Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

2-“PÂY HÁNG” SÓC GIANG

Lên biên giới, toàn đơn vị vừa huấn luyện vừa tổ chức xây dựng trận địa phòng ngự. Công việc khẩn trương nên chúng tôi chỉ loanh quanh tập bắn súng bộ binh ở đám ruộng gần bờ suối hoặc huấn luyện nghiệp vụ thông tin ở gò đất đầu bản Nà Cháo. Khi triển khai huấn luyện đảm bảo thông tin liên lạc vô tuyến điện tiểu đội tôi triển khai các tổ đài xuôi về hướng xã Quý Quân. Mãi đến một ngày chủ nhật được nghỉ, lại đúng phiên chợ tôi quyết định đi chơi chợ Sóc Giang. Từ bản Nà Cháo lên chợ thị trấn Sóc Giang chỉ hơn cây số.
Tôi gọi chiến sĩ Hoàng Quy, người dân tộc Tày, quê ở huyện Thông Nông, Cao Bằng cùng đi. Dọc đường lên thị trấn Sóc Giang chúng tôi gặp nhiều bà con dân tộc từ dưới Mỏ Sắt, Quý Quân lên, từ trên Lũng Vài, Lũng Vỉ xuống chợ. Họ ngồi nghỉ ở đầu dốc gần bản Nà Nghiềng. Qua bản Nà Nghiềng thì tới chợ Sóc Giang. Tôi chào bà con. Một chị chào lại rồi hỏi:
-Các chú bộ đội cũng “pây háng” Sóc Giang à?
Tôi vội kéo tay thằng Quy:
-Chị ấy bảo gì thế?
-Chị ấy hỏi anh là “cũng đi chợ Sóc Giang à?”
Thì ra tiếng Tày “pây háng” tức là đi chợ. Tôi vội đáp:
-Vâng! Chúng em cũng đang “pây háng” Sóc Giang đây…
Các bà, các chị cùng cười. Một bà nói:
-Các chú có mua rau, mua thịt thì chúng tôi bán cho. Ở chợ giá 20 đồng thì đồng bào chỉ lấy của bộ đội 16 đồng thôi…
-Vâng ạ!
Sau này tôi mới hiểu. Hóa ra từ ngày có bộ đội lên giữ chốt có một quy định không thành văn ở chợ Sóc Giang là giá cả các mặt hàng bán cho bộ đội phải rẻ hơn bán cho khách hàng khác ít nhất là 20%. Không ai bảo ai mọi người buôn bán ở chợ đều thực hiện đúng theo như vậy. Bộ đội hỏi mua không một ai từ chối bán. Ở chợ tôi mua hai cái bánh sừng bò làm bằng gạo nếp nương khá ngon giá bốn đồng bà cụ bán hàng chỉ lấy ba đồng rưỡi.
Chợ Sóc Giang ngày ấy là những dãy nhà làm bằng gỗ nghiến, lợp ngói máng khá vững chắc. Trong chợ ngoài mấy hàng tạp hóa còn lại chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm thổ sản, các loại bánh do đồng bào địa phương làm. Có vài phản thịt lợn, vài quán bán phở, đồ ăn luôn tại chợ. Phiên chợ vùng cao thường là như thế. Người Mông trên núi cao xuống chợ thường có cả vợ, cả chồng. Khi người vợ đi mua bán hàng thì anh chồng vào quán rượu. Lâu lâu bạn bè gặp nhau “không say, không về”. Nhưng phiên chợ Sóc Giang giờ thì hơi khác thường. Không còn cảnh những người đàn ông khi tan chợ vẫn còn say nghiêng ngả, nằm la liệt ở chợ, nằm ngủ dọc đường hoặc nắm đuôi ngựa để leo dốc lên núi. Không khí chiến tranh đang từ phía bên kia biên giới tràn sang. Người đi chợ mua bán nhanh để còn về bản lo đưa trẻ con đi sơ tán, thanh niên trai tráng lên rào biên giới, đi đào hầm giúp bộ đội.
Sau khi lướt một vòng chợ tôi đi tham quan thị trấn. Bên kia con đường trục lên cửa khẩu Bình Mãng là cửa hàng bách hóa và hiệu sách, đi lên hướng biên giới là trường cấp 1+2, xuôi về phía ngã ba Đôn Chương là cửa hàng thực phẩm. Cơ quan huyện ủy Hà Quảng ở dưới chân một mỏm núi gần chợ Sóc Giang. Gần đó là nhà bưu điện huyện. Trụ sở UBND huyện Hà Quảng thì ở mãi mé bên kia đường, sát gần chân dãy núi đá.
Đang lang thang ở thị trấn Sóc Giang thì bất ngờ tôi gặp thằng Tâm. Nguyễn Công Tâm quê ở Thái Bình, cùng lớp lính nhập ngũ đợt tháng 2-1975 như tôi, cũng đeo quân hàm hạ sĩ cũ mốc meo và chức vụ tiểu đội trưởng, đầu binh cuối cán giống như tôi. Hiện thằng Tâm là quân của Đại đội 10. Lâu rồi chúng tôi mới gặp lại nhau, Nguyễn Công Tâm mừng quá cứ nắm chặt tay tôi. Nó vui mừng báo tin:
-Tao vừa nhận được thư nhà xong. Vợ tao có thai rồi, sau Tết mới sinh. Hôm nào vợ tao sinh báo tin lên chúng mình gặp nhau, tao khao nhé!
Tâm lấy vợ đã lâu. Hai vợ chồng xa cách ít gặp nhau. Trước khi lên biên giới đi tập huấn tiểu đội trưởng Tâm mới tranh thủ về thăm nhà nên giờ đã có tin vui. Nhìn nét mặt quá đỗi vui mừng của nó tôi bảo:
-Tao sẽ chờ ăn khao đấy nhé!
Tâm vẫn chưa hết vui mừng. Nó bảo:
-Hay là bây giờ tao với mày vào chợ Sóc Giang làm bát phở với vài chén rượu ăn mừng trước đã nhé!
Tôi vội từ chối vì khả năng “kin lẩu” (uống rượu) rất kém và đã hẹn với thằng Quy gặp nhau ở cổng chợ để cùng trở về đơn vị, cuối buổi chiều còn có công việc. Sau Tết nguyên đán tôi gặp lại thằng Tâm. Nó tỏ ra rất sung sướng khi báo tin vợ đã sinh con trai, hẹn tôi đến ngày chủ nhật 17-2 gặp nhau ở chợ Sóc Giang để ăn khao. Nhưng bữa “ăn khao” ấy của thằng Tâm và tôi không bao giờ còn thực hiện được nữa…
Cao Bằng -1979
Hà Nội, 10-2021
Ghi chép của Trọng Bảo
Ảnh: Chợ phiên Sóc Giang hiện nay.
Có thể là hình ảnh về ngoài trời
Bạn, Ngô Quang Hà, Lão Vọng và 53 người khác
23 bình luận
6 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ




















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét