Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

4-TẾT Ở BIÊN CƯƠNG

Sắp đến Tết nguyên đán. Những ngày cuối năm âm lịch trời hanh khô nhưng rét đậm. Tiểu đoàn 3 chúng tôi nhận được lệnh tổ chức cho bộ đội ăn Tết nguyên đán trước. Trong những ngày Tết bộ đội sẽ lên chốt trực chiến canh gác, bảo vệ cho nhân dân đón Tết, vui xuân. Vậy là bốn năm rồi trong cuộc đời quân ngũ tôi đều ăn Tết tại đơn vị. Cái tết đầu tiên là ở Đại Từ, Thái Nguyên, tết thứ hai ở Tuyên Quang, tết thứ ba ở giữa rừng già Bắc Quang, Hà Giang và tết này thì ở chốn biên cương Hà Quảng, Cao Bằng. Gần Tết chúng tôi không còn ở nhà cô Huyền bên kia đường nữa mà được lệnh phân tán vào ở trong các dân sát chân núi đá.
Đơn vị tổ chức gói bánh chưng từ ngày 26 Tết. Dân bản chưa bận làm bánh tết nên rất đông các bà, các chị, các em gái kéo đến giúp bộ đội gói bánh. Thật là vui. Tôi trông thấy em Huyền đang cùng mấy chị em đãi gạo nếp, rửa cắt lá dong. Em Huyền đúng là “hoa khôi” của bản Nà Cháo như cánh lính vẫn nói với nhau. Trông cô gái nổi bật nhất đám thanh nữ. Bếp nấu bánh trưng được đặt ngay góc thửa ruộng cạn bên bờ suối. Đang là mùa khô nên chả cần che lợp gì. Chúng tôi sẽ cắt phiên nhau thường trực đun bánh cả đêm.
Thế nhưng khi nồi bánh nước chưa kịp sôi thì lại có lệnh báo động chiến đấu, các đơn vị cơ động lên trận địa. Trừ bộ phận hậu cần ở lại bản nấu bánh, nấu cơm đem lên trận địa còn tất cả chúng tôi nhanh chóng phóng về nhà lấy vũ khí trang bị, mang ba lô tập trung hành quân lên chốt. Các bộ phận hối hả chạy ra đường tập trung. Ở trung đội thông tin khi báo động chiến đấu có lẽ tôi là người “nhàn nhất”. Bởi vì khi có mệnh lệnh chiến đấu thì tiểu đội vô tuyến điện của tôi lập tức chia thành các tổ đài cơ động ngay xuống các đại đội để đảm bảo thông tin liên lạc. Tại cơ quan tiểu đoàn bộ chỉ còn một tổ đài phục vụ chỉ huy tiểu đoàn. Tôi lúc này trở thành tổ trưởng một tổ ba người. Tôi đeo súng khoác ba lô đi cuối đội hình của trung đội thông tin. Anh em các tiểu đội hữu tuyến đeo dây máy súng đạn lỉnh kỉnh leo lên điểm cao 505. Tôi gặp Hà Trung Lợi, tiểu đội trưởng hữu tuyến ở lưng dốc. Hà Trung Lợi là người Mường, quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Vừa trông thấy tôi thằng Lợi đã hỏi ngay:
-Tao tưởng mày văn hay, chữ tốt nên ở lại bản làm nốt tờ báo tường “Mừng Xuân đón tết” cho trung đội ta cơ mà?
Tôi vừa thở vừa nói:
-Báo tường với báo tiếc làm cái mẹ gì nữa! Đánh nhau đến nơi rồi mày biết không?
Thằng Lợi chưa kịp hỏi thêm gì thì có tiếng người nói ngay phía sau lưng:
-Ai bảo là “đánh nhau đến nơi rồi”? Mà có đánh nhau thì tết đến, xuân về báo tường vẫn cứ phải làm, bánh vẫn cứ gói. Rõ chưa?
Tôi và thằng Lợi giật mình quay lại. Hóa ra đó là chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh đang đi ở phía sau. Anh Doanh nhìn chúng tôi rồi nói thêm:
-Mà hai thằng chúng bay liệu hồn đấy! Tao nghe nói là hai thằng chúng mày rất liều lĩnh, vô kỷ luật. Việc thằng Bảo hôm trước phóng xe mô tô lên cửa khẩu Bình Mãng tao còn chưa “hỏi tội” đâu đấy…
Tôi ấp úng:
-Vâng… vâng… em sẽ rút kinh nghiệm ạ…
-Hừ… - Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh gườm gườm nhìn tôi rồi đi vượt lên phía trước đội hình hành quân.
Đến vị trí chỉ huy của tiểu đoàn trên đỉnh 505 chúng tôi nhanh chóng tìm chỗ đặt máy vô tuyến, căng dây an-ten rồi mở máy thông mạng liên lạc toàn tiểu đoàn rồi mới tìm chỗ dưới giao thông hào để ngủ nghỉ qua đêm trên chốt.
Mãi đến cuối buổi chiều hôm sau, khi tôi đang ngồi trong hầm lúi húi ghi chép thì Nguyễn Văn Đam, tiểu đội trưởng tiểu đội truyền đạt chạy đến thông báo lệnh của trung đội trưởng:
-Hạ cấp báo động rồi! Mày cho anh em lên vị trí tập trung của trung đội để hành quân trở về bản Nà Cháo nhé!
Tôi vội đứng dậy nói với thằng Đam:
-Thế thì tốt quá rồi! Tết nhất đến nơi rồi mà còn giở dói ra đánh nhau thì… mất cả tết.
Thằng Đam bảo:
-Có lẽ là bọn Trung Quốc nó cũng đang bận chuẩn bị ăn tết mày ạ! Ta với nó đều ăn tết âm lịch đấy.
Tôi nói với thằng Đam:
-Mẹ kiếp! Nó chủ động, mình thì bị động. Nó có biểu hiện gì khang khác một tý là ta lập tức lại phải lo đối phó, đề phòng. Cứ liên tục báo động chiến đấu, cơ động lên lên, xuống xuống trận địa mãi thế này thì cũng mất tết luôn đấy!
-Thì phải luôn cảnh giác, sẵn sàng chứ! Chúng ta đang ở ngay trước mũi súng của nó thế này mà... Thôi, hạ cấp báo động chúng ta cứ về bản ăn tết cái đã.
Khi chúng tôi hành quân về đến bản Nà Cháo thì các tổ đài vô tuyến đi tăng cường cho các đại đội cũng lục tục trở về. Chỉ riêng tổ đài tăng cường cho Đại đội Hỏa lực 12 tít trên Lũng Mật là chưa về đến Nà Cháo vì đường xuống núi rất dốc và xa. Vừa đặt ba lô xuống thì nhận được thông báo của hậu cần tiểu đoàn, tiểu đội phó Vũ Văn Tự vội gọi mấy chiến sĩ cùng đi nhận bánh chưng. Bộ đội ngày ấy khi tết đến ngoài số bánh chưng để lại liên hoan ăn tết chung tại nhà bếp thì mỗi người được chia một cái bánh mang về muốn ăn lúc nào thì ăn. Cái bánh chưng ấy coi như là quà tết của chiến sĩ. Tiểu đội phó Tự mang bánh trưng về rồi gọi tôi sang lấy bánh. Trời đã chập choạng tối. Nhìn đống bánh chưng xếp trên sàn nhà tôi liền hỏi:
-Sao lại có hai cái bánh chưng gì to thế hả?
-Không phải bánh đâu anh ạ! Đấy là hai tấm vải liệm. Hậu cần tiểu đoàn vừa mới cấp phát cho tiểu đội ta…
Tôi nhăn mặt làu bàu:
-Mấy thằng hậu cần tiểu đoàn chả ra làm sao… Tết nhất cấp bánh chưng lại cấp luôn cả vải liệm liệt sĩ nữa, ăn bánh mất cả ngon.
Thằng Tự vội phân bua:
-Không phải thế đâu anh ạ! Số vải liệm này họ đã cấp cho các bộ phận từ mấy hôm trước rồi. Tiểu đội ta do phân tán xuống các đơn vị nên chưa nhận. Hôm nay lên lấy bánh chưng họ đưa cho nên em nhận đem về luôn…
Nghe Tự nói như vậy tôi hỏi:
-Thế đã giao cho anh em nào giữ chưa?
-Chưa anh ạ! Thấy hai tấm vải liệm thằng nào cũng sợ, lảng hết. Không ai muốn giữ nó anh ạ!
Tôi bảo:
-Đó chỉ là những tấm vải mới tinh, việc gì mà sợ… Thôi, hai tấm vải liệm, tiểu đội trưởng, tiểu đội phó mỗi thằng chúng mình giữ một tấm…
Nói đoạn, tôi cầm cái bánh chưng và một tấm vải liệm xuống bậc thang đi về nhà ở của mình. Về đến nhà tôi mở tấm vải liệm ra gấp lại cho gọn. Đó là một tấm vải màu xanh mỏng hình chữ nhật gần giống cái vỏ chăn đơn nhưng người ta chỉ may kín hai cạnh liền kề nhau, để hở hai cạnh kia. Tấm vải có đính sẵn ba đoạn dây cũng làm bằng vải ở giữa và hai đầu. Khi khâm liệm chỉ cần đặt xác người vào gấp lại và dùng ba giải dây đó để buộc ngang bụng, buộc cổ và buộc chân là xong, rất nhanh gọn.
Khi tôi đang cho tấm vải liệm vào ba lô thì thằng Đam đến. Nó đưa cho tôi một nắm bìa cắt nhỏ chỉ bằng hai ngón tay và bảo:
-Đây là các mã số của anh em trong tiểu đội vô tuyến. Mày dặn mọi người nhớ là phải luôn để trong túi áo nhé!
Tôi hiểu, để phòng tình huống xấu xảy ra trong chiến đấu, mỗi người chúng tôi đều có một mã số riêng thêu trên nắp túi áo bên trái và in vào mảnh giấy bìa nhỏ bằng ba đầu ngón tay bỏ trong túi giấy bóng dán kín cho khỏi ướt. Bộ đội phải luôn để mảnh giấy ghi mã số riêng của mình trong túi quần, túi áo phòng khi ai hy sinh thì chôn theo để sau này còn xác định danh tính (Nếu không nhớ nhầm thì mã số của tôi ngày ấy là JA-01)…
Vậy là đón Tết ở biên cương phía Bắc này chúng tôi được cấp bánh chưng, vải liệm và mã số để đánh dấu mộ chí của mình… Một cái tết của người lính biên thùy thật là đặc biệt và mang một nỗi buồn ảm đạm, không ai mong đợi. Nhưng biết làm sao được? Chiến tranh là như vậy, không thể nào khác...
Cao Bằng - 1979
Hà Nội, 10-2021
Ghi chép của Trọng Bảo
Có thể là hình ảnh về thiên nhiên, cây và núi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét