Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

3-CỬA KHẨU BÌNH MÃNG

Một hôm, tôi đang ngồi chuẩn bị giáo án huấn luyện bộ môn vô tuyến điện tại nhà ở thì có tiếng xe máy ùng ục rú lên ngay dưới sàn nhà. Tôi ra cửa nhà sàn ngó nhìn xuống thì thấy thằng Long và thằng Ký, lính truyền đạt của đại đội thông tin trung đoàn đang ngồi trên chiếc xe mô tô ba bánh sơn màu rêu xanh vẫn còn đang nổ máy. Thằng Long “ruồi” ngó lên nhận ra tôi liền gọi to:
-Bảo ơi! Mày đưa bọn tao lên cửa khẩu Bình Mãng nhé!
Tôi liền hỏi lại:
-Lên làm gì thế?
-Thì… bọn tao lên đây bao ngày rồi mà có biết biên giới, cửa khẩu thế nào đâu. Đưa chúng tao đi xem một tý…
Tôi nhảy xuống đất và nói:
-Tao cũng đã lên cửa khẩu lần nào đâu. Để tao dẫn chúng mày đi…
Thằng Ký cầm lái, thằng Long ngồi phía sau. Hai thằng bảo tôi ngồi vào thùng xe. Chúng tôi phóng xe lên hướng cửa khẩu Bình Mãng. Vừa đi chúng tôi vừa hỏi thăm nhau. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới gặp lại nhau. Tôi, thằng Long và thằng Ký vốn đều là lính của Đại đội Thông tin 17, Trung đoàn 246 từ thời còn đóng quân ở Đại Từ, Thái Nguyên. Hai thằng này là lính quân bưu còn tôi là lính 2W. Khi tôi về Tiểu đoàn 3 thì chúng nó vẫn ở trung đoàn. Hôm nay, hai thằng mang công văn, văn kiện của trung đoàn lên cho chỉ huy Tiểu đoàn 3. Xong việc bọn chúng chợt nhớ ra tôi đang ở Tiểu đoàn 3. Hai thằng tìm và rủ tôi cùng lên tham quan cửa khẩu biên giới. Lần đầu tiên được ngồi trên chiếc mô tô ba bánh phóng trên đường biên giới tôi vô cùng thích thú. Qua khỏi trường cấp 1+2 Sóc Giang thì chúng tôi gặp một toán nữ thanh niên xung phong đi rào biên giới về đang ngồi nghỉ bên đường. Thằng Ký cho xe đi chậm lại. Một cô gái to béo gọi to:
-Anh bộ đội lái xe bình bịch ơi! Anh cho xe đi chầm chậm thôi nhé kẻo “nhỏ nhẹ” như anh gió nó thổi bay mất đấy!
-Mà… bay luôn sang Trung Quốc mất thì không ai đền được đâu!
Một cô khác nói thêm. Cả bọn cười ré lên. Thằng Ký biết là các cô gái có ý châm chọc nó là một anh bộ đội còi, gió thổi bay. Thằng này thân hình đùng là khá gầy gò nhỏ bé. Khi nó cầm lái chiếc mô tô ba bánh cồng kềnh trông như đứa trẻ con cưỡi một chú trâu mộng. Thằng Ký nghe các cô gái trêu chọc không tỏ vẻ gì bực mình, tự ái. Nó liền giảm tốc độ, cua xe sát chỗ đám thanh niên xung phong đang ngồi nghỉ rồi nói to:
-Em ơi! “Đừng chê anh bé mà sầu/ Con ong nó đốt quả bầu cũng… sưng”… Khi nào hết chiến tranh chúng mình thử xem có đúng không nhé!
Đám thanh niên xung phong lại cười nghiêng ngả. Mấy cô đứng bật ngay dậy định nhào ra chặn chiếc xe. Thằng Ký vội tăng ga cho xe phóng lướt đi. Phóng qua bản Cốc Vường, chúng tôi đến bản Nà Sác. Trận địa phòng ngự của Đại đội 11 trên hai quả đồi đất có hai cây đa cổ thụ. Phía bên phải cánh đồng bản Nà Sác là dãy núi đá chạy liền một dải sang đất ta. Trên một mỏm núi đá ăn sâu vào cánh đồng Nà Sác là cái lô cốt Tàu Tưởng to lù lù với các lỗ châu mai đen sì trông như những con mắt cú vọ luôn nhòm ngó, soi mói xuống cánh đồng và từng ngôi nhà trong bản Nà Sác của ta.
Trạm kiểm soát cửa khẩu của công an vũ trang là ngôi nhà cấp bốn nằm nằm trơ chọi giữa cánh đồng, cách đường biên vài mét. Mặt tiền của ngôi nhà nhìn ra đường, đầu đốc hướng về phía biên giới. Phía bên kia biên giới là khu nhà cao tầng. Trung Quốc xây nhà sát đường biên giới, hết phần đất của họ. Biên giới giữa hai nước ở giữa cánh đồng này chỉ là con mương nước nhỏ rộng độ một mét. Chúng ta đã rào kín cửa khẩu và đoạn biên giới trên cánh đồng bản Nà Sác. Hàng rào biên giới có ba lớp. Phía trước là rào bằng tre nứa, tiếp sau là lớp rào dây thép gai và chông tre, chông sắt.
Thằng Ký lái chiếc xe mô tô ba bánh đến sát biên giới rồi vòng lại tạt vào đỗ ở giữa sân trạm kiểm soát của công an vũ trang (sau này Công an vũ trang đổi tên thành Bộ đội Biên phòng). Trạm kiểm soát của công an vũ trang đã rút phần lớn lực lượng về phía sau kể từ khi tình hình biên giới bắt đầu căng thẳng. Tại trạm chỉ còn một tổ canh gác ban ngày, ban đêm thì bí mật lui về phía sau đề phòng bọn Tàu lẻn sang tập kích bất ngờ. Một chiến sĩ công an vũ trang đưa chúng tôi vào trạm. Anh dẫn tôi vào căn phòng đầu nhà hướng sang phía Trung Quốc. Bức tường trong phòng phía biên giới được xây dày gần một mét bằng bê tông cốt thép, có các ô cửa sổ gần giống như lỗ châu mai. Căn nhà làm trạm kiểm soát biên giới này xây dựng đã lâu, từ khi hai nước Việt - Trung còn là anh em, đồng chí hữu hảo. Hóa ra ngay khi tình hữu nghị còn rất mặn nồng, cùng phe XHCN như thế mà ta vẫn phải cảnh giác, đề phòng. Bức tường đầu đốc của trạm kiểm soát biên giới này sẽ là “chiến lũy, lá chắn” tạm thời khi bị tấn công bất ngờ bằng súng bộ binh hạng nhẹ.
Sau khi tham quan cửa khẩu Bình Mãng, chúng tôi chia tay các chiến sĩ công an vũ trang quay về. Thằng Ký và thằng Long đưa tôi về đến đầu bản Nà Cháo thì quay xe ngược trở lại thị trấn Sóc Giang để về đơn vị. Tôi vừa về đến nhà ở của tiểu đội thì thấy trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi đang đứng đợi. Vừa nhìn thấy tôi Mùi đã nói ngay:
-Sao chúng mày liều thế! Dám nghênh ngang phóng xe mô tô lên tận sát biên giới. Lỡ bọn Trung Quốc từ trên lô cốt Tàu Tưởng nó ngứa mắt bắn cho một loạt thì tan xác hết. Chỉ huy tiểu đoàn đang cáu lắm. Các ông ấy cho gọi mày lên để tường trình đấy. Mày liệu mà giải thích, hiểu không?
Tôi lo lắng thập thõm bước qua con đường nhỏ lên nhà chỉ huy tiểu đoàn. Tôi hiểu việc tự ý lên biên giới là sai và nguy hiểm, không khéo phen này sẽ bị kỷ luật như chơi. Tôi bước vào nhà chỉ huy. Chính trị viên tiểu đoàn, thượng úy Hoàng Quốc Doanh gườm gườm nhìn tôi. Nhưng anh chưa kịp nói gì thì có chuông điện thoại. Nghe xong điện thoại anh vội bảo tôi: “Về đơn vị ngay, nhanh lên! Có lệnh của trung đoàn, báo động chiến đấu…”.
Cao Bằng - 1979
Hà Nội, 10-2021
Ghi chép của Trọng Bảo
Ảnh: Cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng (Hà Quảng, Cao Bằng) hiện nay.
Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét