Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

Truyện ngắn vui PHẢN BIỆN- PHẢN PHẢN BIỆN

      PHẢN BIỆN- PHẢN PHẢN BIỆN

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Ngày nghỉ, tôi về làng. Sau khi ghép xong giò phong lan tôi sang nhà ông Tô chơi. Từ ngoài ngõ tôi đã nghe thấy trong nhà ông Tô có tiếng người nói khá to, ồn ào. Tôi bước vào cổng. Bất ngờ tôi gặp cả lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ cũng đang ở đây. Hóa ra chỉ có hai ông mà nói chuyện tranh luận rôm rả quá. Tôi chào hai vị “già làng” và hỏi:
- Hai cụ có chuyện gì mà tranh luận sôi nổi thế ạ?
- Chúng tôi đang trao đổi với nhau về câu chuyện “phản biện và phản phản biện” ấy mà!
Ông Tô vừa cười đáp vừa rót nước mời tôi. Lão Cốc thì có vẻ bức xúc hơn tiếp lời:
- Đấy không phải chỉ là “phản phản biện” mà là sự né tránh khuyết điểm, phủi bỏ trách nhiệm đấy…
- Chuyện cụ thể thế nào ạ?
Tôi tò mò hỏi tiếp. Ông Tô chậm rãi nói:
- Thì đấy! Đợt lũ lụt ở miền Trung vừa rồi gây ra bao nhiêu thiệt hại về người, về tài sản của nhân dân… Khi dư luận sôi nổi “phản biện” nêu lên nguyên nhân là do tàn phá rừng, làm quá nhiều thủy điện nhỏ, ngăn sông xẻ núi tàn phá môi trường làm biến đổi khí hậu gây nên thiên tai. Nhưng ngay sau đó liền xuất hiện một loạt bài “phản phản biện” phát trên đài và ti-vi cho rằng nguyên nhân lũ lụt không phải là do phá rừng, do làm thủy điện nhỏ, mà do tự nhiên nó sinh ra thế. Mà toàn là ý kiến “phản phản biện” của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tiếng tăm đấy nhé…
Lão Cốc tiếp lời:
- Họ còn dẫn chứng từ năm xa xưa cho đến những năm 1969, năm 1971 rừng còn phủ kín cả nước mà vẫn bị lũ lụt rất lớn, vẫn trôi mất nhà và chết hàng trăm người đấy. Rồi họ dẫn chứng thêm chuyện một ông cựu chiến binh kể về năm xưa đi chiến đấu ở Trường Sơn rừng già mênh mông như thế mà vẫn tự dưng lở núi khiến có nhiều chiến sĩ bị vùi lấp. Thế nên lũ lụt sạt lở đất hiện nay nhất định không phải nguyên nhân chủ yếu là do phá rừng và làm thủy điện nhỏ…
Ông Tô nói thêm:
- Họ nói như vậy ngầm ý là vẫn sẽ tiếp tục được phá rừng và làm thủy điện nhỏ đấy mà! Có lẽ vì thế nên ở huyện Tây Sơn, Bình Định, khi họp xem xét kỷ luật có 100% phiếu kiến nghị... không xử lý kỷ luật đối với cán bộ kiểm lâm địa bàn để mất rừng đấy.
Lão Cốc nghi ngờ:
- Tôi nghi ngờ rằng những ý kiến “phản phản biện” này có khi là vì lợi ích nhóm ông ạ!
Ông Tô vốn thận trọng liền gạt đi:
- Mình không biết rõ thế nào thì không nên võ đoán như thế!
Nói đoạn, ông Tô quay sang hỏi tôi:
- Ý kiến của nhà báo về chuyện này thế nào?
Tôi không muốn sa vào chuyện “phản biện- phản phản biện” rất rắc rối như mớ bòng bong thế này liền tìm cách thoái thác. Tôi nói:
- Chắc là cũng giống như chuyện “phê bình và phản phê bình” thôi hai cụ ạ!
- Chuyện ấy như thế nào?
Ông Tô và lão Cốc cùng hỏi. Tôi kể cho hai cụ nghe lại một chuyện đã viết và đăng báo trước đây như sau:
“Cơ quan nọ tổ chức đợt phê bình, tự phê bình, sếp liền cho gọi một số người hay có ý kiến lên bảo:
- Sắp tới, cơ quan ta sẽ tiến hành phê bình, tự phê bình nghiêm khắc, yêu cầu cứ thẳng thắn đóng góp, chỉ ra cho lãnh đạo những tồn tại, khuyết điểm để sửa chữa. Các đồng chí là người được phân công sẽ phát biểu ý kiến phê bình tôi. Xin các đồng chí nêu lên những ý kiến của mình cho tôi biết trước để còn chuẩn bị câu trả lời trước công luận!
Mọi người ồn ào phấn khởi khi thấy sếp cầu thị. Một anh xin hỏi:
- Thế tôi phê bình việc sếp đã có "tình cảm và hành động" quá thân mật với... vợ tôi. Như vậy có được không ạ?
Sếp giật nảy mình hốt hoảng:
- Ai... ai... cho phép cậu vu khống lãnh đạo như thế hả?
- Thì vợ tôi là thư ký của sếp. Một lần đến tìm cô ấy, tôi thấy sếp đang vuốt má, xoa lưng vợ tôi rất thân mật, dịu dàng...
- Thôi... thôi... việc này cứ tạm dừng lại đã! Mà sao cậu cứ hay bới móc những chuyện linh tinh thế nhỉ? Phê bình như thế là rất không có lợi cho phẩm chất của lãnh đạo, gây dư luận không hay trong cơ quan ta!
Một cô có ý kiến:
- Tôi làm việc ở phòng tài chính, nhiều lần thủ trưởng lệnh cho tôi quyết toán số tiền chi mua quà tặng cấp trên, quà biếu thanh tra, chi cho thủ trưởng khi đi công tác ăn nghỉ ở khách sạn loại sang, đi "đặc sản"... rồi tìm cách lẩn khoản đưa vào chỗ tổn thất do thiên tai, bão lụt gây nên... Việc này đưa ra phê bình thủ trưởng có được không ạ?
Sếp tái mặt vội xua xua tay:
- Không... không được! Phê bình như vậy thì chỉ tổ làm giảm uy tín của lãnh đạo thôi, không đem lại kết quả gì cả!
Một anh vốn hay xun xoe nịnh bợ cấp trên xin phát biểu:
- Thế tôi xin phê bình thủ trưởng quá cứng nhắc, máy móc trong công tác… - Sếp thấy hơi lo lo thì anh này nói tiếp: …- mấy lần tổng kết cuối năm khi anh em cơ quan có ý bình bầu thủ trưởng đề nghị cấp trên khen thưởng, thủ trưởng đều không nhận... Phê thế có được không ạ?
Một anh khác hùa theo:
- Tôi thì nhất định sẽ phải phê bình thật nghiêm khắc thủ trưởng hay làm việc quá giờ, ăn uống thất thường, sức khỏe sẽ giảm sút, ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác của cơ quan ta?
Sếp hể hả gật đầu lia lịa:
- Được... được! Tốt quá. Hai cậu phê bình như thế là rất thẳng thắn, rất chân thành và đúng định hướng. Có như vậy thì lãnh đạo mới dễ tiếp thu, sửa chữa... Phê bình nghiêm khắc như thế mới đúng là thể hiện tinh thần xây dựng cao, giúp cho người có khuyết điểm sửa chữa, tiến bộ chứ?
Buổi hội ý nhanh với các các cán bộ trước cuộc họp phê bình góp ý cho lãnh đạo kết thúc. Khi các cán bộ ra về rồi ông sếp nọ vẫn ngồi thừ trong phòng lạnh. Ông suy nghĩ rồi nghiến răng lẩm bẩm: “Chúng mày cứ giỏi phê bình đi. Sau đợt phê bình này ông sẽ dùng ngay đòn “phản phê bình” để trị chúng mày cho trắng mắt ra…”.
Vừa kể xong câu chuyện thì tôi có điện thoại. Mụ vợ gọi về ngay để kịp giờ đi ăn cưới. Về quê những ngày cuối năm chủ yếu là đi ăn cưới. Gần 9 giờ sáng, hoặc 3 giờ chiều đã phải vào mâm, một ngày chạy có khi hai đám liền. Đến cho có mặt chứ chả ăn được gì giữa buổi như thế. Nhưng nhờ có cú điện thoại mà tôi có lý do để rút lui khỏi cuộc tranh luận của hai vị lão làng. Tiễn tôi ra cổng lão Cốc còn dặn với theo:
- Đến đám cưới bỏ phong bì vào hòm phiếu rồi về đây ngay tiếp tục câu chuyện nhé!
Hà Nội, ngày 7-12-2020
Không có mô tả ảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét