Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Truyện ngắn vui BÌNH TĨNH ÔNG GIÁO ƠI

BÌNH TĨNH ÔNG GIÁO ƠI
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo
Không có mô tả ảnh.
Do dịch cúm corona nên làng năm nay tạm dừng lễ hội. Ông Tô và lão Cốc được mời cùng các bô lão trong làng ra đình thắp hương bái tạ thành hoàng. Câu lạc bộ thơ ca của làng cũng tạm dừng sinh hoạt. Cụ nào sáng tác được bài thơ nào thì ra nhà văn hóa đọc lên loa truyền thanh để cả làng cùng thưởng thức. Thế lại hóa hay. Cả làng phút chốc đều biến thành các nhà thơ và các nhà phê bình thơ?
Ông Tô và lão Cốc lâu không gặp nhau vì cũng sợ tụ tập đồng người vi phạm quy định của làng thời ôn dịch và cũng còn phải quản lý đàn cháu nghỉ học ở nhà. Hôm nay gặp nhau ở đình làng, ông Tô hỏi:
- Tình hình dịch bệnh thế này sao không thấy ông sáng tác bài thơ nào đọc trên đài truyền thanh của làng ta thế?
- Sáng tác làm sao được hả ông? Bốn thằng cháu nó đùa ầm ầm, phá phách, lục tung cả nhà lên, suốt ngày phải quát tháo chúng nó thì còn thi hứng nào nữa mà sáng với chả tác. Con gái út lấy chồng trên thành phố hôm qua gọi điện về trên ấy cũng đã “mắc dịch” rồi, khả năng đưa hai thằng cháu ngoại về quê “lánh nạn”. Thế là sáu đứa cả thảy đấy ông ạ!
- Tôi xem ti vi thấy Hà Nội hôm qua đổ xô đi mua gạo, thực phẩm, mì tôm, giấy vệ sinh dự trữ. Có ông mua liền một lúc cả chục thùng mì tôm đấy!
Lão Cốc bảo:
- Cái tâm lý sợ hết lương thực khi dịch bệnh xảy ra nên mới như thế đấy!
Ông Tô băn khoăn:
- Ngày xưa chiến tranh cũng không đến nỗi thế ông ạ!
Lão Cốc gật đầu:
- Đúng là thời chiến tranh máy bay bom đạn đầy trời cũng không đến nỗi hoang mang tích lũy lương thảo như thế này ông ạ?
Ông Tô bật cười:
- Ngày ấy thì làm gì có siêu thị đầy hàng hóa, lương thực thực phẩm dồi dào đầy chợ như bây giờ mà đi mua tích trữ chứ?
Lão Cốc cũng ngạc nhiên:
- Chiến tranh bom đạn, thiếu đói, lương thục thực phẩm không có nhiều nên không thể tích trữ còn bây giờ lương thực, hàng hóa đầy ứ, siêu thị, chợ búa khắp nơi thế này thì còn lo tích trữ làm gì chứ?
Ông Tô gật đầu bảo:
- Cái tâm lý mất bình tĩnh khi có tình huống xảy ra nên mới hoảng lên như thế đấy ông ạ!
Lão Cốc nói thêm:
- Vì thế phải bình tĩnh ông giáo ạ! Bình tĩnh và sáng suốt, đừng bị tâm lý đám đông chi phối. Đừng chủ quan nhưng cũng đừng nên quá cực đoan, máy móc. Chuyện chủ quan đi nước ngoài chơi bời qua vùng dịch rồi đem virrus bệnh tật về Việt Nam là rất đáng chê trách. Thế mà còn đi hội họp, ăn nhậu đánh gôn làm lây nhiễm, cách ly khắp nơi nữa chứ. Nhưng chuyện vội vàng hoảng hốt tranh nhau mua khẩu trang, mua lương thực, thực phẩm chỉ làm rối loạn thị trường gây thêm khó khăn cho điều hành của chính phủ. Rồi chuyện xử lý anh giáo bán 20 cái khẩu trang, lãi được hơn 8000 đồng lại càng không nên...
Ông Tô nói tiếp:
- Rồi chuyện tỉnh gì đó ở miền Trung cho học sinh nghỉ học luôn 1000 năm nữa, đến tận năm 3020, có lẽ cũng là do virus Covid-19 nó làm cho hoảng lên mất bình tĩnh à?
Lão Cốc cười to:
- Đấy lại là một loại virus khác nó đã nhiễm vào cán bộ ta từ rất lâu rồi. Đó là con “virus quan liêu” đấy ông ạ! Nhưng con virus này nó khôn lắm, khi bị người ta truy trách nhiệm thì nó đổ luôn là lỗi tại con “virus đánh máy” đấy... he... he...
Ông Tô gật gật đầu vẻ đồng tình. Lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ vừa đeo cái khẩu trang vừa nói với ông Tô:
- Nói chuyện với ông khiến tôi vừa nghĩ ra một “tứ thơ” mới. Tôi phải về để sáng tác ngay đây. Lúc nào làm xong bài thơ mới này tôi sẽ sang chơi đọc cho ông nghe nhé?
Nói xong, lão Cốc quảy quả đi ngay. Ông Tô nhìn theo Lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ tự dưng thấy trong lòng có phần tĩnh tâm hơn. Mọi thông tin, sự xáo động ngoài thiên hạ khi về đến làng bỗng trở nên lắng xuống, bình tĩnh hơn.
Hà Nội, ngày 9-3-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét