Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Truyện ngắn CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 6)

    
Chuyện đời hắn
Truyện ngắn của Trọng Bảo

      Thằng đầu tóc bù xù gần như ngất đi vì đau và sợ. Cánh tay phải bị gãy của nó rũ xuống. Còn hắn thì một chân quỳ, một chân đạp lên chẹt cứng cổ thằng đầu bù xù, lưỡi dao vẫn tì trên mu bàn tay của nó. Hai thằng lưu manh kia nhân cơ hội nhốn nháo lủi mất. Hắn phanh ngựa áo. Mọi người đang xúm xít xung quanh vội lùi cả lại. Trên cái ngực trần to bè của hắn xăm hình một cái mặt hổ nhe răng trông thật gớm ghiếc. Lúc này mọi người ở ga mới biết hắn là một thằng tù vừa mới ra trại. Có ai đó hốt hoảng kêu lên:
        - Bọn lưu manh chúng thanh toán lẫn nhau đấy! Bà con tránh xa ra ngay…
         - Ối giời ơi là giời...
         Mọi người rạt ra xa. Nhưng lại có tiếng người nói gấp gáp ngay phía sau hắn:
         - Công an đang đến đấy! Chú hãy mau chạy đi!
         Hắn ngoái lại và nhận ra bà cụ bán nước chè tươi rong ở ga. Hắn vội buông thằng đầu tóc bù xù bật đứng dậy. Phía ngoài cổng nhà ga có tiếng còi ủ của xe công an. Tay vẫn cầm con dao chọc tiết lợn nhọn hoắt gã lao vào trong nhà ga. Hai cô nhân viên soát vé hốt hoảng chạy rạt ra nép vào hai bên cánh cửa tránh đường cho hắn. Một chuyến tàu hàng đang chạy qua. Hắn ném con dao xuống rãnh nước rồi bám cửa đu nhảy lên một toa chở hàng. Có mấy bóng áo vàng lao vào trong sân ga tìm kiếm. Nhưng con tàu hú lên rồi tăng tốc lùi lũi chạy ra khỏi nhà ga ngược lên hướng Lạng Sơn. Hắn thoát. Công an chỉ tóm được mỗi thằng bảo kê đầu tóc bù xù bị gãy tay đang nằm trên sàn nhà ga.
          Nằm giữa những bao xi-măng và đống đá dăm lổn nhổn trên toa tàu hắn nghĩ về cuộc đời của mình. Thế là hắn lại rơi vào một hoàn cảnh mới, một tình huống mới không định trước. Thời thế luôn xô đẩy số phận con người. Hắn thở dài chán nản không biết rồi đời mình sẽ đi đến đâu.
          Bầu trời tối đen, mưa rơi lất phất. Con tàu chở hàng vẫn lùi lũi đi trong đêm. Tiếng bánh xe xiết vào đường ray ken két nghe ghê cả răng. Nằm ở toa hàng không mui khổ vì mưa táp nhưng không bị nhà tàu kiểm tra tống xuống đường. Hắn thấy yên tâm. Thỉnh thoảng tiếng còi tàu lại hú lên giữa chốn đồng không mông quạnh hay giữa cánh rừng hoang vắng. Hắn chợt thấy bụng đói cồn cào. Tối nay hắn chưa kịp ăn chút gì thì xảy ra chuyện xô xát với ba thằng lưu manh chuyên trấn lột, bảo kê ở khu vực nhà ga. Hắn ngồi dậy ngó ra hai bên đường. Cây cối và những ngôi nhà lập lòe ánh đèn, nhòe nhoẹt trong đêm. Hắn tính đến ga nào tàu dừng sẽ xuống mua lấy một ổ bánh mì hay cái bánh chưng ăn tạm, sáng mai tới Lạng Sơn sẽ hay. 
          Tàu hàng tới ga Đồng Bành thì dừng lại tránh tàu khách xuôi Hà Nội. Hắn đu thành toa nhảy xuống. Không có cuống vé để ra phía ngoài nhà ga nên hắn lảng vảng ở bên trong sân chờ tàu. Hắn mua hai cái bánh mỳ ngồi nhai ngấu nghiến. Uống một chén nước hắn lại leo lên cái toa chở hàng lúc nãy. Đến ga Lạng Sơn thì trời tang tảng sáng. Không có vé nên hắn đi dọc theo đường tàu tìm chỗ leo ra ngoài tránh cửa kiểm soát. Có mấy người cũng đang tìm cách chui ra bên ngoài ga như hắn. Thấy hắn đang nhớn nhác tìm đường một người hỏi:
          - Cũng là dân đi tàu trốn vé hả! Cứ đi theo bọn này sẽ có lối ra… - Một người đàn ông mặc bộ quân phục bạc màu lưng đeo ba-lô, vai vác một cái bao tải nói rồi reo lên: - Ơ… mà có phải là anh Lỗi đấy không?
          Hắn ngạc nhiên hỏi lại:
          - Sao ông lại biết tên tôi?
          - Em là Đang, người cùng làng với anh đây mà!
          - Thằng Đang… đúng là mày rồi! Nhưng nghe nói mày đi bộ đội, vào miền Nam chiến đấu cơ mà! Sao bây giờ lại lôi thôi lếch thếch ở đây thế này?
          - Em bị thương, phục viên năm 1976 rồi!
          - Thế mày lên trên này làm gì?
          - Em lên đây làm thuê, vào rừng chặt củi bán lấy tiền nuôi vợ con ở nhà chứ còn đi đâu nữa, quê mình công điểm hợp tác cho vài lạng thóc sống thế quái nào được, anh lạ gì nữa mà lại còn hỏi…
          - Mẹ kiếp! Nhưng mày là bộ đội, là thương binh có công lao với đất nước cơ mà!
          - Công lao thì ăn thua gì, vài đồng phụ cấp thương binh chả đủ đút miệng chả đủ, còn vợ con nữa? Anh cứ như người ở trên trời rơi xuống ấy!
          Hắn bực, suýt nữa thì buột miệng nói: “Thì tao ngồi trong tù đến ngót chục năm rồi còn gì!”. Đang cũng ngớ ra hỏi lại:
          - Thế còn anh, lên tận biên giới này làm gì?
          - Thì cũng đi kiếm việc làm thuê như bọn chúng mày thôi!
          - Vậy thì đi theo bọn em! Em vừa nhận thuê đào hai cái giếng, san một cái nền nhà, đang thiếu nhân công.
          - Tốt quá, tao cũng đang chưa biết làm việc gì đây!
          - Đi thôi!
          Thằng Đang nói và kéo hắn đi theo bọn thanh niên. Nó có vẻ là chỉ huy của đám làm thuê. Cả bọn cúi gập người chui qua một cái lỗ hổng ở tường rào nhà ga ra bên ngoài.

*
          Bất ngờ gặp lại người làng khiến hắn chợt thấy nhớ quê đến thế.
          Nhà hắn ở giữa xóm. Mẹ hắn ngày ấy được đội sản xuất giao cho nuôi một con bò đực to khoẻ và rất hung dữ. Ngoài hắn chả ai dám đến gần. Khi đội sản xuất điều hoà sức kéo cũng chẳng ai muốn nhận con bò nhà hắn. Bởi nó hung hăng không khéo gãy cày, hỏng bừa mà lại có thể xảy tai nạn nếu lỡ bị nó húc phải. Con bò đực chỉ phục tùng mỗi mình hắn. Hắn chế tạo ra một bộ yên cương buộc vào lưng bò cưỡi như cưỡi ngựa. Cuối chiều, khi đám trẻ lùa trâu bò về chuồng thì hắn cưỡi con bò mộng nhong nhong một vòng ra thị trấn rồi mới quay về làng. Hắn ngồi trên lưng bò, lưng đeo dao, tay cầm cái roi dài trông rất oách.
           Đám trẻ choai choai như bọn thằng Đang rất thích hắn. Bởi lẽ hắn có tài kể chuyện. Hắn học dốt, thầy giáo kiểm tra ít khi thuộc bài. Nhưng những chuyện Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng, Chinh đông, chinh tây... hắn đều thuộc làu làu. Chiều nào đi chăn thả trâu bò trong thung lũng đám thằng Đang cũng hong hóng chờ được nghe hắn đọc chuyện. Để được nghe chuyện, mỗi đứa phải nộp một bó cỏ thật non để cho con bò mộng của hắn ăn. Khi con bò mộng của hắn đứng ngập giữa đống cỏ, hắn mới bắt đầu kể chuyện. Giọng hắn lúc trầm, lúc bổng, lúc ngân nga. Hắn đọc làu làu từng chương, hồi trong Tam quốc diễn nghĩa mà chẳng cần mở sách. Hôm nào cũng vậy, hắn chỉ đọc đúng ba chương. Đám trẻ chăn trâu đứa nào cũng xuýt xoa, tiếc rẻ, mỗi khi hắn kết thúc buổi đọc truyện bằng câu: "Muốn biết chuyện ra sao, xem hồi sau sẽ rõ!".
          Công điểm ít, thu nhập thấp nên mẹ con hắn thường xuyên bị thiếu ăn. Hắn ăn rất khoẻ, mỗi bữa phải năm sáu bát cơm đầy mới tạm no. Ngày ấy ăn uống thiếu thốn, chỉ có rau muối nên phải tăng chất gạo, chất xơ như khoai sắn chêm thêm vào dạ dày mới đỡ được những cơn đói cồn cào. Túng thì làm liều, đói đầu gối phải bò. Cũng như tất cả mọi người, hắn nghĩ ra mọi cách để ăn cắp của hợp tác xã. Đến đêm, chờ khi đám thanh niên trục lúa xong, vun thóc đánh đống giữa sân kho rồi về nhà ngủ thì hắn mới ra tay. Hắn bò vào sân kho của hợp tác xã với một chiếc bao tải to. Hắn dùng tay vun thóc nhồi đầy một bao tải rồi kéo lê chui qua bờ rào vác về nhà. Mấy lần đều trót lọt. Nhưng “đi đêm lắm ắt có ngày gặp ma”. Một đêm, hắn vừa lôi được cái bao tải thóc ướt còn lẫn cả rơm qua cái lỗ thủng hàng rào nhà kho thì bị bắt. Hai cái gậy tre đực cắm phập xuống đất kẹp chặt lấy cổ hắn. Hai ông bảo vệ đứng sừng sững hai bên. Một ông quát:
          - Quân chuyên ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Lần này thì đừng hòng mà chạy thoát nhé!
          - Gô cổ nó lại dẫn lên công an xã...
          - Hai ông bảo vệ buông gậy để đè trói hắn lại. Khi hai cây gậy vừa nới lỏng ra thì hắn cong người bật dậy. Chỉ bằng một động tác quét chân, một ông bảo vệ đã lộn nhào xuống mương nước. Ông kia vừa sáp đến thì trúng luôn một đạp vào bụng. Hắn phá chạy. Tiếng kêu cứu thất thanh. Dân làng đổ ra. Đèn đuốc sáng rực. Mọi người nhanh chóng kéo ông đang lóp ngóp dưới mương lên. Tang vật là cái bao tải lèn đầy thóc bỏ lại được đưa vào sân kho. Mọi người nhận ra ngay chủ nhân của chiếc bao tải đay ấy. Tên mẹ hắn viết bằng sơn đen to tướng trên bao tải. Ngày ấy chiếc bao tải cũng là một loại tài sản của nông dân. Nó cũng như những cái cày, cuốc, thúng, mủng, nong, nia. Nhà nào cũng ghi tên, đánh dấu để khỏi lẫn, khỏi mất.
         Thế là chả khó khăn gì, công an xã cũng tóm cổ được kẻ ăn trộm thóc. Hắn bị bắt khi đang bới sắn trên mương. May bận ấy xã chỉ cảnh cáo, hợp tác xã do đã thu hồi được bao thóc tang vật trả về kho nên chỉ phạt nhà hắn mấy chục công.
          Hắn nhớ một lần có đoàn văn công tỉnh về biểu diễn ở xã. Trước giờ mở màn, ông chủ tịch xã lên diễn thuyết một thôi một hồi về tình hình chiến sự ở miền Nam, về thành tựu phát triển kinh tế xã hội của miền Bắc, kêu gọi toàn dân xã hăng hái thi đua lao động sản xuất, tòng quân giết giặc lập công và phổ biến nghị quyết công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, xây dựng hậu phương lớn vững mạnh chi viện cho tiền tuyến lớn đánh giặc.
          Lúc vở diễn bắt đầu thì có người chợt thoáng thấy hắn lảng vảng hai bên cánh gà. Khi vở chèo cổ đang cao trào thì đột nhiên sâu khấu ngả nghiêng, phông màn từ từ đổ ụp xuống. Dây điện đứt, chập điện tóe lửa bén vào phông màn cháy lem lém. Trên sân khấu, đám vua quan đang thiết triều bàn chính sự thảy đều hoảng hốt bỏ cả ngai vàng, vứt cả vương miện, mũ mão, ấn kiếm chạy tán loạn. Vua chẳng kịp chờ quân thần hộ giá vội nhảy vọt ra khỏi sân khấu thoát thân. Sát ngay gần sân khấu là chỗ ngồi của đại biểu lãnh đạo các ban ngành trong xã cũng nhốn nháo, mạnh ai, nấy chạy.
          Sau khi sân khấu ụp đổ hoàn toàn, công an, bảo vệ mới tìm ra nguyên nhân là các dây chằng đều bị cắt đứt. Ông chủ tịch xã lúc này mới hoàn hồn lên giọng ra lệnh:
         - Tóm cổ ngay thằng Lỗi. Nhất định chỉ có nó là gây ra chuyện này!
         - Rõ! - Đám công an, bảo vệ bủa đi tìm hắn.
          Nhưng hắn đã mất hút. Lúc người ta dựng lại được rạp, căng lại phông màn để tiếp tục biểu diễn thì tìm mãi không thấy vương miện và bảo kiếm của vua đâu. Thì ra nhân lúc nhốn nháo, hắn lao ngay lên sâu khấu chộp luôn chiếc vương miện và thanh bảo kiếm của nhà vua rồi chuồn mất.
          Hôm sau, khi hắn đang cưỡi bò, đầu đội chiếc vương miện lóng lánh toàn là vàng, ngọc giả, tay múa kiếm trên khu đồi cây cho đám trẻ chăn trâu xem thì bị bắt. Người ta thu hồi vương miện và thanh bảo kiếm trả lại cho đoàn văn công. Lần này, hắn được giao cho công an huyện xử lý. Hắn bị phạt lao động công ích một tháng rồi được tha về.
         Nhớ lại chuyện vui buồn ấy khiến hắn cứ nao nao nghĩ về làng, về mẹ…
            (hết phần 6)                                      Hà Nội, tháng 2-2011
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét