Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

Ghi chép CAO BẰNG - 1979 (phần 2)

CAO BẰNG - 1979 (phần 2)
Ghi chép của Trọng Bảo 

Liên tiếp những cuộc xung đột giữa hai bên nổ ra. Bọn côn đồ phía bên kia ném đá, tấn công bằng gậy gộc, bắn cung tên vào dân ta đang rào biên giới. Ta tổ chức ném đá, dùng gậy gộc chống trả, đánh lại. Nhiều người dân, người lính vỡ đầu, mẻ trán, bị thương bởi các loại vũ khí thô sơ như thế trong thời gian tiền chiến như vậy. Chiến tranh chưa nổ ra nhưng xung đột đã lan rộng. Việt Nam và Trung Quốc đều đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu nảy lửa. Bọn bành trướng quyết tâm xâm lược, còn chúng ta thì quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Mâu thuẫn không thể dung hòa nên chiến tranh xảy ra là điều khó tránh khỏi, chỉ sớm hay muộn mà thôi. Súng pháo của hai bên đều đã lấy tầm bắn, xác định sẵn mục tiêu, đạn đã lên nòng rồi.
Tôi hiểu chiến tranh đang đến rất gần. Song, tôi vẫn mong chiến tranh đừng bao giờ xảy ra. Bởi nếu chiến tranh nổ ra một "cơn lũ xâm lược" vô cùng tàn khốc từ phía bên kia biên giới sẽ tràn sang tàn phá, giết chóc đến tận cùng nơi biên ải này. Những người lính phía trước chúng tôi sẽ chỉ là những người lính cảm tử quân vô cùng nhỏ nhoi ở nơi đầu cơn lũ lớn.
Thị trấn Sóc Giang ngày ấy nhìn đâu cũng thấy màu áo lính. Người dân ở đây cũng rất nghèo, cũng còn thiếu đói. Nhưng tôi nhớ mãi một chuyện gặp ở chợ Sóc Giang. Hôm đó đơn vị chúng tôi triển khai mạng thông tin lên trận địa. Được thanh toán tiền ăn, mấy anh em trong tiểu đội kéo nhau vào chợ mua cân thịt lợn cải thiện thêm bữa ăn. Khi tôi hỏi giá, bà bán thịt lợn bảo tôi:
- Một cân bán cho dân hai mươi đồng, bán cho bộ đội chỉ lấy mười tám đồng thôi! (Không biết tôi có nhớ chính xác trị giá đồng tiền ngày ấy không?)
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao lại thế ạ?
Bà bán hàng người dân tộc cười nói rất tự nhiên:
- Chả tại sao cả! Cái gì bán cho bộ đội cũng cứ thấp hơn, rẻ hơn thế đấy!
Thì ra ở chợ có một quy định không thành văn là hàng hoá bán cho bộ đội đều thấp hơn so với bán cho người khác từ 15 đến 20%. Mà có điều lạ là chả ai phổ biến, quán triệt nhưng bà con dân tộc đem hàng ra chợ ai cũng làm như vậy. Và không ai từ chối khi bộ đội hỏi mua hàng. Quy định bất thành văn đó chính là lòng dân thương yêu bộ đội mà có. Một lần đi công tác dừng lại nấu cơm dọc đường, thấy vườn đu đủ trên sườn núi trĩu quả, tôi hỏi mua, ông chủ vườn bảo: “Chú cứ lấy mà ăn! Để lại cái hạt là được”. Thì ra ở đây dân họ bảo nhau không được bán, chỉ cho bộ đội thôi. Đu đủ chín đầy vườn bộ đội muốn ăn thì cứ lấy, ăn xong nhớ để lại cái hạt cho những cây mới tiếp tục mọc lên. Tôi còn nhớ một lần lên sát biên giới gặp một cụ già đang ngồi vót chông ở bản Nà Sác, tôi hỏi: “Ông không đi sơ tán ạ?”, thì cụ bảo: “Chúng mày ở mãi tận dưới xuôi còn lên tận đây giữ đất, chúng tao ở đây lại bỏ đi à? Đất của mình thì mình phải ở, phải giữ bằng được chứ, sao lại bỏ đi?”. Câu nói của cụ già giản dị nhưng đó là một lẽ sống, một chân lý của người Việt ta có tự ngàn đời nay.
Chính nhờ lòng dân như vậy đã giúp chúng tôi đứng vững trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong những trận đánh ác liệt giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên giới ấy có bao người dân đã ngã xuống giữa chiến hào cùng những người lính. Từ thời phong kiến xa xưa, các vua quan nước Việt từng coi dân bản xứ nơi biên ải luôn như là những người lính tiền tiêu trấn giữ biên thùy của đất nước...
Tình hình mỗi ngày một thêm căng thẳng. Sắp đến Tết âm lịch nhưng trời còn rét lắm. Cái rét biên thùy cắt thịt da. Tiểu đoàn 3 chúng tôi tổ chức đón tết sớm cho bộ đội. Bánh chưng đang gói đã có lệnh báo động lên trận địa. Vị trí chỉ huy tiền phương của tiểu đoàn rời khỏi bản Nà Cháo dâng lên gần thị trấn Sóc Giang đặt trong hang dãy núi đá nằm bên trái cánh đồng kéo dài từ cửa khẩu Bình Mãng xuống tận xã Quý Quân.
Phía bên kia cánh đồng là bản Nà Nghiềng, nơi đã sinh ra vị cách mạng tiền bối là ông Lê Quảng Ba, người đón Bác Hồ về Pác Bó năm 1941 và một vị tướng tài của quân đội là tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 1 (sau này ông là thượng tướng và là phó chủ tịch Hội đồng nhà nước). Hiện thì bà chị gái của tướng Đàm Quang Trung vẫn ở bản Nà Nghiềng. Khi quân Trung Quốc tràn sang bộ đội phải đến đưa bà và dân bản rút chạy lên núi. Tướng Đàm Quang Trung hay về thăm quê và đi kiểm tra các đơn vị biên giới một cách rất khác thường. Một lần, ông bị các chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 3 vây bắt khi nửa đêm mặc quần đùi áo lót soi ếch ở cánh đồng gần một điểm chốt. Họ lập tức dẫn giải ông về giao nộp cho chỉ huy tiểu đoàn vì nghi ngờ là thám báo Trung Quốc mò sang trinh sát trận địa của ta. Tại nhà ban chỉ huy Tiểu đoàn 3, khi một ông người dân tộc, dáng vẻ nông dân chân đất, một tay cầm đèn pin, một tay xách xâu ếch được dẫn giải vào, tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm và chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bị một phen hoảng hồn vì thấy quân lính của mình đã “bắt sống” được tư lệnh quân khu. Nhưng tướng Đàm Quang Trung thì lại khen ngợi: “Quân lính của các ông có ý thức cảnh giác cao như thế là rất tốt chỉ phải cái là chửi bậy và nói tục quá!”. Lúc nãy, trên đường dẫn giải ông về sở chỉ huy tiểu đoàn vì nghi ngờ ông chính là thám báo nên mấy chiến sĩ đã quát tháo, văng tục chửi bọn bành trướng...
Hang chỉ huy tiểu đoàn có rất nhiều ngõ ngách và sâu thăm thẳm. Gần cửa hang có một khoảng trống rộng, nhũ đá nhấp nhô rất đẹp. Ban chỉ huy tiểu đoàn và cơ quan tiểu đoàn bộ ở ngay gần cửa hang để tiện cơ động. Chúng tôi dùng dây thông tin kéo điện từ thị trấn Sóc Giang vượt qua cánh đồng vào hang thắp sáng. Khi sinh hoạt cơ quan tiểu đoàn bộ, chúng tôi ngồi trên các gộp đá, bên cạnh các nhũ đá để nghe quán triệt nhiệm vụ. Trong ánh đèn điện lung linh, mờ ảo trông những người lính chiến chẳng khác gì các tượng phật đang ngồi trên đài sen.
Phía trước cửa hang đá sở chỉ huy của Tiểu đoàn 3 là một con suối nhỏ chảy xuôi về phía bản Nà Cháo. Chúng tôi dọn dẹp biến dòng suối thành một chiến hào cơ động để đi lại mỗi khi về bản Nà Cháo lấy cơm hay lấy đạn, lương thực. Việc nấu nướng của cơ quan tiểu đoàn bộ vẫn ở bản Nà Cháo vì vị trí chỉ huy mới chỉ là một sườn núi đá trơ trụi không có chỗ làm bếp.
Công tác chuẩn bị chiến đấu ngày càng khẩn trương. Một bữa, quân nhu tiểu đoàn cấp phát cho mỗi tiểu đội hai cuộn vải còn mới tinh. Đó là những tấm vải chuyên dùng để gói liệt sĩ khi chôn cất. Tấm vải mỏng gần giống cái vỏ chăn đơn nhưng người ta chỉ may kín hai cạnh liền nhau, để hở hai cạnh còn lại. Trên từng tấm vải liệm ấy có đính sẵn ba giải dây cũng may bằng vải ở giữa và ở hai đầu. Khi dùng khâm liệm liệt sĩ chỉ cần đặt thi thể vào gấp lại và dùng ba giải dây đó để bó buộc. Nghe tôi phổ biến "cách sử dụng" tấm vải liệm anh em trong tiểu đội có người tái mặt, người thì tìm cách lảng đi ngay. Không ai muốn giữ những tấm vải ấy sợ xui xẻo. Tôi đành giao cho tiểu đội phó Vũ Văn Tự giữ một tấm, tôi giữ một tấm vải liệm. Hai tấm vải liệm đó rồi cũng phải sử dụng hết. Chiến tranh là như vậy, biết làm thế nào khác được...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 2-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét