Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 12

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 12
Ghi chép của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, mọi người đang đi bộ và ngoài trời

12-Tạm biệt Cao Bằng

Nhận được quyết định đi học tôi chuẩn bị lên đường. Đó là một ngày cuối tháng 8 năm 1979. Hôm trước ngày tôi về xuôi anh em trong tiểu đội vô tuyến điện cố tìm cách tổ chức một bữa liên hoan chia tay nhưng không thành. Không thể kiếm nổi một chút thực phẩm gì khác ngoài mớ rau thập cẩm cùng mấy quả cà chua xanh hái lượm được ở ngoài đồng. Tiểu đội phó Vũ Văn Tự cứ băn khoăn mãi. Tôi bảo: "Đừng bận tâm chuyện liên hoan làm gì. Mình được về xuôi ôn thi đại học là niềm vui hạnh phúc lắm rồi, anh em ở lại còn phải tiếp tục chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ, còn phải đối mặt với quân thù hằng ngày cơ mà?".
Chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau đến khuya. Anh em trong tiểu đội vô tuyến điện của tôi qua chiến tranh có mặt ở các hướng vô cùng ác liệt như chốt cây đa của Đại đội 11, chốt "tọa-độ-lửa" trước cửa ngõ Sóc Giang của Đại đội 10 vậy mà vẫn trở về đủ cả. Đó là niềm vui lớn nhất của tôi trước khi về xuôi. Đêm ấy, tôi thao thức mãi không sao ngủ được. Tôi nhớ đến những ngày chiến tranh ác liệt, gian khổ, nghĩ đến những vui buồn trong thời gian ở biên giới. Vậy là từ lúc chúng tôi hành quân lên chiếm lĩnh trận địa nơi tuyến trước đến khi rời biên cương về xuôi vừa đúng tròn một năm. Một năm đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ.
Buổi sáng, tôi chào tạm biệt anh em trong trung đội thông tin để lên đường. Mọi người lưu luyến tiễn tôi ra tận con đường trước cửa bưu điện thị trấn. Vậy là chào nhé Sóc Giang tôi lên đường. Tôi đi qua cái thị trấn đổ nát còn hằn sâu vết dấu của cuộc chiến tranh tàn khốc. Tôi cảm thấy chân mình như vẫn còn đang dẫm trên đất bỏng. Lúc qua chỗ bụi tre dưới chân điểm chốt của Đại đội 10, nơi trung úy Trần Xuân Tương và hạ sĩ Nguyễn Công Tâm hy sinh tôi dừng lại một lát. Tôi thầm chào các anh để về xuôi. Nhìn lên điểm cao 505 những bụi cây lá bắt đầu lên xanh trông như đồng đội đang vẫy tay. Tôi giơ tay chào lại rồi xốc ba lô lên đường. Trong chiếc ba lô nhẹ tênh trên vai chỉ còn một bộ quần áo cũ, một chiếc bi-đông và cuốn nhật ký là kỷ vật của chiến trường. Cái võng, cái tăng và các loại quân trang dùng chung khác tôi đã phải giao nộp lại đầy đủ cho quân nhu tiểu đoàn. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi rất muốn xin quân nhu tiểu đoàn cho tôi cái võng vải bạt cũ làm kỷ niệm nhưng không được vì nó là quân trang dùng chung ghi trong danh mục vật tư trang bị biên chế của đơn vị. Cái võng ấy đã theo tôi suốt những ngày lang thang thất lạc trên triền núi đá cao. Nó là chăn đắp khi giá rét, là chiếu trải khi nằm trong hốc đá ẩm ướt, là cái cáng thương binh khi hành quân. Cái võng lấm lem bụi đất thấm máu đồng đội ấy là quân trang dùng chung nên vẫn phải bàn giao lại. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi cứ nắm tay tôi mãi hẹn ngày gặp lại. Vậy mà tôi đã không gặp lại được anh. Phạm Hoa Mùi quê ở Yên Sơn, Tuyên Quang. Từ khi chia tay nhau ở Sóc Giang tôi không biết gì về anh nữa. Đến khoảng năm 2015 thì tôi nghe tin Phạm Hoa Mùi đã mất vì mắc bệnh hiểm nghèo.
Tôi khoác ba lô cuốc bộ xuôi hướng ngã ba Đôn Chương. Dọc đường tôi gặp những đoàn chiến sĩ mới từ phía sau đang hành quân lên biên giới. Nhìn những khuôn mặt trẻ măng đang hăm hở đi lên tuyến trước tôi chợt thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn xa vắng. Bao giờ đất nước mình hết chiến chinh để những chàng trai trẻ tràn đầy sức sống thế kia không còn phải cầm cây súng trận nữa. Những người con của bao bà mẹ trên khắp đất này sẽ không còn phải ngã xuống nữa. Tôi chợt thấy lạnh người khi nghĩ cả đoàn quân trai tráng, ồn ào kia nếu chiến tranh lại xảy ra thì chỉ sau vài trận nhiều người sẽ chỉ còn là những nấm mồ lẫn vào cỏ cây nơi biên ải. Giá như đất nước mình hoà bình thì những chàng trai này sẽ là những sinh viên, những công nhân, trí thức trên công trường, nhà máy thì hay quá. Đất nước hoà bình sẽ phát triển, không phải nghèo, phải khổ mãi. Hôm qua bưng bát lên thấy cơm của người lính tuyến trước đã phải độn nhiều ngô sắn hơn rồi. Chiến tranh sẽ bòn rút hết tài nguyên, tiềm lực, làm xói mòn kiệt quệ kinh tế của đất nước, sẽ quàng cái ách nghèo, đói lên đầu lên cổ nhân dân.
Đến lối rẽ vào Pác Bó thì tôi đi nhờ được một chiếc xe vận tải chở vật liệu xây dựng lên biên giới cho bộ đội làm công sự. Đến gần Nà Giàng nơi trung đoàn bộ đóng quân tôi ghé một nhà dân ven đường nấu cơm nhờ. Buổi chiều tôi mới phải có mặt tại trung đoàn bộ. Chị chủ nhà nhìn tôi hỏi:
- Chú là lính cũ à?
- Vâng đúng thế ạ!
- Thảo nào nhìn mặt mũi hốc hác nhưng nhanh nhẹn lắm!
- Thế ạ?
- Thì chỉ có lính cũ nên chú mới thông thạo việc nấu nướng thế chứ!
Chị cho tôi một ít mỡ lợn, quả đu đủ xanh và nắm rau cải mới nhổ trên nương để làm thức ăn. Nấu cơm ăn xong tôi vào trung đoàn bộ thì đã đến giờ làm việc buổi chiều.
Trong đoàn các chiến sĩ về xuôi có nhiều người được cử đi đào tạo tại các trường sĩ quan. Tôi và mấy anh em nữa về trường văn hoá của quân khu. Chúng tôi sẽ ôn tập để thi vào các trường đại học. Nghĩ đến lúc được ra quân trở thành một sinh viên tôi lại thấy nao nao trong lòng. Khi còn đi học phổ thông tôi vẫn luôn ước mơ thi vào khoa văn của trường đại học tổng hợp Hà Nội. Nhưng sau cuộc chiến tranh biên giới này tôi lại muốn thi vào trường đại học nông nghiệp. Tôi muốn mình thành một kỹ sư trồng lúa. Tôi nghĩ đến đồng bào nơi biên giới thiếu đói quanh năm mà khi chiến tranh xảy ra vẫn giành gạo ngô tiếp tế cho bộ đội. Tôi nhớ đến cái đói run người những lần leo dốc hành quân. Cái đói khiến bao người lính gục ngã nơi chân dốc núi trong những trận đánh không cân sức. Cái đói, cái khát đã giết chết mấy chục cán bộ, chiến sĩ trong hang sâu khi họ bị bọn giặc bành trướng đánh sập cửa hang. Tôi chợt nhớ đến Nguyễn Văn Đam, một người bạn cùng quê luôn luôn ôm giấc mơ học hành mà nay đã trở thành mây khói ở nơi biên ải này.
Đoàn chúng tôi hành quân về sư đoàn bộ lúc này đang ở Bế Triều, Hòa An. Sau khi hoàn thiện các loại thủ tục giấy tờ chúng tôi tiếp tục cuốc bộ ra thị xã Cao Bằng tìm cách mua vé xe khách đi Thái Nguyên. Ngày ấy đi lại thật khó khăn. Chúng tôi vạ vật cả ngày ở bến xe mà không mua được vé xuôi Thái Nguyên.
Đang loanh quanh ở khu bến xe thì bất ngờ tôi gặp thiếu úy Nguyễn Quốc Hoàn, đại đội phó Đại đội 11, Tiểu đoàn 3. Anh Hoàn rất mừng khi biết tôi được cử về xuôi ôn thi đại học. Anh đang đi tập huấn tranh thủ về thăm nhà. Anh Hoàn rủ tôi về nhà mình chơi. Nhà anh ở ngoài ven thị xã Cao Bằng. Gia đình anh gốc gác quê Thái Bình lên đây định cư đã lâu. Tôi theo anh Hoàn về nhà. Vừa đi chúng tôi vừa vui vẻ nói chuyện, nhắc lại những kỷ niệm trong chiến tranh. Tôi nhớ hôm rút lui lên Lũng Vỉ gặp bộ phận của Đại đội 11. Nhìn thấy đại đội phó Hoàn đầu quấn băng kín vẫn đi lại nhanh nhẹn bình thường, tôi hỏi:
- Anh bị thương nặng không mà băng bó kín cả đầu trông ghê chết như thế?
Anh Hoàn bảo:
- Nặng quái gì đâu! Sướt da vớ vẩn ấy mà!
- Sao vậy?
- Tao đang chỉ huy chiến đấu ở chốt cây đa thứ nhất thì thấy bỏng rát bên má trái, máu chảy ròng ròng. Sờ tay lên thấy bay đâu mất mẹ nó một mẩu tai phải rồi. Mẹ kiếp, thằng giặc chỉ cần nhích mũi súng sang bên trái vài li thì viên đạn cắm thẳng vào giữa mặt tao rồi. Mấy thằng thấy mặt mũi tao be bét máu nên băng bó ngang dọc thế này chứ tao có bị gì nặng đâu.
Tôi bảo:
- Anh đừng chủ quan. Nó mà nhiễm trùng thì khốn…
- Đúng… đúng… nhưng nguy quá rồi mày ơi!
- Sao thế?
- Thì… sau trận này vác cái tai cụt về khéo người yêu tao nó bỏ chạy luôn một mạch mất mày ạ!
Tôi bảo anh:
- Không việc gì đâu anh ạ! Sau chiến tranh vào bệnh viện họ lắp cho một cái tai giả. Tai vẫn vẫy được, vẫn đẹp trai như thường…
- Mày chỉ được cái khéo động viên!
Tôi hỏi tiếp:
- Anh em đại đội 11 thế nào hả anh?
Đang tếu táo, anh Hoàn sầm ngay mặt lại ngậm ngùi:
- Gần như toàn bộ cả hai ban chỉ huy đại đội đều hy sinh cả rồi.
- Sao lại những hai ban chỉ huy?
- Thì mày tính, chiến đấu được hai ngày ban chỉ huy đại đội hy sinh gần hết. Chính trị viên Dương Đình Hà và trung úy Nguyễn Văn Lượng, học viên Trường sĩ quan Chính trị về thực tế đều hi sinh, các đại đội phó Diệp Văn Năm, chính trị viên phó Nguyễn Mộng Lân chết ở chốt cây đa thứ nhất. Dự kiến đề nghị đưa thằng Ngọc trung đội trưởng lên làm đại đội phó thì nó cũng hy sinh luôn. Còn mỗi tao sống sót thì lại bị cụt mẹ nó mất một tai, thật chả ra làm sao...
- Thế còn anh T. đại đội trưởng đâu?
- À… à… ông ấy á! Bom nguyên tử có ném trúng cũng chả việc gì!
- Tại sao vậy?
- Thì… ông ấy cứ ở lì trong hang đá thì việc quái gì chứ?
Thiếu uý Hoàn trả lời một cách quấy quá rồi lừ lừ đi mất. Anh Hoàn là một lính chiến ở mặt trận phía Tây Nam. Thành tích chiến đấu của anh khá dày dặn. Anh là một người chỉ huy gan lỳ. Hầu như suốt thời gian đại đội 11 chống chọi với các đợt tấn công ác liệt của địch, anh luôn luôn có mặt ở chốt cây đa thứ nhất chỉ huy bộ đội và trực tiếp bẻ gãy các đợt tấn công liên tiếp của chúng. Trong khi đó thì đại đội trưởng T. chui trong hang đá để tránh pháo rồi chỉ huy bằng điện thoại và qua liên lạc truyền đạt. Mệnh lệnh lúc tới được các trung đội, lúc thì không và chả đúng tý gì với tình huống chiến sự đang xảy ra. Đại đội 11 nếu không có một người chỉ huy như anh Hoàn thì bị mất trận địa ngay từ ngày đầu tiên bọn Trung Quốc tràn sang đông như kiến cỏ.
Bà mẹ anh Hoàn rất vui khi thấy hai chúng tôi về. Bà vội vã làm cơm. Suốt bữa bà cứ ngồi nhìn hai chúng tôi ăn. Cuộc chiến tranh vừa qua thật là khủng khiếp đối với một người như bà. Bà phải chạy vào trong rừng rồi về tận Bắc Cạn mà lòng như lửa đốt lo lắng cho con ở tuyến trước. Ăn cơm xong trời đã sẩm tối, tôi chào mẹ con anh Hoàn để ra bến xe. Chúng tôi sẽ chia nhau bám trụ ở bến xếp hàng cả đêm để chờ mua vé xe khách và ra đường quốc lộ xem có cái xe tải quân sự nào chạy về xuôi để đi nhờ. Kể từ lần ấy đã bốn mươi năm rồi tôi không gặp lại anh Hoàn lần nào nữa.
Về đến Trường Văn hóa Quân khu 1 tôi được biên chế về Đại đội 4 chuyên ôn thi vào đại học. Tại trường tôi gặp nhiều anh em ở các đơn vị chiến đấu cũng về đây học tập. Ở trường văn hóa có nhiều thầy dạy rất giỏi, có kinh nghiệm bồi dưỡng thi đại học. Tôi hi vọng mình sẽ thi đỗ vào đại học nông nghiệp như mong muốn. Nhưng rồi cuộc đời chiến sĩ không định trước. Chuẩn bị đến kỳ thi đại học thì tôi lại được cử về học tại Trường Sĩ quan Chính trị tại Bắc Ninh. Thời gian sau Nguyễn Xuân Hòa, thống kê chính trị và Cao Thành Văn, trợ lý quân khí Tiểu đoàn 3 cũng từ Cao Bằng về học tập tại Trường Sĩ quan Chính trị. Mỗi lần gặp nhau chúng tôi đều ôn lại những ngày chiến đấu gian khổ ở biên cương phía Bắc 2-1979. Tôi và Nguyễn Xuân Hòa hay cùng nhắc nhớ về một kỷ niệm ở Lũng Mật ngay sau khi Tiểu đoàn 3 đã rút lui lên núi. Hôm đó, chúng tôi vừa xuống Lũng Mật để lấy nước và lương thực thì bị bọn địch tập kích bất ngờ. Sương mù chưa tan hẳn thì tiếng súng nổ chát chúa khắp Lũng Mật. Đó là tiếng súng 12ly7 và tiếng đạn cối 60. Thung lũng mù mịt lửa khói. Tiếng kêu hoảng loạn của nhiều người dân trong bản vang lên. Chúng tôi vội vớ lấy súng đạn nhưng chưa biết quân địch ở phía nào mà bắn. Mọi người phải nằm ép người vào các mô đá, khe hốc núi để tránh đạn.
Khi xác định được hướng bắn của bọn địch chúng tôi càng lo lắng, sợ hãi. Bọn địch đã vác được súng 12ly7, đại liên và cối 60 lên một mỏm núi cheo leo dốc đứng ở đầu Lũng Mật. Từ đây chúng có thể khống chế toàn bộ thung lũng. Bọn này chắc chắn phải là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của quân địch. Chúng chính là bọn lính sơn cước. Bọn này leo vách núi rất giỏi giống như một lũ tắc kè, kỳ nhông hoang dã trên núi.
Chúng tôi vội ép người sau các mô đá chống trả quân địch. Nhưng có nhiều người nấp sau mô đá vẫn bị trúng đạn của bọn địch đang ở trên cao. Những viên đạn bắn tỉa của chúng xỉa xuống khá chính xác. Chúng tôi được lệnh nhanh chóng vượt qua đoạn dốc giống như dây diều căng trên sườn núi để rút sang hướng Lũng Vài, Lũng Vỉ. Đoạn đường rất dốc và trống trải. Nếu không khống chế được hoả lực địch trên mỏm núi đầu Lũng Mật thì đội hình chúng tôi leo lên dốc sẽ làm những tấm bia sống cho bọn giặc thử súng.
Khi Đại đội 12 tổ chức được hỏa lực 12ly7 bắn trả, khống chế quân địch thì chúng tôi nhanh chóng vượt qua con dốc dây diều rút sang thung lũng bên cạnh. Chúng tôi chạy gằn trên đoạn dốc trống trải, vừa chạy vừa tránh đạn địch. Đó đúng là một cuộc chạy đua với cái chết thực sự. Cứ chạy một đoạn chúng tôi lại phải nằm sấp xuống mặt đường tránh đạn. Đạn địch vẫn bắn xối xả, khói bụi mù mịt, lá cây rừng ven con đường mòn rụng xuống tơi tả. Có những người bị trúng đạn chới với ngã gục xuống mặt đường hoặc lăn nhào xuống sườn núi.
Tôi đeo ba lô, xách súng chạy ngược lên dốc. Linh tính hay là sự may mắn đã giúp tôi thoát khỏi những loạt đạn bắn đuổi của bọn địch. Cứ chạy được một đoạn tôi lại lao người nằm úp xuống đường. Khi tôi vừa đổ người nằm ép xuống mặt đường thì đạn địch lại bắn chiu chíu ngay sát trên lưng, lá cây bên phía vách núi rụng xuống lả tả. Thật may, lần nào tôi cũng thoát cả. Thằng Hòa, thống kê chính trị tiểu đoàn chạy phía trước tôi. Nó lao lên nấp được sau một mô đá to khá an toàn.
Nhìn thấy tôi lúc chạy gằn, lúc nằm bẹp xuống mặt đường để tránh đạn thằng Hòa bèn gọi to:
- Bảo ơi! Cứ bình tĩnh mà chạy lên đây nhé. Tao sẽ yểm hộ cho…
Nó cầm khẩu M79 giơ giơ lên như để động viên tôi. Nghe nó gọi tôi vừa ngước lên nhìn thì bỗng "oành" một tiếng. Quả đạn cối 60 nổ trên vách núi ngay trên đầu dốc chỗ thằng Hoà đang nấp. Mảnh đá vụn văng rào rào, khói bụi mù mịt, lá cây bay tả tơi. Tôi hốt hoảng nghĩ: “Thôi chết. Không khéo thằng này tan tành thành từng mảnh mất rồi!”. Lợi dụng khi đạn địch vừa ngớt, tôi lại nhỏm ngay dậy lao lên. Khi tôi chưa kịp đổ người nằm xuống thì một quả cối 60 và một loạt đạn địch bắn trùm lên cả đoạn đường. Tôi bị hất văng vào vách đá. Tôi cố gượng lật người nằm úp xuống mặt đường, thu thân hình nhỏ nhất để tránh đạn bắn tỉa của bọn địch. Chợt thấy bụng mình ướt sũng tôi hoảng quá nghĩ: "Mình bị thương rồi! Nhưng tại sao lại không thấy đau và choáng nhỉ?". Tôi vội thò tay xuống bụng rồi đưa lên nhìn thấy bàn tay đỏ quạch. Không phải là máu mà là màu đất đỏ trên mặt đường. Hóa ra một viên đạn đã bắn trúng thủng cái bi-đông trong cóc ba lô, nước chảy ra ướt sũng áo khiến tôi tưởng là máu.
Lúc vượt lên tới đỉnh dốc, lăn được sang phía bên kia sườn núi, khuất hẳn tầm bắn của bọn địch thì tôi gặp thằng Hòa. Nó đang ngồi thu lu trong một hốc đá ngay sát bên lối đi. Thấy nó không bị sây sát gì tôi mừng lắm. Nó cũng rất mừng khi thấy tôi thoát lên được. Tôi bảo nó:
- Chờ mày yểm hộ thì tao toi mạng từ tám hoánh nào rồi?
Nó cười hề hề tuy mặt thì vẫn còn tái đi:
- Nói thế để cho mày yên tâm. Khẩu M79 của tao chỉ còn mỗi một viên đạn thì yểm hộ cái cóc khô gì được nữa chứ?
Tôi ngồi phịch xuống cạnh nó. Tôi vừa thở dốc vì mệt vừa nói:
- Thảo nào nó mới choang cho một quả cối cách xa đến cả trăm mét mà mày đã chuồn nhanh thế!
- Hì… suýt nữa thì tao tan xác vì quả cối ấy đấy! Mà này, mày đói chưa?
- Từ sáng đến giờ nó choảng cho tối mắt, tối mũi, đã kiếm được cái gì cho vào bụng đâu?
Thằng Hòa lục cóc ba lô lôi ra nửa con gà luộc. Nó xé đưa cho tôi cái đùi gà và bảo:
- Hôm qua xuống bản, bà con cho đấy! Mày ăn đi cho đỡ đói.
Hai thằng vừa lau mặt vừa ăn. Thịt gà ăn vã, không muối, nhạt bã ra trong miệng. Khi cùng về học tại Trường Sĩ quan Chính trị, mỗi lần gặp nhau tôi và Hòa lại nhắc đến kỷ niệm của lần suýt chết ở Lũng Mật sáng hôm ấy và càng xót thương cho biết bao đồng đội cùng lên biên cương nhưng không có ngày trở về như chúng tôi. Một thời gian sau, tôi liên lạc được với anh Hoàng Quốc Doanh, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3 nhờ có một học viên lớp sau là người cùng quê Văn Khúc, Cẩm Khê, Phú Thọ với anh. Nghe anh Doanh nói tôi đang học ở Trường Sĩ quan Chính trị cậu học viên này đã tìm tôi. Mãi đến năm 2014, trong một lần gặp mặt các cựu chiến binh Trung đoàn 246 tôi mới gặp lại anh Bùi Thế Thọ, nguyên trợ lý tham mưu của Tiểu đoàn 3. Anh Thọ lên đến chức trung đoàn trưởng và đã nghỉ hưu.
Bốn mươi năm đã qua, không biết những ai còn, ai mất? Nhưng chắc chắn những người còn sống chúng tôi sẽ không bao giờ quên những ngày gian khổ chiến đấu ở biên cương phía Bắc mùa xuân năm ấy...
(Hết) Hà Nội, 3-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét