Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

    NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

1-Ở BẢN NÀ CHÁO

Cuối năm 1978, chúng tôi đã có mặt ở Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Đã cuối mùa thu ở nơi địa đầu Tổ quốc, gió lạnh đã tràn về. Cơ quan tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 chúng tôi đóng quân ở bản Nà Cháo. Đây là một bản nhỏ nằm trên con đường trục từ Mỏ Sắt, Thông Nông lên cửa khẩu Bình Mãng. Nhìn lên hướng biên giới thì bên trái là dãy núi đá, bên phải là dãy núi đất, cây cối lúp súp. Dưới chân dãy núi đất là dòng suối nhỏ trong veo. Dân cư bản Nà Cháo đều là người đồng bào dân tộc Tày Nùng. Họ đều nghèo. Tôi không ngờ ở nơi căn cứ địa cách mạng mà bao năm rồi cuộc sống của người dân vẫn còn nghèo khố đến thế. Nhưng với bộ đội thì những người dân bản Nà cháo thật là tốt. Họ coi chúng tôi như những người thân thiết nhất. Dân bản Nà Cháo hiểu chúng tôi lên đây để bảo vệ Tổ quốc cũng là gìn giữ bản làng, quê hương cho họ.
Bản Nà Cháo đều là loại nhà sàn chủ yếu làm ở bên chân núi đá. Bên phải đường là cánh đồng lúa thẳng lên tận cửa khẩu Bình Mãng. Tiểu đội vô tuyến chúng tôi ở trong một ngôi nhà sàn mới nằm bên phải con đường trục hướng lên biên giới. Nhà mới làm chưa có người ở. Khi chúng tôi lên ông chủ nhà là người rất vui tính tuy chưa cúng ma khánh thành nhà vẫn cho bộ đội vào ở trước. Lâu quá rồi tôi không còn nhớ tên ông chủ nhà tốt bụng ấy chỉ còn nhớ tên cô con gái của ông tên là Huyền, đang học năm cuối cấp 3. Thỉnh thoảng, Huyền vẫn mang rau từ trong bản ra cho chúng tôi. Đó là một cô gái xinh đẹp nhất bản Nà Cháo. Mỗi lần Huyền đi học về qua cổng ngôi nhà sàn mới làm, cánh lính trẻ tiểu đội tôi ngồi trên sàn nhà lau súng nhìn thấy liền gọi:
-Huyền ơi! Nhà mình đây cơ mà, em còn đi đâu đấy?
Huyền liền đáp:
-Nhà này làm cho các anh ở đấy! Hết chiến tranh không biết có anh nào dám ở lại ngôi nhà này không mà cứ gọi em thế?
Quả là một cô gái thông minh. Huyền là một trong những người học cao nhất bản Nà Cháo.
Đơn vị tổ chức huấn luyện và xây dựng trận địa phòng ngự. Bọn bành trướng Trung Quốc bắt đầu tăng cường sức ép trên toàn tuyến biên giới. Lúc này các đơn vị của Tiểu đoàn 3 đã triển khai đội hình chiến đấu phòng ngự tại các điểm chốt tại xã Sóc Hà. Đại đội 11 ở khu vực Nà Sác, xây dựng trận địa ở hai mỏm đồi có hai cây đa đối diện với cửa khẩu. Đại đội 9 ở khu vực Cốc Nghịu. Đại đội Hỏa lực 12 trên lũng Vỉ. Đại đội 10 thì ở khu vực bản Nà Nghiềng, tiến hành xây dựng trận địa phòng ngự dưới chân điểm cao 505 sườn dãy núi đất, án ngữ con đường trục chính từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang và cửa khẩu Bình Mãng. Trên điểm cao 505 lực lượng công binh tiến hành đào địa đạo làm căn cứ phòng ngự và sở chỉ huy.
Tình hình biên giới căng thẳng, Trung Quốc cũng tăng cường xây dựng các trận địa sát đường biên. Tiếng mìn phá đá làm công sự của cả hai bên ngày đêm ùng oàng không dứt. Bọn bành trướng liên tục xâm phạm biên giới, tung thám báo sang đất ta trinh sát, phá hoại các tuyến hàng rào biên giới của chúng ta. Ngày ấy, việc rào dậu bảo vệ biên giới đất nước cũng giống như rào dậu xung quanh nhà mình vậy. Rào cũng bằng tre nứa như rào vườn để ngăn chặn trâu bò và bọn trộm cắp. Sau đó mới có chông tre, chông sắt, rào thép gai và bãi mìn để ngăn chặn, đề phòng bọn cướp.
Con đường giữa bản Nà Cháo trở thành nơi tập trung lực lượng báo động chiến đấu, tổ chức hành quân luyện tập của đơn vị chúng tôi. Các buổi sáng cơ quan tiểu đoàn bộ thường tập trung ra mặt đường để tập thể dục thể thao, rèn luyện võ thuật tay không. Từ sáng sớm tinh mơ tiếng chân bộ đội đã chạy rầm rập và tiếng hô: “Một, hai, ba, bốn” vang lên khắp bản. Dân bản, nhất là đám thanh, thiếu niên trong bản kéo ra xem bộ đội tập thể dục. Mấy hôm sau họ đứng luôn vào phía sau và hai bên đội hình cùng tập luôn với bộ đội. Đội hình tập thể dục buổi sáng của bộ đội và dân bản vì thế kéo dài từ đầu bản đến cuối bản. Kết thúc buổi tập thể dục bao giờ bộ đội cũng hô khẩu hiệu trước khi giải tán. Ngày ấy dân bản Nà Cháo, nhất là đám trẻ con choai choai có người còn nói tiếng Kinh chưa sõi. Khi người chỉ huy tập thể dục hô: “Rèn luyện thân thể”, thì bộ đội hô đáp lại: “Bảo vệ Tổ quốc”. Nhưng đám thanh niên và bọn trẻ con trong bản lại hô rất to: “Ẻ mẹ Trung Quốc” (Đó là một câu chửi tục). Hôm đó, tôi là trực ban tiểu đoàn duy trì tập thể dục buổi sáng cho toàn cơ quan tiểu đoàn bộ. Sau khi cho bộ đội giải tán tôi liền gọi lũ trẻ con tập trung lại hỏi:
-Tại sao các cháu lại hô là: “Ẻ mẹ Trung Quốc”?
Một thằng bé đầu trọc lốc đáp:
-Thì chúng cháu nghe thấy các chú hô như thế nên mới bắt chước hô theo đấy ạ!
Bọn trẻ nhao nhao đồng tình. Tôi bảo:
-Các chú hô là: “Bảo vệ Tổ quốc”, chứ không phải là: “Ẻ mẹ Trung Quốc”. Ngày mai, các cháu nhớ phải hô theo đúng như thế nhé!
Bọn trẻ con lại nhao nhao vâng, dạ đáp lời tôi. Có đứa nói bằng tiếng dân tộc, chả hiểu chúng nói gì. Đoạn, bọn chúng chạy tản vào các ngõ trong bản. Buổi sáng hôm sau, hết buổi tập thể dục khi bộ đội hô: “Bảo vệ Tổ quốc” thì bọn trẻ con vẫn hô là: “Ẻ mẹ Trung Quốc"...
Cao Bằng -1979
Hà Nội, 10-2021
Ghi chép của Trọng Bảo
Ảnh: Xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng.
Có thể là hình ảnh về núi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét