tiếng bác bỏ lời lão Phúng thầy cúng. Trưởng thôn Trần Kính cũng nhắc nhở lão chuyện hay tung tin ma quỷ gây hoang mang trong làng. Lão thầy lúng túng ngồi xuống im bặt không dám nói gì thêm nữa. Thằng Nhỡ thì ấp úng lên tiếng:
- Hay... hay đúng là cái gò ấy do bọn Tàu ngày xưa chúng chôn giấu vàng bạc, bị chúng yểm bùa... Hôm đào đất phá gò làm đường tôi thấy có rất nhiều viên gạch khắc chữ nho đấy!
Lão Cốc lại đứng bật dậy nói:
- Mày trẻ ranh biết gì chữ nho với chữ nhiếc...
Thằng Nhỡ tự ái vùng vằng vặc lại:
- Vậy... ông có biết chữ ấy là chữ gì không?
Lão Cốc khẳng định:
- Đó là chữ “cứt”... tao đã mang một viên có in chữ rõ nhất sang hỏi cụ đồ Thảo là người giỏi chữ nho nhất vùng ở làng bên rồi...
- Tại sao lại là chữ “cứt”...?
Nhiều người nhao nhao lên tiếng hỏi lại. Lão Cốc chậm rãi giải thích.
- Do làng ta ngày căm ghét ông quan này tham nhũng, hay vơ vét ức hiếp dân lành, làm tổn hại đến thanh danh, truyền thống của làng xã, bị triều đình phế truất nên đã đề ra một quy ước chẳng thành văn là ai đi qua khu gò mả bia mộ của ông ta “buồn thì lên gò phóng uế, thích thì dừng lại chân bia mà đái”. Ai không buồn đại, tiểu tiện thì phải nhặt phân trâu, bùn đất đá vứt lên gò, ném vào bia. Người lạ khi vào làng cũng phải làm như thế. Nhiều người đi qua tìm kiếm mãi không có gạch đá để ném vào tấm bia và gò mộ. Một lão nông nhà ở đầu làng mới nghĩ ra một cách để làm kinh tế. Ông ấy mở một cái lò làm gạch ở ngay đầu làng. Các viên gạch ông ấy làm ra chỉ nhỏ bằng nửa viên gạch thường, rất vừa với tay người cầm. Trên mặt từng viên gạch đều in một chữ “cứt”. Loại gạch có khắc chữ nho này không dùng để xây nhà mà chỉ để bán cho những người đi vào, đi ra khỏi làng ta, mỗi người một viên, ai mua nhiều cũng được. Họ mua để dùng "viên gạch cứt" để ném lên gò đất có bia mộ tên quan tham ấy đấy...
Mọi người ồn ào bàn luận về câu chuyện hoàn toàn bất ngờ của lão Cốc. Thằng Nhỡ cố vớt vát nói thêm:
- Là... là hồi còn bé tôi có nghe ông nội tôi nói cái gò đầu làng ta bị bọn Tàu nó yểm bùa. Bọn Tàu thâm lắm... đến bây giờ nó còn “yểm” một con “quái vật bằng bê tông” khổng lồ, dài loằng ngoằng từ Hà Đông đến Cát Linh ở ngay giữa thủ đô đấy...
Ai đó nói thêm:
- Nó cũng yểm cả một cái lưỡi bò to tướng ngoài biển Đông nữa chứ...
Trưởng thôn Trần Kính nói:
- Chuyện yểm bùa ở đầu làng ta là hoàn toàn không có. Còn những chuyện khác, nhất là chuyện bảo vệ chủ quyền “bất di bất dịch” của chúng ta ở biển Đông thì bà con phải tin tưởng vào sự mềm dẻo khôn khéo, tuân thủ luật pháp quốc tế của cấp trên, bình tĩnh không nên kích động, hoặc manh động mà bàn tán, phát ngôn bừa bãi, xuyên tạc lung tung, làm rối thêm tình hình...
- Nhưng... nhưng... khi có thằng hàng xóm nó đang mài dao định đánh ta mà ta cứ ngồi yên không buộc lại dây cung, kiểm tra lại lẫy nỏ à?
Thằng Nhỡ cố cãi, trưởng thôn Trần Kính nghiêm khắc:
- Phải cảnh giác nhưng cần phải có kỷ luật hiểu không?
Thằng Nhỡ ngồi xuống. Mồm nó còn lủng bủng một câu gì đó.
Ông Tô được mời phát biểu. Ông đứng dậy bình tĩnh nói:
- Không có chuyện ma quỷ, không có chuyện yểm bùa hoặc thần giữ của gì đâu. Vì con đường chúng ta nắn thẳng, lại trải nhựa phẳng lì nên đám thanh niên thường phóng xe máy rất nhanh, không làm chủ tốc độ. Khu vực này trẻ con lại hay thả rông trâu bò nên rất dễ gây ra tai nạn. Tôi đề nghị trước hết làng ta nên làm biển báo giảm tốc độ, xe máy ai phóng nhanh, phóng ẩu sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Mà điều này cần đưa vào quy định hương ước của làng ngay. Về lâu dài chúng ta nên làm hai con mương, trồng cây thành hàng rào hai bên đường ngăn không cho trâu bò đi lại nghênh ngang trên đoạn đường vào làng, các gia đình nên quan tâm giáo dục con em mình khi đã đi xe máy thì không được uống rượu bia thì nhất định tai nạn sẽ không xảy ra nữa...
Ý kiến của ông Tô được nhiều người tán đồng ủng hộ. Trưởng thôn Trần Kính cũng thấy hợp lý nên triển khai cho dân làng thực hiện. Quả nhiên thời gian sau đó đoạn đường qua khu gò mả hoang không còn xảy ra tai nạn nữa. Phần còn lại của khu gò mả hoang đầu làng được cải tạo thành một khu trồng cây và hoa rất đẹp...
Hà Nội, ngày 5-11-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét