Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

KÝ ỨC NGÀY 17-2

    KÝ ỨC NGÀY 17-2

Ngày 17 tháng 2 đưa tôi về với một miền ký ức. Đó là nỗi nhớ về chiến tranh và đồng đội, nhớ về mảnh đất Hà Quảng, Cao Bằng thân yêu. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 đến nay cũng đã 43 năm. Nhưng trong tôi nó như vừa mới xảy ra. Trong tai tôi như còn rất rõ tiếng trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi gào lên gọi tôi trong cái đêm ở bản Cốc Vường sát đường biên giới: “Bảo ơi! Bọn Trung Quốc đánh đến nơi rồi mà mày vẫn còn ngủ à?”. Tôi cũng không quên cái cảm giác thảng thốt, hoang mang khi xách súng chạy ra sàn nhà nhìn lên bầu trời dày đặc những tiếng hú rít của đạn pháo địch bắn từ bên kia biên giới sang. Chớp lửa khắp nơi, mặt đất chao đảo. Nhớ lúc chạy dưới làn đạn địch ra hang Ma Gà để đảm bảo thông tin vô tuyến điện cho tiểu đoàn chỉ huy đánh địch. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại có thể vượt qua được cánh đồng đầy đạn lửa ấy một cách an toàn thế?
Tôi nhớ mãi cảnh trong hang Ma Gà trong những giờ phút đầu tiên của cuộc chiến tranh. Tiểu đoàn trưởng quát mắng, văng tục ầm ĩ mà tôi vẫn bình tĩnh để đảm bảo thông được mạng thông tin vô tuyến điện cho tiểu đoàn chỉ huy chiến đấu. Có lẽ do “sợ chỉ huy hơn sợ giặc?” ấy đã giúp cho tôi bình tĩnh lại chăng? Sau này, có điều kiện gặp lại thượng úy Hoàng Quốc Doanh, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3 của chúng tôi ngày ấy tôi đã nói lại chuyện này. Anh bảo: “Ngày ấy mày mà không giữ được liên lạc cho chỉ huy thì chết cả nút hiểu không?”. Những năm gần đây khi liên lạc được với anh Hoàng Quốc Doanh, năm nào anh cũng điện thoại cho tôi vào buổi sáng ngày 17-2 và nói: “Bảo ơi! Giờ này ngày 17 tháng 2 năm 1979 chúng ta đang đánh nhau với bọn Trung Quốc xâm lược đấy!”.
Ký ức chiến tranh không quên trong tôi là khi vị trí chỉ huy tiểu đoàn từ hang Ma Gà chuyển về hang Huyện ủy Hà Quảng. Lúc đi qua hẻm núi vào thị trấn Sóc Giang, trong ánh lửa của đạn pháo tôi nhìn thấy những người lính đang lầm lũi đào huyệt để chôn cất các đồng đội đã hy sinh. Mỗi khi đạn pháo nổ gần, những người lính đào huyệt lại vội nằm ngay xuống cái hố mình đang đào dở để tránh mảnh đạn. Người chết che chở cho người sống là như vậy.
Tôi không quên những ngày ở hang Huyện ủy và trận huyết chiến với quân Trung Quốc xâm lược ngày 20-2-1979. Hôm ấy, tiểu đoàn trưởng đã rời khỏi vị trí chỉ huy, phái viên đốc chiến của trung đoàn cũng đã rút lên dãy núi đá từ đêm hôm trước. Trên mỏm núi đá độc lập, nhỏ bé trơ trọi giữa thị trấn Sóc Giang chỉ còn có thượng úy Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Bốn bề là bộ binh, xe tăng quân địch khép chặt vòng vây. Đạn pháo của chúng bắn không lúc nào ngớt. Vậy mà Tiểu đoàn 3 chúng tôi vẫn trụ vững. Sự bình tĩnh, kiên quyết của thượng úy Hoàng Quốc Doanh khi chỉ huy các đơn vị trong các tình huống chiến đấu đã đánh bật nhiều đợt tấn công ác liệt của bọn bành trướng xâm lược. Biển người của chúng đã bị chặn ở cửa ngõ Sóc Giang dưới chân chốt của Đại đội 10, bị đẩy lùi ở hướng UBND huyện Hà Quảng. Hướng Cốc Vường, Cốc Nghịu từ cửa khẩu Bình Mãng bọn địch cũng không thể tràn xuống thị trấn. Tất cả các xe tăng và số ít bộ binh Trung Quốc vào được cánh đồng bản Nà Nghiềng và khu chợ Sóc Giang đều bị tiêu diệt. Tôi nhớ mãi cái khoảnh khắc ác liệt và nguy hiểm nhất tại hang Huyện ủy thượng úy Hoàng Quốc Doanh tay cầm khẩu súng ngắn đã nói với chúng tôi: “Bây giờ là lúc chúng ta sẽ quyết một trận sống chết với quân thù!”. Tất cả chúng tôi lao ra vị trí chiến đấu kiên quyết chặn đứng các đợt tấn công ác liệt của kẻ thù. Nhưng chúng tôi không chết mà quân thù phải chết. Trận đánh ở Sóc Giang chiều ngày 20-2 hơn 500 tên địch và 6 xe tăng của chúng đã bị tiêu diệt.
Tiếp theo đó là cuộc rút lui lên dãy núi đá, cuộc phá vây sang huyện Nguyên Bình chiến đấu bảo vệ khu công nghiệp mỏ thiếc Tĩnh Túc của Tiểu đoàn 3. Tôi không bao giờ quên cái cảm giác bơ vơ, bi quan khi vượt vòng vây ở huyện Thông Nông bị bọn địch cắt đuôi, thất lạc khỏi đội hình đơn vị. Xung quanh mình chỉ còn vài ba chiến sĩ quần áo tả tơi, súng hết đạn, ba lô không còn lương thực, có người bị thương băng còn quấn kín đầu. Vậy mà chúng tôi vẫn tiếp tục cùng dân quân địa phương chiến đấu trong vòng vây quân thù. Nhớ những ngày đói khát lang thang trên sườn núi đi tìm đơn vị, những đêm rét đến thấu xương anh em co ro ôm nhau trong khe đá ẩm ướt chờ trời sáng để tiếp tục leo qua vách núi. Mảnh chăn, chiếc võng cuối cùng đã dùng để gói chôn liệt sĩ, chiếc áo bông cuối cùng thay nhau mặc đỡ lạnh, nắm ngô rang, thứ “lương khô của thời đánh Tàu” cuối cùng cũng đã hết. Nhìn anh em mệt mỏi tả tơi cố bò leo lên dốc núi tôi động viên họ nhưng cũng chính là để tự nhủ mình kiên trì không được gục ngã dọc đường hành quân khi quân thù áp đang sát phía sau lưng. Nhớ lúc vui mừng khi gặp lại đơn vị quay trở về Sóc Giang, ngày bùi ngùi chia tay đồng đội để về xuôi đi học…
Mới đó mà đã 43 năm, nhưng ký ức trong tôi vẫn luôn tươi mới. Đồng đội của tôi ngày ấy bây giờ không gặp lại, có người đã mất như trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi… Nhớ về ngày 17-2-1979, tôi xin nghiêng mình trước anh linh những người đồng đội cùng chiến đấu ở Sóc Giang đã ngã xuống như Nguyễn Xuân Tương, Trần Xuân Ngọc, Nguyễn Văn Nền, Diệp Văn Năm, Nguyễn Công Tâm, Nguyễn Văn Đam, Dương Đình Hà, Nguyễn Mộng Lân, Nguyễn Văn Lượng… Tôi kính trọng các anh Hoàng Quốc Doanh, Trần Hữu Hoàn, Nông Đình Bào, Bùi Đức Thọ, Lê Xuân Chữ, Nguyễn Hồng Thái, Đinh Văn Giản, Nông Xuân Bổng, Lý Mý Sùng, Hồ Sào Liền, Lê Hồng Giang, Trần Xuân Quý, Giàng Mý Mua, Lý Văn Mành, Thào Mý Cẩn, Mùa A Sảng, Phạm Hoa Mùi, Hà Trung Lợi, La Quang Tuyến, Nguyễn Văn Thanh, Đỗ Văn Nhận, Nguyễn Xuân Trọng, Nguyễn Đình Tuất, Trần Quyết Tuyến… cùng bao nhiêu đồng đội thân yêu. Họ đã sống và chiến đấu kiên cường ở Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 ngày ấy. Các anh luôn ở trong ký ức và những trang viết về chiến tranh của tôi./.
Hà Nội, ngày 17/2/2022
TRỌNG BẢO
Ảnh chụp với Đại tá Hoàng Quốc Doanh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246- người đã chỉ huy trận huyết chiến với quân Trung Quốc xâm lược ngày 20/2/1979 tại thị trấn Sóc Giang, Hà Quảng, Cao Bằng.
Có thể là hình ảnh về 1 người, đang ngồi và trong nhà
Bạn, 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét