Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

CÁC BẠN THÂN MẾN!

     CÁC BẠN THÂN MẾN!

Tình cờ đúng dịp Kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-2020), nhóm Hồi ức lính chiến đã đưa lên trang You Tube toàn bộ nội dung tiểu thuyết TRONG VÒNG LỬA của tôi. Chỉ sau một tuần đã có đến hơn hai trăm ngàn người truy cập và hàng ngàn ý kiến bày tỏ tình cảm trân trọng về những người lính đã chiến đấu hy sinh để bảo vệ biên giới phía Bắc 2-1979. Mời các bạn vào You Tube để nghe đọc truyện. Dưới đây là phần tôi trả lời chung cho các bạn theo dõi Trong vòng lửa trên YouTu be:
Tiểu thuyết “Trong vòng lửa” (sau này đổi tên là Cơn lũ đen), viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2-1979, cụ thể là viết về hướng xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Khi cuộc chiến tranh nổ ra, bọn xâm lược Trung Quốc như một “cơn lũ đen” vô cùng tàn khốc tràn qua biên giới sang tàn phá nước ta. Lúc ấy, tôi đang là tiểu đội trưởng, Tiểu đội thông tin vô tuyến điện của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 phòng ngự tại khu vực xã Sóc Hà và thị trấn Sóc Giang. Hơn 3 giờ sáng ngày 17-2-1979 khi bọn địch nổ súng tấn công thì tôi đang ở bản Cốc Vường, cách cửa khẩu Bình Mãng hơn 500 mét.
Tiểu đoàn 3 chúng tôi đã chiến đấu bảo vệ các trận địa chốt ở cửa khẩu Bình Mãng và thị trấn Sóc Giang. Ngày 20-2-1979, Tiểu đoàn 3 bị quân Trung Quốc bao vây ở thị trấn Sóc Giang. Lửa đạn quân địch đã biến thị trấn Sóc Giang thành một biển lửa. Chúng tôi đã gọi Sóc Giang là “Tọa - độ - lửa”, và cuốn sách của tôi khi mới viết đặt tên là “Trong vòng lửa” có ý nghĩa như vậy. Riêng trong trận đánh ngày 20-2 năm ấy tại “tọa độ lửa Sóc Giang”, tiểu đoàn 3 đã tiêu diệt 8 xe tăng, hơn 500 tên Trung Quốc xâm lược. Diễn biến cuộc chiến đấu của Tiểu đoàn 3 anh hùng tại Cao Bằng như trong truyện các bạn đã đọc. Tôi còn nhớ như in cái đêm vượt vòng vây quân địch trùng trùng điệp điệp ở huyện Thông Nông, bộ phận của tôi bị địch “cắt đuôi”. Sáng hôm sau nhìn lại xung quanh mình chỉ còn vài ba chiến sĩ tả tơi, súng thì hết đạn, ba-lô lép kẹp không còn một chút lương thực nào, anh em thì có cả người bị thương băng kín cả đầu. Mà cái vòng băng trên đầu cũng bẩn thỉu, lấm đen bùn đất. Sao lúc ấy tôi cảm thấy bơ vơ và bi quan đến thế. Vậy mà chúng tôi vẫn sống và chiến đấu trong vòng vây quân giặc cho đến ngày chúng phải rút chạy khỏi đất nước ta.
Sau chiến tranh, tôi về xuôi đi học rồi trở lại biên giới Lạng Sơn làm cán bộ đại đội, sau đó làm báo, viết văn, hiện đang làm việc tại Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Các nhân vật trong truyện tôi xin được nói cụ thể như sau: Anh Hoàng, Chính trị viên Tiểu đoàn 3 tên thật là Hoàng Quốc Doanh, hiện anh là Đại tá về hưu, quê ở Cẩm Khê, Phú Thọ. Anh Doanh sau chiến tranh 2-1979 được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng. Khi anh Doanh là trung đoàn trưởng Trung đoàn 677, Sư đoàn 346 thì Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch lúc ấy là Phó chủ nhiệm chính trị của Trung đoàn 677. Mỗi lần gặp tôi ở cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch vẫn hỏi thăm về anh Doanh. Anh Trần Hữu Hoàn, Đại đội phó Đại đội 11 bảo vệ chốt cây đa cửa khẩu Bình Mãng sau này là Thiếu tướng , tham mưu phó Quân khu 1. Trung đội trưởng Bùi, tên thật là Phạm Hoa Mùi mới mất cách nay vài năm vì mắc bệnh hiểm nghèo. Trợ lý tham mưu tiểu đoàn Bùi Đức Thọ là thượng tá, trung đoàn trưởng đã nghỉ hưu, khoảng 5 năm trước tôi mới gặp lại anh tại buổi gặp mặt cựu chiến binh Trung đoàn 246. Vũ Văn Tự, tiểu đội phó tiểu đội thông tin vô tuyến Tiểu đoàn 3 quê ở Yên lạc, Vĩnh Phúc ra quân, tôi cũng mới liên lạc lại được. Nguyễn Văn Trọng- tiểu đội phó tiểu đội truyền đạt của Tiểu đoàn 3 tôi cũng đã gặp lại. Tôi cũng đã gặp anh Nguyễn Trung Sơn, trung đội trưởng thuộc đại đội thông tin của Trung đoàn 246, người bị địch bắt khi đi triển khai đường dây lên khu vực Pác Bó. Khi về đào tạo sĩ quan ở Bắc Ninh tôi cũng cùng học với Nguyễn Xuân Hòa, trợ lý chính trị và Cao Thành Văn, trợ lý quân khí Tiểu đoàn 3. Anh Hòa là người đã đưa cho tôi quả lựu đạn mỏ vịt trong đêm phá vây thoát khỏi thị trấn Sóc Giang để sẵn sàng chết khi sa vào tay bọn giặc. Tôi cũng đã gặp lại một người “rất đặc biệt”, đó là ông đại đội trưởng Đại đội 11 (tôi xin không nêu tên, nhưng các bạn đọc truyện đều đã biết), ông này đã đào nhiệm sau chiến tranh. Sau đó vài năm khi tôi gặp lại thì ông đang là chủ quán cháo lòng tiết canh lối vào sân bay Nội Bài cũ.
Khi tôi đưa tiểu thuyết “Trong vòng lửa”, sau này đổi tên là “Cơn lũ đen” lên Facebook thì có rất nhiều đồng đội ở Tiểu đoàn 3 và Trung đoàn 246 đã đọc và cung cấp cho tôi thêm nhiều chi tiết của cuộc chiến tranh mà tôi không biết. Đó là các anh Phạm Hồng Thanh, Triệu Trí, Ngô Quang Hà, Nguyễn Hoạch, Đặng Giang Giang, Cao Thành Văn, Phạm Chức và nhiều đồng đội khác... Họ đều là những người lính đã trực tiếp tham gia chiến đấu cùng tôi tại Hà Quảng, Cao Bằng tháng 2-1979. Nhiều phần “Trong vòng lửa” cũng đã được đăng tải trên các báo và tạp chí như Tạp chí Văn nghệ quân đội, báo QĐND, báo Văn nghệ và chuyển thể thành truyện truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Tp HCM. Cảm ơn Hồi ức lính chiến đã đưa Trong vòng lửa lên YouTube, cảm ơn các bạn đọc đã luôn có những tình cảm tốt đẹp về những người lính một thời gian lao chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.
Hà Nội, ngày 22-12-2020
TRỌNG BẢO
Ảnh: Đại tá Hoàng Quốc Doanh (bên phải), nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, nguyên mẫu nhân vật chính của tiểu thuyết Trong vòng lửa và tác giả.
Hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Trọng Bảo, mọi người đang đứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét