Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

5-NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT

Buổi tối hôm đó tôi làm nhiệm vụ trực chiến tại vị trí chỉ huy của tiểu đoàn. Tôi tranh thủ viết một lá thư gửi về nhà. Ngày mai, có việc lên Đại đội 11 qua bưu điện thị trấn Sóc Giang thì gửi luôn. Đang cắm cúi viết thì trung uý Bùi Đức Hòe, chính trị viên phó tiểu đoàn từ đâu hớt hải chạy về lệnh cho tôi:
- Đem theo vũ khí trang bị theo tôi đi làm nhiệm vụ khẩn cấp ngay!
- Báo động chiến đấu ạ?
- Không hỏi nhiều! Đi ngay, khẩn trương lên!
Tôi vội buông bút, xách khẩu AK, vớ cái đèn pin đi theo chính trị viên phó tiểu đoàn. Ra tới đường tôi thấy có mấy người nữa đang đứng đợi. Đó là số cán bộ các bộ phận thuộc cơ quan tiểu đoàn bộ. Chúng tôi chạy gằn theo chính trị viên phó tiến về phía bản Cốc Nghịu. Đây là một bản nhỏ sát biên giới với hơn chục nóc nhà sàn nằm rải rác sát chân núi đá, gần con đường mòn ngược lên Lũng Mật. Khi tình hình địch căng thẳng nên bà con dân bản đều đi sơ tán hết. Ban ngày trẻ con, người già không được về bản, chỉ có những người còn sức lao động về chăm sóc lợn gà và làm ruộng, vườn. Ban đêm chỉ còn lại lực lượng dân quân làm nhiệm vụ tuần tra canh gác bảo vệ bản và sẵn sàng chi viện cho bộ đội vận chuyển đạn dược, đem cơm lên trận địa và khênh cáng thương binh về tuyến sau khi chiến tranh nổ ra.
Gió bắc thổi ù ù qua thung lũng. Lạnh quá khiến tôi chợt run lên, hai hàm răng va vào nhau lộp cộp.
Chúng tôi lặng lẽ tiến về hướng một ngôi nhà sàn ở mãi phía cuối bản Cốc Nghịu. Tôi thấy rất hồi hộp, trống ngực đập mạnh. Mới đầu tôi cứ nghĩ là đi làm nhiệm vụ vây bắt bọn phản động, chỉ điểm, hoặc thám báo Trung Quốc từ bên kia biên giới mò sang trinh sát trận địa của ta. Đến nơi mới biết chúng tôi đi làm “nhiệm vụ đặc biệt” là bắt “quả tang” một cán bộ đại đội thuộc Tiểu đoàn 3 đang ngủ với con gái bản. Khi đã rõ câu chuyện nên lúc vào đến sân nhà cô gái (cô bé này cũng là một dân quân), tôi liền kiếm cớ xin đứng dưới sân cảnh giới mà không leo lên nhà sàn, ập vào để bắt quả tang tại chỗ những kẻ “quan hệ bất chính”, “hủ hoá”, “sa đọa” theo như mệnh lệnh của chính trị viên phó tiểu đoàn vừa thì thào phổ biến.
Chính trị viên phó Hòe và mấy cán bộ nhẹ nhàng áp sát cầu thang ngôi nhà sàn. Trong nhà có ánh đèn leo lét và hình như có tiếng người rì rầm, tiếng cười khúc khích. Khi mấy người đi bắt kẻ “hủ hoá” vừa bước lên cầu thang thì ánh đèn trong nhà đột nhiên vụt tắt. Chắc là những người trong nhà đã nghe tiếng động bên ngoài. Chính trị viên phó vội nhảy lên đập cửa. Phải một lúc sau chủ nhà mới ra mở cửa. Đó là một cô gái còn rất trẻ. Những ánh đèn pin đồng loạt bật lên sáng rực. Đứng dưới sân tôi vẫn nhìn thấy rõ trang phục cô gái xộc xệch. Đó quả là một người con gái rất đẹp. Cô gái một tay giữ ngực áo, một tay giơ lên che mắt vì chói ánh đèn. Sau này tôi mới biết cô ấy tên là Lê và cũng là tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân của bản.
Đèn trong nhà được thắp lên. Ánh đèn pin soi khắp nhà. Nghe bập bõm tiếng ông chính trị viên phó tiểu đoàn và mấy cán bộ trao đổi với nhau, tôi hiểu họ là họ đã phát hiện ra một đôi giày bộ đội để cạnh đôi dép của cô gái dưới chân giường. Có lẽ họ đang căn vặn cô gái. Giữa lúc đó, tôi chợt nghe tiếng động rất nhẹ trên mái ngói. Tôi liền bấm đèn pin rọi lên mái ngôi nhà sàn. Ánh đèn pin soi rõ một người mình trần như nhộng đang ngồi thu lu trên mái. Tôi nhận ngay ra đó là trung uý B. Trung uý B. đang một tay bám vào cành cây mít sà xuống sát mái nhà, một tay ôm quần áo cố thu người nấp vào tán lá cây. Thấy ánh đèn pin rọi lên mái nhà, trung úy B. vội xua xua tay có vẻ cầu cứu? Tôi vội tắt ngay đèn pin và hô thật to:
- Có người… có người…
- Đâu… đâu… đâu?
Tôi ra vẻ hớt hải:
- Có người ở... ở… ở…
Chính trị viên phó Hòe từ trong nhà sàn chạy ra cửa quát hỏi:
- Ở đâu… ở đâu?
Tôi ấp úng:
- Ở… vừa… vừa ở đây… nhưng chạy ra phía bờ suối rồi!
- Bắt… bắt… lấy… ngay… Đuổi... đuổi… theo ngay... còn đứng đấy làm gì hả?
Ông chính trị viên phó tiểu đoàn quát tôi. Mấy cán bộ từ trong nhà cũng vội lao ra. Họ nhảy lụp bụp từ trên sàn xuống đất soi đèn hô nhau đuổi ra hướng bờ suối. Tôi cũng vội xách súng co giò phóng theo. Vừa chạy, tôi vừa cố nén tiếng cười khùng khục trong cổ họng khi nghĩ đến cảnh anh B. đang trần trụi như nhộng ngồi co ro trên nóc nhà hun hút gió bắc rét lạnh đến sun vòi. Tôi nghĩ, ông trung uý trẻ và đẹp trai này khéo chẳng chết vì gái mà lại chết cóng vì rét mất. Cũng may mà lúc nãy anh ấy thính tai nghe thấy có tiếng động ở cầu thang kịp chui qua cửa sổ đu bám được vào cành mít leo lên mái nhà...
Ngày hôm sau, tôi lên Đại đội 11 làm việc đến gần trưa mới quay về Nà Cháo. Lúc về đến chợ thị trấn Sóc Giang thì đã quá trưa. Tôi đang ngó nghiêng ở dãy hàng quán lèo tèo gần cổng chợ tìm mua cái gì ăn tạm cho đỡ đói thì có ai đó từ phía sau chộp lấy vai mình vặn một cái đau điếng. Tôi quay lại. Té ra là trung uý B. Anh B. nhìn tôi chằm chằm một lúc rồi mới hỏi:
- Tối hôm qua… tại sao… tại sao ông lại cứu tôi?
Tôi cười cười rồi bảo anh:
- Em chỉ muốn cứu lấy một tình yêu thôi... hi… hi…
Anh B. gãi gãi đầu:
- Tối qua lúc ông kêu có người làm tôi sợ toát hết cả mồ hôi. Lúc ấy cứ tưởng là ông sẽ chỉ cho họ biết là tôi đang ở trên mái nhà...
Tôi liền trêu:
- Cởi trần trùng trục ngồi trên mái nhà, gió bắc thổi ào ào rét thế mà anh cũng toát mồ hôi được cơ à?
Anh B. cười hì hì:
- Đúng thế! Bị một phen sợ toát cả mồ hôi... Tối hôm qua ông mà không kêu có người chạy ra hướng bờ suối thì tôi nhất định sẽ bị lộ hoặc sẽ chết rét trên mái nhà mất… Hì…ông… ông đúng là một con người tốt!
Tôi nhăn mặt:
- Tốt gì! Chính trị viên phó tiểu đoàn mà biết chuyện cố ý đánh lạc hướng để giải cứu người trong khi đang “làm nhiệm vụ đặc biệt” thì em cũng toi luôn! Ông ấy đang rất cáu vì cuộc vây bắt tối hôm qua thất bại đấy!
- Hì… đúng thế! Thôi vào đây làm bát phở cho ấm bụng cái đã!
Anh kéo tôi vào quán phở rồi kêu ông chủ quán:
- Làm ngay hai bát loại đặc biệt. Cho thêm nhiều nhiều thịt vào nhé!
Nhìn nét mặt hứng khởi của anh B. tôi nheo mắt rồi hỏi:
- Cái cô dân quân ấy thật là đẹp anh nhỉ?
Anh nháy mắt:
- Đẹp và còn nóng bỏng, dữ dội nữa chứ… Hì, ăn đi!
Tôi bảo:
- Lần sau anh nhớ phải thật cẩn thận đấy!
Anh B. gật gật đầu. Ánh mắt anh nhìn tôi với vẻ biết ơn.
Kể từ bữa đó anh B. coi tôi như một người bạn thân. Anh rất quý tôi. Mặc dù anh hơn tuổi và nhập ngũ trước tôi. Tôi cũng rất quý anh. Anh là lớp cán bộ trưởng thành từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Quê anh ở Cao Bằng. Anh có nhiều thành tích trong chiến đấu nhưng phải cái tính hay hoa lá cành, thấy gái là tít mắt lại nên con đường công danh hơi lận đận trắc trở. Mà cũng lạ, con gái vừa mới nhìn thấy cái dáng to cao, đẹp trai ngời ngời của anh đã mê tít. Chuyện tình của anh khá nhiều. Nghe đồn đâu anh từng yêu con gái một ông tham mưu phó quân khu. Nhưng rồi giữa hai người xuất hiện mâu thuẫn nên đã chia tay nhau. Ông cán bộ quân khu ấy rất căm anh vì anh đã lấy mất cái quý giá nhất của cô con gái cưng mà không chịu cưới. Có lẽ vì đó mà cái quyết định thăng quân hàm và chỉ tiêu đi học Học viện Lục quân định dành cho anh bị tiêu luôn. Anh được điều động về làm cán bộ đại đội tại đơn vị đang làm nhiệm vụ ở tuyến trước.
Khi đã thân thiết với nhau rồi một hôm anh hỏi:
- Mày chưa biết con gái khỏa thân và... "cái ấy" của chị em nó như thế nào phải không?
Tôi giật nảy mình lắc đầu. Anh bảo:
- Hôm nào lên Lũng Mật tao cho xem mấy cái ảnh con gái khỏa thân. Đẹp lắm nhé! Nhưng phải hết sức bí mật, lộ ra là chết cả lũ đấy. Lão chính trị viên phó mà biết là tàng trữ văn hoá phẩm đồi trụy thì toi luôn, hiểu không?
Tôi chưa kịp phản ứng gì thì anh như chợt nhớ ra dặn thêm:
- Nghe nói mày là người giỏi văn chương, chữ nghĩa. Hôm nào mày làm giúp tao một bài thơ để tao tặng cho em Lê nhé. Em ấy rất thích văn chương, hay đọc sách, rất mê thơ ca mà khoản này thì tao lại dốt đặc.
Tôi nhìn anh rồi chẳng hiểu sao lại gật đầu đồng ý.
Mấy hôm sau, tôi đã viết xong cho anh B. một "bài thơ tình yêu" để anh đem tặng cho em Lê xinh đẹp. Bài thơ ấy như sau:
“Tình yêu từ quả táo của Thị Mầu
Từ ánh mắt Chí Phèo đêm trăng ấy
Tình yêu là ngọn lửa hồng bỏng cháy
Đã đốt thiêu bao nhiêu kiếp người
Tình yêu cũng là một trời tuyết rơi
Làm cho những cuộc đời băng giá lạnh.
Tình yêu còn là niềm tin, sức mạnh
Để những người vượt lên số phận tật nguyền
Nhưng tình yêu khiến bao kẻ cuồng điên
Biến thành thiêu thân trong phút chốc.
Tình yêu là cội nguồn hạnh phúc
Song cũng là khởi điểm của khổ đau.
Bao nhiêu kẻ chỉ biết yêu nhau
Mà không biết đang đi trên miệng vực,
Nhưng khi trong ta con tim rạo rực
Thì cần gì nghĩ lo hậu quả ngày mai…
Định nghĩa tình yêu vẫn mãi nối dài,
Mặc dù tình yêu ai mà chẳng biết?
Nhưng chắc chắn bạn sẽ như là đã chết
Nếu trong lòng nguội lạnh một tình yêu…”.
Đọc xong bài thơ, anh B. cứ suýt xoa mãi:
- Hay! Hay quá! Mày đúng là dân văn chương, chữ nghĩa.
Anh nhìn tôi chằm chằm một lúc rồi nói thêm:
- Mẹ kiếp! Nếu mà không có cuộc chiến tranh và cái thằng Tàu khựa chết tiệt này thì tốt biết bao nhiêu. Mày sẽ không phải lên đây rồi mà được học hành đến nơi đến chốn chắc chắn sẽ làm nên cơm cháo đấy. Nhất định là em Lê cũng sẽ thích bài thơ này cho mà xem.
Ngập ngừng một lát anh nói thêm:
- Này! Giá mà để lão chính trị viên phó tiểu đoàn mình đọc được bài thơ này nhỉ?
Tôi chột dạ:
- Đọc được có mà ông ấy cạo trọc đầu em à?
- Hì… đúng thế!
Anh B. cười hì hì. Anh xiết chặt tay tôi rồi đi về hướng bản Cốc Nghịu. Đôi chân của anh leo dốc trông cứ nhẹ lâng lâng, khẩu súng ngắn đập lạch xạch bên hông.
Tôi mỉm cười nhìn theo một kẻ đào hoa si tình cho đến lúc bóng anh khuất hẳn sau chỗ ngoặt trên con đường nhỏ ở chân núi.
Chưa có dịp gặp lại anh B. để hỏi anh xem em Lê có thích bài thơ của tôi không thì cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Sau này tôi còn được biết là sáng hôm xảy ra chiến tranh khi súng nổ được một lúc anh B. mới từ dưới chân núi hối hả chạy lên trận địa của đơn vị trên núi cao. Trên người anh mặc độc một cái quần lót. Anh lao ngay vào vị trí chỉ huy đơn vị chiến đấu luôn…
Cao Bằng - 1979
Hà Nội, 10-2021
Ghi chép của Trọng Bảo
Có thể là hình ảnh về núi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét