Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 11

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 11
Ghi chép của Trọng Bảo

11-Góc khuất của chiến tranh

Một buổi trưa, đi đào công sự về mệt quá, ăn cơm xong tôi lăn ra ngủ. Vừa chợp mắt được một lát thì có người lay gọi:
- Dậy… dậy… ngay…
- Dậy làm gì, đào công sự cả buổi mệt đứt hơi chưa kịp ngủ đã gọi... gọi cái gì… - Tôi càu nhàu.
- Dậy đi, có việc gấp đây!
Nghe rõ tiếng chính trị viên Hoàng Quốc Doanh, tôi liền ngồi bật dậy. Vốn lính chiến, quen những tình huống chiến đấu bất ngờ nên nghe tiếng gọi của cấp trên gọi là tôi tỉnh ngay. Tôi vội quờ tay vớ luôn khẩu súng để trên đầu giường. Đoạn, tôi nhảy xuống đất vội vàng đeo giày để phóng đi luôn. Anh Doanh phì cười:
- Mày định đi đâu đấy?
- Chắc lại có bọn thám báo nó mò sang ạ?
- Thám báo nào? Cất súng đi ra đây tao bảo...
Lúc này tôi mới nhìn kỹ chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh. Anh ăn mặc chỉnh tề, tay đang cầm một cuộn giấy, nét mặt vui vẻ. Anh cười vì cái tính hấp tấp của tôi, cứ có ai gọi thì việc đầu tiên là tìm ngay khẩu súng. Âu đó cũng là tác phong của những người lính ở nơi đối diện với quân thù hằng ngày. Chúng tôi đã có mặt ở biên giới từ những ngày còn cùng nhau mặc quần áo dân thường đi rào biên giới, tranh nhau từng tấc đất, ném đá, đánh nhau bằng tay chân và gậy gộc với bọn lấn chiếm đất đai cho đến lúc nổ ra chiến tranh đấu súng, đấu pháo với chúng cho nên ai cũng có cái tác phong luôn luôn sẵn sàng ấy.
Anh Doanh bảo:
- Đem ngay cuốn sổ ghi chép của mày ra đây!
Tôi ấp úng:
- Cuốn sổ nào ạ?
- Cuốn nhật ký mà mày vẫn ghi chép tình hình chiến sự hằng ngày trong thời gian đánh nhau ấy!
- Cuốn sổ ấy em đã đốt nó cùng các loại giấy tờ để đảm bảo bí mật theo lệnh của chỉ huy tiểu đoàn cái hôm trước khi phá vòng vây quân địch ở Thông Nông rồi còn đâu nữa ạ?
Anh Doanh trừng mắt:
- Mày đừng có nói dối! Hôm ấy, mày chỉ đốt mỗi cuốn sổ ghi các sáng tác văn thơ thôi. Còn cuốn nhật ký ghi chép về tình hình chiến sự thì mày vẫn lén giấu trong người đem đi. Mang nó ra đây ngay…
Tôi cười hì hì:
- Làm sao anh lại biết ạ?
- Tao biết! Có chết, mày không bao giờ đốt cuốn sổ ấy đâu. Đem nó ra đây ngay, có việc cần đấy!
- Có việc gì mà lại liên quan đến cuốn nhật ký của em ạ?
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vừa đặt tập giấy xuống cái bàn ghép bằng mấy miếng ván kê giữa nhà vừa nói:
- Tiểu đoàn 3 chúng ta được đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Do đó, phải chuẩn bị một bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu vừa qua. Mày văn hay, chữ tốt, lại nắm được toàn bộ diễn biến của các trận đánh nên chiều nay không phải đi đào công sự nữa mà ở nhà giúp chỉ huy tiểu đoàn viết bản báo cáo thành tích trong chiến đấu vừa qua, hiểu không?
Tôi đã hiểu rồi. Tôi rút trong túi cóc ba lô ra một cuốn sổ nhỏ tự đóng bằng loại giấy đen mặt nhẵn, mặt trơn lấm lem bùn đất. Ngồi xuống bên cạnh anh Doanh, tôi đặt lên bàn trước mặt anh cuốn nhật ký của mình. Tay tôi run run lật từng trang ghi chép trong chiến đấu. Anh Doanh cùng tôi đọc lại những trang viết vội nguệch ngoạc, mỗi ngày vài dòng tóm tắt tình hình trong những ngày gian khổ ác liệt ấy. Mấy ngày đầu còn ít mực tím thì tôi ghi rất rõ ràng, những ngày sau ghi bằng bút chì, ở trên núi đá sương mù, mưa ẩm nên nhòe mờ, rất khó đọc. Chính trị viên Hoàng Quốc doanh lặng người đi khi đọc những câu văn cộc lốc, những con số ghi chép trần trụi trong cuốn nhật ký của tôi về những chiến công về sự hy sinh của đồng đội. Những thông tin này trong khi chỉ huy chiến đấu chúng tôi cũng đã biết rất rõ, nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy nhói lên trong tim...
Chúng tôi hoàn thành bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu để cấp trên đề nghị xét phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng cho Tiểu đoàn 3. Rồi đây Tiểu đoàn 3 chúng tôi trở thành một đơn vị anh hùng, nhưng tự dưng tôi lại không thấy vui mừng mà chỉ thấy man mác một nỗi buồn, một nỗi buồn sau thẳm trong lòng khi biết bao nhiêu anh em, đồng đội, bạn bè thân thiết đã không còn nữa để đón nhận sự vinh quang này. Chính trị viên tiểu đoàn dặn tôi không được "bép xép" chuyện tiểu đoàn trưởng bỏ vị trí chỉ huy hôm 20 tháng 2, ngày mà bọn giặc tấn công ác liệt nhất vào thị trấn Sóc Giang. Anh không giải thích gì thêm nhưng tôi hiểu nếu chuyện này lộ ra thì tiểu đoàn tôi sẽ không được phong tặng danh hiệu anh hùng. Không ai phong anh hùng cho một đơn vị mà người chỉ huy cao nhất của đơn vị ấy lại bỏ vị trí của mình khi tình huống chiến đấu cam go. Sau này tôi càng hiểu thêm, một người chỉ huy dũng cảm, mưu trí như anh Doanh cũng không thể được phong tặng danh hiệu anh hùng. Bởi vì nếu đề nghị tặng danh hiệu anh hùng cho anh Doanh thì anh sẽ phải báo cáo về trận đánh mà anh chỉ huy chiến thắng bọn Trung quốc xâm lược vang dội nhất ở thị trấn Sóc Giang ngày 20 tháng 2. Lúc ấy, cấp trên người ta sẽ đặt câu hỏi hôm đó tiểu đoàn trưởng đi đâu mà chính trị viên tiểu đoàn phải trực tiếp chỉ huy chiến đấu? Như vậy sẽ lộ ra chuyện tiểu đoàn trưởng bỏ vị trí chỉ huy khi ác liệt nhất. Và không khéo thì tất cả sẽ "xôi hỏng, bỏng không"... Đó là một góc khuất trong chiến tranh mà sau bốn mươi năm tôi không còn ngại khi đề cập đến. Bây giờ mọi việc đã qua lâu rồi dù sương khói và hồn liệt sĩ vẫn còn quẩn quanh nơi biên giới xa xôi...
Chính trị vên Hoàng Quốc Doanh đi rồi, anh em trong tiểu đội vẫn chưa đi đào công sự về, chỉ còn một mình tôi. Tự dưng nỗi buồn sâu thẳm ấy cứ dâng dâng lên mãi trong tôi.
Tôi bước ra khỏi lán ngước nhìn lên bầu trời. Có một cơn giông gió đang cuồn cuộn dâng lên từ phía Bắc. Mây đen vần vũ trên những đỉnh núi đá lởm chởm nơi biên thùy. Nơi mảnh đất cuối cùng Tổ quốc này tiếng súng vẫn chưa một ngày lắng im…
*
Sau chiến tranh nhiều việc phải làm. Tình hình biên giới vẫn căng như sợi dây đàn. Bọn địch vẫn liên tục tung thám báo sang đất ta trinh sát. Thỉnh thoảng hai bên lại xảy ra những vụ nổ súng lẻ tẻ. Vẫn có những người ngã xuống vì chạm súng hoặc vướng phải mìn chưa nổ. Phía biên giới Hà Giang vẫn tiếp tục xảy ra những trận đánh lớn ở Vị Xuyên. Quân xâm lược phương Bắc hôm nay giống như cha ông chúng ngày xưa chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính, đô hộ nước ta.
Tiểu đoàn 3 chúng tôi dần ổn định vị trí đóng quân. Những ngôi nhà nửa chìm nửa nổi trên chốt vừa là chỗ ăn nghỉ, vừa làm công sự chiến đấu khi cần thiết. Cùng với việc xây dựng trận địa, ổn định nơi ăn ở, các đơn vị bắt đầu việc bình xét, khen thưởng những người có thành tích trong chiến đấu. Nhiều người được tăng huân chương chiến công, được thăng quân hàm vượt cấp nhờ những chiến công đã lập được. Một số cán bộ cũng được bổ nhiệm chức vụ mới. Phần lớn là lên một chức. Bạn bè tôi đều được thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ, được xem xét bồi dưỡng để kết nạp vào đảng. Duy chỉ có mình tôi là không được phong quân hàm và khen thưởng gì.
Thằng Lợi có vẻ thắc mắc cho tôi. Nó nói:
- Tại sao mày trong chiến đấu nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt mà lại chả được khen thưởng, thăng quân hàm, cất nhắc chức vụ gì nhỉ?
Tôi bảo:
- Thôi thì... qua chiến tranh còn giữ được cái chỗ đội nón để mò về quê quán là tốt lắm rồi?
- Có nguyên nhân cả đấy! - Trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ vừa vào cửa nghe rõ câu chuyện của hai chúng tôi nên lên tiếng. Chúng tôi cùng quay ra cửa. Anh Thọ đeo ba lô bước vào. Anh được bổ nhiệm làm đại đội trưởng. Anh cũng đến chia tay với chúng tôi để về nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới. Đặt cái ba lô xuống sạp, anh chìa tay nắm tay tôi bóp chặt khiến tôi nhăn mặt. Anh nói tiếp:
- Mày bị tố cáo là trong lúc thất lạc khỏi đội hình của tiểu đoàn rất vô kỷ luật, không chấp hành mệnh lệnh chỉ huy chung của người có quân hàm cao nhất, tự ý đưa bộ đội cùng dân quân chặn đánh địch ở Táp Ná, rồi vào bản bắt cá trộm, lấy ngô, lúa của dân…
- Ơ…
Tôi há hốc mồm ngỡ ngàng vì những điều mà anh Thọ nói. Trong lúc bị thất lạc, lang thang trong vòng vây của quân thù bộ phận nào chả phải xuống các bản làng để kiếm tìm lương thực, nhặt củ khoai, củ sắn, bắp ngô của dân để lại mà ăn có sức mà chiến đấu, mà tìm về đơn vị cũ. Nhưng nếu nói như thế này thì quả tôi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng thật rồi. Tôi chợt thấy hơi lo lắng hoang mang. Anh Thọ ngần ngừ một lát rồi nói tiếp:
- Nguy nhất là... mày còn bị tố cáo trong lúc đang bị quân địch bao vây còn sử dụng cả thuốc phiện nữa đấy!
Tôi càng thêm kinh ngạc khi anh Thọ cho biết là những sai phạm của tôi đã được đưa ra thảo luận tại một cuộc họp của chỉ huy lãnh đạo tiểu đoàn. Buổi họp để bình xét công lao, thành tích cuộc chiến đấu vừa qua. Tôi hiểu rồi. Người nêu ra những khuyết điểm của tôi chắc chắn không ai khác chính là đại đội trưởng T. Tôi chợt hiểu vì sao mọi chuyện anh ấy đều đổ hết cho tôi.
Tôi cũng không thể giải thích được vì có ai hỏi lại mình xem những chuyện ấy sai, đúng thế nào đâu mà phân bua. Mọi việc cứ âm thầm diễn ra ở đâu đó thế thôi. Đại đội trưởng T. cũng đã được thăng quân hàm thượng uý và bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đoàn phó. Hiện giờ thì anh ấy cũng đã đi nhận nhiệm vụ tại một đơn vị huấn luyện ở tuyến sau, mãi dưới tận dưới Hoà An, gần thị xã Cao Bằng.
Lúc tạm biệt để lên đường anh Thọ và thằng Lợi vẫn có vẻ còn ái ngại và băn khoăn cho tôi. Tôi cười cười động viên hai người:
- Thôi, chuyện đã qua rồi, chả việc gì phải suy nghĩ mãi. Chúc các vị lên đường nhận nhiệm vụ mới công thành danh toại, thăng quan tiến chức đều đều như diều gặp gió nhé.
Anh Thọ và thằng Lợi đi rồi tôi chợt thấy trống trải và buồn quá. Chính trị viên Hoàng Quốc doanh được đề bạt lên giữ chức phó chính ủy trung đoàn nhưng chưa đi vì còn một số công việc chưa bàn giao xong. Một hôm gặp tôi anh bảo:
- Mày ở lại phải cố gắng nhé! Tao sắp lên về trung đoàn rồi!
Tôi chúc mừng anh được thăng cấp, lên chức. Thực ra tôi cũng chả quan tâm nhiều nữa đến những việc đã xảy ra trong chiến tranh. Mọi sự đã an bài. Tôi nghĩ thế. Bởi vì có những chuyện chả bao giờ phân định sai đúng một cách thật rõ ràng được đâu. Nếu nâng quan điểm lên thì là tôi sai rõ ràng. Sai ở chỗ là đã không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất theo điều lệnh chiến đấu của quân đội. Khi bọn địch tấn công tôi không chịu rút lui ngay theo lệnh của đại đội trưởng T. còn cố ở lại cùng số dân quân hỗ trợ dân chạy giặc dẫn đến đã làm thêm tổn thất cho bộ đội. Sai nữa là ở chỗ lấy ngô lúa, bắt cá của dân. Bây giờ bà con dân bản có bỏ qua thì cũng vẫn là vi phạm kỷ luật dân vận. Nên nếu thẩm tra rõ thì mình có khi mình lại nặng tội thêm.
Tiểu đoàn bắt đầu nhận chiến sĩ mới, bước vào huấn luyện. Tôi được cử làm giáo viên huấn luyện môn học vô tuyến cho trung đội thông tin tiểu đoàn. Một buổi sáng, tôi đang hướng dẫn bộ đội thực hành thao tác máy vô tuyến điện ngoài thao trường thì có lệnh về gặp chỉ huy tiểu đoàn gấp ngay.
Tôi hơi hoảng nghĩ: “Hay là trên họ điều tra ra những vi phạm của mình trong chiến đấu nên triệu lên để thi hành kỷ luật”. (Thời gian này ở hướng Lạng Sơn đã có chiến sĩ phải ra toà án binh vì đã dùng súng bắn một con bò của nhân dân lấy thịt ăn). Tuy vậy, tôi cũng tự động viên chắc chỉ là thuyên chuyển công tác bình thường thôi, chả có chuyện gì đâu.
Đến nhà chỉ huy của tiểu đoàn tôi đang ngó nghiêng xung quanh thì có tiếng gọi:
- Thằng Bảo đấy à! Vào đi!
Tôi bước vào nhà, Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh đang ngồi sau bàn làm việc. Thấy tôi vào, anh bảo tôi ngồi xuống ghế. Anh Doanh rót ca nước đưa cho tôi rồi hỏi:
- Chú mày vẫn khoẻ chứ?
- Vâng ạ! Thì vẫn thế thôi ạ... Anh chưa lên trung đoàn nhậm chức vụ mới ạ?
- Chưa! Mai tao mới đi... mà mày vẫn còn bất mãn vì chuyện không được thăng quân hàm và khen thưởng chứ?
Tôi ậm ừ:
- Em là hạ sĩ quan, chiến sĩ hết nghĩa vụ thì về phục viên theo con trâu đi cày, quân hàm, quân hiệu có là cái gì đâu mà bất mãn ạ?
- Nhưng cùng nhập ngũ với mày nhiều thằng sau chiến tranh được phong cấp uý, lên đến chức đại đội phó rồi đấy!
- Thì họ có số làm quan, số em chỉ làm lính tráng thôi anh ạ!
Anh Doanh mỉm cười:
- Mày cũng lý luận gớm nhỉ?
- Thì em chỉ nói thật thế thôi chứ lý luận gì đâu ạ!
Anh Doanh im lặng một lát rồi đột nhiên nói sang chuyện khác:
- Việc của mày coi như đã xong rồi…
Tôi thấy hơi lo:
- Tiểu đoàn đã cho người đi Táp Ná thẩm tra rồi ạ?
- Không… chả cần thẩm tra làm gì nữa?
- Sao lại thế ạ! - Tôi hỏi lại, giọng hơi run: - Vậy em phải hình thức kỷ luật thế nào ạ?
- Kỷ luật gì?
- Thế em cứ tưởng…
Anh Hoàng bật cười:
- Tưởng cái gì! Sao chưa chi mặt mũi mày tái mét đi thế, lính chiến mà lại thế à? Mày chả phải kỷ luật, kỷ liệc gì cả đâu, yên tâm đi.
- Vậy là tiểu đoàn phó T. đã nói lại việc của em rồi ạ?
Anh Hoàng ngần ngừ một lát rồi nói:
- Nói gì… ông ấy đã… đã… đào ngũ rồi!
Tôi vô cùng sửng sốt. Tưởng là tai mình nghe nhầm, tôi thảng thốt hỏi lại:
- Anh ấy là cán bộ tiểu đoàn cơ mà, có phải chiến sĩ đâu mà lại đào ngũ?
- Thế đấy! Ông ấy bỏ đơn vị về nhà đã mấy tháng nay rồi. Trung đoàn đã gọi điện, rồi cử cán bộ mấy lần về tận nhà động viên nhưng ông ấy vẫn không chịu trở lại đơn vị. Thế chả là đào ngũ thì là gì nữa?
Tôi vẫn không hiểu. Sao có chuyện tày trời thế. Tôi chỉ mới ở quân ngũ dăm năm. Trong chiến tranh chống Mỹ thì chả nói làm gì còn bây giờ sao lại có sĩ quan đào bỏ ngũ chứ. Hay là có chuyện gì đã xảy ra đối với anh T. Anh ấy vừa được bổ nhiệm lên chức vụ tiểu đoàn phó, lại chuyển về tuyến sau huấn luyện chiến sĩ mới mà lại đào ngũ thì vô lý quá. Hơn nữa bây giờ chiến tranh đã tạm thời kết thúc rồi làm gì còn nguy hiểm, ác liệt, chết chóc nữa mà phải bỏ ngũ. Tôi thấy hoang mang và băn khoăn về chuyện này quá. Tôi hỏi lại anh Doanh:
- Hay là hoàn cảnh gia đình anh ấy đang có vấn đề gì khó khăn hả anh?
- Chả có vấn đề gì đâu! Ông ấy bỏ ngũ thật đấy, trung đoàn đã thẩm tra, xác minh chuyện này rất kỹ rồi. Kết luận về hành động của một người sĩ quan, cán bộ trung cấp trong quân đội phải rất thận trọng, cân nhắc kỹ. Nhưng thôi việc này mày nghe biết thế nhé, không nên nói cho ai biết nữa. Chỉ huy trung đoàn đang nghĩ cách xử trí việc ông ấy bỏ ngũ. Có thể làm chế độ để cho ông ấy ấy về phục viên. Dù sao ông ấy cũng là một người lính tham gia quân đội từ thời chống Mỹ...
Tôi vẫn không thể tin việc anh T. đã bỏ ngũ là sự thật. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo:
- Ông ấy bỏ ngũ nên những việc ông ấy đã nói trong chiến đấu cũng cần phải xem xét lại. Chuyện ông ấy từng báo cáo về mày coi như là không thật chính xác. Vì thế chỉ huy tiểu đoàn mới gọi mày lên để thông báo là đã đề nghị cho mày về trường văn hóa của quân khu ôn thi vào đại học.
Tôi thở phào nhưng trong lòng không thấy nhẹ nhõm hơn chút nào. Tôi cứ bị ám ảnh mãi về việc anh T.- một sĩ quan trung cấp, một cán bộ tiểu đoàn mà lại đào ngũ. Thật chả còn hiểu ra làm sao. Thấy tôi lặng im suy nghĩ anh Doanh cũng im lặng. Chắc anh cũng đang trăn trở vì chuyện này. Một lát sau anh nói với tôi như nói với chính mình. Giọng anh chùng xuống vẻ xót xa: “Bản chất người lính chiến là thế! Sự hèn nhát không thể giấu kín mãi được đâu! Mày hiểu không?”.
Cũng phải đến mấy năm sau - lúc này tôi đã là học viên năm thứ 3 của Trường Sĩ quan Chính trị - một hôm được nghỉ tôi đạp xe tranh thủ về thăm nhà. Lúc đi qua thị trấn Phù Lỗ tôi chợt nhìn thấy một người đang thong thả đạp xe phía trước trông có vẻ quen quen. Ông ta vừa đạp xe vừa huýt sáo theo giai điệu bài hát "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới". Một bên ghi đông cái xe đạp tồng tộc của ông treo lủng lẳng cái thủ lợn và chiếc chân giò, bên kia treo xâu dồi lòng lợn. Tôi liền đạp rấn lên và nhận ra đó là đại đội trưởng T. Anh T. cũng nhận ngay ra tôi. Chúng tôi hỏi thăm nhau. Anh T. bảo tôi rẽ vào nhà anh chơi. Tôi liền đạp xe theo anh. Té ra anh mở quán bán cháo lòng tiết canh ở ngã ba Phù Lỗ, lối vào sân bay Nội Bài cũ. Anh đang đi chợ mua đồ về để làm hàng.
Tôi và anh ngồi nói chuyện với nhau khá lâu. Có lẽ anh T. không biết chuyện là tôi đã rõ cái việc anh tố cáo tôi trong buổi họp đảng uỷ tiểu đoàn sau chiến tranh năm nào nên anh nói chuyện với tôi rất tự nhiên, vô tư. Còn tôi thì chuyện cũ đã qua lâu rồi, cũng chả còn thấy bận tâm gì nữa. Tôi vui vẻ chén một loa cháo lòng nóng hổi anh bưng ra. Có lẽ đang đói nên tôi thấy loa cháo ấy thật là ngon…
(còn nữa) Hà Nội, 3-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét